CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Chưa rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Hiến pháp


Xung quanh định chế tài phán Hiến pháp liên quan quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi), các nhà khoa học và lập pháp đã có nhiều quan điểm khác nhau. Theo thiển ý của tôi, điểm mấu chốt trong giải quyết bài toán mâu thuẫn hiện nay là làm thế nào có được thiết chế độc lập trong việc giám sát, phán định các hành vi vi hiến trong điều kiện mô hình tổ chức Quốc hội vẫn được xác định là cơ quan  quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trong đó có giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội?
Hội đồng hiến pháp trùng lặp với các ủy ban của Quốc hội

Về mặt pháp lý, điều 120 dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) quy định về Hội đồng Hiến pháp, là cơ quan do Quốc hội thành lập, có chức năng kiểm tra tính hợp hiến, kiến nghị xem xét lại và yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành hoặc khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch Nước phê chuẩn.

Dự thảo xác định, Hội đồng Hiến pháp chỉ là cơ quan do Quốc hội thành lập, nên về mặt pháp lý, đó là một thiết chế không có địa vị pháp lý độc lập để thực hiện chức năng tài phán hiến pháp. Hơn nữa, với tư cách là cơ quan trực thuộc Quốc hội, Hội đồng Hiến pháp bị chế ước bởi thẩm quyền và chức năng như là các ủy ban khác do Quốc hội thành lập theo Luật Tổ chức Quốc hội 2011.
Dự thảo xác định Hội đồng Hiến pháp chỉ là cơ quan do Quốc hội thành lập.

Đó là chưa kể, Hội đồng Dân tộc và nhiều ủy ban được thành lập theo luật này đều có chức năng thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác; thẩm tra những báo cáo được Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao; trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện quyền giám sát; kiến nghị với  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và những vấn đề trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình…

Diễn đàn góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Nhằm hoàn thiện cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Ban Biên tập Báo Lao Động mở “Diễn đàn góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” trên Lao Động điện tử. Nội dung góp ý có thể toàn bộ dự thảo, một nội dung hoặc từng điều, hoặc cách bố cục của dự thảo... Hình thức góp ý có thể là bài viết về một đề tài, một nội dung nào đó hoặc những ý kiến về một điều ... Ban Biên tập Báo Lao Động xin mời bạn đọc gửi bài, ý kiến của mình về địa chỉ “gopyhienphap@ laodong.com.vn”. Lao Động trân trọng cảm ơn.
Mặt khác, như điều 2 dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) quy định, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Với tư cách là một đạo luật cơ bản, “luật cái” của nước nhà, về pháp lý và thực tiễn lập pháp, Hiến pháp phải có một cơ chế hữu hiệu bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp, là nền tảng và nguyên tắc không thể thiếu được của nhà nước pháp quyền, phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong trường hợp này, Hội đồng Hiến pháp như được nêu trong dự thảo lại chưa thỏa mãn được quan điểm nói trên.

Cơ chế bảo hiến hiện nay bị dàn trải

Địa vị pháp lý chưa rõ ràng của Hội đồng Hiến pháp còn xuất phát từ việc chưa phản ánh được Hiến pháp là hình thức pháp lý cao nhất ghi nhận và khẳng định chủ quyền của nhân dân, nên nhân dân là chủ thể có quyền phúc quyết Hiến pháp, thay vì chỉ do cơ quan lập pháp là Quốc hội chế định ra.

Lịch sử lập hiến từ Hiến pháp 1946, 1959 và 1980 trước đây, cũng như Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) cho thấy, tuy đã có những quy định chung về giám sát Hiến pháp, nhưng thẩm quyền lại phân tán cho nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều có thẩm quyền bảo đảm thi hành Hiến pháp, kiểm tra, giám sát và xử lý các văn bản pháp luật trái Hiến pháp, trong đó Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao. Cơ chế này bộc lộ nhiều bất cập, khiếm khuyết như đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu.

Cần có cơ chế bảo hiến độc lập

Mấu chốt của quan điểm coi Hiến pháp là biểu tượng của quyền lực nhân dân chính là cơ chế giám sát quyền lực mà nhân dân giao cho các cơ quan công quyền. Cơ chế  này phải được độc lập nhằm phán quyết các hành vi vi hiến trong cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, những xung đột có thể có giữa các nhánh quyền lực này, đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực. Trong khi đó, phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp về căn bản vẫn do chính cơ quan do Quốc hội thành lập tự giám sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, nên cũng không bảo đảm tính khách quan trong thực hiện quyền tài phán của mình.

Vì vậy, theo suy nghĩ của cá nhân, định chế Hội đồng Hiến pháp chưa phản ánh được bản chất của quyền tài phán Hiến pháp, nên cần được đánh giá và xem xét lại. Trong bối cảnh hiện nay, với cách tiếp cận khuôn khổ điều chỉnh của Hiến pháp mang tính định hướng cho cả một thời gian lâu dài, nên tôi đồng thuận với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đưa ra phương án thành lập tòa án hiến pháp chuyên trách và độc lập là phù hợp hơn cả.



Copy từ: Lao Động


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét