CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Tiến Bộ kiểu Việt Nam



Alan Phan
7 December 2013

Hôm qua, trong lúc chờ đợi khám bệnh, tôi rãnh rổi lướt Net và tình cờ đọc vài tin tức trên các báo mạng. Nói chung là nếu không sống ở Việt Nam, chúng ta sẽ có một cảm giác vô cùng lạc quan vì sự tiến bộ về mọi mặt trên bình diện chính trị, kinh tế, xã hội…của đất nước. Sau một giờ lục lọi, chúng ta không thể có kết luận nào khác là chỉ vài năm nữa thôi, Việt Nam sẽ qua mặt Singapore để dẫn đầu Á Châu về mức thu nhập, về môi trường sống, về vị thế quyền lực…để mọi người Việt cùng hãnh diện khắp năm châu.
Về cơ chế chính trị, chúng ta vừa có một bản hiến pháp mới toanh, yêu thích bởi 99% dân số và quốc hội. Chúng ta còn là hội viên quản trị gì đó của hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (bọn tư bản Âu Mỹ sẽ câm miệng lại về nhân quyền của Việt Nam). Về xã hội, ngoài việc đăng cai liên tục trong Top 3 của chỉ số hạnh phúc suốt 10 năm qua, người Việt còn hãnh diện với số lượng siêu xe, hàng hiệu, đại gia và chân dài. Về kinh tế, chúng ta đạt chỉ tiêu dài dài, thành tích đếm không xuể.
Hai mẫu tin tiêu biểu cho sự tiến bộ vượt bực:
Một tờ nhật báo nói về triều cường lịch sử ngày 5/12 vừa qua tại thành phố HCM. Sau những hình ảnh ngập lụt, xe sụp ổ gà…là một bầy tỏ vô cùng cảm động của một người dân. “Cách đây vài năm, mỗi lần lụt là nước tràn vào nhà ngập lên tới cổ. Bây giờ chỉ lụt có đến đầu gối.” Anh ta chỉ quên câu…nhờ ơn Bác và Đảng…như đồng chí gì vừa được minh oan sau 10 năm tù.
Trong khi đó, các cơ quan chính phủ truyền điệp rộng rãi thông tin là chỉ riêng năm nay, thu nhập GNP mỗi đầu người Việt Nam gia tăng 23%, chạm mức 2,000 USD. Tức là năm ngoái bạn thu được 10 triệu một tháng, năm rồi lương đã tăng thành 12.3 triệu. Tôi không biết có bao nhiêu bạn vừa coi lại túi tiền mình? Chỉ một chú thích nhỏ: tập đoàn Samsung năm rồi xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, gần 15% GDP của Việt Nam. Tôi không biết họ có đem chia cho 90 triệu dân theo tinh thần XHCN; nhưng nghe nói họ chỉ đóng thuế có 50 triệu USD.
Thực ra đây chỉ là một chiêu PR nhằm vào các nhà đầu tư quốc tế. Tiếc là không hãng truyền thông nước ngoài nào loan báo cho nhân loại mừng. Vì đây là một kỷ lục mới của niên đại công nghệ số.
Trong khi đó thì các báo mạng lề phải chỉ lướt qua mà không cho chúng ta biết về những tiến bộ khác, như tỷ lệ tội phạm, như số lượng hoá chất độc hại nhập từ Trung Quốc, như số bệnh nhân u bứu ung thư trên toàn quốc, như chỉ số hàng ngày về ô nhiễm cùa không khí và nước, như con số thất thoát về lãng phí và tham ô của các doanh nghiệp nhà nước…
Thôi Tết cũng sắp về. Chúng ta lại có một cơ hội khác để hy vọng và mơ mộng về một tương lai rực rỡ đang chờ đón quê hương. Mong chúng sẽ sống lâu hơn những nhánh hoa mai đang khoe sắc cùng vạn vật để rồi sửa soạn héo tàn chỉ trong vài tuần.
Alan Phan

Copy từ: Góc Nhìn Alan


......................

Vợ ông Ngô Hào – Nạn nhân của sự vi phạm Nhân quyền nghiệm trọng

   
Trở thành thành viên của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam

Huỳnh Thục Vy - Sài Gòn ngày 7 tháng 12 năm 2013
Ông Ngô Hào, một nhà bất đồng chính kiến 65 tuổi, chuyên viết bài cổ vũ cho dân chủ, đa nguyên đa đảng, cư ngụ tại thôn Lộc Đông – xã Hoà Thành – huyện Đông Hoà – tỉnh Phú Yên bị bắt ngày 7 tháng 2 năm 2013 và sau đó bị Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên truy tố tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Sau phiên toà sơ thẩm ngày 11 tháng 9 năm nay, ông bị kết án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế tại Toà án Nhân dân tỉnh Phú Yên. Hiện tại ông bị giam giữ tại Trại tạm giam tỉnh Phú Yên để chờ phiên toà phúc thẩm sẽ được mở ngày 23 tháng 12 sắp tới đây.
Đáng quan ngại là từ khi ông Hào bị bắt giữ cho tới nay gia đình chưa được gặp mặt ông. Trao đổi trực tiếp với  bà Nguyễn Thị Kim Lan và anh Ngô Minh Tâm (vợ và người con lớn của ông), chúng tôi được biết gia đình bà Lan rất phẫn uất vì bản án bất công mà chính quyền áp đặt cho ông, họ lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của ông nhưng vẫn tin tưởng và ủng hộ vì những gì ông viết là đúng đắn và là quyền tự do của công dân.
Bà Lan hiện tại đang ở trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ vì chứng ung thư vòm khẩu cái khiến bà không thể phát âm và nói dễ dàng như người bình thường, thỉnh thoảng bà phải lên Sài Gòn để được xạ trị. Bà sống trong một căn nhà ổ chuột – căn nhà mà theo lời anh Võ Văn Bửu  (một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo mà tôi được gặp đôi lần) là “nhà mà không phải là nhà”. Những ngày này bà phải chờ đợi thấp thỏm và sống cô đơn, nghèo khổ  trong cảnh bệnh tật và sự sách nhiễu liên tục của chính quyền địa phương.
An ninh tỉnh Phú Yên đe doạ là nếu bà tiếp tục liên lạc với truyền thông nước ngoài và anh em bất đồng chính kiến trong nướ,  họ sẽ bắt nhốt luôn người con trai đang học đại học của bà. Không chỉ có thế, chính quyền còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết về Nhân quyền của một người phụ nữ nông thôn để vừa đe doạ vừa thuyết phục  gia đình vận động ông Ngô Hào phải nhận tội. Đó là những hành xử mà an ninh tỉnh Phú Yên nhân danh chính quyền Việt Nam thực hiện. Thiết nghĩ, đó là những động thái hoàn toàn bất xứng với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền liên Hợp quốc.
Người con lớn của ông bà – anh Ngô Minh Tâm hiện là sinh viên Đại học Bách Khoa Sài Gòn. Nhưng từ ngày cha anh bị bắt giữ đến nay, anh liên tục bị an ninh chính quyền Việt Nam khủng bố tinh thần, cụ thể là anh bị gọi lên làm việc  nhiều lần suốt năm nay, thậm chí vào những ngày anh phải thi cử đến nỗi người thanh niên này bị khủng hoảng tinh thần và phải nợ lại nhiều môn học. Tất cả xuất phát từ việc anh lên tiếng với truyền thông về sự việc của cha mình. Người con nhỏ Ngô Minh Trí sinh năm 1994 thì phải bỏ học đi làm xa quê để nuôi mẹ bệnh và gởi quà thăm nuôi cha mình.
“Ngôi nhà” của vợ chồng ông Hào
Rõ ràng, không những cá nhân ông Hào bị kết án bất công vì những hành xử ôn hoà của mình mà cả gia đình ông đã và đang là những nạn nhân của chính sách vi phạm Nhân quyền trắng trợn của chính quyền Việt Nam. Tình trạng gia đình ông Ngô Hào chưa được sự quan tâm thích đáng của công luận trong và ngoài nước, nhưng nhiều anh chị em trong nước chúng tôi đã quan tâm trường hợp này từ lâu và đã có sự hỗ trợ về mặt pháp lý cũng như  tinh thần cần thiết cho gia đình họ. Nhưng nỗ lực của chúng tôi sẽ không bao giờ đủ để xoa dịu nỗi đau cho gia đình này.
Nhưng đáng mừng là bà Nguyễn Thị Kim Lan hiện là thành viên của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp tục theo dõi trường hợp này. Chúng tôi khẩn thiết  kêu gọi sự chú ý của công luận đối với phiên toà xử ông Ngô Hào vào ngày 23 tháng 12 sắp tới. Và chị em Phụ nữ Nhân quyền  Việt Nam xin thay mặt người thành viên khốn khổ của mình kêu cứu với công luận trong nước và quốc tế về trường hợp bà Kim Lan vì những khó khăn về vật chất cũng như sự đau khổ về tình thần mà bà đang phải gánh chịu.
Xin đồng hành với Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam lên tiếng và hỗ trợ cho những nữ nạn nhân Nhân quyền ở Việt Nam.

Copy từ: VNWHR


.....................

Lộ diện đường dây siêu lừa đảo

VIẾT TIẾP “SỰ THẬT VỀ KHOẢN VIỆN TRỢ 10 TỈ USD”

Lộ diện đường dây siêu lừa đảo

Liên quan đến khoản viện trợ 10 tỉ USD/năm để xây dựng đường sá mà Tiền Giang là một trong những tỉnh được thụ hưởng nhưng đã từ chối, mới đây, theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, cơ quan chức năng xác định đây là một đường dây lừa đảo lẫn nhau, không có dự án nào viện trợ cho các địa phương.

Cơ quan chức năng xác định Công ty CP Đầu tư Xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Công ty Đồng Tháp Mười) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cấp giấy phép kinh doanh với 28 ngành nghề - gồm cả xây dựng đường sắt, đường bộ - và có vốn đến 64 tỉ đồng, do ông Lê Văn Đăng làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc. Công ty này đã có văn bản đề nghị tỉnh Tiền Giang cho thực hiện dự án xây dựng đường tỉnh 878 và đường tỉnh 871B, vốn thực hiện do “Tập đoàn Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương” tài trợ.

Những biên nhận giao tiền giữa ông Lê Văn Đăng và một người tên Tín
Tiến hành xác minh, cơ quan chức năng phát hiện trụ sở công ty này đóng tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang nhưng đây là nhà của bà Nguyễn Thị Hường cho thuê. Hiện công ty đã đóng cửa và được một người thuê mở quán nhậu Hương Biển. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tân Phước cũng khẳng định không biết gì về nhân sự của công ty. Từ khi thành lập đến nay, công ty không có hoạt động tại huyện này.
Tìm hiểu thông tin về trường hợp ông Paul Lê Hùng, người xưng là đại diện chính thức của Diamond Access Inc., cơ quan chức năng xác định tập đoàn này chuyên mua bán kim loại quý, đá quý thô từ một số nước ở Tây Phi. Tuy nhiên, không có thông tin nào cho thấy ông Paul Lê Hùng là người đại diện cho tập đoàn này.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, chính ông Lê Văn Đăng cũng cho biết bị Paul Lê Hùng lừa mượn nhiều tỉ đồng. Theo ông Đăng, sau khi ông tiếp xúc với Paul Lê Hùng, ông này thường xuyên gọi điện thoại mượn tiền làm thủ tục tiếp nhận vốn cho Công ty Đồng Tháp Mười. Ngày 25-12-2012, ông Hùng điện thoại mượn 30.000 USD và nói rằng có một người tên Tín đến Tiền Giang nhận, ông ta đã viết sẵn biên nhận. Đến ngày 6-2-2013, ông Đăng tiếp tục đưa cho Tín thêm 40.000 USD và nhận từ tay ông này biên nhận ký tên, ghi dưới dòng chữ “Paul Lê Hùng”.
Ông Đăng cho biết đến nay đã đưa cho Paul Lê Hùng gần 4 tỉ đồng, trong khi ông cũng phải vay tiền của nhiều người khác. Khi thấy báo chí đăng thông tin các dự án nêu trên không có thật, ông đã đến tìm ông Paul Lê Hùng đòi lại tiền. Tuy nhiên, ông này lại nói “không biết gì về số tiền mà ông Đăng đã đưa cho ông Tín”!
Bài và ảnh: Minh Sơn

Giáo xứ Tam Tòa bị quấy rối


VRNs (08.12.2013) – Quảng Bình – Các sinh viên Công giáo đang tập văn nghệ để chuẩn bị chào đón Giáng Sinh thì một nhóm người đã tới gây chuyện. 
Sự việc xảy ra vào tối ngày 06.09.2013, tại Giáo xứ Tam Tòa, Giáo hạt Đồng Trooc, Giáo phận Vinh, thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nhóm người này còn thách thức nhóm sinh viên Công giáo gọi điện thoại cho cảnh sát 113.
Anh Nguyễn Văn Tứ đã loan tải trên facebook đoạn video với lời dẫn: “Lúc sinh viên tập văn nghệ chuẩn bị cho chương trình Gíang Sinh thì một nhóm thanh niên đã đến quậy phá, đanh đuổi, gây rối, dùng vũ lực, kích động, và thách thức gọi 113. Cảnh tượng đó đã làm các em sợ hãi và mất trật tự an ninh khu phố….”
Giáo xứ Tam Tòa, trước đây có nhà thờ tọa lạc tại đường Nguyễn Du, thành phố Ðồng Hới, đã được thành lập khoảng năm 1631 với tên gọi là xứ đạo Ðông Hải, còn gọi là Họ Lũy.
Khoảng năm 1774, sau khi quân Chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng nơi thường được gọi là “Lũy Thầy”, nhà thờ này được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Khoảng năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1.200 giáo hữu. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục.
Năm 1886, Quân Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ Sáo Bùn, nên số giáo dân chạy về Ðông Hới lánh nạn. Sau khi được sự cho phép của chính quyền bảo hộ và các cơ quan hữu trách, Cha sở lúc này là cố Claude Bonin và giáo dân Tam Tòa chuyển nhà thờ về ở rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ sát cửa thành thuộc đất làng Mỹ Lệ và đổi tên thành giáo xứ Tam Tòa, cho đến hôm nay. Năm 1850, khi giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của Giáo phận Huế.
Nhà thờ Tam Tòa lần đầu tiên được xây dựng năm 1887 và năm 1940, được tái thiết khang trang và hoàn chỉnh hơn.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình di cư vào Ðà Nẵng sinh sống và thành lập giáo xứ Tam Toà ở Ðà Nẵng. Từ đó, số giáo dân còn lại ở đây được coi sóc bởi 2 linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Ðến năm 1962, cha Thể qua đời, và năm 1964, chiến tranh lại bùng phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa.
Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát và được duy trì trong tình trạng này cho đến ngày nay.
Ngày 26.03.1997, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử như một di chứng tội ác chiến tranh, không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tổng giáo phận Huế và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa.
Ðến ngày 15.05.2006, Tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Ðức cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Làng Sen, kiêm xứ Tam Tòa, có hơn 1,000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Ðồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà.
Tháng 07.2009, tại tam Tòa đã xảy ra cuộc trấn áp tôn giáo của nhà cầm quyền song song với việc kích động những người lương chống lại những người theo đạo Công giáo.
Tình trạng giáo xứ Tam Tòa chỉ tạm lắng xuống chứ chưa thật sự giải quyết xong sự vụ.
Thời gian gần đây, nhà cầm quyền thỉnh thoảng vẫn để cho những nhóm thanh niên quấy phá các sinh hoạt tôn giáo bình thường của giáo dân xứ Tam Tòa.
Người Xứ Bố Sơn
Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế



.............

Công an mang thẻ ngành đi cắm lấy hơn 1,6 tỷ đồng

Chuẩn bị nghỉ hưu, một cán bộ công an TP.Hải Phòng mang thẻ ngành đi cắm để lấy số tiền hơn 1,6 tỷ đồng rồi biến mất. 
Từ đó đến nay, sự việc vẫn giậm chân tại chỗ, chưa được xem xét xử lý thấu đáo. Và theo "nạn nhân", họ vẫn đang giữ tấm thẻ ngành của vị cán bộ công an đã về hưu kia...
Công an mang thẻ ngành đi cắm lấy hơn 1,6 tỷ đồng
Thẻ ngành Công an của Nguyễn Thị Thanh H. đang được chị Hà giữ. 
Từ khoản vay dùng đến thẻ ngành

Chị Nguyễn Thị Hà (trú tại số 11/40/72 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) có quen biết với bà Nguyễn Thị Thanh H. (nguyên là sỹ quan công an TP.Hải Phòng (SN 1957, nơi ĐKHKTT: Số 3, lô 6, khu GT1 phường Cát Bi, quận Hải An, TP.Hải Phòng).

Khoảng tháng 1/2011, bà H. có đặt vấn đề vay tiền chị Hà nói là để thực hiện dự án tại xã Bắc Sơn (quận Kiến An) và tại huyện An Dương cho ngành công an. Để vay được tiền, bà H. đã đưa thẻ ngành công an cho chị Hà giữ. Theo chị Hà, từ đầu tháng 1/2011 đến tháng 8/2011, bà H. đã đến vay tổng cộng số tiền là 1.617.000.000 đồng.


