Đọc xong đoạn trên, đố bạn đọc tìm ra tác giả nói về ưu tiên nào là hàng đầu. Chỉ biết chữ XHCN nhắc lại tới 3 lần trong 1 câu.
Một độc giả có nick Dân Gian bình loạn, cái gì cũng là mũi nhọn, hóa ra là quả mít.
Vì khó đạt được tất cả mọi thứ một lúc, các nước phương tây thường đặt ra vài ba ưu tiên và cố đạt bằng được. Đầu óc thực tế rất quan trọng trong phát triển.
Tháng 3 (19-3), cựu Thủ tướng Tony Blair đến Hà Nội trong vòng 16 tiếng. Người ta không rõ Tony bàn gì với Thủ tướng NT Dũng vì báo chí không đưa rõ. Nhưng có thể đoán, phát triển giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của cựu thủ tướng Anh.
Tháng 5, Tony lại đến WB nói chuyện, đưa ra lời khuyên đơn giản “y tế, giáo dục và hạ tầng” rất quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Giáo sư Michael Dukakis – cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts, và hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giải pháp điều hành của nhà lãnh đạo để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Giáo sư cũng cho rằng, có hai trụ cột quan trọng tạo nên sự thành công của bang Masachusetts, đó là đầu tư cho hạ tầng và đầu tư cho giáo dục.
“Xét về mặt chính trị, tôi đã phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn. Nhưng một trong những điểm sáng quan trọng nhất để có thể vực dậy nền kinh tế của bang Massachusetts, cũng như việc “biến” Massachusetts thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học của Mỹ, đó chính là nhờ vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng”- GS Michael Dukakis nhấn mạnh.
Cả hai chính khách nổi tiếng này đều nói về giáo dục – hạ tầng về tri thức và giao thông, và kiến trúc đô thị, nền tảng cho phát triển. Ngành này hỗ trợ cho ngành kia, kiềng ba chân bao giờ cũng vững.
Ai từng đến London của Tony Blair và Boston của Michael Dudakis sẽ thừa nhận hai ông này rất có lý khi khuyên bảo các nước nghèo như vậy.
Không đủ nhân lực, vật lực, tiền của như nước mình thì cũng nên tập trung vài mũi nhọn, liệu cơm mà gắp mắm.
Ví dụ, nông nghiệp là mũi nhọn của nước mình. Năm 1986, sau vài năm chia ruộng đất cho nông dân, VN từ một quốc gia nhập khẩu gạo, thành nước xuất khẩu. Mấy năm trước có bàn về IT cũng là thế mạnh.
Bàn mãi bàn mãi, cuối cùng IT chẳng đến đâu. Lúa gạo cũng xuất kha khá nhất nhì thế giới, nhưng được đồng nào, đem nướng vào Vinashin, Vinalines, Bauxite và hàng trăm công trình “thế kỷ” trong 1000 năm Thăng Long, chỉ vì chiến lược “cái gì cũng một tý” như báo cáo Chính trị nói trên.
Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ Nông nghiệp và Tin học là ngành mũi nhọn của nước mình. Trong vài entry tới, Hang Cua sẽ cùng các bạn đọc bàn về vấn đề này đến nơi đến chốn. Bạn đọc nào có cao kiến, xin gửi bài về Hang Cua để chúng ta bàn thử xem sao.
Mấy tuần qua, liên tục có các chuyến thăm của các quan chức cao cấp đi Trung Quốc, đến Mỹ, sang Thái, rồi Indonesia … Chỗ nào cũng là đối tác chiến lược, đa phương hóa, đa diện hóa. Quốc tế chẳng hiểu VN là bạn thân nhất của nước nào.
Làm ăn trong hội nhập phải có sự tin cậy nhất định, quan hệ lâu dài theo kiểu đồng minh, win-win cùng chiến thắng. Sao không chọn lấy vài người bạn hay đồng minh mũi nhọn cho chắc ăn, ai cũng chiến lược, cuối cùng chẳng có ai đến thực tâm với mình.
Nghĩ đi nghĩ lại, thấy chiến lược phát triển và ngoại giao nhà mình sao mà giống quả mít, chỗ nào cũng mũi nhọn.
Nhớ câu thơ của Hồ Xuân Hương
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
Thương thì thương cho chót, đóng phát cọc cho chắc mà làm ăn, lo phát triển cho mạnh lên đã.
Cử lửng lơ con cá vàng, sờ soạng bên ngoài quả mít, nhựa dính chỉ tổ bẩn tay.
HM. 12-04-2013
Copy từ: Hiệu Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét