CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”


Do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) Sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức
Sáng hôm qua, thứ Hai, 24-12-2012, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội.

“Đặc khu Thông tin”

(Tham luận của ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VPI)
Thưa các quý vị đại biểu và các bạn nhà báo,
Bài tham luận của tôi có hai phần, trước hết đề cập tới tác động của truyền thông xã hội (TTXH) lên báo chí, chủ yếu liên quan báo mạng, kế đến là đề xuất một thử nghiệm với báo chí nhằm tận dụng lợi thế của TTXH. Chính tựa đề bản tham luận là thể hiện đề xuất đó, lập “Đặc khu Thông tin”.
Tháng 12 này, chúng ta vừa kỷ niệm 15 năm Internet chính thức vào Việt Nam. Có báo mạng cũng đã kỷ niệm tròn 15 tuổi, như VietnamNet chẳng hạn. Nhiều báo mạng khác ra đời ngay sau khi có Internet, còn các diễn đàn trên mạng, các loại blog, web các nhân, kế đến là Facebook, được gọi là TTXH thì đi sau nhiều, tuổi đời có lẽ chỉ bằng nửa báo mạng, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và tác động lên báo chí đáng kể.
 1
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Cty VPI đọc tham luận
I – Tác động.
1. Cơ quan quản lý, chủ quản.
Cũng có điểm tương đồng ít nhiều là cung cấp thông tin, song TTXH hầu như không bị giám sát, trong khi báo chí phải chịu sự quản lý nhất định. Điều này buộc phía chính quyền phải suy nghĩ để điều chỉnh phương pháp, các quy định kiểm soát báo chí, không thể theo lối cũ quản báo giấy trong bao nhiêu năm qua. Cũng không dễ làm cái chuyện như “bắt chim trời” với những quy định quản lý Internet từ Thông tư 07 cùng Nghị định 97/2008/NĐ-CP 4 năm trước, ra đời mà hầu như không được áp dụng, bị quốc tế phản ứng mạnh và được dự tính thay thế bằng một Nghị định mới, dự thảo từ cách hơn 1 năm, nhưng có lẽ tới giờ vẫn chưa ra được.
Trong hơn 10 năm qua, Chính phủ, các bộ đã có không dưới chục văn bản liên quan tới quản lý Internet, gồm chỉ thị, thông tư, và nghị định.
Có thể so sánh mối quan hệ, tác động qua lại giữa báo chí và TTXH với hình ảnh của một nền kinh tế tập trung, chỉ công nhận các doanh nghiệp nhà nước, trong khi kinh tế cá thể lại trỗi dậy mạnh mẽ, hấp dẫn người tiêu dùng, thế là nhà nước phải xem lại mô hình hoạt động của các “con đẻ” của mình, sao cho nó sống được, khỏe hơn, chứ không thể bóp nghẹt kinh tế tư nhân. Với báo chí và TTXH thì sự khác biệt còn lớn hơn, thay đổi nhanh hơn hẳn nhờ có Internet.
Nếu vì không thể quản được TTXH mà dẫn tới lại soi xét kỹ hơn báo chí thì vô hình trung sẽ làm khoảng cách về độ hấp dẫn độc giả của hai loại hình này ngày càng lớn. Độc giả lại tìm đến với TTXH nhiều hơn, là điều cơ quan quản lý không muốn chút nào.
Một điều không dễ nhận ra, đó là một khi khoảng cách giữa hai môi trường thông tin này càng lớn, thì càng dễ làm méo mó tâm lý, nhận thức của độc giả và người viết, tạo nên những thái độ cực đoan, hoặc quay lưng hẳn với báo chí, dễ tin vào mọi sản phẩm thông tin từ TTXH, hoặc quá e sợ TTXH, cố tình tránh né bằng thái độ bảo thủ quá mức.
Ngay trong các cơ quan liên quan cũng không phải không có sự khác biệt về quan điểm, chỉ xin nói về khác biệt giữa “cơ quan chức năng” với chủ quản, quản lý tài chính. Một đằng muốn giữ “an toàn” thông tin thì lại làm khó cho báo trong kinh doanh, một đằng lại không muốn cứ bao cấp, bù lỗ mãi cho báo, thành thứ “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vậy là cần phải cố tìm tới sự dung hòa, không dễ.
2
2. Độc giả, chính là người tiêu dùng, như đang sống dưới chế độ bao cấp, bỗng kinh tế cá thể được bung ra, như đại hạn gặp mưa, liền đổ xô theo. Họ nhận được thông tin nhanh hơn, thoáng, hấp dẫn, được chia sẻ nhiều hơn hẳn.
Từ chỗ chỉ nhận được một thứ sản phẩm nhất định, nay được có nhiều lựa chọn, độc giả có sự so sánh và phản ứng với báo chí đòi hỏi thay đổi nhiều hơn. Như vậy, TTXH đã tác động lên báo chí gián tiếp qua độc giả.
Thêm nữa, khi nói tới độc giả không có nghĩa chỉ đơn thuần là người “ngoài cuộc”, mà chính ngay trong số họ là các nhà báo, các cán bộ trong các cơ quan quản lý báo chí, các vị lãnh đạo và người thân của họ, tất cả đều chịu tác động của TTXH, từ đó so sánh với báo chí chính thống, không thể không nảy sinh đòi hỏi nâng cao chất lượng cho thứ món ăn tình thần hàng ngày này.
