Giá một nải chuối (có số quả lẻ) đã lên tới 300.000 đồng vào ngày hôm qua, hăm sáu tết con Rắn. Mức độ tăng giá là 10 lần, hoặc 1.000%. Một tin tức quả là quá…chuối, rất dễ gây quá tải những ca “tai biến” đối với những người vốn quen mặc cả từng xu. Không ngẫu nhiên, trong ngôn ngữ của các bà nội trợ có chữ “cướp”. “Cướp” chứ không chỉ là chặt chém nữa.
Có thể ở đâu đó, Công gô chẳng hạn, nơi chuối chỉ dùng để ăn, người ta há mỏ kinh ngạc nhìn tỷ lệ “lạm phát chuối”.
Có thể những đại gia bỏ ngót 30 triệu đồng cho món “cua Hoàng đế” sẽ chỉ cười khẩy, cho đây là chuyện lẻ tẻ.
Có thể có ai đó vui tính bảo “giá chuối” tăng 1.000% là một hình thức “phân phối lại thu nhập” giữa người giàu/người nghèo.
Nhưng rất rõ ràng, chúng ta đang nhìn thấy sự bất lương, được khoe khoang công khai, với một vẻ đắc ý không thèm che dấu. Sự bất lương đã tăng còn hơn tỷ lệ 1.000%. Và sự bất lương đó, đang tồn tại trong sự bất lực của các cơ quan quản lý giá.
Sự bất lương cũng không phải chỉ đơn thuần nhìn thấy trong những quả chuối. Báo chí trong những ngày này tràn ngập những thông tin về sự bất lương. Theo VietNamNet, giá xe, dành cho chủ yếu công nhân lao động, người nghèo về quê ăn tết, sau khi tăng tới 60%, lại “đẻ” thêm một khoản phụ thu đối với “hành lý”. Tiền Phong cho biết giá bưởi Năm Roi tăng “chóng mặt”. Tuổi trẻ nói giá thực phẩm tươi sống đang “nhảy múa”. Còn Thời báo Kinh tế Việt Nam dự báo lạm phát tháng tết sẽ lên trên 2,3%.
Đúng là sự nhảy múa của giá. Đúng là những tin chóng mặt. Và nói gì thì nói, 300.000 đồng một nải chuối quả thực là sự xúc phạm… ông bà tổ tiên người nghèo, xúc phạm túi tiền của những người thưởng tết có khi chỉ đủ mua đúng 1 nải chuối.
Hôm qua, trên VTC news, Giám đốc Sở GD và ĐT Thái Bình than khóc, đại ý hàng năm Giáo viên ở Thái Bình được thưởng tết khoảng 300 ngàn. Nhưng năm nay, trường nào sang thì được “1 cân giò”, “1 túi hạt hướng dương”, trong hoàn cảnh chung là nhiều trường không có thưởng tết, dù chỉ một xu. Chẳng nói đâu xa, những người công nhân ở ngay Thủ đô, giữa dịp Tết với trời mưa, giá rét được thưởng tết bằng quần đùi, vốn là thứ “nhà giồng được” đang ế chỏng ế chơ.
Với những giáo viên “hạt hướng dương”, với những công nhân “quần đùi giữa mùa đông”, “giá chuối” là gì nếu không phải là sự xúc phạm những đồng tiền còm trong ví?
Nhưng, phải nói thêm một chữ nhưng nữa, nhưng một nải chuối 300 ngàn đồng, tăng 1.000% còn lâu mới là kỷ lục, bởi, theo thông lệ, còn có những “cơn sóng giá” nữa chắc chắn sẽ xảy ra vào sáng 30 tết và những ngày sau tết.
Nhắc lại, trước tết ông Táo, một công điện của Thủ tướng Chính phủ đã được gửi tới các bộ ngành, địa phương yêu cầu kiên quyết chống việc “lợi dụng dịp tết để tăng giá bất hợp lý”. Thủ tướng thậm chí còn nhấn mạnh đến “trách nhiệm của người đứng đầu”.
Nhưng sau tết, chắc chẳng có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm cả. Bởi câu chuyện “giá chuối” được cho là vấn đề thuộc “thị trường tự do”, bất chấp thực tế rằng đa số trong gần 90 triệu dân xưa nay vẫn chỉ sống với “thị trường tự do”.
Copy từ: Đào Tuấn