CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Một cửa hàng ở Mũi Né từ chối khách Việt


* Chủ cửa hàng đòi hành hung PV

Chiều qua 4.3, trong lúc tác nghiệp báo chí, chủ nhà hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã cho bảo vệ và nhân viên tấn công PV Báo Thanh Niên. 

Trước đó, Báo Thanh Niên nhận được email của chị Đinh Thị Thu Hậu (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với nội dung bức xúc về việc nhà hàng Cát Vàng (viết tiếng Anh là Golden Sand), không cho vào cửa hàng lưu niệm (nằm trong khuôn viên nhà hàng), chỉ vì chị là người Việt.
Trong email  (có cả hình ảnh và băng ghi âm), chị Hậu cho biết, vào ngày 11 tháng giêng vừa qua, chị cùng gia đình đến nghỉ ở Mũi Né và đến ăn trưa tại nhà hàng Cát Vàng. "Trong khi chờ đợi các món ăn, chị gái của tôi bước vào phòng bán da cá sấu để mua túi da, nhưng không có ai phục vụ. Lát sau, mẹ và hai vợ chồng em gái tôi bước vào thì nhân viên bảo đang kiểm kê, không tiếp khách. Do lúc này, vẫn chưa có món ăn nên tôi bước vào cửa hàng bán đồ da cá sấu thì nhân viên đến nói thẳng vào mặt tôi "tiệm này không bán cho người Việt Nam".
Tôi thật sự sốc và hỏi lại cô ấy "Tại sao lại có sự đối xử phân biệt như thế?", thì nhân viên này không trả lời. Sau đó, tôi đem chuyện này kể cho mấy chị em gái và nói với nhân viên là chúng tôi muốn gặp ông chủ, nhưng họ nói không biết ông ấy ở đâu. Khi gặp được ông ấy (trong tiệm bán da cá sấu), thì tôi nghe ông chủ này đưa ra lý do vì sợ người Việt Nam giả dạng Việt kiều vào ăn cắp hàng... sợ "gián điệp" của các tiệm khác dò giá cả..." - email của chị Hậu viết.

Nhà hàng Cát Vàng, nơi mà cửa hàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt - Ảnh: Quế Hà 

Ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng
“Không phục vụ vì người Việt xấu tính”
Chiều qua, PV Báo Thanh Niên đến nhà hàng Cát Vàng tìm hiểu sự việc. Khi vừa đến nơi, PV bước đến quầy lưu niệm xin vào mua hàng, thì ngay lập tức bảo vệ (thuê từ Công ty bảo vệ Bình Thuận) chặn lại và nói: "Anh không được vào". Nghe ồn ào, một nhân viên nhà hàng bước ra cũng nói thẳng: “Cửa hàng kiểm kê, anh không vào được”. Đến lúc này, PV xuất Thẻ Nhà báo và đề nghị được gặp ông chủ để hỏi vì sao không phục vụ người Việt, nhưng cũng không được chấp nhận.
Khi PV bước sang bên kia đường (đối diện) để chụp ảnh thì bất ngờ một người mặc quần đùi bước ra (sau này mới biết đó là ông Nghiêm Phúc, quê An Giang, chủ nhà hàng Cát Vàng) chỉ thẳng vào mặt PV chửi: “Thằng kia, là thằng nào mà dám chụp hình nhà hàng của tao. Đuổi nó đi!”. PV tiếp tục chụp thêm 2 tấm hình nữa thì ông này quát  bảo vệ: “ĐM!. Nó vẫn chụp kìa, đập chết mẹ nó đi. Đập máy chụp hình của nó cho tao”. Lập tức, một bảo vệ và hai nhân viên lao qua đường định tấn công, buộc PV phải vào ô tô khóa chặt cửa gọi điện báo cơ quan chức năng.
Sau khi nhận điện thoại của PV, Sở VH-TT-DL cử 2 cán bộ thanh tra cùng Công an P.Hàm Tiến đến hiện trường. Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông này cũng không ngại nói rằng sở dĩ không phục vụ người Việt là do người Việt xấu tính. “Tôi đã thống kê rồi. Chưa tới 1% người Việt vào mua hàng. Nhưng hễ cứ có người Việt vào là thể nào cũng có chuyện với nhân viên của tôi, trong khi giao dịch chẳng được gì. Vì vậy tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi”. Trong biên bản thể hiện rõ những lời như vậy và ông này ký ngay không ngần ngại.
Có thể đóng cửa vĩnh viễn
Ngay trong chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp đã đến tận nhà hàng Cát Vàng để tìm hiểu vì sao không phục vụ khách Việt. Nhận được thông tin, ông Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp gọi điện thoại cho PV Thanh Niên chia sẻ và tỏ ra rất bức xúc khi biết được chuyện nhà hàng không phục vụ khách người Việt ở ngay Mũi Né. “Tôi đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL và UBND TP.Phan Thiết phải làm cho ra chuyện này. Nếu quá đáng, có thể đóng cửa vĩnh viễn. Không thể để một nhà hàng cỏn con như thế làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bình Thuận”, ông Phương nói.
Quế Hà




Copy từ: Thanh Niên

Cơ hội và thời điểm thích hợp nhất cho trí thức thi hành sứ mệnh lịch sử


Những khuyến cáo, kiến nghị hay thư ngỏ cần thiết lúc ban đầu nay cẩn được chuyển sang hành động.”
Bauxite Việt Nam

Thư gửi bạn bè trong nước qua diễn đàn sci-edu

Lê Xuân Khoa *1
Thưa các anh chị,
Gần đây, tôi được đọc trên diễn đàn sci-edu hai bài viết rất tâm huyết của anh Nguyễn Trung trong hai tuần liên tiếp. Bài thứ nhất là “Thư ngỏ gửi lãnh đạo Việt Nam” về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, nhấn mạnh vào sự cần thiết phải “cải cách chính trị triệt để và toàn diện” và khẳng định đây là “cơ hội cuối cùng” để xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ. Bài thứ nhì, “Câu chuyện Myanmar”, kể lại cuộc chuyển đổi của Myanmar từ độc tài sang dân chủ trong hoà bình, ổn định, để cuối cùng nêu lên câu hỏi: Myanmar làm được, tại sao Việt Nam ta không làm được?
Thật ra, cựu đại sứ Nguyễn Trung không phải là người duy nhất lên tiếng báo động và kêu gọi giới lãnh đạo kịp thời thức tỉnh để có thể bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Nhiều nhân sĩ, trí thức khác, cả trong lẫn ngoài nước, cũng đã thẳng thắn cảnh báo vả đóng góp ý kiến tâm huyết qua những kiến nghị hay thư ngỏ. Anh Nguyễn Trung đã có hơn một lần tham gia vào những nỗ lực chung đó, gần đây nhất là ký tên trong số 72 người đầu tiên đề nghị một hiến pháp dân chủ thay thế bản hiến pháp 1992.
Ở đây, tôi đặc biệt nhắc đến hai bài viết mới của anh Trung là vì trong bài đầu, anh đã đúc kết rành mạch những ý kiến chung về nhu cầu cấp bách phải thay đổi Hiến pháp và thiết lập một thể chế dân chủ pháp trị, và trong bài thứ hai, anh đã nêu ra trường hợp Myanmar như một mô hình chuyển hoá về chính trị và phát triển có thể áp dụng cho Việt Nam.
Chúng ta không cần phải phân tích thêm những chính sách sai lầm tai hại của nhà cầm quyền về đối nội và đối ngoại để chứng minh cho sự cần thiết phải cải cách chính trị triệt để và toàn diện. Hiển nhiên là từ hội nghị Thành Đô năm 1991 đến nay, Bắc Kinh càng ngày càng có điều kiện thuận lợi để từng bước lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải, lũng đoạn nền kinh tế và thực hiện mưu toan Hán hoá dân tộc Việt Nam. Trong khi đó, tình trạng suy thoái xã hội về mọi mặt và nạn tham nhũng trong toàn bộ hệ thống cai trị ở Việt Nam đã trở nên trầm trọng vô phương cứu chữa. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không còn che dấu được chủ trương dựa vào Trung Quốc đề duy trì quyền lực và lợi ích cùa cá nhân, gia đình và bè phái. Mọi lời tuyên bố bảo vệ độc lập và chủ quyền, mọi hành động tăng cường phòng thủ, đều cho thấy đó chỉ là những màn hỏa mù, những thủ đoạn lừa dối nhân dân và dư luận thế giới, trái ngược với thực tế là nhượng bộ Trung Quốc và đàn áp những biểu hiện yêu nước của nhân dân.
Vì chủ quan tin ở khả năng khuất phục được nhân dân như đã có kinh nghiệm đối với những ý kiến đóng góp cho các Đại hội 10 và 11 cũng như mọi kiến nghị khác của nhân sĩ, trí thức, lần này lãnh đạo Đảng lại đưa ra bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp và kêu gọi nhân dân góp ý để cuối cùng bản Hiến pháp chính thức vẫn sẽ là bản dự thảo của Đảng. Lãnh đạo Đảng chủ quan đến độ chính thức khẳng định mục đích sửa đổi Hiến pháp 1992 là muốn cho nhân dân “phát huy quyền làm chủ” và “thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thậm chí “nhân dân có thể góp ý về tất cả các nội dung trong Dự thảo Hiến pháp, kể cả ‘Điều 4’, không có gì là cấm kỵ.”
Không ngờ tình hình đã hoàn toàn đổi khác.Bản Kiến nghị của 72 người  đến hôm nay đã có gần 7.000 người tham gia. Nhiều nhóm công dân khác cũng lên tiếng, đặc biệt là nhóm “Công dân Tự do”, bắt đầu với 1.000 chữ ký của những người thuộc những lớp tuổi khác nhau, đòi hỏi không chỉ môt hiến pháp dân chủ mà còn phải thật sự thi hành những quyền tự do dân chủ của mỗi người dân. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của hàng triệu giáo dân, cũng vừa công bố thư gửi Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp, nêu rõ mâu thuẫn căn bản giữa sự độc tôn của đảng cầm quyền và chủ nghĩa Mác-Lê trong bản Dự thảo với quyền con người trong bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền mà Việt Nam đã ký kết. Lá thư của HĐGM cũng nhấn mạnh là cần phải thực thi những quyền tự do căn bản của người dân, như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Rõ ràng là phong trào dân chủ đang lan rộng để trở thành một khối áp lực của nhân dân mà chế độ độc tài sẽ chỉ có hai lựa chọn: hoặc nhượng bộ để thay đổi thể chế trong hoà bình, hoặc chống lại bằng võ lực để một mất một còn.
Trước những phản ứng bất ngờ của nhân dân, lãnh đạo Đảng CSVN đã hoảng hốt và vội vã tìm cách ngăn chặn sự lan rộng của phong trào dân chủ. Cả Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đều quên đi những khẳng định về quyền làm chủ và tự do góp ý của nhân dân để kết tội những góp ý này là “suy thoái tư tưởng, đạo đức”, là “chống lại đảng, chống lại chính quyền… phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn”. Một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân sẽ không thể tránh được trừ khi có những bộ óc tỉnh táo trong bộ máy lãnh đạo thuyết phục được đa số chấp thuận đối thoại với các đại diện của nhân dân để giải quyết thoả đáng vấn đề sửa đổi hiến pháp và cải tổ chính trị.
Việt Nam và mô hình Myanmar
Từ ngày lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được khỏi bị giam giữ tại nhà ngày 13.11.2010 và sau khi cựu Tướng Thein Sein chính thức nhậm chức Tổng thống ngày 30.03.2011, quốc gia Myanmar đã có một loạt cải cách êm đẹp từ độc tài sang dân chủ. Kết quả quan trọng nhất là:
  1. Hoà giải dân tộc bằng việc phóng thích tù nhân chính trị qua nhiều đợt liên tiếp. Tổng thống Thein Sein kêu gọi mọi người bất đồng chính kiến ở trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng đất nước.
  2. Nhìn nhận và hợp tác với “Liên minh Quốc gia vì Dân chủ” (NLD), đảng đối lập của bà Aun Sang Suu Kyi.
  3. Tổ chức bầu cử bổ sung dân biểu với 35 đảng tham gia trong đó đảng NLD chiếm 42 trên 46 ghế và bà Suu Kyi trở thành một lãnh tụ đối lập có uy tín được Tổng thống Thein Sein tiếp đón và đánh giá bà có thể trở thành tổng thống.
  4. Bãi bỏ cơ quan kiểm duyệt và ban hành quyền tự do thông tin báo chí.
  5. Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết bằng quyết định hủy bỏ hợp đồng thủy điện Myitsone 3,6 tỷ USD đã ký với Trung Quốc để bảo vệ môi trường sinh thái của nhân dân.
  6. Mời trí thức chuyên gia mọi ngành làm tư vấn cho chính phủ, lắng nghe và thực hiện những đề nghị cải cách và phát triển của họ.
  7. Phát triển kinh tế bằng cách bớt nhờ cậy vào Trung Quốc và tạo điều kiện cho các quốc gia phát triển đầu tư. Trong khi Hoa Kỳ vá Âu châu đang chuẩn bị, Nhật đã tiên phong giúp Myanmar thanh toán nợ nần và đổ tiền vào các dự án đầu tư mới ở xứ này.
Câu hỏi của anh Nguyễn Trung, “Myanmar làm được, tại sao Việt Nam ta không làm được?” cũng là niềm trăn trở của nhiều người đang tìm một giải pháp thích hợp cho Việt Nam. Tất nhiên hoàn cảnh mỗi nước một khác, nhưng mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia và xây dựng dân chủ thì không thể nào khác được. Lãnh đạo Việt Nam cũng thường nói đến những mục tiêu ấy nhưng không làm hay cứ lúng túng không biết làm thế nào cho khỏi thành… tự sát. Họ quên mất rằng nếu nhất định không làm thì sớm muộn gì cũng sẽ là tự sát mà thôi. Như vậy, vấn đề là giải quyết cách nào cho thích hợp, hoà bình và khả thi trong trường hợp Việt Nam.
Trước hết, hãy xem xét những điểm khác nhau giữa Việt Nam và Myanmar. Mặc dù cùng có bản chất là độc tài toàn trị, chế độ quân phiệt của Myanmar không phát xuất từ một đảng chính trị có tổ chức, có cơ sở lý thuyết, kỷ luật chặt chẽ, kinh nghiệm đấu tranh và gốc rễ quốc tế lâu đời như Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã không còn có khả năng tuyên truyền và ảnh hưởng của một đảng cách mạng dưới ngọn cờ giải phóng đất nước và đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Ngày nay, trước mắt nhân dân và những đảng viên thật lòng yêu nước, đảng cách mạng đã suy thoái, biến chất thành một đảng cầm quyền độc tài, tham nhũng, đối xử tàn ác với nhân dân, phục tùng Trung Quốc để bảo vệ sự tồn tại và lợi ích của bè phái. Khác với Việt Nam, lãnh đạo Myanmar không lệ thuộc Bắc Kinh và hiểm họa Trung Quốc không phải là nguy cơ trước mắt.
Ngoài ra, về biểu hiện cụ thể, có ít nhất ba điểm khác biệt rất hiển nhiên giữa hai chế độ:
  1. Việt Nam không có nhiều đảng chính trị như Myanmar, nhất là những đảng đối lập như  National League for Democracy (NLD) hay Democratic Voice of Burma (DVB).
  2. Việt Nam không có lãnh tụ đối lập như Aun Sang Suu Kyi.
  3. Việt Nam không có lãnh đạo cầm quyền sáng suốt và dũng cảm như Thein Sein.
Dù sao, sau hơn nửa thế kỷ bị lừa dối và bóc lột, sự bất mãn của nhân dân ngày càng chồng chất đã gần chạm tới mức “báo động đỏ” cho chế độ. Thái độ hốt hoảng và những lời răn đe của lãnh đạo trái với những lời hứa hẹn ban đầu chỉ làm gia tăng cường độ chống đối. Người dân đã không còn sợ hãi. Trong đa số thầm lặng đã có thêm những tiếng nói dũng cảm của những khuôn mặt mới có hiệu ứng dây chuyền. Tuy nhiên, trong một đất nước không có đảng đối lập và lãnh tụ đối lập có uy tín, một cuộc đối đầu gay go giữa dân chúng và nhà cầm quyền sẽ khó lòng tránh khỏi hỗn loạn và đổ máu. Vài ngày trước đây, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã tuyên bố cần phải có đảng đối lập. Nhưng dưới một chế độ mà không một tổ chức độc lập nào được phép hoạt động, dù chỉ làm từ thiện hay nghiên cứu khoa học, việc thành lập đảng chính trị không thể thành tựu nếu không có quyết tâm và những bước chuẩn bị thực tế và khả thi.
Hãy bắt đầu bằng một nhóm nhỏ không chính thức, gồm những công dân yêu nước và cấp tiến, đại diện cho những thành phần cách mạng lão thành, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, văn nghệ sĩ, nhà báo, thanh niên, sinh viên, nông dân, công nhân, quân đội nhân dân… Đây là bước đầu của sự hình thành một mạng lưới công dân cùng chung một mục đích mặc dù vẩn có thể có những suy nghĩ và cách tiếp cận khác nhau, mầm mống của một xã hội dân chủ đa nguyên, đa đảng. Nhóm đại diện này sẽ khởi xướng phong trào dân chủ của toàn dân. huy động và phối hợp các tiềm lực trong đa số thầm lặng để có một tư thế mạnh đối thoại với nhà cầm quyền về lộ trình dân chủ hoá. Những trí thức chủ động “Kiến nghị 72” cần đảm nhận trách nhiệm thành lập nhóm đại diện các thành phần kể trên. Nhóm đại diện này có thể sẽ bầu ra những chức vụ điều hành. Sinh hoạt theo lề lối dân chủ phải tuyệt đối tôn trọng. Đây chỉ là những gợi ý sơ khởi cần được những người chủ động xem xét và hoạch định sát với thực tế.
Đây là cơ hội và thời điểm thích hợp nhất cho trí thức thi hành sứ mệnh lịch sử. Những khuyến cáo, kiến nghị hay thư ngỏ cần thiết lúc ban đầu nay cẩn được chuyển sang hành động. Cho đến nay, đa số chuyên gia và trí thức hàn lâm vẫn chỉ có những cuộc hội thảo thiên về nghiên cứu những vấn đề của đất nước, hay chỉ nói cho nhau nghe những lời phê phán, công kích những sai lầm của chế độ. Nhưng trước những chính sách độc đoán, bất chính và bất nhân của chế độ, trước tư cách bất xứng của những người lãnh đạo cao nhất nước, lòng bất mãn và tức giận của trí thức, ngay cả những người hiền lành nhất, đã tăng lên rất cao. Đã đến lúc trí thức sẽ đứng lên tham gia vào phong trào dân chủ của toàn dân, đòi hỏi nhà cầm quyền phải thực thi quyền con người, hoà giải với những công dân yêu nước, cải cách chính trị triệt để và toàn diện để có thể huy động được sức mạnh của dân tộc trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.
Kết quả mong đợi nhất là chính quyền bỗng thức tỉnh, chấp thuận đối thoại với nhóm đại diện của nhân dân và sẽ mời họ tham gia vào việc thiết lập một lộ trình dân chủ hoá trong hoà bình, ổn định. Nếu chẳng may, lãnh đạo Đảng nhất định quay lưng lại nhân dân thì hãy tưởng tượng cuộc chiến giữa một số lãnh tụ độc tài, tham nhũng và 90 triệu nhân dân yêu nước, yêu tự do sẽ đem lại kết quả thế nào.
*
Là một người đang có cuộc sống tự do và hạnh phúc ở nước ngoài, tôi cảm thấy không đủ tư cách nhận định về vai trò của nhân sĩ, trí thức ở trong nước, nhất là lại có những lời lẽ khích động. Nhưng vì đã có nhiều dịp trao đổi thân tình, trực tiếp hay gián tiếp, với nhiều thân hữu thuộc mọi lớp tuổi, còn ở Việt Nam hay đã ra nước ngoài, tôi không thể không viết ra những cảm nghĩ của mình trước hiện tình đất nước, nhất là sau những góp ý xây dựng của nhân dân và phản ứng thiếu tỉnh táo của mấy nhà lãnh đạo.
Xin quý anh chị vui lòng thông cảm. Tôi tạm dừng bút nhưng không quên xác nhận một quan điểm đã được đa số bạn bè chia sẻ là việc thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam là việc làm của người trong nước, còn người ở bên ngoài chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ.
Thân kính,
L.X.K.
Nguồn: Bauxite Việt Nam

* GS Lê Xuân Khoa cũng là tác giả của cuốn sách Việt Nam 1945-1995 mà trang Ba Sàm đang lần lượt giới thiệu với độc giả.



Bản Kiến nghị của 72 người

Copy từ: Anh Ba Sàm

Tòa phúc thẩm Cam Bốt buộc tội một quan chức đã bắn vào người biểu tình

Các nữ công nhân từng bị trúng đạn tại tỉnh Svay Rieng (RFI /Chan lida)
Các nữ công nhân từng bị trúng đạn tại tỉnh Svay Rieng (RFI /Chan lida)

Đức Tâm
Một cựu tỉnh trưởng, nghi can số một trong vụ bắn vào công nhân biểu tình hồi đầu năm 2012, được trắng án trong phiên xử sơ thẩm, vừa bị tòa phúc thẩm cáo buộc tội gây sát thương đối với công nhân biểu tình.

Hồi tháng Hai năm 2012, công nhân nhiều nhà máy may gia công cho tập đoàn Puma, ở tỉnh Svay Rieng, miền đông Cam Bốt, đã biểu tình đòi cải thiện điều kiện làm việc. Một kẻ đã dùng súng bắn vào những nguời biểu tình và làm 3 công nhân bị thương.
Nghi can số một trong vụ này là lãnh đạo thành phố Bavet, ông Chhuk Bundith. Nhân vật này đã bị cách chức và bị cáo buộc tội gây sát thương, nhưng không bị bắt. Cuối tháng 12 năm ngoái, tòa sơ thẩm đã xử trắng án cho quan chức này. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã phản đối mạnh mẽ phán quyết của tòa.
Tháng Giêng vừa qua, chính quyền cho mở lại cuộc điều tra và tòa phúc thẩm quyết định cáo buộc viên cựu tỉnh trưởng, với tội danh như cũ. Nguồn tin tư pháp Cam Bốt cho biết là hồ sơ đã được chuyển lên tòa án tỉnh Svay Rieng.
Các công ty Puma, Gap và H&M, trước đó, đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về hành động bắn vào công nhân biểu tình và đòi mở điều tra.
Ngành công nghiệp may mặc, nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với Cam Bốt, sử dụng 650 ngàn nhân công, đa số là phụ nữ. Trong số này, khoảng 400 ngàn nhân công làm việc cho các xưởng may phục vụ xuất khẩu.
Từ năm 2010, nhiều cuộc biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc đã xẩy ra trong lĩnh vực may mặc tại Cam Bốt.


Copy từ: RFI

LHQ: Nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện yêu cầu trả tự do cho 3 nhà hoạt động

Nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện yêu cầu trả tự do cho 3 nhà hoạt động

Tường An, thông tín viên RFA

baovelaodong.com-305.jpg
Từ trái qua: Anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và chị Đỗ Thị Minh Hạnh
Photo courtesy of baovelaodong.com


Với sự kết hợp của một số tổ chức và văn phòng luật sư, sau hơn 2 năm theo dõi; ngày 12/2/2013 vừa qua, Nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (The Working Group on Arbitrary Detention) đã đưa ra thông báo về vụ án này.

Trả tự do và bồi thường

Ngày 12 tháng 2 năm 2013 vừa qua,  nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã ra một bản công bố số 42/2012, trình bày quan điểm của họ về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ 3 người hoạt động cho Công đoàn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương.
Bản tuyên bố quan điểm này là kết quả quá trình kết hợp làm việc trong một thời gian dài giữa nhiều tổ chức khác nhau: Lao Động Việt, trụ sở tại Ba Lan, văn phòng Luật sư Lâm Chấn Thọ ở Canada, và Tổ chức Freedom Now cùng với tổ hợp Luật sư Woodley MacGillivary ở Hoa Kỳ.
Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Động Việt, là một tổ chức kết hợp các tổ chức công đoàn tự do trong và ngoài nước để đấu tranh cho quyền lợi công nhân Việt Nam; Lao Động Việt bao gồm các tổ chức: Công đoàn Độc lập, Hiệp Hội Đoàn kết Công nông, Phong trào Lao Đông Việt và Ủy ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thành, đại diện ở hải ngoại của Lao Động Việt cho biết về sự kết hợp làm việc này như sau:
"Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Động Việt đã kết hợp chặt chẽ với luật sư Lâm Chấn Thọ tại Canada và Tổ chức Freedom Now ở Mỹ, tập hợp tất cả các hồ sơ của Hùng, Hạnh, Chương, cũng như các đơn của 3 gia đình.
Luật sư Lâm Chấn Thọ cũng như Tổ hợp luật sư đều rất năng nổ, nên trong một thời gian ngắn đã đưa đến kết quả là, Ban đặc nhiệm đã ra nghị quyết yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải thả tự do và bồi thường cho Hùng, Hạnh, Chương. Chúng tôi rất vui khi được biết  nhóm đặc trách của LHQ về giam cầm vô cớ đã ra bản quyết nghị yêu cầu trả tự do cho Hùng, Hạnh, Chương. Tôi thấy đây cũng là một kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh cho tất cả những tù nhân lương tâm tại Việt Nam."
Tiếp xúc với luật sư Lâm Chấn Thọ, được ông cho biết: Khi nhận được thư ủy quyền của 3 gia đình Hùng, Hạnh, Chương, ông đã bắt tay thu thập tài liệu và nộp hồ sơ lên LHQ ngày 17 tháng 8 năm 2011 với nội dung lên án sự bắt giữ tùy tiện của nhà cầm quyền Việt Nam.
Ban đặc nhiệm đã ra nghị quyết yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải thả tự do và bồi thường cho Hùng, Hạnh, Chương.
Ô. Trần Ngọc Thành
Sau đó, ngày 17 tháng 10 năm 2012, LHQ chuyển cho luật sư Thọ thư phản đối của Hà Nội đề ngày 28/9/2012, nội dung như sau:
"Họ nói rằng người nộp đơn này dựa trên những nguồn tin không được chính xác, những nguồn tin này không đáng tin cậy vì có hậu ý chính trị. Và họ nói rằng chính phủ Việt Nam rất tôn trọng Nhân quyền.
Họ nói rằng những tội đã buộc cho các anh chị đó là có căn bản. Họ nói rằng những người này là thành viên của đảng bí mật, họ đang làm những chuyện của những người ở hải ngoại để lật đổ, gây những chuyện xáo trộn trong Việt Nam; Họ phát truyền đơn, xúi những người ở hãng giầy Mỹ Phong đập phá tài vật, vì thế cho nên họ phải được xử theo luật 89 của bộ luật hình sự năm 2009.
Hai điều quan trọng nhất là họ nói rằng: họ xử hai người này đúng theo luật Việt Nam, và họ xử đúng theo luật tố tụng hình sự của luật Việt Nam. Một chút nữa tôi sẽ nói Working Group họ để ý những chuyện gì và họ sẽ trả lời."
Nhận được thư phản đối của nhà cầm quyền Việt Nam, nhóm đặc nhiệm cùa Liên Hiệp Quốc yêu cầu luật sư Thọ nghiên cứu và phản hồi trước ngày 23 tháng 11 năm 2012, tức là ngày mà Liên Hiệp Quốc có cuộc họp lần thứ 65 về các vấn đề Nhân quyền.
Họ đề nghị ông đưa ra những lập luận phản kháng lại thư trả lời của Hà Nội để họ có thể tiếp tục nghiên cứu hồ sơ này. Ngày 9 tháng 11 năm 2012, Luật sư Lâm Chấn Thọ đã gửi thư cho nhóm đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, ông đưa ra những lập luận dựa trên luật Việt Nam và Quốc tế để phản bác như sau:
"Theo luật hình sự Việt Nam thì họ có quyền giam giữ nghi can từ 45 đến 90 ngày; 45 ngày nếu không có gì quan trọng, và 90 ngày nếu quan trọng hơn. Trong trường hợp của 3 người này, họ giam hơn 300 ngày; mà không phải vậy không, họ đối xử rất dã man, chị Đỗ Thị Minh Hạnh bị đánh đến bị điếc một bên tai, và cho họ ngủ kế bên những tù nhân bị bệnh (HIV-theo lời của gia đình) có thể lây cho họ.
Đồng thời chúng tôi nêu lên cho The Working Group on Arbitrary Detention họ lưu ý rằng: chính quyền Việt Nam hoàn toàn vi phạm những hiệp ước, những tuyên ngôn Nhân quyền mà họ đã ký, ví dụ họ vi phạm điều 7, điều 9, điều 14, 19, 22 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và điều 8 của quyền về chính trị, kinh tế và văn hoá."
Tháng 6 năm 2012 vừa qua, Liên đoàn Lao Động Việt cũng có một cuộc tiếp xúc với tổ chức Freedom Now tại Hoa Thịnh Đốn yêu cầu can thiệp cho Chương, Hùng, Hạnh. Ngày 14 tháng 12 năm 2012 Freedom Now vào cuộc, cùng với tổ hợp Luật sư Woodley MacGillivary, họ đã liên lạc với văn phòng luật sư Lâm Chấn Thọ để cùng thụ lý hồ sơ.
Sau những ngày chờ đợi, cuối cùng, ngày 12 tháng 2 năm 2013, sau khi xem xét tất cả các yếu tố nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã công bố bản quan điểm của họ về trường hợp bắt bớ và giam giữ 3 người trẻ hoạt động công đoàn. Bản công bố gồm 35 điểm, trong đó có những điểm đáng chú ý như sau:
Chính quyền CSVN đã vô cớ bỏ tù và tra tấn họ, nay phải trả tự do và bồi thường
Đặc trách viên của LHQ về Tra tấn nên điều tra việc 3 người này bị tra tấn, đánh đập

Vi phạm luật Nhân quyền Quốc tế

hung-hanh250.jpg
Bức tranh chân dung Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng của Họa sĩ Trần Lân. Courtesy Họa sĩ Trần Lân.
Một lần nữa, LHQ đã chính thức bác bỏ lập luận của nhà cầm quyền VN cho rằng những những tù nhân này vi phạm luật pháp Việt Nam mà chính nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm luật Nhân quyền Quốc tế. Luật sư Lâm Chấn Thọ nhấn mạnh hai điểm sau:
"Quan điểm của nhóm Đặc trách của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện nói thẳng thừng như thế này: Họ nói trong trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương chính quyền CSVN đã vi phạm môt cách trắng trợn điều 9, 10, 20, 21 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và điều 9, 10, 14, 20, 25 của hiệp ước về quyền dân sự và quyền chính trị mà Việt Nam đã ký.
Điểm mà tôi thấy quan trọng nhất là họ nhấn mạnh: những quyền hội họp, quyền thành lập công đoàn, hay quyền tham dự và những việc ích lợi chung được bảo vệ dưới điều 22 và 25 của Tuyên Ngôn Nhân quyền, họ nhấn mạnh về vấn đề đó.
Và điều thứ hai mà chúng ta phải để ý, Liên Hiệp Quốc có điều này rất hay, đoạn 29 nói như thế này: Không phải chính quyền Việt Nam nói những người phạm tội theo điều 89 của bộ luật hình sự là chúng tôi phải im lặng, chúng tôi có quyền coi những điều luật đó có đúng với những tiêu chuẩn Quốc tế hay không. Và những vụ giam giữ người ta có thể đúng theo luật Việt Nam, mấy anh dùng bộ luật 89 hay 88 thì các anh cứ dùng, nhưng chúng tôi có bổn phận phải xem xét coi cách giam giữ coi nó có đúng theo luật Quốc tế hay không? Và cách mấy anh giam giữ có đúng tiêu chuẩn hay không, có đúng những hiến chương, có đúng những hiệp ước, những luật của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền.
Đó là 2 điều chúng ta thấy rất thuận lợi cho những cuộc tranh đấu trong tương lai để bắt chính quyền CSVN phải tôn trọng Nhân quyền."
Họ nói trong trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương chính quyền CSVN đã vi phạm môt cách trắng trợn điều 9, 10, 20, 21 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và điều 9, 10, 14, 20, 25 của hiệp ước về quyền dân sự và quyền chính trị mà Việt Nam đã ký.
LS Lâm Chấn Thọ
Mặc dù rất lạc quan trước ý kiến công bố bởi nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, nhưng luật sư Lâm Chấn Thọ cũng nhấn mạnh:
"Quan điểm hay quyết định của Hội đồng Nhân quyền này không có tính cách cưỡng chế nhưng mà những vi phạm đó nó lọt vào nhóm 2 và 3 của những nhóm vi phạm Nhân quyền, mà nhóm Đặc trách của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện có quyền nghiên cứu, theo dõi, thẩm định. Nó có thể gây ra một áp lực rất tốt trên chính trường Quốc tế."
Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bắt lần lượt vào các ngày 13, 23 và 24 tháng 2 năm 2010 sau khi giúp công nhân hãng giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh biểu tình đòi quyền lợi. Phiên toà phúc thẩm ngày 18/2/2011 y án sơ thẩm kết án 7 năm tù cho Chương và Hạnh, 9 năm tù cho Hùng vì "tội phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân".
Hiện Chương đang bị giam tại khu 2, Hạnh giam ở khu 3 trại Thủ Đức, tỉnh Bình Thuận, Hùng bị giam ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bà Ngọc Minh, Mẹ của Hạnh cho biết tình trạng hiện nay của 3 người như sau:
"Hạnh trong tù thì thường xuyên đau ốm, hay bị hạ đường huyết (huyết áp), hay bị xỉu, nó cũng bị thiếu calci, viêm khớp. Một cái tai nó bị yếu, không nghe được, chỉ còn 1 cái tai thôi. Nói chung là sức khỏe của cháu không được tốt lắm.
Hùng và Chương cũng vậy, bị hành hạ ngược đãi dữ lắm. Chương có thời gian tuyệt thực; Chương bi liệt mấy ngón tay. Hùng thì lầm lì ít nói, nó kiên cường, nó chịu đựng cũng giỏi lắm.
Chúng nó hình như sợ gia đình buồn; Hạnh cũng vậy, mỗi lần vào thăm nó sợ gia đình buồn và lo lắng nên sự đau ốm, khổ sở nó ít có nói, nó chỉ nhắn nhủ những gì cần thiết thôi. Những lần gia đình vào thăm thì cũng rất hạn chế nói chuyện bởi vì có công an kèm sát.
Lần trước có ông công an chính trị nói với tôi là có 3 tiêu chí để giảm án, tiêu thí thứ nhất là phải nhận tội. Tiêu chí này không thực hiện được thì giữ nguyên bản án. Và nó bị kỷ luật hoài là vì mỗi lần kiểm điểm thì không chịu nhận tội vì nó có tội đâu mà nó nhận. Người nào cũng bắt nó nhận tội hết. Chương cũng bị bắt nhận tội, nó bị dọa là không nhận tội thì cho nó chết."
Luật sư Lâm Chấn Thọ cho biết đã cung cấp hồ sơ của «Chương Hùng Hạnh» cho Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải để chuyển lên Quốc Hội Canada cũng như bà Dân biểu Clark thay mặt cho 30 dân biểu Anh để nộp lên Quốc hội Anh. Ngoài ra nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc cũng đã chuyển giao hồ sơ này cho Ủy Ban điều tra về tra tấn của LHQ.
Các luật sư nói trên đều làm việc thiện nguyện. Freedom Now nói rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi hồ sơ này cho đến khi 3 người trẻ này được trả tự do.




Copy từ: RFA

Vùng cấm và những loại “bẫy người”

Thanh Quang, phóng viên RFA
000_Hkg4475415-305.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc họp báo trước đây.
AFP


Khi đề cập tới “chủ trương lớn” của giới lãnh đạo Việt Nam liên quan vấn đề kêu gọi toàn dân góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp mà không có “vùng cấm” nào, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh không quên mô tả cái bẫy – mà bình thường chúng ta thường liên tưởng đến loại bãy thú, chim chuột. Nhưng blogger Nguyễn Hữu Vinh báo động rằng trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay “không thiếu gì các loại bẫy dùng để bẫy người!” – một loại bẫy “tinh vi hơn, đa dạng hơn và tác hại hơn nhiều những thứ bẫy thông thường kia”.

Cái bẫy và tác dụng ngược

Qua bài “Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cái bẫy và tác dụng ngược”, blogger Nguyễn Hữu Vinh đã liệt kê các loại bẫy người ấy, từ “hai bao cao su đã qua sử dụng” để bẫy TS Cù Huy Hà Vũ vào tù 7 năm cho tới những cái bẫy lớn hơn nhiều, thậm chí là “một chính sách, một chủ trương lớn”, như “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân”…; như khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ” nhưng lại “Còn đảng, còn mình”; hoặc “Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” nhưng lại “Trung với đảng”…
Trong thời gian gần đây, trước khi toàn dân góp ý sửa đổi hiến pháp, nhất là trước khi có “Kiến Nghị 72” của giới nhân sĩ trí thức, TBT Nguyễn Phú Trọng giăng bẫy “Chỉ thị 22”, khẳng định:
Thì ra, cái trò Góp ý đó không phải là để góp ý, mà là để “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không?                    JB Nguyễn Hữu Vinh
“Việc góp ý sửa đổi Hiến pháp là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
Rồi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng giăng bẫy “Nghị quyết 38”:
“Việc góp ý sửa đổi Hiến phápnhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.”
Và ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiêm Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng giăng bẫynhân dân có thể góp ý về tất cả các nội dung trong Dự thảo Hiến pháp, kể cả “Điều 4”, không có gì là cấm kỵ…
Nhưng, nói theo lời blogger Nguyễn Hữu Vinh, khi thấy nhân dân hưởng ứng “rầm rầm” việc góp ý, và tai hại hơn nữa, “miếng mồi đảng đưa ra rất ngon đó đã được nhiều nhiều người bu vào rỉa gần hết mà bẫy (do đảng giăng) vẫn chưa thể sập” dù “trơ ra lưỡi câu”, khiến TBT Nguyễn Phú Trọng phải hốt hoảng:
Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?
jb-nhv-250.jpg
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, ảnh chụp trước đây tại Hà Nội. Courtesy FB Nguyễn Hữu Vinh.
Đến đây, theo nhận định của blogger Nguyễn Hữu Vinh, “cái cửa bẫy đã phải sập xuống. Đảng sợ lỗ miếng mồi chăng?”
Và JB Nguyễn Hữu Vinh mới vỡ lẽ ra rằng:
Thì ra, cái trò Góp ý đó không phải là để góp ý, mà là đểXem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?... Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!…”. Cái ông Tổng Bí T này quả là thâm hậu, thế mà dân gian cứ tặng cho ông xú danh là Lú thì quả không hẳn đúng.
Việc TBT Nguyễn Phú Trọng cáo giác ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp của người dân là “suy thoái chứ còn gì nữa” khiến những nhà có tâm huyết với vận nước không khỏi phẫn nộ. Chẳng hạn như, nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn từ Hà Nội phản ứng:
“Qua phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng thì người dân trong nước cũng như nhân sĩ trí thức có lương tâm thì đều thấy rằng không ai khác mà chính Đảng CSVN hiện nay là lực lượng suy thoái…”
Hay từ Bà Rịa-Vũng Tàu, Bùi Thị Minh Hằng, nhà đấu tranh cho dân chủ và nhiều lần bày tỏ lòng yêu nước nhiệt thành chống quân xâm lược phương Bắc, cho biết:
“Ông Nguyễn Phú Trọng gọi thành phần tiến bộ đó là “suy thoái về tư tưởng” thế nhưng thực sự thì chính những việc làm suy thoái của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như bộ máy lãnh đạo nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thúc đẩy người dân Việt Nam tỉnh ngộ. Và nếu như ông ấy kết luận đấy là những thành phần suy thoái thì ông sẽ thấy một điều là dân tộc Việt Nam này sẽ buộc lòng suy thoái để mà thay đổi.”
GS Nguyễn Thanh Giang lên tiếng tại Hà Nội rằng:
“Đây không chỉ là dọa nạt, mà đây là một sự đàn áp về tư tưởng, mạt sát mọi người, mạt sát cả những người cha chú, những người tiền bối của Nguyễn Phú Trọng.”

Đạo đức đích thực?

Đặc biệt là, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên của tờ Gia Đình & Xã Hội dũng cảm phản biện trên FB của mình “Vài lời với TBT ĐCS Nguyễn Phú Trọng”. Nhà báo giải thích về hành động của mình:
ndk-250.jpg
Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, ảnh chụp trước đây. Courtesy NguyenDacKien's facebook.
“Tôi tin là nhận thức của tôi về quyền công dân đã được hình thành trong quá trình lâu dài, chứ không phải ngày hôm qua hay hôm kia mới có. Còn động lực trực tiếp đầu tiên thì khi tôi nghe bài phát biểu của ông TBT Nguyễn Phú Trọng trên đài VTV, đấy là động lực trực tiếp để tôi viết bài đó.”
Bài đó, tựa đề “Vài lời với TBT ĐCS Nguyễn Phú Trọng”, đầu tiên nêu lên câu hỏi rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang nói với ai? Nếu nói với toàn dân thì nhà báo Nguyễn Đắc Kiên khẳng định ông Trọng không có đủ tư cách, vì, với tư cách lãnh đạo một đảng – đảng CSVN, ông chỉ có thể nói “suy thoái” như vậy với các đảng viên của ông mà thôi; nếu ông cùng các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4 Hiến pháp, giữ vai trò lãnh đạo của đảng, muốn chính trị hoá quân đội, không muốn đa nguyên, đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì, theo nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, đó là ý muốn của ông và của đảng, chứ không phải ý nguyện của nhân dân. Tác giả nêu lên câu hỏi tiếp rằng khi đề cập tới suy thoái về đạo đức, ông Nguyễn Phú Trọng muốn nói đạo đức nào? Đạo làm người, đạo công dân hay đạo đức của dân tộc? Nếu ông Trọng muốn nói đến đạo đức người CS, thì, nhà báo Nguyễn Đức Kiên thắc mắc, “các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản, đều vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?.
Rồi vấn đề ông Trọng cho là suy thoái chính trị, tư tưởng, thì đó là “chính trị, tư tưởng nào?”. Nếu ý kiến đóng góp nhiệt thành của người dân thể hiện một sự suy thoái chính trị, tư tưởng, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên hỏi tiếp, “Vậy ra chỉ có đảng CS của các ông là duy nhất đúng à.” Nhà báo nhân tiện lưu ý ông Trọng rằng trong Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng CSVN, “Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng… đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái”. Và, qua bái viết gởi ông Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên “trân trọng tuyên bố”:
Tôi hy vọng rằng những con người trên đất nước này, từ những người dân cho tới những người lãnh đạo, họ sẽ có những nhận thức cởi mở hơn.                                       Nguyễn Đắc Kiên
1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam
2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam
3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập…(mà còn muốn )xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ chứ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên cũng như tất cả những người Việt Nam khác, trong khuôn khổ quyền cơ bản của con người mà mỗi người sinh ra đều được hưởng, chứ không phải do đảng cộng sản ban cho. Vẫn theo tác giả, những người nào chống lại các quyền trên là “phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại”.
Qua bài “Sự độc đáo mang tên Nguyễn Đắc Kiên”, blogger Nguyễn Ngọc Già nhận xét rằng “cái trụ” Nguyễn Phú Trọng vừa bị nhà báo Nguyễn Đắc Kiên “đốn gọn” bằng bài viết “Vài lời với TBT ĐCS Nguyễn Phú Trọng” khiến “ngôi đền thiêng ĐCSVN đang sụm dần…”
Hành động được công luận ca ngợi là dũng cảm ấy của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên khiến anh bị trù dập khi báo Gia đình & Xã hội buộc anh thôi việc vì điều gọi là “vi phạm Quy chế hoạt động của báo và hợp đồng lao động”. Trước tình cảnh này, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cho biết:
“Về phần tôi thì tôi sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ. Nhưng tôi hy vọng rằng những con người trên đất nước này, từ những người dân cho tới những người lãnh đạo, họ sẽ có những nhận thức cởi mở hơn để tiếp nhận những ý kiến khác biệt với suy nghĩ của họ, khác biệt những cái lệnh của giới lãnh đạo. Đó là điều hy vọng của tôi. Còn tôi thì tôi không băn khoăn, suy nghĩ gì cả; nhưng điều tôi lo nhất chỉ cho gia đình tôi thôi – cho vợ con, bố mẹ tôi. Còn riêng bản thân tôi thì tôi hiểu con đường tôi đã chọn.”
Cảm động trước sự hiên ngang cùng tình cảnh ấy của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, blogger Nguyễn Tường Thuỵ có “Mấy lời với Nguyễn Đắc Kiên”:
“Thôi thì về, rau cháo nuôi nhau
Sống thanh thản dẫu thêm phần cơ cực
Từ nay khỏi loay hoay ngòi bút
Giả thờ ơ trước số phận con người.

Tôi hiểu Kiên, sống không thể buông xuôi
Vẫn biết trước tai ương rồi sẽ tới
Vẫn biết trước sẽ gặp nhiều rắc rối
Sẽ còn nhiều gian khó lẫn nguy nan.

Kiên sẵn sàng đối mặt, hiên ngang
Không chịu cúi, sống cuộc đời an phận
Trước cái xấu không cam lòng chấp nhận
Có hạnh phúc nào không trả giá đâu Kiên.

Có điều gì từ Tổ quốc rất thiêng liêng
Nghe như thể đất trời rung chuyển
Tôi đã thấy tương lai đang gần đến
Dân tộc này phải được sống, Kiên ơi.”





Copy từ: RFA

Thư giáo dân: Những bất thường tại Giáo xứ Đông Yên, GP Vinh – Phần II

Thư giáo dân: Những bất thường tại Giáo xứ Đông Yên, GP Vinh – Phần II
Thưa quý vị độc giả
Sau khi Nữ Vương Công Lý đăng tải phần I bức thư của Giáo dân Đông Yên, thuộc Giáo phận Vinh về tình hình tại Giáo xứ này trong cơn biến động “tái định cư” nhằm cho nhà cầm quyền CSVN tại Hà Tĩnh bán dất bán biển cho Tàu, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến gửi đến, nhiều thông tin và tư liệu về vấn đề này. Thậm chí, một bức thư khá dài nữa đã được gửi đến Nữ Vương Công Lý trình bày chi tiết hơn về các vấn đề đã xảy ra ở Đông Yên thời gian qua.
Nhiều người tỏ ý ngạc nhiên đặt câu hỏi: Hiện nay, tại Giáo phận Vinh đang có một chương trình khá vĩ đại của Đức Giám mục Phaolo là thuyên chuyển các linh mục khỏi những địa hạt đang làm mục vụ, tại sao những linh mục bị giáo dân kêu ca không được chuyển đi để tiếp tục gây những sự bất bình? Tòa GM Xã Đoài có biết hiện tượng này hay không?
Việc thuyên chuyển, bổ nhiệm cũng như bố trí các linh mục, tu sĩ cho các vùng giáo dân là chuyện bình thường nếu vì lợi ích của giáo dân và Giáo hội. Song qua những thông tin được đồn thổi trong giáo dân tại GP Vinh hiện nay, việc thuyên chuyển có những dấu hiệu không bình thường. Đó là nhiều linh mục đã và đang làm mục vụ tại những giáo xứ rất bình thường, nhưng đã kiên quyết và cứng rắn bảo vệ giáo dân, tài sản giáo hội. Những linh mục này không được lòng nhà cầm quyền và nhà cầm quyền can thiệp vào công việc của giáo hội, yêu cầu Tòa Giám mục di chuyển đi chỗ khác thì đang được cất nhắc để chuyển đi. Thậm chí có những linh mục đã liên tục di chuyển trong vòng một vài năm qua. Bên cạnh đó, những linh mục tỏ ra hợp tác với nhà cầm quyền hoặc mũ ni che tai, hoặc đang phục vụ nhà nước, thì dù đã có Quyết định di chuyển hẳn hoi trước công luận, vẫn tiếp tục âm thầm ở lại tại chỗ phục vụ sự nghiệp của đảng và nhà nước. Người ta đã nhắc đến một linh mục đã về hưu, nhưng nhà cầm quyền đã đề nghị cho ở lại hưu tại họ lẻ để cáng đáng chức Chủ tịch Ủy ban Đoàn Kết Công giáo và đã được chấp thuận.
Cũng cần biết rằng, nhà cầm quyền CS tại đây đã thò bàn tay vào can thiệp với giáo quyền nhằm đẩy Đức Giám mục Giáo Phận – một Đức Giám mục nổi tiếng về những phản ứng mạnh mẽ trên các hoạt động xã hội, phản đối các bất công, nhân quyền và những vấn đề của đất nước, của xã hội – sử dụng quyền thuyên chuyển, bố trí linh mục như một thứ quyền lực buộc mọi người quy phục.
Chúng tôi sẽ có dịp trở lại phân tích hiện tượng này.

·         GP Vinh: Giáo dân Dũ Lộc gửi đơn đề nghị về bãi thải nhiệt điện Vũng Áng



·         Phỏng vấn giáo dân Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh về tình hình ở đây


·         Gp Vinh: Ngôi nhà thờ đang bị phá và linh mục ứng cử Hội đồng nhân dân Tỉnh


·         ‘Phép biến hình’ của tổ chức mạo danh Giáo hội Công giáo

Thư của Giáo dân Đông Yên – Phần 2
Tại Đông Yên, Phiếu thăm dò di chuyển nhà cửa, đời sống giáo dân do linh mục phát hành thay chính quyền, phiếu được dùng con dấu của Nhà thờ. HÌnh: Nữ Vương Công Lý
Chúng tôi nhận thấy, việc đền bù giải tỏa, tái định cư là một việc rất hệ trọng, liên quan đến đời sống của toàn thể giáo dân trong tương lai, (vì đi có thể là sẽ khá lên hoặc cũng có thể nghèo hơn), nên khi quyết định cần phải cân nhắc, phải tìm hiểu kỹ trên nhiều khía cạnh. Việc di dời là việc của người dân với chính quyền và dân mới là người có quyền quyết định cho tương lai của họ và điều này được pháp luật bảo vệ. Không ai có quyền quyết định hoặc làm thay nếu không có sự đồng ý của người dân, người dân được quyền tham dự tất cả các cuộc họp liên quan đến đền bù giải tỏa tái định cư mà chính quyền tổ chức, họ được quyền có ý kiến và kiến nghị đối với quyền lợi của họ, mà không ai có quyền can thiệp, họ chưa đồng ý đi cũng vì quyền lợi của họ chưa được đáp ứng rõ ràng thôi. Một điều quan trọng cần được nêu lên tại đây là: việc quy hoạch tái định cư đã được pháp luật quy định cụ thể, và đây là việc thực hiện chủ trương của nhà nước, nhưng điếu cần quan tâm là: nhà nước phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, điều này không phải bàn cãi. Tuy nhiên, khi thực hiện một chủ trương như việc quy hoạch, tái định cư là phải có các văn bản của UBND cấp tỉnh, mà cụ thể là các quyết định hành chính của chủ tịch tỉnh về: quy hoạch, đền bù, giải tỏa đến tái định cư. Nhưng dự án ở giáo xứ chúng tôi ngoài quyết định quy hoạch ra, thì chưa có văn bản quyết định nào khác của UBND tỉnh về việc di dời tái định cư của dự án, có chăng chỉ là những lời cam kết của chính quyền. Thử hỏi, cách làm của chính quyền như vậy mà cha xứ Nguyễn Quang Tuấn cùng hội đồng giáo xứ đã vội tin mà làm theo, rồi ép dân là không đúng quy trình, là có vấn đề?
Một câu chuyện nữa cũng vừa xảy ra ở giáo xứ chúng tôi, chuyện là thế này: vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 2012, cha xứ đi Sài Gòn ở giáo xứ không có thánh lễ. Ngày thứ 6 tuần đó có cha quê hương về thăm quê đồng thời dâng thánh lễ cho giáo dân, sau thánh lễ cha quê hương có mời giáo dân ở lại nói chuyện, trong cuộc nói chuyện cha quê hương có nói về vấn đề tái định cư của giáo dân, cụ thể: việc kê khai tái định cư là quyền lợi của giáo dân, ai muốn kê khai thì kê khai, ai không muốn thì thôi, chứ không ai có quyền can thiệp vào chuyện tái định cư của dân cả, đây là chuyện dân sự (kinh tế) cha xứ không có quyền can thiệp vào và Đức cha cũng không có quyền can thiệp mà đây là quyền hợp pháp của giáo dân. Cha nói tiếp: giáo dân có thể bị mắc lừa chính quyền vì nơi định cư mới sẽ không phải là Đèo Con như đã hứa mà có thể là ở Kỳ Trinh. Vì trước đây chính quyền hứa là sẽ đưa dân ta lên Khu Du Lịch Sinh Thái Đèo Con và sẽ sớm dời Khu Du Lịch Sinh Thái đi, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện với lý do “Khu Du Lịch Sinh Thái họ không chịu di dời, nên chính quyền sẽ sắp xếp cho giáo dân khu đất phía chân núi…” như vậy họ đã bội tín.