Nói tới tình trạng kinh tế nguy ngập hiện nay không thể không thấy một phần nguyên nhân từ sự yếu kém của báo chí, kênh thông tin, phản biện vô cùng quan trọng. Các nhà lãnh đạo, những người làm chính sách, luật pháp thiếu thông tin, hoặc nhận thông tin sai lệch từ báo chí, sẽ dễ dẫn đến những quyết định sai. Muốn hạn chế hậu quả đó, họ cũng đã, đang tìm đến với TTXH.
Thế nhưng, không thể phủ nhận TTXH cũng chỉ là một kênh thông tin non trẻ và đầy khiếm khuyết khó tránh khỏi. Không khéo léo khích lệ nó để lành mạnh và hữu ích hơn, mà cố ngăn chặn, thì không những không thể, mà còn tạo ra thứ hỏa mù tác động ngược lại tới độc giả.
3. Với người viết. Các báo đều ít nhiều có những cây viết là cộng tác viên. Với cách biên tập, ứng xử theo khuôn phép cũ, mà không chú ý tận dụng lợi thế công nghệ, của Ineternet, sẽ dễ làm họ chán nản. Nhu cầu có tiếng nói đóng góp cho xã hội của họ sẽ đưa họ tới với TTXH. Trên thực tế đã, đang xảy ra như vậy. Từ đó, TTXH vốn đã có nhiều cây viết sắc sảo, đa dạng, kiến thức rộng, có tiếng trong nhiều lĩnh vực, nay ngày càng đông đảo hơn, có thêm cả những người nữa muốn thử sức mình, trở thành các nhà báo không chuyên, càng thu hút độc giả hơn. (Ví dụ về lối biên tập, thêm bớt chỉnh sửa, hỏi lại ý kiến người viết … ).
3
Nhà văn Phạm Viết Đào đọc tham luận
4. Các tòa báo, trước áp lực “mất khách” và thậm chí cả “soi lưng” từ TTXH, họ phải bươn chải hơn để tồn tại, tìm đủ cách “lách”, và câu khách bằng thị hiếu tầm thường, gây tác động làm méo mó thêm từ môi trường báo chí cho tới đời sống văn hóa, tinh thần cả xã hội.
Để góp phần giảm bớt áp lực đó, xin đi vào chi tiết, chuyện “bếp núc”, qua một số thay đổi hoặc chưa thay đổi được, liên quan tới việc tận dụng lợi thế đặc biệt của Internet trong cuộc “tranh đua” với TTXH:
- Thông tin tham chiếu. Một lợi thế mà báo giấy không thể có, là khi đọc một tin, bài, độc giả có thể ngay tức khắc truy cập hàng loạt thông tin liên quan cùng lúc hoặc đã từng được đăng, để đối chiếu, nắm rõ hơn vấn đề, mở mang kiến thức.
Có hai cách tham chiếu, một là đưa tên và đường dẫn những tin bài liên quan đi kèm, việc này nhiều báo đã làm, TTXH thì hầu như không. Cách hai là gắn đường dẫn-link ngay vào đoạn văn của bài viết, giúp độc giả chỉ bấm vào là truy cập được thông tin hữu ích, mới chỉ có vài báo thực hiện, TTXH cũng vậy.
- Lưu trữ bài vở, an toàn hệ thống, tìm kiếm thông tin. TTXH thường dựa trên các hệ thống ứng dụng-quản lý-lưu trữ thông tin của nước ngoài, hiện đại, an toàn, trong khi toàn bộ hệ thống báo mạng của VN thì đều sử dụng những sản phẩm phần mềm do các công ty trong nước viết, từ hình thức cho tới độ tiện dụng, an toàn, bảo mật đều yếu.
Ví dụ: + Tìm kiếm thông tin, trang Nhân dân không xếp theo thứ tự nào cả, đến cả Người lao động, Pháp luật TPHCM mà cũng vậy, làm hạn chế hiệu quả. + Lưu trữ: 3 báo này cũng chỉ cho phép nhận được tin bài trong khoảng 3-5 năm nay thôi, không rõ là chỉ có vậy hay khâu lưu trữ đã không được chú trọng?
Một số báo, tạp chí nước ngoài lưu trữ trên mạng toàn bộ các số báo của họ từ cách đây cả trăm năm, cho phép độc giả truy cập (thường phải phải trả tiền). Ở ta từng báo khó có điều kiện, mà danh nghĩa vẫn là báo nhà nước cả, vậy Bộ TTT nên cùng Thư viện Quốc gia thực hiện việc này, lưu toàn bộ báo giấy (bản ảnh), báo mạng từ ngày ra đời tới nay, rất hữu ích cho nghiên cứu, học tập.
- Cũng một tiện ích nhỏ nhưng khá hữu ích, giúp việc nắm bắt, chọn lựa thông tin của người đọc được nhanh chóng, chỉ ở báo mạng mới cần và làm được, đó là cho phép hiển thị một phần nội dung tin bài khi huơ con trỏ chuột lên tựa bài. Có báo thực hiện rất tốt, cho hiện cả thời điểm bài được lên trang, như Tuổi trẻ. Có báo có nhiều tin bài tốt, mang tên “tiếp thị”, nhưng việc có ý nghĩa tiếp thị này lại không làm, báo lớn như Thanh niên cũng không. Có trang web cá nhân của một nhà báo từ nội dung, tới hình thức tốt vào bậc nhất trên TTXH nhưng cũng không thực hiện cách này.
