CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Đất đai thuộc sở hữu nhà nước là thượng phương bảo kiếm để chính quyền cưỡng chế giải tỏa di dời


Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ hai, ngày 23 tháng chín năm 2013

Nguồn: Harvard University Press

“Luật Tài sản” năm 2007 của Trung Quốc có thể đã lập lại chút trật tự cho vấn đề tịch thu đất bằng cách đền bù cho người bị giải tỏa di dời và bảo đảm đời sống của họ. Nhưng một trong những mục đích chủ yếu của luật này là bảo tồn nguyên tắc “công” hữu đất đai, và đây là quy định cho phép chính quyền, dùng những quyền hạn và thủ tục của luật này, để thu hồi không chỉ đất và đơn vị công tác xưa nay thuộc sở hữu tập thể mà cả nhà ở của tư nhân và các bất động sản khác, chỉ miễn sao hành động này được xem là vì “lợi ích công cộng”.

Việc bảo hộ bình đẳng tài sản công hữu và tài sản tư hữu trong Luật Tài sản đã được đa số tán thành, nhưng các quy định về quyền sở hữu đất đai đã bị chỉ trích rất nhiều. Do ngày càng có nhiều xung đột căng thẳng giữa quan và dân về các trường hợp cưỡng chế giải tỏa di dời và việc thu hồi đất, nhiều chuyên gia đã kêu gọi chính quyền cải cách chế độ sở hữu đất đai càng sớm càng tốt. Ví dụ, nhà kinh tế học danh tiếng Mao Vu Thức đã nhận định rằng Luật Tài sản không thể giải quyết được những vấn đề vô tận của các trường hợp giải tỏa di dời bất hợp pháp. Chỉ có tư hữu hóa đất đai mới giải quyết được.

Ngôi nhà đinh nổi tiếng ở Trùng Khánh, nằm chỏng cheo giữa công trình giải phóng mặt bằng để xây thương xá
Ngôi nhà đinh nổi tiếng ở Trùng Khánh, nằm chỏng cheo giữa công trình giải phóng mặt bằng để xây thương xá
Trong vài năm gần đây, những trường hợp cưỡng chế giải tỏa di dời trên danh nghĩa “lợi ích công cộng” đã ngày càng phát sinh xung đột giữa quan và dân, và khiến người dân phải dùng đến những phương thức phản kháng ngày càng khốc liệt hơn. Thương vong sau khi bị cưỡng chế giải tỏa di dời nay không còn là chuyện cá biệt, và những vụ tự sát cũng chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Hồi tháng 9/2003, Chu Chính Lương cùng vợ từ vùng nông thôn tỉnh An Huy lên Bắc Kinh để phản đối việc họ bị cưỡng chế giải tỏa di dời, rồi rốt cuộc tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn (thật may là đã được cứu và chữa trị). Vụ này là một ví dụ cực đoan cho thấy việc cưỡng chế giải tỏa di dời sau khi mọi giải pháp đã thất bại có thể dẫn đến tuyệt vọng ra sao. Vì lý do tương tự, hồi tháng 3/2007, “ngôi nhà đinh” nổi tiếng ngang ngạnh nằm trơ trọi [tại một công trình] ở Trùng Khánh: lúc đó Dương Vũ và vợ là Ngô Bình bỗng chốc nổi tiếng vì không chịu bán ngôi nhà của gia đình họ để dọn chỗ xây một thương xá. Họ không nhượng bộ công ty phát triển địa ốc dù bị đứng chỏng chơ giữa công trường giải phóng mặt bằng – như một cây đinh thọt ra giữa tấm ván mà không thể nhổ đi hay đập dẹp được. [đinh tử hộ (钉子户) là từ trong tiếng Trung chỉ một hộ gia đình hay một người không chịu dời nhà để dọn chỗ cho công trình phát triển địa ốc. Trang mạng Virtual China dịch từ này sang tiếng Anh là nail house (ngôi nhà đinh) vì chúng giống như những cây đinh lồi ra giữa khung cảnh hiện đại. Chú thích của người dịch.]

Bà Ngô Bình trước ngôi nhà đinh của mình.
Bà Ngô Bình trước ngôi nhà đinh của mình.
Ngày nay đã quá phổ biến chuyện chính phủ Trung Cộng và các cơ quan công quyền bí mật phác thảo các đề án phát triển địa ốc rồi tham gia các dàn xếp thương mại mà lẽ ra chẳng phải việc của chính phủ. Cán bộ quan chức đóng vai trò bảo kê và đối tác có hùn vốn với các công ty phát triển địa ốc. Họ làm ngơ khi công ty phát triển địa ốc dùng những thủ đoạn phạm pháp để khủng bố, uy hiếp và cưỡng bức để đuổi người dân ra khỏi nhà và đất của họ. Thôi thì đủ kiểu thủ đoạn, từ cắt nước cúp điện cho đến dùng công an để bắt giữ người dân hay thậm chí thuê bọn du côn đánh chủ nhà, đốt nhà, hay bắt cóc họ giữa đêm khuya. Khi nạn nhân của các vụ lạm quyền như vậy mang đơn từ khiếu kiện đến các cơ quan chính quyền – mà lẽ ra có bổn phận bảo vệ nạn nhân và xử lý thủ phạm – họ phải lê lết từ Phòng Giải tỏa Di dời đến Phòng Giải quyết Đơn, rồi từ đó đến Sở Công an, đến Ban Kỷ luật và Thanh tra, rồi cuối cùng đến tòa án. Những cơ quan này gần như luôn luôn đứng chung phe với công ty phát triển địa ốc, bất kể có luật hay không có luật. Phòng Giải tỏa Di dời cho phép giải tỏa di dời, Phòng Giải quyết Đơn không chuyển đơn đi tiếp, Sở Công an có mắt như mù, Ban Kỷ luật và Thanh tra biết mà không cần điều tra, còn tòa án không chấp nhận đơn kiện hoặc xử cho nguyên đơn thua kiện. Tóm lại, vì thiếu các nhân quyền cơ bản, và gặp đủ trở ngại trong suốt quá trình khiếu kiện, người dân bị cưỡng chế giải tỏa di dời vốn chịu tổn thất ngày càng nặng nề cũng gặp nhiều rào cản lớn khi thỉnh cầu nhà nước thi hành công lý đối với cơ quan công quyền hay bảo vệ pháp luật. Thế là xuống đường trở thành cách phổ biến để mong được bảo vệ quyền lợi. Tự thiêu, hình thức phản kháng cực đoan nhất, là biện pháp đối đế của người không có quyền lực.

Thời báo Kinh tế Trung Quốc tường thuật một biến cố xảy ra với một gia đình sống trong một căn nhà gần cầu Trường Xuân ở quận Hải Điến của Bắc Kinh, căn nhà này đã bị lên danh sách giải tỏa. Một đêm nọ, cả nhà đang ngủ thì năm, sáu tên du côn cầm đèn pin halogen và gậy gỗ dài thình lình xông vào nhà. Chúng trói cả nhà, bịt mắt họ, nhét giẻ vào miệng họ, rồi quẳng họ ra ngoài như thể họ là rác. Sau đó, trong màn đêm mù mịt, cả gia đình nghe một tiếng đánh ầm rồi tiếng rung chuyển rầm rầm kéo dài chưa đầy bốn chục phút. Căn nhà của họ đã bị máy xúc san bằng. Đến nay bọn tội phạm vẫn nằm ngoài vòng pháp luật. Trịnh Ân Sủng là luật sư ở Thượng Hải đã giúp hơn cả trăm người bị cưỡng chế giải tỏa di dời khiếu kiện kiểu lạm quyền này. Ông trưng ra các bằng chứng phơi bày những trò tiếm quyền và mưu lợi phi pháp của các quan chức chính quyền và một số triệu phú phất nhanh đến chóng mặt, ví như Chu Chính Nghị  [nhà đầu tư bất động sản Thượng Hải từng được xếp là người giàu thứ 11 ở Trung Quốc, nhưng năm 2007 đụng độ với giới chóp bu quyền thế địa phương và bị kết án 16 năm tù vì các tội hối lộ, biển thủ, và gian lận thuế. Chú thích của người dịch tiếng Anh.] Hành vi “vuốt mặt không nể mũi” của luật sư Trịnh đã khiến ông thành cái gai trong mắt những kẻ giàu có quyền quý ở Thượng Hải, nên ông bắt đầu liên tục bị uy hiếp, sách nhiễu và theo dõi. Sau đó, chính quyền tước giấy phép hành nghề luật của ông. Chính Trịnh Ân Sủng tố giác những sai phạm của Chu Chính Nghị, nên khi Chu Chính Nghị bị xét xử, cứ tưởng Trịnh Ân Sủng được hưởng ít nhiều công trạng. Nhưng ông lại phải nhận án 3 năm tù vì tội danh hư cấu là tiết lộ bí mật.

Khi người dân đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình chống lại những liên minh quyền thế giữa chính quyền và doanh nghiệp cấu kết với nhau để thu hồi đất và giải tỏa di dời người dân, họ chịu đau khổ, không nơi nương tựa và tuyệt vọng. Những vụ tự sát phơi bày cho thiên hạ thấy rõ sự nhẫn tâm của các quan chức và lòng tham của bọn tư bản. Cớ sao sự nhẫn tâm và lòng tham này lại được mặc sức lộng hành? Tại sao việc cưỡng chế giải tỏa di dời lại quá dã man, còn tiền đền bù lại quá còm cõi như vậy? Tại sao những khiếu kiện không được đoái hoài và chẳng đi đến đâu? Nhân tố quan trọng nhất là sự bất cân xứng cùng cực giữa quyền lực của chính quyền và các quyền của người dân. Khi lẽ ra công dân phải có các quyền tư hữu tài sản, giao dịch công bằng, và có quyền truy đòi theo pháp luật – đó là chưa kể đến quyền được xét xử công bằng và quyền được an toàn cho bản thân – thì chỉ có một khoảng trống thăm thẳm. Vô vàn thảm kịch do cưỡng chế giải tỏa di dời gây ra – thậm chí đến mức tự sát – không chỉ phơi bày tác hại của sự độc quyền chính trị mà còn cho thấy người dân sẵn sàng liều mạng phản kháng.

Cải cách của Trung Quốc bắt đầu ở nông thôn trong những năm 1970 khi “chế độ trách nhiệm” giao “quyền sử dụng đất” cho nông dân và cho phép các hộ gia đình giữ lại hoặc bán sản phẩm họ thu hoạch được. Họ đã không được phép làm vậy trong chế độ “công xã nhân dân” trước kia, và sự phân quyền này trở thành một động lực quan trọng trong cải cách kinh tế. Trong giới nông dân bắt đầu có ước muốn sở hữu nhà riêng của mình, và ước muốn này lan đến các thành phố khi ở đó cũng có “quyền sử dụng đất”. Nhà ở lúc đó trở thành hàng hóa, và thị trường mua bán quyền sử dụng đất xuất hiện dưới nhiều diện mạo. Ta thừa hiểu toàn bộ quá trình này là sự thị trường hóa và tư hữu hóa thực sự mặc dù nó xuất phát từ các văn phòng của Đảng Cộng sản. Song, vì nhân tố có tính quyết định là quyền sở hữu đất vẫn do nhà nước độc quyền, ta chỉ có thể gọi nó là “tư hữu hóa nửa vời”: quyền quyết định đất nào sẽ được chiếm giữ, và đất nào sẽ được phân phát vẫn hoàn toàn nằm trong tay quan chức, và giữa hai loại đất này là những món lợi khổng lồ, dễ vơ vét. Các cơ hội này chỉ dành riêng cho giới chóp bu quyền thế, với gần như toàn bộ số tiền thu được nhờ bán quyền sử dụng đất bắt đầu rơi vào túi họ. Ngành kinh doanh nhà ở đã thành nơi tham nhũng hoành hành.

Hiện nay, toàn bộ đất đai ở Trung Quốc, cả nông thôn lẫn thành thị, theo luật định vẫn “thuộc sở hữu nhà nước”. Chính phủ có thể bán quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng cái người dân nhận được đích thị là giấy thuê đất. Trong “chế độ trách nhiệm” ở nông thôn, nông dân có thể giữ sản phẩm thu hoạch được từ công sức lao động trên đất được giao, nhưng chẳng bao giờ kiếm lời được nhờ bán đất. Chính vì thế, do tình trạng giải tỏa di dời tràn lan lâu nay đang diễn ra ở các thành phố, dân thường cảm thấy họ chẳng cách nào kháng cự yêu sách của các liên minh cấu kết quyền thế, và chẳng cách nào được đền bù thỏa đáng cho các tổn thất của họ.

Trước năm 1949, Trung Quốc có một giai cấp – địa chủ – sở hữu đất và hưởng lợi từ đất, và một thành phần dân chúng khác, nhưng chỉ một bộ phận (cố nông), thuê đất. Sau năm 1949, việc thực hiện công hữu triệt để đã tiêu diệt hình thức sở hữu địa chủ và lập nên chế độ “quyền bình đẳng về đất đai” và “quyền sở hữu”. Chủ sở hữu đất là chính quyền Trung Cộng trên danh nghĩa đại diện quốc gia. Giờ đây, chính quyền Trung Cộng đích thực là địa chủ duy nhất ở Trung Quốc. Người dân nông thôn trong thời đại Mao Trạch Đông, khi canh tác trên “đất nhà nước”, chẳng khác gì nông nô. Trong thời hậu Mao Trạch Đông, người dân giỏi lắm cũng chỉ là kẻ thuê đất. Họ có quyền sử dụng đất họ thuê. Nhưng người thuê chỉ có thể ở trên một mảnh đất chừng nào chủ đất còn muốn. Khi hết muốn, chủ đất có thể đuổi người thuê đi, chỉ vậy thôi. Nhìn từ góc độ này, chế độ cưỡng chế thu hồi quyền tài sản tư nhân của chính quyền Trung Cộng dã man hơn bất cứ chuyện gì đã diễn ra ở chế độ của bất cứ chính quyền nào trước năm 1949. Có ba điểm cần bàn kỹ hơn.

1. Cụm từ “đất nhà nước”(quốc thổ) chỉ nhằm tạo “tính hợp pháp” cho việc cưỡng chế giải tỏa di dời. Thuật ngữ đất nhà nước mang âm hưởng của một cụm từ được dùng ở Trung Quốc vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên: “Trên thế gian không có gì không phải là đất nhà nước”. Thời đó, quyền tư hữu đất đai không được luật pháp công nhận, và nhân danh quốc gia các vị vua chúa cai trị tuyên bố sở hữu toàn bộ đất đai. Hiện nay, toàn bộ khuôn khổ quản lý đất đai của Trung Quốc, bắt đầu với “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” do Quốc vụ viện Trung Cộng công bố năm 2001, và bao gồm các quy định tương ứng của chính quyền địa phương các cấp, xem chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước (thổ địa quốc hữu) là cơ sở pháp lý. Chế độ này cho phép các cơ quan chính phủ được toàn quyền sử dụng bất cứ phương tiện nào họ thích khi thu hồi đất. Chế độ này cũng cho phép họ, cùng với các công ty phát triển địa ốc, có quyền đơn phương định giá đất khi họ buộc người dân giải tỏa di dời. Chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước đích thị là thượng phương bảo kiếm để thi hành cưỡng chế giải tỏa di dời.

“Tính hợp pháp” kiểu này là một trường hợp kinh điển của luật pháp bất lương. Khi biến nhà ở thành hàng hóa, chính phủ chọn cách bán quyền sử dụng “đất nhà nước” cho tư nhân. Như vậy là có một hợp đồng cùng thỏa thuận giữa  những người này và chính phủ, và theo định nghĩa thì hợp đồng có giá trị ràng buộc pháp lý cho cả hai bên. Khi một bên – chính phủ – đơn phương xé bỏ hợp đồng, bên đó phạm luật. Có thể diễn đạt luận điểm này theo cách khác: khi một cá nhân tư nhân đã trả tiền cho chính phủ để mua quyền sử dụng đất trong một thời gian đã định, cái chính phủ đã nhận tiền không có căn cứ chính đáng nào để dùng tư cách chủ đất cưỡng ép chủ nhà bán cho công ty phát triển địa ốc.

Một vấn đề còn quan trọng hơn nữa là tự cổ chí kim đất đai được công nhận là hình thức tài sản quan trọng nhất. Ở Trung Quốc ngày nay, quyền sử dụng đất là căn nguyên thịnh vượng cho nông dân, cũng như đối với người thành thị, quyền sở hữu nhà là nền tảng cho tài sản tiết kiệm cả đời. Chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước không nên được phép tạo nên tính hợp pháp cho việc cưỡng chế giải tỏa di dời; ngược lại, quyền sử dụng đất của người dân nên cho phép họ có quyền hợp pháp để cự tuyệt việc giải tỏa di dời. Chính vì vậy những vụ cướp đất ở nông thôn và cưỡng chế giải tỏa di dời ra khỏi nhà ở thành thị trước hết là vấn đề quyền sở hữu tài sản. Thứ đến mới là vấn đề đền bù. Quyền sở hữu tài sản nên được xem là một nhân quyền cơ bản, và việc cưỡng chế thu hồi là tước đoạt một nhân quyền cơ bản.

Các tầng lớp nhân dân trên toàn xã hội Trung Quốc xưa nay phản đối “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” của Quốc vụ viện và các quy định liên quan của chính quyền địa phương các cấp. Không chỉ các chuyên gia học giả tỏ vẻ nghi ngờ, mà cả dân thường cũng đặt nghi vấn. Ngày 31/8/2003, sáu cư dân Bắc Kinh đệ đơn thỉnh nguyện lên Ủy ban Công tác Pháp luật của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc [tức quốc hội], nhận định rằng các điều khoản quy định của “Các biện pháp của thành phố Bắc Kinh về thu hồi và quản lý nhà ở” và “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” của Quốc vụ viện vi phạm nghiêm trọng các Điều 3, 4, 5, 6, và 71 của “Các nguyên tắc chung của luật dân sự” [Dân pháp thông tắc] của Trung Quốc cũng như các Điều 13 và 39 của Hiến pháp Trung Quốc. [Điều 13 quy định: “Nhà nước bảo vệ quyền của công dân được sở hữu hợp pháp thu nhập kiếm được, tiền tiết kiệm, nhà ở, và các tài sản hợp pháp khác. Nhà nước bảo vệ bằng pháp luật quyền của công dân được thừa kế tài sản tư nhân”. Điều 39 quy định: Nhà ở của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Việc khám xét, hay xâm nhập bất hợp pháp nhà của công dân là hành vi bị cấm”. Chú thích của người dịch tiếng Anh.]

2. Nếu không có quyền tài sản hoàn chỉnh và bảo đảm thì không có quyền giao dịch công bằng. Trong một thị trường hoàn thiện, việc bảo vệ hoàn chỉnh và bảo đảm quyền tài sản tư nhân là tiền đề cho giao dịch tự do và công bằng. Đó chính là điều giúp cho quyền của hai bên trong một giao dịch song phương được bình đẳng. Với tình trạng “tư hữu hóa nửa vời” ở đại lục hiện nay, các quyền của hai bên bị mất cân xứng nghiêm trọng, và không thể có giao dịch thị trường công bằng. Thay vì thế, ta chỉ thấy những vụ cưỡng đoạt tài sản không tự do, và thậm chí còn ít công bằng hơn, với một bên được đơn phương định giá.

Khi giao dịch diễn ra ở Trung Quốc hiện nay giữa hai bên tư nhân, mỗi bên có những quyền còn khiếm khuyết như nhau, giao dịch đó vẫn có thể tương đối bình đẳng. Nhưng khi “giao dịch” diễn ra giữa một thường dân và chính phủ – hoặc một liên minh cấu kết giữa tập đoàn giàu có quyền quý được hậu thuẫn bằng các lợi ích của quan chức, phía chính phủ tham gia giao dịch với quyền sở hữu đất tuyệt đối sẵn trong tay, trong khi người dân chỉ có quyền sử dụng đất còn khiếm khuyết. Thường dân chẳng còn cách nào khác hơn là chấp nhận một giao dịch không công bằng. Về lâu về dài, kiểu giao dịch bất bình đẳng này, vốn được dàn xếp bí mật, sẽ khiến cho nạn tham nhũng của quan chức càng trầm trọng, gây tổn hại đến tính uy quyền và tôn nghiêm của chính phủ, làm giảm năng lực của chính phủ trong việc thực hiện các chức năng đúng đắn của mình.

Tại đại lục, một khi một mảnh đất, bất luận thành thị hay nông thôn, đã nằm trong kế hoạch phát triển của chính phủ (bất kể là để quy hoạch đô thị, phát triển thương nghiệp, hay cơ sở hạ tầng như đường sắt, cầu, sân bay hay bể chứa nước), đất “tư” nếu xét trên quyền sử dụng đất biến thành đất “công” do quyền sở hữu. Người dân phải chấp nhận các hợp đồng mua bán, mức giá đền bù, thời hạn giải tỏa di dời, và địa điểm tái định cư do phía mạnh hơn đặt ra. Khi chế độ muốn đưa một nhà kinh doanh tư nhân, kể cả một người có sản nghiệp lớn, vào khuôn phép, chế độ chỉ cần nhắc đến cụm từ “tổn thất tài sản thuộc sở hữu nhà nước” là chỉ trong chớp mắt có thể khiến của cải gia đình tích lũy bao nhiêu năm tan biến như bọt bong bóng. Nếu nạn nhân của trò tống tiền cưỡng đoạt này chịu chấp nhận khuynh gia bại sản, họ được buông tha dễ dàng; thường họ phải trả giá bằng một án tù.

Có vô số ví dụ về chuyện chính phủ dùng thủ đoạn uy hiếp để cưỡng ép giao dịch không công bằng, và thuê bọn du côn để cưỡng chế giải tỏa di dời. Những biện pháp đó vi phạm các điều sau trong “Luật Hợp đồng Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của chính Trung Cộng:

Điều 3. Tư cách bình đẳng của các bên: Các bên tham gia hợp đồng có tư cách pháp lý bình đẳng và không bên nào được áp đặt ý muốn của mình lên bên kia.

Điều 4. Quyền được tự nguyện tham gia hợp đồng: Một bên có quyền tự nguyện tham gia vào một hợp đồng theo luật, và không có tổ chức hay cá nhân nào được gây cản trở trái luật đối với quyền đó.

Điều 4. Tính hợp pháp: Khi ký kết hay thi hành hợp đồng, các bên phải tuân thủ luật lệ và quy định hành chính liên quan, cũng như tôn trọng đạo đức xã hội, và không được gây xáo trộn trật tự xã hội và kinh tế hay gây tổn hại đến các lợi ích công cộng.

Các thủ đoạn thường dùng cũng vi phạm điều sau đây trong “Luật Hình sự Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”:

Điều 226: Bất cứ ai bán hay mua hàng hóa bằng bạo lực hay uy hiếp, hoặc cưỡng ép người khác cung cấp hay nhận một dịch vụ, nếu trường hợp nghiêm trọng, sẽ bị kết án tù với thời gian cố định hoặc bị giam giữ không quá ba năm và sẽ bị phạt, hoặc chỉ bị phạt.

Những điều này quy định rõ ràng giao dịch cưỡng bức là hành vi phạm tội. Đặc biệt, mua bán cưỡng bức dùng đến bạo lực hay uy hiếp sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.

Tuy nhiên, vì chế độ độc tài nắm hai thượng phương bảo kiếm là quyền lực chính trị tuyệt đối và “quyền sở hữu đất đai của nhà nước”, không một người dân nào, bất luận phần mình có lý đến đâu, có thể kháng cự lại sức mạnh của xe ủi.