Việc bán đất của giáo xứ:
Khu đất này thuộc quyền của Giáo xứ đã bị bán đi rất khuất tất. Hình: Nữ Vương Công Lý
Đất của giáo xứ thuộc quyền của giáo hội, không ai được quyền bán kể cả cha xứ, giám mục có quyền bán nếu thấy thật cần thiết cũng phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định theo Giáo Luật quy định. Vậy mà đất của giáo xứ đã bị Hội đồng giáo xứ và cha xứ bán từ lâu cho người khác xây dựng cửa hàng kinh doanh là việc làm sai trái. Cha quê hương nói tiếp: trước đây có người được dân bầu làm hội đồng giáo xứ, giữa chừng cha xứ cách chức với lý do “Đã làm cán bộ xã thì không được làm hội đồng giáo xứ”, thế mà hiện nay ông chủ tịch hội đồng giáo xứ và ông phó chủ tịch hội đồng giáo xứ đều là cán bộ xã đương nhiệm. Chúng tôi thử đặt câu hỏi việc này có hợp lý không hay cha xứ chỉ “bổ nhiệm người của mình”?
Linh mục Nguyễn Quang Tuấn, Quản xứ Đông Yên nói: “Còn gần 20% hộ dân không kê khai tái định cư thì kệ họ, sau này những người này đi tái định cư thì sẽ khoanh cho họ một vùng riêng biệt và không cho họ nhập vào giáo xứ nữa, tôi sẽ cho tổ chức một cuộc họp để biểu quyết về việc có nên cho những người này ở lại trong giáo xứ nữa không hay cho họ ra khỏi giáo xứ. -  Giáo dân Đông Yên.

Việc bán đất chúng tôi nhận thấy là không chính đáng, vì ông chủ tịch hội đồng giáo xứ nói giữa nhà thờ rằng: “Tiền bán đất của giáo xứ thì cha xứ đã mượn để mua xe ô tô, chúng ta coi như tiền này làm quà biếu cho cha, vì cha xứ ta đã bỏ tiền ra để mua cây cảnh và một số công việc cho giáo xứ rồi”. Xin hỏi Đức Cha sẽ xử lý việc bán đất này như thế nào?
Những ý kiến của cha quê hương rất được sự đồng tình ủng hộ của đa số giáo dân. Tuy nhiên, những phát biểu này vấp phải sự phản ứng của hội đồng giáo xứ và cha xứ. Hội đồng giáo xứ đã họp nhau lại làm 01 tờ trình khiếu nại cha quê hương, tất cả đều ký tên vào đơn gửi lên Đức cha giáo phận Vinh và cử người trong hội đồng ra gặp Đức cha. Chưa biết vị Giám mục sẽ xử lý thế nào, nhưng chúng tôi nhận thấy đây là một điều rất đáng phải suy nghĩ cho tất cả những người con của giáo xứ Đông Yên chúng tôi và đấy cũng là một điều đáng buồn. Buồn về tư cách, tác phong, công việc và cách đối xử của một mục tử trong thời đại hôm nay.
Văn bản của UBND Xã kiểm kê tài sản của giáo dân với "Ban Hành Giáo" xứ Đông Yên. HÌnh: Nữ Vương Công Lý

Hiện nay việc kê khai nhà đất của giáo dân đang được tiến hành. Thành phần thực hiện việc kê khai gồm: chính quyền, hội đồng giáo xứ (ban hành giáo) và ban an ninh xứ; những người đi thực hiện việc kê khai này được trả tiền công đầy đủ. Đến nay việc kê khai đã thực hiện được trên 80% hộ dân, còn gần 20% hộ dân không đồng ý cho kê khai. Vì lẽ đó nên trong thánh lễ sáng ngày 18/12/2012 cha xứ thông báo giữa nhà thờ rằng: còn gần 20% hộ dân không kê khai tái định cư thì kệ họ, sau này những người này đi tái định cư thì sẽ khoanh cho họ một vùng riêng biệt và không cho họ nhập vào giáo xứ nữa, tôi sẽ cho tổ chức một cuộc họp để biểu quyết về việc có nên cho những người này ở lại trong giáo xứ nữa không hay cho họ ra khỏi giáo xứ? không biết cha xứ sẽ thực hiện điều này thế nào, nhưng chúng tôi nhận thấy thật là rất Nguy Hiểm, vì với một linh mục mà lại phát biểu những điều gây chia rẽ như vậy là điều đáng lo ngại, lo cho lương tâm của một linh mục, lo cho tinh thần của một Mục tử? thử hỏi: ai là người có thẩm quyền để đuổi giáo dân ra khỏi một giáo xứ khi họ không phải là người chống đức tin, chống giáo hội? họ chỉ là người không kê khai di dời tái định cư – một việc làm mà pháp luật đã có quy định rằng đây là quan hệ “giữa chính quyền với người dân” không thuộc quyền của cha xứ. Chúng tôi đặt câu hỏi: chẳng lẽ cha xứ và hội đồng giáo xứ lại làm thay cho chính quyền việc kê khai nhà đất? hay là cha xứ và hội đồng giáo xứ “Làm Cò” cho dự án tái định cư? Hay là họ đã được lợi ích về vật chất từ chính quyền nên làm thay và họ là công cụ đắc lực cho chính quyền để ép dân?. Một số giáo dân nói với chúng tôi rằng: cha xứ có gánh 1 viên gạch, một rổ đá hay một kg xi măng để xây dựng nhà thờ này không? nhà thờ là do dân chúng tôi đổ mồ hôi nước mắt xây dựng lên, cha ông chúng tôi đã vun đắp mà có cho đến hôm nay, vậy mà cha xứ lại lấy quyền lực của mình mà muốn cho ai ở lại hay ra khỏi giáo xứ này sao?
Linh mục Anton Nguyễn Quang Tuấn. Hình: ĐCV Vinh - Thanh

Từ những sự việc chúng tôi đã kể trên đây cho thấy sự mất đoàn kết trong giáo dân là rất nghiêm trọng và đã xảy ra trong một thời gian dài như vậy, xin hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Một cha xứ mà lại sử dụng quyền lực của mình để thực hiện một chủ trương chính sách của chính quyền? Cha xứ dùng nhà thờ làm nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối cho chính quyền về việc tái định cư là một việc làm không bình thường? Chúng tôi thiết nghĩ những sự việc xảy ra tại giáo xứ Đông Yên (giáo phận Vinh) như vậy Giám Mục có biết không, có quan tâm không? Hay việc này không hệ trọng và là việc riêng của Linh mục? hoặc là Giám Mục biết mà không lên tiếng mặc cho những giáo dân thấp cổ bé họng phải chịu trận cho “quyền lực của Linh mục”? hoặc là Giám Mục đứng đằng sau để hậu thuẫn cho linh mục về việc tái định cư của một giáo xứ? Vậy thì ai là người phải gánh trách nhiệm này. Xin Giám Mục có biện pháp giúp giáo dân, vì việc đi tái định cư hay không là chuyện của chính quyền, còn chuyện quan trọng ở đây là SỰ MẤT ĐOÀN KẾT trong giáo dân và có nên để một linh mục gây mất đoàn kết này ở lại?


Trên đây là những sự kiện đã, đang xảy ra tại giáo xứ Đông Yên, Giáo Phận Vinh chúng tôi, một giáo xứ Miền Biển thuộc hạt Kỳ Anh, nơi đây từng được xem là Bình Yên với những đặc sản biển tươi sống, mà ai cũng muốn ghé thăm, nhưng hôm nay cuộc sống đã bị xáo trộn.

Từ những sự kiện này, xin Quý cha và những ai biết sự việc có cách giúp đỡ và cầu nguyện cho giáo xứ chúng tôi sớm vượt qua.


Ngày 20 tháng 12 năm 2012
Giáo Dân




Copy từ: Nữ Vương Công Lý

Công khai kết luận thanh tra Đà Nẵng


TP Đà Nẵng
TP Đà Nẵng là đô thị thuộc Trung ương quản lý
Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức công bố công khai kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng cũng như trách nhiệm của lãnh đạo thành phố vào hôm thứ Ba 5/3, theo báo Tuổi Trẻ.
Trước đó, hồi tháng 1, Thanh tra Chính phủ đã công khai nhiều sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng trogn quản lý đất đai giai đoạn 2003-2011, gây thiệt hại cho ngân sách ước tính hơn 3.400 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra gây chấn động này được bình luận là có liên quan tới uy tín của ông Nguyễn Bá Thanh, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng, phụ trách chính sách chống tham nhũng, vì trong thời gian bị thanh tra ông Thanh đã nắm vị trí Bí thư thành ủy.
Tuy nhiên, biên bản thanh tra không nhắc tới tên ông Nguyễn Bá Thanh, mà chỉ có ông Trần Văn Minh, người giữ chức chủ tịch từ năm 2004-2011 và hiện là Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Chủ tịch hiện nay, ông Văn Hữu Chiến, trong thời kỳ thanh tra là phó chủ tịch.
Trong cuộc công bố công khai trực tiếp kết quả thanh tra tới đối tượng thanh tra là TP Đà Nẵng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh được dẫn lời nói trong quá trình thanh tra, TP Đà Nẵng "có văn bản giải trình nhưng cơ quan thanh tra không chấp nhận những giải trình này".