- Mối quan hệ giữa các báo. Trong khi các blog, FB có những danh mục bạn hữu, trao đổi thông tin, tranh cãi với nhau khá thoải mái, thì các báo mạng rất hạn chế, làm cho độc giả cảm giác thiếu thông tin, bị bó hẹp trong một môi trường nhất định khi truy cập vào một trang báo nào đó. (Ví dụ: yêu cầu bản quyền khác nhau: TT, VTV, DT, TN, … ).
- Đính chính, sửa nội dung. Khi có một thay đổi do sai sót, nhầm lẫn trong tin, bài, lợi thế của báo mạng là có thể thực hiện ngay trên bài viết ban đầu, ngoài một bản tin đính chính riêng. Thế nhưng, hầu như các báo vẫn theo lối cũ thời báo giấy, bài đính chính riêng, nằm ở đâu đó, trong khi độc giả vẫn có thể tiếp tục đọc bài ban đầu với những sai sót mà họ không hề được biết.
4
Nhà báo Mạnh Quân đọc tham luận
Chưa kể, có những tin bài đã lên mạng, vì lý do nào đó không được tồn tại nữa, nhưng lại bị âm thầm gỡ bỏ, hầu như không hề được thông báo, giải thích lý do, độc giả truy cập vào không được. Làm vậy vừa thiếu tôn trọng độc giả, vừa thiếu áp lực trách nhiệm lên chính nơi đã “gây ra” việc phải gỡ bỏ tin bài đó. Ví dụ có rất nhiều, nhưng gần đây nhất là bài trên báo Thanh tra: “‘Đánh đấm’ mạnh, ông Trần Nhung bị ‘trả thù’?” hiện còn thấy được trên mạng là phải nhờ thủ thuật tìm kiếm.
- Phản hồi của độc giả. Đây là một vấn đề rất quan trọng, thu hút người đọc tham gia nếu như nó thực chất, chắc báo nào cũng ý thức được, nhưng có lẽ chủ yếu sợ không quản nổi, sơ xảy bị cơ quan quản lý xử lý. Có báo lớn, số độc giả rất đông, nhưng lại hầu như không đăng ý kiến phản hồi, hoặc loan tin là có cả trăm, nhưng chỉ chọn đăng vài ý kiến. Làm vậy, độc giả rất nản!
Phải nói thêm rằng nhiều độc giả có thông tin, kiến thức rất tốt liên quan tới một bài báo mà họ đọc, muốn chia sẻ với cộng đồng, cùng nhau nâng cao dân trí, họ sẵn sàng viết phản hồi công phu không thua gì một bài báo, bài nghiên cứu, nhưng khi biết dẫu có viết ra, cũng sẽ bị “vứt sọt rác”, họ đành quay lưng. Cứ đao to búa lớn “chảy máu chất xám” ở ngành này, ngành kia, trong khi “chảy máu”, “mất máu” ngay tại đây từ những chuyện tưởng như nhỏ.
5. Các nhà báo là những người chịu sức ép trực tiếp của TTXH. Nội dung thông tin họ đưa, lối viết, mức độ nhanh nhạy … có thể được kiểm chứng, so sánh, đánh giá trên mạng TTXH. Mặt tốt là họ sẽ phải chủ động hơn trong trau dồi tay nghề, bớt xơ cứng, có thêm thông tin, đa chiều hơn, có điều kiện học hỏi, tìm ra ý tưởng mới … Mặt không lợi có thể sẽ ở chỗ bị cuốn theo nhu cầu quá độ của “thị trường”, dễ mắc sai sót, chất lượng bài vở thấp.
Được đào tạo trong trường lớp mà có lẽ việc chuẩn bị cho một thế giới TTXH phát triển mạnh như hiện nay là không được bao nhiêu.
Một số trong họ cũng đã “tự phát” tham gia vào TTXH, bằng việc mở blog, viết bài cho blog/web cá nhân, tham gia các diễn đàn… Nhưng hình như có báo lại hạn chế CBCNV lập blog? (Nghe đồn là Dân Việt?).
6. Phát hành. Mô hình xưa cũ phát hành báo giấy hoàn toàn xa lạ với báo mạng hiện nay. Tại sao không nghĩ tới việc báo mạng cũng phải có doanh nghiệp “phát hành”, tức là giúp “bán báo” trên mạng?
Hiện thấy có ít nhất 3 trang web của doanh nghiệp VN hoạt động dưới dạng này, với thứ tự xếp hạng trên Alexa tại VN là Báomới.com (14), Đọc báo (439), và Xem báo mới (1.350). Của nước ngoài thì có Google News tiếng Việt. Xin góp ý Hội Phát hành báo chí VN nên kết nạp các báo mạng, các công ty “đọc báo” này rồi cùng nhau bàn tính cách phát triển hơn.
 5
TS Nguyễn Quang A phát biểu ý kiến
II – Thử nghiệm.
Cách đây ¼ thế kỷ, nền kinh tế quan liêu bao cấp đứng trước thách thức, đòi hỏi của xã hội, buộc phải có những bước cải cách mạnh mẽ, chuyển sang kinh tế thị trường. Trước đó, trong nhiều năm, cũng đã có những thử nghiệm khuyến khích kinh tế cá thể, tạo nên những áp lực, cho ta kinh nghiệm đi tới “Đổi mới”.
Thế nhưng, mới cải cách kinh tế thôi, về chính trị thì chưa. Giáo dục, Tư pháp … cũng có những cố gắng gọi là “cải cách” nhưng rất chậm, luẩn quẩn, thậm chí bị cho là thụt lùi. Có lẽ vì đi tới theo lối “khập khiễng” nên mới có tình trạng kinh tế, xã hội hiện nay.
Vậy cũng cần nghĩ đến một điều, để chuẩn bị cho việc cải cách thể chế chính trị, thì nên cải cách báo chí trước; mà muốn thực hiện thì lại phải đi từng bước. Nếu không tính được từng bước khéo léo, dễ rơi vào tâm trạng e sợ, co thủ lại, càng lúng túng thêm.
Khi bước vào cải cách, hệ thống kinh tế XHCN đã đưa ra những mô hình thử nghiệm, là “Đặc khu Kinh tế”, “Khu công nghiệp”, “Khu chế xuất”, “Khu kinh tế mở”. Thử hình dung, nay bước vào một giai đoạn thử nghiệm cải cách báo chí trước áp lực phải thay đổi, một phần từ TTXH, có lẽ cũng cần thử một mô hình, tạm gọi là “Đặc khu Thông tin” (ĐKTT).
ĐKTT là khu vực trung dung giữa báo chí chính thống và TTXH. Ở đó có sự theo dõi, quản lý nhất định của cơ quan chức năng, nhưng không cần thiết chặt chẽ như với báo chí hiện nay. Ở đó thông tin cung cấp “thoáng” hơn báo chí chính thống nhưng sẽ cẩn trọng hơn so với TTXH.
Có những thông tin “nhạy cảm” của nhà nước, không tiện đưa lên báo (có thể tránh đụng chạm quan hệ ngoại giao chẳng hạn, vì mang tiếng là báo nhà nước), nhưng lại rất cần phổ biến tới người dân, để thử nghiệm hay tận dụng tiếng nói công luận. Có những vấn đề cần lắng nghe nguyện vọng, sáng kiến của dân, nhưng lâu nay vẫn lúng túng khi cần tổ chức thu thập qua báo chí “chính thống” …
ĐKTT sẽ là nơi gửi gắm những điều đó. Cụ thể tạm nêu ra 3 loại:
1. Tạo điều kiện, riêng, đặc biệt cho một số tờ báo.
Trước mắt chỉ thử nghiệm cho 1-2 báo, được đưa những tin bài phản ánh rõ, đầy đủ, nhiều chiều hơn, được thảo luận cởi mở hơn trong một số vấn đề được coi là “nhạy cảm” mà báo chí nhà nước tránh, hoặc thông tin không đầy đủ.
Những báo này có thể sử dụng địa chỉ tên miền quốc tế, ban lãnh đạo không hoàn toàn ở Việt Nam, nguồn tài chính có cả tư nhân, nhưng cơ quan, tổ chức của nhà nước vẫn nắm phần lớn.
Thực ra, đây cũng như một thử nghiệm, chuẩn bị cho việc chính thức cho phép có báo tư nhân. Trong hơn mười năm qua, thực tế đã có báo chí tư nhân, nhưng dưới nhiều dạng biến tướng, núp bóng cơ quan đoàn thể, không rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, cũng không có một ý thức, phương pháp mạch lạc cho việc chuẩn bị từng bước cải cách hệ thống báo chí cả nước. Các báo nửa tư nhân này hầu như mang tính tự phát, thuần túy kinh doanh; phía cơ quan quản lý thì thụ động theo yêu cầu “làm kinh tế” của các cơ quan chủ quản có các báo “ăn theo” này.
6
LS Trần Vũ Hải phát biểu ý kiến
2. Blog trên báo. Cách này báo nước ngoài đã làm, ở VN cũng đã có báo thử nghiệm, nhưng không rõ tiêu chí, như VOV News, còn Lao động cũng có nhưng … như không. Khác với các nước có môi trường thông tin thoáng hơn, ta cần coi loại hình này như là một thứ “cửa sau” giúp báo chí nhà nước nâng chất lượng, độ hấp dẫn độc giả, nhưng bớt bị bó buộc vào khâu quản lý. Ở môi trường này, có thể có cả các nhà báo, cả những cây viết “ruột” của báo, nội dung, phạm vi đề cập được thoải mái hơn, BBT ít phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
3. Khuyến khích một số trang mạng, blog cá nhân tự chấp nhận nằm trong sự quản lý ở mức độ nào đó của cơ quan chức năng.
Các trang mạng, blog cá nhân này sẽ tự nguyện đăng ký và được cơ quan quản lý báo chí công nhận.
Họ được hưởng một số quyền lợi nhất định, như cấp loại thẻ riêng (khác thẻ nhà báo), tham dự các khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí, tham gia một số cuộc họp giao ban, hội thảo chuyên đề báo chí v.v..
Mặt khác, họ lại phải giữ mối quan hệ nhất định với cơ quan quản lý báo chí, chấp nhận một số yêu cầu đăng tải, điều chỉnh thông tin khi cần thiết, cũng có thể bị tước thẻ, rút giấy đăng ký … tùy phía cơ quan quản lý, nếu có nhiều bất đồng quan điểm liên quan đăng tải tin, bài với cơ quan này.
Cơ quan quản lý loại hình này chỉ nên là một, Bộ hoặc Sở TTTT.
Đây cũng là một kênh đối thoại, thông hiểu lẫn nhau giữa cơ quan chức năng và người dân, cư dân mạng, giảm bớt khoảng cách đang ngày càng lớn.
Trên đây chỉ là vài gợi mở, cần suy nghĩ thêm những hình thức khác và đi sâu mổ xẻ các cách thức thực hiện.
Xin cám ơn quý vị đã chú ý lắng nghe và mong nhận được ý kiến đóng góp.
-
Ghi chú: bài Tham luận được soạn cho việc trình bày trực tiếp, nên hạn chế cách hành văn như bài báo thông thường. Nhiều ý trong bài có thể sẽ được tác giả đi sâu hơn trong khi trình bày.
Ảnh: Cộng tác viên DM của trang Ba Sàm.
——————
Quân đội nhân dân

Truyền thông xã hội và những tác động lên tác nghiệp báo chí

Thứ Hai, 24/12/2012, 15:46 (GMT+7)
QĐND Online - Ngày 24-12, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”.
1
Các tham luận tại hội thảo cho rằng, truyền thông xã hội là cách thức truyền thông thể hiện sự tương tác thông tin đa chiều, trực tuyến trên internet. Truyền thông xã hội đang được thể hiện dưới hình thức của các mạng xã hội (Facebook, MySpace, Blogspot…) và các trang chia sẻ tài nguyên (Youtube, Flickr…)
Các đại biểu cũng cho rằng, truyền thông xã hội cung cấp nhiều thông tin, đề tài cho báo chí, giúp thông tin trên báo chí được quảng bá nhanh và rộng, giúp báo chí đối thoại trực tiếp với người đọc…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý báo chí khi tiếp nhận tin tức trên truyền thông xã hội cần lựa chọn và kiểm chứng để chính thống hóa thông tin. Quan trọng hơn, báo chí phải góp phần định hướng thông tin trên mạng xã hội.
Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG
——————
VNEconomy

Truyền thông xã hội tác động gì đến báo chí?

22:10 (GMT+7) – Thứ Hai, 24/12/2012

►Tính đến hết tháng 7/2012, tại Việt Nam có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động…

