Trước
quá nhiều đối tác chiến lược này, không ai biết Việt Nam muốn gì. Bắt
cá nhiều tay là một chiến lược nguy hiểm, không ai muốn can thiệp khi
Việt Nam bị lâm nguy vì sợ làm phật lòng những đối tác chiến lược khác.
Đáp
lời mời của đại tướng Martin E. Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu
trưởng Liên quân Hoa Kỳ thuộc Bộ quốc phòng Mỹ, ngày 17/06/2013, một
phái đoàn quân sự cao cấp của quân đội nhân dân Việt Nam do thượng tướng
Đỗ Bá Tỵ, thứ trưởng bộ quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội
nhân dân Việt Nam, dẫn đầu tới thăm chính thức Hoa Kỳ trong 6 ngày, từ
17 đến 22/06/2013.
Theo
ông Tỵ, chuyến đi này"là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu
biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác
quốc phòng lên một bước mớimới, phù hợp với mối quan hệ hữu nghị, hợp
tác nhiều mặt, đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Phái
đoàn quân sự Việt Nam gồm có các tướng lĩnh cao cấp trong quân
ủy trung ương như như trung tướng Phương Minh Hòa, tư lệnh Quân chủng
Phòng không-Không quân, trung tướng Phạm Ngọc Hùng, phó tổng cục trưởng
Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng, chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư
lệnh Quân chủng Hải quân, thiếu tướng Phạm Hữu Mạnh, chánh văn phòng Bộ
Tổng Tham mưu và thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, cục trưởng Cục Đối ngoại.
Nội dung chuyến đi
Đây
là lần đầu tiên một phái đoàn cao cấp của quân đội nhân dân Việt Nam
chính thức đến thăm Hoa Kỳ, đặc biệt là đến Bộ quốc phòng Hoa Kỳ để cùng
hội thảo. Trong chương trình viếng thăm, ông Đỗ Bá Tỵ cùng đoàn đại
biểu quân sự cấp cao đã đến thăm Đại học Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hạm đội
3, Cảnh sát biển thành phố San Diego, Đơn vị tìm kiếm cứu nạn, Bộ tư
lệnh Quân đoàn 1, Căn cứ liên quân Lewis-McChord. Tại các đơn vị đến
thăm, những chỉ huy đơn vị đã giới thiệu về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu
tổ chức của đơn vị.
Sáng
ngày 20/6, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, còn gọi là Pentagone (Lầu
năm góc), một nghi lễ tiếp đón theo nghi thức quân sự cấp cao đã được tổ
chức dành riêng cho đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam. Điều này
cho thấy Hoa Kỳ đánh giá cao chuyến viếng thăm của phái đoàn quân sự
Việt Nam. Ngay sau lễ đón, ông Đỗ Bá Tỵ đã có cuộc hội đàm với
ông Martin Dempsey, đại tướng chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên
quân Mỹ.
Sau
những chào hỏi và cảm ơn xã giao giao, hai bên đã trao đổi về một số
tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm. Ông Đỗ Bá Tỵ nói Việt Nam
coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó có quan hệ
về quốc phòng. Theo đó, hai bên tiếp tục triển khai quan hệ quốc phòng
theo bản Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quốc phòng đã ký kết, bao gồm trao
đổi đoàn các cấp, trao đổi đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân
binh chủng. Ông Đỗ Bá Tỵ cũng không quên đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác
với Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh (rà phá bom
mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh, tìm kiếm các quân nhân còn mất
tin, mất tích trong chiến tranh và tẩy rửa chất độc dioxine tại các
điểm ô nhiễm nặng và hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất và hợp tác với Hoa Kỳ
trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ đã
tử trận trong chiến tranh tại Việt Nam. Nhưng đề nghị quan trong nhất
của ông Tỵ là trong thời gian tới, hai bên cần phối hợp thật tốt trên
các diễn đàn đa phương để cùng nhau góp phần giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định để phát triển, trước hết trong cơ chế hợp tác giữa các
nước ASEAN và các nước đối tác (trong đó có Trung Quốc). Việt Nam sẽ làm
hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ vì hòa
bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Đáp
lời, ông Martin Dempsey đồng ý với những nội dung hợp tác thời gian tới
trong khuôn khổ Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hoan nghênh
sáng kiến của Việt Nam về thành lập Nhóm chuyên gia về mìn nhân đạo
trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ASEAN
Defence Ministers Meeting Plus-ADMM+). Ông Dempsey cho biết Hoa Kỳ ủng
hộ các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
bằng biện pháp hòa bình và đề nghị các bên tranh chấp tuân thủ luật pháp
quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982,
đồng thời cũng mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng được Bộ Quy
tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (Code of Conduct-COC).
Chiều
cùng ngày 20/6, phái đoàn của thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã có buổi tiếp
kiến với ông John Mc Cain, thượng nghị sỹ bang Arizona, tại trụ sở
Quốc hội Hoa Kỳ trên đồi Capitol. Ông John McCain là người đã từng
tham chiến ở Việt Nam và bị bắt làm tù binh và bị giam tại Hỏa Lò Hà
Nội. Trong cuộc hội thảo, ông McCain khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ cho
quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Trước
đó, ngày 18/6, phái đoàn quân sự do ông Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đã tới
thăm Căn cứ liên quân Lewis-McChord, bang Washington và được trung
tướng Robert Brown, chỉ huy trưởng Quân đoàn I, tiếp đón. Ông Brown
cho biết : "Chính sách chuyển hướng của quân đội Hoa Kỳ sẽ là
tăng cường lực lượng ở Đông Nam Á để hợp tác với các đối tác
tuyệt vời như quý vị" và sau đó cho phái đoàn Việt Nam xem một
bản đồ có gắn bảy ngôi sao, đó là nơi diễn ra các cuộc tập
trận chung lớn với quân đội Mỹ : Trung tâm Huấn luyện Yakima ở
bang Washington, Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines
và Hawaii. Ông Brown nói : "Nếu thêm được một ngôi sao nữa ở
Việt Nam thì thật là tuyệt vời".
Việt
Nam đã nhiều lần tuyên bố không liên minh quân sự với nước nào
và chưa có ý định tham gia tập trận chung. Tuy trước mắt
Việt-Mỹ chưa có kế hoạch tập trận chung, nhưng hai bên hứa có
thể cùng tham gia huấn luyện gìn giữ hòa bình và quân y.
Theo
dự trù, ngày 26/6, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, một thứ trưởng quốc
phòng khác của Việt Nam, cũng sẽ đến thăm Hoa Kỳ. Mục đích chuyến thăm
này là để bàn về lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Việt Nam đã
quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc,
trong lĩnh vực công binh, quân y và quan sát viên quân sự.
Sau
chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, phái đoàn do ông Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu sẽ đến
thăm Pháp từ ngày 23 đến 26/6, theo lời mời của đô đốc Edouard
Guillaud, tham mưu trưởng Liên quân Cộng hòa Pháp.
Bắt cá nhiều tay, không ai biết Việt Nam muốn gì
Trong
lúc phái đoàn quân sự cao cấp của thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đến thăm
Lầu Năm Góc từ ngày 17 đến 22/6, phái đoàn của ông chủ tịch nước
Trương Tấn Sang cũng đến thăm Trung Quốc từ 19 đến 21/6. Các hoạt động
ngoại giao và quốc phòng dồn dập trong tháng 06/2013 cho thấy Việt Nam
tiếp tục chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” với các đối tác chiến
lược.
Ngày
31/5, phát biểu trước diễn đàn an ninh Singapore Đối Thoại Shangri-La,
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không ngừng nhấn mạnh "xây dựng niềm tin
chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực Châu Âu Thái Bình Dương"
và tuyên bố “đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang
trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương”. Điều
này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đang tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ
nhưng cũng không muốn gây mất lòng Trung Quốc.
Vấn
đề là Việt Nam không có cùng định nghĩa về "đối tác chiến lược". Một
quốc gia có thể có nhiều đối tác chiến lược về kinh tế, văn hóa, xã hội
nhưng không thể có nhiều đối tác về quốc phòng vì một lý do giản dị,
không quốc gia nào muốn những bí mật quốc phòng của mình bị đối phương
nắm giữ. Khi hợp tác quốc phòng, mỗi quốc gia phải cho đối tác hoặc đồng
minh của mình biết thêm chi tiết về chiến lược đang áp dụng. Tại Biển
Đông, Hoa Kỳ và Trung Quốc rất muốn biết chiến lược khai triển của nhau
trong khu vực. Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ muốn được Hoa Kỳ bảo vệ
khi bị Trung Quốc tấn công (nếu có) và với Trung Quốc phía Việt Nam
không những tình nguyện cộng tác toàn diện mà còn nhờ Trung Quốc huấn
luyện vào đào tạo những sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội. Song song
với những ước muốn đó, Việt Nam còn muốn công tác chiến lược với những
cường quốc quân sự khác trong vùng như Nga, Ấn Độ và Pháp.
Trên
bình diện địa lý chiến lược, đối tác chiến lược chính của Việt Nam phải
là các quốc gia ASEAN, nhưng Việt Nam lại không tin vào sự sốt sắng của
những quốc gia cùng khối này. Ngoài mặt, Hà Nội ủng hộ Philippines
trong việc tố cáo Bắc Kinh nhưng trong thực tế lại cùng với Trung Quốc
tiếp tục xác nhận chủ quyền trên các đảo và bãi đá trên quần đảo Trường
Sa mà Philippines nói là của mình.
Trong
hội thảo mang tên "Đoàn kết của ASEAN và những thách thức hàng hải ở
Biển Đông và Châu Á-Thái Bình Dương", do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
Châu Á và Học viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế đồng tổ chức tại
Bangko kngày 21/06/2013, nội dung những bài phát biểu cho thấy sự cạnh
tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ làm suy
yếu sự đoàn kết nội bộ giữa các quốc gia ASEAN. Mỗi quốc gia ASEAN có
cái nhìn khác nhau về vai trò của Hoa Kỳ và Trung Quốc vì quyền lợi
riêng của quốc gia mình, do đó không thể có tiếng nói chung trên những
vấn đề liên quan đến Biển Đông. Chẳng hạn như sau gần một thập niên đàm
phán, ASEAN và Trung Quốc chỉ ký được Tuyên bố chung về ứng xử của các
bên ở Biển Đông (Declaration of Conduct-DOC) năm 2002, còn việc xây dựng
một bộ luật mang tính ràng buộc hơn, Quy ước ứng xử (Code of
Conduct-COC), vẫn xa vời.
Một
thí dụ cụ thể : trong cuộc hội thảo ở Bangkok, chuyên gia các nước,
trong đó có Việt Nam, cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được
giải quyết bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, như Công
ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, v.v. thì trong Thông cáo
chung Việt Nam-Trung Quốc, sau chuyến công du Bắc Kinh của chủ tịch nước
Việt Nam Trương Tấn Sang, không có một câu nào hay chữ nào nhắc tới bộ
luật về ứng xử COC và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.
Chính
sách bắt cá nhiều tay của Việt Nam hiện nay đang buộc những quốc gia
đối tác chiến lược xét lại sự hợp tác của mình : Việt Nam là một đối tác
chiến lược đáng tin cậy hay chỉ là một khách hàng mua vũ khí lớn ?
Ngày
04/03/2013, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tới thăm
Việt Nam trong hai ngày từ ngày 4 đến5/3. Sau khi tới thăm cảng Cam
Ranh, ông Shoigu nói Nga coi Việt Nam như "một đối tác chiến lược, một
người bạn lâu năm và đáng tin cậy". Hai bên Việt-Nga đã thảo luận về
tình hình anh ninh khu vực cũng như hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật và
quân sự. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói Việt
Nam cho phép Nga thiết lập trung tâm hậu cần kỹ thuật quân sự dùng
để sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm cho
các tàu đa quốc tịch ở Cam Ranh. Việt Nam và Nga cũng thống
nhất việc xây dựng khu nghỉ dưỡng của quân nhân Nga tại Cam Ranh.
Nhắc lại Vịnh Cam Ranh là nơi Việt Nam lập căn cứ tàu ngầm và
sự tham gia của người Nga, quốc gia sản xuất tàu ngầm cho Việt
Nam, là một bắt buộc.Hơn nữa hải cảng Cam Ranh là nơi Liên Xô từng
đặt căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1979.
Hải quân Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần sử dụng cơ sở dịch vụ của
cảng Cam Ranh.
Cũng
nên biết, Việt Nam là khách hàng mua vũ khí khí lớn của Nga. Trong vài
năm gần đây trở lại, Việt Nam là khách hàng lớn thứ 5 trong các nước
mua vũ khí của Nga, với tổng trị giá các hợp đồng là 2,43 tỷ USD,
chiếm 7,6% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga. Gần đây Việt Nam đã mua của
Nga 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2, một số hệ thống tên lửa phòng không
S-300, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, tổ hợp cơ động ven biển Bastion
với hệ thống tên lửa siêu thanh tự định vị chống tàu Yakhont, tổ hợp
tên lửa phòng không Igla. Từ năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6
chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636 có cải biên với một tổng trị
giá khoảng 3,2 tỷ USD, trong đó có chi phí lắp đặt vũ khí và
một số trang thiết bị khác. Các tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ
được trang bị thủy lôi 53-56 hoặc TEST 76, có hỏa tiễn chống
hạm 3M-54E hoặc 3M-54E1. Việt Nam sẽ mua thêm các hệ thống hỏa
tiễn chống hạm Novator Club-S (SS-N-27) với tầm che phủ 300 km,
v.v.
Trước
đó, ngày 20/10/2012, một đoàn tướng lĩnh và quan chức của quân
đội Việt Nam do thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng
Quân đội Nhân dân, dẫn đầu đang có chuyến thăm Nga với nội dung y
như chuyến viếng thăm Hoa Kỳ hiện nay.
Với những đối tác khác, phía Việt Nam cũng tiến hành những cuộc viếng thăm hay mời viếng thăm quân sự tương tự.
Với
Trung Quốc, ngày 22/06/2013, hai tàu chiến hiện đại nhất của Việt Nam
lần đầu tiên sẽ tuần tra chung với hải quân Trung Quốc trên vùng biển
Vịnh Bắc Bộ. Đó là hai tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý
Thái Tổ (HQ-012) đã rời quân cảng Vùng 3 Hải quân. Việt Nam nói đây là
chuyến tuần tra lần thứ 15 giữa hai nước, nhưng lại là lần đầu tiên có
hai chiến hạm hàng đầu của Việt Nam tham gia. Biên đội tàu của hải quân
Việt Nam cũng sẽ thăm, giao lưu với Hạm đội Nam Hải tại thành phố Trạm
Giang, tỉnh Quảng Châu vào ngày 25/6. Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam,
chuyến đi lần này nhằm “xây dựng lòng tin lẫn nhau, tăng cường quan hệ
hợp tác vì sự ổn định, hòa bình của khu vực”. Ông Đỗ Bá Tỵ nói Việt Nam
sẵn sàng làm việc với phía Trung Quốc để tăng cường hợp tác và duy trì
sự tăng trưởng ổn định của mối quan hệ song phương và quan hệ giữa quân
đội với quân đội.
Trước
đó, ngày 16/4/2013, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc ở cấp tổng tham
mưu, ông Đỗ Bá Tỵ khẳng định "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng
giềng núi liền núi, sông liền sông. Mối tình hữu nghị Việt-Trung, tài
sản vô giá do chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Mao Trạch Đông sáng lập
và dày công vun đắp đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nâng lên
thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đảng, Chính
phủ, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ cũng
như giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân
giải phóng nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất
nước ngày nay. Quan hệ hữu nghị Việt-Trung có ý nghĩa chiến lược quan
trọng đối với cả hai nước, cũng như đối với hòa bình, ổn định và phát
triển chung của khu vực... Phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt
đẹp và bền vững với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán và là ưu
tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam".
Hai
bên đã triển khai có hiệu quả nội dung của Nghị định thư giữa hai Bộ
Quốc phòng ký năm 2003 và các thỏa thuận hợp tác khác, trong đó một số
lĩnh vực thực sự trở thành điểm sáng trong quan hệ quốc phòng hai nước.
Quân đội hai nước cũng đã tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trong đó chú
trọng gặp gỡ và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao ; tăng cường trao đổi
đoàn chuyên ngành ; giao lưu sỹ quan trẻ, cựu chiến binh ; giao lưu văn
hóa, văn nghệ… Về đào tạo, hai bên đã hợp tác một cách có hiệu quả. Học
viên quân sự hai nước sau thời gian học tập đã phát huy tốt kết quả học
tập cũng như vai trò cầu nối hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Quan hệ hợp
tác, phối hợp giữa Hải quân, Biên phòng và các quân khu giáp biên giới
tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực. Thông qua các hình
thức như tuần tra liên hợp trên biển và trên bộ, phối hợp diễn tập tìm
kiếm cứu nạn trên biển… đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự khu vực
biên giới, đồng thời giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm, ngăn chặn
và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Các lĩnh vực hợp tác về
công tác Đảng, công tác chính trị, phối hợp trong cơ chế Hội nghị Bộ
trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)… giữa quân đội hai nước
thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh. Về vấn đề trên Biển Đông, hai bên
nhất trí quân đội phải là lực lượng gương mẫu đi đầu triển khai thực
hiện nghiêm túc các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó
có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên
biển”. Hai bên lưu ý cần cảnh giác không để các thế lực thù địch lợi
dụng kích động, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu
dài giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, gây mất ổn định chính trị ở
mỗi nước. Bình luận gì bây giờ, rõ ràng là một sự phục tùng không điều
kiện !
Với
Indonesia, ngày 27/05/2013, ông Sjafrie Sjamsoeddin, thứ trưởng quốc
phòng, tới Hà Nội để giới thiệu máy bay vận tải quân sự CN-295 vì Việt
Nam đang cần các máy bay vận tải và nhảy dù có cửa sau với trọng tải tối
đa 10 tấn.
Với
Ấn Độ và Pháp, Hà Nội đã mời các tàu chiến của hai nước này ghé thăm
các bến cảng Việt trong mục đích tìm hiểu khả năng chiến đấu của các
loại tàu chiến trên vùng Biển Đông. Trong thực tế, đây là những hành
động xã giao để ra vẽ đa phương, đa dạng trong quan hệ đối tác chiến
lược.
Trong
chiến tranh Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng Công Sản Việt Nam đã đu dây
với Liên Xô và Trung Quốc để nhận viện trợ và sự giúp đỡ để chống Mỹ và
tiến chiếm miền Nam. Ông Hồ Chí Minh đã thành công vì hai đối tác chiến
lược, mặc dù không ưa thích gì nhau nhưng vẫn sốt sắn giúp Việt Nam vì
cùng lý tưởng cộng sản và muốn đánh bại Hoa Kỳ. Lần này chiến lược đó
không phù hợp với tình thế tại Đông Nam Á, đặc biệt là trên Biển Đông.
Tất cả những đối tác mà Việt Nam muốn hợp tác đều là những đối thủ quyền
lợi của nhau, không đối tác nào thành tâm hé lộ chi tiết chiến lược
khai triển của mình trên Biển Đông cho phía Việt Nam.
Trước
quá nhiều đối tác chiến lược này, không ai biết Việt Nam muốn gì. Bắt
cá nhiều tay là một chiến lược nguy hiểm, không ai muốn can thiệp khi
Việt Nam bị lâm nguy vì sợ làm phật lòng những đối tác chiến lược khác.
Nguyễn Văn Huy