Đến hẹn, chị Hà không thấy bà H. trả tiền, gọi điện không liên lạc được. Chị Hà đã đến nhà bà H. thì được biết nhà của bà H. đã bị bắt nợ. Qua tìm hiểu chị Hà còn biết được bà H. còn vay tiền của nhiều người khác trong ngành công an và người dân. Cho rằng mình bị lừa đảo, chị Hà làm đơn tố cáo lên công an TP.Hải Phòng.

Ngày 18/9/2012, chị Hà nhận được giấy mời của Cơ quan CSĐT công an TP.Hải Phòng: Đúng 8h30 ngày 23/9/2012, có mặt tại trụ sở công an thị trấn Trâu Qùy, Gia Lâm, Hà Nội để đối chất phục vụ yêu cầu giải quyết đơn tố cáo (?)

Chị Hà có mặt như trong giấy mời. Tại Trâu Qùy, chị Hà đã gặp được bà H. và một điều tra viên tên là Phạm Tiến Dũng. Trực tiếp đối chất với bà H., chị Hà yêu cầu bà H. trả hết số tiền nợ nhưng bà H. không trả.

Bất ngờ, đến ngày 10/10/2012, Cơ quan CSĐT  - Công an TP. Hải Phòng ra quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng, việc bà Nguyễn Thị Thanh H. vay tiền chị Hà là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm hình sự và đề nghị chị Hà liên hệ với Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cho rằng công an TP. Hải Phòng bao che cho sai phạm, vi phạm các quy định xây dựng lực lượng ngành công an, chị Hà đã làm đơn tố cáo lãnh đạo công an TP. Hải Phòng.

Bộ công an yêu cầu kiểm tra, báo cáo


Sau khi nhận được đơn tố cáo của chị Hà tố cáo lãnh đạo CATP. Hải Phòng bao che cho bà Nguyễn Thị Thanh H., nguyên cán bộ PC64, Thanh tra bộ Công an đã kiểm tra xác minh và ngày 26/8/2013 có văn bản số 943/V24-P3 thông báo ý kiến chỉ đạo của đ/c Thứ trưởng thường trực bộ Công an Đặng Văn Hiếu về việc giao cho Giám đốc CATP Hải Phòng thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 15/9/2013 về các nội dung: Chỉ đạo kiểm tra thu hồi giấy chứng nhận CSND, ANND và các phương tiện công tác, chiến đấu của số cán bộ của CATP Hải Phòng đã nghỉ hưu, nhưng chưa nộp lại theo quy định của Bộ (trong đó có trường hợp của đ/c Nguyễn Thị Thanh H.);

Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng quy định của Chính phủ và Bộ trưởng bộ Công an về quản lý, sử dụng giấy chứng nhận CSND, ANND (không thu hồi Giấy chứng nhận CSND của đ/c Nguyễn Thị Thanh H., nguyên cán bộ PC64 CATP Hải Phòng, trước khi nghỉ hưu).


Quá thời hạn 15/9/2013, nhưng Thanh tra Bộ Công an chưa nhận được báo cáo kết quả việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Ngày 30/9/2013, Thanh tra bộ Công an tiếp tục có công văn đề nghị Giám đốc công an TP. Hải Phòng kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của bộ Công an. Kết quả thực hiện báo cáo lãnh đạo Bộ (qua thanh tra Bộ) trước ngày 15/10/2013.

Cho đến nay, đã quá thời hạn 15/10/2013, nhưng công an Hải Phòng vẫn chưa thực hiện đúng sự chỉ đạo như công văn  của Thanh tra bộ Công an.

Chị Nguyễn Thị Hà bức xúc cho biết: "Bà H. nói dối tôi là vay tiền để làm kinh tế cho ngành công an, rồi đưa thẻ ngành cho tôi để vay tiền. Hiện nay, bà H. đã trốn mất, mà không trả tôi một đồng nào. Việc làm của bà H. có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cần phải bị pháp luật trừng trị.

Khi tôi có đơn tố cáo bà H., công an Hải Phòng lại vô lý triệu tập tôi và bà H. lên Hà Nội để điều tra, trong khi tôi và bà H. là người có ĐKTT ở Hải Phòng. Công an Hải Phòng càng lộ sự bao che khi ra quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng việc bà H. cắm thẻ ngành vay tiền chỉ là dân sự”.


Vậy sự việc cụ thể như thế nào, vi phạm đến đâu, đề nghị cơ quan chức năng, công an Hải Phòng tiến hành làm rõ. 

Copy từ: VTC