2
NGUYỄN LÊ
Diễn ra ở quy mô nhỏ, song hội thảo Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức sáng 24/12 được nhiều ý kiến đánh giá cao.
Tại đây, quan điểm quản lý làm sao để phát huy mặt tích cực của truyền thông xã hội của ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương (Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông) đã được nhiều ý kiến đồng tình.
Ở phần trình bày được nhấn mạnh là chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, ông Phúc cho rằng dù có cả tích cực và tiêu cực song xu hướng phát triển của truyền thông xã hội là khách quan, trong khi báo in đang gặp phải khó khăn thực sự.
Tính đến hết tháng 7/2012, vẫn theo ông Phúc, tại Việt Nam có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, tăng 112 mạng so với cuối năm 2011.
Sự phát triển rầm rộ của truyền thông xã hội trong nước đặt ra không ít vấn đề về việc quản lý nội dung thông tin, đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi mới, phức tạp hơn và ở tầm cao hơn cho công tác quản lý nhà nước về báo chí, ông Phúc nói.
Điểm tên các tác động tích cực của truyền thông xã hội đối với báo chí và xã hội, trong đó có sức lan tỏa của hoạt động thiện nguyện, ông Phúc đã nhắc đến phong trào ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa (hoạt động mang tên “cơm có thịt” – PV)  do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng với sự nhấn mạnh “chỉ có truyền thông xã hội mới làm được tích cực và hiệu quả như vậy”.
Tác động tiêu cực được nhấn mạnh là truyền thông xã hội đã làm giảm mạnh doanh thu quảng cáo của báo chí truyền thống. Với quảng cáo của mạng xã hội, ông Phúc đã đưa ra con số 30% từ 6 tháng cuối năm nay và con số 5% của năm 2010 để chứng minh sự “lấn sân” mạnh mẽ của khu vực này.
Nhận định truyền thông xã hội có tác động rất lớn đến báo chí, Giám đốc Công ty VPI, ông Nguyễn Hữu Vinh bày tỏ sự tán đồng với quan điểm không nặng về “quản” mà tìm cách phát huy mặt tích cực của truyền thông xã hội của ông Lưu Đình Phúc.
Ông Vinh cho rằng, không thể phủ nhận tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay không có một phần nguyên nhân từ sự yếu kém của báo chí, kênh thông tin, phản biện vô cùng quan trọng. Các nhà lãnh đạo, những người làm chính sách, luật pháp thiếu thông tin, hoặc nhận thông tin sai lệch từ báo chí, sẽ dẫn đến những quyết định sai. Muốn hạn chế hậu quả đó, họ cũng đã, đang tìm đến với truyền thông xã hội.
Trong mối tương tác với báo chí, TS. Đoàn Thế Hanh đến từ Tạp chí Cộng Sản dẫn con số thống kê của một chuyên gia nước ngoài cho thấy có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn, 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog và 16% trong số họ có trang blog riêng.
Theo TS. Nguyễn Quang A, truyền thông xã hội có vô vàn “rác” nhưng cũng có rất nhiều “kim cương” là những thông tin xác đáng. “Nếu cấm thì không ổn, vì rác ở báo chí chính thống cũng nhiều”, ông nhận xét.
Có mặt tại hội thảo trong vai trò diễn giả, các nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao Động) và Mạnh Quân (Sài Gòn Tiếp Thị)… cũng đã làm rõ hơn mối tương tác giữa truyền thông xã hội với báo chí.
“Có lẽ nhu cầu mang thông tin đến với công chúng là một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều nhà báo mở các trang blog cá nhân, thay vì việc phải kiếm tìm cho mình một cái hố”, nhà báo Đào Tuấn phát biểu.
Nhà báo Đào Tuấn cho rằng, nếu như Luật Tiếp cận thông tin được đưa ra và thông qua tại Quốc hội, và được thi hành nghiêm túc trên thực tế, có lẽ, chúng ta đã không cần phải nói tới chủ đề này khi mà quyền tiếp cận giữa các công dân hành nghề báo chí và không hành nghề báo chí, là bình đẳng.
“Có rất nhiều thông tin từ facebook, từ các diễn đàn, trang web, blog cá nhân…hữu ích cho công việc của tôi mà nhiều khi, đọc báo chính thống, tôi không có được hoặc có chậm hơn” nhà báo Mạnh Quân cho biết.
Tuy nhiên, vừa là một nhà báo, vừa là blogger, nhà báo Mạnh Quân cho rằng, luôn phải phân biệt rõ hai vai trò này. Khi viết báo, chắc chắn không thể nào viết như một blogger và cũng có thể là ngược lại.
Với những thông tin xác thực từ facebook hay từ các trang blog, nhà báo phải biết chuyển tải nó theo một cách bài bản hơn, có nguyên tắc hơn để bài viết có đăng được trên mặt báo. Nó phải đủ sâu sắc, hay, có căn cứ, lý lẽ thuyết phục và phải tuân theo một số quy định, nguyên tắc về đưa thông tin trên báo của nhà nước, của tòa soạn, nhà báo Mạnh Quân chia sẻ.
——————-
VietnamNet

