CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Vài suy nghĩ về án tù của Lê Quốc Quân


Người Buôn Gió
 
 
Với mức án 30 tháng tù giam, cộng 600 triệu tiền truy thu và 1,2 tỷ tiền phạt. Mức án cao nhất so với khung mà viện kiểm sát đưa ra với Lê Quốc Quân với tội danh '' trốn thuế ''. Cùng với những diễn biến xảy ra từ khi điều tra vụ án này, đến hoạt động của nhân dân, an ninh, cảnh sát bên ngoài phiên tòa và cả đài truyền hình Việt Nam cất công đưa tin về vụ án trốn thuế mấy trăm triệu. Tất cả đều cho thấy đây là một vụ án nằm ngoài khuôn khổ của một vụ trốn thuế bình thường. Chắc khỏi cần đi sâu phân tích những khuất tất, mờ ám của vụ án này. Một khi tòa án đã bất chấp mọi thông lệ bình thường để kết án tù bằng được Lê Quốc Quân, thì ai cũng biết phiên tòa được quyết định bởi một thế lực còn cao hơn cả luật pháp. Điều gì dẫn tới sự can thiệp này từ phía thế lực cao hơn cả tòa án đó. ? Cái thế lực huy động nguồn nhân lực đồ sộ, kinh phí đến hàng tỷ, suốt mấy năm trời ròng rã từ Nam ra Bắc bắt cả phụ nữ mang bầu. Chỉ để kết án bằng được Lê Quốc Quân trốn thuế vài trăm triệu. Hẳn nhiên mục đích của thế lực ấy phải nằm ngoài chuyện Lê Quốc Quân '' trốn thuế '' vài trăm triệu. Đến giờ thì cũng chẳng cần nhắc đến tiểu sử của Lê Quốc Quân, vì ngày hôm nay thế giới đã nhắc quá nhiều về anh, thông tin của anh tràn ngập trên mọi phương tiện truyền thông.
Vụ án Lê Quốc Quân định đem ra xử khi CTN Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ, thế nhưng người ta đã gác lại đợi sau chuyến đi của thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ. Cả hai chuyến đi này đều không đem lại kết quả như mong đợi của Việt Nam. CTN Sang được đón tiếp trong sự thờ ơ, còn thủ tướng Dũng dù các nguồn cố gắng vận động dăm lần bảy lượt để cho thủ tướng có cơ hội tiếp xúc với tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng không đem lại kết quả. Cuối cùng thủ tướng Dũng đành tiếp Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ tại một nơi không lấy gì làm trang trọng với tầm cỡ của một nguyên thủ quốc gia.
Cuộc tiếp kiến với IMF và WB cũng không mang lại kết quả như ý là vận động cho Việt Nam được mượn thêm tiền. Thậm chí là nguồn ODA cũng bị đóng băng vì đòi hỏi VN phải có nguồn vốn đối lưu tương xứng. Câu trả lời của các tổ chức tín dụng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Hoa Kỳ này là ; Việt Nam hãy tự điều chỉnh chính sách kinh tế của mình trước rồi hãy nói đến chuyện mượn tiền nong sau. Chúng tôi làm ăn, không nói đến chuyện nhân quyền ở đây.Điều chỉnh chính sách kinh tế, hay cải cách chính sách kinh tế là một thách đố quá khó đối với một quốc gia mà nhà nước do một đảng độc tài điều hành. Bởi những tập đoàn nhà nước là những tấm bình phong để mang lại nguồn lợi ngầm cho quan chức đảng, nó cũng chính là mạch máu nuôi dưỡng sự tồn vong của đảng, nó đem lại những bổng lộc khiến các đảng viên phải cố gắng phục vụ trung thành cho Đảng để kiếm chác được.
Với hàng loạt trụ sở hoành tráng của ĐCS , cũng như những món tiền khổng lồ để phục vụ tuyên truyền, bảo vệ ĐCS, dùng cho ĐCS...ai cũng hiểu mấy chục ngàn VND đảng phí của các đảng viên đóng hàng tháng, không thể đáp ứng được cho chính các đảng viên ấy trà thuốc khi họp chi bộ, giấy in để đọc các nghị quyết. Vậy tiền chi cho Đảng lấy ở đâu ra.? Lấy bằng cách nào.?
Con bài nhân quyền của phía Việt Nam dùng để mặc cả tiền nong với phương Tây đã vào giai đoạn hết tác dụng . Giờ có bắt thêm hàng chục người bất đồng chính kiến hay các blogge phản biện đều chỉ khiến phương Tây thêm cười nhạt.Vào lúc này họ sẵn sàng khen ngợi Việt Nam đã cải thiện về nhân quyền nữa cơ, có tiến bộ lắm, đáng khen lắm. Nhưng mà vay tiền, viện trợ thì lại là chuyện kinh tế, chuyện ông làm ăn thế nào, có hiệu quả hay không.? Tôi trông giỏ tôi bỏ thóc, trông vào cung cách làm ăn của ông có khả năng phát triển hay không tôi đầu tư cho vay.
Thiết nghĩ mọi vấn đề về tiền nong đã rõ ràng. Chuyện nhân quyền không còn là lá bài hữu dụng . Chẳng phải phương Tây ghi nhận tiến bộ về nhân quyền, mà ngay cả Vatican cũng hài lòng với sự tiến bộ về tôn giáo của các ông. Vấn đề bây giờ là các ông hãy phát triển kinh tế lành mạnh và có khả năng phát triển đi. Mọi cái khác ông làm rất đáng khen. Luật sư Lê Quốc Quân, người Việt Nam có học bổng ở Hoa Kỳ và lại là một giáo dân uy tín của Công giáo Việt Nam, một tri thức yêu nước, một người mong muốn cải cách sự dân chủ, quyền con người bỗng nhiên anh bị bắt về tội '' trốn thuế ''. Và khi lá bài nhân quyền để đổi kinh tế, viện trợ không được như ý. Lê Quốc Quân bị người ta kết án nặng nhất so với bất kỳ các vụ án tương tự, thậm chí cả những vụ án mà số tiền trốn thuế gấp vài chục lần. Người ta định bắt anh vì mục đích khác, khi mục đích ấy không còn hữu dụng, lẽ ra phải thả cho anh với mức án hợp lý để lấy sự nhân hòa. Nhưng họ lại hành xử theo cách của người bán đào đêm 30 Tết. Không còn ai mua đào, quất,người bán dùng gậy vụt cho tan nát những cây đào, quất rồi bỏ đó cho người công ty vệ sinh đến dọn, khỏi mất công chở về.
Nếu phiên tòa hôm nay, Lê Quốc Quân nhận tội và xin khoan hồng. Có lẽ anh cũng tạo cho những người bắt anh được lối thoát để họ thành công về dư luận, hể hả thỏa mãn quyền lực tối cao của mình khép ai có tội là có tội. Nhưng anh không làm thế, chẳng ai đi đổi 20 tháng tù giam còn lại của một vụ án bất công, để xin xỏ mong được chuyển thành án treo. Đến một thằng lưu manh, thực dụng như Lái Gió cũng chẳng dại gì đi đổi cái giá ấy. Dẫu biết một ngày tù là thiên thu tại ngoại, là xa lìa con thơ, vợ dại, mẹ già, anh chị em và bằng hữu. Huống chi là một người trí sĩ có tấm lòng với quê hương, một tín đồ Công Giáo nhiệt thành như luật sư Lê Quốc Quân.
Bài phân tích trước khi xử một tháng, tôi đã đặt khả năng Lê Quốc Quân bị 30 tháng tù giam. Nhưng hy vọng những người kết án anh cân nhắc lợi hại cho họ, bởi có giam được anh thêm 20 tháng tù nữa thì cũng chả nghĩa lý gì thời gian vèo cái là qua. Trái lại uy tín của anh và sự quý trọng anh của những người thương mến anh càng dâng cao và lan tỏa. Còn xử anh án treo và thử thách thì không những vô hiệu hóa anh trong vòng kiềm tỏa,mà vẫn có thể đánh vào uy tín của anh qua những lần kiểm điểm hàng tháng, trình diện tại địa phương, đi đâu phải khai báo xin xỏ. Trong khi đó vẫn được tiếng là không nặng tay với người bất đồng chính kiến, không phân biệt đối xử giữa người bất đồng chính kiến với những người khác cũng trốn thuế trước đó bị xử tội danh như vậy.Nhưng xử án treo là chính quyền phải đủ mạnh, đủ lực. Cũng như Gia Cát Lượng ngày xưa 7 lần bắt và thả Mạch Hoạch. Phải đủ lực để điều khiển cuộc chơi, phải tin vào bản thân mình còn sức lực, trí tuệ và khả năng như Gia Cát Lượng lúc đó mới dám chơi cuộc chơi vờn giỡn như thế.
Có lẽ những người phụ trách vụ án Lê Quốc Quân, cũng chẳng còn niềm tin là họ sẽ còn trụ được đến 20 tháng nữa chăng ?. Thế nên mới quyết giam được ngày nào hay ngày ấy cho khỏi mất công lập chuyên án theo dõi, vô hiệu hóa, ngăn chặn. Chấp nhận để Lê Quốc Quân đi vào lịch sử không phải vì tội ''trốn thuế '' nữa mà như một vị anh hùng đối lập.
Mà cũng có thể là thế lắm, cho mày làm anh hùng đối lập sau này cũng đựơc. Vì lúc đó tao đâu có còn chức quyền nữa mà quan tâm chuyện mày đối lập hay không.? Thật bi hài cho những người chủ trương kết án Lê Quốc Quân hôm nay, nếu suy nghĩ thế thực sự tồn tại ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Bài viết theo phản ánh quan điểm cá nhân, nếu có điểm nào đụng đến những quan điểm khác xin được lượng thứ vì trình độ hạn hẹp.

Copy từ: Dân Luận


.....................

Luật sư Lê Quốc Quân trốn thuế ư?


Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Những mái đầu nhuộm đen nhánh, những bộ veston đắt tiền, cho đến những đôi giày bóng loáng của Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh v.v... cho đến những bộ áo dài tha thướt, những hộp trang điểm hàng hiệu của Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Thị Kim Tiến, Tòng Thị Phóng v.v... có xuất "hóa đơn đỏ" không nhỉ? Không khéo lại mang tiếng "trốn thuế" mất!...
*
Đài BBC tổng hợp tin với bài viết "Ngân sách chính phủ VN kiệt quệ?", trong đó cho hay: "9 tháng đầu năm, Việt Nam bội chi hơn 140.000 tỷ đồng, tức khoảng 7 tỷ Mỹ kim" [1]. 
Báo Tiền Phong đưa tin [2]: Đến hết tháng 9/2013, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 543.835 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán. Đáng lưu ý hầu hết các sắc thuế chủ yếu đều đạt thấp so với dự toán.
Thất thu và bội chi ngân sách là "điệp khúc" muôn thuở của chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam.
Lục tìm trên mạng để trình ra công luận như sau:
Dù 10 năm không nộp thuế cho nước sở tại nhưng Giám đốc đối ngoại của Coca-Cola lại tuyên bố là "đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam" và cho rằng mình "trong sạch"[3]. Nghi án trốn thuế bằng việc "chuyển giá" của tên tuổi sừng sỏ này vẫn chưa biết đi về đâu. 
Tòa nhà cao nhất và nổi tiếng nhất Việt Nam do Hàn Quốc đầu tư có tên Landmark, không ai ở Việt Nam không biết. Theo đó, năm 2011, Keangnam-Vina bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng công ty này báo lỗ hơn 140 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm đầu tư, Keangnam-Vina liên tục báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm. [4]
Honda, một thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản tại Việt Nam cũng trình ra một bất hợp lý về chuyện "thuế má": đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Xuân lên tiếng từ 2009 khi ông mua một chiếc xe tay ga của hãng Honda, giá công bố là 25 triệu đồng/chiếc nhưng khi bán giá là 28,5 triệu đồng. Ông Xuân nói tiếp: "nếu tính ra từ việc chênh lệch không ghi trong hóa đơn đó DN trốn được 30% số thuế, trong số 3 triệu đồng chênh lệch mà không ghi hóa đơn đó thì riêng một chiếc xe ít nhất họ cũng trốn được 1 triệu đồng tiền thuế".[5] Vụ việc trôi như nước mùa mưa lũ.
Khách sạn Equatorial, một khách sạn liên doanh lớn, tọa lạc tại Quận 5 Tp.HCM, dù đã bị khởi tố vụ án trốn thuế với con số nhiều tỉ đồng [6] từ năm 2010, nhưng vẫn mất tăm 3 năm qua như chiếc xuồng ba lá chìm sâu dưới lòng sông ô nhiễm nặng "mùi tiền".
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng trốn thuế khoảng 40 tỉ đồng, đây [7]!
Người ta phải kêu lên: "Nhức nhối trốn nợ thuế của doanh nghiệp FDI" [8] hoặc "Nhiều doanh nghiệp nước ngoài núp bóng FDI để trốn thuế" [9]
Đó là nói về doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trốn thuế. Còn trong nước thì sao?
"Đại gia" Nguyễn Thạc Thanh tại Bắc Ninh trốn thuế hàng chục tỉ đồng với án 36 tháng tù treo.
Nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu trốn thuế hàng tỉ đồng [10].
PVN [11], từ thời Đinh La Thăng còn tại nhiệm, đã "'quên' nộp ngân sách khiến Bộ Tài chính đã phải hai lần ra văn bản yêu cầu nộp thuế, PVN còn đang bị đề nghị phạt gần 500 tỉ đồng vì không nộp thuế". Sau đó tập đoàn đầy tai tiếng này, đủng đỉnh nộp lại chỉ sơ sơ... 1.000 tỉ trong khoản tiền 21.000 tỉ. Còn khoản phạt 500 tỉ thì... hãy đợi đấy (!).
Sốc hơn, một đơn vị chuyên môn về thuế trương bảng hiệu [12] "Chi cục thuế quận 1" thuộc Tp.HCM lại ngâm hơn 1.400 tỉ tiền thuế để lấy lãi suốt 5 năm nhưng cuối cùng Chi cục trưởng của "Cục... này" xin tự nhận... "phê bình" (!). Chóp bu tại Tp.HCM cho đến nay vẫn chưa báo cáo lên ông Thủ tướng theo yêu cầu dù sự việc được phanh phui 2 năm qua.
Mới nhất, ngày 3/10/2013, trang phunutoday cho biết [13]: EVN trốn thuế và bị truy thu 1,2 tỉ đồng với quyết định gọi là "xử lý hành chính". Bên cạnh EVN, các "vị đại gia" xăng dầu tiếp tục được "vinh danh" bằng cách: Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu truy thu gần 350 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng và Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 650 triệu đồng.
Còn hằng hà sa số vụ trốn thuế, nếu độc giả có nhã hứng, xin gõ các cụm từ: "đại gia trốn thuế", "doanh nghiệp FDI trốn thuế", "nghệ sĩ trốn thuế", "siêu xe trốn thuế" vân vân và vân vân, có khi đọc cả năm không hết. Tuy nhiên điều chúng ta cần chỉ ra ở đây là hầu như chưa có một vụ trốn thuế nào mà không qua quy trình như bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết [14]: 
(Trích) Trường hợp cá nhân cố tình trốn tránh, khi cơ quan thuế đã mời làm việc nhưng vẫn không hợp tác thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ vi phạm khác nhau.

Ngoài ra, đối tượng trốn thuế còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung khác như phạt tiền bằng số tiến thuế trốn (ngoài số thuế bị truy thu)… Tuy nhiên, pháp luật cũng có sự phân biệt giữa hành vi “chưa đến mức bị coi là tội phạm” với hành vi "bị coi là tội phạm". Không phải ai vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, mà có thể bị xử phạt hành chính bằng các hình thức khác nhau. (Hết trích)
Luật sư Lê Quốc Quân "được" quy tội "trốn" hơn 600 triệu tiền thuế, trong đó năm 2012 hơn 400 triệu, năm 2011 hơn 200 triệu và nhận án tù giam 30 tháng cùng mức phạt hơn 1,2 tỉ đồng trong phiên sơ thẩm ngày 02/10/2013.
Trang thông tin TTXVN đưa tin [15]: Lê Quốc Quân bị phạt 30 tháng tù về tội “Trốn thuế”. 
Bản tin trên chỉ thấy nói chung chung, không trình ra cho người đọc chi tiết gì để cho thấy LS. Quân cố tình chây ì hay trốn tránh cơ quan thuế. Không biết quy trình như bà Phó cục trưởng Cục thuế Tp.HCM nói, có được tiến hành đối với ông Quân chưa? Thậm chí, so với những dẫn chứng về việc hàng hà sa số doanh nghiệp cho đến cá nhân trốn thuế với con số khổng lồ như trên, liệu LS. Quân có đáng để phù hợp cái gọi là "mức độ tội phạm"? 
Một khi với hơn 600 triệu tiền thuế mà gán cho LS. Quân 30 tháng tù giam, thì cỡ như Đinh La Thăng cùng bộ sậu "xăng dầu", cho đến các doanh nghiệp FDI đầy... "tiếng tăm", các "đại gia", các "siêu sao" v.v... cứ thế mà "đổ đồng", rồi lấy số đó tính ra tháng tù giam cho bảo đảm "công bằng" và "công khai" (!). Nghĩa là 600 triệu/30 tháng tù giam, vị chi 20 triệu/tháng tù giam.
Theo đó, tính "rợ" 1.400 tỉ đồng của cơ quan gọi là "Chi cục thuế" quận 1 Tp.HCM, cứ thế mà ra 70.000 tháng tù, tương đương 5.800 năm tù giam. Lấy số này chia (kẻ nhiều, người ít) cho đám lãnh đạo tại "Chi cục thuế" quận 1 và "nội các" Tp.HCM, gồm nguyên giàn Thành ủy và quận ủy quận 1, UBNDTp.HCM và UBND quận 1 cho đến Cục thuế Tp.HCM, Sở Tài Chính, Hải Quan Tp.HCM, Sở Công an Tp.HCM và quận 1, Sở Kế Hoạch Đầu Tư Tp.HCM v.v...
Do đó, tên gọi "trốn thuế" phủ chụp luật sư Lê Quốc Quân đều được đại đa số gọi là sự trả thù hiển hiện của chế độ cộng sản Việt Nam mang màu sắc chính trị. Nó cũng được xem là đòn dằn mặt tiếp tục cho bất kỳ ai đòi dân chủ. 
Không biết phiên phúc thẩm tới đây, vụ việc diễn biến ra sao khi gắn kết với một xã hội mà blogger Trương Ba Không đã tường thuật [16] qua buổi trực tiếp đi nhưng... không đến được "phiên tòa công khai": "Xã hội loạn mẹ nó rồi. Chẳng biết xét xử cái gì mà ngăn đường đến vỡ thành phố mất rồi". Giá như người cộng sản khôn ra hơn một chút để thấy càng ngăn cấm kiểu này thì cá nhân Luật sư Quân cũng như nhiều nhà bất đồng chính kiến khác càng nổi tiếng.
Ừ quên! Những mái đầu nhuộm đen nhánh, những bộ veston đắt tiền, cho đến những đôi giày bóng loáng của Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh v.v... cho đến những bộ áo dài tha thướt, những hộp trang điểm hàng hiệu của Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Thị Kim Tiến, Tòng Thị Phóng v.v... có xuất "hóa đơn đỏ" không nhỉ? Không khéo lại mang tiếng "trốn thuế" mất! 
__________________________________

Copy từ: Dân Làm Báo


.......................

Quan hệ Việt–Mỹ gây chú ý sau phiên xét xử blogger ở Hà Nội


Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
James Hookway,
WSJ
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra bản tuyên bố chỉ trích quyết phiên xét xử luật sư Lê Quốc Quân
Mối quan hệ vốn đang dần ấm lên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa trở nên lãnh đạm sau tòa án tại Hà Nội kết án một luật sư nhân quyền nổi tiếng từng được đào tạo ở Mỹ. Luật sư Lê Quốc Quân cũng là một trong những blogger được nhiều người biết đến, vừa bị tòa kết án 30 tháng tù giam với tội trốn thuế – cáo buộc mà dư luận cho rằng mang nhiều động cơ chính trị.
Luật sư Lê Quốc Quân tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 2 tháng Mười, 2013. Ảnh: AP
Luật sư Lê Quốc Quân tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 2 tháng Mười, 2013. Ảnh: AP
Hai nước cựu thù gần đây đã phát triển mạnh mẽ hơn với các mối quan hệ thương mại và quân sự ngày càng gia tăng mà đỉnh cao là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Tòa Bạch Ốc gặp Tổng thống Barack Obama hồi tháng Bảy vừa qua. Nhưng vấn đề nhân quyền tiếp tục làm suy yếu triển vọng phát triển giữa hai nước, trong khi đó Hoa Kỳ đặc biệt chú ý đến trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân – nhà hoạt động nhân quyền 42 tuổi vừa bị Hà Nội kết án hôm thứ Tư.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố sau khi phiên tòa kết thúc, cáo buộc Việt Nam sử dụng các luật thuế cho các vụ án chính trị và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị khác.
“Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại”, bản tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa”.
Ông Quân tiếp tục giữ quan điểm cho rằng ông vô tội suốt quá trình tố tụng kéo dài nửa ngày dài, và mô tả ông là nạn nhân của “hành động chính trị” trong phiên tòa trước khi video và âm thanh ở phòng kế bên dành cho phóng viên và các nhà ngoại giao bị cắt.
“Nếu phiên tòa này có công lý thì trả tự do cho tôi”, ông nói.
Thẩm phán Lê Thị Hợp nói rằng ông Quân bị kết tội vì trốn thanh toán tiền thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 30.000 USD liên quan đến các hợp đồng tư vấn mà ông làm tại Hà Nội. Ông đã bị bắt hồi cuối tháng Mười hai năm ngoái khi đưa con gái ông đến trường, vài ngày sau khi ông đăng một bài viết trên blog của mình chỉ trích sự độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết thân chủ của ông sẽ kháng cáo bản án này.
“Bản thân tôi thấy rằng các bằng chứng mà các công tố viên trình bày là không thực sự thuyết phục”, ông Sơn nói.
Quan chức chính phủ Việt Nam đã không có thể liên lạc được để đưa ra lời bình luận.
Đối với Hoa Kỳ và các chính phủ nước ngoài khác, ông Quân đã trở thành biểu tượng về số phận của nhiều người bất đồng chính kiến ​​khác tại Việt Nam, và chính quyền Việt Nam trở nên cảnh giác hơn về phiên tòa hôm thứ Tư vì lo ngại những người ủng hộ ông Quân sẽ tụ tập biểu tình phản đối phiên tòa. An ninh trong khu vực đã được thắt chặt với hàng trăm công an giữa lúc những người ủng hộ ông Quân tụ tập tại một nhà thờ Công giáo gần đó cầu nguyện cho công lý.
Ít nhất 46 nhà hoạt động, trong đó có nhiều blogger, đã bị bỏ tù trong năm nay vì chỉ trích sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Con số này còn nhiều hơn cả tổng số của năm 2012. Phóng viên Không Biên giới trong tháng Bảy cho biết rằng Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các blogger đã bị bắt giữ. Một số người khác cũng đã từng bị chính quyền cáo buộc về tội trốn thuế trong đó có ông Nguyễn Văn Hải, còn được biết đến với bút danh nổi tiếng là Điếu Cày. Ông Hải đã bị chính quyền Việt Nam cáo buộc tội trốn thuế hồi năm 2008.
Các cuộc đàn áp cho thấy các lãnh đạo độc tài tại Việt Nam đang lo ngại rất nhiều về Internet ở nước này. Số liệu về người sử dụng Internet đang ngày càng gia tăng, trong đó hơn một phần ba người dân tại đây truy cập vào mạng mỗi ngày – một tỷ lệ cao hơn so với Indonesia hoặc Thái Lan. Những người bất đồng chính kiến hiện ​​đang tận dụng diễn đàn này để chỉ trích Việt Nam thiếu các quyền dân sự cũng như sự quản lý yếu kém của chính phủ đối với nền kinh tế.
Riêng ông Quân đã có một số bài nhạy cảm hơn. Ông đã bình luận về các chủ đề mà không được truyền thông nhà nước nhắc đến, kể cả vấn đề nhân quyền và chính trị.
Năm 2007, ông đã bị bắt sau khi trở về từ một khóa học bổng tại Hoa Kỳ do Natioal Endowment for Democracy bảo trợ. Sau đó Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain và cựu Ngoại trưởng Madeline Albright đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông. Tổ chức Ân xá Quốc tế sau đó tuyên bố ông Quân là một tù nhân lương tâm và ông đã được trả tự do ba tháng sau đó.
Hồi năm 2011, ông Quân đã từng bị giam giữ trong một thời hạn ngắn vì nỗ lực tham gia các phiên tòa của các nhân vật bất đồng chính kiến ​​khác, và từ đó ông nhiều lần bị chính quyền Việt Nam tổ chức các chiến dịch dọa dẫm bạo lực chống lại ông và những người ủng hộ ông.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Copy từ: Tạp chí Phía Trước


......................

Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ về ông Lê Quốc Quân


Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ về ông Lê Quốc Quân

2/10/2013
Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại.

Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa.

(Hết tuyên bố)

Copy từ: Đại sứ quán Hoa Kỳ


.................

XỬ CÔNG KHAI - NHÀ CẦM QUYỀN TỰ TÁT VÀO MẶT MÌNH




Trước phiên tòa công khai xử luật sư Lê Quốc Quân (LQQ) với cáo buộc trốn thuế, chính quyền địa phương đã có những động thái ngăn cản tôi không đi xem xử vụ này, bằng việc gửi giấy mời làm việc không ghi rõ nội dung, sau đó trực tiếp vào nhà tôi để yêu cầu tôi không đi xem xử án. Không chỉ riêng mình tôi, nhiều bạn lên mạng phàn nàn, rằng họ bị các đoàn thể ở khu phố đến nhà quấy rầy, yêu cầu không đi xem xử LQQ.
Đương nhiên tôi từ chối, xác định quyền của mình, cũng như  sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của bản thân.
Lần này họ không chặn tôi ngay tại cửa nhà như những lần trước, mỗi khi tôi đi biểu tình, hay chỉ là quan sát một cuộc dã ngoại, giao lưu về quyền con người (được tổ chức tại công viên Nghĩa Đô), nhưng họ cử an ninh đi theo tôi, ngay khi tôi rời khỏi nhà sáng nay.
Tôi biết bà con giáo dân ở giáo xứ Thái Hà sẽ đi xem xử án để ủng hộ LQQ, nên tôi đến để quan sát và chứng kiến tinh thần hiệp thông của người công giáo như thế nào.
Quả thực với chính quyền này, không thể biết giới hạn của họ đến đâu. Tránh trường hợp bị kẹt cùng bà con giáo dân, nếu bị chặn không cho mọi người ra khỏi nhà thờ, tôi đứng ngoài đường Nguyễn Lương Bằng, để quan sát bà con xuất phát như thế nào.

Sau buổi lễ sớm, chưa đến 7 giờ sáng bà con đã ra đến ngoài đường. Họ đi hàng một trên vỉa hè phố Nguyễn Lương Bằng, trên tay mỗi người đều cầm một lá vạn tuế. Tôi đi phía trước đoàn để chụp ảnh, và để có thể quan sát được toàn cảnh. 
 
 
 
Đến đầu đường Nguyễn Lương Bằng, đoàn người rẽ vào đường Xã Đàn. Họ nhắc nhau đi thành hàng một, một vài người vừa đi vừa hát kinh Hòa Bình: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù. Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục. Ðem an hoà vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm”
Dù tất tả chạy ngược xuôi bên cạnh đoàn người, những lời cầu nguyện thiết tha vẫn len lỏi vào tâm trí tôi, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và cảm phục về đức tin mãnh liệt của người công giáo, ngay cả khi họ bị đàn áp suốt mấy chục năm ròng, mặc dù chiến tranh kết thúc đã rất lâu trên mảnh đất này.
Mới vào đường Xã Đàn một đoạn, xe cảnh sát đã bắt đầu vè vè xuất hiện, yêu cầu bà con giải tán, không tụ tập đông người trên vỉa hè!!! Trong khi loa liên tục nhắc nhở, yêu cầu giải tán, tay công an gọi loa thỉnh thoảng cũng ngắc ngứ vì không biết yêu cầu như thế nào, khi người dân đang đi bộ (hàng một) trên vỉa hè. Liệu có một đất nước nào trên thế giới, lại có luật cấm người đi bộ trên vỉa hè không?
Những chốt công an lẻ tẻ xuất hiện vô số trên đường, nhưng việc ngăn chặn đoàn người là không khả thi, nên họ cứ lẽo đẽo đi theo đoàn, bất chấp chính họ đang cản trở giao thông vì đi dưới lòng đường. Mấy tay an ninh đi theo tôi ngang nhiên đi xe máy ngược chiều để có thể bám sát tôi. Một tay còn chả thèm đội mũ bảo hiểm. Vậy mà xe ô tô của cảnh sát chạy ngay phía sau không hề có ý kiến gì.
Đến đường Lê Duẩn, đoàn người đi sang vỉa hè công viên. Nhưng có người nghe được cảnh sát chỉ đạo tìm cách ép bà con vào công viên, vậy là họ lại bảo nhau đi sang bên kia đường, men theo lan can đường sắt. Đến gần đường Trần Nhân Tông, đoàn người rẽ sang bên kia đường để đi về phía tòa án. Nhưng chờ sẵn họ ở đây là một lực lượng hùng hậu, bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát áo xanh và an ninh trong trang phục trật tự đeo băng đỏ (tôi thực sự căm ghét lực lượng đep băng đỏ này vì sự hung hãn của họ).
Dòng người đang chảy, lập tức bị dồn cục lại vì bị chặn đầu. Khi những người đi sau tỏa ra, tìm cách vượt lên trên, lập tức tất cả các lực lượng chặn đường bèn dàn hàng ngang, che kín toàn bộ chiều rộng mặt đường Lê Duẩn. Vì vậy, không chỉ người đi bộ mà toàn bộ các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường Lê Duẩn cũng bị chặn đứng theo.
 
