TL:
Mai là ngày nhà báo Trương Duy Nhất bị cơ quan an ninh đưa ra xét xử về tội
tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều luật 258 của Bộ luật hình sự. Ngày
mai, chúng ta lại có dịp có “một góc nhìn khác” về điều luật 258; về cách buộc
tội của nhà nước VN với công dân của mình; về tư cách của người bị coi là phạm
tội và những người được coi cầm cán cân công lý…Bất luận thế nào thì những
bloggers, facebookers, nhiều người dân đã thức tỉnh vẫn sẽ tiếp tục đi theo con
đường của nhà báo Trương Duy Nhất để có những “góc nhìn khác” tỉnh thức về thế
sự Việt Nam hôm nay, không chấp nhận những thông tin giả dối, đã bị kiểm duyệt,
sai lệch, định hướng…Từ thế kỷ 18, triết gia
Pháp Voltaire của thời đại Khai Sáng đã nói: “Tôi có thể không đồng ý
những điều anh nói nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những
điều đó”…Vậy những “góc nhìn khác” đã,
vẫn và sẽ là nhu cầu thiết yếu của mỗi công dân hôm nay. Xin giới thiệu bài
viết của GSTS Nguyễn Đăng Hưng…
Vài suy
nghĩ về vụ xét xử nhà báo Trương Duy Nhất
Tôi quen với nhà báo Trương
Duy Nhất cũng mới đây thôi. Tôi và ông có dịp gặp gỡ hai lần khi tôi về Đà Nẵng
thăm bè bạn. Tôi đã chủ động liên lạc với ông vì trước đó khá lâu, tôi chú ý
đến trang blog truongduynhat.vn với “Một góc nhìn khác” rất ấn tượng.
Ông thường đặt những vấn đề thời sự liên quan đến đời sống chính trị, xã hội
Việt Nam.
Ông có những phản biện, những phê phán trực diện, mạnh mẽ, lắm khi khá gai góc
có thể làm đối tượng khó chịu. Đối tượng của ông thường ở lề phải, là đảng cầm
quyền, là thành viên chính phủ, ngay cả người có chức vụ cao nhất, là những
chính khách quốc tế. Nhưng đôi khi cũng có những nhân vật lề trái như Cù Huy Hà
Vũ, Bùi Hằng. Đối với họ, ngòi bút của ông cũng sắc bén, không chút nương tay.
Ông cũng đã từng tháp tùng Chủ tịch nước đi Mỹ, là người có giao thiệp gắn bó
với lãnh đạo đảng cộng sản tại Đà Nẵng, Hội An.
Ông quả là một blogger hiếm
hoi tại Việt Nam, có phong
cách riêng biệt độc đáo, một hiện thân đậm chất Quảng Nam, thẳng tính
và can cường.
Tôi hỏi ông:
-Như vậy anh có bị cơ quan
chức năng “thổi còi” không?
Ông trả lời rất tự tin và
bản lĩnh:
-Có chứ. Nhưng tôi vẫn tiếp
tục. Lý do là vì blog tôi công khai, chủ blog có rõ địa chỉ nhà ở, địa chỉ
e-mail. Tôi không hề tránh né trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ là nhà báo độc lập ngán
ngẩm làm báo lề phải, nay lập blog để giải tỏa những bức xúc của một nhà báo
với ý thức trách nhiệm của mình trước tình hình đất nước.
Tôi hơi bất ngờ về câu trả
lời trên. Tôi không hiểu ông học hỏi ở đâu, (lúc ấy chưa xuất ngoại) mà ông có
một lập trường bảo vệ tự do ngôn luận cho chính mình khá rạch ròi như thế. Thật
vậy, tại Bỉ chỗ tôi đã định cư hơn 50 năm việc ra báo và tán phát ngôn luận là
quyền của mọi công dân đã được hiến định. Trước năm 1975, tôi đã từng là tổng
biên tập của hai tờ tạp chí có nội dung chống chiến tranh cục bộ của Mỹ tại
Việt Nam.
Bỉ là nước thân cận của Hoa Kỳ tại Châu Âu, thủ đô Brussels là địa bàn của tổng
hành dinh Liên Minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà khi ra báo chống Mỹ can
thiệp tại Việt Nam, (tôi là Tổng biên tập, người đưa in (Roneo), người tán phát
và cũng là người chu cấp chi phí làm báo), tôi chỉ cần ghi tên và địa chỉ. Luật
Bỉ chỉ đòi hỏi trên tờ báo phải ghi tên, địa chỉ của Người Trách Nhiệm (Editeur
responsable), thế là đủ!
Tháng 5 năm ngoái, tôi đã
rất đỗi nhạc nhiên nghe tin ông bị bắt tại Đà Nẵng rồi chuyển ra Hà Nội. Lần
cuối cùng tôi thấy ông trên mạng là hình chụp trên đây.
Tôi giữ yên lặng vì không
biết đằng sau “Góc Nhìn Khác” có gì khuất tất khác mà tôi không được biết. Trên
mạng có người bảo có lẽ việc đưa ra thăm dò tín nhiệm đại biểu, thành viên
chính phủ, quan chức đảng là giọt nước tràn ly? Nhưng việc thăm dò dư luận qua
mạng, blog Trương Duy Nhất đã làm từ lâu mà?
Nay đọc 5 trang cáo trạng
của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan chức năng cao nhất, sau chín tháng
bị giam giữ tôi lại ngạc nhiên không kém.
Đằng sau nhà báo Trương Duy
Nhất chẳng có gì là khuất tất, chẳng có thế lực thù địch nào bảo trợ, chẳng có
chứng cớ gì về những liên đới tài chính với bất cứ ai, trong cũng như ngoài
nước.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối
cao đã sử dụng kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông, theo
đó chứng cứ chỉ có 12 bài đăng trên blog, trong đó 11 bài của ông Nhất, 01 bài
của người khác. Bản cáo trạng tuy khá dài nhưng phán quyết khá mơ hồ chung
chung:
“Nội dung
12 bài viết này không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước;”
Ta có thể tự hỏi nội dung
nào không đúng sự thật, chính sách nào của đảng đã bị xuyên tạc và cá nhân nào
của nhà nước đã bị bôi nhọ, bôi nhọ bởi câu nào, lời nào, ở sự kiện nào? Và nếu
có thật như vậy thì thiệt hại của những nạn nhân ra sao?
Nếu Trương Duy Nhất nói
không đúng sự thật, gây hoang mang trong dân chúng, làm ảnh hưởng đến lòng tin
ở lãnh đạo đảng và nhà nước thì các cơ quan truyền thông đại chúng trong tay
nhà nước đã hay sẽ cải chính, thảo luận, trao đổi công khai để sự thật được
sáng tỏ, lòng tin của nhân dân được củng cố, chứ sao lại đi vùi dập, bỏ tù tác
giả? Chính quyền đã bao lần khuyến khích công dân tham gia phản biện, góp ý
kiến cho nhà nước mà.
Tôi cho rằng ngay cả đứng
trên khía cạnh quyền lợi chính trị của nhà cầm quyền, việc đưa Trương Duy Nhất
ra tòa trừng trị là một sai lầm đáng tiếc.
Chính biện pháp này mới làm
mất uy tín nhà nước Việt Nam.
Và bản thân điều 258 về
“Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi
ích hợp pháp của tổ chức, công dân” cũng rất không ổn, cũng đã làm tôi rất nhứt
nhối từ lâu. Thực vậy, luật này phủ nhận quyền căn bản của công dân Việt Nam đã
được ghi trong hiến pháp, đã vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điều
khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý
kiến mà Việt Nam đã ký kết.
Tuyên Ngôn Độc lập được cụ Hồ
đọc trước quốc dân đồng bào năm 1945 có câu (lấy từ Tuyên Ngôn Độc lập
Mỹ): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa
cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có
quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đã chỉ rõ quyền tự do của công dân là
thiêng liêng. Vậy một chế độ do dân và vì dân phải khuyến khích dân ý thức và
thực thi quyền ấy chứ?
Tại sao lại thêm vào khái
niệm vi hiến quái lạ, lạc lõng “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”?
Theo tôi, Trương Duy Nhất
vô tội.
Tha bổng Trương Duy nhất sẽ
là phán quyết có lợi cho đảng và nhà nước Việt Nam.
Nhất là nay Việt Nam đã
có tư cách là thành viên của hội đồng nhân quyền LHQ.
Nhất là sau phiên UPR tại
Thụy Sỹ (Kiểm định Phổ quát Định kỳ về Nhân quyền), các nước bạn trên thế giới
đã chân thành nhắc nhở Việt Nam về những thiếu sót về nhân quyền hiện hữu.
Nhất là hiện nay Quốc Hội
Việt Nam
đang chuẩn bị những sắc luật mới, trong đó quyền công dân và quyền con người sẽ
được xác định sáng tỏ hơn.
Nhất là Việt Nam đang chuẩn
bị tích cực cho việc gia nhập “Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên
Thái Bình Dương (TPP)”, một cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế và củng cố
vị thế toàn cầu.
GS Nguyễn Đăng Hưng
Tp Hồ Chí Minh ngày 2/3/2014
Copy từ: Thùy Linh’ blog
............