Đà Nẵng chưa nói gì

Theo Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra đã có dấu hiệu “cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách nhà nước”.
Sau khi nhận kết quả thanh tra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ gồm: kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003-2011) đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai liên quan đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất, giảm tiền sử dụng đất phải nộp, gây thất thu ngân sách hơn 3.434 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Bá Thanh
Kết quả thanh tra đất đai ở Đà Nẵng có thể ảnh hưởng uy tín ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Dũng cũng chỉ đạo phải thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp.
Cho tới nay, được biết lãnh đạo Đà Nẵng chưa có văn bản ý kiến nào về cuộc thanh tra này. Cổng thông tin điện tử của thành phố ngoài bài phản bác kết quả thanh tra, cũng chưa tường thuật gì thêm.
Trong khi đó ông Nguyễn Bá Thanh đã chính thức ra hẳn trung ương, để vị trí bí thư Thành ủy cho ông Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực.
Tuy nhiên ông Thanh vẫn còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng do chưa tìm được người thay thế.

Nhân sự Ban Nội chính

Trong diễn biến có liên quan, Thông tấn xã Việt Nam cho hay một buổi lễ công bố, trao quyết định các Phó trưởng ban Ban Nội chính Trung ương đã được tổ chức tại Hà Nội sáng 5/3.
Tại đây, ngoài ông trưởng ban Nguyễn Bá Thanh còn có mặt ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Ban Nội chính chính thức có ba phó ban, là các ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Doãn Khánh và Phạm Anh Tuấn.
Ông Phan Đình Trạc mới đây làm Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Doãn Khánh vừa rời cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ và ông Phạm Anh Tuấn từng là Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.


Copy từ: BBC

Xã hội dân sự và bản Hiến pháp



Tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc
Đợt đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 đang bước vào giai đoạn cuối với những diễn biến đầy bất ngờ và cũng không kém phần sôi động.
Mở đầu bằng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Đảng nói về sự “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” dành cho những những góp ý đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, và phi chính trị hóa quân đội.
Một ngày sau, Chủ tịch Quốc hội cũng có quan điểm tương tự khi cảnh cáo việc lợi dụng góp ý dự thảo Hiến pháp để chống phá Đảng, Nhà nước, và cũng không quên phê phán việc tự tổ chức lấy ý kiến là “không đúng quy định”.
Tiếp theo đó, các chuyên gia lý luận nhà binh tấn công dồn dập vào quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”
Các động thái này như một cú “vỗ mặt” hàng ngàn người trực tiếp ký tên vào Kiến nghị 72 được khởi xướng từ những thành phần tinh hoa và dũng cảm nhất của dân tộc vào thời điểm này.
Qua đó cho thấy rằng, những góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa được tôn trọng một cách đúng mực, cầu thị và dân chủ.
Thế nhưng, qua đợt sửa đổi Hiến pháp lần này đã gửi đi những tín hiệu tích cực dự báo cho một sự chuyển dịch xu thế chính trị theo hướng dân chủ trong tương lai thông qua các phong trào xã hội dân sự.

Sức mạnh từ phong trào

Trước tiên, có thể nói phong trào xã hội dân sự đã được hình thành có khả năng gây sức ép lên nhà cầm quyền.
Biểu hiện là những cá nhân, không thông qua đảng phái hay tổ chức chính trị, đã tự tương tác với nhau hình thành nên những phong trào có một tiếng nói chung.
"Các phong trào dường như đã vượt ra khỏi sự sợ hãi và kìm kẹp từ phía chính quyền."
Đáng kể đến trong thời gian gần đây Lời kêu gọi thực thi Quyền con người và Kiến nghị 72 đã tập hợp nên một lực lượng đông đảo về số lượng lẫn chất lượng gây ra những âm vang dân chủ thôi thúc lòng người.
Hay như Kiến nghị của Sinh viên và Cựu sinh viên Luật, dù không có sự tham gia đông đảo của giới chuyên ngành nhưng qua đó cho thấy, mỗi cá nhân khi đã ý thức được vai trò của mình trong xã hội cũng đều có thể tạo ra các phong trào theo khả năng và sở trường của mình.
Cho đến các phong trào dường như đã vượt ra khỏi sự sợ hãi và kìm kẹp từ phía chính quyền.
Chẳng hạn phong trào No-U ở Hà Nội và Sài Gòn đã cố gắng duy trì các cuộc biểu tình chống Trung quốc thời gian gần đây bất chấp những quyết tâm ngăn cản từ phía chính quyền, cũng như cho tới việc đứng trước các đồn công an “đòi trả người” khi bị bắt bớ, một việc mà đảng phái hay tổ chức chính trị đối lập sẽ còn rất lâu để dám làm.
Hay như “Tuyên bố của Công dân tự do” vào trưa ngày 28/2 vừa qua được khởi xướng chủ yếu từ các blogger trẻ trong nước đã quy tụ được hơn 3 ngàn chữ ký chỉ sau 72 giờ, với những nội dung “đáp trả” vào các điều khoản thiêng liêng mà nhà cầm quyền đang ra sức bảo vệ.
Với lời mở đầu bằng việc “Sát cánh bên Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên”, những người ký tên vào Tuyên bố này như muốn nói lên rằng: không ai lẻ loi trong cuộc tranh đấu vì tự do, dân chủ và nhân quyền.
“Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4… Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng … Chúng tôi ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập …Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội...” được tuyên bố ngay sau phát biểu của các nhà lãnh đạo đòi “xử lý” những quan điểm này.
Điều này cho thấy họ, những người ký tên vào Tuyên bố ở ViệtNam, như đang chứng minh cho sự dấn thân của mình, bất chấp những răn đe của nhà cầm quyền, sẵn sàng đối mặt với bất kỳ sự trừng phạt nếu có xảy ra.

Thử thách cho chính quyền

Có thể nói, đây là những thử thách mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng lo ngại.
Tiêu diệt đảng phái và tổ chức chính trị đối lập là việc mà đảng cầm quyền hiện nay có thể làm được. Nhưng không thể nào tiêu diệt được phong trào xã hội dân sự, vì nó như là hơi thở cuộc sống, được sinh ra một cách tự nhiên từ những đòi hỏi cấp bách và nhu cầu cần thiết của mỗi con người.
Thực tế cũng cho thấy rõ điều này. Năm 2006, các đảng phái và tổ chức chính trị ở Việt Nam nở rộ như “nấm mọc sau cơn mưa”, tạo ra những phong trào dân chủ, nhưng sau đó nhanh chóng bị nhà cầm quyền tiêu diệt, và giờ đây như đang ở trạng thái “chết lâm sàng” và gần như không có hoạt động nào đủ sức gây ảnh hưởng lên đời sống chính trị hiện tại Việt Nam.
Sinh viên Việt Nam (ảnh minh họa)
Sinh viên bắt đầu đóng vai trò trong xã hội dân sự
Trong khi đó, các phong trào ký tên kiến nghị, các tuyên bố, các lời kêu gọi đã tập hợp được hàng chục ngàn người tham gia, dù không có bất kỳ cương lĩnh, hay đường lối và phương pháp đấu tranh … nhưng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực bằng sức lan tỏa vào quần chúng nhân dân một cách sâu sắc trước sự bất lực của chính quyền nhằm đối phó với các phong trào này.
Chính quyền muốn “đánh” vào phong trào xã hội này cũng chẳng biết đánh vào đâu. Bỡi lẽ nó không phải là một thực thể nhất định, nó không có cơ quan đầu não, không có người lãnh đạo, không có cơ cấu tổ chức và có thể biến dạng và chuyển hóa một cách linh động.
Với hiệu quả lớn nhất là khả năng bảo toàn nguồn nhân lực và lan rộng một cách nhanh chóng dưới sự tiếp sức của nền “báo chí công dân”, các phong trào này luôn trao cho mỗi cá nhân tưởng chừng như rất bình thường đều có khả năng gây ra đột biến khi có điều kiện thích hợp, mà vụ Nguyễn Đắc Kiên vừa mới xảy ra là một ví dụ.

Chính quyền nên làm gì?

Qua đó cho thấy, tạo ra và hưởng ứng các phong trào xã hội dân sự sẽ là hướng đi hiệu quả trong cuộc vận động dân chủ trong hiện tại và tương lai.
Bất kỳ phản ứng “cứng rắn” nào từ phía nhà cầm quyền nhằm dập tắt các phong trào xã hội cũng sẽ là phản tác dụng vì phong trào xã hội là nơi tích tụ của những nhu cầu và mong muốn chính đáng của phần đông dân chúng hiện nay.
Phong trào xã hội dân sự như một quả bong bóng, đánh chỗ này thì nó sẽ lăn đi chỗ khác, bóp chỗ này thì nó lại phì sang chỗ kia, mà nếu chọc mạnh vào thì nó sẽ phát nổ kèm theo một hiệu ứng lây lan.
Diễn biến ở các quốc gia Bắc Phi gần đây cho thấy, đối đầu hay đàn áp các phong trào này, sẽ là sự ngu ngốc của bất kỳ chế độ chính trị nào.
Nhưng không vì thế mà trở nên lo sợ phong trào xã hội dân sự, sự thật là, hoạt động của các phong trào xã hội này không có mục đích tranh giành quyền lực, không nhắm vào mục tiêu “lật đổ chính quyền”, mà chỉ đưa ra các yêu sách buộc chính quyền phải tự cải cách, minh bạch và thực thi dân chủ để đáp ứng nhu cầu phù hợp với cuộc sống hiện tại.
"Nhà cầm quyền hiện nay cần phải tỉnh táo và đòi hỏi cả sự dũng cảm. Chấp nhận tự thay đổi và tự lột xác mình để được tồn tại và phát triển."
Nếu chính quyền không biết lắng nghe, đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của nó, mà lựa chọn phương pháp đối đầu, thì các phong trào này có thể “xô ngã” bất kỳ thể chế chính trị lúc nào, và tạo thời cơ cho đảng phái khác đứng lên nắm quyền.
Do vậy, một chính thể khôn ngoan là một chính thể biết cách hòa mình vào các phong trào xã hội, biết cách đáp ứng đòi hỏi của nó, và qua đó mới có thể điều chỉnh và định hướng các phong trào xã hội nhằm giữ vững sự ổn định và cả mục đích bảo vệ sự an toàn cho chính thể.
Ở Việt Nam trong thời điểm này, sẽ là tốt hơn cho chính quyền nếu có những cuộc “đối thoại” với các phong trào này một cách cầu thị khi nó còn nằm trong tầm kiểm soát.
Điều này đòi hỏi nhà cầm quyền hiện nay cần phải tỉnh táo và đòi hỏi cả sự dũng cảm. Chấp nhận tự thay đổi và tự lột xác mình để được tồn tại và phát triển.
Cố gắng duy trì và bảo thủ “ý thức hệ” như hiện nay không những dẫn đến những sai lầm không đáng có, mà còn tạo ra những vực thẳm chôn vùi những năng lực và sức mạnh vốn có của mình.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang là sinh viên luật năm thứ 3 ở TP. HCM.

Copy từ: BBC

Một cửa hàng ở Mũi Né từ chối khách Việt

* Chủ cửa hàng đòi hành hung PV

Chiều qua 4.3, trong lúc tác nghiệp báo chí, chủ nhà hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã cho bảo vệ và nhân viên tấn công PV Báo Thanh Niên. 

Trước đó, Báo Thanh Niên nhận được email của chị Đinh Thị Thu Hậu (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với nội dung bức xúc về việc nhà hàng Cát Vàng (viết tiếng Anh là Golden Sand), không cho vào cửa hàng lưu niệm (nằm trong khuôn viên nhà hàng), chỉ vì chị là người Việt.
Trong email  (có cả hình ảnh và băng ghi âm), chị Hậu cho biết, vào ngày 11 tháng giêng vừa qua, chị cùng gia đình đến nghỉ ở Mũi Né và đến ăn trưa tại nhà hàng Cát Vàng. "Trong khi chờ đợi các món ăn, chị gái của tôi bước vào phòng bán da cá sấu để mua túi da, nhưng không có ai phục vụ. Lát sau, mẹ và hai vợ chồng em gái tôi bước vào thì nhân viên bảo đang kiểm kê, không tiếp khách. Do lúc này, vẫn chưa có món ăn nên tôi bước vào cửa hàng bán đồ da cá sấu thì nhân viên đến nói thẳng vào mặt tôi "tiệm này không bán cho người Việt Nam".
Tôi thật sự sốc và hỏi lại cô ấy "Tại sao lại có sự đối xử phân biệt như thế?", thì nhân viên này không trả lời. Sau đó, tôi đem chuyện này kể cho mấy chị em gái và nói với nhân viên là chúng tôi muốn gặp ông chủ, nhưng họ nói không biết ông ấy ở đâu. Khi gặp được ông ấy (trong tiệm bán da cá sấu), thì tôi nghe ông chủ này đưa ra lý do vì sợ người Việt Nam giả dạng Việt kiều vào ăn cắp hàng... sợ "gián điệp" của các tiệm khác dò giá cả..." - email của chị Hậu viết.

Nhà hàng Cát Vàng, nơi mà cửa hàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt - Ảnh: Quế Hà 

Ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng
“Không phục vụ vì người Việt xấu tính”
Chiều qua, PV Báo Thanh Niên đến nhà hàng Cát Vàng tìm hiểu sự việc. Khi vừa đến nơi, PV bước đến quầy lưu niệm xin vào mua hàng, thì ngay lập tức bảo vệ (thuê từ Công ty bảo vệ Bình Thuận) chặn lại và nói: "Anh không được vào". Nghe ồn ào, một nhân viên nhà hàng bước ra cũng nói thẳng: “Cửa hàng kiểm kê, anh không vào được”. Đến lúc này, PV xuất Thẻ Nhà báo và đề nghị được gặp ông chủ để hỏi vì sao không phục vụ người Việt, nhưng cũng không được chấp nhận.
Khi PV bước sang bên kia đường (đối diện) để chụp ảnh thì bất ngờ một người mặc quần đùi bước ra (sau này mới biết đó là ông Nghiêm Phúc, quê An Giang, chủ nhà hàng Cát Vàng) chỉ thẳng vào mặt PV chửi: “Thằng kia, là thằng nào mà dám chụp hình nhà hàng của tao. Đuổi nó đi!”. PV tiếp tục chụp thêm 2 tấm hình nữa thì ông này quát  bảo vệ: “ĐM!. Nó vẫn chụp kìa, đập chết mẹ nó đi. Đập máy chụp hình của nó cho tao”. Lập tức, một bảo vệ và hai nhân viên lao qua đường định tấn công, buộc PV phải vào ô tô khóa chặt cửa gọi điện báo cơ quan chức năng.
Sau khi nhận điện thoại của PV, Sở VH-TT-DL cử 2 cán bộ thanh tra cùng Công an P.Hàm Tiến đến hiện trường. Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông này cũng không ngại nói rằng sở dĩ không phục vụ người Việt là do người Việt xấu tính. “Tôi đã thống kê rồi. Chưa tới 1% người Việt vào mua hàng. Nhưng hễ cứ có người Việt vào là thể nào cũng có chuyện với nhân viên của tôi, trong khi giao dịch chẳng được gì. Vì vậy tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi”. Trong biên bản thể hiện rõ những lời như vậy và ông này ký ngay không ngần ngại.
Có thể đóng cửa vĩnh viễn
Ngay trong chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp đã đến tận nhà hàng Cát Vàng để tìm hiểu vì sao không phục vụ khách Việt. Nhận được thông tin, ông Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp gọi điện thoại cho PV Thanh Niên chia sẻ và tỏ ra rất bức xúc khi biết được chuyện nhà hàng không phục vụ khách người Việt ở ngay Mũi Né. “Tôi đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL và UBND TP.Phan Thiết phải làm cho ra chuyện này. Nếu quá đáng, có thể đóng cửa vĩnh viễn. Không thể để một nhà hàng cỏn con như thế làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bình Thuận”, ông Phương nói.
Quế Hà




Copy từ: Thanh Niên

Một cửa hàng ở Mũi Né từ chối khách Việt

* Chủ cửa hàng đòi hành hung PV

Chiều qua 4.3, trong lúc tác nghiệp báo chí, chủ nhà hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã cho bảo vệ và nhân viên tấn công PV Báo Thanh Niên. 

Trước đó, Báo Thanh Niên nhận được email của chị Đinh Thị Thu Hậu (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với nội dung bức xúc về việc nhà hàng Cát Vàng (viết tiếng Anh là Golden Sand), không cho vào cửa hàng lưu niệm (nằm trong khuôn viên nhà hàng), chỉ vì chị là người Việt.
Trong email  (có cả hình ảnh và băng ghi âm), chị Hậu cho biết, vào ngày 11 tháng giêng vừa qua, chị cùng gia đình đến nghỉ ở Mũi Né và đến ăn trưa tại nhà hàng Cát Vàng. "Trong khi chờ đợi các món ăn, chị gái của tôi bước vào phòng bán da cá sấu để mua túi da, nhưng không có ai phục vụ. Lát sau, mẹ và hai vợ chồng em gái tôi bước vào thì nhân viên bảo đang kiểm kê, không tiếp khách. Do lúc này, vẫn chưa có món ăn nên tôi bước vào cửa hàng bán đồ da cá sấu thì nhân viên đến nói thẳng vào mặt tôi "tiệm này không bán cho người Việt Nam".
Tôi thật sự sốc và hỏi lại cô ấy "Tại sao lại có sự đối xử phân biệt như thế?", thì nhân viên này không trả lời. Sau đó, tôi đem chuyện này kể cho mấy chị em gái và nói với nhân viên là chúng tôi muốn gặp ông chủ, nhưng họ nói không biết ông ấy ở đâu. Khi gặp được ông ấy (trong tiệm bán da cá sấu), thì tôi nghe ông chủ này đưa ra lý do vì sợ người Việt Nam giả dạng Việt kiều vào ăn cắp hàng... sợ "gián điệp" của các tiệm khác dò giá cả..." - email của chị Hậu viết.

Nhà hàng Cát Vàng, nơi mà cửa hàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt - Ảnh: Quế Hà 

Ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng
“Không phục vụ vì người Việt xấu tính”
Chiều qua, PV Báo Thanh Niên đến nhà hàng Cát Vàng tìm hiểu sự việc. Khi vừa đến nơi, PV bước đến quầy lưu niệm xin vào mua hàng, thì ngay lập tức bảo vệ (thuê từ Công ty bảo vệ Bình Thuận) chặn lại và nói: "Anh không được vào". Nghe ồn ào, một nhân viên nhà hàng bước ra cũng nói thẳng: “Cửa hàng kiểm kê, anh không vào được”. Đến lúc này, PV xuất Thẻ Nhà báo và đề nghị được gặp ông chủ để hỏi vì sao không phục vụ người Việt, nhưng cũng không được chấp nhận.
Khi PV bước sang bên kia đường (đối diện) để chụp ảnh thì bất ngờ một người mặc quần đùi bước ra (sau này mới biết đó là ông Nghiêm Phúc, quê An Giang, chủ nhà hàng Cát Vàng) chỉ thẳng vào mặt PV chửi: “Thằng kia, là thằng nào mà dám chụp hình nhà hàng của tao. Đuổi nó đi!”. PV tiếp tục chụp thêm 2 tấm hình nữa thì ông này quát  bảo vệ: “ĐM!. Nó vẫn chụp kìa, đập chết mẹ nó đi. Đập máy chụp hình của nó cho tao”. Lập tức, một bảo vệ và hai nhân viên lao qua đường định tấn công, buộc PV phải vào ô tô khóa chặt cửa gọi điện báo cơ quan chức năng.
Sau khi nhận điện thoại của PV, Sở VH-TT-DL cử 2 cán bộ thanh tra cùng Công an P.Hàm Tiến đến hiện trường. Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông này cũng không ngại nói rằng sở dĩ không phục vụ người Việt là do người Việt xấu tính. “Tôi đã thống kê rồi. Chưa tới 1% người Việt vào mua hàng. Nhưng hễ cứ có người Việt vào là thể nào cũng có chuyện với nhân viên của tôi, trong khi giao dịch chẳng được gì. Vì vậy tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi”. Trong biên bản thể hiện rõ những lời như vậy và ông này ký ngay không ngần ngại.
Có thể đóng cửa vĩnh viễn
Ngay trong chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp đã đến tận nhà hàng Cát Vàng để tìm hiểu vì sao không phục vụ khách Việt. Nhận được thông tin, ông Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp gọi điện thoại cho PV Thanh Niên chia sẻ và tỏ ra rất bức xúc khi biết được chuyện nhà hàng không phục vụ khách người Việt ở ngay Mũi Né. “Tôi đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL và UBND TP.Phan Thiết phải làm cho ra chuyện này. Nếu quá đáng, có thể đóng cửa vĩnh viễn. Không thể để một nhà hàng cỏn con như thế làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bình Thuận”, ông Phương nói.
Quế Hà




Copy từ: Thanh Niên