CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Biển Đông – ‘Tử địa’ của các cường quốc hải quân

Với đặc điểm là một vùng biển hẹp, dài và nông, Biển Đông được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá là vùng “tử địa” của các cường quốc hải quân với đội ngũ tàu chiến, tàu sân bay hùng hậu bởi chúng khó lòng tránh được hỏa lực trên bộ và không quân của các nước ven biển.
Thiết giáp hạm HMS Prince of Wales của hải quân Anh đã bị không quân Nhật đánh chìm trên Biển Đông năm 1941
Có lẽ hải quân Hoàng gia Anh chưa thể quên bài học về việc tham chiến trên Biển Đông hồi chiến tranh thế giới thứ 2. Ngày 10/12/1941, thiết giáp hạm HMS Prince of Wales cùng với tuần dương hạm HMS Repulse của hải quân Anh vừa lần đầu tham chiến tại khu vực Đông Nam Á đã bị không quân Nhật Bản xuất phát từ một căn cứ trên đất liền đánh chìm ngay ngoài khơi bờ biển Malaysia.
Thất bại này cùng với hàng loạt tiền lệ khác kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay cho thấy việc tham chiến và tăng cường quốc phòng trong các vùng biển hẹp như Biển Đông có những đặc điểm hết sức riêng biệt. Theo chuyên gia về an ninh hàng hải Ristian Atriandi Supriyanto (Học viện nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam), chính địa hình dài và hẹp của Biển Đông đang giúp các quốc gia có tiềm lực hải quân hạn chế ở Đông Nam Á có thể tự tin hơn nhiều khi đối đầu với các lực lượng hải quân mạnh như Trung Quốc, Mỹ… với điều kiện họ phải cải thiện khả năng khống chế biển từ bờ và khống chế bầu trời trên vùng biển của mình.
Theo dự đoán của công ty tư vấn hải quân AMI International có trụ sở tại Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á sẽ chi tới 25 tỷ USD cho các trang thiết bị hải quân cho đến năm 2030. Nhưng khác với thông thường, Đông Nam Á sẽ chú trọng mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển, tiêm kích và tàu chiến gần bờ và tàu ngầm.
Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion –P K300R của  Việt Nam có thể bắn trúng tàu chiến cách bờ biển 300km
Theo ý kiến của chuyên gia Milan Vego thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, sự thiếu khoảng không vật lý và gần kề các vùng đất sẽ là trở ngại rất lớn cho các lực lượng hải quân của các nước lớn vốn chỉ quen hoạt động trên các đại dương. Cho dù được hậu thuẫn bởi các tàu chiến cỡ lớn hay thậm chí là tàu sân bay, Biển Đông sẽ là “tử địa” của các cường quốc hải quân bởi chúng vẫn nằm trong tầm khống chế của các vũ khí từ trên bộ đồng thời nằm trong tầm hoạt động của máy bay chiến đấu trên đất liền. Chính vì thế, một quốc gia ven Biển Đông có tiềm lực hải quân yếu thế hơn cũng có thể thách thức các siêu cường hải quân bằng cách sử dụng khả năng “không tương xứng” như thủy lôi, các khẩu đội tên lửa bờ biển và tàu ngầm. Bằng chiến thuật này, các nước Đông Nam Á có thể dễ dàng tạo ra thách thức quyền kiểm soát biển và tiến hành các hoạt động chống xâm nhập trên biển mà không cần tăng cường nhiều trang thiết bị chiến đấu trên biển cho hải quân.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, trong lúc vấn đề an ninh và chủ quyền trên Biển Đông ngày càng nóng lên cùng với sự ráo riết tăng cường lực lượng hải quân của Trung Quốc, các nước duyên hải dường như đã nhận ra nguy cơ và chuẩn bị để đối mặt với thách thức này. Các tàu ngầm đã được đưa vào biên chế của Indonesia, Singapore và Malaysia hay đã nằm trong danh sách mua sắm (chuẩn bị tiếp nhận) của hải quân Việt Nam trong khi Thái Lan và Philippines cũng đang suy ngẫm để trang bị. Bên cạnh đó, để tận dụng ưu thế về địa hình gần bờ, không quân hải quân các nước như Indonesia, Malaysia, đặc biệt là Việt Nam đã trang bị một đội ngũ khá hùng hậu các loại tiêm kích hiện đại trong đó có cả Sukhoi Su-30. Philippines cũng bắt đầu tìm kiếm máy bay chiến đấu trong một phần kế hoạch củng cố khả năng giám sát trên không yếu kém của mình.
Để bảo vệ chủ quyền biển của mình, Việt Nam đã trang bị 2 hệ thống tên lửa bờ biển Bastion –P K300R của Nga có thể bắn trúng tàu chiến cách xa bờ biển 300km. Một số nguồn tin từ Nga cho biết, Việt Nam đang tiến hành đàm phán để mua thêm hệ thống tên lửa Bastion thứ 3 đồng thời sẽ phối hợp với Nga để phát triển một loại tên lửa hành trình mới. Cũng có tin cho rằng, Việt Nam đang đàm phán về việc triển khai sản xuất tên lửa Yakhont tại Việt Nam song song với việc đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ và Extra của Israel. Nếu những dự án trên được thực hiện hiệu quả, Việt Nam sẽ sở hữu tiềm lực tên lửa chống hạm hùng mạnh nhất khu vực và là nền tảng để chế tạo các loại tên lửa đối đất tầm xa, có ý nghĩa chiến lược. Hiện BrahMos chỉ có trong trang bị của quân đội Ấn Độ với các biến thể đã có và đang phát triển trang bị cho tàu nổi, bệ phóng mặt đất, tàu ngầm, máy bay, dùng để tấn công mục tiêu mặt nước và mặt đất. Ấn Độ đang có tham vọng mua sắm và xuất khẩu hàng ngàn quả BrahMos.
Việt Nam đã mua 24 tiêm kích đa năng hiện đại Sukhoi SU-30 của Nga để tăng cường năng lực phòng thủ.
Đối với Indonesia, chiến tranh thủy lôi đã được vạch ra như một yếu tố sống còn trong chiến lược hải quân của họ. Quan trọng hơn, các quốc gia ven Biển Đông cũng có thể sử dụng các hòn đảo trong khu vực này bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng cường kiểm soát đối với các vùng nước xung quanh. Việc quản lý các trạm kiểm soát và tuyến giao thông trên biển cũng là vấn đề quan trọng khi chúng đảm bảo việc tiếp cận cho các cường quốc hải quân khi di chuyển trong các vùng biển hẹp của khu vực.

Để phần nào hạn chế yếu điểm của mình, các cường quốc hải quân cần có một đội ngũ tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ và tàu chiến ven biển. Nếu không có sự hộ tống đầy đủ, hải quân các nước này sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi triển khai tàu tấn công đổ bộ hay tàu sân bay tại Biển Đông. “Nhưng dù với điều kiện nào, các cường quốc hải quân cũng nên rất cẩn thận với những tham vọng của mình tại Biển Đông nếu không muốn trở thành mục tiêu tập bắn của các lực lượng hải – lục – không quân của cá quốc gia ven biển”, chuyên gia Milan Vego thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ kết luận.


Copy từ: Infonet

Dù bớt ngân sách, Mỹ vẫn tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương

Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ (defense.gov)
Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ (defense.gov)

Đức Tâm
Việc cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Thậm chí, Hoa Kỳ có kế hoạch tăng cường và triển khai các phương tiện hiện đại nhất trong vùng. Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đã khẳng định như vậy, trong cuộc phỏng vấn do AFP thực hiện.

Đô đốc Greenert tar lời phỏng vấn AFP trước khi ông lên đường, vào thứ Tư, 08/05/2013, công du Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó đến Singapore để tham dự IMDEX (International Maritime Defence Exhibition), một triển lãm quân sự quan trọng dành cho hải quân.
Theo Đô đốc Greenert, Hải quân Mỹ hiện có 283 tàu chiến và tàu ngầm. 101 tàu được điều động một cách thường trực, trong số này, « trung bình có 52 tàu hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương » – tức khu vực châu Á. Ông nhấn mạnh : Một trong những điểm chủ chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á do tổng thống Barack Obama đưa ra là cần phải tiến xa hơn trong việc triển khai tàu chiến.
42 trong số 52 tàu hoạt động thường xuyên tại Thái Bình Dương có căn cứ - cảng chính ở Yokosuka (Nhật Bản), Guam và gần đây là Singapore. Do rút ngắn được thời gian di chuyển – bởi vì cần đến 14 ngày để đi từ San Diego, California, (phía tây Hoa Kỳ) tới Yokosuka (Nhật Bản) – Hải quân Mỹ có thể nâng cao khả năng triển khai tác chiến và giảm được chi phí.
Hai khu trục hạm bắn chặn hỏa tiễn vừa được triển khai để đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, không phải từ bờ tây Hoa Kỳ tới, mà xuất phát từ cảng Yokosuka.
Tham mưu trưởng Greenert giải thích : Mục tiêu của Hải quân Mỹ là có nhiều điểm thả neo trong vùng đối với các loại « tàu nhỏ », như tàu tác chiến duyên hải (LCS) hoặc trong tương lai là tàu chuyên chở tốc độ cao (Spearhead class Joint High Speed Vessel - JHSV). Nhờ vậy, các tàu đổ bộ, khu trục hạm có thể được điều động đi những nơi khác. Với cách này, Hoa Kỳ sẽ tăng được số lượng tàu ở phía tây Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch của Hải quân Mỹ, đến 2020, sẽ có 62 tàu chiến, thay vì 52 như hiện nay, hoạt động hàng ngày trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Tháng Ba vừa qua, USS Freedom, chiếc tàu LCS đầu tiên đã tới Singapore. Đến năm 2017, sẽ có bốn tàu loại này hiện diện tại đây. Tại Hoa Kỳ, số tàu hoạt động ở phía Đại Tây Dương được giảm bớt để tăng cường cho phía bờ tây.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, việc cắt giảm 41 tỷ trong ngân sách quốc phòng, từ nay đến tháng Chín, sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược triển khai hải quân trong vùng châu Á. Để nâng cao sức mạnh hải quân từ nay đến cuối thập niên này, Mỹ đã đặt thêm khoảng 47 tàu chiến, một số đang được chế tạo và « các hợp đồng này sẽ được thực hiện ».
Tuy nhiên, vị chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ cũng tỏ ra thận trọng : Nếu việc cắt giảm ngân sách kéo dài trong 10 năm, để tiết kiệm 500 tỷ đô la, như Quốc hội muốn thực hiện, thì « cần phải giảm số tàu sẽ đóng trong tương lai ».
Song song với việc tăng số lượng tàu chiến, Washington còn cho triển khai các phương tiện quân sự hiện đại nhất. Phi đội đầu tiên bao gồm loại máy bay mới P-8 Poseidon, thực hiện tuần tra trên biển, sẽ được triển khai trong năm nay. Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nói thêm : Vùng tây Thái Bình Dương là nơi để đánh giá về khả năng chiến đấu mới, về những ý tưởng thiết kế mới trong lĩnh vực chiến tranh điện tử và chiến tranh ngầm dưới biển.
Theo đô đốc Greenert, mối đe dọa duy nhất đối với an ninh khu vực châu Á là Bắc Triều Tiên. Còn Biển Đông, các tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, « có thể là những khu vực căng thẳng và dẫn đến những va chạm », nhưng không một nước nào trong vùng muốn xẩy ra xung đột.
Chỉ huy Hải quân Mỹ không coi Trung Quốc là một mối đe dọa, cho dù Bắc Kinh có tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, được coi là « sát thủ » trong tương lai đối với các hàng không mẫu hạm. Ông nhấn mạnh : « Mục tiêu của chúng tôi là thực sự cùng làm việc với nhau, càng thường xuyên càng tốt, hiểu nhau hơn và thiết lập đối thoại nghiêm túc ».


Copy từ: RFI

Đòn thù cho dã ngoại nhân quyền



Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2013-05-06
huynhngocchenhblog-305.jpg
Các bạn trẻ phân phát tài liệu về quyền con người cho mọi người tham dự buổi dã ngoại hôm 05/5/2013 tại Sài Gòn
Photo courtesy of huynhngocchenhblog
Tình trạng bị bắt bớ và đàn áp đã xảy ra với những người tham gia buổi dã ngoại nhân quyền ở Sài gòn. Những nạn nhân này đã trải qua nhiều khốn khó, cụ thể các sự việc này gồm có những gì ?

Xịt nước, bắt bớ

Trong số những người bị công an Việt Nam bắt giữ tại công viên 30 tháng Tư vào ngày 5 tháng này, có blogger Hoàng Vi. Chúng tôi tiếp xúc qua điện thoại và được chị ấy cho biết như sau:
“Hôm qua, như thông báo thì đúng 8 giờ 30’ tôi bắt đầu cuộc dã ngoại chia sẻ về nhân quyền. Gặp rất nhiều bạn bè trong công viên, họ đã cùng tham gia với chúng tôi.
Nhóm chúng tôi đi đến đâu thì họ xịt nước đến đó. Tới khoảng 9 giờ 30’, họ bắt Quốc Anh trước, sau đó là đến lượt tôi bị bắt lên xe.-  Blogger Nguyễn Hoàng Vi
Tình hình sáng ngày 5 tháng Năm trong công viên, là họ cưa cây và xịt nước.  Khi nhóm người chúng tôi đi đến đâu thì họ xịt nước đến đó, để nhằm gây khó khăn cản trở việc trao đổi chia sẻ nhân quyền.
Tới khoảng 9 giờ 30’, họ bắt Quốc Anh trước, sau đó là đến lượt tôi bị bắt lên xe. Họ đưa tôi về công an phường Phú Thạnh quận Tân Phú.
Tại công an phường, họ tự động lục lọi đồ đạc của tôi và khám xét người tôi. Khám xét giống y chang như lần trước, hồi phiên tòa phúc thẩm Điếu Cày, chỉ khác là không có quay camera.
Blogger Nguyễn Hoàng Vi tại trụ sở CA phường Phú Thạnh. Địa chỉ: 236, Lê Niệm, phường Phú Thạnh, Q. Tân Phú
Blogger Nguyễn Hoàng Vi tại trụ sở CA phường Phú Thạnh. Địa chỉ: 236, Lê Niệm, phường Phú Thạnh, Q. Tân Phú

Sau đó họ bắt tôi viết tường trình. Tôi mới trả lời họ rằng, tôi sẽ viết tường trình nếu anh cho biết lý do gì mà đem bắt tôi về công an phường. Họ hỏi rằng, sáng nay tôi đã làm gì ở công viên.
Tôi trả lời, sáng nay tôi đi dã ngoại chia sẻ về vấn đề nhân quyền; đồng thời đã phát cho mọi người Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền để mọi người hiểu hơn về quyền của mình.
Khi tôi mới nói như vậy, họ đã trả lời: đây chính là lý do bắt đem tôi về công an phường. Tôi đã quay ngược lại hỏi, có phải chính việc tôi đi dã ngoại để chia sẻ về vấn đề nhân quyền, phát Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là nguyên nhân tôi bị bắt và bị khám xét đồ lẫn người một cách tự tiện hay sao?
Khi tôi hỏi như vậy thì họ bắt đầu im lặng, họ nói rằng là không cần lý lẽ gì nữa hết.”
Một khi lý lẽ không được dùng trong đối thoại thì hành vi bạo quyền sẽ được đem ra cư xử. Sự việc bị công an có những đối xử thô bạo không chỉ xảy ra với blogger Hoàng Vi mà cả mẹ của chị ấy cũng là nạn nhân:
“Mẹ tôi và cả nhà tôi lên công an phường đòi lại cho bằng được tài sản của tôi. Nhưng khi hỏi thì họ bảo rằng không giữ tài sản gì của tôi cả.
Khi họ chối như vậy thì chúng tôi một mực ở lại đòi cho bằng được, vì tôi rất nhiều lần đã bị mất tài sản vào tay của họ.
Khi tôi và mẹ tôi quyết tâm như vậy; họ đã nhào vào lôi, nắm cổ nắm đầu mẹ của tôi để kéo đi.
Mặc kệ mẹ của tôi là người già và đang có bệnh trong người, làm cho mẹ tôi trở nên khó thở và cảm thấy khó chịu về mặt sức khỏe.
Tôi cũng bị họ nhào vào đánh đập. Họ làm một hồi thì mẹ tôi khó thở nên phải nằm xuống.
Mấy chị em tôi không sẵn tiền mua nước cho mẹ uống để qua cơn. Trong công an phường cũng có nước nhưng họ đã giả lơ, họ không cho mẹ tôi một miếng nước, để cứu tính mạng của mẹ tôi lúc đó.
Cho đến khi chúng tôi phải lên tiếng, họ mới bắt đầu đi kiếm ly rót nước cho mẹ tôi uống.”

Hành hung, đánh đập

Blogger Hoàng Vi cũng cho chúng tôi biết thông tin về những trường hợp bị bắt khác, như sau:
“Theo như thông tin tôi biết thì có blogger Hành Nhân (tức Vũ Sỹ Hoàng) bị bắt và một trường hợp bị bắt khác là bạn nữ tên Ánh Hiền, một sinh viên của trường Đại học Luật.
Bạn Quốc Anh bị họ đánh đập cho đến lúc đưa về đồn công an phường Cầu Kho quận I thì hình như là bạn ấy bị xỉu luôn. Tức là nó đánh ngay lúc bị bắt, nó đánh người ta tới mức họ bị ngất đi.”
sg4-250.jpg
Cảnh bắt bớ, đàn áp. Photo courtesy of huynhngocchenhblog

Blogger Vũ Quốc Anh (August Anh) sinh năm 1985, hiện đang làm việc ở Sài Gòn. Để xác minh sự việc, chúng tôi có liên hệ với blogger Vũ Quốc Anh và được cho biết như sau:
“Tôi đến công viên để chia sẻ với mọi người về vấn đề nhân quyền. Nhân viên ở công viên đã xịt nước vào những người đi trao đổi về nhân quyền, họ phá không cho chia sẻ.
Lúc đó có một cô gái bị ướt và tôi đã lên tiếng, các anh không được xịt nước vào người, các anh hãy xịt nước vào cỏ vào đất. Tại sao các anh lại xịt nước vào người khác ?
Lúc ấy, có 5 – 6 người nhào vô người tôi, bắt đầu đánh đập tôi để đưa lên xe. Tôi đã chống cự lại, không chấp nhận lên xe.
Lại có thêm vài người nữa áp lại để bắt tôi. Lúc đó họ đánh vào đầu, vào mặt, vào cổ của tôi. Cuối cùng thì họ bắt tôi vào xe, đưa về công an phường Cầu Kho quận I.”
Sự việc không chỉ dừng lại ở đây, blogger Vũ Quốc Anh còn tiếp tục chịu đựng những tổn thương khác:
“Nhiều người xúm vô đánh tôi, tôi không biết là ai cả vì lúc đó tôi không còn biết gì nữa rồi. Lúc mà đưa về đồn, tôi không còn sức để đi được nữa. Khi ấy họ lôi tôi, kéo tôi và khiêng tôi vào.
Một lúc sau tôi mới tỉnh lại được và họ bắt đầu ghi biên bản.
Trong quá trình ghi biên bản thì họ tiếp tục nạt nộ, chửi bới, chửi tục. Họ có những hành động không phải là để con người đối với nhau.
Bởi vì không chịu hợp tác với họ để lập biên bản; họ lại đánh tôi, tát vào mặt của tôi. Rồi không cho tôi ăn. Mua cơm về để đó; họ nói rằng, chừng nào mày khai để ghi biên bản xong thì mới được ăn.
Tôi cũng không chịu hợp tác, họ tiếp tục đánh, họ tát. Có khi họ dùng cây viết ghi biên bản để quất vào đầu, vào mặt, vào vai và quất vào đùi nữa.
Bên cạnh đó, họ liên tục chửi bới, mắng nhiếc tôi. Kêu tôi là đồ hèn, dám ra đó mà không dám nhận. Rồi thậm chí, họ còn chửi tục rằng “nhân cái l…”.
Tôi chỉ nói rút lại thôi, chứ thực ra họ nói còn trắng trợn hơn nữa. Tôi nói về nhân quyền thì họ nói là như vậy.”

Nhân quyền tại Việt Nam?

Sau những sự việc được tường thuật, chúng tôi vẫn thắc mắc đâu là lý do khiến các hoạt động nhân quyền ôn hòa như của blogger Hoàng Vi và Vũ Quốc Anh phải hứng chịu những ngược đãi khốc liệt từ phía nhà cầm quyền. Blogger Vũ Quốc Anh đã cho biết như sau:
“Tôi có hỏi họ về lý do vì sao mà họ bắt tôi về đây, họ trả lời là tôi đã gây rối đến trật tự tự do của người khác. Họ cũng cho rằng, bởi vì tôi không xin phép nhà nước trước khi làm điều đó.
Tôi đã trả lời là những điều này là bình thường, không bị pháp luật ngăn cấm, tôi có quyền làm. Nhà nước đã ký kết vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc năm 1977 và cam kết thực hiện, ở đây tôi nghĩ chẳng có gì phải xin phép nữa.
Những sự việc này rất tự nhiên và bình thường giống như tôi ăn, tôi uống. Chẳng lẽ khi tôi ăn, tôi uống, tôi ngủ thì tôi cũng phải đi xin nhà nước? Vậy còn cái gì là quyền cơ bản của con người chứ?
Họ chửi tôi, mày là thằng nhãi thì mày biết cái gì mày nói! Rồi họ lồng lên, vì cùng lý rồi thì họ chỉ biết nạt nộ tôi mà thôi.”
Sau khi trải qua cách hành xử của nhà cầm quyền trước nhu cầu muốn thể hiện quyền con người của các công dân, blogger Hoàng Vi đã chia sẻ những suy nghĩ với thính giả của đài Á châu Tự do như sau:
“Chính khi Việt Nam đang làm cái đơn ứng cử vào chiếc ghế Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, họ lại ngang nhiên chà đạp nhân quyền một cách dã man.
Họ mặc tình đánh đập các công dân chỉ vì những người này chia sẻ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Điều này là đủ bằng chứng để tố cáo sự chà đạp nhân quyền ở Việt Nam và họ không xứng đáng ngồi vào chiếc ghế ủy viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.”
Trong bối cảnh hiện nay, việc những con người đi quảng bá về quyền con người quả là đang gặp nhiều khó khăn.
Trước những sự việc vừa mới xảy ra tại Sài gòn, liệu Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ có những suy nghĩ gì trong cuộc họp tại Thụy Sỹ, tổng xét về vấn đề thực thi nhân quyền của Việt Nam vào tháng 1 năm 2014 sắp tới.
 

Tin, bài liên quan


Copy từ: RFA

TQ ồ ạt đánh cá Trường Sa, tướng Lê Văn Cương lên tiếng

(VTC News) - Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương lên tiếng việc Trung Quốc cho tàu ồ ạt ra Trường Sa của Việt Nam đánh bắt hải sản phi pháp.
Theo trang tin tức Phương Đông, ngư dân Trung Quốc sử dụng nhiều phương thức đánh cá như giàn đèn, quăng lưới, câu, .v.v với mong muốn sẽ thu được số lượng hải sản lớn ở ngư trường dồi dào tài nguyên khoáng sản Trường Sa sau chuyến đi dài 40 ngày.

TQ ồ ạt đánh cá Trường Sa, tướng Lê Văn Cương lên tiếng
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở Trường Sa của Việt Năm năm 2012 

Đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc sáng nay xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản. 

Đây là hành động mới nhất xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo một số hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, như việc quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

 
TQ ồ ạt đánh cá Trường Sa, tướng Lê Văn Cương lên tiếng
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Ảnh: Tuổi Trẻ 
Mạng Tin tức Trung Quốc cho hay đây là đội tàu đánh cá quy mô lớn nhất của Trung Quốc đến hoạt động tại ngư trường Trường Sa từ đầu năm 2013 đến nay.
 
Theo nguồn tin, số tàu trên đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên, được lắp đặt thiết bị thông tin hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc với đất liền 24/24 giờ, trong đó có một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và một tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn làm nhiệm vụ bảo đảm vật tư thiết yếu như dầu, nước ngọt, đá cây, thực phẩm; quản lý an toàn hoạt động sản xuất và hỗ trợ xử lý khẩn cấp cho đội tàu.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên VTC News về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an nói:


Khu vực đánh bắt lần này của 32 tàu cá Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà theo Công ước của Liệp hợp quốc về Luật biển 1982 thì rõ ràng Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Bất cứ hành động đánh bắt hay thăm dò nào ở khu vực này mà chưa được sự cho phép của chính quyền Việt Nam thì đều đi trái ngược với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Và hành động đánh bắt trái phép mới nhất của 32 tàu cá Trung Quốc là hành động ngang nhiên chà đạp lên Hiến chương Liên Hợp Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế.

TQ ồ ạt đánh cá Trường Sa, tướng Lê Văn Cương lên tiếng
Giàn đèn đán bắt hải sản của ngư dân Trung Quốc năm 2012  
“Tôi tin sớm muộn gì Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng sẽ tuyên bố với hơn 90 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước về hành động xâm lược chủ quyền Việt Nam của ngư dân Trung Quốc, đồng thời nhắc lại mong muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài, hữu nghị với Trung Quốc nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói thêm.


Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
 
“Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông,” người phát ngôn nói.


Copy từ: VTC

CÔNG AN ĐÃ CHO MỌI NGƯỜI BIẾT THẾ NÀO LÀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM


Dã ngoại bàn về Nhân quyền ngày 5/5: CÔNG AN ