Phần I:Cách mạng Rumani 1989
Giới thiệu của người dịch -
Phan Trinh...
1. Cách mạng hạ bệ cộng sản có thể Nhung như ở Tiệp Khắc, nhưng cũng
có thể nhầy nhụa máu, nhất là máu lãnh tụ, như ở Rumani. Màu của cách
mạng dường như tùy vào ‘thái độ lâm chung’ của người cộng sản vào giờ
chót: lui thì sống, chống thì chết, bằng súng của mình.
Giáo sư Tony Judt (1948-2010), một sử gia sắc sảo chuyên về Châu Âu,
cho rằng nếu Tiệp Khắc là nước cộng sản kiểu phương Tây bao nhiêu, thì
Rumani lại là nước cộng sản độc tài kiểu phương Đông trung cổ bấy nhiêu:
Dưới quyền Ceausescu, Rumani là một đất nước công an trị ngộp thở với
nhiều nghịch lý và người dân phải trả giá đắt. Vào thập niên 1980,
trong khi các nước cộng sản Đông Âu liên tục vay tiền từ phương Tây để
nhập hàng tiêu dùng thì ngược lại, hàng hóa sản xuất tại Rumani được
dành để xuất khẩu, người dân phải thắt lưng buộc bụng, làm việc cả ngày
nghỉ để nhà nước có điều kiện trả nợ phương Tây, lấy điểm cho lãnh tụ.
Nhà nhà chỉ được dùng bóng đèn 40 watt để dành điện xuất khẩu qua Ý,
Đức. Thịt, đường, bột mì, bơ, trứng… luôn khan hiếm, nông thôn phải dùng
ngựa kéo vì thiếu xăng, mùa màng được gặt bằng liềm hái cầm tay. Để
tăng dân số, thiếu nữ 15 tuổi được cho lấy chồng, phụ nữ bị cấm phá thai
nếu có dưới 4 con và dưới 45 tuổi, mỗi tháng họ phải khám sức khỏe sinh
sản một lần trước sự chứng giám của một cán bộ Đảng.
Ceausescu được sánh ngang Stalin và Kim Nhật Thành ở độ vĩ cuồng và
tệ sùng bái cá nhân. Ông duy ý chí, ‘hệ thống hóa’ nông thôn, khiến hàng
chục ngàn làng xã bị san bằng, nông dân mất đất và mất gốc. Ông thích
to, cho phá cả một thành phố cổ rộng bằng Venice – hủy 40.000 tòa nhà,
hàng chục nhà thờ và đài tưởng niệm – để lấy đất xây một cung điện lớn
gấp ba Cung điện Versailles nhưng cực xấu, có tên Nhà Nhân dân, cạnh Đại
lộ Chủ nghĩa Xã hội Chiến thắng dài 5 km, và một quảng trường chứa được
500.000 người. Ông được tôn lên hàng thần thánh với những danh xưng đến
Stalin cũng phải chào thua: Người Cầm lái Thông thái, Con của Mặt trời,
Dòng Danube Tư tưởng, Thiên tài của Dãy núi Carpathians… *
Vĩ đại là thế, nhưng khi cơn đại chấn động chính trị quét ngang toàn
cõi Đông Âu năm 1989, thì cả Dãy núi Carpathians cũng phải rùng mình để
khạc ra ngoài kẻ thiên tài vĩ cuồng, như khạc một khối u ác tính.
Chiều chủ nhật 24 tháng 12, 1989, ở Bucharest, thủ đô Rumani, những
người cách đó vài ngày còn gọi Ceausescu là đồng chí đã họp nhau lại để
bàn cách xử tử Ceausescu, và Elena vợ ông, thật nhanh gọn.
Nhưng, dù thoát khỏi Ceausescu, di căn cộng sản vẫn còn. Khác với
Tiệp Khắc có Vaclav Havel và hàng ngũ trí thức có truyền thống phản
kháng làm hạt nhân trong chính quyền mới, tại Rumani chính quyền mới hầu
hết lại là những người cộng sản cũ. Cũng vì vậy, Rumani đã cần đến một
thập kỷ để cuộc chuyển đổi sang dân chủ mang lại kết quả tốt đẹp.
2. Trong cuốn Revolution 1989, The Fall of The Soviet Empire (Tác giả
Victor Sybestyen, NXB Pantheon Books, New York, 2009), đây là Chương
48, trang 380-400, có tên “The Moment of Weakness” (Phút yếu đuối), nằm
ngay sau chương 47 “Cách mạng Nhung”.
Đọc Victor Sybestyen như xem phim, hình ảnh, chi tiết và nhân vật bật
ra từ trang giấy. Tác giả cũng mượn một thủ pháp của phim, đặt đoạn nói
về phiên xét xử và cái chết của Ceaucescu làm đoạn “Prologue” (Dẫn
nhập), trang 1-6. Để người đọc dễ theo dõi, đoạn này sẽ được xem như
Phần II của cùng đề tài, có tên “Xử Ceausescu”. Cách xuống hàng và các
tiêu đề nhỏ là của người dịch. Tựa đề do người dịch đặt, dựa theo cách
đặt tên của nhà báo Đinh Từ Thức cho cuốn Làm thế nào để giết một tổng
thống? (bút ký lịch sử của Lương Khải Minh và Cao Thế Dung (1971)), vào
lúc mà “một đồng chí” trở thành cụm từ ám chỉ người có quyền lực cao
nhất, được cấp trên dùng khi nói về cấp dưới, với lòng khiếp sợ.
————
* Theo Tony Judt, Postwar, A History of Europe Since 1945, Penguine Books, London, 2005, tr. 622-4
Dưới nóng, trên lạnh
Rumani không thể miễn nhiễm mãi được. Ceaucescu đã làm hết sức để cô lập
đất nước với thế giới còn lại. Nhưng dù vậy, người dân Rumani vẫn biết
rằng Bức tường Bá Linh đã đổ và các nước láng giềng đã lật đổ chế độ
cộng sản nhanh đến chóng mặt chỉ trong vài tháng cách mạng.
Một cách kín đáo, người Rumani có thể nghe đài BBC, Đài Châu Âu Tự do,
và đã được nghe người Tiệp, người Đông Đức, người Bulgaria nói về cái
hay của dân chủ và gọi những lãnh tụ cũ của họ là bọn côn đồ thối nát.
Tuy vậy, Ceausescu vẫn có vẻ bình chân như vại, như không có gì đáng bận
tâm. Mới cuối tháng 11, ông còn được bầu với số phiếu tuyệt đối để lãnh
đạo Đảng Cộng sản Rumani thêm một nhiệm kỳ nữa, như đã từng được bầu
nhiều lần trước đó. Lễ nhậm chức cũng diễn ra như thường lệ, với những
nghi thức thường lệ. Ông vẫn lề mề đọc bài diễn văn lê thê ba tiếng đồng
hồ, được điểm xuyết bằng 34 lần khán giả “tự phát” đồng loạt đứng dậy
vỗ tay suốt mấy phút. Tiếng tung hô vang dội nhất là khi ông tuyên bố:
“Tương lai của chủ nghĩa xã hội còn dài. Nó chỉ chết khi nào quả lê rụng
từ cành táo!”
Ceausescu vẫn nắm trong tay tất cả mọi lực lượng trấn áp đã giúp ông giữ
vững quyền lực trong suốt một phần tư thế kỷ. Ông vẫn có vẻ là kẻ bất
khả xâm phạm. Không giống các đồng nghiệp đã đổ ở Bá Linh, ở Praha, ở
Sofia, ông có ý chí và lực lượng để chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, duy trì
vị trí.
Nhưng, khi hồi kết đã điểm thì ngay cả một chế độ độc tài mạnh bạo nhất, đáng sợ nhất cũng sụp đổ chỉ trong năm ngày. [1]
Thành phố buồn
Ít khi có cuộc cách mạng nào lại bắt đầu ở một nơi ảm đạm hơn thế. Thành
phố Timisoara vùng Transylvania chỉ có một phố cổ nhỏ ở trung tâm, xưa
thì đẹp, giờ thì điêu tàn, và vài kiến trúc baroque còn lại từ trước
1919, khi thành phố còn thuộc Hungary với tên Temesvar. Lúc này, phần
lớn thành phố chỉ gồm những khu tập thể tồi tàn, càng lúc càng xuống
cấp, dành cho khoảng 250.000 dân.
Cũng như tất cả các đô thị khác tại Rumani, Timisoara nghèo nàn thảm
hại, lại ô nhiễm trầm trọng vì những nhà máy hóa chất, những công trình
công nghiệp kế cận, và hoạt động canh nông luôn thải các loại phân bón
độc hại vào nguồn nước. Một con kênh, có lẽ trước đó rất duyên dáng chảy
xuyên qua thành phố, nay chỉ còn là một dòng nước bẩn thỉu, hôi hám,
trẻ con bị cấm lại gần.
Khoảng một phần ba cư dân thành phố là người gốc Hungary. Mặc dù có
những xung đột truyền thống và mặc dù Ceausescu tìm cách kiềm chế văn
hóa và di sản của sắc dân Hungary, họ vẫn hòa hợp và đồng cam cộng khổ
với người Rumani địa phương.
Tu sĩ ‘bất trị’
Một vị mục sư ít nói nhưng mẫu mực đã châm ngọn lửa mồi. Laszlo Tokes,
37 tuổi, tóc đen, cao, khiêm tốn, trầm tĩnh, nhưng ẩn phía sau là một ý
chí bằng thép. Từ tháng 1, 1987, ông là giáo sĩ điều hành Giáo hội Cải
cách Hungary, chi nhánh Timisoara.*
Một thời gian dài, ông bị xem là phần tử gây rối trong mắt cả chế độ lẫn
hàng giáo phẩm Giáo hội Cải cách, trong khi hàng giáo phẩm, cũng như
tất cả các tổ chức tôn giáo khác tại Rumani, lại thỏa hiệp với chính
quyền trong mấy thập niên qua. Mục sư Tokes mới bị sa thải khỏi giáo xứ
Dej trước khi về Timisoara, vì giới cầm quyền, cả đạo lẫn đời, đều cho
rằng ông đã công khai ủng hộ quá mức những yêu sách văn hóa của sắc dân
Hungary, như cho trẻ em được học bằng tiếng mẹ đẻ. Ông được đổi về
Timisoara để thử việc tạm thời, với răn đe là không được dính líu đến
chính trị.
Giáo xứ lúc này đang khó khăn. Số giáo dân giảm xuống chỉ còn một nhóm
nhỏ. Tokes cho rằng đó là do lỗi của mục sư tiền nhiệm, Leo Leuker,
người mà ông gọi là “mục sư đỏ” vì đồng lõa với chế độ.
Chẳng bao lâu sau, ông tạo được uy tín như một người giảng thuyết giỏi,
có sức hút, và nhà thờ lại tấp nập giáo dân cũ lẫn mới đến nghe ông
giảng. Ông thường xung khắc với các giám mục bề trên. Thật lạ lùng, có
lần ông bị cho là phạm lỗi chỉ vì dám trích dẫn đoạn sau đây trong Sách
Daniel [Cựu Ước]:
”Lệnh cho các ngươi, hỡi mọi người thuộc mọi dân tộc, giống nòi và ngôn
ngữ: Khi nghe tiếng tù và, tiếng sáo, tiếng đàn dây, đàn sắt, đàn cầm,
tiếng kèn và đủ thứ nhạc cụ, các ngươi phải sấp mình thờ lạy pho tượng
vàng vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã dựng. Kẻ nào không sấp mình thờ lạy thì
tức khắc sẽ bị ném vào đống lửa đang cháy phừng phực.”**
Bề trên cho rằng cộng đoàn giáo dân đã xem câu này như lời đả kích Ceausescu. Vì vậy, họ cảnh cáo ông.
Ông gặp rắc rối còn lớn hơn vào tháng 9, 1988, khi công khai ủng hộ lá
thư của một giáo dân viết gửi Giám mục cai quản giáo hạt Arad, Laszlo
Papp, một trong những vị cao nhất trong hàng giáo phẩm Giáo hội Cải
cách. Lá thư chỉ trích chủ trương hệ thống hóa nông thôn của chế độ,
được cho là nếu thực hiện sẽ hủy diệt hàng trăm cộng đồng làng xã tại
Transylvania.
Mục sư Tokes bị bắt, bị mật vụ Securitate tra tấn và nhắc nhở không được
làm chính trị. Hành vi kế tiếp mà bề trên xem như giọt nước làm tràn ly
là khi mục sư Tokes đề nghị tổ chức một thánh lễ chung, cho thanh niên
cả hai Giáo hội Cải cách và Giáo hội Công giáo.
Mật vụ hành hung, công an đứng ngó
Tháng 3, 1989, Giám mục Papp bắt đầu các thủ tục pháp lý để sa thải mục
sư và đuổi ông khỏi nhà. Nhưng ông đã tự bào chữa tại tòa, vụ này kéo
dài và nhận được sự chú ý của một số báo chí tôn giáo, của Thế giới vụ
Đài BBC và của Đài Phát thanh Châu Âu Tự do.
Một đêm cuối tháng 11, chỉ vài ngày trước khi bản kháng cáo của ông được
tòa xem xét, bốn gã bịt mặt, tay cầm gậy và dao đột nhập vào nhà ông.
Mục sư Tokes bị đánh đập, trong khi con trai ông, Mate, có mặt tại chỗ.
Người vợ đang mang thai của ông chạy ra kêu cứu các công an mặc sắc phục
đứng trước nhà, vốn đã canh nhà ông mấy tháng trước đó. Nhưng công an
đã bất động. Bên trong thì bọn côn đồ, rõ ràng là nhân viên mật vụ
Securitate, cứ ung dung đánh.
Kháng cáo của ông bị bác bỏ vào ngày 7 tháng 12 và trong bài giảng cuối
cùng vào Chủ nhật 10 tháng 12, ông xin cộng đoàn đến làm nhân chứng cho
vụ trục xuất ông khỏi nhà, sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu 15 tháng 12 sắp
tới. [2]
Giáo dân đã đến
Nhà thờ và nhà xứ bên cạnh là cụm nhà màu xám, không có gì đặc sắc, được
xây cuối thế kỷ 19 gần trung tâm thị trấn. Nhà thờ nằm giữa một quảng
trường nhỏ, nhưng dễ dàng nhìn thấy từ con lộ chính và cách trạm xe điện
gần đó vài mét.
Thoạt đầu, chỉ có khoảng 35 giáo dân trong giáo xứ của Mục sư Tokes đến
tụ tập bên ngoài, trong khi gia đình ông vẫn ở trong nhà thờ. Và rồi một
điều chưa tưng có đã xảy ra. Khi quần chúng trong thị trấn truyền tai
nhau tin tức về cuộc biểu tình thì càng lúc càng có nhiều người kéo đến
hiện trường.
Mục sư Tokes kể: “Ban đầu chỉ là anh chị em trong giáo xứ. Nhưng rồi,
càng lúc càng có đông người từ khắp Timisoara tụ lại. Họ có thể là bất
cứ ai, người gốc Hungary, gốc Rumani, người theo Đạo Chính thống, Tin
lành hay bất cứ tôn giáo nào. Người từ mọi cộng đoàn tụ lại. Họ quên cả
lý do phản đối ban đầu, và nói chung, họ chuyển qua chống chế độ.”
Người mỗi lúc một đông, các Bí thư Đảng ủy địa phương cũng chẳng biết
phản ứng ra sao. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, Petre Mot, liên lạc
xin chỉ thị từ thủ đô Bucharest. Ông được yêu cầu kéo dài thời gian và
tiếp tục thương lượng, với dự kiến là đám đông rồi sẽ tự tan hàng.
Nhưng, đám đông đã không giải tán.
Đả đảo Ceausescu! Dân là chủ!
Thời tiết lúc đó dễ chịu khác thường, so với thời tiết bình thường giữa
tháng 12, nhiệt độ vẫn trên số 0. Nhiều người Rumani nói chính thời tiết
ấm áp đã làm nên cách mạng. Họ không hẳn nói đùa. Thật vậy, nếu trời
lạnh hơn nhiều thì nhóm người vây quanh nhà thờ của Mục sư Tokes chắc đã
không tăng nhanh chỉ qua một đêm đến mức đó.
Gần như cả ngày thứ Bảy là một cuộc đối đầu không dễ dàng chút nào. Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố trở lại, cố giải tán đám biểu tình. Ông
hứa trả lại nhiệm sở cho vị chủ chăn, nhưng vì ông không chịu viết lời
hứa trên giấy trắng mực đen nên đám đông đã la ó, huýt sáo phản đối. Họ
không còn đòi hỏi cơm áo hoặc bánh mì, hoặc chỉ ủng hộ Mục sư Laszlo
Tokes nữa. Họ bắt đầu hô to, lặp đi lặp lại những khẩu hiệu “Đả đảo
Ceausescu!”, “Đả đảo độc tài!”, “Dân là chủ!”, và “Tự do ngay lập tức!”
Giữa chiều, công an và mật vụ Securitate đứng thành một hàng dài trên
đại lộ, có thể dễ dàng thấy được từ quảng trường trước nhà thờ. Nhưng
khoảng sau một giờ họ đã rời vị trí. Lajos Varga, một trong những người
biểu tình kể lại rằng: ”Đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy mình có quyền
lực. Chúng tôi đã đuổi được mật vụ Securitate đi chỗ khác. Chúng tôi như
được sống trong giấc mơ táo bạo, như được sống trong cõi thần tiên chưa
từng biết.”[3]
Chủ nhật, 17 tháng 12: Chiếm trụ sở Đảng
Ceausescu đã đích thân cho phép cuộc biểu tình tiếp tục vì nghĩ nó sẽ tự
tan rã. Nhưng bây giờ thì lệnh cho phép bị đảo ngược. Sáng hôm sau, Chủ
nhật, công an và mật vụ Securitate bắt đầu bắt người, khởi từ vòng
ngoài đám đông.
Đám đông trở nên hỗn loạn và nóng giận. Có ít nhất 2.500 người tham gia
biểu tình, trong một quốc gia mà biểu tình tự phát là điều gần như xưa
nay chưa từng có. Hầu hết bắt đầu rời nhà thờ. Họ diễu hành về trung tâm
thành phố, dọc theo đại lộ dẫn về Nhà hát lớn và trụ sở Đảng Cộng sản,
đầu não quyền lực tại địa phương của nhà độc tài.
Đón họ là một hàng binh lính, công an chống bạo động và một xe cứu hỏa.
Họ phun vòi rồng vào đám đông nhưng những người biều tình vẫn ùa vào tòa
nhà, làm lực lượng an ninh phải rút lui. Họ đập phá tầng trệt tòa nhà,
ném bất cứ thứ gì của Đảng họ tìm thấy vào lửa.
Trong vài giờ sau đó, người biểu tình kiểm soát trung tâm Timisoara,
nhưng họ không có kế hoạch hành động nào. Họ xộc vào hiệu sách, đốt cháy
các tác phẩm của Ceausescu. Họ ném bom xăng vào những chiếc xe có vẻ là
xe công vụ. Họ châm lửa đốt văn phòng Ủy ban Nhân dân và tiêu hủy hàng
ngàn hồ sơ, giấy tờ.
Sau khi người biểu tình rời nhà thờ của Giáo hội Cải cách, mật vụ
Securitate đã bắt giữ vị mục sư, vợ ông, Edit Tokes, đang mang thai bảy
tháng, và đứa con trai. Mục sư bị đánh bầm dập quanh người và trên mặt.
Môi rách, mắt bầm, mục sư bị đưa tới gặp Ion Cumpanasu, người đứng đầu
Sở Tôn giáo địa phương và bị dọa rằng vợ ông sẽ no đòn, trừ khi ông ký
vào tờ giấy trắng, xem như đơn chấp nhận bị sa thải và trục xuất. Sau
đó, gia đình mục sư được chở trên các xe riêng tới làng Minev, một làng
hẻo lánh trong hạt Salaj, nơi tạm trú mới được chỉ định cho họ.***
“Bắn đi chứ!”
Khi vợ chồng Ceausescu nghe rằng đám đông bạo động đã kiểm soát trung
tâm Timisoara, họ nhảy dựng lên. Cuối giờ chiều Chủ nhật 17 tháng 12,
Chủ tịch Ceausescu triệu tập ngay người đứng đầu các lực lượng an ninh.
Trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Tudor Postelnicu, lãnh đạo cơ quan mật vụ
Securitate Julian Vlad, và người đứng đầu quân đội kiêm Bộ trưởng Quốc
phòng Tướng Vasile Milea. Vào thời điểm đó, khi lãnh đạo các nước cộng
sản Đông Âu khác đang thương lượng với phe đối lập để rút lui, thì buổi
họp bất thường được ghi lại dưới đây cho thấy Ceausescu vẫn quyết tâm nã
súng vào phe chống đối. Ông không hề muốn nhượng bộ, vợ ông cũng thế.
CEAUSESCU: Tôi cho rằng các nhóm từ nước ngoài đã nhúng tay tổ chức vụ
này. Từ Đông sang Tây ai cũng nói Rumani phải thay đổi. Biết điều này
nên một số phần tử đã lợi dụng gây rối. Công an, quân đội đã xử lý quá
kém! Tôi có nói chuyện với các đồng chí ở Timisoara và bảo họ phải triển
khai lực lượng với xe tăng ngay trung tâm thành phố. Nhưng tôi có ấn
tượng là các đơn vị của Bộ Nội vụ, của công an và của mật vụ lại không
có vũ khí!
POSTELNICU [Bộ trưởng Nội vụ]: Ngoại trừ bộ đội biên phòng, những đơn vị khác đều không mang vũ khí.
CEAUSESCU: Tại sao lại thế? Tôi đã bảo tất cả phải có vũ khí cơ mà! Tại
sao lại phái họ đi mà không cho súng đạn, ai ra cái lệnh này? Tôi cứ
nghĩ mật vụ đi đâu thì phải mang theo vũ khí chứ. Các anh sai họ đi đánh
người bằng nắm tay à? Lực lượng an ninh kiểu gì thế? Dân quân cũng phải
được vũ trang. Đó là luật!
POSTELNICU: Thưa đồng chí Tổng Bí thư, dân quân thì được vũ trang ạ.
CEAUSESCU: Nhưng nếu có súng thì phải bắn đi chứ! Sao lại để dân chúng
tấn công ngược lại? Sao các anh để cho tình trạng đó xảy ra? Sĩ quan của
anh ở đó đã làm gì, hở Milear? Sao chúng nó không can thiệp? Sao chúng
nó không bắn?
MILEA [Bộ trưởng Quốc phòng]: Tôi không cho họ đạn ạ!
CEAUSESCU: Sao lại không cho đạn? Nếu không cho đạn thì cho chúng nó về
nhà khuất mắt cho rồi! Bộ trưởng Quốc phòng gì lạ thế? Còn anh nữa, Bộ
trưởng Nội vụ gì lạ thế, Postelnicu?
ELENA: Tình hình rất nghiêm trọng… Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ đã không xử lý đúng cách.
CEAUSESCU: Chỉ có vài đứa côn đồ muốn phá hoại chủ nghĩa xã hội và các
anh lại tạo điều kiện cho chúng. Fidel Castro quả là đúng! Không thể
khóa miệng kẻ thù bằng thuyết giảng như thầy tu, mà phải thiêu sống
chúng mới được!
ELENA: Bọn này chết nhát!
CEAUSESCU: Còn hơn cả chết nhát! Với tư cách là tư lệnh tối cao, tôi coi
như các anh ở đây đã phạm tội phản bội, chống lại quyền lợi tổ quốc,
chống lại quyền lợi nhân dân, chống lại quyền lợi chủ nghĩa xã hội. Ngay
bây giờ … chúng tôi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, và lãnh đạo
mật vụ Securitate. Ngay bây giờ, tôi sẽ trực tiếp chỉ huy quân đội. Hãy
chuẩn bị quyết định để thi hành ngay đêm nay. Phải giết cho được bọn côn
đồ, chứ không chỉ đánh! [Với ba quan chức] Còn các anh, có biết tôi sẽ
làm vì với các anh không? Đưa các anh ra bắn! Rõ ràng là không thể giữ
trật tự bằng gậy gộc. Tôi sẽ ra lệnh ngay bây giờ là tất cả phải có
súng, có đạn!
ELENA: Phải bắn gục chúng, rồi đưa chúng vào hầm giam của mật vụ. Không
đứa nào được thấy ánh sáng lần nữa. Phải áp dụng biện pháp mạnh. Không
thể nào nhân nhượng!
CEAUSESCU: Ta sẽ chiến đấu đến cùng!
VLAD [Lãnh đạo mật vụ Securitate]: Chúng tôi cứ nghĩ đó chỉ là chuyện
cục bộ, có giới hạn, có thể giải quyết mà không cần súng đạn.
CEAUSESCU: Tôi không cho là nên bắn đạn giả. Đứa nào đã bước vào trụ sở Đảng thì không được phép sống sót bước ra!
Các quan chức có mặt đều khúm núm, nhận mình sai và hứa sẽ hành động
quyết liệt hơn trong những ngày tới. Postelnicu nói: ”Tôi bảo đảm với
ông… tình trạng tương tự sẽ không bao giờ lặp lại nữa.” Milea hứa: “Xin
hãy tin tưởng chúng tôi. Quả là tôi đã không đánh giá được đúng mức nguy
hiểm ngay từ đầu.” Vlad thì trấn an lãnh tụ rằng từ nay trở đi “sẽ cố
gắng hết sức để xứng đáng với niềm tin ông dành cho.”
Một cách miễn cưỡng, Ceausescu tái bổ nhiệm ba ông vào vị trí cũ nhưng
vẫn tiếp tục đay nghiến: “Rất tốt… như vậy là chúng ta sẽ thử thêm lần
nữa. Đúng không các đồng chí?” [4]
Súng nổ và tin đồn
Đêm hôm đó, các đơn vị quân đội với đạn thật đã giành lại quyền kiểm
soát đường phố Timisoara, họ bắn vào thường dân không thương tiếc. Mật
vụ Securitate bắt hơn 700 người.
Sáng hôm sau, Ceausescu lên đường đi thăm Iran như đã dự định từ trước –
Iran là một trong vài nước ít ỏi vẫn còn tiếp đón ông như một vị khách.
Nhưng ông chỉ lên đường sau khi nghe báo cáo từ tư lệnh quân đội và mật
vụ là Timisoara đã yên tĩnh trở lại. Như thường lệ, ông để vợ nắm quyền
Rumani khi mình đi vắng.
Khoảng 60 thường dân đã chết đêm đó tại Timisoara. Đó là cuộc biểu tình
chống cộng sản đẫm máu nhất từng thấy tại Rumani. Nhưng tin đồn thì lại
lan ra nhanh chóng rằng một cuộc thảm sát khủng khiếp đã diễn ra.
Đài Phát thanh Châu Âu Tự do, dù chỉ nghe lén lút nhưng được thính giả
cả nước tin cậy, đưa ra số người chết khoảng từ 4.000 đến 20.000. Dĩ
nhiên, truyền thông nhà nước không đề cập gì đến Timisoara nên người dân
Rumani lại càng tin vào điều họ nghe qua đài phát thanh nước ngoài và
tin đồn.
Thầy giáo Alex Serban kể lại: “Chúng tôi đều tin rằng một cuộc thảm sát
khủng khiếp đã xảy ra tại vùng Transylvania. Nó làm chúng tôi cảm thấy
tuyệt vọng, một cảm giác mà từ trước đến giờ chúng tôi chưa hề có. Nó
làm chúng tôi thấy mình không được tiếp tục thờ ơ, thụ động. Nhưng phải
nói là chúng tôi vẫn cần một cú hích nữa, trước khi có thể làm được điều
gì đó.” [5]
Sai lầm thứ nhất: Đại mít-tinh
Thứ Tư, 20 tháng 12. Nicolae Ceausescu từ Iran trở về thủ đô Bucharest
khoảng 3 giờ chiều. Từ giây phút trở về, ông đã đưa ra một loạt những
phán đoán sai lầm nghiêm trọng.
Sai lầm đầu tiên là vội vã quyết định tổ chức một cuộc đại mít-tinh ngay
trung tâm Bucharest vào ngày hôm sau, để mọi người thấy ông vẫn là vị
lãnh tụ được dân yêu mến. Ông khăng khăng tin mình được yêu chuộng, đến
chết vẫn thế, chỉ cần ông nói chuyện với người dân Rumani với tư cách
lãnh tụ, cho họ thấy sức mạnh và quyền lực của ông bao trùm họ, thì họ
sẽ lắng nghe, vỗ tay và ngoan ngoãn vâng lời như từ trước đến nay.
Ông và cả vợ không hề có ý niệm là dân chúng ghê tởm họ đến mức nào.
Thực ra thì bọn nịnh thần liếm gót vây quanh ông bà cũng có biết, nhưng
chẳng ai dám hé răng. Cũng chẳng ai gợi ý cho ông rằng: một cuộc tập
trung lớn theo cách thông thường không còn là việc làm khôn ngoan nhất
vào thời điểm đó nữa.
Đảng bộ tại thủ đô Bucharest đã cật lực làm việc thâu đêm để có được một
đám đông tràn ngập người ủng hộ chào đón ngài Tổng Chỉ huy tại Quảng
trường Palace. Việc tổ chức những sự kiện như thế này cần cả một guồng
máy trơn tru, để bắt đám đông tham gia chứng tỏ lòng trung thành với chế
độ.
110.000 khán giả
Từ sáng sớm thứ Năm 21 tháng 12, cán bộ Đảng trong các xí nghiệp, các sở
ban ngành, đã huy động công nhân viên. Họ chọn người tham gia theo từng
phòng ban. Ai từ chối sẽ có nguy cơ bị đuổi việc.
Người ta chở họ bằng xe buýt xuống trung tâm Bucharest, tại đây họ được
phát cờ đỏ, bảng có hình Ceausescu và các băng rôn, biểu ngữ ca ngợi chủ
nghĩa xã hội. Rồi họ bắt đầu diễu hành thành một dòng người đi dần về
Quảng trường Palace.
Khi tới nơi, họ được kiểm tra lần nữa để loại bỏ những phần tử bất hảo
có khả năng gây rối trà trộn. Mặc dù vậy, nhiều người đi trên những phố
chính của Bucharest, như phố Calea Victorei gần đó, đã bị lùa vào đám
diễu hành để nhanh chóng nâng cao tổng số người tham gia.
Những người trung thành nòng cốt thì mang bảng có hình lãnh tụ và biểu
ngữ đứng hàng đầu. Dân thường thì đứng ở phía sau. Mật vụ Securitate có
mặt đông đảo, nhưng được trải rộng để trà trộn vào đám đông lên tới
110.000 người.
Phút yếu đuối của Chủ tịch
Giữa trưa, nắng mùa đông rực rỡ, cuộc mít-tinh bắt đầu. Đám đông có vẻ
bàng quan khi vài cán bộ Đảng ít được biết tên lên phát biểu khởi động.
Đúng 12g31, Ceausescu, với bà Elena bên cạnh, xuất hiện tại ban-công Trụ sở Đảng. Họ đứng trước một cụm bốn micro để phát biểu.
Ban đầu, mọi sự diễn ra như thường lệ. Quần chúng hoan hô Ceausescu và
tiếng vỗ tay đều nhịp thỉnh thoảng vang lên như điểm xuyết cho những
phát biểu nhạt nhẽo của ông.
Nhưng, tám phút sau khi ông diễn thuyết, một điều chưa từng có đã xảy
ra. Từ phía cuối đám đông có những tiếng ù à, huýt sáo, rồi tiếng hô
trầm trầm, cất lên chuỗi âm thanh TI-MI-SOA-RA chầm chậm, rền rền. Riếng
hô ban đầu nhỏ, nhưng càng lúc càng vang to, càng dứt khoát.
Ceausescu chợt hụt hẫng, lặng đi trong chốc lát. Rồi ông gắng gượng đọc
tiếp bài diễn văn soạn sẵn về “những phần tử phát-xít kích động âm mưu
phá hoại chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng, tiếng hô vang vẫn tiếp tục, giờ đây lại đệm thêm nhiều tiếng huýt
sáo. Truyền hình Rumani, hôm đó được lệnh truyền hình trực tiếp cuộc
mít-tinh, vẫn tiếp tục phát hình.
Nhà đại lãnh tụ bỗng im bặt, đông cứng lại, miệng mở ra, trễ xuống.
Đả đảo và lương hưu
Đó là giây phút yếu đuối chết người của nhà độc tài, và đám đông nắm bắt
được điều đó. Quần chúng bắt đầu la to “Ceausescu! Dân là chủ!” và “Đả
đảo kẻ giết người!”
Trong cơn bối rối, ông đưa tay phải lên. Nhưng hành vi này lại làm quần
chúng sôi lên. Elena nói to với ông, không để tiếng lọt vào micro: “Nói
đi! Hứa hẹn gì đó đi!”
Ceausescu nhìn luống cuống, ông lúng ta lúng túng khi loan báo sẽ tăng
lương hưu và trợ cấp gia đình lên 2.000 lei (khoảng 2 đô-la Mỹ mỗi
tháng). Nhưng chỉ vậy rồi thôi, ông cạn lời, không nói thêm được gì nữa.
Tiếng la ó huýt sao càng lúc càng to. Giám đốc Đài Truyền hình tự ý ra
quyết định ngưng phát sóng. Màn hình TV trống trơn, chỉ còn mỗi chữ
“Truyền hình trực tiếp”. Tay hộ vệ lực lưỡng của Ceausescu, Tướng Marin
Neagoe, vội vã đưa lãnh tụ rời khỏi ban-công.
Nhiều người sau này cho rằng mình là người khởi xướng những tiếng hô
phản đối nhà độc tài trong cuộc mít-tinh này. Vài năm đầu, ai cũng nghĩ
người khởi xướng là sinh viên Nica Leon. Nhưng sau đó thì có nhiều hoài
nghi về những gì Nica tự nhận. Một người đáng tin hơn, đứng ở hàng đầu
đoàn mít-tinh, là tài xế taxi Adrian Donea. Anh kể: “Chúng tôi đều thấy
ông ta thực sự sợ hãi. Lúc đó chúng tôi mới thấy mình có sức mạnh, mình
là một lực lượng.” Còn người đầu tiên cất lên tiếng hô “Timisoara” là
những công nhân đến từ nhà máy điện Turbomecanica, ở ngoại ô Bucharest.
[6]
Náo loạn đường phố
Hầu hết các cuộc cách mạng của đám đông thường hỗn độn. Đám đông tại
Quảng trường Palace đã làm nhà độc tài bị chấn thương trầm trọng, dù
không bắn phát đạn nào.
Nhưng rồi, đám đông lại không biết phải làm gì sau đó.
Nếu lúc đó mật vụ Securitate dùng vũ lực tấn công và buộc những người
chống đối rời khỏi đường phố Bucharest thì diễn biến Cách mạng Rumani có
thể đã rẽ qua một hướng hoàn toàn khác. Nhưng họ đã không đàn áp.
Ngay sau đó, hàng ngũ những người biểu tình được bổ sung hàng ngàn người
từ nhà túa ra, họ vừa xem truyền hình trực tiếp, thấy Ceausescu trên TV
từ một nhà độc tài toàn năng bỗng hóa thành một lão già yếu đuối. Người
khác thì nghe kể lại và cũng túa ra đường xem thực hư thế nào, xem có
thực Ceausescu mất mặt hay không?
Chiều hôm đó, xung đột đã diễn ra tại ba điểm chính ngay trung tâm
Bucharest: Tại Quảng trường Đại học, nơi có Khách sạn InterContinental,
từ nơi này, các phóng viên quốc tế không phải đi đâu xa để thấy những
hỗn loạn đang diễn ra; hai điểm kia là Quảng trường Palace và Đài Truyền
hình Rumani ở phía bắc thành phố.
Trong vài giờ đồng hồ, các lực lượng an ninh án binh bất động. Họ để mặc người biểu tình náo loạn.
Ông Pavel Campeanu – người cộng sản lão thành từng ở chung nhà tù với
Ceausescu, nhưng đã không nhìn mặt nhà độc tài mấy chục năm qua – nhận
định rằng: “Ngay lúc đó, Ceausescu vẫn còn có thể chọn giải pháp đối
thoại với sinh viên, với những người bất đồng, và với những người cộng
sản cải cách. Nhưng … để làm vậy, ông phải đổi hẳn cái nhìn thâm căn cố
đế của mình. Đó là điều ông không làm được.” [7]
Gạch đá chọi súng
Thay vì đối thoại, Ceausescu chọn giải pháp đàn áp và dùng chiến thuật
đã áp dụng ở Timisoara vài ngày trước đó. Từ 6 giờ tối, nhân viên mật vụ
Secirutate và các đơn vị công an đã xả súng bắn vào người biểu tình,
khi vũ khí tự vệ duy nhất của họ là bom chai tự chế, gạch đá, và lá chắn
là những chiếc xe hơi lật ngang trên đại lộ thành phố.
Một người tham gia cách mạng cho biết: “Khắp nơi, chỗ nào cũng náo loạn.
Nhưng chúng tôi quyết tâm trụ lại trên đường phố để phản kháng, ít nhất
là trong đêm đó, rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra.”
Không có bộ đội chính quy nào dự phần vào cuộc đàn áp. Họ ở lại trại.
Vài người được phái đến nhưng hầu hết đều là tân binh, họ cũng hoang
mang, không biết phải nã súng vào ai.
Sai lầm thứ hai: Cố bám
Bên trong trụ sở Đảng Cộng sản tại Quảng trường Palace, Ceausescu phạm sai lầm lớn thứ hai.
Vốn là người rất lo lắng cho an ninh bản thân, ông đã mướn nguyên một
đội cận vệ với 80 mật vụ được đào tạo kỹ thuật cao, được đãi ngộ và trả
lương hậu hĩnh để trung thành tuyệt đối. Không những thế, dưới đất trụ
sở Đảng là một hệ thống đường hầm bí mật nối kết với những dinh thự khác
của ông tại Bucharest.
Với điều kiện như vậy, Ceausescu có thể dễ dàng thoát khỏi thành phố,
đến nơi khác để tập hợp những kẻ trung thành và xoay chuyển tình thế.
Nhưng, ông đã không dùng biện pháp này. Cũng không ai hiểu vì sao.
Suốt buổi chiều và đêm hôm đó, Ceausescu co cụm trong trụ sở cùng các
cận vệ và quan chức thân cận. Một lần, ông nói với họ rằng: “Tôi sẽ ở
lại chiến đấu… Tôi sẽ không bỏ chạy dưới áp lực, và vợ tôi cũng đồng
quan điểm.”
Chẳng ai buồn thuyết phục ông làm khác đi. Thậm chí một số người đã đổi
chiều với toan tính riêng để tự cứu. Những người khác thì tiếp tục im
lặng vì sợ hãi, như xưa nay vẫn vậy. [8]
Đêm không ngủ
Đêm đó, quần chúng trụ lại trên đường phố. Thỉnh thoảng cũng có những
cuộc đụng độ đây đó khiến khoảng 35 người chết, nhưng mật vụ Securitate
và công an chống bạo động đã biến mất trước khi mặt trời lên.
Một đám rất đông người, nhưng rất ôn hòa, đã chiếm đóng Quảng trường
Palace. Alex Serban nhớ lại: “Chúng tôi nghĩ có gì đó sẽ xảy ra. Nhưng
chẳng biết đó sẽ là gì.”
Đài Truyền hình Rumani lại tiếp tục truyền hình trực tiếp các cuộc biểu
tình. Không ai ra lệnh cho họ ngưng ghi hình, nhưng có thể thấy là để
các nhà quay phim tiếp tục giữ máy ghi hình, họ phải có lòng dũng
cảm.[9]
Sai lầm thứ ba: Đổ tội
Lúc 9 giờ sáng, thứ Sáu 22 tháng 12, bên trong trụ sở Đảng, nhà độc tài
Ceausescu đã đưa ra một quyết định khiến quân đội xoay chiều, chống lại
ông, làm ông tiêu tan mọi hy vọng.
Ceausescu cho rằng phải có kẻ chịu trách nhiệm về những bạo loạn trong
thành phố, nên ông chĩa mũi dùi vào Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Vasile
Milea. Ông nói Milea mắc tội ‘phản quốc’ vì đã không ra lệnh cho binh
lính bắn vào người biểu tình, và quyết định sa thải Milea.
Những gì xảy ra cho Milea ngay sau đó đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn.
Theo ý kiến của gia đình Milea, của bạn bè và một số thuộc cấp thì ngay
sau 10 giờ sáng, theo lệnh của Ceausescu, một nhóm mật vụ đã áp giải
Milea lên tầng trên, vào phòng làm việc của ông, và sau đó bắn ông chết.
Một diễn giải khác, được các nhóm sĩ quan khác đưa ra, cho rằng Milea
được đưa vào phòng làm việc của mình, và ông đã tự sát ở đó.
Thông báo chính thức phát đi lúc 11 giờ thì nói: “Tướng Milea, tên phản quốc, đã tự sát”.
Dù cách nào đi nữa thì tin này đã có một ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Ngay
khi tin được loan ra, một loạt những tiếng la ó phản đối đã vang lên dữ
dội quanh Quảng trường Palace.
Ai cũng rõ, tướng bụng phệ 62 tuổi Milea suốt bao nhiêu năm qua là một
trong những kẻ nham hiểm nhất trong hàng ngũ những tên nịnh hót bao
quanh Ceausescu. Ông được một số sĩ quan cao cấp nể trọng, nhưng các sĩ
quan cấp dưới thì chẳng xem ông ra gì. Tức khắc, ông được biến trở thành
vị tử đạo của cuộc cách mạng đang diễn ra.
Quân về với dân
Tư lệnh của cả ba binh chủng quân đội đều đồng loạt từ bỏ Ceausescu và
xem ông như kẻ không còn mảy may chính nghĩa. Binh sĩ của họ cũng lập
tức đứng về hàng ngũ những người đang nổi dậy
Binh lính tháo băng đạn ra khỏi nòng súng và huơ lên cao cho dân thấy.
Một số xe tăng sáng hôm đó được lệnh án ngữ các đại lộ trung tâm thành
phố, giờ đây nắp xe tăng mở tung và lính binh chủng tăng cũng đứng lên
vẫy chào quần chúng xung quanh. Một tiếng hô nữa lại vang dội trên Quảng
trường Palace và lan ra toàn thành phố: “Quân đội – đã về với nhân
dân.” [10]
Khoảng 11 giờ 30 sáng, một chiếc trực thăng trắng đã đáp xuống sân thượng Trụ sở Đảng, trong tiếng la ó của quần chúng bên dưới.
Ceausescu cố gắng nói chuyện với dân chúng lần nữa nhưng ông đã hoàn
toàn thất bại. Ông bước ra ban-công tầng một, nơi ông đã đọc diễn văn
hôm trước. Nhưng lần này thì quần chúng lấy gạch đá và những gì có thể
nhặt được ném ông.
Cận vệ kéo ông và bà vợ Elena rời khỏi ban-công đi về phía thang máy.
Dân vào nhà, Chủ tịch lên mái
Một nhóm người biểu tình lúc đó đã phá được cổng thép lớn dẫn vào tòa
nhà. Với số đông, họ áp đảo và đoạt súng của lính gác. Họ chạy ùa lên
thang, nơi cận vệ Ceausescu chống cự. Nhưng sau khi chống cự quyết liệt
được vài phút, những cận vệ này cũng đầu hàng.
Đám đông tiếp tục tràn vào, băng qua phòng làm việc của Ceausescu và
xuất hiện trên ban-công, nơi họ được hàng ngàn người đứng dưới quảng
trường hoan hô, cổ vũ.
Không ai trong số người nổi dậy này biết rằng lúc đó, họ chỉ đứng cách
nhà độc tài bị họ ghê tởm có vài mét mà thôi. Lúc này, ông đang bị kẹt
trong thang máy và thoát được chỉ nhờ may mắn.
Biệt đội mật vụ bảo vệ ông đã quyết định không đi xuống tầng hầm, nơi
những người còn sót lại cùng ông có thể dùng hệ thống đường ngầm bí mật
để thoát hiểm. Họ quyết định đi lên sân thượng. Nhưng rủi thay, điện bị
mất khi các cuộc đụng độ xảy ra, thang máy kẹt cứng trước khi đến được
tầng cao nhất.
Sau vài phút loay hoay vất vả, các cận vệ cậy bung được cánh cửa thang
máy và đưa lãnh tụ và vợ, lúc này đang thở gấp, đứt đoạn và hốt hoảng,
leo lên sân thượng.
Họ được hai người tin cậy nhấ tháp tùng: Thủ tướng Emil Bobu, và Phó Thủ
tướng Manea Manescu, một trong những anh em rể của Ceausescu.
Trực thăng nóc nhà
Cánh quạt trực thăng Ecureuil, do Pháp chế tạo, lúc đó đang quay phần phật. Họ phải quyết định nhanh.
Phi công trực thăng, Thiếu tá Vasile Malutan, 46 tuổi, cũng có chiếc
bụng phệ, tiếp đón họ. Ông là phi công riêng của Ceausescu trong tám năm
qua, nhưng lần này ông lại không hề muốn tham gia vào chuyến di tản bất
đắc dĩ.
Ông kể: “Tôi được lệnh bay đến sân thượng tòa nhà và ở đó chờ. Ban đầu,
thực ra là có bốn chiếc trực thăng, ba chiếc để chở thành viên chính
phủ. Nhưng nhiệm vụ của ba trực thăng kia đã bị hủy bỏ. Bản thân tôi
cũng nghĩ tới việc bay khỏi nơi này… mà không đón bất cứ ai. Nhưng tôi
thấy một số tay mật vụ chuyên bắn tỉa trên các mái nhà gần đó. Tôi sợ
nếu họ thấy tôi bay đi mà không đón ai thì họ sẽ bắn hạ tôi ngay. Tôi
gọi điện về căn cứ hỏi: ‘Tôi có cần ở lại không?’ Họ trả lời: ‘Có, cứ ở
lại chờ!’” Lúc đó Malutan biết rõ những gì đang xảy ra dưới kia, vì căn
cứ liên tục kể cho ông nghe những gì dân Rumani đang thấy trên TV.
Khi phát hiện số người chuẩn bị lên máy bay quá đông, Malutan thốt lên:
“Đông quá, không chở hết!” Nhưng ngay lúc đó, một số người biểu tình đã
leo lên được mái nhà và có thể ào lên trực thăng trong giây lát. Thế là
đám người tháo chạy mặc kệ lo ngại của phi công, trèo lên trực thăng.
Khi cất cánh, chiếc trực thăng đã phải ì ạch, may mắn lắm mới rời khỏi
nóc nhà. Phi công kể: “Nếu đậu trên mặt đất, tôi không nghĩ mình có thể
bay lên.”
Lúc đó là 12 giờ trưa. Trong trực thăng có tổng cộng chín người, gồm cả
ba người tổ bay. Quá chật đến nỗi một người trong tổ bay phải ngồi trên
đùi một cận vệ.
Elena khóc như mưa. Ceausescu hoàn toàn suy sụp.
Sau vài phút bay, phi công Malutan quay hỏi Ceausescu: “Đi đâu?” Vị lãnh
tụ bối rối. Ông và Elena tranh cãi một lát rồi cuối cùng Ceausescu nói:
“Đi Snagov”, một điểm cách Bucharest 60 km về phía tây bắc, nơi ông có
một dinh thự ven hồ. [11]
Ồ-lê, Ô-lế, Ô-lề
Niềm vui vỡ oà tại Quảng trường Palace khi quần chúng nhìn thấy chiếc trực thăng của Chủ tịch hối hả rời thành phố.
Khắp nơi, đâu cũng thấy lá cờ Rumani ba màu đỏ, xanh dương, vàng với một
lỗ tròn chính giữa – huy hiệu búa liềm giữa cờ đã bị đục bỏ còn lại một
lỗ tròn vo.
Quần chúng cất tiếng hát, hầu hết hát theo giai điệu bài hát bóng đá nổi
tiếng được cất lên trong bất cứ trận bóng nào. Họ hát rằng:
Ole, Ole, Ole, Ole
Ceausescu unde é?
Ole, Ole, Ole, Ole
Ceausescu nu mai é!
(Ồ-lê, Ồ-lê, Ồ-lế, Ô-lề
Ceausescu đâu rồi?
Ồ-lê, Ồ-lê, Ồ-lế, Ô-lề
Ceausescu hết thời!)
Hàng trăm người tràn ngập trụ sở Đảng. Khi ùa vào tòa nhà, họ tin rằng
họ là những người khởi nghĩa và chính họ đã lật đổ nhà độc tài. Nhưng đó
là một đoàn người hỗn độn, ngẫu nhiên hình thành vì có mặt vào đúng
nơi, đúng lúc. Trong số, có công nhân xí nghiệp, tài xế taxi, thư ký văn
phòng, giáo viên… Một trong những người đầu tiên lọt vào sảnh trung tâm
tòa nhà là một cô phục vụ quày rượu tại khách sạn du lịch
InterContinental gần đó.
Trong văn phòng khổng lồ, nơi Ceausescu từng làm việc, họ thảo luận hàng
giờ đồng hồ nhưng hoàn toàn không có tổ chức. Không ai trong họ có kinh
nghiệm làm việc trong guồng máy chính quyền, hoặc thuộc phe đối lập. Ai
cũng có ý kiến, nhưng không ai có quyền lực. Giữa tình thế hỗn độn này,
quyền lực lại nằm ở chỗ khác.
Truyền hình giữ một vai trò then chốt trong Cách mạng Rumani, nhưng
không phải các đài phát thanh hay truyền hình quốc tế đã tạo nên bước
chuyển. Vào ngày hỗn loạn đầu tiên, sau khi Ceausescu bỏ chạy, các
studio ghi hình của Đài Truyền hình Rumani đã bỗng nhiên trở thành trụ
sở của chính quyền cách mạng.
Gelu Voican-Voiculescu, một trong những lãnh đạo đầu tiên thời kỳ
hậu-Ceausescu, cho biết: “Thành công của chúng tôi là thành công trong
việc sử dụng sức mạnh truyền hình.” [12]
Lên Đài
Từ sáng ngày 22 tháng 12, bất cứ ai ở Bucharest có chút ảnh hưởng, hoặc
nghĩ mình có chút ảnh hưởng, đều ghé đến trụ sở của Đài Truyền hình
Rumani, một tòa nhà bằng bê-tông xấu xí nằm trên một đại lộ trung tâm
thành phố.
Ion Iliescu, được biết tới trong hàng ngũ Đảng Cộng sản như một đối thủ
cẩn trọng của Ceausescu, kể lại rằng khoảng giữa sáng hôm đó, anh mật vụ
Securitate vẫn lẽo đẽo theo dõi ông trong bao nhiêu năm nay tự nhiên
biến mất. Thế là ông đi thẳng đến Đài Truyền hình.
Tướng Victor Stanculescu, mới được phong chức Bộ trưởng Quốc phòng sáng
hôm đó, thay cho Tướng Milea đã chết, cũng là người khuyên Ceausescu
thoát thân bằng trực thăng, cũng đến Đài Truyền hình, cùng một số sĩ
quan cao cấp khác.
Nhà thơ phản kháng Mircea Dinescu cũng thế. Ông bị quản thúc tại gia ở
Bucharest suốt sáu tháng trước vì dám trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp
Libération. Ông cũng đi thẳng đến Đài Truyền hình. Đến Đài Truyền hình
vô tình đã trở thành một việc làm tiêu biểu của Cách mạng Rumani.
Ông kể lại: “Sáng thứ Sáu 22 tháng 12, một người hàng xóm gọi điện báo
cho tôi rằng mấy anh mật vụ Securitate có vũ trang đứng gác trước cửa
nhà tôi đã đi rồi, không còn nữa. Thế là tôi đi ra ngoài, đảo một vòng
xem sao. Đúng vậy, họ đi rồi! Thế là tôi lang thang vào thành phố. Rồi
một đám đông người biểu tình ùa đến với tôi, họ nhấc bổng tôi lên. Họ
đặt tôi đứng trên một chiếc xe bọc sắt và loan báo với binh lính chung
quanh rằng ‘Đây là Dinescu! Hãy đưa ông ấy đến Đài Truyền hình!’ Mọi sự
diễn ra như trong một cuốn phim dở về cách mạng.”
Diễn viên Nhà hát Quốc gia, Ion Caramitru, một trong những nghệ sĩ được
ưa chuộng nhất trong nước, cũng được chở đến Đài Truyền hình trên nóc
một chiếc xe tăng.
‘Có biết gì đâu’
Một giờ đồng hồ sau khi Ceausescu tẩu thoát, giữa những hỗn độn, không
biết phải làm gì, ban điều hành Đài Truyền hình đã cho ngưng phát sóng.
Nhưng khoảng 1 giờ chiều, truyền hình trực tiếp lại được tiếp tục và
những người đầu tiên xuất hiện trên TV là nhà thơ và diễn viên kể trên.
Họ mỉm cười thật rạng rỡ và vui vẻ. Nhà thơ Dinescu công bố: “Nhà độc
tài đã bỏ chạy.” Đến cuối ngày thì nhà thơ này sẽ trở thành một bộ
trưởng trong chính phủ mới.
Với hàng triệu người Rumani sống bên ngoài thủ đô Bucharest thì đó là
bản tin đầu tiên họ được nghe về cuộc cách mạng ở Bucharest. Một trong
số là Silviu Brucan, một trí thức phản kháng, kẻ đối đầu với Ceausescu
[lúc đó bị giam lỏng ở ngoại ô Bucharest] nghe xong bản tin, ông cũng
đến Đài Truyền hình.
Diễn viên Caramitru tâm sự: “Cảm giác giải thoát và phấn khích sau ngần
ấy năm ngộp thở quả thực là hết sức say mê! Nhưng chúng tôi có biết gì
đâu! Làm sao chúng tôi thành lập được chính phủ bây giờ? Tôi chỉ là diễn
viên mà thôi. Tôi hoàn toàn không có một khái niệm mình sẽ là Tổng
thống hay gì khác.” [13]
Nhưng trong số vẫn có những người nắm được bản chất của quyền lực. Ion
Iliescu và những người theo phe ông thấy ngay cơ hội kiểm soát cuộc cách
mạng, và họ đã lập tức nắm lấy.
Mới như cũ
Khi Ion Iliescu đến Đài Truyền hình thì mọi sự đang hỗn loạn. Ông kể
lại: “Ai cũng muốn nói, cũng cho thấy thiện chí. Nhưng tôi cảm thấy rằng
phải tái lập trật tự, vì thiện chí và cảm xúc thuần túy có thể dẫn đến
tình trạng vô chính phủ.”
Ông và một vài quan chức cộng sản bị Ceausescu đối xử tệ không thăng
chức trước đó, cùng một số đông các tướng lĩnh và một vài trí thức phản
kháng đã thành lập chính quyền từ những mảnh đổ nát còn sót lại của nền
độc tài Ceausescu.
Cũng vì vậy, một giả thuyết được lan truyền rộng rãi rằng: có một âm mưu
tiếm quyền được tính toán kỹ lưỡng. Giả thuyết này được người dân
Rumani và các nơi khác tin là thật.
Sự xuất hiện của quá nhiều người cộng sản cũ, chưa hề thay da đổi thịt,
trong chính quyền mới, và sự khó khăn của quá trình dân chủ hóa sau đó
càng làm cho giả thuyết vừa kể trên nghe đáng tin hơn.
Thực ra, không có chứng cớ hay tài liệu gì khẳng định giả thuyết kia là
đúng. Giả thuyết cũng tự mâu thuẫn, một mặt công nhận tình hình hỗn loạn
không thể dự đoán khi quần chúng nổi dậy và nhà độc tài bỏ chạy, một
mặt lại nói tới âm mưu được tính toán cẩn thận hàng tháng trước. Rõ ràng
mặt này phủ nhận mặt kia, khiến kết luận về một âm mưu lật đổ có từ
trước trở nên khó tin.
Không thể và có thể
Nhưng vẫn có nhân vật, như Tướng Nicolae Militaru, người trở thành Bộ
trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới, khẳng định là đã có một kế
hoạch từ trước.
Ông nói kế hoạch lật đổ Ceausescu dự tính sẽ diễn ra vào tháng 2 năm
1990. Ceausescu sẽ bị bắt giam khi đang ở ngoài Bucharest và sẽ bị vô
hiệu hóa bằng súng bắn thuốc mê, lúc đó quân đội và lực lượng cách mạng
nòng cốt sẽ tuyên bố đảo chính. Tuy nhiên, súng bắn thuốc mê sẽ chỉ được
chuyển đến vào giữa tháng 1, 1990, vì thế, cuộc cách mạng vừa rồi đã đi
trước cuộc đảo chính dự định. Chính phủ mới dự định sẽ được đặt tên là
Mặt trận Cứu nguy Tổ quốc và Ion Iliescu sẽ là người đứng đầu.
Tuy nhiên, Ion Iliescu và các thành viên hàng đầu của chính quyền
hậu-Ceausescu đã bác bỏ ý kiến về âm mưu kể trên. Iliescu nói: “Nhiều
người đã bàn về việc cần làm trong tương lai, về cách để thoát khỏi thảm
trạng hiện nay. Tôi cũng có nói chuyện với giới quân sự. Nhưng liệu họ
có dám hành động để loại bỏ chế độ Ceausescu không? Có kế hoạch, cũng
phải có điều kiện thuận tiện cho kế hoạch thành công. Chúng tôi bàn bạc
xem có thể làm gì, nhưng… mọi sự đã rõ – từ những người ở trong quân đội
hay các tập thể khác – rằng không thể làm được bất cứ điều gì!” [14]
Khi Iliescu nói chuyện trên TV chiều thứ Sáu 22 tháng 12, ông tỏ ra là
một nhân vật có uy quyền, ông hứa sẽ đưa kẻ bấy lâu đầy đọa người dân
Rumani ra ‘xét xử trước công chúng.’ Ông cũng nói nhiệm vụ trước mắt là
tái lập trật tự, vì vào lúc đó, chưa ai biết chắc liệu Ceausescu có phản
pháo hay không. Rồi ông kêu gọi ‘mọi người dân có trách nhiệm’ đứng ra
thành lập các Ủy ban Cứu nguy Tổ quốc.
Đến 6 giờ tối cùng ngày, quân đội xem như đã hoàn thành việc đưa Iliescu
lên làm người đứng đầu chính quyền mới, một chính quyền còn chao đảo,
yếu ớt, ra đời trong bất định và hỗn độn, nhưng có một nhiệm vụ cấp bách
bậc nhấc: Dập tắt nguy cơ một cuộc nội chiến.
Khủng bố di động
Súng đã nổ lúc 7 giờ tối. Các nhóm nhỏ sĩ quan mật vụ Securitate trung
thành với Ceausescu bắt đầu nổ súng bừa bãi vào đám đông trên đường phố
đang ăn mừng cách mạng. Các cuộc nổ súng đã diễn ra nghiêm trọng trong
một ngày hai đêm, rồi thưa thớt hơn một ngày sau đó.
Thật khó xác định ai bắn vào ai và vì sao. Hầu hết các vụ bạo động diễn
ra gần như vô cớ và tùy tiện. Chẳng hạn như vụ bắn phá Thư viện Quốc
gia, với kiến trúc tân-cổ-điển rất đẹp, trong lúc Thư viện không có một
ai. Rút cuộc, chỉ có hàng trăm pho sách quý hiếm bị tiêu hủy.
Mật vụ Securitate hoạt động chiếu theo công lệnh có mã số 2600, vốn quy
định cách chiến đấu trong tình huống có ngoại xâm hoặc có nổi dậy nghiêm
trọng. Không rõ ai đã kích hoạt lệnh này, vì những người cao cấp nhất
của Securitate, gồm cả Tướng Vlad, đều đã bỏ qua hàng ngũ cách mạng.
Chiến thuật được dùng không nhắm mục tiêu quân sự, mà được thiết kế để
khủng bố, làm dân chúng sợ bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Trước tình thế này, quân đội cũng không biết đáp trả ra sao. Phần lớn
binh lính vừa nhập ngũ, chưa được huấn luyện kỹ, cũng chưa từng bắn phát
súng sát thương nào. Phân biệt đâu là bạn đâu là thù thật khó, nhất là
khi có hàng ngàn thường dân được binh lính giao vũ khí lấy từ các trại
lính.
Những mật vụ “khủng bố” lại hay mặc thường phục hoặc ngụy trang thành
lính. Họ chia thành từng toán nhỏ, đi trong các đường ngầm và cống rãnh
để di chuyển quanh Bucharest, sau đó chui lên, tấn công các đơn vị quân
đội hay mục tiêu dân sự rồi đột ngột lặn mất.
Tấn công Đài Truyền hình
9 giờ tối, thứ Sáu 22 tháng 12, họ tấn công Đài Truyền hình, nhưng dường
như không để chiếm đóng. Lúc này, Đài Truyền hình đã được nhiều xe tăng
bao quanh để bảo vệ. Lực lượng bảo vệ cũng là tân binh, chỉ được huấn
luyện trong vòng chưa đầy hai tháng và lại mặc áo giáp hạng nặng, phù
hợp với chiến trường lớn hơn là để chống du kích chiến trên đường phố.
Cuộc đọ súng nổ ra trong khoảng một tiếng. Có 62 người chết, phần lớn là
thường dân mắc kẹt giữa hai làn đạn. Đài Truyền hình còn bị tấn công
vài lần nữa trong mấy ngày kế tiếp. Tuy vậy, tin đồn lại lan ra rằng
hàng ngàn người đã chết và Bucharest đã tắm máu, giao tranh diễn ra dữ
dội.
Trên toàn cõi Rumani, số người chết chính xác là 1.104 người, trong số
có 493 chết tại Bucharest và một phần ba là những tay mật vụ “khủng bố”.
Có 3.352 người bị thương, 2.000 trong số là ở Bucharest. Sự kiện riêng
rẽ tệ hại nhất là một vụ quân mình bắn quân ta. Sáng sớm ngày thứ Bảy 23
tháng 12, binh lính canh gác phi trường Otopeni của Bucharest đã vô
tình nổ súng vào xe chở lực lượng tiếp viện đến bổ sung quân số cho họ.
Theo lời kể của Valentin Gabrielescu, chủ tịch cuộc điều tra của Thượng
viện về các vụ giao tranh trong thời gian cách mạng, thì phần lớn người
chết là “thường dân vô tội, bị kẹt giữa làn đạn của một bên là lính mới
đang hoảng loạn, và một bên là thường dân nã súng vào bọn khủng bố. Cùng
với quân đội và công an, hàng ngàn thường dân cũng được vũ trang, họ
lại bị áp lực vì tin đồn thất thiệt và những mối nguy tưởng tượng… người
này cứ thế bắn vào người kia. Thật hỗn loạn.” [15]
Cuộc tẩu thoát bi hài
Cuộc tẩu thoát của Ceausescu phải nói là vừa bi vừa hài. Xế chiều hôm đó
thì cặp vợ chồng sẽ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa và bị bắt. Nhưng
trước hết, hãy trở lại với cuộc tháo chạy bằng trực thăng vào ngày thứ
Sáu 22 tháng 12.
Sau khi thoát nạn trong gang tấc khi bay khỏi nóc nhà trụ sở Đảng, họ
tiếp tục bay trong 20 phút đến Snagov, nơi hai ông bà có căn dinh thự 42
phòng, nhưng cũng không ở đây lâu. Ceausescu gọi một loạt cuộc điện
thoại nói chuyện với các bí thư tỉnh ủy xem còn nơi nào sẵn sàng cho ông
đến lánh nạn không. Hai ông bà không tính đến chuyện trốn ra nước
ngoài. Ceausescu cau mày khi được báo cáo cách mạng đã lan ra khắp nơi.
Họ lên căn phòng trên tầng một, lục tung tủ rả, đổ mọi thứ từ ngăn kéo
ra, lật ngược nệm giường, rồi dồn mọi thứ vào những túi màu xanh, kể cả
hai ổ bánh mì. Sau 15 phút, khoảng 1 giờ 20 chiều, họ vội vã chạy trở
lại trực thăng đang chờ. Họ cho hai hành khách bất đắc dĩ là Thủ tướng
Bobu và Phó Thủ tướng Manescu rời đoàn để đi bằng xe, tự lo cho bản
thân. Trước khi đi, Manescu [em vợ Ceausescu] đã quỳ xuống, hôn tay Chủ
tịch.
Bi hài trên không
Giờ thì vợ chồng Ceausescu chỉ còn có hai người cận vệ đi theo, Trung úy
Florian Rat và Marian Rusu. Viên phi công thì nãy giờ nóng lòng muốn bỏ
mặc Chủ tịch và bầu đoàn của ông, nhưng hai cận vệ cứ chĩa súng vào
anh, bảo anh phải làm những gì Chủ tịch yêu cầu.
Phi công Malutan kể: “Khi đã vào chỗ trên trực thăng, Ceausescu hỏi tôi
‘Anh ở phe nào? Ta đi đâu đây?’ Tôi đáp: ‘Ông bảo đi đâu thì đi đó!’
Chúng tôi cất cánh lúc 1 giờ 30 chiều. Hai cận vệ rất căng thẳng. Họ cứ
chĩa súng ngắn tự động vào tôi. Trong khi đó thì qua tai nghe, tôi nghe
tiếng chỉ huy của mình nói rằng ‘Vasile, nhớ nghe radio. Cách mạng đang
diễn ra!’ Ngay sau đó, Ceausescu ra lệnh cho tôi cắt đứt liên lạc radio
với căn cứ. Tôi rất muốn thuyết phục ông ta cho tôi hạ cánh… nhưng tôi
có một mình, lại bị cắt đứt liên lạc với chung quanh.” [16]
Phi công được lệnh bay đi Pitesti ở tây nam Rumani. Anh cố tình bay lên
cao “để ra-đa phát hiện ra chúng tôi”. Nhưng một trong hai cận vệ đoán
được ý đồ của anh nên hỏi: “Vasile! Anh làm quái gì thế?” Phi công quay
qua nói với Ceausescu: “Chúng ta bị ra-đa phát hiện rồi!” Vợ chồng
Ceausescu rất hốt hoảng. Ceausescu la to: “Bay xuống! Hạ cánh gần đường
lộ!”
Phi công cho trực thăng hạ cánh trên một cánh đồng cách Titu 4 km, ngay bên ngoài làng Salcuta. Lúc đó là 1 giờ 45 chiều.
Bi hài trên cạn
Cận vệ Marian Rusu ngoắc hai chiếc xe hơi đi ngang. Vợ chồng Ceausescu
và cận vệ Florian Rat lên một xe. Còn Rusu, cận vệ riêng của Elena trong
nhiều năm, lên chiếc xe còn lại. Rushu hứa sẽ bám theo họ ngay phía
sau. Nhưng, Rusu đã bỏ rơi họ ngay sau đó.
Chiếc xe vợ chồng Ceausescu ngồi là chiếc Dacia màu đỏ do Bác sĩ Nicolae
Deca lái. Ông bác sĩ lập tức nhận ra ai đang ngồi trong xe mình, và ông
tìm cách tránh xa các vị khách bất đắc dĩ này càng sớm càng tốt. Ông
nói xe hết xăng. Dĩ nhiên là nói dối, nhưng lại nghe rất có lý trong
tình hình khan hiếm ở Rumani lúc bấy giờ.
Cận vệ Rat lại bắt một tài xế khác chở, đó là Nicolae Petrisor, 25 tuổi,
khi anh đang ở trước cửa nhà mình. Ceausescu bảo anh lái xe đến
Targoviste, nơi có một nhà máy kiểu mẫu – xây chỉ đề làm màu, lấy tiếng –
mà ông đã từng ghé thăm vài lần cùng quan khách nước ngoài. Người ở đó
là những công nhân được đặc biệt ưu đãi, là những người cộng sản trung
thành, chắc chắn họ sẽ đón tiếp ông bà, Ceausescu nói với Elena như thế,
nhưng bà vẫn tỏ vẻ nghi ngại.
Khi họ đến Targoviste, thì oái oăm thay, thị trấn này cũng đang tưng bừng ăn mừng tin cách mạng nổ ra.
Họ bỏ cận vệ Rat bên ngoài thị trấn. Sợ bị nhận diện, hai vợ chồng cứ
phải cúi đầu, giấu mặt. Petriso được lệnh lái xe đến một đồn điền mà hai
ông bà đã thăm viếng nhiều lần. Giám đốc đồn điền, Victor Seinescu, cho
họ vào.
Nhưng đến khoảng 2 giờ 45 chiều, Seinescu lại gọi dân quân địa phương và
báo cho họ biết lai lịch của hai vị khách. Vợ chồng Ceausescu được hai
dân quân mặc đồng phục dẫn đi. Nhưng phải đến ba giờ sau đó, họ mới được
giao nộp cho quân đội, dù trại lính chỉ cách đó 450 mét.
Cũng như rất nhiều những sĩ quan cao cấp chiều hôm đó, Seinescu phải
quyết định mình theo phe nào. Cuối cùng thì ông quyết định giao vợ chồng
Ceausescu cho quân đội. Khoảng gần 6 giờ tối, họ được đưa tới trại lính
tại Targoviste, nơi đóng quân của một đơn vị pháo phòng không.
Chỗ ở cuối cùng
Thật khó đưa hai người đến trại lính mà không bị ai phát hiện. Vì vậy,
vợ chồng Ceausescu được đưa lên một xe bọc sắt để tránh ánh mắt của công
chúng, và xe phải đi đường vòng tới trại lính. Chuyến đi mất khoảng năm
phút.
Đến nơi, ông bà được đưa đến nơi trú ngụ cuối cùng. Một văn phòng được
biến thành hai khu riêng, cách nhau một dãy bàn. Hai chiếc giường lính
đặt trong góc phòng, có chăn nhưng không có khăn trải. Một lò sưởi lớn
bằng gốm nằm ở góc phòng còn lại, cạnh đó là bồn rửa có vòi nước lạnh.
Khu vực tầng trệt này của trại lính được cách ly với mọi người, chỉ trừ
một vài sĩ quan và hạ sĩ quan được chọn lọc đặc biệt. Thiếu tá Ion Secu
là người có mặt với hai vợ chồng trong hai ngày rưỡi cuối cùng sắp tới
của họ.
Thoạt đầu, Secu cho biết: “Ceausescu cư xử như ông vẫn đang là Tổng Tư
lệnh tối cao. Câu đầu tiên ông nói là ‘Tình hình thế nào rồi? Báo cáo
tôi nghe!’ Tôi đáp rằng ‘Chúng tôi ở đây là để bảo vệ ông khỏi quần
chúng. Nhưng chúng tôi phải tuân lệnh những người cầm quyền tại
Bucharest!’ Câu đó làm ông nổi nóng, châm ngòi cho một chuỗi những lời
nguyền rủa bọn phản bội đã chủ mưu chống lại ông. Phải một lúc sau ông
mới hiểu ra thực trạng là mình đang bị giam giữ.” Tâm trạng của ông biến
động, lúc thì im lặng, tuyệt vọng, lúc thì kích động la lối, nguyền rủa
bọn ‘phản bội’.
Người chỉ huy, Trung tá Mares, lo lắng cho an ninh của ông trên hết. Lúc
đó trong căn cứ có 500 binh sĩ và 40 nhân viên dân sự. Ai biết được sự
có mặt của Ceausescu đều bị hạn chế rời khỏi căn cứ.
Một triệu đô và nạt nộ
Thỉnh thoảng, Ceausescu cũng dở trò dụ dỗ người khác. Một trong những
người canh giữ ông 24/24 kể lại rằng: “Ông đến gần tôi… chìa tay ra cho
tôi, nói rằng ‘Tôi sẽ cho cậu một triệu đô Mỹ, và bất cứ cấp bậc nào
trong quân đội mà cậu thích, nếu cậu giúp đưa chúng tôi ra khỏi đây!’
Nhưng tôi không tin ông ấy nói thật lòng. Tôi nghĩ thầm, chưa chắc đã
được triệu đô, mà có khi lại ăn ngay một viên đạn vào gáy không chừng.
Nên tôi nói với ông ‘Không được đâu!’”
Với Elena thì đó là ba ngày bà càm ràm không ngừng. Người canh gác bà kể
lại: “Bà chê hết cái này đến cái khác! Bà ấy sợ, nhưng lúc nào cũng
giận dữ, cơn giận của bà cũng thật đáng sợ. Ông Ceausescu bị tiểu đường
nên phải đi vệ sinh nhiều lần, mà nhà vệ sinh cuối hành lang thì lại bốc
mùi hôi thối. Bà dứt khoát không chịu dùng nhà vệ sinh kia! Thế là
chúng tôi phải đưa cho bà một cái bô để đi trong phòng. Lúc nào tôi nói
điều gì với ông thì bà đều nạt nộ rằng ‘Anh dám ăn nói với vị Tổng Tư
lệnh như thế à?!’”
Đêm đầu tiên hôm đó, theo lời Secu kể lại, họ ngủ chung một chiếc giường
đơn, họ co cụm lại, hai người già giang tay ôm lấy nhau. Secu cho biết:
“Họ nói thì thầm, nhưng dù đang ôm nhau họ vẫn cứ càm ràm cãi qua cãi
lại. Có lúc Ceausescu nói ‘Nếu bà nói tôi biết sớm mấy chuyện bà biết,
thì tôi đã xử thằng Iliescu đó rồi! Tôi đã cho nó đi đời mùa hè vừa rồi.
Nhưng bà đâu có cho tôi biết!’ Bà thì cũng có lúc cự lại ông rằng: ‘Tất
cả là lỗi tại ông. Đáng lẽ mình không nên đến đây ngay từ đầu. Tại ông
hết!’”
Ăn sĩ quan, mặc ngụy trang
Họ không chịu ăn bất cứ thứ gì, ngoại trừ bánh mì và táo, và chỉ uống
nước trà không đường. Thức ăn được đưa đến cho họ từ nhà ăn của các sĩ
quan, nhưng họ không đụng đến, dường như sợ thức ăn có thuốc độc.
Buổi sáng đầu tiên hôm sau, các sĩ quan cho họ mặc quần áo lính, để nếu
trại lính có bị mật vụ Securitate trung thành với ông bà tấn công thì
chúng cũng khó tìm ra hai ông bà. Họ yêu cầu Ceausescu cởi áo choàng sẫm
màu và mũ lông để mặc quần áo lính. Elena không chịu thay quần áo. Lính
gác phải dùng sức để lột chiếc áo choàng cổ lông thú trên người bà, rồi
choàng cho bà chiếc áo khoác quân đội mùa đông và chụp lên đầu bà chiếc
mũ lính.
Dụ dỗ cuối cùng, súng nổ đêm Giáng sinh
Đêm đó, Ceausescu một lần nữa tìm cách dụ dỗ người khác để thoát thân.
Theo lời kể của Thiếu tá Secu: “Ông thấy tôi lơ mơ ngủ gật. Bà Elena thì
ở trên giường nhưng mắt dõi theo mọi thứ, bà hoàn toàn tỉnh táo và chăm
chú. Ông nói với tôi ‘Anh mệt phải không? Mệt là đúng rồi!’ Rồi ông hỏi
thăm gia đình tôi. Tôi bảo tôi có vợ và một con, hiện sống trong một
căn hộ nhỏ. Ông nói ‘Khó đấy! Anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế.
Tôi bảo này! Tôi có thể cho anh một căn biệt thự ở Kieseleff [một quận
nhà giàu, thời thượng ở Bucharest]. Biệt thự có bảy hoặc tám phòng,
nhiều hơn nếu anh muốn. Và một nhà để xe, chiếc xe trong đó cũng không
nhất thiết phải là chiếc Dacia xoàng xĩnh!’ … Tôi không nói gì và ông
lại tiếp tục thuyết phục ‘Anh không nên hy sinh cả đời mà chẳng được cái
gì! Nếu anh đưa tôi ra khỏi đây và đến Đài Truyền hình để tôi nói
chuyện với nhân dân thì tôi thấy là tôi có thể cho anh một triệu, không,
hai triệu đô-la!’” [17]
Vào Đêm Vọng Giáng sinh, 24 tháng 12, lực lượng mật vụ Securitate cuối
cùng cũng tìm ra chỗ giam giữ vợ chồng Ceausescu và dàn quân ngay trước
trại lính. Vừa quá nửa đêm, họ nổ súng, nhưng cuối cùng đã bị lực lượng
quân đội đẩy lui.
Trước đó một giờ, vợ chồng Ceausescu đã phải mặc áo choàng kín, đưa vội
vã vào xe bọc sắt đặt trong một khu vực có che chắn, và được yêu cầu nằm
úp mặt xuống sàn xe. Họ đã ở đó suốt năm giờ, đến khi giao tranh kết
thúc. Một lần nữa họ được đưa trở lại căn phòng của mình trong trại. Và
đó là nơi ở cuối cùng, trong đêm cuối cùng đời họ.
Làm thế nào để giết Ceausescu?
Chính quyền mới cần phải khẳng định quyền hành của mình. Vào chiều 24
tháng 12, các cuộc giao tranh tại Bucharest và các thành phố lớn như
Siiu và Brasov đã bớt nghiêm trọng, nhưng các vụ nổ súng lẻ tẻ vẫn diễn
ra và số thương vong vẫn tăng. Những người chủ trương ôn hòa trong hàng
ngũ cách mạng rất không thích cái tên Mặt trận Cứu nguy Tổ quốc, vì nghe
rất ‘Stalin-nít’. Nhưng Iliescu và những người Cộng sản thâm niên có
mặt trong chính quyền mới thì lại nghĩ nó gợi lên tinh thần ái quốc.
Khoảng 5 giờ chiều, họ họp nhau lại để quyết định số phận của Ceausescu.
Đó là một cuộc họp nặng nề, nóng nảy và cay cú. Họ chần chừ đã hai ngày
qua. Giờ đây, phe quân đội muốn xử tử Ceausescu ngay lập tức, vì như thế
sẽ lập tức chấm dứt mọi giao tranh, Ceausescu chết thì sẽ không còn
điểm chung nào nữa, không ai còn lý do nào để chiến đấu nữa.
Iliescu lúc đầu lưỡng lự, ông không muốn tay mình vấy máu. Nhưng khi Bộ
trưởng Quốc phòng mới Militaru mỉa mai nặng lời rằng: “Vâng! Đúng rồi!
Đó sẽ là một khởi đầu tệ hại cho triều đại của ông chứ gì?!”, thì
Iliescu giận dữ đáp lại: “Ý anh là gì, triều đại của tôi à? Làm gì có
triều đại nào ở đây!”
Một vài người cho rằng việc vội vã dựng lên phiên tòa dã chiến, không có
chứng cớ hẳn hoi, sẽ khiến quốc tế chỉ trích. Nhưng các tướng lĩnh quân
đội đã quyết tâm, không nhân nhượng. Brucan ủng hộ họ, nói rằng đất
nước Rumani cần được bảo đảm rằng chế độ độc tài Ceausescu đã chết, đã
chấm dứt, và không có cách nào hay hơn là ‘cho quần chúng thấy xác chết
của Chủ tịch’.
Iliescu cuối cùng bị thuyết phục. Ông nói: “Đúng ra là nên có một phiên
xét xử đúng quy trình và trưng ra được mọi chứng cớ cần thiết. Nhưng
tình hình không cho phép. Vậy hãy tiến hành xét xử vào ngày mai!”
Bản án được quyết định bởi một số ít người sau cuộc họp vừa kể và cũng
chẳng có gì được lưu lại trên văn bản. Chỉ biết rằng Iliescu, Brucan,
Militaru, Voican-Voiculescu và Stanculescu tất cả đều quyết định dùng
đội xử bắn ngay sau phiên xét xử. [18] [Xem chi tiết vụ xét xử trong
“Phần 2: Xử Ceausescu” - ND]
Phản ứng
Dường như không có bất cứ lời phản đối nào, ngoại trừ nhà thơ Anna
Blandiana bày tỏ thái độ bất đồng. Trong những giờ đầu tiên đầy phấn
khích của cách mạng, bà được bổ nhiệm vào một vị trí trong Mặt trận để
chứng tỏ đó là ‘chính quyền của hiền tài’. Nhưng bà không hề được thông
báo về quyết định tử hình Ceausescu, và bà kinh hãi trước quyết định
này. Bà từ chức ngay sau vụ xử bắn. Đó là vết rạn nứt đầu tiên trong một
chuỗi những rạn nứt công khai diễn ra sau đó trong hàng ngũ chính quyền
mới.
Một trong những tiếng nói ít ỏi từ nước ngoài phản đối cuộc hành hình là
của Eduard Shevardnadze, ngoại trưởng Liên Xô. Ông nói ông hiểu tình
hình khó khăn như thế nào, ‘nhưng việc kia làm cho người ta thấy đắng cả
miệng!’
Nhiều người Rumani tin rằng chính Liên Xô đã kích động và tham gia vào
cuộc đảo chính lật đổ nhà độc tài. Chứng cớ, với họ, là sự có mặt của
chính khách hậu trường Silviu Brucan ở Moscow. Nhưng đó không thể xem là
chứng cớ. Brucan thường xuyên đến Moscow để gặp gỡ các mối quan hệ và
nhờ người Nga can thiệp, nhưng họ đều từ chối. Chính ông cũng phủ nhận
một âm mưu như vậy. Ông nói: “Tình hình ở Rumani đơn giản là không thể
làm được gì. Chúng tôi chỉ biết than phiền với nhau và mong ông ấy chết
cho xong. Cả nước cũng mong ông ấy chết cho xong. Nhưng chúng tôi đã
không thể làm gì hết.” [19]
Gorbachev đã ra lệnh rằng Liên Xô sẽ không can thiệp trực tiếp vào
Rumani, và thực tế cho thấy lệnh của ông đã được tuân thủ. Một trong
những cố vấn đối ngoại chủ chốt của Gorbachev, ông Valentin Falin, cho
biết: “Chúng tôi biết sẽ có chuyện xảy ra ở đó. Chúng tôi biết sẽ có nạn
nhân… đó là điều gần như tất yếu sẽ xảy ra vì chế độ tại đây không chỉ
thối nát mà còn không khoan nhượng! Nhưng ngay cả như thế chúng tôi cũng
không thể dự đoán được vụ đổ máu như đã diễn ra. Rumani không còn đường
thoát nào khác. Vì vậy chúng tôi chỉ biết… quan sát mà thôi.” [20]
Nghịch lý siêu cường
Đoạn kết ở Bucharest đã diễn ra với nhiều nghịch lý. Vào lúc các cuộc
đụng độ lên cao điểm, người Mỹ lo ngại rằng bạo động có thể lan rộng
trên bán đảo Balkans.
Lawrence Eagleburger, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, nói với Ngoại trưởng James
Baker rằng ông lo ngại người Rumani sẽ chĩa súng bắn vào sắc dân
Hungary sinh sống tại đây, và không biết liệu Liên Xô có can thiệp để
ngăn ngừa việc này không. Mỹ chủ trương chống Học thuyết Brezhnev [cho
phép Liên Xô can thiệp quân sự để bảo vệ CNXH tại Đông Âu] nhưng trong
trường hợp này thì không nên chống!.
Ngày 24 tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Baker chính thức đề nghị rằng: “Liên
Xô có lợi ích và khả năng để can thiệp, ngăn chặn đổ máu.” Ông nói Mỹ sẽ
không can thiệp “nếu Khối Warsaw cảm thấy cần thiết phải can thiệp” vào
Rumani. Thời điểm này là gần 10 năm kể từ ngày Liên Xô xua quân xâm
lăng Afghanistan, và lời đề nghị vừa kể của một Ngoại trưởng Mỹ quả thực
là một đề nghị rất bất thường.
Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Moscow, Jack Matlock, đánh tiếng
với lãnh đạo Xô Viết, nhưng các vị này chỉ cười đáp lại. Ngoại trưởng
Liên Xô Shevardnadze nói ý tưởng này không phải là nham hiểm, “mà là cực
kỳ ngu xuẩn”. Ông “dứt khoát chống lại” bất cứ sự can thiệp nào từ bên
ngoài. Cách mạng Rumani là “việc riêng của họ”. Bất cứ can thiệp nào của
Liên Xô cũng sẽ “biến Ceausescu thành ông thánh tử đạo”. Đó là chưa kể
mọi giao tranh đều chấm dứt sau khi ông bị hành quyết.
Cuối ngày 24 tháng 12, Đại sứ Matlock đã có một cuộc họp không vui với
một quan chức của Shevardnadze, Ivan Aboimov, khi ông này lập đi lập lại
rằng Liên Xô sẽ không can thiệp. Ông cũng chỉ ra rằng người Mỹ, mới vài
tuần trước đó, đã đưa quân vào Panama để lật đổ nhà độc tài thất sủng
Manuel Noriega, người đã đối xử hung bạo với dân chúng và tham gia đường
dây buôn ma túy, nhập lậu heroin vào Mỹ. Aboinov nói: “Chúng tôi muốn
để dành kiểu can thiệp đó cho các vị! Các vị nhắc đến Học thuyết
Brezhnev phải không? Thế thì chúng tôi xin tặng các vị Học thuyết
Brezhnev làm quà!” [21]
Tháng 3 4, 2013
Victor Sybestyen
Phan Trinh dịch
----------------
Ghi chú của tác giả:
1. Theo Scinteia, Bucharest, 22 tháng 11, 1989
2. Về Mục sư Laszlo Tokes, xem Tokes With God, for the People (NXB
Crossways Books, New York, 1992); Petru Dugulescy, Ei mi-au, programat
moartea (NXB Ecclesia, Timisoara, 1991); Marius Mioc, The Anticommunist
Romanian Revolution of 1989 (NXB Editura Marineasa, Timisoara, 2002) và
Siani-Davies, The Romanian Revolution of December 1989
3. Laszlo Tokes, tr. 148-57
4. Văn bản ghi chép một phần cuộc họp được xuất bản trên tờ Romania
Libera, 1 tháng 2, 1990. Văn bản ghi chép đầy đủ có thể tìm thấy tại Văn
khố Lịch sử Trung ương Quốc gia (National Central Historical Archive),
Bucharest, 70/89.2.33
5. Nhân vật thuật lại với tác giả, tại Bucharest, tháng 10, 2007
6. Trích từ các cuộc trò chuyện giữa tác giả và người tham gia gồm
Gheorghe Peletrescym Andrei Oisteanu, Bucharest, tháng 12, 1989. Theo
lời thuật của Pael Campeanu, Marius Mioc, và Phóng viên Romulus Cristea
của tờ Romania Libera. Xem thêm: Simpson, The Darkness Crumbles, tr.
302-10. Ruxandra Cesereany, December 1989, Deconstructia unei revolutii
(Polirom, Iasi, 2004) tr. 98-103
7. Pavel Campeanu, ‘The Revolt of the Romanians’, New York Review of Books, 1 tháng 2, 1990
8. Victor Stanculescu, ‘Nu Va Die Mila, au 2 miliarde lei in cont’ Jurnalul National, Bucharest, 22 tháng 11, 1990
9. Nhân vật thuật lại với tác giả, tại Bucharest, tháng 10, 2007.
10. Xem Stanculescu ‘Nu Va Fie Mila’ và Siani-Davies, Romanian Revolution, Tr. 193.
11. Trả lời phỏng vấn trên tờ Romania Libera, 14 tháng 1, 1990
12. Trích từ Siani-Davies, Romanian Revolution, tr. 213
13. Dinescu tại cuộc họp báo ở đài phát thanh, 26 tháng 12, 1989, và
trong tập tài liệu Cold War, LHCMA box 13, và Caramitru trích trong
Pryce-Jones, tr. 284
14. Phỏng vấn của Đài Châu Âu Tự do, 31 tháng 12, 1989, và Ion Iliescu, Revolutia Traita (Redactia, Bucharest, 1995), tr. 96
15. Trích trong Siani-Davies, Romanian Revolution, tr. 237
16. Phỏng vấn Lalutan trên Romania Libera, 14 tháng 1, 1990
17. Romania Libera, 14 tháng 1, 1990
18. Brucan trả lời phỏng vấn của tác giả; Stanculescu, ‘Nu Va Fie
Mila’; Militaru, trả lời phỏng vấn của BBC với John Simpson, 12 tháng 1,
1990
19. Brucan trích từ Sinai-Davies, Romanian Revolution, tr. 286, và từ
S. Brucan The Wasted Generation: Memoirs of the Romanian Journey from
Capitalism to Socialism and Back (Westview, New York, 1993), tr. 293-6
20. GF, Falin báo cáo về Rumani
21. APRF Diplomaticecheski vestnik 1995-91, Moscow, tr. 74-9, doc 149
———
* Giáo hội có giám mục cai quản giáo hạt, mục sư cai quản giáo xứ, mục sư được kết hôn.[ND]
** Theo Kinh thánh Cựu ước & Tân ước, Lời Chúa cho Mọi người,
Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng vụ, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr.
1458.[ND]
***Laszlo Tokes về sau trở thành giám mục và một trong những vị lãnh đạo Giáo hội Cải cách Hungary tại Rumani [Sebestyen]
Bản tiếng Việt 2013
© Phan Trinh & pro&contra
(
Nguồn: Lexuanquang.org )
Copy từ:
NV Phạm Viết Đào