 
 
Gần một tiếng trôi qua, tình trạng trên vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Tôi đã nhanh chân vượt qua hàng rào trật tự, ngay khi đoàn người mới bắt đầu bị chặn. Đứng phía sau lưng mấy lớp hàng rào người (an ninh, cảnh sát áo xanh, cảnh sát cơ động), tôi nhìn cảnh tượng trên mà ngao ngán lắc đầu, không thể hiểu nổi cái gì chứa bên trong đầu của những kẻ ra cái lệnh kỳ cục này. Tôi lựa thế khi có đông người dân tò mò đứng xem, đang thi nhau giơ điện thoại lên quay, chụp, tôi cũng giơ máy ảnh lên chụp vội mấy kiểu. Lập tức tôi nhận ra nhiều ánh mắt chĩa vào tôi, những cái nháy nhau thì thầm đáng ngờ. Tôi lùi vào trong cửa một hàng bán điện thoại, tháo thẻ nhớ, cất máy cảnh vào túi.
Cảnh sát và an ninh bắt đầu xua đuổi tất cả người dân ra khỏi khu vực phong tỏa. Chủ cửa hàng đóng cửa kính lại. 3 cậu an ninh đi theo tôi đứng án ngữ ngay phía ngoài cửa. Mặc dầu vậy, những kẻ lượn lờ ngoài kia trong mọi sắc phục vẫn liếc vào cửa hàng. Tôi đã tính cả đến nước gửi chủ cửa hàng cất hộ thẻ nhớ. Mấy cậu an ninh canh tôi cũng bị đuổi vài lần. Chỉ sau khi họ lắc đầu, hất hàm tặc lưỡi, rồi thì thầm vài câu mới được bỏ qua.
Đứng trong cửa hàng nhìn ra, tôi thấy bà con hết ngồi xuống lại đứng lên. Hết hô phản đối lại hát kinh Hòa Bình. Vài lần chắc do phía sau thúc lên, đoàn người lại ồ lên, tìm cách vượt vòng vây. Đám trật tự choãi chân trèo , được cả cảnh sát áo xanh hỗ trợ, ra sức xô đẩy bà con bật trở lại.
Nhìn cảnh đó, tôi cay đắng nghĩ thầm, tại sao đám đông hàng trăm người lại có thể dễ dàng bị khuất phục chỉ bởi một hàng rào người mong manh thế kia. Cảnh này khiến tôi nhớ đến bộ phim hoạt hình Lion King, chúa sơn lâm bị cả đàn trâu rừng (hoặc linh dương) dẫm chết khi cố cứu con trai.
Không chỉ trong phim hoạt hình, trong thế giới động vật cũng có chuyện một đàn trâu rừng đã đánh đuổi tan tác cả bầy sư tử.
Thế mới biết làm người trên đất nước này, còn cay đắng hơn cả loài thú hoang. Có những điều con người không thể học được từ loài thú kia.
Phạm vi phong tỏa rất rộng. Ngay cả khi một nhánh ồ lên, thoát được qua hàng rào người, ào qua trước cửa hiệu tôi đang đứng, tôi lập tức đẩy cửa len ra, mặc cho mấy tay an ninh cố sức lấy lưng đẩy tôi lại. Tuy nhiên bà con không đi quá được vài chục mét, vì còn nhiều lớp cảnh sát các loại đứng dăng hàng, đón lõng cả quãng đầu đường Trần Nhân Tông, kéo dài cho đến tận cổng công viên. Tôi cảm thấy không hề an toàn, trước cái nhìn rất ám muội của những kẻ mặc thường phục đang lượn lờ xung quanh. Điều cần thiết bây giờ là phải đưa được hình ảnh lên mạng, để mọi người có thể biết được những gì đang xảy ra ở đây. Vậy nên tôi hỏi tay an ninh đang lẵng nhẵng theo tôi xem cậu ta có về không. Khỏi phải nói ku cậu mừng thế nào khi tôi đồng ý đi về, nên vội quay lại lấy xe ngay. Ngay cả khi bọn họ đèo tôi ra khỏi khu vực phong tỏa, cũng hai lần xe bị chặn lại. Tuy nhiên cùng ngành nên họ hiểu nhau rất nhanh, và để cho hai cậu an ninh chở tôi qua an toàn. Mặc dù tôi và tay an ninh đi xe máy bên cạnh không đội mũ bảo hiểm, nhưng suốt dọc đường chẳng có ma nào tuýt còi cả.
Dọc đường tôi tranh thủ phỏng vấn cậu an ninh đèo tôi, xem cậu ta nghĩ gì về những cảnh mà cả tôi và cậu ta nhìn thấy suốt từ sáng tới giờ? Ai mới là người gây ách tắc giao thông? Nếu các cậu là lãnh đạo, thì các cậu giải quyết vấn đề này thế nào? Liệu nếu để bà con giáo dân bình an đến được cửa tòa, họ có thể làm được gì ngoài việc đứng trên vỉa hè hát kinh Hòa Bình, hô mấy câu đòi tự do cho người anh em của họ?
Cậu an ninh này có vẻ hiền, chỉ bảo: khó nói lắm cô ơi!
Cậu bên cạnh (trước đó rất lì lợm, ban nãy còn lấy lưng chặn tôi không cho ra khỏi cửa hàng, và chỉ hớn hở khi tôi đồng ý đi về) thì bảo xin số điện thoại, bảo để lần sau có đi những vụ thế này thì cứ gọi họ chở đi, mà tốt nhất là đừng đi đâu, cứ ở nhà cho khỏe.

Tôi bảo sao lại có lối sống ích kỷ thế được? Nếu chỉ biết có mình, khi mình gặp nạn sẽ chẳng có ai thèm ở bên mình đâu cháu ạ. Với lại, cuộc sống cần người phản ánh mọi chuyện xảy ra trong xã hội, chẳng khác gì cần công an đâu. Cô không là nhà báo, nhưng hay gặp chuyện bất bình thì chẳng tha lên tiếng. Mà muốn biết thì phải đi mới biết được chứ?

Biết là quan thầy các cậu cũng chả dám nói, nhưng vẫn cứ phải hỏi.
Mạng faceboock tràn ngập thông tin về những gì xảy ra quanh phiên tòa xử LQQ. Tâm lý chung của cư dân mạng là cực kỳ phẫn nộ. Mãi hơn 9 giờ, vợ và chú ruột LQQ mới vào được tòa. Nhiều người bạn gọi điện hỏi tôi sao không thấy ai ở quanh khu vực xử án? Tôi đáp, tất cả bị chặn hết ở đây rồi. Có lẽ cho dù người đi dự không chỉ tập hợp ở một nơi như thế này mà là nhiều nơi, thì với cách thức này, cũng sẽ chẳng có ai bén mảng được đến cổng công đường. Không một ai trong chính quyền này có thể trả lời được câu hỏi:
- Thế nào là một phiên tòa xử công khai?
- Thế nào là một phiên tòa ô nhục?
Tôi có cảm tưởng là nhà cầm quyền đang tự tát vào mặt mình, trước dư luận trong và ngoài nước qua những hình ảnh đáng xấu hổ ngày hôm nay.  Nó thể hiện sự bất lực của một nhà nước yếu kém về mọi mặt. Mặc dù hôm nay không có màn bắt bớ người, nhà cầm quyền không huy động xe buýt để chở người bị bắt. Nhưng cái sáng kiến giăng ngang đường để chặn một đoàn người đi hàng một, khiến cả một tuyến đường bị ách tắc thì đó quả là tối kiến, khó mà chấp nhận nổi. 
Không ít người (có nghĩa là rất nhiều người) hiểu đằng sau bản án đó là động cơ khác. Ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của HRW, nói trong thông cáo đăng tải trên trang web của tổ chức này, rằng: "Chính phủ Việt Nam lo ngại về vị thế của mình trong xã hội đến nỗi phải tìm đủ cách để bịt miệng và cầm tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà bât đồng chính kiến khác."

Chiều đến, khi nghe kết quả phiên tòa, một bạn trên facebook viết:
 “Tôi phản đối bản án dành cho LS Lê Quốc Quân, cho đến khi nào nhà nước chứng minh được tại sao tội trốn thuế vài trăm triệu của LS Quân lại đáng phạt nặng hơn những tội trốn thuế lớn hơn nhiều của các đại gia cũng mang tội trốn thuế? Chúng ta hãy cùng phản đối, vì sự bất bình đẳng và tùy tiện đó có thể rơi vào chính chúng ta!”
Một bạn khác đưa ra những ý kiến khá thú vị:

Vụ Lê Quốc Quân, thấy những gì trong Luật pháp Việt Nam hiện hành?

Tiền dân đóng thuế có đủ nuôi tù nhân trốn thuế...?

Để nuôi một tù nhân cần 3 khoản chi chính sau:
1.Tiền xây nhà tù, đường xá...,
2. Lương hưu bổng quản giáo,
3.Lương hưu bổng quan chức Tổng cục 8 và tiền nuôi tù nhân...

Cứ 600 trăm triệu đồng, phạt 30 tháng tù. (600:30=20 triệu đồng/tháng người tù)

Như vậy Nhà nước mất 20 triệu, thì lại phải nuôi thêm: 1 tháng (1 tù nhân), và 1 tháng lương hưu bổng cho quản giáo, quan chức tổng cục 8...

Cứ bài toán này (giả định Quân trốn thuế thật) và thực tế xẩy ra trong xã hội Việt hiện nay, vụ nào cũng xử như vụ này thì tiền dân đóng thuế có đủ nuôi tù nhân trốn thuế...?
Phiên tòa về trốn thuế xử LS Lê Quốc Quân ngày 2/10/2013 tại HN công khai mà sao công an, an ninh chặn bà con không cho đến gần Tòa an HN để dự tòa, thế có còn là xét xử công khai, công bằng không ?

- Công khai thì ai cũng biết rồi!

Còn công bằng? Thì công bằng quá đi chứ !

- Tại sao công bằng quá ?

- Này nhé, khi nhà nước mất 85 ngàn tỷ ở vụ Vinashin, đã bố trí nơi xét xử rộng chứa đến 850 người đến dự (thực tế người đến dự đâu có tới mức đó),
tính ra Nhà nước mất 100 tỷ thì có một người dân đến dự tòa....

Vụ LS LQ Quân này cứ gọi là Nhà nước mất 1 tỷ, theo tỷ lệ trên (kể cả làm tròn) cũng chỉ có 1 người dân đến dự tòa đã là công bằng rồi, tại tòa ngày 2/10/2013 này Nhà nước đã cho hơn 10 người dân được dự tòa..
Không công bằng quá là gì ?

Nguồn:  https://www.facebook.com/bang.tran.378?ref=ts&fref=ts
 
Phương Bích: Bài này tôi có gửi trực tiếp cho trang Boxit, nhưng khi đăng lại ở đây, tôi có bớt một vài từ lặp lại do không soát kỹ (vì vội). Mong cả nhà thông cảm cho ạ.

Copy từ: Phương Bích’ blog


.............................

Quốc tế bất bình với bản án của LS Lê Quốc Quân


Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-10-02

Untitled-1-305.jpg
Luật sư Lê Quốc Quân tại TAND Hà Nội sáng 02/10/2013
RFA files


Ba mươi tháng tù giam về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và yêu nước Lê Quốc Quân, mà tòa Việt Nam phán quyết hôm qua, làm dấy lên sự bất bình và những lời chỉ trích nghiêm khắc nặng nề từ người thường cho đến các vị lãnh đạo tinh thần, giới ngoại giao cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền bên ngoài.
Thanh Trúc thu thập những phản ứng và cảm nghĩ liên quan đến trường hợp xét xử luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân đang lôi kéo sự chú ý của công luận  khắp nơi:
Bản án bất công
Ngay khi phiên tòa sơ thẩm, xét xử luật sư Lê Quốc Quân bị giam 9 tháng qua về tội trốn thuế, kết thúc xế trưa hôm qua với phán quyết 30 tháng tù giam, trên trang web của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã xuất hiện bản tuyên bố nội dung như sau:
Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước  việc chính phủ Việt nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Sự kiện chính phủ Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là một điều đáng lo ngại.
Vẫn theo bản tuyên bố của đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, trong đó có lời kêu gọi chính phủ Việt Nam thả hết tù nhân lương tâm cũng như cho phép người dân bày tỏ chính kiến, việc  kết án ông  Lê Quốc Quân là không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công Uớc Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, bên cạnh những cam kết thể hiện qua bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế.
Ân Xá Quốc Tế có lý cớ để tin rằng đằng sau vụ xử này là động lực chính trị, hệt như trường hợp blogger Điếu Cày trước đó.
- Bà Janice Beanland
Tại London, Anh Quốc, vài giờ sau khi bản án 30 tháng tù cho luật sư Lê Quốc Quân được loan ra, Ân Xá Quốc Tế Amnesty International công bố thông cáo báo chí , gọi đây là vụ trấn áp đối lập mới nhất vô lý nhất và bất công nhất mà Việt Nam vừa hoàn tất.
Bà Janice Beanland, người đảm trách vận động nhân quyền cho Việt Nam trong Ân Xá Quốc Tế, nói rằng đây là bản án khiến mọi người kinh ngạc và vô cùng thất vọng:
Untitled-4-250.jpg
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế quan ngại về bản án của LS Lê Quốc Quân.
Thật là điều đáng buồn khi những người đáng lẽ có thể cống hiến tất cả những gì ích lợi cho đất nước mà lại bị chính quyền của nước đó đố ky thù nghịch, tìm mọi cách bịt miệng và cầm tù bằng bản án dài như vậy.
Bởi vì Ân Xá Quốc Tế quá sửng sốt trước phán quyết hai năm rưỡi tù giam dành cho luật sư Quân. Ân Xá Quốc Tế có lý cớ để tin rằng đằng sau vụ xử này là động lực chính trị, hệt như trường hợp blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cũng bị truy tố và giam cầm vì tội trốn thuế trước đó. Những chuyện như vậy khiến Ân Xá Quốc Tế không thể không quan tâm.
Tưởng cần biết khi chưa bị bắt thì blogger Điếu Cày trước kia và luật sư Lê Quốc Quân sau này đều là những người thường có mặt trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Bà Isabelle Arradon, phó giám đốc Châu Á Thái Bình Dương Sự Vụ trong Ân Xá Quốc Tế, nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng không thể chối cãi chuyện luật sư Lê Quốc Quân bị bắt giữ và bị giam cầm bởi chính quyền Hà Nội chỉ vì ông tích cực tranh đấu quyền làm người cho chính mình và cho mọi người khác. Vì lý do đó, Amnesty International khẳng định, Việt Nam phải  bãi tố và trả tự do ngay tức khắc cho luật sư Lê Quốc Quân.
Khi luật sư kiêm blogger Lê Quốc Quân bị bắt chín tháng trước cho đến ngày xét xử hôm qua, thân nhân, bạn bè và cả những người không quen biết nhưng chú ý đến vụ việc, đều chẳng ai tin nhà nước truy tố và xử phạt ông chỉ vì tội trốn thuế.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Anthony Lê, phóng viên của truyền thông Giòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, bày tỏ rằng phiên tòa hôm thứ Tư đã có sẵn bản án  bỏ túi:
Với một lực lượng công an hùng hậu chặn hết không cho ai tiến gần khu vực tòa án là một điều cho thấy nhà cầm quyền rất sợ công luận. Một điều đáng mừng và đáng tự hào là số lượng nhân dân nói chung và thân nhân, bạn bè, gia đình của luật sư Quân đến bằng con số rất đông, cụ thể trên 1.000  người. Điều này cho thấy hình ảnh của anh Quân khắc sâu trong lòng nhiều người, anh Quân được số người mến mộ rất cao, từ Bắc tới Nam đều có.
Còn nói về bản án thì đó là bản án nặng nề và thật sự là bất công. Đưa tội trốn thuế với mức thuế sáu trăm triệu đồng ra so sánh với những phiên tòa xét xử những viên chức tham nhũng hoặc trốn thuế của Việt Nam lên tới con số hàng mấy tỷ đồng,  thì bản án 30 tháng tù giam cộng với sáu trăm triệu và phạt 1 tỷ 2 là bản án rất nặng nề và mơ hồ, không căn cứ vào điều luật hoặc cơ sở pháp lý nào cụ thể để ra được mức án như vậy.
Công an ngăn chặn
Từ Hà Nội, giáo dân và người quan sát độc lập J.B. Nguyễn Hữu Vinh, có mặt trong đoàn người của Thái Hà kéo đến phiên tòa xử luật sư Quân hôm qua, cũng có nhận xét như anh Anthony Lê là số người kéo về tòa án không ít hơn một nghìn người:
imagmkkokle-250.jpg
Công an, an ninh mặc thường phục làm hàng rào ngăn cản người dân đến tòa án. Photo courtesy of VRNs.
Đoàn người là giáo dân và những người quan tâm đi  từ nhà thờ Thái Hà, mỗi người cầm trên tay một cành thiên tuế, mang chiếc áo trắng có hình vẽ netizen Lê Quốc Quân với khẩu hiệu “Free Lê Quốc Quân”, cũng như các băng rôn “Trả Tự Do Cho Lê Quốc Quân” và “Xét Xử Công Bằng Công Lý”. Theo tôi nắm được thì con số khá lớn,  không dưới một nghìn người, khi đi thì có linh mục Lưu Ngọc Quỳnh và linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong.
Từ chỗ nhà thờ Thái Hà đến nơi xét xử khoảng 4 hay 5  ki lô mét, khi đi khoảng hơn 1 ki lô mét thì  công an, cảnh sát cơ động vũ trang chặn lại, mặc dù phiên tòa được báo chí của nhà nước tuyên bố là xử công khai. Cảnh sát muốn  đẩy tất cả trở lại để giải phóng con đường, mà quay lại thì cũng bị chặn nốt, có những lúc người giáo dân phải nằm xuống đường để ngăn cản việc bị đẩy trở lại hoặc  đẩy đi theo ý của họ.

Theo tôi thì nhà nước Việt Nam nên lưu ý đến sự quan tâm, sự bất bình, sự không đồng ý mà người dân bày tỏ một cách ôn hòa như tình huống vừa qua, để từ đó thay đổi chính sách và cách xử sự sao cho hợp lòng dân hơn.
- Bà Janice Beanland
Còn tại tòa chỉ mỗi vợ anh Lê Quốc Quân vào được, còn mẹ thì ngồi ở vệ đường từ sáng đến chiều. Những giáo dân ở các vùng xa bị chặn xe bị đuổi về. Có những giáo dân đến tận 2 giờ chiều vẫn bị nhốt vào trong vùng  công an,  không được đi ra khỏi.
Đặc biệt khi bị chận lại và không đi được thì người ta tập trung lại, hát những bài hát”Dậy Mà Đi Hỡi Đồng Bào Ơi”, bài hát “Lên Đàng” , đặc biệt có bài hát của Việt Khang “Việt Nam Tôi Đâu”, đã được những người thanh niên hát lên giữa đường phố một cách hoành tráng và rất là xúc động.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong:
Thật sự bầu khí ấy làm chúng tôi hết sức xúc động, nó khó tả lắm, không biết diễn tả làm sao khi chứng kiến người dân đồng lòng hát hoặc là hô những câu khẩu hiệu ôn hòa như là “Lê Quốc Quân Vô Tội”, ai cũng cảm thấy rất là xúc động.
Dưới mắt bà Janice Beanland, người vận động nhân quyền cho Việt Nam trong Amnesty International Ân Xá Quốc Tế:
Thật là tốt khi người dân cảm thấy cần thiết phải bày tỏ được và nói lên được suy nghĩ của mình bên ngoài tòa án như trường hợp phiên xử luật sư Lê Quốc Quân. Theo tôi thì nhà nước Việt Nam nên lưu ý đến sự quan tâm, sự bất bình, sự không đồng ý mà người dân bày tỏ một cách ôn hòa như tình huống vừa qua, để từ đó thay đổi chính sách và cách xử sự sao cho hợp lòng dân hơn.
Và nếu luật sư Lê Quốc Quân quyết định kháng cáo, bà Janice Beanland nói bà hy vọng như thế, thì Ân Xá Quốc Tế Tế sẽ hết lòng vận động, ủng hộ và đứng đằng sau một người dám cất tiếng chống lại bất công, áp bức trong công cuộc đòi hỏi nhân quyền cho người dân của mình.

Copy từ: RFA


........................

Phạm Chí Dũng : Vì sao luật sư Lê Quốc Quân không nhận ''án treo'' ?


Bài đăng : Thứ tư 02 Tháng Mười 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 02 Tháng Mười 2013 
Tòa án thành phố Hà Nội hôm nay 02/10/2013 tuyên án 30 tháng tù giam cùng với 1,2 tỉ tiền phạt, truy thu 600 triệu đồng đối với luật sư, nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc Quân với tội danh « trốn thuế ».

Ngay sau khi bản án được tuyên, nhà báo Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành cho RFI Việt ngữ một cuộc phỏng vấn.
Nhà báo Phạm Chí Dũng - TP Hồ Chí Minh
(12:01)
RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã dành thì giờ cho RFI Việt ngữ hôm nay. Thưa anh, cảm nhận chung của anh về bản án đối với luật sư Lê Quốc Quân ra sao ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Một cách công bằng, Lê Quốc Quân đáng ra phải được trả tự do. Tôi cho rằng ngay trong nội bộ Bộ Chính trị cũng không hẳn thống nhất về quan điểm mức án. Nhưng cho dù ai đó có yêu cầu “phóng thích” Lê Quốc Quân, phái “lập trường kiên định” vẫn còn tương đối lấn át.
Nhưng dù sao, một mức án như thế đối với người con của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không phải là quá nặng nề, so với tất cả những gì mà ngành tư pháp, công an Hà Nội và giới tuyên giáo đảng từng muốn mặc định về tội danh ở khung hình phạt cao nhất đến 7 năm đối với một thành viên hoạt động nhiệt thành trong Hội đồng Công lý và Hòa bình.
Hà Nội hôm nay vang dội lời cầu nguyện từ nhà thờ Thái Hà và rất nhiều giáo xứ ở Việt Nam cho người tuẫn nạn Lê Quốc Quân. Cành thiên tuế xanh đơn sơ mộc mạc trên tay các giáo dân vốn là tình yêu vô điều kiện tiếp nhận từ đấng Thiên Chúa, nhưng vào ngày này, dường như nó cũng toát lên hình tượng ngọn giáo bất tuân đối với quá nhiều chuyện bất công trong xã hội ngày nay.
Hình ảnh hiệp thông đồng khắp như thế cũng khiến người ta phải nhớ lại cuộc biểu tình ở Long An vào ngày 16/08/2013 để đòi trả tự do cho nữ sinh áo trắng Phương Uyên. Dù không phải là tín đồ Công giáo nhưng Phương Uyên và gia đình cô đã nhận được mối chia sẻ rất lớn từ giáo hội, đặc biệt là Dòng Chúa cứu thế ở Sài Gòn. Cuộc biểu tình diễn ra trong không khí bị trấn áp khá thô bạo, nhưng thông điệp của nó rốt cuộc đã làm cho nhà cầm quyền không thể bỏ ngoài tai.
Nếu Phương Uyên đã được trả tự do ngay tại tòa Long An, thì việc Lê Quốc Quân không phải chịu một mức án quá nặng nề tại Hà Nội cũng không phải là một ngoại lệ, nhưng hoàn toàn không phải một trường hợp được Nhà nước đối xử “khoan hồng”. Rõ ràng người ta đang rất lo ngại Lê Quốc Quân có thể trở thành một thủ lĩnh nào đó của phong trào dân chủ, nếu được trả tự do ngay vào thời gian này.
RFI : Trước khi phiên tòa xử Lê Quốc Quân diễn ra, anh đã dự báo nhiều khả năng bản án sẽ “nhẹ”. Dự báo này dựa vào những cơ sở nào?
Có một điểm trùng hợp giữa vụ Phương Uyên và vụ Lê Quốc Quân. Đó là thời điểm thông báo về lịch xử án đối với Uyên xảy ra khá gần với thông tin được công bố về chuyến đi của ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước và là nhân vật số hai trong đảng – đến Washington để diện kiến Tổng thống Barak Obama. Khá tương đồng, thời điểm thông báo về lịch xử đối với Lê Quốc Quân cũng xảy ra gần như đồng thời với thông báo về chuyến đi Paris và New York của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sự trùng hợp này cho thấy điều gì? Phải chăng “án treo” đối với Phương Uyên không phải là một ngoại lệ, và đến lượt “án nhẹ” Lê Quốc Quân cũng như thế? Cả hai vụ xử án này lại đều diễn ra sau hai chuyến công du nước ngoài của các chính khách cao cấp, và hẳn không nằm ngoài thực đơn đối ngoại của Nhà nước ứng với từng hoàn cảnh và “đối tượng” cụ thể.
Một chi tiết đáng chú ý nữa là thời điểm vụ xử án Lê Quốc Quân lại diễn ra trùng với thời gian Hội nghị trung ương 8 của Đảng. Cách đây gần ba tháng, đã đột biến xảy ra việc hoãn phiên xử Lê Quốc Quân vào ngày 09/07/2013 với lý do thẩm phán Lê Thị Hợp bị “cảm đột xuất”, lồng trong bối cảnh giáo dân từ Nghệ An và tại Hà Nội dâng cao không khí hiệp thông và đổ về tòa án Hà Nội để mong nguyện tham dự một phiên tòa được coi là “công khai”. Lẽ dĩ nhiên, chẳng một cấp lãnh đạo nào trong Bộ Chính trị lại muốn một lần nữa diễn ra tinh thần hiệp thông mà có thể gây ra “nội loạn” như thế, nhất là khi vụ xung đột Mỹ Yên ở Nghệ An còn chưa nguôi ngoai, làm ảnh hưởng đến không khí “thảo luận nghiêm túc” của cuộc họp được coi là “hội nghị giữa nhiệm kỳ” của đảng đang diễn ra mà có thể liên đới với con đường chính trị của một số chính khách chủ chốt.
Do vậy theo lẽ thông thường, lịch xử án Lê Quốc Quân phải được dời lại sau khi Hội nghị trung ương 8 kết thúc. Nhưng vì cả hai sự kiện này cùng diễn ra, người ta có thể đặt câu hỏi là liệu đã xảy ra một tác động nào, đủ lớn và đủ sâu sắc, trong nội bộ hoặc thậm chí từ “các thế lực thù địch”, để chính quyền Hà Nội không thể kéo dài hơn nữa việc hoãn xử Lê Quốc Quân, và do đó bà thẩm phán Lê Thị Hợp cũng mau chóng khỏi bệnh.
Câu hỏi này càng có ý nghĩa nếu liên hệ với một hoài nghi khác: chuyến đi Vatican của đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ, được dẫn đầu bởi viên trung tướng an ninh chuyển sang làm tôn giáo vận, đã đạt được một thành tích đáng ngạc nhiên là các viên chức Tòa Thánh tỏ ra không mấy quan ngại về vụ Mỹ Yên, thậm chí còn cho rằng nhà nước Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về tự do tôn giáo. Sự chuyển biến bất ngờ này cũng khiến giới phân tích không thể không đặt ra câu hỏi là liệu giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam đã đạt được một vài thỏa thuận không công bố nào đó, liên quan đến chủ đề tự do tôn giáo cho Việt Nam. Câu hỏi này tất nhiên cũng cần được móc xích với điều kiện dân chủ và nhân quyền và giới chức thương mại Hoa Kỳ và chính Tổng thống Obama đang đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, liên quan đến lộ trình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Một khi ngay cả Tòa Thánh cũng bày tỏ thái độ “im lặng” trước những gì bị xem là hoàn toàn không yên tĩnh giữa mối quan hệ các tôn giáo với chính quyền ở Việt Nam, thì có lẽ sự lắng tiếng của phái đoàn nhân quyền Cộng đồng châu Âu sau cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào ngày 11/9/2013 cũng có hàm ý không kém. Việc không có bất kỳ thông tin nào được tiết lộ từ cuộc hội đàm này cũng có thể làm người ta nhớ lại tâm thế “xuống giọng” của ông Dan Baer – Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách về nhân quyền – sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào giữa tháng 4/2013, mặc dù trước đó Dan Baer là một trong những nhân vật lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối thái độ và hành xử mang tính đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này.
RFI : Trước đó chính quyền đã có những động thái “dân vận” và tuyên truyền xung quanh phiên tòa, anh có đánh giá ra sao về những hành động này?
Một trong những động thái đó đến từ thái độ đưa tin và bình luận của báo chí giới đảng – vốn được xem là nhiệt kế cho quan điểm và cách hành xử của nhà nước đối với những trường hợp “quá “nhạy cảm” như Lê Quốc Quân. Một ngày trước khi phiên tòa xử Lê Quốc Quân, Đài truyền hình trung ương và Thông tấn xã Việt Nam cùng phát đi một bản tin với nội dung gần sát nhau, lược tả vụ “trốn thuế” của Quân. Tất nhiên, không khó khăn để đánh giá nội dung bản tin này xuất phát chủ yếu từ cáo trạng của Viện Kiểm sát, và nguồn của Viện Kiểm sát lại đến từ Công an Hà nội.
Tuy nhiên, nếu so sánh với thái độ và cách thức đưa tin của một số vụ việc trước đây như vụ xét xử Câu lạc bộ nhà báo tự do, vụ Đinh Nguyên Kha và Phương Uyên, có thể thấy giọng điệu trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về vụ Lê Quốc Quân đã nhẹ nhàng hơn khá nhiều: không “luận” về tội danh, không định hướng phải “kiên quyết xử lý”, và mặc dù đoạn cuối có nêu về “núp sau nó là các động cơ chính trị rõ ràng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây phức tạp tình hình để trục lợi”, nhưng cũng không chỉ rõ thế lực xuyên tạc chính trị nào cả.
Trong khi đó, ngoài hành lang tòa án lại diễn ra một chiến dịch vận động không tiền khoáng hậu của các tổ chức chính trị - xã hội của nhà nước để làm sao hạn chế đến mức tối thiểu số người muốn tham dự phiên tòa “công khai và minh bạch”. Không khí ngăn trở quá lộ liễu và rất hài hước như thế cũng làm người ta không thể không nhớ lại những cuộc vận động tương tự đã xảy ra vào giữa năm 2011 để ngăn cản người dân đi biểu tình chống Trung Quốc. Vậy sự tương hợp về cách thức ngăn cản này cho thấy cái gì?
Ít nhất, nhà cầm quyền đã nhận thức ra một điểm chung giữa hai hành động chống Trung Quốc và vụ Lê Quốc Quân là tính chính danh thuộc về dân chúng chứ không phải của những người xử án. Từ đó có thể thấy, nếu đã buộc phải phần nào chấp nhận các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân chúng, lẽ nào hành động chính trị của Lê Quốc Quân, trong đó chủ yếu là phản kháng Trung Quốc, lại không được nhà nước “bỏ qua”?
RFI : Từ bản án của Lê Quốc Quân, theo anh xu hướng chính trị ở Việt Nam có thể diễn biến như thế nào?
Nhìn tổng quan, hiện thời Nhà nước Việt Nam đang nằm trong hệ trục tay ba cùng với người Mỹ và Bắc Kinh. Không chỉ với Phương Uyên, bất kỳ mức án nặng nề nào đối với Lê Quốc Quân đều phơi bày tính phi logic trong mối tương quan với thực đơn chính trị đối ngoại ở Việt Nam trong giai đoạn hết sức “nhạy cảm” hiện thời.
Trong hệ trục tay ba đó, một bản án được coi là “nhẹ” đối với Lê Quốc Quân sẽ vẫn giữ phần nào thể diện, hay còn gọi là “sĩ diện”, cho chính thể. Cùng lúc, Bắc Kinh vẫn tạm hài lòng vì dù sao vẫn có án, còn các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở nửa kia thế giới cũng có thể tạm thỏa mãn, nhưng chỉ là tạm thôi, với những cố gắng vận động không mệt mỏi trước đó của họ.
Còn kết quả cuối cùng thuộc về nội lực. Không thể nói khác hơn, hai cuộc biểu tình ở Long An và tháng 8/2013 và tại Hà Nội vào ngày hôm nay đã chứng thực cho hiệu ứng “trong ra – ngoài vào”: trách nhiệm bảo vệ những thành viên và người thân chính là một hành động cần phải có của hoạt động dân sự và các phong trào dân sự đang khởi phát ở Việt Nam, tạo ra hiệu ứng tác động đối với quốc tế, để đến lượt mình, cộng đồng quốc tế lại có thể làm cho Hà Nội bớt “cảm mạo”, khiến Nhà nước Việt Nam phải xem xét lại những bất công do họ gây ra đối với điều được coi là “tự do tôn giáo” và hàng loạt nhu cầu chính trị - xã hội khác.
Thêm một lần nữa hoạt động dân chủ chính trị và tôn giáo ở Việt Nam tiếp nhận được tín hiệu chuyển hóa – chuyển hóa từ ngoài vào và có thể cả từ trong nội bộ Đảng. Tín hiệu đó, dù nhỏ, nhưng cho thấy không chỉ một số nhân vật “tù nhân lương tâm” sẽ có cơ hội dần thoát khỏi bốn bức tường đen đúa trong thời gian tới, mà rất nhiều bức bối xã hội khác như dân oan đất đai, nạn nhân môi trường, nạn nhân bị công an bạo hành… nếu được liên kết, thống nhất và được tổ chức tốt, đều có thể cất lên tiếng nói xứng đáng và đích đáng trong một xã hội dân sự đang hình thành và hướng đến việc phản biện mạnh mẽ đối với một số chính sách, cách điều hành bất hợp lý và bất công của chính thể cầm quyền.
Đường còn dài. Dù Lê Quốc Quân chưa được tự do, nhưng ít nhất lộ trình dân chủ ở Việt Nam đang được rút ngắn.
RFI : Có những ý kiến so sánh với các vụ án trốn thuế khác, chẳng hạn có một « đại gia » ở Bắc Ninh trốn thuế 11 tỉ đồng nhưng chỉ bị tù treo. Theo anh thì bản án vừa rồi có mâu thuẫn với lộ trình dân chủ ở Việt Nam hay không ?
Ở Việt Nam luôn luôn có sự mất công bằng như thế. Trong rất nhiều vụ án kinh tế tôi đã nghe, có rất nhiều án treo, và thậm chí có những trường hợp vi phạm, trốn thuế tới mức có thể xử chung thân thậm chí cao hơn nữa, nhưng không biết người ta chạy chọt làm sao, cuối cùng cũng chỉ nhận mức án treo.
Nhưng trường hợp Lê Quốc Quân thì lại khác hoàn toàn, nằm ở bản chất có thể nói là vấn đề chính trị của nó. Nếu không vì vấn đề chính trị thì trường hợp Lê Quốc Quân « trốn thuế » rất dễ dàng nhận một bản án – tôi không nghĩ là án treo nữa, mà có thể thậm chí là tại ngoại ngay. Nhưng trường hợp chính trị thì lại khác, và trước đó tôi đã nghe những thông tin thực ra vấn đề của Lê Quốc Quân có thể lên tới 5 năm. Năm năm tù giam chứ không phải là ít.
Còn trong trường hợp này thì Viện Kiểm sát đề nghị từ 24 tới 30 tháng tù giam. Đề nghị này làm tôi nhớ đến vụ xử sơ thẩm Đoàn Văn Vươn tháng 4/2013, thì trước đó cũng có những thông tin là với tội danh chống thi hành công vụ và có vũ khí như vậy là tội trạng rất nguy hiểm, án có thể lên tới từ 15- 20 năm. Rất nặng ! Thậm chí có thể cao hơn – chung thân hoặc tử hình.
Nhưng sau đó dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận và cả cộng đồng quốc tế nữa, thì mức án của anh Vươn đã giảm xuống chỉ còn có 5 năm thôi. Nhiều người không hài lòng, cho điều đó là bất công đối với Đoàn Văn Vươn. Nhưng theo tôi thì chúng ta đang sống ở Việt Nam, và Việt Nam đang có nhiều bất công. Ở đây đòi hỏi một sự công bằng là điều quá xa xỉ.
Do vậy, đối với những trường hợp như Đoàn Văn Vươn, chỉ về đất đai mà lãnh án 5 năm, còn trường hợp Lê Quốc Quân thiên về chính trị, có màu sắc chính trị, mà nhận mức án như thế, theo tôi là trong hoàn cảnh này có thể tạm chấp nhận được. Vì đường còn dài, và trước mắt vẫn còn phiên tòa phúc thẩm.
Chúng ta hãy nhớ lại, trong phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Phương Uyên đã bị xử 6 năm. Cay đắng ! Không thể tin nổi có một mức án như thế. Nhưng đến phiên phúc thẩm thì gần như trắng án và được trả tự do ngay tại tòa. Cho nên chúng ta cũng nên nhìn vào đó để hy vọng cho trường hợp Lê Quốc Quân - có nghĩa là công bằng sẽ được lặp lại. Nhưng công bằng chỉ được lặp lại với điều kiện đấu tranh của không chỉ những người Công giáo, và cả cộng đồng nhân dân chung quanh nữa.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.

Copy từ: Thụy My RFA’ blog


..........................

Cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến Pháp


Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-02
Chủ tịch nước  Việt Nam Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
AFP
Nghe bài này
Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam tuyên bố Hiến Pháp đứng sau cương lĩnh của đảng. Đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa thể hiện nhận thức rằng mình đứng trên pháp luật. Kính Hòa trình bày.
Câu chuyện đảng cộng sản (gọi tắt là đảng) quan hệ như thế nào với các định chế nhà nước đã được bàn đến từ lâu trong đời sống chính trị Việt Nam. Câu chuyện ấy trở nên sôi động với nhịp độ nhanh hơn từ đầu năm 2013 đến nay qua những diễn biến như kiến nghị xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp, tuyên bố của ông Lê Hiếu Đằng về ý tưởng thành lập một đảng phái chính trị đối trọng với đảng cộng sản,…Ngày 28/9 câu chuyện đó lại được những người quan tâm đến chính trị Việt Nam chú ý sau câu nói của ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng rằng Hiến pháp của quốc gia là văn kiện đứng hàng thứ hai sau cương lĩnh của đảng.
Quốc hội hay Đảng hội?
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời sau khi mô hình cộng sản đã đựơc xây dựng tại Liên Sô cũ, nơi đó đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, không có các đảng phái khác, và đảng nắm tất cả các định chế nhà nước, từ quốc hội cho đến tòa án và những bộ của cơ quan hành pháp.
Cùng với phong trào giải phóng thuộc địa, đảng cộng sản Việt Nam đã lên nắm quyền từ năm 1954 tại miền bắc và sau 1975 trên cả nước, đảng đã nhanh chóng thực hiện mô hình Liên Sô, được thể hiện rõ nhất tại điều 4 của Hiến Pháp Việt nam năm 1992 rằng đảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất điều khiển xã hội.
Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. AFP
Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. AFP
Tuy nhiên, khi bước ra từ bóng tối của cuộc đấu tranh bí mật lên nắm quyền, đảng không thể ngay lập tức xóa bỏ mọi định chế nhà nước đã có, và hơn nữa đảng cũng phải lãnh đạo một quốc gia tồn tại giữa một thế giới không chỉ có cộng sản, của các quốc gia khác, nơi có các định chế nhà nước tồn tại hằng trăm, hàng nghìn năm. Và đảng cộng sản dù muốn hay không muốn cũng phải giao thiệp với họ. Vào những năm sau 1975 có một quyển tiểu thuyết gối đầu giường nổi tiếng của đòan thanh niên cộng sản lưu hành khắp nước là Thép đã tôi thế đấy, nhân vật Pavel Corshegin nói với người yêu cũ là vợ một viên chức ngọai giao Ba Lan rằng,
ĐCS Việt Nam đã lên nắm quyền từ năm 1954 tại miền bắc và sau 1975 trên cả nước, đảng đã nhanh chóng thực hiện mô hình Liên Sô, được thể hiện rõ nhất tại điều 4 của Hiến Pháp VN năm 1992 rằng đảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất điều khiển xã hội
“Chẳng qua là phải giao thiệp với bọn tư sản các người mà chúng tôi, những người cộng sản vẫn phải duy trì cái định chế ngọai giao này.”
Hơn nữa trong cuộc đấu tranh để nắm quyền, đảng đã liên kết với những người không cộng sản, khi cả hai có cùng một mục tiêu chung. Đó là Mặt trận Việt Minh trong cuộc chiến tranh giành độc lập 1946-1954, đó là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hay thành phần thứ ba trong cuộc chiến Việt Nam 1955-1975. Đối với những người không cộng sản này, cái xã hội mà họ muốn là một xã hội có các định chế nhà nước, như quốc hội, tòa án,…
Một người như vậy là ông Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu đối lập trong quốc hội thời Việt Nam Cộng Hòa, một người chống sự có mặt quân sự của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam nói rằng,
Có những điều mà mình hy vọng là (đảng này) sẽ có những cái gì đó mới, nó là đảng Việt Nam và khác với những đảng khác.
Những điều đó chính là những định chế nhà nước, một nhà nước độc lập mà họ hy vọng. Họ hy vọng rằng đảng cộng sản Việt Nam, một thành viên của phong trào giành độc lập cho quốc gia, sẽ khác với Liên Sô của những quần đảo Gulag đọa đày, sẽ tôn trọng một Nhà nước thay vì xóa bỏ nó, như dự trù của lý thuyết cộng sản.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam  (từ trái)Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam (từ trái)Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang . AFP
Dưới sự cai trị của đảng, nhà nước vẫn tồn tại, chính phủ vẫn tồn tại, quốc hội vẫn tồn tại, tòa án vẫn tồn tại, có điều tất cả những định chế ấy nằm dưới quyền thao túng của các đảng viên cộng sản. Một cấu trúc song trùng, chính quyền-đảng, quốc hội-đảng tồn tại một cách phức tạp, cùng với những tổ chức ngọai vi của đảng như Mặt trận tổ quốc, tạo nên một hình ảnh nhà nước có vẻ bình thường như tất cả các quốc gia khác. Ông Hồ Ngọc Nhuận nói tiếp,
Bây giờ đây tôi cũng hỏi tại làm sao quốc hội Sài gòn của chúng tôi ngày xưa, các đảng phái được vô, tôn giáo được vô còn bây giờ mấy anh bít hết chỉ có đảng của mấy anh thôi. Đó là đảng hội chứ quốc hội gì?
Ông Hồ Ngọc Nhuận
“Bây giờ đây tôi cũng hỏi tại làm sao quốc hội Sài gòn của chúng tôi ngày xưa, các đảng phái được vô, tôn giáo được vô còn bây giờ mấy anh bít hết chỉ có đảng của mấy anh thôi. Đó là đảng hội chứ quốc hội gì?”
Và như mọi người đều biết, quân đội, tổ chức được thành lập để bảo vệ những người có cùng một quốc gia cũng bị bắt buộc thề thốt trung thành với đảng, chỉ là một bộ phận của quốc gia mà thôi.
Đảng đứng trên pháp luật
Thế nhưng, đảng cộng sản cũng ra sức tuyên truyền cho hình ảnh định chế nhà nước của họ, rằng nhân dân mà đại diện bởi quốc hội mới là đại diện tối cao, còn họ, những người cộng sản chỉ có….lãnh đạo mà thôi. Họ cũng không xóa đi văn bản căn bản nhất của mọi nhà nước hiện đại là Hiến pháp, nhưng trong ấy có điều số bốn qui định rằng họ và chỉ họ mà thôi mới là những người cầm quyền. Mặt khác, bộ máy tuyên truyền của đảng lúc nào cũng khẳng định rằng đảng không đứng trên pháp luật.
Đảng ở mọi nơi trong quần chúng
Đảng ở mọi nơi trong quần chúng. AFP
Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được
Đại tá Phạm Đình Trọng cựu đảng viên
Nay ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng bản Hiến pháp ấy, bộ luật cơ bản ấy của pháp luật của một nhà nứơc, chỉ đứng hàng thứ hai sau cương lĩnh của đảng. Những người Việt nam nghe thấy và đọc được lời tuyên bố ấy, với năng lực ngôn ngữ bình thường, không có cách hiểu nào khác hơn là đảng đứng trên pháp luật. Đại tá Phạm Đình trọng, một cựu đảng viên cộng sản nói với chúng tôi,
“Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.
Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”
Sự vô pháp luật ấy của xã hội Việt Nam mà Đại tá Phạm Đình Trọng đề cập ngày càng tăng. Từ việc công dân bắn chết cán bộ nhà nước rồi tự sát thay vì kêu gọi đến pháp luật, cho đến dân quê thay nhà nước xử tử hình những kẻ ăn trộm chó.
Quốc hội Việt Nam, cơ quan về lý thuyết là có quyền lực cao nhất nước, sắp bàn luận về việc sửa đổi Hiến Pháp, mà theo lời ông Trọng thì đại đa số nhân dân theo điều tra của đảng là đồng ý duy trì điều số bốn. Cùng lúc ấy, những con người quyền uy nhất Việt Nam là các ủy viên trung ương đảng cộng sản, cũng đang bàn luận nhau về việc ấy ở kỳ đại hội trung ương lần thứ tám của họ. Cơ chế song trùng nhưng bên nặng bên nhẹ vẫn đang loay hoay tìm đường tồn tại cho mình.

Copy từ: RFA


......................

Luật gia Lê Quốc Quân: “Tôi bị khởi tố chỉ vì tôi yêu nước”


(trích bản tin hãng thông tấn AP)
clip_image002
 
(AP Photo/Vietnam News Agency, Doan Tan)
Nguồn: hosted.ap.org
 
   
Hà Nội, Việt Nam (AP) – Vào hôm thứ Tư, một phiên toà của Việt Nam đã xử một luật gia đuợc đào tạo tại Mỹ và nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng 30 tháng tù giam sau khi phát hiện ông can tội trốn thuế, [đó là] cách che giấu sự đàn áp các nhà hoạt động chính trị xã hội trong quốc gia Đông Nam Á.
… Bản án cho Lê Quốc Quân đã lập tức bị Hoa Kỳ phê phán, quốc gia này đang gây áp lực để các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nới lỏng những hạn chế đối với những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Washington cùng với các nhóm nhân quyền và các nhà quan sát khác đã coi các cáo buộc ông Quân là có động cơ chính trị.
Ông Quân, chủ nhân một trang blog nổi tiếng phơi bày rõ những sự xâm hại quyền con người và những vấn đề khác mà truyền thông nhà nước bị cấm nói đến, đã tuyên bố mình vô tội trong suốt phiên toà kéo dài một ngày. Suốt thời gian xử án, hàng trăm người ủng hộ ông đã đương đầu với sự đàn áp mạnh mẽ của an ninh để tập họp trong cái thành phố thường là ngái ngủ.
“Từ lâu tôi đã tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và trì trệ, những cái làm hại đất nước này,” Quân nói. “Nói thẳng là tôi đã bị khởi tố bởi vì tôi yêu đất nước này”, ông nói trước khi hệ thống nghe-nhìn trong căn phòng bên nơi một nhúm nhà báo và nhà ngoại giao được phép ngồi nghe xử án bị cắt.
Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói việc dùng các luật về thuế “để bỏ tù các nhà phê bình chính quyền vì đã bày tỏ một cách hoà bình những quan điểm chính trị của mình là việc làm gây nhiễu loạn [luật pháp]” và kêu gọi chính quyền “thả tất cả các tù nhân lương tâm và cho phép người Việt Nam bày tỏ một cách hoà bình các quan điểm chính trị của mình.”
Bản án có thể gây rắc rối cho những nỗ lực của chính quyền Obama trong việc thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do trong cuộc đàm phán đang diễn ra với Việt Nam và các quốc gia châu Á – TBD khác. Quốc hội sẽ phải thông qua bất kỳ hiệp định nào, và các quan chức Hoa Kỳ đã nói rằng những sự xâm hại nhân quyền đang diễn ra ở VN sẽ khiến cho việc này trở thành khó khăn.
(Bản dịch của BVN)clip_image004

Copy từ: Bauxite Việt Nam


......................