CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Minh bạch trong cuộc sống

Alan Phan
Hệ quả của sự thiếu minh bạch là việc mất niềm tin vào mình và vào người (A lack of transparency results in distrust and a deep sense of insecurity) – Dalai Lama
Sau 44 năm lăn lộn trên thương trường, tôi đã sống chung và làm việc với khá nhiều sắc dân: từ Mỹ đến Tây Âu rồi Đông Âu, từ Á đến Trung Đông, Phi Châu, từ già đên trẻ, từ nam đến nữ, từ địa vị làm thuê đến làm chủ…Mỗi dân tộc vì gốc gác văn hóa và môi trường mang nhiều khác biệt nên sự thể hiện của họ qua đời sống hàng ngày , qua công việc cũng rất dễ nhận ra theo tính chất và hiệu quả.

Bản lĩnh Việt

Theo quan sát cá nhân tôi, người Việt mang những cá tính rất đáng khen ngợi, trong đó, bản chất thông minh, ham học và cầu tiến tương đối nổi trội hơn các dân tộc khác. Ngoài ra, lịch sử và môi trường phải luôn đối phó với nhiều đối thủ nặng ký, nên một số lớn người Việt rất can đảm, liều lĩnh và biết hưởng thụ mỗi giây phút của đời mình.
Ở mặt trái, dân tộc Việt lại rất thủ đoạn, mung mánh, nhiều ganh tị hiềm khích. Hai mặc cảm tự ti cùng tự tôn hòa lẫn tạo ra hai thái cực đối chọi trong thái độ đối với người ngoài: lúc thì rất thân thiện hiếu khách, lúc thì thù hận ghét bỏ. Riêng tính che giấu và chỉ làm vì sĩ diện là một gánh nặng thấm nhuần cả ngàn năm từ văn hóa Trung Quốc. Sự khép kín không dám cởi mở này có lẽ tạo nên một truyền thống bảo thủ, một tầm nhìn chật hẹp và ngắn hạn.
Tôi tin rằng nếu chúng ta tìm được căn cơ để loại bỏ bớt những điểm yếu và thăng hoa những điểm mạnh, bản lĩnh Việt sẽ thừa sức sáng tạo để cạnh tranh trong nền kinh tế kiến thức đầy thử thách của toàn cầu.

Minh bạch để đạt tự do và thịnh vượng?

Tính minh bạch là yếu tố quan trọng nhất trong tư duy và hành xử của con người. Khi tự hứa với bản thân là mình sẽ luôn tuân thủ theo luật chơi, minh bạch với chính mình, với người chung quanh, thân hay lạ, với những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ hay những dự định cho tương lai, chúng ta sẽ thu ngắn rất nhiều khoảng cách tiến bộ với các dân tộc láng giềng, cũng như xa hơn.
Tôi chưa tìm ra một nghiên cứu sâu rộng nào về ảnh hưởng của tính minh bạch trên các định chế kinh tế, trên thể chế chánh trị hay trên niềm tin trong xã hội. Theo quan sát của cá nhân, những quốc gia có tính minh bạch cao thường là những quốc gia và dân tộc xếp hàng đầu về tự do và thu nhập (hai mệnh đề cốt lõi để người dân có thể theo đuổi hạnh phúc riêng của mình).
Trong khi đó, những xã hội nghèo kém và suy thoái thường chịu ảnh hưởng nặng nề của sự giả dối từ những quyền lực chánh trị độc đoán, từ những hoạt động thao túng của nhóm tư bản thân hữu, từ ngay cả các liên hệ xã hội và kinh tế của những người nghèo với nhau.
Suy từ thiên nhiên, những nơi chốn đen tối thiếu ánh sáng mặt trời thường mục rửa, ẩm ướt… tạo môi trường thuận tiện cho côn trùng và vi rút. Khi nói về thiên nhiên xanh, ngay cả trẻ em cũng vẽ ra một hình ảnh của những chùm hoa hay cây cỏ khoe sắc dưới ánh nắng đầu ngày.

Minh bạch trong lịch sử

Quay về lịch sử của khoa học nghệ thuật, thời đại phong kiến tàn bạo nhất của Âu Châu được gọi là Dark Age (Đen Tốí). Mọi sáng tạo bị bịt kín, giáo điều ngự trị và mọi trí thức trái chiều đều bị coi là “thế lực thù địch”. Đây là thời mà nhà cầm quyền giam giữ Galileo cho đến khi gần chết, vì ông ta dám đưa ra giả thuyết là “ trái đất quay quanh mặt trời”.
Ngày hôm nay, sự thống trị của doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực sáng tạo của nền kinh tế trí thức gần như tuyệt đối. Ngoài công nghệ thông tin với Silicon Valley, giải trí với Hollywood, Mỹ còn làm bá chủ trong các kỹ nghệ xưa cũ nhưng cần tối tân hóa: nông nghiệp, ô tô, bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, cờ bạc…Trong 10 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu, 9 là của Mỹ.
Có phải đây là sức mạnh của minh bạch?
Một người bạn Đan Mạch nhận xét là người Mỹ bị ám ảnh (obsessed) với minh bạch và sự thật. Anh lấy thí dụ vụ Lance Amrstrong, có thể coi như một “anh hùng” và “biểu tượng” trong xã hội Mỹ, nhờ 7 lần đoạt giải Tour De France trong khi bị ung thư. Tuy nhiên, những người thân và cộng sự viên bắt đầu nói về sự lạm dụng thuốc hormone quá liều để tạo cơ bắp, một vi phạm về luật Olympic của thể thao. Truyền thông và cơ quan chánh phủ nhập cuộc để lôi khỏi bệ thờ một huyền thoại siêu sao. Trong khi đó, ngay chính những nhà quản lý Tour của Pháp chỉ mong là vi phạm này được chìm xuồng để mọi người phải bị sự tiêu cực gây khó chịu và bất tiện.
Tôi cười nói với anh bạn là ngay cả “cha già dân tộc của Mỹ, Tổng thống Washington, suốt 200 năm qua, vẫn đang bị các sử gia soi mói về việc ông “ngủ lang” với những nô lệ da đen trong đồn điền ông tư hữu. Hay chuyện bệnh tâm thần của bà Lincoln đã ảnh hưởng thế nào đến các quyết định của Tổng Thống? Gần đây, việc nói dối của các Tổng Thống Nixon và Clinton đã làm lu mờ di sản và tiếng tăm trong lịch sử của chính họ.

Gánh nặng cá nhân

Dù qua Mỹ du học năm 17 tuổi, gánh nặng văn hóa thụ động, sĩ diện và thích che giấu của Việt Nam đè nặng suốt đời kinh doanh của tôi, không ít thì nhiều. Đến năm 1985, khi tôi niêm yết công ty của mình trên sàn chứng khoán, tôi bị quăng vào sống trong một căn nhà kính, nơi 16,000 cổ đông, các nhà phân tích tài chánh và đủ loại mạng truyền thông soi mói quá khứ và hiện tại của tôi mỗi ngày mỗi giờ. Tôi bị nhiều cú sốc và muốn bỏ cuộc.
Nhưng sau một thời gian, tôi quen dần với môi trường minh bạch, không cho phép bất cứ một sự giả dối nào. Con người tôi bỗng “nhẹ” hẳn ra khi ánh sáng tràn vào và mình không còn gì để che giấu. Sự thật quả tình cho tôi một tự do tuyệt vời (the truth will set you free). Đầu óc cởi mở, định kiến tiêu tan, sai lầm được phân tích theo khoa học và thất bại không còn là một xấu hổ phải “đẩy xuống thảm” để che giấu.
Minh bạch cho tôi một sức mạnh nội tại mới. Tôi bớt sợ sệt về những phán đoán vô bổ của tha nhân; tôi không còn bức xức về những suy nghĩ không dám bầy tỏ. Minh bạch cũng giúp tôi tạo niềm tin nơi khách hàng, đối tác, người thân, gia đình, bạn bè…vì họ biết con người thực của tôi, không phải một diễn viên hay một bù nhìn.
Trong những viết và lách tại đất nước này, nguyện vọng lớn nhất của tôi là đặt ra những câu hỏi để tạo nên những góc nhìn và tư duy mới cho các bạn trẻ. Nếu tôi chỉ thuyết phục được 1 phần trăm đọc giả bắt đầu sống với tính minh bạch mỗi ngày, tôi nghĩ đó sẽ là thành công lớn nhất của mình.
Alan Phan


Copy từ: Dân Luận

Nỗi đau thời cuộc



Hồ Bất Khuất
Trước đây còn blog “Nghệ Nhân Huyện Quỳnh” mà tôi là chủ nhân, tôi thường viết để bày tỏ nhận thức của mình. Từ ngày blog bị dẹp, tôi ít viết. Nhưng nay thấy im lặng cũng không tiện, xin được nói đôi điều.
Tình hình xấu hơn chúng ta tưởng!
Cách đây khoảng 15 năm, trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, tôi có nói, đại ý: Khi ở một dân tộc, một đất nước mà những người ưu tú không nằm trong bộ máy quyền lực thì an ninh của quốc gia đó bị đe dọa.
Nay xét tình hình của Việt Nam, dường như điều đó đang xảy ra. Tôi đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, tham gia các hội thảo... và khẳng định: Việt Nam không thiếu người tài. Nhưng nhìn vào cách quản lý, điều hành đất nước hiện nay, không thấy người tài đâu?!
Bàn về việc sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm hiện nay là một quyết định không mấy sáng suốt vì tình hình và điều kiện chưa phù hợp. Tình hình kinh tế - chính trị chưa thuận lợi để chúng ta làm việc này một cách có hiệu quả. Kết quả là việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp mâu thuẫn đến mức đối địch. Đã thế, một số người ra sức nói những điều nhảm nhí và nói lấy được. Ví dụ, GS.TS. Hoàng Chí Bảo nói: “Tuy nhiên, Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân mà phải hiến định nó”.
Đây là ví dụ điển hình cho việc nói lấy được. Thời mà cả dân tộc thống nhất để bảo vệ Tổ quốc, người ta cũng chỉ dám nói “Ý Đảng, lòng dân”, chứ không dám nói “Đảng với dân là một”. Nếu muốn nói như vậy, ít ra phải làm một cuộc trưng cầu dân ý; kết quả thế nào mới nói được.
Kinh tế trì trệ, nợ công tăng, bọn tham nhũng lộng hành, dân mất lòng tin... đang là những cái xấu đáng lo ngại. Nay phát hiện ra là trong việc quản lý điều hành đất nước thiếu trí tuệ lớn, thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh. Như vậy tình hình tốt đẹp ở chỗ nào?!
Ngạc nhiên vì một nghịch lý: Cứ có chức, có quyền là người ta kém đi, hèn đi
Trong mấy chục năm đi học và đi làm, tôi quen biết nhiều người, trong đó có những người rất khá về trí tuệ và đáng trân trọng về nhân cách. Ấy là lúc họ còn làm giảng viên đại học, làm báo. Nhưng đến khi họ làm lãnh đạo thì họ lại tỏ ra rất hèn kém, thậm chí không nhận thức được những điều mà người có trí tuệ trung bình đều nhận thức “ngon lành”.
Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ, khi họ ngồi vào những vị trí quan trọng, có đầy đủ thông tin, có điều kiện, có quyền lực thì họ phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của mình, phục vụ đất nước tốt hơn. Nhưng thực tế diễn ra ngược lại, khiến tôi vừa mất bạn, vừa buồn lo và không thể nào hiểu nổi tại sao lại như vậy?!
Việc thiếu trí dũng đã lộ rõ
Phân tích những diễn biến Đại hội XI và các Hội nghị Trung ương Đảng gần đây thì thấy rõ điều đó. Chỉ nguyên việc bầu Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bộc lộ đầy đủ. Đại hội XI dự kiến bầu 17 Ủy viên Bộ Chính trị. Kết quả chỉ bầu được 14. Rõ ràng là thiếu người tài, người tốt ở trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới không bầu đủ số lượng dự kiến. Đến Hội nghị 7 bầu bổ sung, nhưng cũng chỉ bổ sung được thêm 2 người là 16, chưa đủ con số dự định.
Điều đáng nói là người được kỳ vọng nhất là ông Nguyễn Bá Thanh lại không được bầu. Nhiều người rất thất vọng về điều này, kể cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Bá Thanh được xem là người tài, người tốt. Vậy tại sao người tài và người tốt lại không được lựa chọn? Chỉ có thể suy ra câu trả lời: Những người không lựa chọn ông không cùng đẳng cấp như ông. Hay nói thẳng ra là họ không tài, không tốt như ông nên họ không bầu ông.
Thật ra đây là điều hợp logic. Ông Nguyễn Bá Thanh được kỳ vọng là “bàn tay sạch” chống tham nhũng có hiệu quả. Bản thân ông cũng từng tuyên bố nhiều lần như vậy. Chống tham nhũng là chống ai? Chống những người có chức, có quyền. Đại đa số các Ủy viên Trung ương Đảng thuộc loại này. Ông Nguyễn Bá Thanh không vào được Bộ Chính trị là điều mà những người biết quan sát và có đầu óc phân tích biết từ trước. Thậm chí người dân thường cũng có thể suy ra điều này: Chúng ta chưa thấy ai mài dao đưa cho kẻ sẽ cắt cổ mình.
Làm gì để bớt nỗi đau?
Một số người có vẻ hoan hỉ về việc blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất vừa bị bắt. Riêng tôi thấy rất buồn. Buồn không chỉ vì một người dám nói thẳng, nói thật bị bắt, mà còn buồn về việc lớn hơn thế, sâu hơn thế, xa hơn thế...
Có thể những bài viết của Trương Duy Nhất làm một số người không thích. Nhưng rõ ràng Trương Duy Nhất muốn góp tiếng nói của mình làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước phát triển vững vàng hơn. Anh không chống phá Nhà nước. Điều này cơ quan an ninh cũng công nhận và họ bắt không phải căn cứ vào Điều 88 Bộ Luật hình sự, mà căn cứ vào điều 258.
Không nên đẩy những người có trí tuệ, có dũng khí sang “bên kia chiến tuyến” – đối lập với chính quyền. Nếu làm căng quá, đẩy họ ra nước ngoài thì chính những người làm việc này mới là những người “xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Đã có tiền lệ rồi. Mấy chục năm trước, nữ thanh niên xung phong, nữ nhà văn Dương Thu Hương bị bắt, bị tù đày, bị đẩy ra nước ngoài. Bây giờ bà ấy ngồi ở Paris, muốn nói gì thì nói mà chẳng ai trong hệ thống an ninh làm gì được. Vì sống xa đất nước nên bà ấy nói có những điều không đúng, không thật, có hại cho Việt Nam. Giá cứ để bà ấy sống ở Hà Nội, trầm mình trong thực tế sôi động ở Việt Nam và viết văn có tốt hơn không?
Bắt bớ, bỏ tù những người trung thực, có trí tuệ, có dũng khí, không hèn nhát là điều dễ. Nhưng thử hỏi: Đất nước, xã hội ta được lợi gì về điều đó?
Làm gì cũng vậy, kể cả làm công tác an ninh thì cần phải đặt ra câu hỏi: Việc mình làm có lợi nhiều hơn hay có hại nhiều hơn?
Tôi nghĩ, việc bắt Trương Duy Nhất có hại nhiều hơn (nhất là trong vấn đề tôn trọng nhân quyền, dân chủ, xây dựng xã hôi văn minh...). Hình như Trương Duy Nhất không sợ hãi, buồn lo về chuyện mình bị bắt, thậm chí anh còn khoái chí nữa là khác?! Những bức ảnh cho thấy anh đàng hoàng, đĩnh đạc, thoải mái ngẩng cao đầu; còn những người áp tải ảnh lại có vẻ lúng túng, đầu hơi cúi. Rồi thông tin cho hay anh hợp tác với công an, thực hiện mọi yêu cầu của họ cũng nói lên rằng biết rất rõ việc mình đang làm.
Tôi “đau” nhất khi thấy có người so sánh Trương Duy Nhất với Nguyễn Văn Trỗi – một người đồng hương Quảng Nam nổi tiếng khắp thế giới của anh. Họ chỉ so sánh Nguyễn Văn Trỗi – Trương Duy Nhất, còn so sánh những cái khác là việc của chúng ta. Mà càng so sánh, càng “đau”.
Có thể làm gì để nỗi đau bớt đi được không?
H.B.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho :Bauxite Việt Nam

Phong trào Con Đường Việt Nam lên tiếng về vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất

Qua theo dõi thông tin vụ Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (chủ trang mạng một góc nhìn khác www.truongduynhat.vn, ngụ tại thành phố Đà Nẵng) với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo điều 258, Bộ luật Hình sự) vào chiều ngày 26.5.2013 và dư luận xung quanh vụ bắt giữ trong những ngày qua, phong trào con đường Việt Nam có chính kiến sau:
Là phong trào được phát động với mục tiêu duy nhất là “làm cho Quyền Con Người được tôn trọng và bảo vệ trên hết, bình đẳng tại Việt Nam”, chúng tôi đi sâu vào quyền con người và biết rằng:
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 đã nêu rõ:
Điều 19.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới.
Điều 21.
Khoản 1. Mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn.
Tất cả các điều này được tái khẳng định trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đặt bút ký kết tham gia năm 1982.
Là thành viên tham gia công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi công ước.
Trên cơ sở những điều khoản trên thì việc làm của ông Trương Duy Nhất khi lập ra, điều hành và đăng tải những bài viết có góc nhìn khác biệt với chính phủ và những yếu nhân của chính phủ trên website www.truongduynhat.vn là quyền của ông Trương Duy Nhất. Là một thành viên của nhân loại - được bảo vệ bởi liên hợp quốc và các công ước của nó - ông Trương Duy Nhất hoàn toàn có quyền làm điều trên mà không bị chế tài.
Đó là vấn đề tầm vĩ mô toàn cầu, còn xét trên phương diện vi mô tầm quốc gia, chúng tôi cũng không đồng ý với cáo buộc trên của cơ quan an ninh dành cho ông Trương Duy Nhất, bởi lẽ tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ “Chính phủ là công bộc của dân, dân có quyền phê phán, đuổi chính phủ”. Đây không chỉ là vấn đề ý nghĩa tinh thần của vị sáng lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (ngày nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) mà còn được thể chế hóa bằng hiến pháp. Điều 50 hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 (bản đang có hiệu lực) ghi rõ:
Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.
Ngoài ra điều 53 còn chỉ rõ:
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
Và điều 69 còn khẳng định:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Tuy rằng 69 có nói là theo qui định của pháp luật nhưng luật pháp được làm ra để bảo đảm quyền trong hiến pháp, nếu luật làm ra chống lại tinh thần của hiến pháp là luật vi hiến và mất giá trị pháp lý.
Tổng hợp những điều được viện dẫn trên thì việc làm của ông Trường Duy Nhất được hiến pháp bảo vệ.
Ngoài tiếp cận vấn đề trên phương diện pháp lý, chúng ta tiếp cận vấn đề trên phương diện lịch sử thì thấy rằng, một chính phủ không phải luôn luôn lúc nào cũng đúng, những yếu nhân của chính phủ không phải luôn luôn lúc nào cũng sáng suốt, thông tuệ. Chúng ta đã có nhiều bài học cay đắng về việc này. Do vậy quyền được phát biểu chính kiến của công dân không chỉ là quyền của cá nhân công dân mà còn là quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Người được nhân dân ủy quyền không có quyền xâm phạm quyền này. Nhà cầm quyền phải chấp nhận sự phê phán của công dân. Đây là vấn đề đạo đức, văn minh trong sinh hoạt chính trị ngày nay.
Sẽ rất nguy hiểm cho một dân tộc nếu mọi góc nhìn khác đều bị qui kết là có tội bằng một cách thức nào đó, chỉ để tồn tại một góc nhìn duy nhất theo nhà cầm quyền muốn.
Với những lý lẽ được viện dẫn trên, chúng tôi phản đối vụ bắt giữ với cáo buộc trên của cơ quan an ninh dành cho ông Trương Duy Nhất và kêu gọi tất cả bạn hữu có cùng góc nhìn này hãy cùng nhau lên tiếng cho lẽ phải. Bảo vệ quyền con người của cá nhân ông Trương Duy Nhất cũng là bảo vệ quyền con người của tất cả chúng ta.
Chúng tôi kêu gọi Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố hủy bỏ các điều luật mập mờ luôn được nhà cầm quyền viện dẫn để chống lại các quyền của con người, quyền quyền của công dân được nêu trên. Cụ thể là các điều luật 79, 88 và 258 Bộ Luật Hình Sự. Hoặc nếu chưa kịp hủy bỏ thì phải lên tiếng giải thích rõ rằng các phạm vi được áp dụng một cách nhất quán để công dân có thể sử dụng các quyền của mình mà không phạm luật. Chỉ có như vậy mới không tạo ra cạm bẫy nguy hiểm cho trí thức hay bất cứ ai lên tiếng vì một tương lai dân tộc tốt đẹp hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/5/2013
Thay mặt phong trào
Lê Thăng Long


Copy từ: Dân Luận

VN phản đối TQ đâm tàu cá



Tàu cá bị hư hại
Thuyền trưởng Trần Văn Trung nói tàu Trung Quốc đã đâm thẳng vào hông tàu của ông
Hà Nội trao công hàm phản đối Trung Quốc, cáo buộc các tàu Trung Quốc đâm vào một tàu cá Việt Nam 'đe dọa tính mạng của ngư dân'.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu xác nhận tin báo chí trong nước đã đưa về chuyện tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm vào tàu cá QNg 90917 TS làm hỏng mạn tàu khiến các ngư dân lo sợ cho tính mạng của họ.
Sự việc xảy ra hôm 20/5 khi tàu của tỉnh Quảng Ngãi đang trên đường trở về từ Hoàng Sa, hòn đảo Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm hồi năm 1974.
Phản ứng một tuần sau khi xảy ra sự việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Lương Thanh Nghị nói:
"Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc.
"Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
"Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự."

'Thổi phồng tình hình'

'VN vi phạm nghiêm trọng chủ quyền TQ'
Trung Quốc vừa phản hồi sau khi Hà Nội trao công hàm phản đối vụ tàu cá VN bị đâm ở Hoàng Sa.
Vào ngày 28/05, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa có phản hồi với Người Phát ngôn Hồng Lỗi nói rằng “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa và không được có những hành động làm phức tạp và thổi phồng tình hình và đe dọa sự ổn định và an ninh tại Biển Nam Trung Hoa”.
“Những cáo buộc của Việt Nam đối với Trung Quốc là hoàn toàn không đúng với những gì diễn ra trên thực tế. Thuyền đánh cá Việt Nam đã vào quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (quần đảo Hoàng Sa) và tiến hành các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và luật pháp Trung Quốc.
“Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam có các biện pháp hiệu quả nhằm giáo dục ngư dân của mình ngưng các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp,” ông Hồng Lỗi nói thêm.
Tìm kiếm áo phao
"Chiếc tàu này tiếp tục tấn công quyết liệt bằng cách lao thẳng vào hông tàu Quảng Ngãi."
Báo Tiền Phong
Trước đó truyền thông Việt Nam đã đưa tin về sự cố mới nhất trên Biển Đông.
Báo Tiền Phong nói tàu Việt Nam bị hại do ông Trần Văn Quang làm chủ và ông Trần Văn Trung làm thuyền trưởng, cả hai đều là người xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tàu chở 15 ngư dân, về cập bến Sa Cần thuộc huyện Bình Sơn vào tối 21/5 "với nhiều về thương", theo Tiền Phong.
Báo này dẫn lời thuyền trưởng Trần Văn Trung nói sự việc xảy ra chiều 20/5 khi tàu đang trên đường trở về Quảng Ngãi sau gần 20 ngày đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
"Cách vùng biển Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý thì gặp đoàn tàu ghi chữ China gồm 16 chiếc đi thành hai tốp. Mỗi chiếc đi cách nhau khoảng 3 hải lý. Đoàn tàu này hướng mũi sang tàu tôi và bắt đầu cản đường.”
Tiền Phong thuật lại: "Chiếc tàu sắt mang số 264 bắt đầu tách ra và đâm thẳng vào đuôi tàu ngư dân Quảng Ngãi. Ngư dân dưới khoang bắt đầu hò hét và kiếm áo phao".
"Chiếc tàu này tiếp tục tấn công quyết liệt bằng cách lao thẳng vào hông tàu Quảng Ngãi."
Sau khi bị cú đâm thẳng của tàu sắt Trung Quốc, tàu Việt Nam bị nứt vỡ bên thân phải dài 17m cùng một số thiệt hại khác.
Đây không phải lần đầu tiên ngư dân Việt Nam cáo buộc bị Trung Quốc sách nhiễu và cản trở.
Hôm 25/3, Việt Nam nói một tàu hải quân Trung Quốc đã nổ súng vào tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển mà hai nước hiện đang có tranh chấp, làm cháy khoang tàu.
Phía Trung Quốc sau đó ra thông cáo bác bỏ việc bắn hư hại tàu cá Việt Nam mà nói tàu hải quân Trung Quốc chỉ 'bắn hai loạt pháo sáng vào bốn tàu cá Việt Nam’ sau khi các tàu cá này không có phản ứng gì trước các động thái dùng còi hụ, hô lớn và vẫy cờ của của phía Trung Quốc yêu cầu ngừng đánh bắt và ra khỏi vùng biển ‘thuộc chủ quyền Trung Quốc’.
Việc bắt tàu cá đòi tiền phạt hay cầm giữ ngư dân, nhất là ngư dân Quảng Ngãi hành nghề trong vùng biển Hoàng Sa, đã xảy ra nhiều lần.


Copy từ: BBC

...........................

Ấn Độ bắt tay Nhật trong chiến lược « hướng Đông »

Thủ tướng M. Singh tại Tokyo. Ảnh ngày 28/05/2013
Thủ tướng M. Singh tại Tokyo. Ảnh ngày 28/05/2013
Reuters

Tú Anh
Trong ba ngày công du Nhật Bản kể từ hôm nay 28/05/2013, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thúc đẩy mối quan hệ an ninh chiến lược và đàm phán với Tokyo về một hiệp ước hợp tác hạt nhân. Tham vọng bành trướng thế lực của Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của hai quốc gia dân chủ Á châu giàu tiềm năng.

Nhận định về chuyến công du Nhật Bản, và sau đó là Thái Lan, của thủ tướng Ấn Độ, hầu hết báo chí khu vực đều nhấn mạnh đến yếu tố hợp tác chiến lược trong khu vực. Đến Tokyo vào ngày  28/05/2013, thủ tướng Ấn gặp đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe mà ông gọi là « người bạn tốt » vào ngày 29/05/2013.
Trả lời phỏng vấn báo chí Nhật, ông Manmohan Singh tuyên bố mục tiêu chuyến công du Nhật Bản và Thái Lan là để « củng cố thêm ý nghĩa của chính sách 'Hướng về phương Đông' và để đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực ».
Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh nguyện vọng xây dựng « một chiến lược chung với Nhật Bản » trong ba lãnh vực an ninh quốc phòng, hạt nhân và thương mại.
Báo The Straits Times của Singapore nhận định một cách rõ ràng, Trung Quốc là động lực thúc đẩy hai nước Nhật -Ấn phải « tăng cường hợp tác quân sự, tập trận chung » mà chiến dịch đầu tiên diễn ra hồi tháng 6 năm 2012.
Một chi tiết nhỏ nhưng không nhỏ đã được báo chí tại New Delhi ghi nhận : thủ tướng Ấn công du Nhật Bản mà lãnh hải bị Bắc Kinh tranh giành chỉ một tuần sau khi tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Chính phủ Ấn từ chối so sánh hai cuộc gặp gỡ này, nhưng khẳng định « không có lý do gì biến nước mình thành con tin trong mối quan hệ song phương ». Nhà báo Simran Sodhi nhấn mạnh đến bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang « ghìm nhau » tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đối với New Delhi, trước hiểm họa bành trướng của Trung Quốc tại châu Á, vì nhu cầu chiến lược, Ấn Độ bắt buộc phải bắt tay với Nhật Bản để chống Trung Quốc. Hiện tại, chính phủ Ấn luôn luôn phủ nhận là muốn liên kết với một số quốc gia trong khu vực để kềm chế Trung Quốc, mặc dù cuộc khủng hoảng biên giới ngày 15/04/2013 cho thấy quan hệ giữa hai nước láng giềng có trên 1 tỷ dân hàm chứa nhiều lò thuốc nổ : Trên bộ, Trung Quốc vừa có xung khắc biên giới với Ấn Độ vừa là đồng minh của Pakistan, kẻ thù của Ấn. Trên biển, chiến lược « chuỗi trân châu » của Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng đến tận Ấn Độ Dương .
Do vậy chiến lược « Hướng Đông » của Ấn Độ đã được chính thủ tướng Ấn nhắc nhở với công luận khi bình luận về chuyến công du Nhật Bản lần này và kèm với lời mô tả xem Nhật Bản là « đối tác cốt lõi trong khu vực và trên thế giới ».
Giới quan sát chờ xem trong lãnh vực vũ khí, Ấn Độ có chính thức đặt mua 15 thủy phi cơ tối tân của Nhật nhân chuyến công du hay không.
Trong lãnh vực hạt nhân dân sự, Tokyo ủng hộ hiệp ước Mỹ-Ấn và những biệt lệ dành cho New Delhi tránh né nguyên tắc cấm phổ biến nguyên tử của AIEA, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Tuy nhiên, các chính phủ liên tiếp tại Nhật Bản tuy muốn trợ giúp Ấn Độ đều gặp khó khăn trước áp lực của thành phần công luận chống năng lượng hạt nhân. Đặc biệt là từ sau tai nạn Fukushima.
Phía Ấn Độ rất lạc quan tin tưởng vào đối tác Nhật Bản. Giáo sư chính trị quốc tế Lalima Verma, trung tâm nghiên cứu Đông Á đại học Jawaharlal Nehru cho rằng Ấn Độ và Nhật Bản rất hăng hái thắt chặt hợp tác song phương vì giữa hai bên không có « hệ lụy lịch sử ».
Nhận xét này chắc chắn sẽ lọt vào tai thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.


Copy từ: RFI

Nếu chủ nghĩa Cuồng Hán lại thủ đắc vũ khí sinh học?


TS Sinh học Hà Sĩ Phu
Nhân loại chưa quên thảm hoạ “diệt chủng” do virus H1N1 gây ra đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng một năm. Virus nguy hiểm vì dễ dàng biến chủng thành các dạng mới chưa có khả năng chữa trị và vì có cấu trúc còn ở dưới mức tế bào (mới chỉ là các phân tử protein) nên sinh sản vô cùng nhanh. Cách đây 10 năm, H5N1 cũng đã một phen làm cả thế giới hoảng hồn. Có nhà khoa học ước tính nếu tỉ lệ tử vong dao động 0,1-20%, và nếu một đại dịch xảy ra làm ảnh hưởng đến 500 triệu người thì số tử vong có thể dao động trong khoảng nửa triệu đến 100 triệu người.
Bởi tầm “nguy hiểm hơn nguyên tử” như vậy nên những nghiên cứu liên quan đến chúng, dù  với động cơ được biết rõ là nhân đạo vẫn cần được đặt dưới sự giám sát tuyệt đối nghiêm ngặt. Chỉ riêng việc xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm H5N1, vì lý do an toàn sinh học, các xét nghiệm đều phải được tiến hành trong các phòng thí nghiệm với độ an toàn cấp 3 (xem ở đây).
Mới đây Trung tâm y khoa Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) đã thành công trong việc tạo các đột biến cực độc từ H5N1 để tìm cách ngăn ngừa đại dịch, nhưng lập tức bị các cơ quan Y tế thế giới cực lực phản đối, không cho đó là một ý tưởng hay, cấm không được công bố “bởi lo ngại phần tử xấu sẽ lợi dụng nó để trở thành bom sinh học”.
   Trong bối cảnh như vậy thì được tin “Tuần vừa qua, một nhóm nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu thú y quốc gia China tuyên bố rằng họ đã ”thành công tạo ra một chủng Virus mới bằng cách phối sinh hai Virus H5N1 và H1N1 (!!!)”.
GS Y học Nguyễn Văn Tuấn đã nhận xét rất đúng “việc sản sinh ra một chủng virút mới từ hai virút có tiềm năng nguy hiểm là một điều rất khó hiểu”. Nhưng vấn đề đã được nâng cấp nghiêm trọng về tầm lo ngại chính bởi tiềm năng “bom sinh học” mạnh hơn nguyên tử này lại nằm trong tay chủ nghĩa Cộng sản Đại Hán!
Giới cầm quyền ngông cuồng Trung Quốc với mục đích đầu độc cả nhân loại để độc chiếm địa cầu, từ những thứ đồ chơi trẻ em, độc chất trong thực phẩm, chất độc trong vật liệu xây dựng, hàng ngàn thứ không kể xiết… không phải chỉ vì mục đích kinh tế, đang đặt hàng tỷ người trước nguy cơ “chết dưới tay Trung Quốc”, thử hỏi nếu có thứ vũ khí sinh học lợi hại trong tay họ còn thương gì ai mà không đem nó thành vũ khí để nô dịch và giết bớt nhân loại? Nếu thu thập hết thông tin về những đồ giả, đồ rởm, đồ nguy hiểm mà Trung Quốc đã phát tán khắp nước ta và khắp thế giới thì nếu có gọi họ là bọn “Cuồng Hán” độc địa chắc cũng không ngoa?
Về chủ trương vĩ mô, thiết nghĩ làm “bạn vàng 4 tốt” với một kẻ tội đồ của nhân loại như vậy phỏng có vinh dự chăng, hay chính mình đang và sẽ trở thành vật hy sinh đầu tiên cho những thứ vũ khí độc địa ấy?
Trước mắt, có lẽ với lương tâm nghề nghiệp của những cán bộ khoa học chúng ta, tổ chức Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nên có những bài viết và có một văn bản lên tiếng chung cảnh báo trước cái  “thành tựu” khoa học bất chấp đạo đức và nhân văn mà thế giới rất phản đối này, mà chưa biết chừng chính Việt Nam mình sẽ là nạn nhân?
H.S.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
********

MỘT LOẠI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÔ TRÁCH NHIỆM?

20/05/2013 13:28 (GMT + 7)
Nguyễn Văn Tuấn (Úc)
TTCT - Giới khoa học quốc tế kinh ngạc và lo ngại về một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc (TQ) trong việc tạo ra một chủng virút mới từ hai virút cúm gia cầm H5N1 và H1N1.
clip_image002
Bà Trần Hóa Lan - Ảnh: National Avian Influenza Reference Laboratory, Harbin
clip_image004
Trung Quốc đang đối phó với cúm H7N9 - Ảnh: STR/AFP/Getty Images
Nghiên cứu này là một trường hợp tiêu biểu về một nền khoa học lệch định hướng đạo đức.
Tuần vừa qua, một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu thú y quốc gia China tuyên bố họ đã thành công trong việc tạo ra một chủng virút mới bằng cách phối sinh hai virút H5N1 và H1N1. Tại sao họ tạo ra một chủng virút mới? Giáo sư Trần Hóa Lan, chủ trì công trình nghiên cứu, giải thích nhóm nghiên cứu muốn hiểu biết thêm về hai loại virút H5N1 và H1N1, qua đó phát triển văcxin phòng chống cúm gia cầm.
Nhưng vấn đề khó hiểu là thế nào là "hiểu biết thêm" bằng cách tạo ra một chủng virút mới. Thật ra giới khoa học quốc tế nghi ngờ mục tiêu cũng như lời giải thích của nhóm nghiên cứu.
Nghiên cứu thiếu suy nghĩ chín chắn
Công trình tạo ra chủng virút mới của TQ có thể đó là một thành tựu về kỹ thuật, nhưng không đạt tiêu chuẩn về đạo đức và trách nhiệm xã hội vì nhưng thành tựu đó chẳng đem lại phúc lợi gì cho xã hội hay giúp giảm sự đe dọa của một đại dịch.
Trước hết, cần phải đặt vấn đề trong bối cảnh chung và vài dòng về virút cúm gia cầm. Các virút cúm được chia thành ba nhóm chính: A, B và C. Các virút thuộc nhóm B và C thường tìm thấy ở người nhưng chúng không có tác hại lớn.
Ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, chúng không có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân. Nhưng các virút thuộc nhóm A là đáng quan tâm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến nhanh chóng thành những virút mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống chúng).
Virút cúm thuộc nhóm A có cấu trúc gồm hai nhóm protein: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA). HA có 15 chi với mã danh H1 đến H15. NA có chín chi với mã danh N1 đến N9. Virút H1N1 và H5N1 là một trong những chi virút này. Virút thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lan truyền trong con người từ 100 năm qua. Chẳng hạn như virút H1N1 không phải là virút mới vì chúng có mặt trong heo từ rất lâu trên khắp thế giới. Nhưng virút H5 thì vẫn còn là một "kẻ thù" xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người.
Virút H5N1 và H1N1 hiện đang được thế giới quan tâm vì khả năng gây đại dịch của chúng. Cách đây gần 10 năm (2004), một đợt dịch cúm H5N1 làm hoang mang thế giới vì người ta nghĩ nó có thể trở thành đại dịch (nhưng điều đó không xảy ra). Tuy nhiên, virút H5N1 có thể biến hóa thành virút khác cùng nhóm, nhưng khả năng biến hóa đó chúng ta vẫn chưa biết ra sao.
Virút H1N1 là nguyên nhân gây ra nạn đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng một năm. Năm 2009, dịch cúm H1N1 (còn gọi là cúm heo vì virút này lan truyền trong heo) xuất hiện và trong vòng không đầy ba tháng, cúm này đã lan sang 74 nước trên thế giới với hơn 30.000 ca bệnh và 200 ca tử vong. Do đó, có thể nói rằng thế giới chúng ta vẫn sống trong tình trạng bất an vì những virút nguy hiểm này vẫn có thể gây ra dịch bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Vì thế, việc sản sinh một chủng virút mới từ hai virút có tiềm năng nguy hiểm là một điều rất khó hiểu. Thật ra các nhà khoa học TQ không phải là nhóm đầu tiên nghĩ ra nghiên cứu này. Một nhóm nghiên cứu Hà Lan cũng từng làm thí nghiệm (và đã công bố) trên virút H5N1, nhưng họ dừng lại không làm phối sinh với H1N1 vì chưa đảm bảo an toàn. Giáo sư Simon Wain-Hobson cho rằng thành tựu của nhóm nghiên cứu TQ có thể đáng khen về mặt kỹ thuật, nhưng ông cho rằng họ chưa suy nghĩ chín chắn việc họ làm.
Ngay sau khi bài báo khoa học được công bố, các nhà vi sinh học danh tiếng trên thế giới đã lên án việc làm này của nhóm nghiên cứu TQ. Cựu chủ tịch Viện Hàn lâm Anh (Lord May of Oxford) cho rằng công trình nghiên cứu của TQ chẳng giúp chúng ta hiểu biết thêm về virút cúm gia cầm và chẳng giúp ích gì trong việc phòng chống virút nguy hiểm này.
Chẳng những không giúp ích gì, các nhà khoa học còn cảnh báo nếu chủng virút mới mà họ tạo ra trong phòng thí nghiệm bị "tháo" ra ngoài thì một đại dịch mới sẽ xảy ra và trở thành một đại họa cho thế giới. Có nhà khoa học ước tính nếu tỉ lệ tử vong dao động 0,1-20%, và nếu một đại dịch xảy ra làm ảnh hưởng đến 500 triệu người thì số tử vong có thể dao động trong khoảng nửa triệu đến 100 triệu người.
Richard Ebright, nhà vi sinh học danh tiếng của Mỹ, không đánh giá cao công trình của TQ. Ông cho rằng công trình này chẳng có thông tin gì mới để đặt thế giới vào một sự hiểm nguy như thế.
Một nền khoa học thiếu đạo đức
Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều hành động mang tính vô trách nhiệm của TQ. Không nói đến những động thái quân sự hung hãn nhằm gây hấn với các nước láng giềng, TQ còn tung ra thị trường thế giới nhiều sản phẩm độc hại. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từng chỉ ra rằng các hàng thủy sản từ TQ thường bị nhiễm nhiều loại hóa chất gây nguy hại sức khỏe, kể cả gây ung thư, cho người tiêu dùng về lâu dài như kháng sinh nitrofuran, chất malachite xanh, thuốc nhuộm và kháng sinh fluoroquinolones.
Rau quả được tẩm hóa chất, dùng hóa chất ướp thi thể để làm tươi hoa quả, gạo được chế biến từ cao su, thịt chuột "hô biến" thành thịt cừu... Danh sách những hàng hóa độc hại từ TQ có lẽ chưa chấm dứt. Người ta có lý do để dè dặt hơn với những sản phẩm và hàng hóa của TQ.
Cách đây vài năm, một cuốn sách có tựa đề Chết dưới tay TQ (Death by China) của giáo sư Peter Navarro và Greg Autry (Mỹ) gây chấn động thế giới.
Hai tác giả đã chỉ ra hàng loạt sản phẩm nguy hiểm do TQ sản xuất và bán ra thị trường thế giới. Từ đồ chơi cho trẻ em, vòng tay, dây chuyền, dược phẩm giả tạo, thuốc nhái, điện thoại bốc cháy, trái cây hàm chứa vi khuẩn nguy hiểm... tất cả trở thành những công cụ giết người một cách chậm chạp. Một chuyên gia bình luận thời sự nhận xét rằng hiện TQ đang đầu độc thế giới bằng những sản phẩm độc hại và gây ô nhiễm.
Đó là sản phẩm của một nền kinh doanh vô đạo đức, khi một số không nhỏ doanh nhân TQ muốn giàu lên nhanh chóng đã làm bất cứ việc gì, bất chấp các quy ước đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh. Kinh doanh mà không dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và không xem trọng trách nhiệm xã hội là loại kinh doanh nguy hiểm.
Tương tự, trong khoa học, tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm cũng là một tiêu chí quan trọng. Một công trình nghiên cứu cho dù mang tính khả thi cao và có ý tưởng tốt, nhưng làm phương hại đến cộng đồng và xã hội vẫn không được đánh giá là đạt chuẩn mực. Chính vì bản chất đạo đức của khoa học, nhà khoa học còn phải có trách nhiệm với xã hội, vì nhà khoa học cũng chỉ là một thành viên trong xã hội, không thể nào đứng ngoài hay đứng cao hơn xã hội.
Công trình tạo ra chủng virút mới của TQ có thể đó là một thành tựu về kỹ thuật, nhưng không đạt tiêu chuẩn về đạo đức và trách nhiệm xã hội vì thành tựu đó chẳng đem lại phúc lợi gì cho xã hội hay giúp giảm sự đe dọa của một đại dịch.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta đặt câu hỏi về đạo đức của các công trình nghiên cứu khoa học từ TQ. Không ít công trình nghiên cứu này không được các tập san khoa học quốc tế công bố vì có vấn đề về y đức. Trong quá khứ đã có những nghiên cứu y khoa vi phạm y đức nghiêm trọng và bị rút lại, không cho công bố trên các tập san khoa học quốc tế.
Năm 2009, một nhóm nhà khoa học TQ giải mã gen trái dưa leo, một năm sau họ có dự án giải mã gen liên quan đến trí thông minh. Những dự án về ứng dụng tế bào gốc để điều trị chấn thương, dị tật bẩm sinh, bệnh mãn tính... đều bị giới khoa học quốc tế nghi ngờ vì vấn đề y đức. TQ còn là nơi sản sinh rất nhiều "phát minh" chẳng khác gì kiểu Sơn Đông mãi võ làm trò cười cho ngay cả người dân TQ.
N.V.T.
Nguồn: tuoitre.vn



Copy từ: Bauxite Việt Nam



..............................

Lạm bàn…khác về Trương Duy Nhất

Anh Trương Duy Nhất. Ảnh: internet
Anh Trương Duy Nhất. Ảnh: internet
Hồi sang Ba Lan, rồi Bulgaria và sau này sang Mỹ, nhiều bạn bè có hỏi, tại sao nước anh bé thế mà thắng Mỹ.
Tôi kể rằng, thời đó, thấy ai chết vì bom đạn, vì đi chiến trường, chúng tôi gọi đùa là bị Mỹ “cắt hộ khẩu”. Hàng triệu người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Mấy hôm nay, tin blogger Trương Duy Nhất bị bắt, gây hiệu ứng dữ dội trong thế giới mạng. Nhưng tôi thì không ngạc nhiên vì chuyện đó. Tôi tin, anh Nhất cũng chẳng ngạc nhiên.
Là một blogger “nóng”, việc bị bắt có thể tiên liệu được, vấn đề là thời gian và xảy ra lúc nào thôi.
Trên thế giới, bloggers dính vòng lao lý vì nhiều lý do, do họ biết quá nhiều và viết quá nhiều liên quan đến hậu trường chính trị ở tầm cao.
Anh Duy Nhất bị bắt không phải là trường hợp duy nhất tại Việt Nam. Trước đó đã có mấy chục người. Sau anh sẽ còn nhiều người khác nữa. Hiệu Minh Blog có bị đóng cửa vì một lý do nào đó cũng là bình thường.
Nhân loại chứng kiến hàng ngàn bloggers bị giam cầm và hãm hại. Chuyện đó xưa như internet. Đối đầu với giới có quyền lực trong tay là trò chơi với lửa.
Nhưng không phải vì thế mà giới blogger, quyền lực của nhân dân, lại chấp nhận im lặng. Sự vận động của nhân loại là không ngừng, chỉ có điều nơi chậm, nơi nhanh.
Không hiểu sao anh Nhất lại lấy tên blog của mình là “Một góc nhìn khác”. Đã duy nhất thì không thể có cái thứ hai.
Anh sinh ra ở một đất nước mà đảng CS là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Anh Duy Nhất theo “góc nhìn khác” thì không thể được.
700 tờ báo đều duy nhất theo một hiệu lệnh, viết gì, đăng gì. Nhà báo không thể…nhìn khác và viết khác.
Còn rất nhiều cái duy nhất khác ở đất nước này.
Thời điểm anh Nhất bị bắt có nhiều điểm trùng hợp.
Cuộc “tắm rửa” nhằm làm trong sạch từ trung ương đến địa phương do TBT khởi xướng đã có những tín hiệu không vui sau hội nghị TW 7. Sắp tới là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Dã tâm lấn chiếm cả đất lẫn tư tưởng, Trung Quốc sẽ mừng thấy láng giềng càng yếu, càng dễ cai trị và dắt mũi.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa quyết định không đưa VN trở lại danh sách CPC. Thật ra, đòn này khá hiểm. Tưởng người ta không nói gì, cứ thế làm tới, là mắc bẫy cao bồi.
Phương Tây “rất vui” khi thấy đất nước rối ren, tham nhũng, lạm quyền tràn lan, Trung Quốc đang đe dọa biển đảo. Nhìn quanh chẳng có bạn hay đồng minh nào thật sự.
Sự bất bình trong dân chúng chính là đòn quyết định thay đổi, chứ không phải CPC hay sự can thiệp từ bên ngoài.
Obama từng ngồi xem mùa Xuân Ả Rập múa bụng. Trước đó là Nixon, Reagan ngồi trên lưng ngựa ngắm các cuộc cách mạng hoa.
Tuy nhiên ở ta, với hệ thống truyền thông một chiều, dân thường ít nhìn ra mặt trái. Phần đông vẫn thấy mọi việc đang ổn.
Tại kỳ họp Quốc hội, ông PGĐ CA Quảng Nam nhận xét rằng  “Người dân không quan tâm tên nước như thế nào”.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) còn tự tin hơn “Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào Đảng, chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Những xu hướng, tư tưởng khác, sẽ không còn lý gì để tranh luận”.
Không hiểu sao, tôi thấy không phải hai ông này nói không có lý.
Có lẽ đa số dân đọc báo mạng quan tâm đến chân dài, Lý Nhã Kỳ, Nick Vujicic,  Thái Nhã Vân nude với sư, hay các sao lộ hàng hơn là chuyện blogger bị bắt. Cứ xem “bài đọc nhiều nhất” trên các trang mạng sẽ rõ hơn.
Nhưng internet đã bạch hóa lịch sử rất nhiều và tiếp tục đóng vai trò chia sẻ thông tin, sẽ không còn vùng cấm nào mà không bị động chạm trên thế giới ảo.
Giới bloggers cũng đóng góp nhiều cho mục đích này. Lợi có, hại có, trong thế giới đa chiều phải chấp nhận những cái khác biệt. Nếu biết sử dụng thông tin, nó trở nên sức mạnh trong quản lý.
Dư luận tạo nên những “nồi áp suất” lên chính quyền. Nếu không được tháo van đúng lúc, mà cứ tiếp tục “đun sôi”  như đất đai bị chiếm dưới danh nghĩa phát triển, sự bất công trong xã hội tăng lên từng ngày, bắt bớ không có lý do, “tự tử” trong đồn công an, tòa xử kiểu kangaroo…rất có thể bị “nổ” ngoài ý muốn.
Thein Sein, Tổng thống Myanmar, kẻ độc tài, từng ra lệnh giam giữ và thủ tiêu không biết bao nhiêu người dám trái ý.
Cuối cùng Thein Sein vẫn phải nhượng bộ. Báo chí tư nhân ra đời, không bị kiểm duyệt và tha hàng ngàn tù nhân chính trị.
Bởi không thay đổi thì dân Miến Điện sẽ không để yên dù họ theo đạo Phật hiền hòa.
Vừa nhậm chức kỳ hai hồi đầu năm 2013, Obama liền thăm Myanmar. Thein Sein vừa đến Nhà Trắng tuần trước.
Khả năng tự điều chỉnh của Myanmar là một ví dụ tuyệt vời khi lãnh đạo cấp cao kịp hiểu ra thời…phải thế.
Nhiều người hy vọng lãnh đạo VN cũng theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, trong thời điểm này, mọi chỉ dấu cho thấy, họ chưa muốn cải tiến một khi chiến lược theo đuổi hiện nay vẫn OK.
Anh Trương Duy Nhất là con tốt trên bàn cờ. Cú ra đòn mang tính răn đe những kẻ dám nói trái chiều và sự thật. Và nó xảy ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cũng là một tín hiệu gửi đi cho ai đó.
Họ sẽ bắt tiếp cho tới khi không còn bloggers để bắt chỉ vì dám…nghĩ khác.
Blogger vào tù phải quen như thời chiến “cắt hộ khẩu” thì xã hội sẽ dân chủ hơn.
Cũng hy vọng, nếu người có quyền lực hiểu rằng, cách đóng góp của blogger chưa chắc đã hay, nhưng thay vì bắt bớ, có thể làm khác.
Hiệu Minh. 28-5-2013
Tặng anh Trương Duy Nhất và các bạn đọc blog mấy bông hồng chụp cuối tuần vừa rồi ở Virginia.
Sóng đôi. Ảnh: HM
Sóng đôi. Ảnh: HM
Dưới gốc hoa hồng. Ảnh: HM
Dưới gốc hoa hồng. Ảnh: HM
Biển hoa hồng. Ảnh: HM
Những cánh hoa hồng không đơn độc. Ảnh: HM


Copy từ: Hiệu Minh

Báo chí đã được phép to mồm, mạnh miệng hơn về vấn đề Biến Đông

Trung Quốc phủ nhận trắng trợn vụ đâm thủng tàu cá Việt Nam

(Dân trí) - Một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua đã phủ nhận trắng trợn vụ một tàu Trung Quốc đâm thủng tàu cá Việt Nam trong vùng biển nước ta và thậm chí còn cả gan kêu gọi Việt Nam ngừng đánh bắt quanh quần đảo Hoàng Sa.
 >>  Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho tàu cá Việt Nam bị đâm

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Bình luận trên được ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, đưa ra trong cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh hôm qua 27/5.
Ông Hồng nói rằng "các cáo buộc của Việt Nam là hoàn toàn sai sự thật", Xinhua đưa tin.
Thậm chí, ông Hồng còn lớn tiếng vu cáo rằng một tàu cá của Việt Nam đã "xâm nhập trái phép vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc".
Người phát ngôn Trung Quốc còn trơ tráo "yêu cầu Việt Nam thực hiện các biện pháp thiết thực, quản lý ngư dân và ngừng đánh bát trái phép trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa".
Những bình luận của ông Hồng được đưa ra sau khi Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết một tàu Trung Quốc đã đâm thủng một tàu cá Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam mới đây.
Vụ việc xảy ra hôm 20/5/2013, khi tàu cá số hiệu QNg 90917 TS của tỉnh Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản. Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào tàu cá QNg 90917 TS gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu.
 
Mạn tàu bị vỡ toác sau khi bị tàu Trung Quốc đâm
Mạn tàu QNg 90917 TS bị vỡ toác sau khi bị tàu Trung Quốc đâm.
Về phản ứng của Việt Nam trước sự việc này, ngày 27/5/2013, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết:

“Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc.

Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự”.
An Bình

Copy từ: Dân Trí

“Báo động” thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản


Tỷ lệ lao động phi chính thức tăng nhưng tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1%...

“Báo động” thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản
Sự chuyển dịch người lao động bị thất nghiệp sang khu vực phi chính thức cho thấy tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động  trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức.
 


 
Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, lao động - việc làm là một vấn đề xã hội cần quan tâm trong năm 2013, khi chỉ tiêu tạo việc làm năm vừa qua đã không đạt kế hoạch Quốc hội giao (kế hoạch giao là 1,6 triệu lao động, kết quả thực hiện chỉ đạt 1,52 triệu).
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại thành thị là 3,25%, và còn tăng trong quý 1/2013. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước (từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012).

Cơ quan giám sát về lĩnh vực này nhận định, sự chuyển dịch người lao động bị thất nghiệp sang khu vực phi chính thức cho thấy tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động  trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức.

Báo cáo cũng “điểm tên” nguyên nhân, năm 2012, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, trong khi mức dự kiến tăng trưởng từ 6%-6,5% dẫn đến việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khu vực công chỉ ở mức 1,15 triệu đồng/tháng (dự kiến là 1,3 triệu đồng/tháng). Mức lương này chỉ đạt 38,4% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng thêm bình quân 17,4%, thấp hơn so với mức dự kiến điều chỉnh là 36,4%.

Quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã nhích lên nhưng 4 tháng đầu năm lại có đến 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, tiếp tục tác động đến tình hình việc làm trong khu vực chính thức, cơ quan này tiếp tục lo ngại.

Đáng “giật mình” là số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 7,9 triệu người năm 2011 lên 8,3 triệu người năm 2012 (tăng 4,2% sau 1 năm). Số người được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm 2010 - 2012 tăng từ 145.000 lên 410.000, rồi tới 461.000 cuối năm qua.

Cơ quan giám sát đánh giá, tuy số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ tăng khoảng 50.000 người so với năm 2011 nhưng số tiền chi bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng tăng tới 133% (từ 1.126 tỷ đồng lên mức 2.625 tỷ đồng trong cả năm 2012).

Trong khi đó, ba năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1% (0,5% số người thất nghiệp được đào tạo nghề trong năm 2012). Uỷ ban Về Các vấn đề xã hội cũng cảnh báo, ở một số địa phương đã có tình trạng lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Số nợ bảo hiểm này đến hết năm 2012 là 4.639 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt tại báo cáo là có cả phần kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sau phiên chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2012). Theo đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cơ bản đã được ban hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành được bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Với nỗ lực của ngành, Việt Nam duy trì và mở rộng thêm được một số thị trường có chất lượng như Nhật Bản và Đức.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát cũng nhắc về vấn đề đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Đài Loan khó khăn. Việc dừng chương trình cấp phép mới cho lao động Việt Nam đi Hàn quốc làm cho hơn 12.000 lao động đã hoàn thành xong các chứng chỉ nghề, ngoại ngữ chưa có cơ hội xuất ngoại.
 


Copy từ: VnEconomy

Việt Nam lại thoát khỏi danh sách đen khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu những chuyển biến “tích cực” về tự do tôn giáo


cnsnewsBản dịch của Joshma Nguyen (Defend the Defenders)
(Patrick Goodenough | CNSNews.com | 21.5.2013) – Giữa lúc chính quyền cộng sản Việt Nam đưa ra các quy định mới áp đặt những hạn chế quan liêu hà khắc về thờ phượng trong tôn giáo thì người đặc trách tự do tôn giáo quốc tế trong chính quyền  Obama lại đề cập đến Việt Nam hai lần hôm thứ Hai như một quốc gia mà Hoa Kỳ nhận thấy là có tiến bộ tích cực.
Suzan Johnson Cook
Đại sứ lưu động đặc trách tự do tôn giáo quốc tế Suzan Johnson Cook nêu Việt Nam như một dẫn chứng về một quốc gia mà ở đó “những biến chuyển tích cực” về tự do tôn giáo đã diễn ra.
Việt Nam là một trong bảy quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ, một lần nữa, lại xác định là chưa đạt ngưỡng lọt vào danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt” (CPCs) vì vi phạm tự do tôn giáo, bất chấp khuyến cáo của một cơ quan giám sát độc lập, Ủy Ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF).
Những nước khác cũng bị đề xuất đưa vào danh sách là Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Tajikistan và Turkmenistan.
Khi công bố báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế cùng với Ngoại trưởng John Kerry, bà Đại sứ Lưu động Suzan Johnson Cook chỉ đề cập đến hai nước như là những ví dụ điển hình cho các quốc gia có tiến bộ – Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
“Vi phạm tự do tôn giáo dễ làm thế giới chú ý đến, vì thế tôi chỉ muốn nêu bật một số phát triển tích cực, có xu hướng thay đổi ngầm từ bên trong”, bà Cook nói.
“Mặc dù chính phủ vẫn còn hạn chế tự do tôn giáo ở Việt Nam, song chính phủ đã tiến bộ khi cho phép thực hành các lễ nghi thờ phượng quy mô lớn với hơn 100.000 người tham gia.”
Trong thời gian trả lời phỏng vấn sau đó vài phút, Cook lần thứ hai đề cập đến Việt Nam: “Có một số quốc gia mà chúng tôi đang theo dõi, như tôi đã nêu trong phần kết thúc nhận xét của mình, chẳng hạn như Việt Nam, đã đạt được tiến bộ ở chỗ cho phép thờ phượng tại những địa điểm lớn.”
Thật ra “ tiến bộ” này không phải là mới: Cả hai báo cáo gần đây nhất mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng Chín năm 2011 và tháng Mười Một năm 2010 đều đề cập đến việc chính quyền cho phép tụ tập hơn 100,000 tín hữu, trong đó có một sự kiện của Công giáo năm 2009 và các cuộc quần tụ của đạo Cao Đài (một tôn giáo bản địa, pha trộn giữa các yếu tố Kitô Giáo và Phật Giáo) trong cả hai năm 2009 và 2010.
Trong khi, cũng chính quyền đó, gần đây lại đưa ra một loạt quy định gây cản trở gọi là “Nghị định 92,” yêu cầu tất cả các nhóm tôn giáo phải tái đăng ký chính thức, và đảm bảo được chính quyền các cấp (trưởng thôn, ủy ban nhân dân xã, phường v…v…) cho phép trước khi hội họp. Các nhóm vận động cho rằng các nhóm Kitô giáo Tin Lành là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những đòi hỏi này.
Hai sự kiện khác trong những tháng gần đây đã làm dấy lên lo ngại mới về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam:
- Một lãnh đạo hội thánh Tin Lành tên là Hoàng Văn Ngãi đã chết trong đồn cảnh sát ở Tây Nguyên ngày 17 tháng Ba. Thân nhân của ông không thừa nhận việc cảnh sát cho rằng ông này tự tử bằng cách chọc tay vào ổ cắm điện, với bằng chứng rõ ràng là cơ thể ông bị đánh đập nghiêm trọng.
- Ngày 13 tháng Tư, khi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ  đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động Dan Baer viếng thăm Việt Nam để đối thoại song phương về nhân quyền, chính quyền đã đồng ý cho ông gặp gỡ với một số nhà hoạt động nhưng ngăn cản không cho ông có một cuộc họp riêng với nhà vận động tự do tôn giáo Nguyễn Văn Đài.
Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) chính quyền Hoa Kỳ có quyền xác định những nước vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo và đưa vào danh sách CPC, rồi đưa ra một số giải pháp lựa chọn, trong đó có biện pháp trừng phạt, vốn được thiết kế nhằm khuyến khích các chính phủ vi phạm (tự do tôn giáo) cải thiện tình hình.
Các nước bị xác định đưa vào danh sách CPC hiện nay bao gồm: Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Saudi, Sudan, và Uzbekistan.
Được thành lập theo IRFA để tư vấn cho các ngành thuộc hành pháp và lập pháp, USCIRF muốn đưa thêm bảy nước nữa vào danh sách này, và trong báo cáo hàng năm của mình công bố ba tuần trước, tổ chức này lại một lần nữa kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Việt Nam vào danh sách các nước vi phạm tự do tôn giáo.
Báo cáo công bố hôm thứ Hai bỏ qua tất cả bảy đề xuất này.
Khi xuất hiện trước báo giới, bà Cook đã chỉ ra rằng USCIRF là một cơ quan độc lập.
“Những tham chiếu và đề xuất của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế chắc chắn được chúng tôi quan tâm đặc biệt khi viết báo cáo, nhưng về những gì họ xác định, đề nghị quý vị tham khảo Uỷ ban này.”
Sự xác định có hiệu lực trong quá khứ
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ed Royce (California), đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định này. Tuần trước, ông đã đề xuất nghị quyết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
“Tự do tôn giáo vẫn còn bị tấn công ở Việt Nam,” ông nói. “Từ thập niên này sang thập niên khác, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã chối bỏ các quyền tự do cơ bản nhất của người dân. Một lần nữa, thất bại của chính quyền Obama trong việc đưa Việt Nam vào danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ là đáng thất vọng, và nhân dân Việt Nam xứng đáng nhiều hơn thế.”
Lần đầu tiên USCIRF đề nghị  đưa Việt Nam vào danh sách CPC là năm 2001, và những năm sau đó đều làm như thế.
Chính quyền Bush đã theo lời đề nghị này trong năm 2004 và 2005, nhưng sau đó lại đưa Hà Nội ra khỏi danh sách vào năm 2006, với lý do “cải thiện đáng kể trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo,” như kết quả của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.
USCIRF nói quan chức Việt Nam đã đáp lại mối quan tâm của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trong năm qua, thả các tù nhân và mở rộng một số điều khoản bảo hộ pháp lý cho các nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận.
“Hầu hết các lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam cho rằng những thay đổi tích cực này là nhờ đề xuất đưa Việt Nam vào CPC [năm 2004-2005] và điều ưu tiên dựa vào mối quan tâm tự do tôn giáo trong quan hệ song phương Mỹ-Việt”, Uỷ ban cho biết trong báo cáo gần đây của mình.
Nhưng việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách  này vào năm 2006 là tái phạm một sai lầm.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát tất cả các hoạt động tôn giáo, hạn chế khắc nghiệt việc thực hành tôn giáo độc lập, và đàn áp những cá nhân và nhóm tôn giáo nào mà họ coi là thách thức quyền lực của mình,” báo cáo USCIRF cho hay.
“Nhà cầm quyền tiếp tục bỏ tù hoặc bắt giữ các cá nhân vì những lý do liên quan đến hoạt động tôn giáo hoặc vận động cho tự do tôn giáo; hoạt động tôn giáo độc lập vẫn còn bị đàn áp; chính phủ duy trì một lực lượng cảnh sát chuyên trách để đối phó với các nhóm tôn giáo; những biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý cho các tổ chức tôn giáo được chính phủ công nhận thì lệ thuộc vào cách giải thích tùy tiện hoặc phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố chính trị; và những người thuộc các sắc dân thiểu số cải đạo sang Tin lành hay Công giáo phải đối mặt với tình trạng bị phân biệt đối xử, đe dọa, và áp lực để buộc họ từ bỏ niềm tin.

Copy từ: Defend the Defenders

Đại biểu Quốc Hội gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”...

Nhật ký nghị trường: Nghỉ sớm...

Một số vị đại biểu gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”...

Nhật ký nghị trường: Nghỉ sớm...
 
15h30, thay vì giải lao như mọi bữa, Quốc hội kết thúc phiên họp chiều. Phần thảo luận buổi sáng ở nhiều tổ cũng “về đích” khá sớm so với thời gian biểu thông thường là 11h30.
Nếu nhìn vào nội dung cần bàn thảo thì điều này hơi khó hiểu một chút. Bởi không nhiều phiên họp tổ được bố trí thảo luận đến ba đầu việc như sáng nay. Trong đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp đều là hai dự án luật mới được trình tại kỳ này.

Bên cạnh đó còn có thêm việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào, cũng không dễ gì đưa ra ngay quyết định.

Buổi chiều, thời gian làm việc chỉ có 3 tiếng kể cả nghỉ giải lao (từ 14 giờ đến 17 giờ) cũng gồm hai nội dung. Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Với quy trình rút gọn, được thông qua trong một kỳ họp, những tưởng đây sẽ là dự án luật được bàn thảo, tranh luận sôi nổi. Nhưng không, chỉ có 10 đại biểu nhấn nút và hầu hết đều không sử dụng hết tiêu chuẩn 7 phút, ban soạn thảo cũng không lên tiếng.

Đem thắc mắc về không khí trầm lắng không chỉ ở phiên thảo luận chiều nay tâm tư với một vị đại biểu chuyên trách, ông nhìn nhận, có nguyên nhân từ một số vị đại biểu gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”.

Dù vậy, theo ông, nếu chịu khó chắt lọc cũng có thể tìm thấy những “viên ngọc” sáng, là những ý kiến thực sự có giá trị.

Không chỉ người viết bài này mà các đồng nghiệp trong cuộc trao đổi cũng bày tỏ đồng tình với ông.

Bởi, chả nói đâu xa, trong hai buổi thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm qua đã có không ít ý kiến được cử tri đồng cảm, và rất có thể đã lay động tâm tư của nhiều vị đại biểu khác.

Nhà sử học Dương Trung Quốc mạnh mẽ “đòi” công cụ để có thể thực hiện việc trưng cầu dân ý, bởi bất kỳ lúc nào ta cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân, nhưng toàn là chuyện nhân danh cả.

Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý nói, khi ban biên tập lập luận cho phương án tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đã giải trình “rất thuyết phục”. Và thành viên ban biên tập, ông Dương Trung Quốc xác nhận, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án cho Quốc hội thảo luận và để người dân cùng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng không ngần ngại nói rằng việc lấy ý kiến nhân dân quá gấp gáp và "đối phó", trong khi Hiến pháp là "sản phẩm của nhân dân", Quốc hội thay mặt nhân dân để biểu quyết, xác định nhân dân là chủ thể xây dựng Hiến pháp.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, khi thảo luận ở tổ về chương trình xây dựng luật cho 2014 cũng “xung phong” tập hợp các chuyên gia xây dựng Luật Biểu tình theo đúng Hiến pháp để tiết kiệm ngân sách nhà nước và kịp đưa vào chương trình năm sau..

Và sáng nay, góp ý về dự án Luật sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp, một vị đại biểu đã đề nghị cơ quan trình dự án này cần phải thể hiện sự tôn trọng Quốc hội hơn nữa, phải làm rõ những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã yêu cầu thì Quốc hội mới có thể biểu quyết được....

Vẫn không quá khó để bắt gặp các ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, chất lượng. Nhưng chừng nào mà số các vị đại biểu khi đã đến nghị trường chỉ đặt mình ở vị trí đại diện cho dân - như tâm sự của Trung tướng Trần Văn Độ - chưa chiếm tuyệt đại đa số thì Quốc hội sẽ vẫn có những phiên nghỉ sớm, dù thời gian cho mỗi kỳ họp luôn được “cân đong” kỹ càng.

Nếu không phải Quốc hội thì ai sẽ nói lên nguyện vọng của cử tri, của nhân dân, vị đại biểu chiều nay nán lại trò chuyện cùng cánh phóng viên đã không đặt dấu chấm hỏi cuối câu này. Dường như ông tự nhắc mình, dù cho đến hôm nay ông vẫn là một trong số không nhiều các vị đại biểu mang tiếng “nói nhiều” ở nghị trường.


Copy từ: VnEconomy

Im lặng hay là Chết!

Im lặng hay là chết!

Trịnh Kim Tiến - Nói, nói nữa và nói mãi, tất cả sự phản đối dường như vô tác dụng đối với ngành tư pháp và công an Việt Nam trong vấn nạn công an sử dụng bạo lực với người dân.
Tôi, một người con có bố bị công an đánh chết, mọi người, những người quan tâm đến tình hình chung trong xã hội, đất nước, hay thậm chí là những người dân thường ngày đêm lo lao động kiếm sống đều biết được rằng sức mạnh của ngành công an trong xã hội hiện nay lớn đến thế nào. Chế độ này đang dần trở thành chế độ công an trị, họ có thể làm những gì họ thích bởi quyền hạn của họ ngày một nhiều, dường như không có một sự chế tài thực sự nào dành cho họ.
Những bản án bất công liên tiếp, những cách xử lý có tính chất bao che đã chứng minh một điều rằng tội ác của lực lượng công an đã được cả ngành tư pháp, bộ máy pháp luật Việt Nam dung túng. Trong khi đó người dân chỉ cần cự cãi lại công an rất dễ bị ghép cho tội danh chống người thi hành công vụ và phải lĩnh án nhiều tháng, năm tù. 
Tôi cứ đếm rồi lại đếm, đăng rồi lại đăng ngày càng nhiều tin tức người dân bị công an bạo hành trên facebook của mình. Một lần đăng là một lần rớt nước mắt, cũng là một lần đau xót khi biết được rằng những chuyện đó vẫn tiếp diễn hằng ngày và đang trở thành những câu chuyện hết sức bình thường trước phản ứng bất lực vì sợ hãi của người dân.
Tôi nên làm gì, chúng ta nên làm gì khi mà sự bất công đến hồi man rợ? 
Khi mà thượng sĩ công nổ súng giết người sau khi đã còng tay nạn nhân chỉ phải lĩnh án 2 năm tù giam. Sự phi nghĩa đang diễn ra một cách công khai và trắng trợn nhất mà chúng ta có thể thấy. Sự việc xảy ra vào ngày 10/12/2012, ông Bùi Văn Lợi (45 tuổi) đi xem đá gà trên sới gà tại Bắc Giang và sau đó kết quả là ông đã bị tên công an giết người Nguyễn Duy Tùng nổ súng bắn chết sau khi đã bị còng tay. Sau hơn 6 tháng quên lãng, vụ án được đem ra xét xử và kết thúc là bản án 2 năm tù giam cho kẻ sát nhân. Một lần nữa, bộ mặt của Tòa án Bắc Giang, cũng như cả ngành tư pháp Việt Nam tiếp tục bị những kẻ nắm quyền lực, mang danh thi hành pháp luật phỉ nhổ vào. 
Tôi nói là một lần nữa bởi đây không phải lần đầu Tòa án Việt Nam kết luận ra được những bản án đáng kinh tởm đến như vậy về những sự vụ công an lạm quyền đánh chết dân. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn?
Chúng ta không thể làm gì vì chúng ta là dân đen, sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như vậy. Và chúng ta sẽ thực sự không thể nào thay đổi được hiện trạng này nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như vậy. Điều chúng ta cần phải làm hiện nay là lên tiếng để bảo vệ quyền lợi và tính mạng của bản thân, cũng như những người xung quanh. Với diễn biến thực tế, tình trạng này sẽ còn diễn ra và diễn ra mạnh.
Ngày hôm nay có thể là gia đình chúng tôi, ngày mai nỗi đau đó có thể rơi vào gia đình các bạn. Có ai muốn điều đó xảy ra với bản thân mình, tôi chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình tôi, nhưng khi nó đến, tôi phải học cách chấp nhận và đối mặt. Đừng ngồi im và để sự mất mát đó tìm đến với gia đình mỗi chúng ta trong sự vô cảm của chính mình.
Có vô số những gia đình đã và đang trải qua đau đớn bởi vấn nạn này gây ra. Những vụ án công an giết người rõ ràng nhưng lại bị gắn mác tự tử, tự thương. Và sự im lặng, quên lãng đáng sợ của dư luận khiến nỗi đau chồng chất lên nỗi đau. Chúng ta phải lên tiếng và không chỉ là sự lên tiếng suông được nữa, thật khó để chúng ta còn tin vào những gì họ nói là “vì dân”. Chúng ta cần phải làm gì đó để phản đối những bản án bất công của ngành tư pháp Việt Nam đối với những nạn nhân bị công an lạm quyền đánh và đánh chết. Chúng ta cần phải nói tiếng nói của mình, chúng ta không cam chịu bất công, và yêu cầu đòi hỏi những quyền chính đáng là tính mạng và nhân phẩm của người dân cần phải được tôn trọng. Vậy chúng ta có thể làm gì khi chúng ta không có quyền trong tay?Chúng ta có quyền biểu tình phản đối, đó là quyền quy định trong Hiến Pháp.
Khi tôi đề cập đến chuyện biểu tình ở đây không có nghĩa là tôi cổ súy cho việc thể hiện bức xúc bằng hành động gay gắt như la hét, ném đá, sử dụng vũ lực, bạo động... Ý tưởng biểu tình ở đây là sự liên kết bằng những hành động cụ thể cùng những bước chân đồng hành với chúng tôi bằng sự cảm thông, chia sẻ và tâm tình mong muốn sự đổi thay.
Chúng tôi cần mọi người đi cùng chúng tôi, ủng hộ chúng tôi trong lúc này.
Chúng ta phải có hành động phản đối cụ thể để yêu cầu luật pháp hiện hành trả lại công lý cho người dân.


Copy từ: Dân Làm Báo

“Dấu hiệu kinh tế suy giảm đã rất rõ ràng”

“Tôi thấy tình hình kinh tế hiện nay đang ở trong tình trạng rất khó khăn và việc “vực dậy” đang cấp bách lắm rồi”...

“Dấu hiệu kinh tế suy giảm đã rất rõ ràng”

Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

 
“Năm 2010 có 43.000 đơn vị ngừng hoạt động, phá sản. Con số này của năm 2011 là trên 53.000, năm 2012 trên 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 4.900-5.000 đơn vị và tổng số đến nay đã là 20.000. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản đã trở thành dịch bệnh rồi!”.
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu quan điểm như vậy khi đánh giá về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh “dấu hiệu kinh tế suy giảm đã rất rõ ràng”.

Ông đánh giá tình hình kinh tế hiện nay đang ở mức độ nào, khó khăn hay rất khó khăn?

Tôi thấy tình hình kinh tế hiện nay đang ở trong tình trạng rất khó khăn và việc “vực dậy” đang cấp bách lắm rồi, càng để chậm trễ càng lún sâu vào khó khăn.

Nếu như các năm trước, khó khăn bên ngoài là một nhân tố tác động tới kinh tế trong nước thì nay, chúng ta khó có thể đổ tại nhân tố này. Bởi năm 2012, kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại với tốc độ 3,2% và dự kiến năm nay là 3,3%. Các nước trong khu vực năm ngoái tăng trưởng bình quân 5,5-5,6% nhưng chúng ta chỉ đạt 5,03%.

Nếu như năm 2012 là khó khăn, là đáng lo ngại thì đến bây giờ, tôi có thể nói là vô cùng khó khăn và vô cùng đáng lo ngại. Dấu hiệu suy giảm đã rất rõ ràng, không còn gì phải bàn cãi, doanh nghiệp phá sản ngày một nhiều.

Trong khi đó, nông nghiệp vốn luôn là chỗ dựa của cả nền kinh tế nhiều năm qua thì nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,24% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây (2010 tăng 4,08%; 2011 tăng 3,35%; 2012 tăng 2,81%)...

Khi nền kinh tế càng khó khăn thì vấn đề về niềm tin càng được được nhắc đến nhiều hơn. Theo cảm nhận của ông, thì niềm tin của người dân cũng như doanh nghiệp đang ở ”ngưỡng” nào?

Thực tế cũng có một điểm sáng nổi lên trong những tháng đầu năm nay là lạm phát được kiềm chế, giá cả được ổn định khiến cho đời sống của người dân cũng đỡ khó khăn hơn, yếu tố này cũng có tác động tích cực đến niềm tin của người dân. Nhưng khi chúng ta xét ở một số mặt cụ thể thì thấy rằng, Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong việc tạo dựng niềm tin.

Chẳng hạn, với nông dân, ở một đất nước có tới gần 70% dân số làm nông nghiệp như nước ta thì Chính phủ cần lưu ý hơn trước cảnh nông dân đang phải chịu thiệt hại kép, nguồn thu giảm do giá lương thực rẻ đi nhưng các khoản chi vẫn cứ tăng. Nói là lạm phát giảm nhưng thực tế các khoản mà nông dân phải chi tiêu như dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước, xăng dầu vẫn tăng.

Đối với khu vực gay go nhất hiện nay là doanh nghiệp, khi nhìn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chúng ta thấy giảm sút nghiêm trọng. Kế hoạch đặt ra phải đạt 33,5% GDP nhưng chỉ thực hiện được hơn 28%. Trong đó giảm mạnh nhất là khu vực dân doanh, họ chỉ thực hiện được 64% kế hoạch. Điều này cho thấy tinh thần doanh nhân, niềm tin của họ vào chính sách sa sút nên họ chưa tìm thấy cơ hội tốt để đầu tư.

Chính phủ có thừa nhận rằng chính sách ban hành chậm đi vào cuộc sống khiến nền kinh tế chưa thể ấm lên. Ông có bình luận gì?

Tôi nghĩ rằng không chỉ chậm trong đưa chính sách vào cuộc sống mà còn chưa đầy đủ trong nhận diện tình hình. Cùng đó, chính sách, giải pháp đề ra trong các văn bản, giấy tờ đã đầy đủ, nhưng đi vào giải quyết sự vụ cụ thể còn yếu.

Như đối với doanh nghiệp, để xảy ra tình trạng khó khăn như hiện nay, ngoài một số ít nguyên nhân khách quan còn do các bộ, ngành chức năng không nhận diện đầy đủ tình hình, dẫn đến báo cáo về “sức khỏe” doanh nghiệp chưa rõ ràng, chưa trúng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cứ ngày một tăng lên.

Năm 2010 có 43.000 đơn vị ngừng hoạt động, phá sản. Con số của 2011 là trên 53.000, năm 2012 trên 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 4.900-5.000 và tổng số đến nay đã là 20.000 doanh nghiệp.

Như vậy, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản đã trở thành dịch bệnh rồi và vô cùng nguy hiểm! Năm 2012 có tới 69% doanh nghiệp báo cáo lỗ, con số lớn nhất từ trước đến nay; số ngừng hoạt động, phá sản vẫn gia tăng cho thấy tình hình rất khẩn cấp.

Hết năm nay mà tình hình vẫn chưa được cải thiện thì e rằng có cứu cũng quá muộn. 
 

 
Copy từ: VnEconomy

Ối Trời! Nợ công đã lên tới 95% GDP?

(Dân trí) - Tổng nợ công năm 2012 ước tính khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của DNNN và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác thì nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP.
 >> Nợ công Việt Nam bao nhiêu là “ngưỡng an toàn”?
 >> Nợ công của Việt Nam gần 1,4 triệu tỷ đồng
 >> Mỗi người dân Việt Nam gánh gần 800 USD nợ công

Đồng hồ nợ công của Việt Nam trên Economist: Mỗi người dân cõng trên lưng 817,74 USD nợ công.
Đồng hồ nợ công của Việt Nam trên Economist: Mỗi người dân "cõng trên lưng" 817,74 USD nợ công.
Tại báo cáo nghiên cứu "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam", Uỷ ban Kinh tế cho biết, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP.

Tuy nhiên, theo nhận xét của Uỷ ban, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Vấn đề nằm ở những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả - mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam. Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư, mà chủ yếu là DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP.

Ngoài ra, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN theo ghi nhận tại đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP. Nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, Uỷ ban Kinh tế cho biết, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP!

Tỷ lệ này rõ ràng đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đồng thời, cao hơn nhiều so với tỷ lệ được công bố trên Đồng hồ nợ công thế giới của Economist.

Cấu trúc nợ công của Việt Nam.
Cấu trúc nợ công của Việt Nam.
Hiện nay, theo định nghĩa, tổng nợ công là nợ trong nước và nợ nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhưng không bao gồm nợ của DNNN, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Chỉ có nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công.

Nợ nước ngoài tính bằng nội tệ tăng với tốc độ chóng mặt

Uỷ ban cũng lưu ý rằng, mặc dù nợ nước ngoài có thể được hưởng lãi suất thấp song lại tiềm ẩn đầy rủi ro về tỉ giá. Sự mất giá của đồng nội tệ sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng lên.

Các chủ nợ lớn của Chính phủ Việt Nam bao gồm Nhật (chiếm 34,3% tổng nợ) và các tổ chức quốc tế như IDA (24,9%) và ADB (15,0%). Mỹ và khối EU chỉ chiếm lần lượt 0,3% và gần 6,9% tổng nợ của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên nợ theo đồng tiền của các nước/khu vực này lại chiếm tỉ trọng lớn.

Theo nhận xét của Uỷ ban, các chủ nợ thường có xu hướng sử dụng những đồng tiền mạnh, và việc vay nợ theo các đồng tiền mạnh này khiến nợ nước ngoài chịu rủi ro cao khi chúng có xu hướng lên giá theo thời gian.

Cụ thể, chỉ tính kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6/2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.

Uỷ ban Kinh tế đánh giá, việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật về nợ công, nợ nước ngoài và nợ của DNNN ở Việt Nam là hết sức khó khăn. Nguồn thông tin chính thống về nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay được cung cấp duy nhất qua Bản tin Nợ nước ngoài phát hành định kỳ 6 tháng/lần của Bộ Tài chính. Dù vậy, bản tin mới nhất cũng chỉ phản ánh sơ sài về thống kê nợ nước ngoài cho tới hết năm 2010.

Các thống kê khác về nợ công trong nước và đặc biệt là nợ của khối DNNN đều không được công bố chi tiết và chính thống. Các số liệu của DNNN được nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Kinh tế thu thập và tính toán đề dựa trên báo cáo của Bộ Tài chính tại các kỳ họp Quốc hội và thống kê dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng của NHNN.

Do vậy, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thách thức đầu tiên trong việc quản lý nợ công Việt Nam đó là việc xây dựng một hệ thống cung cấp và quản trị thông tin nợ công/nợ nước ngoài một cách minh bạch và nhanh chóng. Điều này cần có sự nhìn nhận đúng đắn của các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở Việt Nam về vấn đề quản lý rủi ro nợ công hiện nay.

Bích Diệp

Copy từ: Dân Trí