CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Không thể trắng tay

Bùi Tín

 Suốt một tháng nay, dư luận trong nước không ngớt bàn luận về bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ý kiến ca ngợi không nhiều, ý kiến dè dặt khá đông, số người hoài nghi không thiếu. Xét về nội dung, có thể dễ dàng khẳng định bản thông điệp rất hay, khá đầy đủ, rất sâu sắc, làm nức lòng người. Chỉ còn là chuyện có thực hiện hay không, thực hiện đến mức nào, biến thành hành động và đạt kết quả ra sao.

Người công dân không nức lòng sao được khi nghe từ miệng người đứng đầu chính phủ đề ra đường lối chính sách, cam kết thực hiện, với những nội dung như:

Đổi mới thể chế kinh tế, để tăng thế cạnh tranh, giảm bớt đến xóa bỏ nạn độc quyền;

Xây dựng Nhà nước pháp quyền, với nguyên tắc “người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm và sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ công chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”;

Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người;

Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại;
Mọi quyết định quản lý Nhà nước đều phải minh bạch;

Nhà nước phải làm tốt chức năng “kiến tạo phát triển”;

Nhà nước phải phát huy được quyền làm chủ thật sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản.

Thật là được lời như cởi tấm lòng. Làm được như vậy thì còn gì hơn nữa. Cả một giấc mơ lớn thành hiện thực.

Trên đây là những ý tưởng chính trị quý báu, như những hạt ngọc tư duy cứu dân độ thế, dẫn đến dân giàu nước mạnh, xã hội hài hòa, ổn định, văn minh, thành quả phát triển được chia công bằng cho toàn dân thụ hưởng. Thật tuyệt vời !

Làm được một phần như thế, Việt Nam sẽ thoát khỏi hàng ngũ những nước do Liên Hợp Quốc xếp vào loại độc đoán phi dân chủ, để gia nhập hàng ngũ các nước dân chủ của thời đại. Việt Nam cũng sớm thoát khỏi thứ hạng 172/184 nước về tự do báo chí.

Sẽ là một bước tiến dài, một bước nhảy vọt về chất của xã hội, để hình thành một xã hội công dân năng động hoàn chỉnh.

Cả xã hội sắn tay chung sức thực hiện đầy đủ Thông điệp này, đổi mới thể chế chính trị đi cùng thể chế kinh tế, đó chính là Diễn biến Hòa bình, ở đây chứ còn ở đâu nữa. Một cuộc Cách Mạng xã hội sâu sắc dựa vào sức mạnh của toàn dân, một cuộc Cách mạng Dân chủ của dân, do dân và vì dân .

Xin hãy so sánh nội dung của Thông Điệp nói trên với cương lĩnh của Con Đường Việt Nam, với chiến lược của Tập họp Dân chủ Đa nguyên, với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp do 72 trí thức chủ xướng được gần 15 ngàn người đồng tình, sẽ thấy phần lớn là ăn khớp với nhau, hòa nhập với nhau, cộng hưởng cùng nhau, không có gì xung khắc khác biệt. Vì tất cả đều mang tư duy sâu sắc về dân chủ, về trách nhiệm và quyền hạn của công dân, theo quan niệm cơ bản mọi quyền lực là thuộc về nhân dân, đổi mới thể chế kinh tế gắn chặt với đổi mới thể chế chính trị, hội nhập chặt chẽ với xu thế dân chủ quốc tế của thời đại.

Trên văn kiện, ông thủ tướng rõ ràng là một Chiến sỹ Dân chủ Tiên phong.

Nhưng…suy đi nghĩ lại, có bao nhiêu điều để vấn vương, để băn khoăn và để hoài nghi một cách chính đáng.

Ông thủ tướng là đảng viên CS, là ủy viên Ban chấp hành trung ương, là ủy viên Bộ chính trị, xin được biết Thông điệp này đã được trung ương và Bộ chính trị thảo luận và thông qua hay không ? Vì Thông điệp có nhiều nội dung không ăn khớp với Điều lệ đảng CS, với Cương lĩnh của đảng CS, với bản Hiến pháp 2013 do Ban chấp hành trung ương đảng CS thông qua rồi đưa ra quốc hội dơ tay biểu quyết. Thậm chí có những tư duy ngược chiều nhau, những mâu thuẫn không thể điều hòa,Vì nếu như Thủ tướng thực hiện Thông Điệp một cách quyết liệt trong hành động của chính phủ và của nhấn dân ắt là sẽ phải vượt qua không ít “ tường lửa “ của Cương lĩnh đảng và Hiến pháp 2013, vượt qua nền chuyên chính độc quyền của đảng CS do chủ nghĩa Mác – Lênin xác định, vượt qua nền tư pháp quen xử án kín theo lệnh đảng hơn là theo luật, sẽ thả hết tù chính trị dân chủ đang bị đày đọa trong các trại giam độc ác chỉ vì“ tội ” đòi tự do và quyền dân chủ cho nhân dân, lập tức nghiêm cấm ngành công an không được tra tấn đánh đập hành hạ công dân như họ đang làm hàng ngày, ngay giữa những ngày Tết Giáp Ngọ này. Làm được vậy chính là mang Thông điệp vào trong cuộc sống một cách trung thực, nói và làm nhất quán với nhau, Thủ tướng không tự mâu thuẫn với chính mình.