3. Các quyền được thông báo kịp thời, được thỏa thuận, được khiếu kiện, được phán xét công bằng, được an toàn cho bản thân đều khiếm khuyết. Khi quyết định các kế hoạch phát triển đất đai của mình, chính quyền Trung Cộng các cấp thường phớt lờ các quyền cơ bản của bá tánh, trong đó có quyền được thông báo.  Chính quyền chẳng thèm đoái hoài đến dư luận, không tiến hành điều trần công khai. Có chăng, chính quyền chỉ trưng ra đôi chút “luận chứng của chuyên gia” và tổ chức “đấu thầu công khai”, nhưng phớt lờ ý kiến của người dân có đất bị thu hồi, và dàn xếp mọi việc trong một hộp đen trong đó quyền lực bị lũng đoạn, nạn tham nhũng của quan chức, và nạn đổi tiền lấy quyền là những yếu tố làm nên mọi chuyện.

Trong giai đoạn thực thi các kế hoạch phát triển đất đai, chính quyền cùng với các đồng minh của mình trong giới chóp bu quyền thế về cơ bản tiến hành bằng vũ lực. Họ bất chấp hoàn cảnh cụ thể, ý nguyện, và nhu cầu được bày tỏ của người dân có đất bị thu hồi – và họ luôn thắng. Người dân có khiếu kiện cũng khó mà được xét xử, mà ngay cả khi được xét xử, cũng chẳng được kết quả gì. “Lợi ích xã hội đại cục” giúp chính quyền thoải mái vung thượng phương bảo kiếm “chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước” – dù trên thực tế những cụm từ này chỉ là cái vỏ bọc cho các lợi ích cho chính quyền và giới chóp bu quyền thế.

Khi quyền lực của các cơ quan công quyền ngày càng bành trướng, sự xói mòn tất yếu của các quyền lợi cá nhân càng trầm trọng hơn, và hệ quả là một tình hình bất công cùng cực với một nhóm thiểu số chóp bu quyền thế mặc sức trục lợi thỏa thuê trong khi lợi ích của đại đa số thường dân hao mòn dần. Phải sống với nỗi sợ đất canh tác của mình sẽ biến mất hay nhà của mình sẽ bị san bằng, và không có cơ hội được quyền truy đòi theo pháp luật (hay bất cứ cách nào khác), thường dân đành nghĩ ra cách riêng của mình để đòi quyền tài sản của mình. Người nông thôn lên thành thị để nộp đơn thỉnh nguyện, phản kháng và đôi khi bao vây cơ quan công quyền. Người thành thị đệ đơn kiện, biểu tình, và nếu mọi cách đều thất bại thì uống thuốc độc hay tự thiêu. Nếu người dân muốn mưu cầu các lợi ích của mình, và tìm nơi khuây khỏa nỗi đau bị giới giàu có và quyền quý cướp bóc, họ chỉ còn cách tham gia “phong trào bảo vệ quyền lợi” đang lớn mạnh ở Trung Quốc và tạo áp lực quần chúng dần dần và lâu dài để buộc chính phủ rốt cuộc phải trả lại các quyền lợi cho người dân.

Cái nghèo ở Trung Quốc hiện nay không chỉ là thiếu tài nguyên hay nguồn cung, mà là nghèo về hệ thống chính trị và nghèo về quyền lợi. Một hệ thống dùng “luật bất lương” để tước đoạt những quyền cơ bản của người dân thì không thể xóa bỏ được cái nghèo kiểu này, chính tình trạng bần cùng quyền lợi của quốc dân này tạo nền tảng cho một hệ thống trong đó nạn cướp bóc tham lam và tình trạng bất công tột bực đang hoành hành. Xung đột ngày càng tăng giữa dân chúng và quan chức là viễn cảnh duy nhất cho một hệ thống như vậy. Nếu chính phủ muốn giảm bớt hay giải quyết vấn đề này, không có cách thưởng phạt tạm thời nào – không có lệnh cấm hay ơn huệ đặc biệt nào – có công hiệu. Việc cần làm là khắc phục hiện trạng bất cân xứng cùng cực giữa quyền lực của chính phủ và quyền lợi của quốc dân. Mục tiêu “trả tài sản lại cho nhân dân” (đã được công bố là một phần trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc) sẽ vẫn chưa đạt được chừng nào chưa thực hiện được việc “trả đất lại cho nhân dân”. Đưa việc bảo hộ tài sản tư nhân vào Hiến pháp và thông qua Luật Tài sản chỉ là những bước khởi đầu của tiến trình pháp luật của Trung Quốc hướng đến tư hữu hóa. Tuy nhiên, bước đột phá quan trọng – vẫn chưa xảy ra  –  sẽ là bãi bỏ chế độ “đất đai thuộc sở hữu nhà nước”.

Tại nhà ở Bắc Kinh, ngày 7/4/2007

Đăng lần đầu trên “Quan sát” ngày 7/4/2007.

Lưu Hiểu Ba
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch từ bản tiếng Anh “State Ownership of Land is the Authorities’ Magic Wand for Forced Eviction của Timothy Brook, trang 85-93 trong tuyển tập “No Enemies, No Hatred:Selected Essays and Poems” của Liu Xiaobo do Harvard University Press xuất bản vào tháng 1/2012. Có tham khảo bản Trung văn “土地国有是强制拆迁的尚方宝剑” trên trang Bác tấn văn đàn.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 18/9/2013.)

Copy từ: Tin Tức Hàng Ngày


.......................

Thực chất việc Phái đoàn Tôn giáo của chính phủ Việt Nam tới thăm Vatican ra sao?

Lm Trần Công Nghị

 Trong mấy ngày qua có tin một phái đoàn của chính phủ Việt Nam có tới thăm Vatican và làm việc với Vatican. Tuy nhiên khi vào các trang thông tin của Tòa Thánh không thấy có thông cáo chung sau cuộc gặp gỡ như mọi khi.

Phái đoàn VN gặp Đức ông Camilleri
Sáng ngày hôm qua (19/9) chúng tôi có nhận được bài viết của Eglises d'Asie, với tựa đề “Vietnam: Une délégation du Bureau des Affaires religieuses du Vietnam en visite à Rome”. Đây là bài dịch lấy tin từ trang điện tử của Chính phủ Việt Nam, nên chúng tôi không vội đăng tin trên.

Tiép đến chúng tôi đọc bản tin của Fides, hãng tin này cho biết: “Cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Việt Nam tiếp tục trên một mối quan hệ và hợp tác tốt, trong khi có căng thẳng trong giáo phận Vinh, nơi cuộc biểu tình tiếp tục trong việc bắt giữ hai tín hữu của Giáo Hội tại giáo xứ Mỹ Yên, hiện còn trong tù kể từ tháng Sáu năm ngoái mà không có một lời buộc tội.”

Tin Fides cho biết thêm: “Các cuộc thăm viếng và gặp gỡ của đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam ở Vatican từ ngày 15 tới ngày 20 tháng 9 trong bầu khí thân thiện. Đoàn Việt Nam đã gặp Thứ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, Đức ông Tadeusz Wojda và Thứ trưởng Bộ trưởng Quan hệ với các nước, Đức ông Antoine Camilleri. Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo quyền tự do tôn giáo và bày tỏ niềm hy vọng rằng các tín hữu Việt Nam tích cực tham gia trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.

Tìm đọc bản tin của trang chính phủ Việt Nam thuộc Bộ Nội Vụ Đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thăm, làm việc tại Vatican , chúng tôi thấy có vài điều không ổn. Thứ nhất, trong đó nêu ra là phái đoàn làm việc với Vatican trong 5 ngày “Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam gồm 7 thành viên do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Vatican từ ngày 15-20/9”. Thứ hai, Bản tin có nói là “Tòa thánh Vatican cũng tiếp tục nhấn mạnh mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam, đồng thời cho rằng các giáo dân Việt Nam cần phải tôn trọng chính quyền và chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam.”. Thứ ba, tìm các trang Web của Tòa Thánh không thấy có thông cáo chung về cuộc đàm phán này. Do vậy chúng tôi đã liên lạc với hai nguồn tin thân cận và đáng tin ở Roma, và được trả lời như sau:

  • 1. Cuộc gặp gỡ xẩy ra trong 2 lần vào ngày 15 và 16 tháng 9, 2013. Tiếp đến vào ngày 18 tháng 9, phái đoàn Ban Tôn giáo của chính phủ Việt Nam có tham dự cuộc tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư như thường lệ. Cuối buổi tiếp kiến ĐGH có lời chào phái đoàn và bắt tay chào phái đoàn sau khi bắt tay các Hồng Y và các Giám mục hiện diện.


  • 2. Chuyến đi lần này của đoàn Việt Nam là của Ủy ban Tôn giáo thuộc Bộ Nội Vụ đến thăm hữu nghị, và đoàn Việt Nam đến là cố ý để trao đổi thông tin về hiện tình ở giáo phận Vinh và các sự kiện liên quan tới Dòng Chúa Cứu Thế. Thực chất không có cuộc họp làm việc nào giữa Tòa Thánh và đoàn Việt Nam, không phải là cuộc đàm phán chính thức, nên sau cuộc gặp gỡ không có thông cáo chính thức.


  • 3. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với các viên chức Vatican, Phái đoàn Tôn giáo của chính phủ Việt Nam muốn Tòa Thánh can thiệp vào hiện tình đang xẩy ra ở Giáo phận Vinh, nhưng Tòa Thánh nói Tòa Thánh chỉ mới nghe thông tin từ phía phái đoàn Việt Nam, Tòa Thánh cần phải nghe thông tin từ phía Giáo Hội Việt Nam nữa, của vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam nữa.


  • 4. Trong cuộc gặp gỡ với Phái đoàn Tôn giáo chính phủ Việt Nam, Tòa Thánh ghi nhận những phát triển tích cực trong quan hệ song phương, như việc chính phủ cho phép Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, được đi thăm viếng các nơi; việc thâu nhận đại chủng sinh vào chủng viện không còn hạn chế số lượng như cũ. Tuy nhiên Tòa Thánh nêu lên mong muốn của mình là vì lợi ích của dân chúng Việt Nam, Giáo Hội muốn tham gia vào lĩnh vực giáo dục, mở trường học, cơ sở giáo dục, và nhà thương, v.v… Được như vậy sẽ là một dấu hiệu sự thăng tiến hơn nữa trong quan hệ song phương.

Copy từ:  Viecatholic


 ...................................

TÉ RA LÀ...

 Mình trằn trọc suốt đêm...ngủ ngon để sáng nay theo tin trên báo vụ mấy chiến sĩ CSGT chết và bị thương tại chỗ, té ra là chính họ bắn họ, đọc thêm chút nữa, té ra là trong nội bộ họ mâu thuẩn, đọc thêm chút nữa, té ra là có liên quan đến ăn chia lợi ích, té ra vậy.
Té ra sáng nay họp báo, lại thông tin rằng, té ra  súng tự dưng phát nổ, té ra những người này không hề có mâu thuẩn, té ra súng ưa phát nổ là nổ, mà nổ vu vơ thế nhưng té ra là rất chính xác.

Đọc bên fb Đào Tuấn mới té ra là số liệu thông báo của nước Nam ta thì cả thế giới đọc xong cũng té ngửa:
1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi 30% sáng cắp ô đi tối cắp ô về
30% dân số thoát nghèo. Trong khi 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống
100% trẻ con được khám chữa bệnh không mất tiền. Trong khi không có phong bì thì sơ sinh vẫn ngã như thường
Mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 1 triệu người. Nhưng 50% trong độ tuổi 15-34 đang thất nghiệp.
Đăng ký thất nghiệp giảm 20 ngàn người. Hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 16 ngàn.
Cai nghiện được hưởng chế độ 900k/tháng. Người cao tuổi được trợ cấp 180k /tháng
Và đúng như thế, té ra là vậy, con số phần trăm phần trẻ, tỉ lệ tỉ tiếc, báo cáo báo kiếc, chia chia nhân nhân này còn khó hơn cả cái Bồ đề bồ điếc mà giáo sư Ngô Bảo Châu mần.
Đến như cái thứ mê hồn trận số liệu thực thực ảo ảo này thì giáo sư Châu cũng bó tay.
Té ra mấy lần giáo sư Châu về nước Nam, đã khôn ngoan né chuyện toán, toàn nói chuyện văn chương, lại còn đọc tí thơ tình, lại còn viết tí truyện, lại còn mần tí giao lưu bán sách.
Té ra vậy.
Hậy hậy.
------------------
Té ra ở nước ta cái gì cũng có thể xảy ra, mèo có thể là mẹ ruột của vịt các bác ạ.


Copy từ: Nguyễn Quang Vinh’ blog


...................

Diễn đàn Dân sự tuyên bố hình thành để thay đổi thể chế chính trị Việt Nam


Tú Anh
Với nhận định đất nước Việt Nam bị chế độ bạo lực « có hậu thuẫn của ngoại bang » thao túng, hàng trăm công dân trong nước và người Việt ở hải ngoại vừa ra hôm qua tuyên ngôn thành lập Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự.

Bản tuyên bố được công bố trên mạng điện tử ngày 22/09/20213 đưa ra giải pháp từ bỏ độc tài chuyển sang dân chủ một cách ôn hòa : kêu gọi đảng Cộng sản tôn trọng ý dân, tranh luận nghiêm túc và công khai, chủ động dân chủ hóa chế độ chính trị.
Tuyên ngôn của « Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự » nhấn mạnh đến bối cảnh trong thời gian qua xã hội công dân Việt nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ đóng góp ý kiến trên các vấn đề cốt lõi của đất nước : bảo vệ chủ quyền, sữa đổi hiến pháp, khát vọng dân chủ.
Trong danh sách đầu tiên có 130 nhà hoạt động dân chủ, trí thức, văn nhân nghệ sĩ, đảng viên đảng Cộng sản, cựu sĩ quan cũng như công dân bình thường khác.

Copy từ: RFI


.......................

"PHÓNG VIÊN ĐỘT NHIÊN"

 Biến một tin nóng, rất nóng, về vụ nổ súng của cảnh sát giao thông trạm Suối Tre thành một thông tin mà ai biết chữ đọc xong đều cười sặc lên thì chỉ có phóng viên báo Thanh Niên mới làm được.
Đọc câu này coi...."Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Phó trạm trưởng Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (gọi tắt là trạm Suối Tre) đang ngồi trong trụ sở thì đại úy Ngô Văn Vinh bước vào.


Đột nhiên khẩu súng ngắn trên tay đại úy Vinh phát nổ, trúng người thiếu tá Sơn khiến anh gục ngã.

Cùng lúc đó, thượng úy Đoàn Thanh Phú thấy vậy, chạy lại xem cũng bị trúng đạn gục tại chỗ. Tiếp đó, đại úy Vinh cũng bị đạn trúng vào bụng bất tỉnh. "....
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130922/sung-no-trong-tram-csgt-mot-nguoi-chet-2-nguoi-bi-thuong.aspx
-------------
Bình loạn:
Ha ha- cười phát lấy khí thế.
Này chú nhà báo Thanh Niên tươi trẻ kia.
Nếu chú chưa dám công bố nguyên nhân như Tuổi Trẻ, thì chú chỉ cần ghi chung chung, nguyên nhân vụ việc đang được điều tra. Rứa thôi.
Chú viết như rứa làm Cu Khoai lại đau đáu nhớ o Tiến: Vụ việc đang điều tra, nếu lỗi vacxin xử vac xin, lỗi người tiêm xử người người tiêm, lỗi điều trị xử điều trị.
Viết như chú, suy ra là: Do đột nhiên súng nổ, nên nguyên nhân gây tử nạn và thương vong ở đây là do đột nhiên, cái gây ra đột nhiên là do súng, cái gây ra súng là do túi quần? Chứ sao.
Đột nhiên nổ súng cái đòm vào người ta, đột nhiên mần mấy phát nữa mà mần phát mô trúng phát đó thì đúng phục cái quả đột nhiên quá đi.
Làm báo mà đưa tin như vậy nên có danh xưng là " phóng viên đột nhiên".
Nhỉ?
Các bác nhỉ?
--------------------
Nữ sinh áo trắng, guốc dép thời trang, đột nhiên nhảy dựng lên song phi, và nguyên nhân của cú nhảy song phi rất đẹp này có lẽ do hứng thú đột nhiên chứ gì nữa, phải không " phóng viên đột nhiên?"


Copy từ: Nguyễn Quang Vinh’ blog


.....................

Đức Cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm Giáo phận Vinh và Gx Mỹ Yên


GPVO - 23.09.2013: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đến thăm Giáo phận Vinh vào chiều hôm nay 22/9/2013.

Đúng 18 giờ, ngài đến thăm và cầu nguyện tại Linh địa Trại Gáo. Cùng đi với Đức cha Cosma có Đức cha Phaolô, cha quản lý TGM Antôn Trần Văn Công, cha chánh Văn phòng TGM Phêrô Nguyễn Văn Hiểu, cha Phó chánh Văn phòng Phêrô Nguyễn Đoài.

Đây là cử chỉ biểu tỏ tình hiệp thông liên đới của Hội đồng Giám mục Việt Nam đối với Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận Vinh, đặc biệt là hiệp thông cầu nguyện cho bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn thử thách.







Thời gian này, các Giáo phận, các cộng đồng người Công giáo trong và ngoài nước đã gửi thư hiệp thông với Giáo phận Vinh, nguyện cùng sát cánh với Giáo phận Vinh trong hoàn cảnh đau thương khốn khó này. Những người yêu chuộng công lý và hòa bình cũng đã cảm thông chia sẻ với những đau thương của Giáo phận Vinh bằng những bài viết thể hiện tình hiệp thông sâu sắc, thể hiện khát vọng đấu tranh cho sự thật được sáng tỏ để bình an sớm được lập lại trên giáo xứ Mỹ Yên, để nhà cầm quyền không lạm quyền trong cách hành xử với nhân dân nhưng phải biết tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Bởi cách quản trị chà đạp trên các quyền căn bản của con người là đầu mối gây ra những rạn nứt và đổ vỡ khối đại kết trong xã hội.

Hết thảy mọi người, không phân biệt lương dân hay giáo dân, đều mong muốn sống trong an bình, đoàn kết và hòa hợp. Một dân tộc bị xung đột và chia rẽ là một dân tộc đang lâm vào khủng hoảng và là mầm mống triệt tiêu sức mạnh. Trong trường kỳ lịch sử và trong hành trình văn hóa của dân tộc Việt đã chứng minh rõ điều đó.

Nguồn: GPVO
Copy từ: Thanh Niên Công Giáo


......................

Thư hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo phận Vinh của tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam


Lam Hồng - 23.09.2013: Tin tưởng vào sức mạnh của Kinh Mân Côi, chúng ta hãy sốt sắng lần hạt, cầu xin Chúa Thánh Thần hoán cải lòng người, để “sự thật và tình yêu” được ngự trị trên Giáo phận Vinh và trên Quê hương Đất nước chúng ta.

 

Copy từ: Thanh Niên Công Giáo


......................

Đức Cha Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn của VietCatholic

 Hôm 19/9/2013, Lm Gioan Trần Công Nghị đã có cuộc phỏng vấn với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, để tìm hiễu rõ hơn về những gì đang xẩy ra quan biến cố tại Mỹ Yên, phản ứng của giáo dân giáo phận Vinh và cách hành xử của chính quyền Nghệ An cũng như của chính phủ đang diễn ra như thế nào. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

LM. Trần Công Nghị: Trước hết con LM Trần Công Nghị kính chào Đức Cha và xin chúc sức khỏe bình an và ơn thiêng của Chúa Thánh Thần trên công việc của Đức Cha và toàn giáo phận Vinh.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong biến cố xẩy ra ở giáo xứ Mỹ Yên, chúng con có dịp theo dõi những tin tức cập nhật từ giáo phận của Đức Cha và đã thông tin cho độc giả VietCatholic biết diễn tiến từng ngày. Thế nhưng gần đây hệ thống Truyền thông nhà nước Việt Nam đang cố ý xuyên tạc và bóp méo sự thật về vụ giáo dân Mỹ Yên bị đánh đập khi đòi người mà công an bắt trái phép. Do vậy, một lần nữa xin Đức Cha tóm tắt cho người Việt Nam và dư luận thế giới biết sự thực về câu chuyện giáo dân Mỹ Yên ra sao và đã bị lực lượng công an đàn áp, đánh đập tàn bạo như thế nào?


Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Rất vui được gặp lại cha Giám đốc và quý thính giả VietCatholic, nhưng lại rất buồn vì phải cùng nhau trao đổi về một vụ việc đáng lẽ ra không nên xảy ra ở thế kỷ XXI này. Vắn tắt sự kiện như sau:

Chiều ngày 22/5/2013, trước ngày xét xử phúc thẩm 14 thanh niên tại Tòa án Nhân dân Nghệ An, thân nhân và bạn hữu của họ đến Trại Gáo để cầu bình an. Họ đặt cơm tối cho 80 người, nhưng trên suốt hành trình, đã bị lực lượng công an chặn đường bằng nhiều cách, nên chỉ khoảng 30 người dùng cơm. Sau đó, mọi người tham dự thánh lễ với cộng đoàn giáo họ Trại Gáo. Số người còn lại vẫn tiếp tục đến.

Chập tối, lúc thánh lễ đang diễn ra, trên đoạn rẽ từ đường 534 đến Trại Gáo, khách hành hương bị một nhóm người lạ mặt, không mặc sắc phục công an và cũng không cho biết mình lý do, chặn đường. Tức khắc xảy ra cãi vã, xô xát và hỗn loạn. Bị đám đông phản kháng mạnh, những người chặn bỏ chạy. Có người bị thương, vài người chạy vào nhà ông xã đội trưởng, nơi công an đã tập trung từ trước. Ba người bị dân chúng khống chế và bị đánh. Được cấp báo, đội an ninh của họ Trại Gáo, xứ Mỹ Yên, vội vàng đến đưa nạn nhân về nhà văn hóa xóm 13 để bảo vệ.

Đang khi tham dự thánh lễ, Ban Hành giáo Trại Gáo nhận được điện thoại cấp cứu của công an huyện Nghi Lộc. Họ đã cấp tốc chạy xuống và phải phá ổ khóa để đưa nạn nhân vào đó ẩn trốn. Ba người này khai là công an và người ta cũng thấy giấy tờ, cũng như sắc phục công an trong cốp xe.

Dân chúng tụ tập bên ngoài, mỗi lúc một đông và xô bồ hơn, rất khó kiểm soát, mà cha xứ lại đi vắng. Vì vậy, Hội Đồng mục vụ đã điện thoại cho Tòa Giám mục xin giúp đỡ. Cùng lúc đó, ông Vũ Chiến Thắng, Phó Giám đốc công an Tỉnh Nghệ An và ông Chủ tịch huyện Nghi Lộc đã gọi điện thoại cho tôi, đề nghị hợp tác để giải quyết sự việc. Thấy tình hình càng lúc càng phức tạp, lúc 19g45, tôi và hai linh mục lên đường. Trong khi đó, phía nhà cầm quyền mặc dầu đã ba lần bảy lượt hứa hẹn sẽ có mặt, nhưng đã hoàn toàn vắng mặt một cách vô trách nhiệm.

Khi chúng tôi có mặt, tình hình bớt nguy hiểm nhưng vẫn còn rất căng thẳng, vì trong đám đông phức tạp, xen lẫn cả giáo lẫn lương dân. Theo yêu cầu của dân chúng, một biên bản được soạn thảo. Sau khi đọc biên bản đó, đám đông phản đối dữ dội vì cho rằng chưa đúng sự thật. Phải viết lại biên bản 2. Đa số dân chúng tạm chấp nhận biên bản này, nhưng vẫn chưa chịu giải tán. Tôi vừa yêu cầu mọi người giải tán, vừa yêu cầu nhà cầm quyền đưa xe lên chở người bị thương về, nhưng họ vẫn không xuất hiện.

Phải mất một thời gian nữa mới tìm được xe chở nạn nhân về với sự bảo vệ của phái đoàn Tòa Giám mục. Trên đường về, chúng tôi phải quay lại nhà ông xã đội trưởng để cứu công an còn mắc kẹt ở đấy. Sau khi chúng tôi về, dân vẫn tiếp tục tụ tập ở khu vực đó và một chiếc xe máy khác bị phá.

Cần nói thêm, ngày 24/5/2013, đại diện huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương đã đến cám ơn Hội đồng mục vụ và đội an ninh Trại Gáo vì đã tích cực giải cứu cán bộ công an đêm 22/5/2013. Lời cám ơn tương tự cũng đã được nhà cầm quyền các cấp nhiều lần bày tỏ với tôi và các linh mục giáo phận. Thế mà, sau này báo đài Nhà nước lại vu khống Hội đồng mục vụ Trại Gáo đã ‘bắt giam người trái pháp luật’.

Sự việc ngày 22/5/2013 trở nên nghiêm trọng hơn, khi nhà cầm quyền không những không xử lý một cách nghiêm minh hành vi sai trái của cán bộ công an, mà còn cố tình bao che thuộc cấp và dựng án để bắt hai giáo dân Trại Gáo theo kiểu bắt cóc, không tuân thủ quy định tối thiểu của Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam hiện hành.

Như các trang mạng đã đưa tin, ngày 27/6/2013, trên đường đi đám cưới cháu, ông Ngô Văn Khởi bị cảnh sát giao thông chặn lại và bị năm thanh niên bịt mặt dẫn đi không nêu rõ lý do. Mấy ngày sau gia đình mới nhận được thông báo, nhưng giấy ghi nhầm với một ông Ngô Văn Khởi khác, vì sai địa chỉ và tên vợ.

Cùng ngày 27/6, khi ông Nguyễn Văn Hải chở cháu là Nguyễn Huy Hoàng (5 tuổi) đi khám chữa bệnh và lấy bột mỳ, trên đường về bị công an bắt giữ, không nêu bất cứ lý do và không tiến hành bất cứ thủ tục nào. Cháu Hoàng bị bỏ lại trong tình trạng hoảng loạn.

Mặc dù rất phẫn nộ trước hành vi sai trái của nhà cầm quyền và các văn bản gửi đi không nhận được câu trả lời thỏa đáng, nhưng suốt trong hai tháng giáo dân vẫn kiên trì đối thoại. Tòa Giám mục cũng có nhiều cuộc gặp gỡ làm việc với nhà cầm quyền yêu cầu giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt để tránh những phức tạp có thể xảy ra. Nói chung, họ hứa sẽ giải quyết, nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy gì. Vì thế, người dân ngày them bức xúc và không còn tin ở giải pháp đối thoại. Ngày 30/8/2013, người thân của hai ông Khởi và ông Hải cùng một số giáo dân Mỹ Yên tập trung ôn hòa tại UBND xã Nghi Phương đòi thả người. Hôm đó, theo lời yêu cầu của công an tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc, tôi đã đến UBND xã Nghi Phương đề nghị nhà cầm quyền đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đồng thời kêu gọi đồng bào kiên nhẫn đợi chờ. Cuối cùng, mọi người rút lui trong trật tự.

Sáng Chúa Nhật 01/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An mời tham dự cuộc họp đặc biệt để giải quyết vấn đề trên. Tham dự cuộc họp, về phía nhà cầm quyền có ông Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Hằng, phó chủ tịch UBND, ông Lưu Công Vinh, trưởng Ban tôn giáo tỉnh Nghệ An, ông Vũ Chiến Thắng, phó Giám đốc công an Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu, phó Giám đốc công an – Thủ trưởng cơ quan CSĐT và một số người liên quan. Về phía Tòa Giám mục có tôi, Giám mục giáo phận, linh mục Phêrô Trần Phúc Chính, Quản hạt Nhân Hòa, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, chánh Văn phòng Tòa giám mục và linh mục Phêrô Nguyễn Đoài, phó Văn phòng Tòa giám mục. Đa số tham dự viên đồng ý tìm biện pháp giải quyết vấn đề để tránh hậu quả xấu. Nhưng ông Nguyễn Hữu Cầu cứ khăng khăng yêu cầu Giám mục giáo phận phải đứng ra bảo lãnh tại ngoại cho ông Khởi và ông Hải. Sau khi thảo luận thẳng thắn và chân thành, chúng tôi đã từ chối viết Đơn bảo lãnh tại ngoại, vì hai lý do: thứ nhất, theo nguyên tắc, luật Tố tụng không quy định việc tổ chức tôn giáo bảo lãnh mà phải là gia đình; thứ hai, quan trọng hơn, giáo phận Vinh không chấp nhận việc nhà cầm quyền cố tình đánh lạc hướng và làm phức tạp sự việc ngày 22/5/2013, nhằm kết án và truy cứu nhiều người dân chất phác vô tội khác, trong khi những hành vi sai trái của các cán bộ lại được bao che.

Ngày 03/9/2013 người thân của hai nạn nhân và đồng bào Mỹ Yên lại tập trung đến UBND xã Nghi Phương đòi thả người. Sau những chờ đợi và trao đổi căng thẳng, cuối cùng nhà cầm quyền địa phương đã viết Giấy cam kết về việc thả hai nạn nhân trước 16 giờ ngày 04/9/2013 và còn tuyên bố “nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Sau khi nhận được Giấy cam kết, bà con tự động rút lui.

Cùng thời gian đó, cán bộ công an Cục an ninh xã hội đề nghị Tòa Giám mục có một văn bản yêu cầu thả người để cơ quan điều tra làm căn cứ thả hai ông Khởi và ông Hải về tham dự Lễ Tấn phong Giám mục phụ tá. Do đó, chiều 03/9/2013, Tòa Giám mục đã có Văn thư số 38/13-VTTG đề xuất thả người.

Sáng 04/9/2013, Thánh lễ Tấn phong Giám mục Phụ tá diễn ra rất tốt đẹp, với khoảng 22000 người tham dự. Trưa hôm đó, Văn Phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài nhận được thư ‘hỏa tốc’ mời Giám mục giáo phận vào họp tại trụ sở UBND tỉnh Nghệ An vào lúc 15 giờ. Nhưng tôi không thể đến tham dự cuộc họp này, vì chương trình làm việc trong ngày lễ Tấn phong Giám mục phụ tá đã sắp đặt từ trước không thay đổi được. Sau này người ta mới biết ngay lúc hẹn gặp Giám mục giáo phận tại UBND tỉnh, nhà cầm quyền đã sẵn sàng trấn áp dân tại Nghi Phương.

Khoảng 15g30 ngày 04/9/2013, tin tưởng nơi thứ ‘Giấy cam kết lừa đảo’ của nhà cầm quyền, người nhà của ông Khởi và ông Hải cùng một số bà con giáo dân Mỹ Yên đã tới UBND xã Nghi Phương để nhận hai ông về nhà. Khi đến nơi, họ ngỡ ngàng nhận ra đã bị nhà cầm quyền lừa đảo: Không hề có chuyện thả người. Trên thực tế, ngay từ sáng 04/9/2013, nhà cầm quyền đã bày binh bố trận với mấy hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, chó nghiệp vụ, lựu đạn cay… án ngữ lối vào trụ sở UBND xã Nghi Phương.

Một số người lạ mặt đã được cài vào đám đông để quấy rối, ném đá về phía công an và cảnh sát cơ động, một số giáo dân cũng ùa theo… Thế là cơ quan công quyền sử dụng lựu đạn cay, dùi cui, thuốc nổ, vũ lực... thẳng tay đàn áp dân chúng, làm cho hơn 30 người bị thương, trong đó có ba người bị chấn thương sọ não nặng.

Hỏi: Như Đức Cha đã biết, hiện nay các cơ quan truyền thông của chính quyền đang xuyên tạc vụ Mỹ Yên đến nỗi chính ban lãnh đạo của mạng lưới Boxit, một mạng lưới của giới trí thức Việt Nam trong nước, đã bình luận: “Người ta không ngần ngại gọi trống không Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, vị cha chung của Giáo phận Vinh với hơn 500.000 giáo dân, là “giám mục Hợp”, mạt sát Đức Cha là “lừa dối”, “vu khống”, “bịa đặt trắng trợn”. Thậm chí người ta tuyên bố có “sự xúi giục từ các tổ chức, thế lực phản động trong và ngoài nước, dẫn đến việc một số người dân đã bị kích động, nghe theo, thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật”, dù không hề đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Xin Đức Cha nêu ra một số ví dụ cụ thể để dư luận thế giới biết đâu là sự thật và đâu là những điều chính quyền bóp méo, xuyên tạc.

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Trong những ngày qua, báo Nghệ An, đài phát thanh, đài truyền hình Nghệ An đã đăng tải nhiều bài viết và phóng sự có nội dung xuyên tạc sự thật, xúc phạm đến uy tín và danh dự của tôi, cũng như toàn thể linh mục và giáo dân giáo phận Vinh. Tệ hơn nữa, trong buổi phát hình tối Chúa Nhật 15/9/2013, đài truyền hình VTV cũng lập lại những luận điệu của đài truyền hình Nghệ An, chụp cho tôi nhiều ‘tội danh’ như cấu kết với thế lực phản động trong cũng như ngoài nước, kích động nhân dân hận thù với nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết nhân dân, đi ngược lại với chủ trương của các Đức Thánh Cha và của Hội Đồng Giám mục Việt Nam là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc v.v…

Nhiều lúc tôi tự hỏi có nhà nước pháp quyền nào trên thế giới hiện nay cho phép các phóng viên nặc danh và cơ quan truyền hình Nhà nước tự tung tự tác, muốn bôi nhọ ai tùy ý, tự do chụp mũ cho người khác một cách vô căn cứ những thứ tội nghiêm trọng, mà chỉ những tòa án đặc biệt mới có quyền tuyên án? Bản thân tôi, dù sao cũng là giám mục một giáo phận 526.000 giáo dân, trải dài trên ba tỉnh, đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà họ còn cáo buộc, một cách vô tội vạ, những tội danh ghê gớm như vậy, thì phương chi các em sinh viên, các nông dân chất phác, những người lao động cô thân cô thế? Điều này cho thấy sự thao túng, vô pháp luật và xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một xã hội.

Đã có một thời người ta tôn vinh gian dối và cho đó là một phương pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất, vì đinh ninh rằng: Cứ nói dối, cứ nói dối… cuối cùng vẫn còn lại cái gì. Từ Phát-xít Đức cho tới Staline, Mao Trạch Đông, Pol Pot cho đến hiện nay … một số nhà cầm quyền đã sử dụng nó như lợi khí tuyên truyền để đánh lận con đen. Trong quá khứ, xem ra một số lần họ đã đánh lừa được dư luận hay ít nhất gây hoang mang, sợ hãi và bêu xấu đối phương.

Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những công nghệ hiện đại đã giúp nhân loại dễ dàng lột mặt nạ những gian dối và lừa lọc này. Hơn nữa, nhân loại ngày càng đề cao mô hình nhà nước dân chủ, pháp quyền, tôn trọng sự thật, nhân phẩm nhân quyền, sự minh bạch và yêu chuộng công lý – hòa bình. Bạo lực, gian dối, lừa lọc, cả vú lấp miệng em … đang bị đẩy dần vào bóng tối.

