Dân chủ là nền tảng phát triển kinh tế, đem lại no cơm ấm áo, hạnh phúc và tự do cho toàn dân
"Gần hai tháng qua, Giáo hội chúng tôi vui mừng thấy
giới sĩ phu đất nước, giới trẻ, giới công dân mạng đã gạt phăng sợ hãi
bấy lâu, đứng lên nói bằng lời, bằng bài viết, bằng kiến nghị, bằng cả
xuống đường đòi hỏi dân chủ hóa đất nước. Điển hình là “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp”
viết ngày 19.1.2013 đăng trên Mạng Bauxite Việt Nam với 72 chữ ký đợt
đầu mà đa số là những công thần chế độ, tính đến hôm nay, ngày 5.3.2013,
đã tăng thành 6611 chữ ký ; và “Lời tuyên bố của các Công dân Tự do” gợi ý từ bài viết của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, công bố ngày 28.2.2013 trên Mạng DânLàmBáo với 5 yêu sách..." - Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.
*
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Thanh Minh Thiền viện
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Saigon
Phật lịch 2556 |
Số : 01/TT/VTT
|
LỜI TUYÊN BỐ
của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ,
Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất:
Dân chủ là nền tảng phát triển kinh tế,
đem lại no cơm ấm áo, hạnh phúc và tự do cho toàn dân
Ngày 21 tháng 2 năm 2001, nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), tôi đã công bố “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam”
nhân chuẩn bị kỷ niệm Quốc tổ Hùng Vương lần thứ 4880 và năm Thế giới
đón chào thiên niên kỷ thứ III. Kèm theo Lời kêu gọi là Sách lược 8 điểm
cứu nguy đất nước.
Thời gian đầu thiên niên kỷ ấy, tôi đã nhận thức một thảm nạn kéo dài trên đất nước ta vì dung dưỡng ba sự trạng:
“Một chính quyền tự thị, bất chấp ý kiến của người khác, đưa tới xu thế độc đảng chuyên quyền;
“Một chính quyền ly khai dân, bất chấp những đòi hỏi thiết tha cho nhân quyền và dân quyền, đưa tới chế độ độc tài ác liệt;
“Một chính quyền lệ thuộc nước ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ
chức bộ máy nhà nước, làm đảo lộn xã hội và nhân văn Việt, mà hậu quả
đẩy dân vào tròng ách nô lệ tinh thần và vật chất, làm suy thoái đạo đức
và suy liệt quốc gia”.
Sang Tết Ất Dậu 2005, tôi lại viết “Thư Chúc Xuân kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước”, nhấn mạnh rằng:
“Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính
nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền.
Ðừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây
giờ tinh tường lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta
biết. Hãy xem gương các Ðảng cộng sản ở các nước Ðông Âu cũ bây giờ đều
chấp nhận đa đảng. Thế mà ở Ba Lan, Tiệp Khắc, v.v... dân chúng vẫn có
người bỏ phiếu cho đảng Cộng sản, thì có mất gì đâu. Miễn là mọi đảng
phái khác cũng được quyền tham dự để cho dân có cơ sở so sánh, lựa chọn,
các đảng phái có cơ sở tranh đua phục vụ tổ quốc. Ðừng sợ nhiều đảng
loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà
đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo
tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một
đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho
các dòng suy nghĩ chính lưu. (…) Nhưng trái lại, phải có nhiều xã hội
công dân tự do xuất hiện với mọi quyền con người cơ bản, ắt việc nước sẽ
hanh thông, quốc gia sẽ thịnh trị. Ðiều kiện tiên quyết muốn được như
vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự để mỗi người và mọi thành phần xã
hội được bình đẳng tham gia việc nước. Không sung sướng gì bằng, không
hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân
tin tưởng giao quyền cho.
“Ðời sống nhân dân các nước dân chủ ở Bắc Âu là mô thức khá hoàn hảo
về sự an lạc và tự do của người dân mà chúng ta có thể học hỏi, nghiên
cứu, dung hóa, áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.
“Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ
ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy
thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ. Nó là giải pháp thay
thế, mà muôn dân trông đợi.
“Thử trầm tỉnh nghĩ xem, có phải là đảo chính bằng lá phiếu dân chủ vẫn hơn là những cuộc đảo chính bằng bạo loạn?
“Sống trong cảnh huống ngày nay, người có lòng dạ và ưu tư đều bị
đẩy vào tâm trạng chờ tức nước vỡ bờ. Thế thì sao không chọn con đường
nhân nghĩa của truyền thống cha ông để nước chở thuyền thay vì nước lật
thuyền?
“Chẳng nên nghĩ rằng hễ có công an cho đông, nhà tù cho nhiều, và
quân đội hùng mạnh là sẽ giữ được quyền bính mãi mãi. Chỗ dựa vững chắc
nhất của một chế độ chính trị là lòng dân”.
Gần hai tháng qua, Giáo hội chúng tôi vui mừng thấy giới sĩ phu đất
nước, giới trẻ, giới công dân mạng đã gạt phăng sợ hãi bấy lâu, đứng lên
nói bằng lời, bằng bài viết, bằng kiến nghị, bằng cả xuống đường đòi
hỏi dân chủ hóa đất nước. Điển hình là “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp” viết ngày 19.1.2013 đăng trên Mạng Bauxite Việt Nam với 72 chữ ký đợt đầu mà đa số là những công thần chế độ, tính đến hôm nay, ngày 5.3.2013, đã tăng thành 6611 chữ ký; và “Lời tuyên bố của các Công dân Tự do” gợi ý từ bài viết của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, công bố ngày 28.2.2013 trên Mạng DânLàmBáo với 5 yêu sách: Bỏ
điều 4 trên Hiến pháp và tổ chức Hội nghị Lập hiến / Ủng hộ đa nguyên
đa đảng / Đòi hỏi một nhà nước tam quyền phânlập / Phi chính trị hóa
quân đội / và Quyền tự do ngôn luận của người công dân; tính đến hôm nay, ngày 5.3.2013, đã lên tới 4200 chữ ký hậu thuẫn.
Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,
tôi ngỏ lời tán thán sự can đảm và cấp thời của hai văn kiện nói trên,
đại biểu qua trên mười nghìn chữ ký, đang rửa sạch dư luận xấu của những
nền chính trị gian tà củng cố đặc quyền đặc lợi cho bè nhóm, đồng thời
lấy trách nhiệm người công dân biểu tỏ hành động chính trị thân dân và
hộ quốc.
Tôi cất lời kêu gọi các nhà lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội hãy tôn trọng
quyền dân và quyền sống để cho mọi tầng lớp nhân dân được tự do và toàn
quyền phát biểu nhằm xây dựng và phát triển đất nước, mà không bị sự lạm
quyền phi pháp của những điều luật gọi là “an ninh quốc gia” kết án,
giam tù, như đã cấm cố những người Việt thương nước yêu nòi mà Nhà nước
đã sai lầm kết án trong nhiều năm qua.
Tôi xin ghi lại sau đây sách lược Tám Điểm dân chủ hóa Việt Nam mà tôi đề xuất trong Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam
công bố ngày 21.2.2001, để góp thêm ý kiến với đồng bào các giới trong
cuộc trao đổi cho tiến trình dân chủ. Đương nhiên một số vấn đề trong
sách lược Tám Điểm này theo với thời gian cần thêm, bớt, bổ sung. Song
đại thể vẫn là những điều cơ bản cho việc xây dựng dân chủ:
“Sách lược 8 điểm cứu nguy đất nước:
“1. Xây dựng một xã hội khoan dung, an lạc, đa nguyên, bình đẳng,
không chủ chiến gây thù, điều hành bằng thể chế dân chủ đa đảng;
“2. Xóa bỏ mọi cơ chế phản dân chủ như lý lịch, hộ khẩu, công an khu
vực. Bầu lại một Quốc hội thực sự đại diện quốc dân, dưới quyền giám
sát của Liên Hiệp Quốc, với sự tự do bầu cử của toàn dân, và tham gia
ứng cử của mọi cá nhân, đảng phái thuộc mọi khuynh hướng ngoài đảng Cộng
sản. Thiết lập một Nhà nuớc tam quyền phân lập, một Nhà nước pháp quyền
theo tinh thần bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về
các Quyền Dân sự và Chính trị;
“3. Ðóng cửa vĩnh viễn các Trại tập trung cải tạo. Trả tự do cho tất
cả tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức, bị giam giữ tại miền Bắc
sau Hiệp định Genève năm 1954, tại miền Nam sau năm 1975. Thỉnh mời các
nhân tài, chuyên viên trong số tù nhân này tham gia kiến quốc. Ðồng lúc
thỉnh mời giới chuyên gia kỹ thuật, trí thức, học giả, mọi cá nhân,
đoàn thể ở hải ngoại, vượt biển ra đi sau năm 1975, đem các kinh nghiệm
và học thuật thu thái ở các nước tiên tiến về xây dựng quê hương. Hủy bỏ
các đạo luật hay nghị định có tính khủng bố trên lĩnh vực tôn giáo và
quản chế hành chính;
“4. Bảo đảm quyền tư hữu; bảo đảm quyền tự do kinh doanh ; bảo đảm
quyền tự do nghiệp đoàn. Ban hành chính sách khẩn trương giúp đỡ công
nghiệp hóa canh tác và nâng cao đời sống nông dân, là tiềm lực của đại
khối dân tộc. Chấm dứt nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ
nghĩa. Vì nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã
lỗi thời và bất lực hình thành một giải pháp cho nhân sinh sau 74 năm
thí nghiệm của Nhà nước Liên bang Xô Viết, một nhà nước thù địch với
quảng đại nhân dân nên đã bị xóa bỏ đầu thập niên 90. Xây dựng nền kinh
tế thị trường phù hợp với xã hội Việt Nam và phát huy theo đường hướng
của nền kinh tế tri thức và kinh tế sinh thái. Liên hệ với công cuộc
toàn-cầu-hóa theo xu thế văn minh của nhân loại để phát triển kỹ thuật,
bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, chống lại các thách thức nghiêm
trọng của khuynh hướng toàn-cầu-hóa nô lệ do giới tài phiệt liên lục địa
chủ súy. Tận lực xóa bỏ hố ngăn cách giàu nghèo đang tha hóa con người
và phân liệt xã hội nuớc ta;
“5. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tách lìa chính trị khỏi quân
đội và các cơ quan công an, mật vụ. Giải giới binh sĩ xuống mức quốc
phòng bình thường theo tiêu chuẩn các quốc gia ở thời bình, để chia sớt
ngân quỹ quốc phòng thái quá cho ngân quỹ giáo dục và ngân quỹ y tế quốc
dân. Về giáo dục, cấp tốc đào tạo nhân tài và chuyên gia phục hưng xứ
sở, đào luyện một thế hệ trẻ chuyển tiếp đang bị mai một, vì thế hệ lãnh
đạo già thì miệt mài chủ chiến, gây thù theo chủ trương vọng ngọai
đấu-tranh-giai-cấp làm phân hóa và tê liệt cộng đồng dân tộc, thế hệ
đang lên thì bị cuốn hút theo chủ nghĩa kim tiền vì sinh kế bức bách. Về
y tế, giải quyết ưu tiên nạn thiếu nhi suy dinh dưỡng và biện pháp
phòng bệnh ở nông thôn;
“6. Bài trừ văn hóa ngoại lai đồi trụy hoặc các ý thức hệ phi dân
tộc làm xáo trộn tình nghĩa và đạo lý Việt Nam. Phát huy nền văn hóa
truyền thống Việt trong tinh thần khai phóng, sáng tạo và dung hóa với
mọi nền văn minh nhân loại. Ðề cao ba giá trị tinh thần Nhân, Trí, Dũng
của tổ tiên. Thực hiện công bằng xã hội, nam nữ bình quyền, bình đẳng
tôn giáo, tôn trọng quyền tự trị và đặc thù văn hóa của các dân tộc ít
người cư ngụ trên lãnh thổ nước ta. Bảo vệ quyền lợi ngoại kiều sinh
sống làm ăn ở Việt Nam theo luật định và tinh thần hỗ tương quốc tế. Bảo
đảm quyền lợi và nhân phẩm của người Việt sống ở hải ngoại;
“7. Tôn trọng lãnh thổ các nước láng giềng. Chủ trương hòa thân, đối
thoại và cộng tác bình đẳng với các nước lân bang trên mọi lĩnh vực
kinh tế, văn hóa, tôn giáo, xã hội. Chung sức bảo vệ hòa bình, an ninh
và thịnh vượng tại các quốc gia Ðông Nam Á. Chung sức với các quốc gia
trong vùng phát huy tính nhân văn Ðông phương, như một Ðạo tràng, hầu
ngăn chận các Thị trường biến người lao động thành nô công, hàng hóa;
“8. Thể hiện tinh thần hòa hiếu truyền thống và sách lược tâm công
trong chính sách ngoại giao với mọi quốc gia trên thế giới, để tạo thế
đối thoại, cộng tác, tương trợ, đôi bên cùng có lợi nhưng không đánh mất
quốc thể và chủ quyền quốc gia. Bằng phương lược này, tạo cơ hội và
điều kiện đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp
song song với thăng tiến xã hội, hầu kịp bước theo xu thế văn minh,
tiên tiến, cường thịnh tại các quốc gia dân chủ, giàu mạnh trong thế
giới vào đầu thế kỷ XXI”.
Vào thời điểm tôi công bố “Lời Kêu gọi Cho Dân chủ Việt Nam” tháng 2 năm 2001, rồi “Thư Chúc Xuân kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước”
Tết Ất Dậu 2005, những tiếng nói và hoạt động cho dân chủ còn thưa
thớt, khó khăn, bị trấn áp khốc liệt tại Việt Nam. Mặc dù khi tôi gửi
Lời Kêu gọi Cho Dân chủ Việt Nam đã được đồng bào trong và ngoài nước
hưởng ứng thông qua ba trăm tám nghìn hai mươi bảy (308.027) chữ ký, và
khi Cơ sở Quê Mẹ - Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam công bố tại Ủy
hội Nhân quyền LHQ trong khóa họp lần thứ 57 ở Genève tháng 4 năm 2001
đã có hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế với gần 40 vị Dân biểu, Thượng
Nghị sĩ Hoa Kỳ ký tên hậu thuẫn.
Trong tình hình quốc tế thuận lợi ngày nay, cùng tư thế mới gạt phăng sợ
hãi của thế hệ Trẻ Việt Nam và sĩ phu đất nước, tôi hy vọng và cầu chúc
cho “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp” và “Lời tuyên bố của các Công dân Tự do”
nói trên sẽ được toàn dân hậu thuẫn đưa tới việc thực hiện như một giải
pháp đổi thay tối hậu cho quê hương như một bửu bối linh diệu.
Kính xin chư liệt vị và đồng bào các giới trong và ngoài nước hãy ra tay
chặn ngăn các nẻo dữ, dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh lên hồi
trống đại hùng khai mở Ðường Lành trong năm còn mới này. Ðường Lành ấy
là con đường dân chủ đa nguyên đưa tới sự ổn định, phát triển, và an
lạc.
An lạc cho quần chúng chỉ có ý nghĩa đích thực khi bảo đảm được quyền
độc lập và tự chủ quốc gia, cùng những quyền tự do, dân chủ căn bản để
toàn dân được chia sẻ, sống chung với cộng đồng thế giới hòa hài trong
cảnh bách gia tranh minh, thay vì tự biệt lập nơi xó góc nhất gia cô
minh.
Đồng thời làm sống dậy tinh thần bất khuất chống xâm lăng đã được nuôi
dưỡng hào hùng từ cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên của Hai Bà Trưng.
Phật lịch 2556 - Thanh Minh Thiền viện
Saigon ngày 5.3.2013
Đệ ngũ Tăng Thống, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