Nếu như không làm được như thế thì Thông Điệp vẫn chỉ nằm trên giấy, đọc nghe sướng tai nhưng nhân dân càng thêm đau lòng vì các tật bệnh của chính quyền độc đảng vẫn còn nguyên vẹn, tệ tham nhũng vẫn hoành hành dữ dội hơn, ngành công an vẫn phối hợp với xã hội đen hành hạ những người yêu nước dấn thân cho dân chủ và nhân quyền, cả xã hội vẫn băng hoại vì đồng tiền ngự trị, nền ngân hàng vẫn là nơi chuyển tài sản quốc gia vào túi tham không đáy của các quan chức đảngCS. Mọi sự sẽ không khá hơn, còn tệ hơn trước.

Ông Nguyễn Trung, một trí thức rất có tâm huyết vừa viết trên báo Tuổi Trẻ (2/2/2014)và mạng Diễn Đàn hoan ngênh Thông Điệp của Thủ tướng, đồng thời ông cho biết đã “ suy nghĩ miên man “ về văn kiện này, do đây là sự sống còn của đất nước. Ông nói lên nỗi băn khoăn của bạn bè trong cuộc gặp đầu năm, “ nghi ngờ là tâm trạng phổ biến”. Ông mạnh dạn cảnh báo rằng chớ có chơi chữ, nói cho hay rồi để đấy, “sẽ trắng tay, rất nguy hiểm !”. Ông cho rằng Thủ tướng không thể một mình làm những nội dung trên, toàn đảng phải nhận ra để cùng toàn dân thực hiện trong sự nghiệp quyết liệt này. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt, không có nền dân chủ “gratuite” (cho không), không có bữa ăn Dân chủ miễn phí - ‘’no free lunch democracy”.

Ông Nguyễn Trung cuối cùng khuyến khích nhân dân “ cả nước hãy túm lấy Thông Điệp “, bắt tay cùng thực hiện, coi đây là thời cơ để đột phá xây dựng thể chế mới và nền dân chủ có thực chất, để tuột mất thời cơ này sẽ là mất hết, trắng tay.

Suy nghĩ kỹ ra thì quả là cực khó. Chỉ có một điều kiện duy nhất là Thủ tướng lần này không hứa suông như khi hứa “chống tham nhũng quyết liệt, nếu không sẽ từ chức ngay “. Thủ tướng sẽ trung thực, nhất quán với chính mình, cố gắng thuyết phục bộ chính trị và quốc hội đồng tình nhất trí cao với Thông điệp. Cho dù bộ chính trị và quốc hội có do dự, lừng khừng, thủ tướng vẫn kiên trì vững chí cùng nhân dân thực hiện, được đại khối trí thức, nông dân làm hậu thuẫn rộng lớn, xoay chuyển hẳn tình hình, sẽ được toàn dân hết lòng ủng hộ làm nên chuyện phi thường, làm nên Lịch sử.

Là người đứng đầu chính phủ, nắm trong tay cả bộ máy chính của Nhà nước, được nhân dân đồng tình sâu sắc, chỉ cần thủ tướng quyết hy sinh mọi quyền lợi nhỏ hẹp của cá nhân, của gia đình, của phe nhóm, đặt hạnh phúc của gần một trăm triệu đồng bào yêu quý của mình lên trên hết, làm cho bản Thông Điệp đi nhanh vào cuộc sống, làm cho toàn xã hội bừng dậy sức sống mới như có phép lạ, cả nước tràn ngập phấn chấn và niềm tin vững chắc.

Cầu mong đầu năm Giáp Ngọ này, Thủ tướng và nhóm cố vấn, chuyên gia giúp ông thảo nên bản Thông Điệp đầu năm có giá trị, được Hồn Thiêng Sông Núi soi sáng, được tòan dân kỳ vọng, hãy đi đầu tìm mọi cách thực hiện bằng được nội dung toàn diện và sâu sắc của văn kiện này, mở đầu năm mới bằng những hành động từ nhỏ đến lớn theo đường lối, phương châm , chính sách được ghi trong Thông Điệp, không ngừng thúc đẩy đà chuyển biến theo hướng dân chủ, pháp trị, bình đẳng, công khai và minh bạch.

Niềm tin và hy vọng của toàn xã hội được nhen nhóm lên không phải dễ dàng. Mong ông Thủ tướng và nhóm chuyên gia cố vấn thân cận hiểu thật rõ lòng dân, quý trọng niềm hy vọng mong manh ấy để cho niềm tin và kỳ vọng được nâng lên ngày một cao hơn, chớ để cho niềm tin ấy chưa kịp củng cố đã bị tàn lụi trong thất vọng và đắng cay. Lúc ấy, như ông Nguyễn Trung cảnh báo, sẽ là “mất hết!“, “mất sạch!”, “trắng tay!”. Thủ tướng sẽ mất sạch, toàn dân sẽ trắng tay.

Hy vọng điều cảnh báo trung thực ấy chỉ đề ngăn ngừa, sẽ không xảy ra.


Copy từ: Bùi Tín (VOA’ blog)


..............

NGO cần làm gì cho xã hội dân sự ở VN?

NGO cần làm gì cho xã hội dân sự ở VN?



Đất đai dẫn đến nhiều tranh chấp và bức xúc trong xã hội
Ngày 5/2/2014 sẽ diễn ra cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam tại Genève. Bài viết này đặt vấn đề về sự cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người và xã hội dân sự.
Người dân đang cần gì?
Vào mùa hè năm 2013, lần đầu tiên đã diễn ra vụ cáo buộc của tổ chức phi chính phủ lớn thứ hai trên thế giới - Global Witness - đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về những khuất tất của tập đoàn này liên quan đến đất đai, môi trường và điều kiện sống của nông dân ở Campuchia. Sau đó, có những dấu hiệu cho thấy Hoàng Anh Gia Lai đã phải xem xét một cách cẩn trọng hơn nhiều những dự án mà họ đang tiến hành ở Campuchia và Lào để bớt bị dư luận phản ứng.
Vụ việc trên là một bằng chứng sống động nhất cho thấy vai trò của các NGO quốc tế quan trọng đến thế nào trong việc tạo nên những tác động nhằm gìn giữ môi sinh và môi trường.
Nhưng điều hoàn toàn đáng tiếc là cho đến nay và sau gần một phần tư thế kỷ mở cửa kinh tế, vai trò của các NGO quốc tế có văn phòng ở Việt Nam vẫn khá mờ nhạt. Nhiều vấn đề và vấn nạn về đất đai, môi trường, lao động, trẻ em người già và phụ nữ đã không được chú tâm một cách đầy đủ và sâu sắc. Trong khi đó, đã hoàn toàn vắng bóng các NGO trong nước (còn gọi là NGO địa phương).
Global Witness cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai phá rừng trồng cao su ở Campuchia.
Thu hồi đất và xung đột đất đai luôn lại là tiêu điểm nóng bỏng trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Có hàng ngàn ví dụ tiêu cực về việc doanh nghiệp và các nhóm lợi ích bất động sản chiếm đoạt đất đai của người dân trong hai mươi năm qua ở Việt Nam theo cách thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân. Não trạng lợi ích của các nhóm đầu cơ bất động sản đã mau chóng chuyển từ tâm lý tham lam kềm chế sang tham lam quyết liệt và bất chấp.
Tất cả những mâu thuẫn đó đã tích tụ đủ dày để biến thành ý thức phản kháng của một bộ phận nông dân bị mất đất, biến họ thành dân oan và tạo nên mối xung khắc, dẫn tới xung đột với giới quan chức chính quyền tại nhiều địa phương. Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc biểu thị phản ứng, phản kháng của các cá nhân và tập thể nông dân, so với con số hàng trăm ngàn cuộc ở Trung Quốc. Cũng cho tới nay, ước tính tầng lớp dân oan đất đai ở Việt Nam phải lên đến ít nhất 3-4 triệu người - tương đương với số lượng đảng viên trong đảng cầm quyền.
Gần như toàn bộ những câu chuyện thương tâm xã hội đều bắt nguồn từ thái độ và cách hành xử vô cảm, vô lương tâm của chính quyền các cấp. Quá nhiều khổ nạn về đất đai, lao động, môi trường cho thấy vẫn chưa có một cải thiện đáng kể nào được chính quyền thực tâm thực hiện.
"Cũng có những tín hiệu cho thấy một số quan chức cao cấp nào đó của đảng và chính quyền đang có xu hướng âm thầm “xoay trục” sang phương Tây và dần chấp nhận đường hướng một mô hình xã hội dân sự trong tương lai cho Việt Nam"
Với sứ mệnh được mặc định của mình, xã hội dân sự chỉ nhằm làm cho chính quyền nhận ra được những sai lầm trong chính sách và quá trình thực hiện chính sách, từ đó tiến hành hủy bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách, nhân sự thực hiện.
Ôn hòa, bất bạo động, tránh đổ máu là những đặc trưng trong phương pháp hoạt động của xã hội dân sự và các phong trào dân sự.
Hiển nhiên là giai đoạn đầu của xã hội dân sự đang diễn ra ở Việt Nam, trong bối cảnh nhà nước này đang dần phải chấp nhận những giá trị phổ quát về nhân sinh, nhân quyền và dân chủ của cộng đồng quốc tế.
Cũng có những tín hiệu cho thấy một số quan chức cao cấp nào đó của đảng và chính quyền đang có xu hướng âm thầm “xoay trục” sang phương Tây và dần chấp nhận đường hướng một mô hình xã hội dân sự trong tương lai cho Việt Nam.
Việt Nam năm 2014 sẽ ra sao?
Dự báo tổng quan, năm 2014 sẽ chứng kiến 5 diễn biến chủ lưu ở Việt Nam:
Các ghế Tổng Bí thư và Thủ tướng Đại hội 12 được cho là có cuộc chạy đua căng thẳng.
(1) 2014 là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50% số ngân hàng hiện hữu trong vài năm sau đó, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016 - 2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị bươm rách. Đây là diễn biến quan yếu nhất.
(2) Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng… Sẽ xuất hiện nhiều hội nhóm độc lập của người dân như những tiền đề của xã hội dân sự.
(3) Bước khởi động cho cuộc tranh đua chính trị chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 12, đặc biệt là vị trí tổng bí thư đảng và vai trò thủ tướng, kể cả vấn đề “hậu chuyển tiếp” cho một mô hình chính trị mới.
(4) Xu hướng và lực lượng gần gũi với phương Tây sẽ rõ nét và chiếm ưu thế hơn trong nội bộ đảng. Nếu thành công trong hai năm 2014 - 2015, xu hướng này sẽ chuyển thành xu thế vào các năm 2016 - 2017 và có thể tạo nên một sự thay đổi lớn về bản chất chế độ chính trị.
(5) Hoạt động dân chủ gia tăng đáng kể về số lượng hội nhóm, nhưng bị hạn chế về nguồn nhân lực và thiếu tính trực tiếp với nhu cầu dân sinh nên không thu hút được số đông quần chúng. Chỉ một bộ phận nhỏ trong số các nhóm dân chủ hoạt động có tính thực chất và đạt được thành công ở mức độ khiêm tốn.
Hành động của xã hội dân sự
Chính quyền Việt Nam cản trợ hoạt động kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị TQ chiếm.
Trong giai đoạn đầu của xã hội dân sự, một số hành động cần được ưu tiên triển khai là:
Nhóm hành động chính trị - xã hội: lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội; thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị…
Nhóm hành động kinh tế - xã hội: bảo vệ quyền lợi của nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên…
Thái độ lên tiếng của phong trào dân sự cũng không thể bỏ qua việc phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước…
Hiện có lời kêu gọi giám sát mạnh hơn vai trò của NHNN đối với nợ xấu của khối ngân hàng thương mại.
Và để tự nâng mình lên, các phong trào dân sự cũng phải phản biện với chính những tiếng nói phản biện thiếu tinh thần xây dựng và đoàn kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại.
Trước mắt hoạt động của phong trào dân sự cần nhích thêm một bước: không chỉ là diễn đàn trên mạng, mà phải hình thành các nhóm công khai trong đời sống theo phương châm ôn hòa, bất bạo động. Việc hình thành một số hội nhóm dân sự trong vài tháng qua là bước đi đầu tiên.
Ngay từ bây giờ, đang rất cần đến một sự kết nối có tính thành tâm, hữu dụng và bài bản giữa các nhóm trí thức phản biện độc lập, trí thức trong đảng với các nhóm dân sự tiêu biểu của nông dân, công nhân, tiểu thương, sinh viên, tín đồ tôn giáo trong nước, cùng khối trí thức và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Một mạng lưới NGO trong và ngoài nước?
Dân sinh và môi trường luôn là những tiêu chí đấu tranh rất quan trọng của phong trào dân sự trên thế giới. Đã đến lúc cần thành lập mạng lưới NGO quốc tế và NGO Việt Nam về hoạt động này.
Mạng lưới này nhằm tiến hành một số công việc như:
- Tổ chức nghiên cứu các dự án xã hội, thể chế. Trước mắt cần tổ chức nghiên cứu đề tài về xã hội dân sự ở Việt Nam để chuẩn bị cho tương lai.
Blogger Trương Duy Nhất bị bắt nhưng chưa đưa ra xét xử.
- Tổ chức truyền thông: đào tạo người viết và cách thức làm báo.
- Can thiệp, tác động các vấn đề về nhân quyền. Trước mắt, cần can thiệp, tác động về chủ đề đất đai, môi trường, nghiệp đoàn lao động, cải thiện chế độ lao tù. Cần thí điểm một số trường hợp cụ thể tại một số địa phương.
- Tổ chức đào tạo diễn giả, thông tín viên để chuyển tải thông tin từ trong nước ra quốc tế.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào hữu ích cho cái nhìn và trở thành một trong những cơ sở tham khảo và phân tích cho giới quan sát nhân quyền và dân chủ quốc tế. Bài viết cũng mang tính khuyến nghị đối với Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi các quyền con người của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này vừa chính thức được chấp thuận có mặt trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Copy từ: BBC


.............

Bé 14 tuổi nguy kịch vì ngộ độc mật cá trắm

20h mùng 3 Tết, một bệnh nhân 14 tuổi được chuyển đến Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bị ngộ độc mật cá trắm, men gan tăng gần 200 lần so với mức bình thường, đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, đi ngoài…

Khai thác thông tin, các bác sỹ được biết trước đó bệnh nhân được gia đình cho ăn mật cá trắm.

Mẹ của bệnh nhân cho hay: Do thấy con hay bị bệnh đường ruột nên gia đình được mách nước là có thể chữa khỏi bằng cách cho uống mật cá trắm. Chiều mùng 3 Tết, sau khi mua con cá trắm nặng gần 4kg về để làm lẩu, người mẹ đã chọc túi mật của con cá và hòa mật đó với đường trắng cho con uống. Uống được 3 giờ đồng hồ thì cháu bé bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc.

 Ngay sau đó, cháu được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh rồi bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng gan bị phá hủy, vàng da, mệt lả. Sau 2 ngày điều trị, men gan của cháu bé đã giảm đáng kể, sức khỏe tạm thời ổn định.

 Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho biết rất may cháu bé này chỉ bị tăng men gan rất cao chứ không bị suy thận. Trên thực tế đã có những trường hợp ngộ độc mật cá dẫn đến suy thận, phải chạy thận lọc máu trong thời gian dài.

 Bác sỹ Tuấn cảnh báo người dân không dùng mật cá để tự ý chữa bệnh. Ngay trước dịp Tết Giáp Ngọ, bệnh viện Bạch Mai cũng đã phải cấp cứu một trường hợp ngộ độc mật cá tương tự.

Theo Cẩm Quyên
Vietnamnet

Copy từ: Dân Trí 


......................

'Người hùng Đồi Ngô', đấu tranh tránh đâu thôi thì sang Nhật tránh.

'Người hùng Đồi Ngô' chật vật tìm kế mưu sinh

Chẳng còn cơ hội tìm "chốn dung thân" sau nhiều lần đứng ra tố cáo sai phạm trong ngành giáo dục ở H.Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), đặc biệt là vụ thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô năm 2012, thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc đang phải học tiếng Nhật để qua đất nước mặt trời mọc kiếm kế mưu sinh.


Ông Nguyễn Danh Ngọc 
Khi chúng tôi về thăm, ông Nguyễn Danh Ngọc (ngụ xã Tiến Hưng, H.Lục Nam) - người hơn 2 năm trước dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Trường THPT Đồi Ngô và được cả nước biết đến - vẫn đang miệt mài ôn lại cả mớ lý thuyết, bài tập thực hành tiếng Nhật. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Ngọc nói: “Không còn đâu nhận mình vào làm nữa, hết đất sống rồi nên quyết định học tiếng Nhật rồi qua đó vài năm xem sao”.
Bị đuổi việc giữa giờ lên lớp
Giọng buồn buồn, ông Ngọc kể tháng 8.2006, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, ông ký hợp đồng giảng dạy tại Trường THPT Đồi Ngô (xã Tiến Hưng). Đầu năm 2009, nhóm học sinh nghèo người dân tộc thiểu số có hỏi ông vì sao họ không được hưởng khoản tiền hỗ trợ từ Chương trình 135 của nhà nước, trong khi các trường bạn gần đó đều được. Trước những ánh mắt hồn nhiên của các em, ông Ngọc thông tin cặn kẽ về từng khoản tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số. Ít ngày sau đó, nhiều học sinh cùng cha mẹ kéo lên phòng của thầy Nguyễn Ngọc Lưu (khi đó là quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đồi Ngô) để hỏi cho ra nhẽ... Cũng từ đây, ông Ngọc bị một số đồng nghiệp trong trường nhìn bằng ánh mắt lạ.
 

"Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì tôi sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng" - ông Nguyễn Danh Ngọc nói.

Cùng năm học 2009, lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ để ông Ngọc huấn luyện đội tuyển thể thao của trường tham gia thi đấu giải do Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức. “Cho tới gần sát ngày thi đấu, đột nhiên thầy Lưu nói không để các em tham dự giải nữa. Phần vì tiếc công tập luyện của học sinh, phần vì muốn mang vinh quang lại cho trường, nên tôi cùng học trò quyết định viết đơn tự nguyện tham gia giải... Năm đó, đội tuyển Trường Đồi Ngô đoạt hơn chục giải, từ điền kinh, võ thuật, cho tới bơi lội. Nhưng không hiểu sao khi tiền giải thưởng về trường thì lại không tới được tay các trò”, ông Ngọc nhớ lại.
Lại càng bất ngờ hơn khi trong cuộc họp cuối năm của trường, ông Lưu cho rằng ông đã có định hướng từ đầu để đội tuyển thể thao tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao. “Lúc đó vì quá bất bình trước những lời thầy Lưu nói nên mình đứng dậy xin phát biểu. Mình nói thầy không xin lỗi, em sẽ tố cáo thầy với cấp trên. Chưa hết, mình còn yêu cầu thầy Lưu trả lại những gì mà đáng nhẽ ra các em được hưởng”, ông Ngọc cho hay.
Sự việc đội thể thao đi thi đấu đạt thành tích cao còn chưa được làm sáng tỏ thì giữa giờ thể dục ngày 14.1.2010 do ông Ngọc đứng lớp, ông Lưu đột nhiên xuất hiện và ra lệnh thu sổ đầu bài, thu sổ điểm, rồi lớn tiếng quát tháo, đuổi ông Ngọc ra khỏi trường. Sáng 15.1, khi đang chuẩn bị lên lớp, ông Ngọc nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc.
Bị buộc thôi việc, người thầy dũng cảm dám đứng lên tố cáo tiêu cực của quyền hiệu trưởng vẫn ấp ủ mơ ước đứng lớp. Với xấp hồ sơ trên tay, ông Ngọc lui tới nhiều trường trong H.Lục Nam tìm việc, nhưng rốt cuộc chỉ nhận được những cái lắc đầu, kèm những lời bàn tán, dị nghị... Chán nản, ông bắt xe vào Nam để làm công nhân cho một xưởng cơ khí. Nhưng chỉ được vài tháng, công việc nặng nhọc, vất vả không hợp với sức khỏe của người thầy giáo, ông đành quay trở lại Lục Nam trong sự hả hê của không ít người.
Trở về quê ngày hôm trước, hôm sau ông Ngọc xin vào làm việc tại xưởng xay gạo gần nhà. Năm 2012, phát hiện dấu hiệu gian lận trong thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô, ông chủ động liên hệ, trao đổi với thầy Đỗ Việt Khoa - người từng đứng ra tố cáo tiêu cực tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Sau đó, 6 clip về gian lận thi cử tốt nghiệp tại Đồi Ngô được công bố. Tới ngày 11.8.2012, Sở GD-ĐT Bắc Giang có quyết định cách chức, hủy chức danh, kỷ luật khiển trách, phạt tiền đối với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm đó.
Chống tiêu cực đến cùng
Được biết, để lo được suất đi Nhật kéo dài 3 năm, gia đình ông Ngọc phải tất tả chạy ngược xuôi kiếm đủ 200 triệu đồng. “Đầu tiên là đi để tính hướng mưu sinh, vì ở nhà chẳng còn nơi nào muốn nhận mình nữa rồi. Kế đến là đi để thay đổi môi trường cho bớt căng thẳng áp lực, chứ như hiện tại thì quả là khó sống”, ông Ngọc bộc bạch.
Vẫn theo lời kể của ông Ngọc, không như lần bị mất việc, sau khi clip về gian lận thi cử tại Đồi Ngô được tung hết lên mạng, ngay cả bố mẹ và người thân của ông vẫn không tin do ông làm. Khi vỡ lẽ thì cả gia đình, người thân, bạn bè… đều có lời oán trách. Đáng buồn hơn, nhiều đồng nghiệp của ông còn lớn tiếng đe dọa, chửi bới ông vì cái tội quay clip. Nhưng dần về sau, nhiều người đã hiểu và thông cảm với việc làm của ông.
“Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì tôi sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng”, ông Ngọc nói vậy khi chúng tôi chào tạm biệt.
Hà An

Copy từ: Thanh Niên 

................ 

Bỏ công khai hoang đất hàng chục năm, "chết sững" khi nhận quyết định thu hồi

(Dân trí) - Năm 1995, vợ chồng anh Lê Văn Bé (SN 1973) rời đất liền, vượt biển đến xã Gành Dầu - Phú Quốc (Kiên Giang) lập nghiệp biến 14.000m2 đất ven biển hoang hoá thành một trang trại “mini”. Thế nhưng, nay vợ chồng anh đang đứng trước nguy cơ không còn “cục đất chọi chim”.

Trở thành triệu phú từ bàn tay trắng
Đến thăm gia đình anh Lê Văn Bé và chị Phạm Phương Thuý (một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu đảo ngọc Phú Quốc) vào những ngày cận tết Giáp Ngọ với nhiều cảm xúc khó tả khi chứng kiến vườn rau, áo cá, hàng chục chuồng trại chăn nuôi các loài quý hiếm như: chồn hương, nhím, chó xoáy vằn Phú Quốc,…mà vợ chồng anh Bé bỏ công hơn 20 năm gây dựng. Đặc biệt là bãi biển sau nhà vợ chồng anh Bé đang ở, tuyệt đẹp.
Chị Phạm Phương Thuý bùi ngùi nhớ lại: “Cũng do hai vợ chồng nghèo khổ quá nên nắm tay nhau vượt đất liền ra huyện đảo xa xôi này lập nghiệp. Khi đến Bãi Dài, khu đất này hoang hoá, mênh mông, không bóng người,…nhưng hai vợ chồng đều thích vì có đất canh tác nên quyết định dựng nhà, bám đất lập nghiệp. Tuy nhiên thời gian này gian khổ lắm, sợ nhất là vào ban đêm, ngủ chẳng dám thắp đèn vì sợ bọn ác ôn biết có người ở, kéo đến trộm cướp, giết người,… Bởi vậy, lúc nào vợ chồng tui cũng làm một cái hầm bí mật. Khi nghe ngoài bãi biển xì xào tiếng người là xuống hầm trú ngay. Mỗi lần bọn chúng vào, bắt hết vật nuôi hoặc những thứ gì có giá trị,…Bọn chúng đi rồi vợ chồng chỉ biết an ủi nhau: “còn người còn của”, chứ chẳng biết làm gì khác hơn.”
Khoảng 1 tháng nửa vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó xoáy Phú Quốc,...thu trên 120 triệu đồng
Khoảng 1 tháng nửa vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó xoáy Phú Quốc,...thu trên 120 triệu đồng
Theo chị Phương Thuý do hai vợ chồng đều “ham đất” nên vừa khi đặt chân lên mảnh đất Bãi Dài (lúc đó chưa có Ấp) hai vợ chồng chẳng ngại khổ cực, ra sức khai phá ngày đêm, don dẹp hết cỏ dại,… với diện tích trên 14.000m2 để canh tác. Khi có “đất sạch” hai vợ chồng anh Bé bắt đầu “phân lô”,  khu nào đất tốt, vợ chồng anh trồng rau màu; khu nào đất kém hơn dùng để trồng cây lâu năm như dừa, mít, sầu riêng,… Riêng khu vực quanh nhà, vợ chồng anh Bé phân thành hai khu nhỏ dùng để nuôi gà vịt và xây chuồng trại nuôi chó xoáy Phú Quốc, chồn hương, nhím,…
Qua một năm, hai năm toàn bộ diện tích đất ven biển hoang hoá ngày nào đã thật sự “thay da đổi thịt” khi màu xanh của rau màu, cây trồng,… phủ kín hết mảnh đất. “Điều kiện đất đai ở đây không thuận lợi như đất liền, vì thế khi trồng được một cây gì đó là mừng lắm. Và hai vợ chồng tui đến giờ này không sao quên cái cảm giác được hái quầy dừa, mớ rau, bắt con cá,… mang ra chợ bán đầu tiên. Lúc đó hai vợ chồng mới cảm thấy hạnh phúc, có một đêm ngủ ngon vì thôi không còn trăn trở chuyện “trôi dạt” đến xứ người lập nghiệp nữa!”   
Khoảng 1 tháng nửa vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó xoáy Phú Quốc,...thu trên 120 triệu đồng
Nhờ cách làm kinh tế hiệu quả,từ năm 2008 đến nay anh Bé luôn được nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi

Theo chị Thuý cho biết, riêng rau màu mỗi tháng gia đình chị có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng; tiền bán dừa từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Riêng việc bán con giống hoặt thịt các vật nuôi như nhím, chồn hương, gà vịt xiêm,… mỗi tháng đã hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, vợ chồng anh Bé đang sở hữu 10 con chó xoáy vằn đang đẻ đều đặn. Khoảng 1 tháng nữa, vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó Phú Quốc con với giá trung bình khoảng 6 triệu đồng/con, tính ra anh Bé thu 120 triệu đồng chỉ sau 2,5 tháng bỏ công chăm sóc đàn chó con.
Đứng trước nguy cơ không còn “cục đất chọi chim”
Vợ chồng anh Bé dẫn chúng tôi đi thăm quan toàn bộ khu vườn, đến từng chuồng trại, tính tổng thu nhập hàng tháng gần cả 50 triệu đồng,… nhưng chẳng hiểu sao vợ chồng anh chị cứ buồn xoa. Đến khi chúng tôi gặng hỏi mới biết, toàn bộ diện tích đất của anh đang “vướng” qui hoạch của huyện Phú Quốc để làm Khu du lịch sinh thái, vợ chồng anh đứng trước nguy cơ mất hết đất canh tác.
Anh Bé bùi ngùi cho biết: “Bỏ công 20 năm khai phá, gìn giữ, chẳng biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của vợ chồng tui đổ xuống mảnh đất này,…bỗng chốc tay trắng. Vừa rồi chính quyền địa phương đã gửi thống báo nhận tiền đền bù lần, tuy nhiên yêu cầu đo diện tích đất của tôi địa phương chưa trả lời, chỗ ở mới gia đình tôi không có, nhà tái định cư cũng chẳng nghe cán bộ nói đến, chẳng biết thời gian tới vợ chồng tôi sẽ sống ra sao nếu như quyết định thu hồi đất còn nhiều khuất tất của huyện Phú Quốc được thực hiện”
Khoảng 1 tháng nửa vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó xoáy Phú Quốc,...thu trên 120 triệu đồng
Trước việc đền bù, giải toàn còn nhiều khuất tất trong dự án làm khu du lịch sinh thái của huyện Phú Quốc, vợ chồng anh Bé làm đơn gửi đến báo Dân trí kêu cứu

Theo vợ chồng anh Bé cho biết, năm 1995 vợ chồng anh đến mảnh đất này sinh sống (có xin giấy tạm trú của địa phương) và khai khẩn 14.488m2 ven biển để trồng dừa, sầu riêng và nhiều loại cây khác. Đến năm 2007 toàn bộ diện tích của anh Bé rơi vào qui hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Bãi Dài nhưng vợ chồng anh Bé không được kê khai nguồn gốc đất cũng như diện tích, cơ quan chức năng làm sai nguồn gốc đất của vợ chồng anh và bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng. Vợ chồng anh Bé làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Quốc nhưng không được trả lời, nhưng qui hoạch bị treo lại.
Điều làm vợ chồng anh Bé bức xúc nhất là đến tháng 11/ 2013, UBND huyện Phú Quốc ra quyết định 504/2013/QĐ - UBND thu hồi đất 621,30m2 đất của anh Bé, vị trí ranh giới đất xác định để thu hồi theo bảng trích đo ngày 28/3/2013. Nhưng biên bản đo vẽ diện tích đất thu hồi đến 4.666,8m2. Một điều lạ hơn nữa là trong bảng giá bồi thường diện tích đất tăng lên 13.861,4m2, tuy nhiên chỉ được bồi thường gần 600 triệu đồng, bao gồm đất, nhà cửa, cây trồng,...
Khoảng 1 tháng nửa vợ chồng anh Bé xuất chuồng 20 con chó xoáy Phú Quốc,...thu trên 120 triệu đồng
Vợ chồng anh Bé lấy làm khó hiểu khi quyết định thu hồi chỉ có hơn 600m2, nhưng khi nhận tiền đền bù thì diện tích đất đến 13.861,4m2?
Theo vợ chồng anh Bé cho biết, nguyên nhân số tiền bồi thường bị giảm xuống so với năm 2007 là do chính quyền địa phương làm sai nguồn gốc đất cũng như diện tích đất mà vợ chồng anh  khai phá từ năm 1995. “Tuy nhiên, điều làm vợ chồng tôi khó hiểu nhất là 3 con số về diện tích đất thu hồi trong quyết định, bảng đo vẽ thu hồi, diện tích đất được đền bù hoàn toàn không trùng khớp với nhau. Phải chăng chính quyền địa phương đang “ưu ái” cho vợ chồng tôi khi UBND huyện Phú Quốc quyết định thu hồi hơn 621,30m2 nhưng ban đền phù giải phóng mặt bằng “rộng rãi” bồi thường cho tôi đến 13.861,4m2?. Anh Lê Văn Bé bức xúc đặt vấn đề.
Riêng chị Phương Thuý cho biết thêm: “Nhiều bà con ở đây bỏ quê, đất liền ra đây khai khẩn, sinh sống. Vì bảo vệ đất, trước bọn ác ôn đã không ít người nằm xuống, nay bà con vướng qui hoạch này, bà con mất nhà, mất đất khổ sở lắm! Riêng vợ chồng tôi chỉ biết bám vào đất sinh sống hơn 20 năm qua, nếu nay mất đất hết rồi lấy chi đâu mà cày cấy, chăn nuôi,…khổ hơn nữa là không còn có cả nơi để ở”.
Nguyễn Hành

Copy từ: Dân Trí 


......................

TQ hung hăng làm Đông Á lo ngại'




Lãnh đạo tình báo quốc gia Mỹ nói việc Trung Quốc hung hăng theo đuổi tham vọng chủ quyền ở Đông Á khiến các nước trong khu vực lo ngại.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nói việc này bắt nguồn từ tư duy của Trung Quốc về danh phận lịch sử của mình.
Ông Clapper cũng nói Trung Quốc đang tiến hành một chính sách hiện đại hóa quân sự hết sức quy mô với mục đích đối trọng với cái mà Trung Quốc cho là sức mạnh quân sự của Mỹ.
Ông đã tham gia cuộc điều trần tại Ủy ban Tình báo của Hạ viện về các mối đe dọa toàn cầu, tại đó cử tọa hỏi ông về các hành động mới rồi của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cuộc điều trần cho thấy quan ngại gia tăng tại Washington về thái độ mạnh bạo của Bắc Kinh, cũng như về quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc vốn đang gây thách thức cho hàng thập niên Mỹ hiện diện không đối trọng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu như xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines thì Washington sẽ không thể ngồi nhìn.
Trong khi đó tổng thống Philippines so sánh tham vọng chủ quyền của Trung Quốc với chính sách của Đức Quốc xã.

Chính sách dịch chuyển

Ông Clapper nói Trung Quốc đã tỏ ra hết sức quan ngại về chính sách chuyển dịch trọng tâm của Hoa Kỳ về Á châu.
Ông cũng cảnh báo quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc diễn ra trong tất cả các lĩnh vực và một ngày nước này sẽ vươn ra chứng tỏ quyền lực của mình trên toàn cầu.
Ông nói tại Hạ viện: "Người Trung Quốc đang rất mạnh bạo trong việc khẳng định cái mà họ tin là danh phận lịch sử của họ trong khu vực".
Theo người đứng đầu ngành tình báo Mỹ, các bất đồng xung quanh biển đảo và nguồn năng lượng, nhất là ở Biển Đông, có thể trở thành nguồn xung đột.
Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với phần lớn Biển Đông, nơi các nước như Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Dân biểu ''Dutch'' Ruppersberger, thành viên Ủy ban Tình báo, thì mô tả việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông là "gây hấn và cưỡng chiếm" và đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, quan chức ngoại giao phụ trách Đông Á của Mỹ kêu gọi Bắc Kinh không thiết lập vùng nhận dạng tương tự ở Biển Đông.
Thứ trưởng Daniel Russel nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cần phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Russel nói với các phóng viên: "Không ai theo luật quốc tế có thể tự nhiên đưa ra quyền kiểm soát một khu vực biển rộng lớn được".

'Trung Quốc giống Hitler'

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa lên tiếng so sánh nỗ lực tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với chính sách của Đức quốc xã và kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới không để sai lầm lần nữa xảy ra.
Trong phỏng vấn với báo New York Times, ông Aquino nói: "Đến khi nào thì quý vị mới phát biểu: 'Thế là đủ rồi'?"
"Thế giới phải làm việc này, quý vị có nhớ vùng Sudetenland đã được nhượng cho Hitler để cố tránh Thế chiến II hay không?"
Ông Aquino nhắc tới việc năm 1938, Anh và Pháp đã đồng ý nhượng vùng Sudetenland lúc đó thuộc Czechoslovakia cho Đức quốc xã nhưng rồi chiến tranh thế giới vẫn nổ ra.
Philippines nhiều lần tố cáo Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền Biển Đông và ông tổng thống cũng nhiều lần cảnh báo Manila không thể một mình đương đầu với người láng giềng hùng mạnh này.
Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế để kiện về đường tuyên bố chủ quyền chín đoạn trên Biển Đ̀ông.

Copy từ: BBC

.............

Việt Nam bảo vệ hồ sơ trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Ngày 5.2, Việt Nam đã chính thức bảo vệ hồ sơ nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR).

Đoàn liên ngành Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đã tham dự Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ II trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên.

Phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ II của Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế; nêu bật kết quả thực hiện những khuyến nghị đã chấp nhận tại Báo cáo UPR chu kỳ I, những thách thức, tồn tại và hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển quyền con người.

Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người như thông qua bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó dành toàn bộ Chương II quy định việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân; Ban hành mới các luật như: Luật Khám chữa bệnh (2009), Luật Lý lịch tư pháp (2009), Luật Người cao tuổi (2010), Luật Người khuyết tật (2010), Luật Nuôi con nuôi (2010), Luật Thi hành án hình sự (2010), Luật Tố tụng hành chính (2010), Luật Tố cáo (2011), Luật Phòng, chống mua bán người (2011)…

Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền như: Ký Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2008; thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010 và hiện đang hoàn thiện các thủ tục để sớm phê chuẩn CRPD; gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (năm 2012); Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về chính sách việc làm; Phê chuẩn Công ước số 186 về lao động hàng hải ngày 8.5.2013 (có hiệu lực từ 8.5.2014).

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người như: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người đang chấp hành án phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ đề điều tra; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN.

Trên phạm vi khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN; tích cực tham gia Sáng kiến cấp bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT); phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Liên Hợp Quốc như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), Dự án Liên đối tác Liên Hợp Quốc về chống buôn lậu người (UNIAP) và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia… về phòng, chống nạn buôn bán người trong khu vực (COMMIT); thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Australia, Na Uy, Thụy Sĩ.

Bằng chứng cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được thể hiện qua số phiếu cao ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

UPR là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền thành lập năm 2007 nhằm đánh gia một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Năm 2009, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo UPR chu kỳ I và được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đánh giá cao.
 
 
Copy từ: Dân Việt
 
 
.............................