Theo Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự trị trong lãnh vực riêng của mình, nhưng cả hai đều phục vụ con người đều phục vụ con người. Chính vì thế, “sự tự trị giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị không dẫn tới chỗ hai bên ly khai nhau, loại bỏ việc hợp tác (...). Giáo Hội và cộng đồng chính trị có thể làm cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn “để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách thế phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian”.

Chính trong viễn tượng đó, Tòa Thánh đã đề nghị định hướng mục vụ: “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”. Đức Bênêdictô XVI kêu gọi Giáo Hội Việt Nam “đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, nhưng đồng thời cũng đóng góp cho việc phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là lúc Việt Nam cũng đang từ từ mở cửa về phía cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, đối thoại không đồng nghĩa với thỏa hiệp, nhất là thỏa hiệp với bất cứ giá nào. Niềm tin tôn giáo và chân lý không thể mặc cả hay dễ dàng nhượng bộ. Rất nhiều lần người Kitô hữu được mời gọi chấp nhận trả giá. Vào dịp Giáng Sinh 2012, Ngài đã đưa ra một nhận định sâu sắc: “Việc hợp tác sinh hoa kết quả giữa các Kitô hữu và những người khác là điều có thể thực hiện được. Thế nhưng người Kitô hữu chỉ trả lại cho César những gì thuộc về họ César, chứ không phải những gì thuộc về Thiên Chúa. Trong lịch sử, đôi khi người Kitô hữu không thể tuân thủ những đòi hỏi của César. Từ thói tôn thờ hoàng đế thời cổ đại Rôma đến những chế độ toàn trị trong thế kỷ vừa qua, các César đã cố chiếm đoạt vị trí của Thiên Chúa. Khi người Kitô hữu từ chối cúi mình trước các thần ngụy tạo được đề xuất thời nay (...) là vì họ hoàn toàn tự do thoát khỏi những kiềm tỏa của ý thức hệ, và được linh hứng bởi tầm nhìn về vận mệnh con người, cao quý đến nỗi họ không thể nào thỏa hiệp với bất kỳ điều gì đe dọa tầm nhìn đó”.

Giáo huấn Công Giáo mời gọi chúng ta can đảm chống lại bất công, bạo lực, gian dối và sai lầm, nhưng vẫn tôn trọng người sai lầm và không hề chủ trương lấy ác báo ác. Càng không tôn bạo lực làm kim chỉ nam cho cuộc sống và biện pháp giải quyết mọi vấn đề. Đối thoại được Giáo Hội Công Giáo chọn lựa như cách thế thích hợp nhất để giải quyết những xung đột và tranh chấp. Tuy nhiên, đúng như Đức Benedictô XVI đã lưu ý, sự thật vẫn giữ vai trò quan trọng nhất. Hơn bao giờ hết, lời của Đức Giêsu luôn luôn là ánh sáng soi dẫn bước đường của chúng tôi: “Sự thật sẽ giải phóng anh em”.

Tóm lại, cái sảy nảy cái ung. Đáng lẽ ra phải khiển trách những người sai phạm trong việc chặn đường và bắt người trái phép, nhà cầm quyền đã bao che cho cấp dưới và tiếp tục lấp liếm, trấn áp dân chúng. Vì vậy, họ đã biến tình trạng bình yên thành bất ổn và chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Không những họ đã bày binh bố trận để trấn áp những nông dân chất phác trong tay không có một tấc sắt, mà còn tiếp tục công khai dùng phương tiện truyền thông mạ lị, vu khống giám mục, linh mục, giáo dân Vinh là ‘bạo loạn, cấu kết với bên ngoài để âm mưu tạo phản’(?). Trong cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng hiện nay, Việt Nam cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết, thế mà tại sao lại có những hành động đẩy đất nước vào tình trạng thụt lùi rõ rệt về nhân quyền và tự do tôn giáo? Không phải vô lý, khi có người đặt câu hỏi: Nhà cầm quyền Nghệ An có chủ đích gì khi dàn dựng kịch bản này?

Hỏi: Xin Đức Cha cho biết tinh thần hiệp thông của các linh mục và giáo dân trong giáo phận Vinh như thế nào?

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Hơn 200 linh mục hiện hoạt động trên ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vừa tuyên bố “hiệp thông sâu xa, đồng quan điểm với Tòa Giám mục và Giám mục giáo phận trong các văn bản” về vụ giáo xứ Mỹ Yên. Tại khắp nơi, giáo dân Vinh đang chứng tỏ truyền thống đoàn kết, luôn hợp nhất với Tòa Giám mục và sốt sáng cầu nguyện để công lý và hòa bình sớm thực hiện trên mảnh đất thân yêu này. Lấy lại câu nói biểu tượng của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên trong vụ Tam Tòa trước đây, nhiều người đã nhận định: “Tại giáo phận Vinh không chỉ có một Nguyễn Thái Hợp mà luôn luôn có sẵn 526.000 Nguyễn Thái Hợp khác”.

Hỏi: Kính thưa Đức Cha: VietCatholic nhận được nhiều điện thư của độc giả nói rằng trong khi một số cơ quan truyền thông quốc tế phổ biến tin tức về vụ Mỹ Yên, giúp thế giới biết về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, thì chính tại Việt Nam, mạng lưới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã không lên tiếng gì về vụ Mỹ Yên. Xin Đức Cha cho biết các Giám mục Việt Nam đang hiệp thông với giáo phận Vinh như thế nào?

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Mạng lưới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đăng Thư Chung của Giám mục giáo phận Vinh gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa, cũng như thư của Giám mục Vinh gửi Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam xin cầu nguyện đặc biệt cho các giáo dân bị đàn áp tại giáo xứ Mỹ Yên và cho giáo phận Vinh trong hoàn cảnh hiện tại. Văn phòng TGM Xã Đoài vừa cho biết “Tuyên bố của Linh mục đoàn giáo phận Vinh” cũng sẽ được đăng trên trang Website của Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đã được thư liên đới của một số giáo phận gửi tới. Chúng tôi sẽ lần lượt công bố trên trang mạng của giáo phận.

LM Nghị: VietCatholic xin chính thức một lần nữa cám ơn Đức Cha đã dành cho chúng con buổi phỏng vấn hữu ích này. Trước khi kết thúc, Xin Đức Cha nói thêm những điều Đức Cha muốn gửi tới Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và dư luận quốc tế về tình hình giáo phận Vinh hiện nay.

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Chân thành cảm ơn mọi người ở trong và ngoài nước, bạn bè thật gần cũng như thật xa, nhưng trong thời gian qua đã rất gắn bó với giáo phận Vinh và liên đới với các nạn nhân tại Mỹ Yên. Đặc biệt, chân thành cám ơn Ban Điều hành và tất cả các cộng tác viên VietCatholic đã nhanh chóng dịch các văn bản của vụ Mỹ Yên ra nhiều thứ tiếng, nhờ vậy cộng đồng quốc tế hiểu và hiệp thông mạnh mẽ hơn. Xin tiếp tục liên đới và hiệp thông với chúng tôi. Chân thành cảm tạ.

Copy từ: Viecatholic


......................

Dân oan thành kẻ sát nhân


Cập nhật: 11:22 GMT - chủ nhật, 22 tháng 9, 2013

Đám tang Đặng Ngọc Viết
Đặng Ngọc Viết đã không còn con đường nào khác khi nổ súng vào cơ quan công quyền?
Tiếng súng của gia đình họ Đoàn vừa lắng xuống thì tiếng súng Đặng Ngọc Viết lại vang lên tại vùng đất Thái Bình với hậu quả thảm khốc hơn, đánh dấu sự tang thương trong xung đột quyền lợi đất đai.
Không còn là tiếng súng cảnh báo mà nay đã là tiếng súng tấn công vào cơ quan uy quyền của một địa phương để “tìm và diệt” cán bộ quản lý đất đai, sau đó tự sát.
Mới nghe qua cứ ngỡ đây là hành vi của một kẻ khủng bố hay một kẻ sát nhân máu lạnh.

Khó kiện hay khiễu nại

Nhưng truyền thông nhà nước trong những ngày qua đã không khai thác về phạm trù đạo đức như đã từng làm đối với hành vi giết người của Lê Văn Luyện. Tất cả chỉ tập trung vào việc thu hồi và bồi thường đất đai.
Còn dư luận trong những ngày qua thì dường như chỉ nghe tiếng thở dài khi nhìn vụ việc theo mối quan hệ nhân-quả.
Đó là vì ai cũng hiểu rằng pháp luật và chính sách đất đai như hiện nay có thể đẩy một con người, một gia đình, vào đường cùng một khi bị thu hồi đất.
Từ tiếng khua chiêng gõ trống của nông dân Văn Giang cho tới những tiếng súng của Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết - đó là những âm thanh của sự tuyệt vọng khi đã vượt ra khỏi giới hạn của sức chịu đựng.
Trong vụ Đặng Ngọc Viết có thể nhận thấy xu hướng bất cần mức giá bồi thường do nhà nước đưa ra mà tự áp giá cho mình bằng cách nhận lấy “2 mét vuông đất” trong nghĩa trang để làm nơi định cư cuối cùng.
Đứng từ góc độ quản lý xã hội, quá nguy hiểm khi những người có trách nhiệm lại chưa có bất kỳ một biểu hiện nào để thay đổi chính sách và pháp luật về đất đai nhân dịp sửa đổi Hiến pháp.
Trong khi hệ thống pháp luật và thực trạng quản lý đất đai hiện nay dễ dẫn đến sự tùy tiện của người thi hành khi mà người ra quyết định thu hồi đất lại là người có thẩm quyền quyết định về khung giá bồi thường đất và thể loại đất.
Có nhiều người đang sử dụng đất nhưng khi bị mất đất cũng không được bồi thường một đồng nào với lý do được nêu ra là ‘thuộc diện đất công nên không được bồi thường’.
Điều bất ngờ là thuật ngữ ‘đất công’ lại được ưa dùng trong các quyết định hành chính liên quan tới thu hồi đất, trong khi Hiến pháp và Luật đất đai không hề đề cập đến hai từ ‘đất công’, hay ‘đất công là đất gì?’.
Nếu việc thu hồi đất bị khởi kiện ra tòa án, thì người bị kiện là chủ tịch huyện hay tỉnh, mà chủ tịch huyện hay tỉnh lại là ‘lãnh đạo’ của chánh án tòa án trong Đảng bộ của huyện hoặc tỉnh đó.
Người dân Văn Giang
Đất đai là nguyên nhân chính gây bất ổn ở nông thôn Việt Nam trong thời gian qua
Khi người bị thu hồi đất ngại chốn pháp đình mà chỉ khiếu nại, thì người giải quyết khiếu nại cũng chính là người ra quyết định thu hồi đất.
Chính vì vậy, cơ may cho người dân đòi quyền lợi đất đai bằng phương pháp khiếu kiện là vô cùng nhỏ bé, có khi là bất khả thi.

Vai trò lớn của chính quyền

Bất cập đó dẫn đến thực tế là các nhà đầu tư cũng chẳng dại gì đi thỏa thuận với người dân, mà chỉ cần thỏa thuận riêng với chính quyền khi có nhu cầu sử dụng đất.
Từ chỗ đó, chính quyền lẽ ra chỉ đóng vai trò trung gian trong chuyển giao quyền sử dụng đất giữ người dân và chủ đầu tư thì giờ đây họ lại trở thành người quyết định chính cuộc chuyển giao này.
Họ làm công việc đó bằng cách ban hành các quyết định hành chính mang tính chất mệnh lệnh ép buộc người dân phải chấp hành.
Dưới sự gợi ý của chủ đầu tư, các quyết định ‘thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế’ đang lạm phát đến mức chóng mặt.
Thế nên chẳng mấy chốc hình thành những đoàn người tập trung khiếu kiện lê lết khắp nẻo đường.
Các mạng xã hội gọi họ là Dân oan còn các tổ chức phi chính phủ quốc tế gọi họ là ‘victims of justice’, cṕ nghĩa là 'nạn nhân của công lý'.
Trong khi đó, các dư luận viên lại xem ḥo là những thây ma làm xấu xí hình ảnh quốc gia, được 'thế lực thù địch' cho tiền ăn vạ nhằm gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Những quan chức cao cấp có lương tâm không cần phải ‘vi hành’ để tìm oan sai, mà chỉ cần rảo bước tập thể dục trong vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội hay đi dạo trên đường Võ Thị Sáu ở Sài Gòn là sẽ biết.
Người dân đi khiếu kiện về đất đai
Người dân đi khiếu kiện về đất đai sẽ không được gì?
Một nghịch lý là trong năm năm trở lại đây chưa phát hiện được một trường hợp tham nhũng đất đai nào dù dòng người khiếu kiện vẫn gia tăng.
Không biết có phải nhờ vào quyết tâm ‘cho hốt liền, không nói nhiều’ hay đụng phải cơ chế ‘nếu xử lý hết lấy ai làm việc’ như hai quan chức cao cấp đã từng nói?

Tham nhũng đất đai

Dù hai câu nói ý khác nhau, nhưng lại có vẻ rất phù hợp với thực trạng chống tham nhũng đất đai. Có thể miêu tả gọn tình trạng này bằng từ: bất lực.
Tuy thu hồi và bồi thường đất đai là do cá nhân ra quyết định, nhưng đằng sau là cả một hệ thống ban ngành có liên quan và một nhóm lợi ích đang chầu chực.
Với tính chất siêu lợi nhuận mà đất đai mang lại nên các bên có thể được ăn chia đẹp và sòng phẳng với nhau. Bởi vậy nên tự nó đã hình thành một mạng lưới đan xen và kết dính vào nhau để tạo nên một thế đứng an toàn trong hệ thống, dễ làm nhụt chí những ai có quyết tâm chống tham nhũng.
Những người bị ‘hốt’ trước đó hầu như chỉ là quan chức cấp huyện và đều rơi vào trường hợp ‘ăn tạp’ và ‘quá ẩu’, nên đã tự tách mình ra khỏi ‘giới hạn để được bảo vệ’.
Thành thử ‘hốt’ quan tham thì ít, mà thực tế chỉ thấy ‘hốt’ người dân tập trung khiếu kiện thì nhiều.
Hai chữ Công lý của người dân khiếu kiện khi trở về địa phương chỉ là tên của một diễn viên hài để làm nên những câu chuyện cười ra nước mắt.
Như câu chuyện một nông dân ở một tỉnh nọ không đồng tình với việc thu hồi và cưỡng chế đất của chính quyền sở tại nên mang đơn vô Sài Gòn, ăn nằm dầm dề kêu oan nhiều ngày trước các cơ quan Trung ương.
Thế là chính quyền tỉnh này cho rằng người nông dân này đã ‘lợi dụng quyền kiếu kiện’ để gây mất an ninh trật tự, vu cáo lãnh đạo tỉnh, nên bắt người nông dân này về và đem ra xử theo điều 258.
Tại phiên tòa người nông dân này nói: ‘Tòa thử nghĩ coi, một con chim khi bị người ta phá tổ thì nó cũng kêu la quang quác để kêu cứu. Còn tôi là con người, tôi bị người ta cướp đất phá nhà, phá đi tổ ấm sinh hoạt của gia đình tôi, thì tôi phải kêu la lên để cầu cứu chứ, cớ sao lại bắt tội tôi?’.
Đoàn Văn Vươn tại phiên tòa
Đã xảy ra những vụ nông dân nổ súng vào chính quyền xung quanh tranh chấp đất đai
Quan tòa đáp lại: ‘Con người khác với con chim. Bị cáo không được so sánh con người với con chim. Con chim không biết căng băng rôn biểu ngữ, còn bị cáo thì biết căng băng rôn biểu ngữ bôi xấu lãnh đạo tỉnh’.
Đây chỉ là câu chuyện hài của giới luật học, nhưng trên thực tế là địa phương đã ‘giải quyết’ cho nhiều trường hợp đi khiếu kiện đất đai ở Trung ương về bằng một bảng cáo trạng cho tội danh ‘Gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245, hay tội ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của tổ chức và công dân’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Mấ́t niềm tin

Oan sai chồng chất oan sai. Từ chỗ người dân bị thu hồi đất chỉ mất niềm tin vào chính quyền địa phương, nhưng sau khi khiếu kiện thì sự mất niềm tin này đã lan sang cả cấp Trung ương.
Từ những biểu hiện này, để có thể hiểu lý do vì sao Đặng Ngọc Viết lại không dùng quyền khiếu nại, quyền khởi kiện ra tòa án theo quy định pháp luật, hay nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan Trung ương mà lại hành xử bằng luật rừng.
Tiếng súng của Viết cho thấy sự bế tắc trong việc tìm kiếm công bằng nơi tư pháp và sự mất niềm tin vào chính thể rồi phải hành động bằng sự trỗi dậy của bản năng.
Bỡi lẽ, đi khiếu kiện đất đai là sống đời dân oan vật vờ bên đống tro tàn của niềm tin công lý.
Viết đã không chọn cái chết dựa cột nơi pháp trường theo luật, mà chọn cách gục gã dưới chân tượng Quán Thế Âm.
Nhưng trong đời sống thực tại để cứu giúp cho công bình thì cần đến Rousseau và Montesquieu.
Nếu các vị này không có chỗ đứng trong sự vận hành của xã hội thì khó tránh khỏi việc dân oan trở thành sát thủ.

Copy từ: BBC


.....................

Phật Tử Giáo Sư Trần Chung Ngọc con bài của thế lực nào.?


Không cần phải là một Phật Tử chân chính đến mức xin quy y Tam Bảo, muôn vàn những người bình thường đi lễ chùa, khấn Phật chưa bao giờ quy y họ cũng chẳng bao giờ đi châm chọc, đả kích đạo khác.

Lành như Bụt.

Đấy là câu nói dân gian bao nhiêu đời nay, từ khi đạo Phật nhập vào nước ta.

Đến cả những người Hồi Giáo cực đoan đánh bom khủng bố, thì những người theo đạo Phật Việt Nam có nhắc đến họ, cũng chỉ nhắc đến những kẻ đánh bom, chứ không bao giờ họ chỉ trích chủ thuyết học của Hồi Giáo.

Giáo sư Trần Chung Ngọc quy y Tam Bảo từ năm 1957, sau biến cố 1975 Ngọc chạy sang Mỹ. Suốt một thời gian dài Ngọc không có tư tưởng gì thể hiện chống phá Thiên Chúa Giáo. Những gì về Trần Chung Ngọc chỉ là có số không, chẳng ai biết đến.

Nhưng bắt đầu từ khi quan hệ Việt Mỹ trở lại. sự đi lại giữa Việt Mỹ dễ dàng hơn. Thấy tuổi tác đã xế chiều mà danh tiếng không ai biết đến, nhân lúc mở cửa, có cơ hội tiếp xúc với người chính quyền VN  ( thực chất là Tổng cục an ninh ) thấy ĐCS đang có nhu cầu tuyển lựa những cảm tình viên hải ngoại. Trần Chung Ngọc như con suối khô gặp nguồn nước lớn, đã sốt sắng nhận lời.

Cuộc đời của một kẻ tàn binh, chạy trốn, tưởng chết già ở xứ người. Nay được đối phương trọng dụng, được thiên hạ biết đến. Thỏa ước mơ danh vọng. Trần Chung Ngọc ngày đêm nghiên cứu thần học, kinh Thánh để làm tên lính xung kích trên mặt trận tư tưởng tôn giáo cho ĐCS VN.

Và bắt đầu từ năm 1998 đến nay, Ngọc liên tục viết những cuốn sách chỉ trích Thiên Chúa Giáo bằng giọng điệu hằn học, cay cú, rủa xả. Bởi những nhà tu hành của Thiên Chúa Giáo  dẫu có uyên thâm nhưng tư cách của họ không thể hạ mình cãi nhau với Ngọc. Cho nên Ngọc tưởng là mình bất khả chiến bại.

Nếu Trần Chung Ngọc thấy rằng ở hải ngoại có người chửi HCM là cuồng dâm, cuồng sát nhưng chẳng một nhà nghiên cứu về HCM hay giáo sư nghiên cứu lịch sử ĐCS VN nào đi đứng ra tranh luận, hay phản bác cả. Nhìn ví dụ đó , Ngọc sẽ hiểu vị trí của cái tưởng là bất khả chiến bại của Ngọc thế nào. Nhất là ở vị trí tương đồng như thế này, Ngọc còn khác những người chửi HCM ở chỗ, là Ngọc chửi có tiền, có nhiệm vụ của tổ chức giao, có chế độ đãi ngộ....có nhiều thứ được. Còn đám chửi HCM kia chả ai trả công, họ chửi cho đã miệng, sướng mồm.

Ngọc chửi Chúa của người ta, người ta bỏ ngoài tai, bởi Chúa lòng tôn kính Chúa của họ quá lớn. Lớn đến mức những kẻ tầm thường mang lời phàm phu như Ngọc không đến tai họ. Cũng tương tự như thế, nếu có kẻ nào đến Chùa mà nhạo báng Phật, chắc hẳn những vì hòa thượng Chân Tu chỉ chắp tay niệm Nam mô với khuôn mặt nhân từ với kẻ ngạo ngược.

Người quân tử, trí sĩ không làm cái điều nhạo báng đến thánh thần, đến Chúa, Phật. Nếu có, chỉ đến tầm vạch rõ hay lên án những kẻ đội lốt tu hành, có những hành vi xấu xa, đê tiện. Chứ nếu xúc phạm đến học thuyết, đến thánh thần nhất định kẻ đó phải mang trong mình một âm mưu, nhiệm vụ của thế quyền. Không một người tử tế nào nói rằng tôi theo đạo này, nên tôi thấy đạo kia sai tôi lên án cả.

 Thế giới hàng trăm triệu tín đồ, đạo Phật, Thiên Chúa, Hồi Giáo có đến cả ngàn năm. Loại trở cờ, lươn lẹo như Ngọc so với lịch sử các đạo chỉ là cái chớp mắt, phán nào sao đúng hay sai được. Có chăng Ngọc muốn nổi danh làm kẻ đốt đền, thứ nữa là thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngọc được ăn học tử tế dười thời VNCH, hầu hết những bằng cấp Ngọc đều được VNCH ưu đãi cho học, hoặc Hoa Kỳ cấp học bổng. Thế nhưng sau này làm lại bản tự khai, về phần tài ngũ. Ngọc ghi rằng.

1962 bị gọi tái ngũ.

Thời gian tái ngũ của Ngọc không dài,  sau đó được điều về làm giảng viên vật lý. Nhưng Ngọc sử dụng cái từ '' bị gọi '' cho thấy con người Trần Chung Ngọc tráo trở thế nào. Ngọc sống trong một nhà nước đang có chiến tranh, hàng triệu người cầm súng, Ngọc hưởng đủ mọi ưu đãi học hành hơn người khác. Giờ có làm nghĩa vụ ở quân đội ngắn hạn, có phải ra chiến trường đâu, thế sao gọi là '' bị gọi ''. Nếu Ngọc không muốn phục vụ VNCH, không muốn '' bị gọi '' Ngọc dinh tê ra vùng kháng chiến quân giải phóng ở bưng biền đi. Sao còn cố bám lấy học hàm, học vị làm cho chính quyền VNCH rồi sau đó sang Mỹ làm chi.

Một kẻ vô ơn phản nước và một kẻ nhạo báng thánh thần có là một thì chẳng có gì khó hiểu.

Nếu như VNCH dành thắng lợi, có lẽ Ngọc lại huênh hoang kể năm 1962 đang ở trưởng học thấy non sông bị  chiến chinh,chàng thư sinh Trần Chung Ngọc đã xếp bút nghiên cắn máu viết tâm thư xin vào quân đội cũng nên.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, Tổng cục an ninh VN thừa hiểu họ không thể tuyển mộ được người có tâm can chính trực làm việc cho mình. mà chỉ mong tuyển được vài cơ kẻ hội làm tay sai cho mình đã là may. Sau đó nhào nặn  biến những kẻ này thành những người có tâm huyết chính trực sau. Nhờ sẵn có tiếng Phật Tử , Ngọc được tuyển dụng và được giao nhiệm vụ cùng với nhóm Giao Điểm viết bài đánh phá các đạo nào mà chính quyền không ưa, hoặc đánh phá những nhân sĩ, trí thức mà chính quyền không ưa..

Đây là bằng chứng Trần Chung Ngọc hoạt động đắc lực cho Giao Điểm

http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/trancngoc_gt.htm

Còn đây là bằng chứng Giao Điểm làm việc cho Tổng cục an ninh, chính xác là A88 Cục An ninh xã hội, tiền thân trước kia là a 38 An ninh tôn giáo. Nay do thiếu tướng Lê Đình Luyện ( cũng là một Phật Tử quy y Tam Bảo ) làm cục trưởng. Hàng trăm cuốn tạp chí Giao Điểm được in ở trong nước đưa ra ngoài phát tán để gọi là phục vụ tín ngưỡng đồng bào hải ngoại.



Thiếu tướng Lê Đình Luyện công tác tại Hoa Kỳ, có gặp mặt Trần Chung Ngọc.



Thiếu tướng Lê Đình Luyện tại học viện Phật Giáo Sóc Sơn.



Chúng ta nhìn thấy một gương mặt quen thuộc trên chính trường tư tưởng tôn giáo đó là  thượng tọa Thích Thanh Quyết đang vui vẻ  với các tướng an ninh Vũ Hải Triều, Lê Đình Luyện, Vũ Thanh Bình, Đào Trọng Hùng (  chỉ thiếu AHLL VTND tướng Đường Minh Hưng nữa là đủ bộ ). Để thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà Giao Điểmn ca ngợi Thích Thanh Quyết lên tận mây xanh.

http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=7116


Xoay quanh Giao Điểm  là Tổng Cục an ninh, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phật tử Trần Chung Ngọc, Phật tử Bùi Hồng Quang...ta có thể thấy rằng Trần Chung Ngọc là con người thế nào.? Ngọc đang phục vụ ai.? và mưu đồ mà Trần Chung Ngọc là con tốt xung kích  ấy có nguy hại đến sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, hòa giải và yêu thương hay không.? Có sự lợi dụng tôn giáo nào để khoét sâu thì hận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc hay không.?


Xem một bằng chứng dưới đây nữa, để thấy rằng không phải chỉ Công Giáo Việt Nam là đáng thương. Mà ngay kể cả Phật Giáo Việt Nam dù có đang hưng thịnh , dù có nguy nga Đại Nam Quốc Tự hay hoành tráng Bái Đĩnh...thì xét về mặt nào đó, Phật Giáo cũng rất đáng thương.






Xem lại bài viết của Trần Chung Ngọc trên mục chính trị phê phán của báo Nhân Dân, nội dung kích động chia rẽ Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/21251502.html

Copy từ: Người Buôn Gió’ blog


..................

KẺ CHỈ BIẾT TUÂN THỦ THÌ CHO VIỆC PHẢN KHÁNG LÀ ĐỒI BẠI.




Hồi còn bao cấp, một lần tôi đến nhà bà chị họ, thấy cái bồn rửa bát của nhà bà ấy sâu quá, tôi nhận xét thì bà ấy nghiêm mặt:
-    Đúng là hơi sâu, nhưng trót xây rồi. Ở đây chỉ được khen, không được chê!
Tôi ngạc nhiên:
-    Xấu chê, đẹp khen là chuyện đương nhiên. Làm gì có chuyện chỉ được khen mà không được chê? Thế em làm dở, chị có chê không? Học sinh của chị học dốt, lại lười, chị có chê không?
Chuyện trong gia đình hay ngoài xã hội cũng vậy, nguyên lý là xấu chê, đẹp khen! Cho dù đó là ông thủ tướng, hay ông chủ tịch nước cũng không ngoại lệ.
Nhưng chuyện xấu hay đẹp chỉ là hình thức bên ngoài. Còn việc làm xấu thì bản chất nó lại hoàn toàn  khác. Việc làm xấu của một cá nhân không chỉ làm tổn hại cả đến người khác mà là đến cả xã hội nói chung. Vì vậy, việc làm xấu đương nhiên phải bị tố cáo và ngăn chặn.

Ví dụ tham nhũng cũng là một việc làm xấu. Thậm chí giờ đây nó được coi là một quốc nạn. Từ ông chủ tịch nước đến ông tổng bí thư cũng phải công nhận điều đó. Nhưng ông chủ tịch quốc hội lại hồn nhiên bảo: “... đút lót, tiêu cực...có bắt, có xử được mấy đâu?”. Không biết việc chống tham nhũng và xử tham nhũng là nhiệm vụ của ai đây? Và nếu tham nhũng đã được coi là quốc nạn, mà tổ chức,cá nhân có nhiệm vụ nhưng không bắt được, xử được là không hoàn thành nhiệm vụ chứ còn gì. (hình như cơ quan nào cũng có ban phòng chống tham nhũng thì phải)
Đấy là chính các ông thừa nhận, chứ dân chúng thì khổ từ lâu lắm rồi. Kêu mãi rồi nhưng không có tác dụng. Trước đây và bây giờ cũng thế, đài, báo, truyền hình vẫn độc quyền về truyền thông. Không hề có bất cứ một diễn đàn nào để người dân đối thoại. Nếu chỉ nghe đài, báo và truyền hình thì coi như bạn đã bị điếc một tai.
Từ khi có internet, biết vào các trang ngoài các trang mạng của nhà nước, tôi mới vỡ lẽ ra bấy lâu nay mình bị mù! Mù thông tin.
Chả mù sao được khi đến giữa năm 2011 tôi mới biết có “Hải chiến” Trường Sa, mới biết Hoàng Sa đã mất (ngày trước vẫn còn say sưa hát: đây Hoàng Sa, kia Trường Sa, ngàn bão tố phong ba, vẫn vượt qua, vượt qua...), mới biết chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 còn kéo dài đến tận năm 1988, mới biết Ải Nam Quan không còn, mới biết thác Bản Giốc còn non nửa, mới biết lùm xùm quanh dự án Bauxite v.v...
Đương nhiên nhà cầm quyền không thích điều này. Họ tìm mọi cách hạn chế để người dân biết được thông tin. Khi dư luận phát hiện và lên tiếng tố cáo, vạch trần những cái xấu trong xã hội thì thường bị gán tội lợi dụng tự do ngôn luận để tuyên truyền, kích động chống đối chính quyền. Biểu tình thì bảo gây rối. Người dân thực sự không còn chỗ nào để bày tỏ chính kiến.  Lên mạng bày tỏ công khai thì bảo lợi dụng tự do ngôn luận... Nghĩa là đối với nhà cầm quyền này, người dân chỉ được phép tuyền truyền, ca ngợi chế độ mà không được phép vạch ra cái xấu, giống hệt như bà chị họ tôi vậy.
Đối phó với biểu tình thì nhà cầm quyền áp vào nghị định 38. Đối phó với việc chia sẻ và tìm kiếm, tiếp cận thông tin trên mạng thì ra nghị định 72. Đối phó với việc bày tỏ chính kiến, tố cáo những vấn nạn của xã hội thì tìm cách tròng cái 258 vào cổ kẻ nào không chịu ca ngợi mà chỉ tìm cách vạch vòi...
Tôi lấy ví dụ, nhà nọ có anh chồng gia trưởng, lại vũ phu, chuyên đánh đập vợ con. Vợ con chịu không thấu thì nhờ hàng xóm can thiệp. Nhưng hàng xóm lại bảo chuyện riêng nhà các người, về nhà đóng cửa mà bảo nhau. Tối về anh chồng chốt cửa lại, phang vợ chí chết.
Sau một loạt các vụ bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến, các blogger vì những lý do rất mơ hồ, một số blogger đã soạn ra tuyên bố 258 (nhằm yêu cầu bãi bỏ, hoặc sửa đổi điều 258 của Bộ luật hình sự), thu thập chữ ký trên mạng và gửi cho quốc tế thông qua các sứ quán. Một khi Việt Nam muốn ứng cử vào hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, thì Việt Nam phải “làm tốt công tác” nhân quyền trước đã, chứ đừng như một bà suốt ngày chửi chồng đánh con, mà lại tham gia vào ban hòa giải khu phố vậy. 
Nhân quyền kiểu gì mà không cấm được biểu tình thì cho người đến tận nhà người ta để ngăn cản? Nhân quyền gì mà ép chủ nhà không cho người ta thuê nhà, ép doanh nghiệp đuổi việc? Nhân quyền kiểu gì mà tìm mọi cách ngăn chặn người dân tiếp cận với internet để hòng bị mắt, che tai người dân?
Việc gửi tuyên bố này đến sứ quán các nước đều được họ tiếp nhận một cách trân trọng. Ấy thế mà có vị lại bảo họ khinh bỉ sự thiếu hiểu biết của chúng tôi khi trao bản tuyên bố này cho họ. Nói thế chẳng hóa ra, thái độ của các quan chức ngoại giao đó là giả dối à? Cái này rõ là bụng ta suy ra bụng người. Với những người dân vô danh tiểu tốt như chúng tôi, mà các sứ quán cử cấp tham tán, thậm chí cả đại sứ ra đón tiếp, điều đó thể hiện sự đánh giá cao chứ đâu có khinh bỉ như các vị nói. Nói thật tôi thấy còn vinh dự chán, so với các ông lãnh đạo cao cấp nhà ta ra nước ngoài, mà không được người ta đóp tiếp theo đúng nghi lễ.
Không chỉ có thế, các vị ấy bảo việc chúng tôi gửi tuyên bố cho quốc tế là một hành động bẩn thỉu, bôi nhọ thể diện quốc gia.
Tôi thì cho rằng, hành động bẩn thỉu và bôi bẩn thể diện quốc gia chỉ có thể là sự tham nhũng của các quan chức chính phủ, là sự cùng khổ của người nghèo, là hình ảnh trẻ em miền núi đu dây qua sông để tới trường, là hình ảnh dân oan vất vưởng trước cửa các cơ quan công quyền, là cảnh giao thông hỗn loạn, kinh tế thụt lùi...Và thế giới văn minh chỉ khinh bỉ  những kẻ tham nhũng, làm giàu bằng mồ hôi và nước mắt của chính đồng bào mình. 
Thể diện quốc gia không chỉ là thể chế chính trị mà là cả con người của quốc gia đó. Thể chế chính trị của một quốc gia có thể xấu, nhưng không đồng nghĩa với dân tộc đó xấu.
Các vị ấy còn bảo đương nhiên không thể có chuyện cá nhân đến các sứ quán nước ngoài, để thỉnh cầu những việc liên quan đến chuyện quốc gia đại sự.
Thưa các quý vị, công dân không thể làm điều gì phải được quy định rõ ràng bằng luật, chứ không thể theo ý chủ quan của các vị được. Nếu có thứ luật nào cấm đoán người dân quan tâm đến chuyện quốc gia đại sự thì đó là thứ luật phi lý và đáng hổ thẹn.


Xin được trích lại câu của Alejandro Jodorowsky:
“Birds born in a cage think flying is an illness...”

Tương tự, tui nghĩ kẻ chỉ biết tuân thủ thì cho việc phản kháng là đồi bại.

Copy từ: Phương Bích’ blog


...............