CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

“Tây” cũng e dè mua nhà tại Việt Nam

(baodautu.vn) Ông Leon Cheneval, Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá bất động sản tỏ ra dè dặt với chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Ông Leon Cheneval, Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá bất động sản cho biết, bản thân ông và những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam sẽ rất thận trọng với việc mua nhà ở tại Việt Nam.

Ông Leon Cheneval, Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá
Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Leon, là do chính sách về sở hữu đất đai tại Việt Nam chưa rõ ràng, việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Sẽ rất khó để thuyết phục người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, nếu họ không có quyền sở hữu và chuyển nhượng, trong khi tại phần lớn các quốc gia khác, những quyền này là đương nhiên.
Thứ hai, lý do cũng hết sức quan trọng, là giá bất động sản tại các thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM - nơi có nhiều người nước ngoài sống và làm việc là rất cao, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận như: Thái Lan (6,3 lần), Singapore (5,2 lần). Điều này khiến hầu hết người nước ngoài sống tại Việt Nam lựa chọn giải pháp thuê nhà thay vì mua nhà.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, một người có hàng chục năm kinh nghiệm tại thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam là một ý tưởng tốt với nền kinh tế. Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ có thể xảy ra trong tương lai trung hạn, khi chính sách quản lý đất đai tại Việt Nam được điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần sớm “nới lỏng” thậm chí là “dỡ bỏ” hẳn những rào cản trong việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Chính phủ nên làm một cách dứt khoát, bởi nếu không làm năm nay thì chắc chắn các năm sau cũng sẽ phải làm. Giống như việc ban đầu khi nghe tới việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chúng ta lắc, bây giờ thì đã gật đầu chấp thuận nhưng lại mới gật đầu nửa chừng.
“Giải pháp cuối cùng vẫn phải chấp thuận thì tại sao lại không làm sớm?”, ông Liêm nói.
Cũng đồng tình với quan điểm nên cởi mở hơn trong việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Cao Sĩ Kiêm cho rằng, Nhà nước nên sớm có chính sách cụ thể để thông tin tới đối tượng người nước ngoài đang có nhu cầu mua nhà để ở tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam đang được Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà, một mặt giúp tiêu thụ được những sản phẩm bất động sản, nhưng mặt khác thị trường lao động cũng được hưởng lợi khi người lao động có việc làm.
“Bộ Xây dựng đang xây dựng chủ trương này, sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong năm 2013”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Thị trường bất động sản quý I/2013 tiếp tục chứng kiến sự thất vọng của giới đầu tư khi giá bán tiếp tục giảm sút. Nguồn cung nhà ở giảm 22% so với quý IV/2012. Tại thị trường sơ cấp, 95% số căn hộ chào bán mới có giá chào bán dưới 21 triệu đồng/m2 (so với 26% số căn hộ chào bán dưới mức giá này trong quý I/2012).
Một số chủ đầu tư tiếp tục chào bán tại các căn còn tồn với mức giá được điều chỉnh xuống, có những dự án bị nghi ngờ đã giảm tới 50% so với giá chào bán ban đầu. Tại thị trường thứ cấp, giá chào bán trung bình giảm 2,8% so với quý IV/2012. Một số căn hộ được chào bán ở mức giá cắt lỗ sâu, đặc biệt là với phân khúc bất động sản cao cấp do phân khúc này thiếu tính thanh khoản nhất.
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong 5 năm vừa qua, mới chỉ có 400 người nước ngoài mua được nhà, trong khi cả nước có gần trăm ngàn người nước ngoài sinh sống, làm việc và có nhu cầu ở đối với hàng triệu mét vuông nhà ở.

Hà Quang 



Copy từ: Báo Đầu Tư

Người Trung quốc đang sống trong hoảng loạn bất an cao độ


Báo chí trên các Blog mấy tuần nay ở Trung quốc đã chuyền tay nhau đăng tải tình trạng báo động đỏ, đó là khách du lịch vào Trung quốc giảm 30 % so với giữa năm 2012. Nguyên nhân chính là do 3 yếu tố không thể hóa giải nổi đó là:

1, Nguồn nước tại Trung quốc cho người ăn và uống nhiễm độc ghê gớm đặc biệt là nhiễm chì, a-xít va các hóa chất độc hại suốt hơn mấy chục năm qua của sự phát triển nóng thị trường làm ăn kinh tế do các nhà máy, các xí nghiệp thải ra đã ngấm nặng trong lòng đất và trên các sông hồ, các nguồn nước trên phạm vi cả nước. Người ta tính rằng nay chỉ còn có Tây tạng đã đỡ chút ít mà thôi, nhưng với tình trạng này cứ kéo dài thì cũng không thể là nơi con người có thể sống được.
Sau khi báo chí đăng tải về lợn chết đổ vứt ra sông, rồi vịt và sau cùng là hình ảnh hàng loạt cá chết đặc trên các hồ thì những lời cảnh cáo này trên các Blog càng lan nhanh hơn bao giờ hết. Chính quyền Trung quốc đang lúng túng không biết sẽ làm gì để trấn an dân, hầu như là bất lực.

2, Lý do thứ hai là ô nhiễm khí thở của con người từ hai phía:
Đó là từ khí thải ở các nhà máy, các công trường xí nghiệp thải ra. Người ta đo lượng các-bon-nic và các chất độc trong không khí đã đến mức báo động đỏ, nồng độ đông đặc khiến cho những người khỏe biến thành người bệnh, nhiều người bị bệnh như hen suyễn hay viêm phổi, nhất là trẻ em và người có tuổi bị tử vong nhiều trong những năm gần đây. Những thảm họa khác nữa là do các trận bão cát bởi sự sa mạc hóa đang tràn đến các thành phố.

3. Vấn đề chính trị, xã hội thiếu minh bạch, công bằng đã khiến đa số người dân Trung quốc sống cảm thấy bất an, càng ngày càng nhiều người giầu có mức tiền triệu đô-la trở lên đã đăng ký ồ ạt bỏ nước ra đi định cư tại các nước như Mỹ, Canada, Anh, Úc và nay khi có dấu hiệu các quốc gia này thấy không thể nhận thêm người vào nữa thì họ và nhiều người lưng vốn ít hơn đã đổ vào các nước Nam Mỹ, Capuchia, Lào và có xu hướng cả Việt nam nhưng trên danh nghĩa các nhà đầu tư làm ăn. Họ mang theo cả gia đình, anh em họ hàng thậm chí cả dòng họ.
Như báo chí Trung quốc đã phải nói đây thực sự là cuộc chạy tỵ nạn khỏi Trung quốc chứ không phải là đi định cư như vẫn xẩy ra lâu nay. Người ta thấy phổ biến cảnh ngày ngày tại các đại sứ quán các nước tại Trung quốc, số người xếp hàng ghi tên làm thủ tục ngày càng đông, có người đã thuê phòng trọ gần đó để chờ cho bằng được đến lượt mình. Trung quốc không chỉ lo số ngoại tệ sẽ biến khỏi đất nước này mà lo rằng đây sẽ là hiệu ứng tai hại: sẽ đến ngày khách nước ngoài không dám vào Trung quốc. Như báo chí đăng tải khuyên người đi du lịch rằng bạn không thể đến du lịch Trung quốc nếu cứ đeo mặt nạ cả ngày và đeo bên mình hàng can nước lọc mang theo đi khắp nơi trên đất nước này.

4, Không còn ai ở Trung quốc dám ăn các loại hoa quả và sữa, thịt từ chính Trung quốc làm ra vì các thứ đó độc hại va nguy hiểm cho con người.
Như báo chí châu Âu và Mỹ , Úc v.v…mấy tuần qua liên tục đăng bài cảnh báo việc người Trung quốc ra sức gom sữa trên khắp các cửa hàng ở châu Âu và các quốc gia phương Tây để đưa về Trung quốc, và nay là cả quả tươi vì những người có chút tiền ở Trung quốc không dám ăn quả tươi, thị lợn, gà, vịt và uống sữa, sản phảm làm ra tại chính quốc gia mình. Người ta cho rằng những sản phẩm sữa Trung Quốc vẫn chưa khôi phục được niềm tin người tiêu dùng sau vụ tai tiếng năm 2008, nay chẳng những chưa ngưng mà có khả năng kém phẩm chất và độc hại cao hơn vì không tin vào sự minh bạch của các thông tin nhà nước đưa ra.
“Các siêu thị hay những nơi bán lẻ mặt hàng sữa trẻ em đang hạn chế bán,” ông Richard Dodd cho biết. Họ phải làm điều này vì xuất hiện một số khách hàng mua với số lượng lớn bất thường. Xu hướng không bình thường này được cho là kết quả của việc xuất khẩu sữa không chính thức sang Trung Quốc.”
Những tuần qua, các siêu thị tại Anh quốc đã phải dán thông cáo yêu cầu khách hàng không mua nhiều hơn hai hộp sữa một lúc để đảm bảo nguồn cung cấp cho những người khác.Nhiều người tiêu dùng tại Anh cho biết họ để ý thấy có tình trạng khan hiếm sữa tại các siêu thị và phải đi nhiều nơi mới mua được nhãn hiệu mình thường dùng.
“Vào Chủ Nhật, chúng tôi đã không thể tìm được sản phẩm nào từ Asda hay Tesco, chúng tôi đã phải tới Sainsbury’s,” bà Lyn Patterson nói với Reuters.
Hãng thực phẩm của Pháp Danone, công ty sản xuất sản phẩm sữa Aptamil nói hiện đang phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng bất thường này.
“Chúng tôi hiểu nhu cầu tăng cao bắt nguồn từ những đợt xuất khẩu không chính thức sang Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh muốn tìm kiếm nhãn hiệu sữa phương Tây cho con cái mình,” công ty này nói trong một thông cáo.
Giá quả tươi ở các chợ và siêu thị ở châu Âu tằng cao gấp rưỡi và nhiều hoa quả đặc sản cũng không thấy có để bán nữa. Nhiều người đã kêu gọi chính phủ phải có biện pháp ngăn chặn ngay, nếu không sẽ là vấn nạn. Đến nay cả quả tươi bị người Trung quốc gom mua đóng hòm mang về nước để phục vụ với hơn tỷ người thì khối lượng nhập về sẽ càng ngày càng cao hơn.
Tại Việt nam các lái buôn cá, thịt, gạo, tạp pí lù người Trung quốc đã có mặt trên các thị trường Việt nam để gom hàng mang về bên kia biên giới hay qua các ngả đường biển và hàng không. Đổi lại họ chuyển sang Việt nam các hàng hóa mà người Trung quốc lo sợ độc hại không dám dùng nhưng cho thêm các thuốc hãm độc hại để giữ lâu không héo. Như thế, độc hại lại càng kinh khủng hơn. Như báo chí đăng tải là lòng lợn, chân gà, lạm bò v.v… những thứ khoái khẩu của người Việt ăn hầu như mang đuợc mang vào không những vốn đã độc hại lại đang trong tình trạng bị hối thối và đang bị phân hủy. Phương thức vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy và nay cả bằng cả đường hàng không nữa, thật là nguy hiểm hết chỗ nói. Nên tỷ lệ người dân bị bệnh ung thư đang tăng cao ở quốc gia này (VN).

Vơ vét hàng mang về là “Siêu lợi nhuận”
Một sản phẩm sữa chỉ với giá 10 bảng Anh được bán với giá cao gấp ba lần ở thị trường Trung Quốc, Reuters cho biết.

Người TQ gom hàng đặc biệt là sữa
Người TQ gom hàng đặc biệt là sữa


Chính quyền Hong Kong đã phải hạn chế số sữa người dân Trung Quốc được mang về lục địa sau khi tình trạng mua gom đẩy giá và gây khan hiếm sữa tại đây.
Một doanh nhân người Trung Quốc nói với Sky News rằng ông mua sữa từ các siêu thị và sau đó bán qua một trang mua sắm trên mạng Taobao của Trung Quốc.
“Tôi mua với giá 7 đến 9,5 bảng mỗi hộp sữa, và bán với giá từ 16,5-19,5 bảng,” ông này nói.
Ông này cũng cho biết người Trung Quốc gom sữa dưới nhiều hình thức khác nhau:
“Thứ nhất là các sinh viên hay khách du lịch được gia đình hoặc bạn bè nhờ mua một vài hộp sữa. Thứ hai là những công ty nhỏ và vừa như chúng tôi. Và thứ ba là những nhà buôn lớn thường ở London hay Portsmouth. Họ mua trực tiếp từ các nhà phân phối hàng cho siêu thị, với những đơn hàng từ 20.000 bảng.”
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Junqi Yang, người dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng cho biết các dịch vụ giao hàng, cho thuê kho tại đây đang rất phát triển nhờ sữa nhập từ nước ngoài. Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp sản xuất sữa khá phát triển. Tính đến nay, ngành công nghiệp này có giá trị khoảng 30 tỷ đôla, với mức tăng trưởng thường niên trên 20% kể từ năm 2000. Theo ông: “Nhiều người Trung Quốc ở đây thà trả giá cao còn hơn chấp nhận đánh cược với sức khỏe và tình mạng của con cái mình khi dùng sữa nhãn hiệu Trung Quốc.”
Trung quốc gần đây đã ra sức trấn an người dân rằng các sản phẩm sữa tại Trung Quốc là an toàn và được kiểm nghiệm chặt chẽ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp thiếu hiệu quả tại đây đang vẫn là một vấn đề lớn. Vấn đề là ở chỗ người dân Trung quốc đang thấy bất an và tình trạng nay đã trở nên hoảng loạn khó thể trấn an được nữa. Người ta thấy ngay các quan chức thì gia đình nào cũng đưa con cái ra sống ở nước ngoài và bản thân họ cũng chỉ cần vơ vét thêm khẩn trương chút nữa là cũng biến mất lúc nào nhà nước cũng không thể biết.
Tuơng lai của đất nước này đang đến mức bất ổn, chắc chắn sẽ rất ảm đạm từng ngày và phải tăng lên khi nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế. Như chính người Trung quốc nói: “Không thể kiểm soát được nữa, đầu hàng thôi! Nếu tôi có khả năng đi được ra nước ngoài thì tôi cũng đi. Cái cột điện còn muốn dời đi nữa là con người? ”

Nguyễn Hoàng Hà-DCV
 
 


Copy từ: Tâm Sự Y Giáo

Trả lương nuôi cán bộ... thụ án!


Dư luận ở Cà Mau đang bất bình trước việc 5 cán bộ của H.Đầm Dơi thuộc tỉnh này liên quan đến vụ án phá rừng đang thụ án, nhưng vẫn được hưởng lương như bao công chức khác.

Trả lương nuôi cán bộ... thụ án!
 Minh họa: DAD
Như Thanh Niên đã thông tin, gần 63 ha rừng phòng hộ giàu trữ lượng gỗ thuộc tiểu khu 222 và 224 - Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ xã Nguyễn Huân, H.Đầm Dơi, bị phá để chia cho 13 cán bộ, nhân viên của BQL và vợ, con của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện này làm vuông nuôi tôm. Tháng 4.2009, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Trần Xuân Khuya (Phó chủ tịch UBND H.Đầm Dơi); Nguyễn Văn Tuồng (Trưởng phòng NN-PTNT); Nguyễn Bình Nguyên (Chánh văn phòng UBND huyện); Trần Trung Vũ (Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường) và Mai Thanh Trúc (Trưởng BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi) với tội danh “vi phạm các quy định về quản lý rừng”. Vụ việc đã bị TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2012 và đến ngày 13.9.2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt 5 cán bộ trên từ 2 năm đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
 

Trong thời gian qua chúng tôi bị các cán bộ về hưu, công nhân viên chức và cử tri trong tất cả các cuộc tiếp xúc phản ứng gay gắt vì trả lương cho 5 người này 

Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi

Thế nhưng theo nguồn tin của Thanh Niên, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị UBND H.Đầm Dơi (Cà Mau) bố trí lại công việc cho 5 cán bộ trên. Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi, cho biết "địa phương đang rất khó xử, nên vẫn chưa bố trí việc cho các cán bộ này và đang trình cấp trên xin ý kiến”.  Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Lê Hoàng Bé, Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau, giải thích: “Thực sự chúng tôi đang gặp khó, bởi theo NĐ 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử lý kỷ luật đối với công chức, thì các trường hợp trên không thuộc diện bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Vì vậy dù các đối tượng trên bị đình chỉ công tác từ năm 2009 và đang thụ án, nhưng ngân sách vẫn phải trả lương hằng tháng cho họ. Theo luật nếu kết án thì họ đã mất quyền công dân, nhưng họ vẫn là công chức. Và khi ra công văn này chúng tôi gặp nhiều phản ứng dữ dội của dư luận tại địa phương nơi các cán bộ này cư trú. Chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết của Bộ Nội vụ nhiều tháng qua, nhưng chưa được trả lời”.
Được biết, hằng tháng ngân sách H.Đầm Dơi phải chi gần 20 triệu trả lương và BHXH cho 5 cán bộ trên. Ông Võ Thanh Tòng than vãn: “Trong thời gian qua chúng tôi bị các cán bộ về hưu, công nhân viên chức và cử tri trong tất cả các cuộc tiếp xúc phản ứng gay gắt vì trả lương cho 5 người này. Họ thắc mắc cán bộ vi phạm pháp luật, đang thụ án không bố trí công việc lại được, sao vẫn phải trả lương. Nhưng theo NĐ 34/2011/NĐ-CP thì không thể cắt lương họ được. Tuy nhiên, bố trí lại công việc cho họ thì khó vô cùng, do uy tín của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Tôi đã trực tiếp đến làm việc với Giám đốc Sở Nội vụ nhưng chưa có quyết định cuối cùng”.
Phòng Tài chính của H.Đầm Dơi cũng nhiều lần phản ứng và yêu cầu UBND H.Đầm Dơi có quyết định dứt điểm về việc trả lương hơn 2 năm nay cho các cán bộ phá rừng đang thụ án.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM): Đi ngược lại tinh thần của luật pháp
Trước hết cần hiểu “án treo” không phải là hình phạt, mà là hình thức “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện ở đây là “thời gian thử thách”. Trong thời gian thử thách nếu phạm tội mới thì án treo sẽ bị chuyển thành án giam.
Theo Nghị định 34, hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật là một trong những hành vi bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, hình thức xử lý kỷ luật theo nghị định này gồm có: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc… Trong đó, những cán bộ bị tòa tuyên án nhưng cho hưởng án treo chỉ bị xử lý “cảnh cáo” (công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), bị “cách chức” (công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý). Công chức chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc nếu bị phạt tù mà không được hưởng án treo. Nghị định này cũng quy định trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Nếu điều tra, xét xử kết luận công chức bị oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại. Nếu bị xử lý kỷ luật hoặc bị tòa án tuyên là có tội không được truy lĩnh 50% còn lại.
Nhưng nghị định trên lại quy định tréo ngoe lấy ngân sách trả lương và các khoản trợ cấp công chức chấp hành hình phạt tù gây bức xúc trong dư luận. Nghị định không buộc thôi việc những công chức vi phạm pháp luật bị tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo là đi ngược lại tinh thần của luật pháp: một người bị tòa án xử phạt về hình sự đương nhiên quyền nhân thân bị hạn chế không thể tiếp tục làm việc như một công dân bình thường, đặc biệt ở một số công việc mang tính chất thanh liêm, mẫu mực; và cho thấy luật pháp không nghiêm minh. Do đó cần thiết phải bãi bỏ.
Lê Nga (ghi)
Gia Bách



Coopy từ: Thanh Niên 

Đánh “xã hội đen” thường bị lộ vì liên quan tới cán bộ


“Xã hội đen'' đều dính đến cán bộ... nên đánh là bị lộ”! - đó là phát biểu thẳng thắn của Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an - tại cuộc tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013 và sơ kết 1 năm qua thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự tại phường, xã tại TPHCM.
Ngày 17.4, UBND TPHCM đã tổ chức buổi tổng kết nói trên, đến dự có công an, chính quyền 8 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và 3 tỉnh, thành phía bắc cùng Bộ Công an…

Ông Lê Hoàng Quân - Uỷ viên BCH Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM - thay mặt lãnh đạo TPHCM biểu dương những nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm. Theo ông, những kết quả đạt được là đáng khích lệ, nhưng không vì thế mà chủ quan trước các loại tội phạm.
Công an TPHCM trấn áp tội phạm “cướp bay” trên đường phố. Ảnh: Phùng Bắc

Tại buổi tổng kết, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM - cho biết, trong đợt cao điểm tấn công tội phạm (từ ngày 15.12.2012 đến ngày 15.3.2013), trên địa bàn TPHCM xảy ra 1.467 vụ phạm pháp hình sự, gây chết 27 người, 198 người bị thương, tài sản bị thiệt hại trên 59 tỉ đồng. So với thời gian liền kề giảm 98 vụ (6,26%). Điều đáng quan tâm là loại án xâm phạm tài sản (cướp, cướp giật đường phố) đã được công an kiềm chế, kéo giảm. Cướp tài sản xảy ra 76 vụ, giảm 55 vụ (41,98%), cướp giật tài sản 258 vụ, giảm 3 vụ (1,14%).

Cũng theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Công an TPHCM tập trung xác lập các chuyên án đấu tranh chống các băng nhóm, đối tượng đang có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội, nhất là các băng nhóm đâm thuê, chém mướn, xiết nợ, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí gây án…, đồng thời rà soát lại toàn bộ số án truy xét chưa rõ thủ phạm. Công an TP đã triệt phá 202 băng nhóm, bắt 503 đối tượng, khám phá 20 chuyên án, 6 hiềm nghi; bắt và vận động đầu thú 77 đối tượng có quyết định truy nã, 210 đối tượng có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc…
“Hàng lạnh” của một băng nhóm tội phạm bị công an thu giữ. Ảnh: Phùng Bắc

Tuy nhiên, về loại tội phạm về ma túy- theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, số vụ phát hiện tăng 12% so với cùng kỳ. Qua việc xác lập các chuyên án, Công an TPHCM khám phá 17 chuyên án, 10 hiềm nghi, bắt 460 vụ, 929 tên tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 10.339,3587 gram heroin, 593,0284 gram cần sa, 5.830,16 gram ma túy tổng hợp. Riêng trong tháng 3.2013, phát hiện bắt giữ 2 vụ chiết xuất tiền chất heroin từ thuốc tân dược và lần đầu tiên công an phát hiện việc tàng trữ lẻ cocain tại quận 1, TPHCM.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, tình hình cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả không cao, đến năm 2014, khi không còn tập trung chữa bệnh bắt buộc thì tình hình sẽ khó khăn hơn. Đối với các vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến mại dâm, phải thẳng thắn thừa nhận là chúng ta bó tay, vì việc quản lý, giúp đỡ số gái bán dâm gần như chỉ trên lý thuyết, bởi vì sau khi bắt giữ, lập hồ sơ đưa số gái bán dâm về địa phương, nhưng họ lại bỏ đi.

“Án kinh tế- nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá tại các vùng giáp ranh- mỗi khi ra quân thường bị lộ khiến dư luận và kể cả người trong ngành rất bức xúc. Chúng ta chỉ bắt được phần ngọn, còn phần gốc không giải quyết được. Nhân dân trên các tuyến đường mà bọn buôn lậu hoành hành đều biết rõ đối tượng nào làm trùm ngành hàng lậu nào, trong khi công an lại không biết” - Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết như vậy”. Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, để giải quyết phần gốc, kiến nghị Bộ Công an là đơn vị cầm trịch chống nạn buôn lậu hoành hành.

Phát biểu tại buổi tổng kết, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an - đánh giá cao kết quả đạt được của TPHCM là triển khai công tác rất quyết liệt, giữa các lực lượng như Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Công an TPHCM, công an các tỉnh và quân đội có sự phối hợp khá tốt. Điều này tạo sức mạnh giành lại thế chủ động nên chỉ trong thời gian ngắn đã triệt phá trên 200 băng nhóm tội phạm có tổ chức, bắt hàng ngàn tên.

Song, khi nói về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động kiểu “xã hội đen” thì Thiếu tướng Phi Hùng rất thẳng thắn nói: “Đánh tội phạm có tổ chức, tội phạm “xã hội đen” không khó, nhưng “xã hội đen” đều dính đến cán bộ chúng ta... nên đánh là bị lộ”.




Copy từ: Lao Động