Nhà báo, blogger: Chỉ cần đều vì độc giả

25/12/2012 00:19
 Các ý kiến tại hội thảo Tác động của truyền thông xã hội (TTXH) lên tác nghiệp báo chí chỉ ra một khoảng cách thực tế đang tồn tại giữa hai nguồn thông tin.
Trên mạng đang xôn xao vấn đề gì…
Các ý kiến tại hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức sáng 24/12 thống nhất rằng sự ra đời và lớn mạnh TTXH – các mạng xã hội, blog, web cá nhân… chỉ trong vài năm đã thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng.
PGS.TS Đoàn Thế Hanh, ủy viên Ban biên tập Tạp chí Cộng sản, chỉ ra: “TTXH đang góp phần đáp ứng một nhu cầu lớn của công chúng trong xã hội hiện đại, giúp họ không chỉ là người đón nhận thông tin mà còn là người phát tán thông tin và tham gia phát triển thông tin”.
Với lợi thế về kết nối và chia sẻ, TTXH đã chứng minh vai trò đối với báo chí chính thống. “TTXH hỗ trợ nhà báo phát hiện những vấn đề đang nổi lên, đang diễn ra. Từ những sự việc mà cư dân mạng bàn tán xôn xao, báo chí có thể kịp thời xác minh, phê phán những hành động tiêu cực và biểu dương những hành vi tích cực”, ông Hanh nói.
Công chúng coi TTXH là bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin, thậm chí ở chừng mực nào đó, TTXH đang “dẫn dắt” xu hướng thông tin đối với báo chí, ông Hanh nhận định.
1
“Báo chí cũng có thể ‘định hướng’ thông tin trên TTXH nếu nhanh nhạy nắm bắt và cung cấp thông tin về những vấn đề đang được xã hội quan tâm, bình luận sắc sảo, năng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả, giúp người đọc thấy được bản chất vấn đề”, PGS.TS Đoàn Thế Hanh nói.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam ở nay, TTXH và báo chí chính thống đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc “giành giật” công chúng và có vẻ TTXH đang thắng thế, nhà báo Lê Ngọc Sơn (báo Hoa Học trò) nhận định.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng quản lý báo chí TƯ, Cục Báo chí, Bộ Thông tin – Truyền thông, sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là người trẻ, tập trung ở thành thị, nhưng số người lớn tuổi đang tăng, có thể coi là dấu hiệu về sức hấp dẫn của TTXH.
Công chúng sàng lọc kim cương và rác
Theo đa số ý kiến, khoảng cách giữa báo chí và TTXH có phần do “lỗi” của chính báo chí. “Đặc thù của nền báo chí Việt Nam, đặc biệt trong quản lý, đang tạo ra khoảng cách giữa báo chí và xã hội”, nguyên trưởng phòng thanh tra hành chính chống tham nhũng, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Phạm Viết Đào, người tự nhận đã kinh qua cả ba vai nhà quản lý – nhà báo – blogger, nhận định.
Trong nhiều ví dụ, ông Đào nêu nạn nợ xấu do tiền ngân hàng đổ nhiều vào thị trường bất động sản: “Hàng trăm tờ báo chuyên ngành về kinh tế, hoặc không chuyên nhưng vẫn có chuyên trang về thị trường, lại không có một phản biện, dự báo nào để ngăn các nhà đầu tư, tránh được thảm họa bất động sản hiện nay”.
2
Trong khi đó, TTXH lại “hấp dẫn mãnh liệt ở chỗ nó mở cho mỗi cá nhân cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài và bày tỏ chính kiến – một nhu cầu không có điểm dừng, là cuộc cách mạng với không chỉ một xã hội khép kín lâu năm như Việt Nam mà với cả những xã hội có truyền thống dân chủ cởi mở hơn” như nhà văn Phạm Viết Đào nhận định.
“Với cách nhìn nhận các vấn đề chính trị, xã hội theo quan điểm cá nhân, TTXH là một phần của xã hội dân chủ”, nhà báo Đào Tuấn (báo Lao động) nhận định.
Theo ông Tuấn, để cạnh tranh, nhà báo cần luôn nhớ vai trò “người chép sử của thời đại” – đừng để có những khoảng trống trong lịch sử.
Hay như nhà văn Phạm Viết Đào đúc kết: “Làm sao để các nhà báo hết mình với dòng chảy cuộc sống như các mạng xã hội”.
Từ đó, nhiều ý kiến tại hội thảo lưu tâm đến vai trò của các cơ quan quản lý – những người vẫn còn không ít nghi ngại đối với TTXH.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu kinh tế ham viết lách, TTXH thực ra là “những câu chuyện ở quán bia”, có cả rác và kim cương, tương tự ở báo chí chính thống.
Những tờ báo không còn thông tin những gì độc giả cần sẽ dần “mất khách”, những blogger không chứng minh được giá trị đối với độc giả sẽ bị “quay lưng”, ông A khẳng định độc giả đủ khả năng nhận biết rác và kim cương.
“Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để chính cộng đồng nâng cao năng lực sàng lọc và lựa chọn thông tin, ông Nguyễn Quang A nói.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Đình Phúc, cần có thời gian cho các nhà quản lý vì TTXH là một hiện tượng mới.
Tính đến hết tháng 7/2012, Việt Nam có 263 mạng xã hội đăng ký hoạt động, chủ yếu là các mạng về tài chính, thương mại, giải trí, công nghệ…
Bài và ảnh: Chung Hoàng
* Ghi chú: ảnh trong bài của VNN bị lẫn lộn giữa ông Lưu Đình Phúc với ông Đoàn Thế Hanh.
——————–
Tuổi trẻ

Xuất hiện “cạnh tranh” giữa mạng xã hội và báo chí

Thứ Ba, 25/12/2012, 00:34 (GMT+7)
Ngày 24-12, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) đã tổ chức hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”.
Ông Lưu Đình Phúc (trưởng phòng báo chí trung ương, Cục Báo chí Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết hiện nay VN có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động. Trong đó, VN là một trong những quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội Facebook tăng nhanh nhất của khu vực châu Á.
Các diễn giả tại hội thảo đều khẳng định mạng xã hội đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho nghề báo bên cạnh các kỹ năng tác nghiệp truyền thống. Nhiều nhà báo xem mạng xã hội là nơi để tìm kiếm các nguồn tin cũng như “đo lường” dư luận xã hội. Trình bày quan điểm cá nhân, ông Lưu Đình Phúc đặt vấn đề truyền thông xã hội đang cạnh tranh với các phương tiện truyền thông.
Theo ông, kết quả các khảo sát cho thấy hiện số người xem truyền hình, đọc báo, tạp chí, báo mạng, nghe đài… lớn hơn truyền thông xã hội. Tuy nhiên, một số nhà báo tại hội thảo cho rằng nhìn ra thế giới thì có nơi truyền thông xã hội đã chiếm ưu thế trong cuộc “giành giật” công chúng với báo chí. Dù vậy, theo ông Nguyễn Quang A (nguyên chủ tịch Hội Tin học VN), báo chí chính thống và truyền thông xã hội hoàn toàn có thể cộng sinh với nhau trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin thật sự của bạn đọc.
V.V.THÀNH
———————-
Sài Gòn Tiếp thị

Báo chính thống và truyền thông xã hội cần cộng sinh 

Ngày 25.12.2012, 08:29 (GMT+7)
SGTT.VN – Đó là ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Quang A tại hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” do sứ quán Anh và trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (Red) tổ chức sáng 24.12 tại Hà Nội.
3Theo ông Quang A, thông tin trên các mạng truyền thông xã hội (TTXH) như Facebook, blog… “thì rác cũng có mà kim cương cũng có”. Vì thể, để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả thì báo chí chính thống và TTXH cần phải cộng sinh. “Không có gì tốt hơn là thảo luận, trao đổi, nếu có tinh thần xây dựng để đất nước phát triển tốt hơn”, ông nói.
Nhiều ý kiến của các diễn giả đồng tình, với sự phát triển nhanh chóng, TTXH đang giúp độc giả thỏa mãn nhu cầu thông tin của họ.
Ông Đoàn Thế Hanh, ủy viên ban biên tập tạp chí Cộng Sản nhận định, càng gần hiện nay, công chúng càng thừa nhận sự nhanh nhạy của mạng xã hội và coi nó là người bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng trong chừng mực nào đó, mạng xã hội đã dẫn dắt xu hướng thông tin đối với báo chí.
Đến từ cơ quan quản lý, ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, cục Báo chí, bộ Thông tin và truyền thông cung cấp số liệu, tính đến tháng 7.2012, tại Việt Nam có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, tăng 112 mạng so với 2011. Số liệu cho thấy xu hướng phát triển nhanh của các mạng xã hội. Đặc biệt, TTXH có xu hướng cạnh tranh với báo chí truyền thống về số người xem, quảng cáo.
Với riêng mạng Facebook, đến nay số người sử dụng đã lên tới con số trên 1 tỉ người. Tính đến tháng 10.2012 thì châu Á (gồm các nước Trung Đông) đã vượt qua châu Âu trở thành khu vực có số lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới với trên 242 triệu thành viên, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ với 241 triệu và hơn 235 triệu thành viên. Nếu Facebook là một quốc gia thì có dân số đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Dưới góc độ người làm báo, ông Mạnh Quân (báo Sài Gòn Tiếp Thị) thừa nhận, với không ít nhà báo, việc tham gia vào TTXH như Facebook hay blog còn là công cụ để giữ “lửa nghề”. Tuy nhiên cũng chỉ nên coi là công cụ để hỗ trợ công việc phần nào chứ không nên quá sa đà.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, giám đốc công ty VPI cho rằng, các tòa báo, trước áp lực “mất khách”, và thậm chí cả soi lưng từ TTXH, họ phải bươn chải hơn để tồn tại, tìm đủ mọi cách lách, và câu khách bằng thị hiếu tầm thường, gây tác động làm méo mó thêm từ môi trường báo chí cho tới đời sống văn hóa, tinh thần của cả xã hội.
Thế nhưng, nếu vì không thể quản được TTXH mà dẫn tới lại soi xét kỹ hơn báo chí thì vô hình trung sẽ làm khoảng cách về độ hấp dẫn độc giả của hai loại hình này ngày càng rộng. Từ đó, ông Vinh nêu đề xuất, khi bước vào cải cách, có những mô hình như đặc khu kinh tế thì có lẽ cũng cần thể nghiệm mô hình “Đặc khu thông tin”. Là khu vực trung dung giữa báo chí chính thống và TTXH. Ở đó có sự theo dõi, quản lý nhất định của cơ quan chức năng nhưng không cần chặt chẽ như với báo chí hiện nay. Ở đó thông tin cung cấp thoáng hơn báo chí chính thống nhưng sẽ cẩn trọng hơn TTXH. Có những thông tin “nhạy cảm” của Nhà nước, không tiện đưa lên báo, nhưng lại rất cần phổ biến với người dân, thử nghiệm hay tận dụng tiếng nói của công luận. Có những vấn đề cần lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, sang kiến của dân, nhưng lâu nay khi cần tổ chức thu thập qua báo chí chính thống. Có một số hình thức như Blog trên báo, blog cá nhân chấp nhận sự quản lý mức độ nào đó của cơ quan chức năng…
THIÊN BÌNH



Đọc thêm tại trang Ba Sàm




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét