CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Mỹ - Nga: Khiêu khích, trả đũa và 'thọc gậy bánh xe'


“Putin luôn chơi trò thọc gậy bánh xe đối với Mỹ. Cả trong vụ đào tẩu của Snowden hiện nay, cũng như trong vấn đề Syria và Iran”- thượng nghị sỹ Mỹ Charles Schumer đã nói như vậy CNN.

Theo kiến giải chính thức thì mọi sự đều khá tuyệt vời. Hai vị tổng thống Putin và Obama thường xuyên thảo luận về việc phát triển “những mối quan hệ mang tính xây dựng” của họ và gần đây còn tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại Moscow vào đầu tháng 9 năm nay.
Nhưng ở hậu trường thì ngược lại, mọi sự công kích đều có thể diễn ra. Và không bên nào sẵn sàng từ bỏ việc sử dụng các công cụ gây bất ổn và biện minh cho những phương tiện phục vụ cho các lợi ích chiến lược và chiến thuật của mình.
Cuộc chiến tranh thông tin của hai quốc gia này thậm chí còn được đẩy mạnh vì “cuộc cách mạng cam” diễn ra tại Ukraina sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Cuộc các mạng này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, nhưng chính phủ Nga nghi ngờ nó và đã tuyên bố rằng, Phương Tây sẽ cố gắng lợi dụng nó để đạt được những mục đích riêng của mình.
Khiêu khích, tiến công và trả đũa
Tình trạng đối đầu đột ngột trở nên trầm trọng trong thời gian xảy ra cuộc chiến ở Gruzia vào năm 2008. Mỹ và Nga đã đưa ra các kiến giải hoàn toàn khác nhau về những sự kiện này-đồng thời. Gruzia là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các lợi ích kinh tế và ảnh hưởng chính trị của cả 2 quốc gia. Mỹ cho rằng cuộc tiến công của Nga là sự khiêu khích và xâm lược Georgia, trong khi đó thì Nga lại tuyên bố chỉ tiến hành những biện pháp đáp trả sau cuộc tiến công của Gruzia vào các công dân Nga ở Nam Ossetia.
Vào tháng 8.2012, ông Putin đã thú nhận trong một chương trình truyền hình rằng, cuộc tiến công đã được trù định trước: “Điều này không cần phải giấu giếm, đã có kế hoạch, và chúng tôi đã hành động trong khuôn khổ của nó. Kế hoạch này đã được Bộ Tổng tham mưu xây dựng vào thời gian cuối năm 2006- đầu năm 2007 và thống nhất với tôi”.
“Kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden
“Kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden hiện đang ở Nga khiến cho Mỹ rất tức giận
Trong mấy ngày gần đây tình hình càng nóng lên vì vụ việc Snowden (cựu điệp viên CIA đã tiết lộ thông tin về hệ thống theo dõi điện tử của Mỹ) đã đáp máy bay từ Hong Kong tới Moscow. “Putin luôn cố gắng chơi trò thọc gậy bánh xe đối với Mỹ: cả trong vụ đào tẩu của Snowden hiện nay, cũng như trong những vụ việc về Syria và Iran”- thượng nghị sỹ Mỹ Charles Schumer đã nói như vậy trên kênh truyền hình CNN.
Tử huyệt và “sức mạnh mềm”
Cả hai phe vẫn chưa hề thay đổi thứ vũ khí từ thời chiến tranh lạnh: Người Mỹ vẫn như trước đây, cố gắng phát huy “sức mạnh mềm” của mình, trong khi đó người Nga kịch liệt chỉ trích “truyền thông “Mỹ. Dầu sao thì, nước Nga cũng cảm thấy thiếu tự tin (hoặc ít ra tỏ vẻ như thế) trong điều kiện chiến tranh thông tin kéo dài.
Hiện nay Nga đang ở thế phòng ngự hoặc thậm chí duy trì chiến thuật “khổ nhục kế”. Việc trả đũa đối thủ, phá vỡ thế cô lập và chống lại các thế lực thù địch, tới thời điểm hiện tại đã được đa số ý kiến xã hội ủng hộ, nhưng chưa gây được hiệu ứng cần thiết ở nước ngoài.
“Sự bao vây thù địch, từ trước tới nay, đã từng là luận cứ kinh điển của các nhà lãnh đạo Liên Xô...Chính bản thân ông Putin cũng không đủ khả năng nghiên cứu thế giới một cách toàn diện, sâu sắc, ngoại trừ việc nhận thức nó thông qua lăng kính của các mối quan hệ sức mạnh. Ông ta, vẫn như trước đây, tin tưởng rằng, phương pháp tốt nhất để chế ngự kẻ thù là làm cho nó sợ hãi”, Thierry Wolton đã viết như vậy trong cuốn sách “KGB nắm chính quyền”.
Cố gắng thể hiện mình như một nạn nhân là một phần của chiến lược, hơn nữa nó đã mang lại những kết quả trong chính sách đối nội. Dầu sao thì hiện nay nó không còn hiệu quả ở góc độ chính sách đối ngoại và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Thierry Wolton phân tích: “Liên Xô quả thật đã có thể làm thế giới kinh hoàng với sức mạnh của dự án chính trị, đã từng chinh phục được tình cảm của hàng triệu người ủng hộ trên khắp thế giới. Ở giới lãnh đạo Kremlin hiện nay không có được sức mạnh như thế, bởi vì họ duy trì chiến lược dân tộc chủ nghĩa - yêu nước đã lỗi thời, không có khả năng lôi kéo những người ở hải ngoại”.
Ông Putin.
Nước Nga không có thêm hệ tư tưởng mới, để có thể trưng ra trước toàn thế giới. Chính điều này thể hiện nhược điểm và việc thiếu khả năng thực thi chiến lược phát huy một cách có hiệu quả ảnh hưởng trên trường quốc tế của Nga. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là, nước Nga không còn vũ khí gì khác.
Kẻ thù truyền kiếp
Chuyên gia chính trị Christian Harbulot cho rằng, “ở nước Nga người ta biết cách tiến hành cuộc chiến tranh thông tin như thế nào. Dù sao thì, trong tình hình hiện nay cũng có cảm giác, các cơ quan tình báo Nga vẫn đang đứng ngoài cuộc. Và điều này quả là đáng ngạc nhiên, nhất là trong khi tình báo Mỹ đang tích cực hoạt động trên mặt trận này và thậm chí không hề có ý định giấu giếm”.
Như vậy là, nước Mỹ tới bây giờ vẫn không hề giảm sức ép lên “con gấu Nga”. Và điều này được giải thích bằng một loạt nguyên nhân: nhất thiết phải bảo lưu kẻ thù để biện minh cho các chi phí quân sự, truyền bá hệ tư tưởng chính trị và văn hóa, hoặc bảo vệ những lợi ích kinh tế trong khu vực. “Sự can thiệp thông tin của Mỹ vào công việc của nước Nga là thể hiện gián tiếp chính sách sức mạnh, mà mục tiêu không tuyên bố của nó là nắm thế thượng phong trước nước Nga và ngăn cản sự phục hưng chiến lược của quốc gia này sau khi ông Putin lên nắm chính quyền”- Ông Christian Harbulo đã viết như vậy trên trang mạng Les Influences.
Chẳng hạn, điều này giải nghĩa cho việc số lượng các tổ chức phi chính phủ của Mỹ trên lãnh thổ nước Nga ngày càng tăng lên, đến mức phải ban hành các đạo luật hạn chế hoạt động của họ trong những năm 2006 và 2012, trong đó có đoạn: “Chúng tôi, phía Nga thực sự lo ngại sâu sắc trước việc, phía Washington đang cung cấp tài chính cho một số nhóm và phong trào ở nước Nga. Trên thực tế hoạt động này đạt tới quy mô đủ để trở thành một vấn đề phức tạp đối với chúng tôi”, -Thứ trưởng ngoại giao Nga-ông Sergei Riabkov đã từng tuyên bố như vậy hồi tháng 4.2012.
Nói cách khác, con chim đại bàng và con gấu còn lâu mới kết thúc những cuộc chiến của mình…
“Về phía các nhà lãnh đạo Mỹ, sự sụp đổ của Liên Xô chẳng hề ảnh hưởng gì tới thái độ thù địch của họ đối với nước Nga với vai trò là một quốc gia. Tình hình chỉ có thể thay đổi nếu nước Nga hoàn toàn tuân theo những yêu sách của người Mỹ, không phải chỉ trên toàn thế giới về tổng thể, mà cả trong khu vực ảnh hưởng của mình. Nhưng nước Nga sẽ không bao giờ chấp nhận điều này”- Anatol Lieven đã viết như thế trong cuốn sách “Mổ xẻ chủ nghĩa dân tộc Mỹ”

Copy từ: Soha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét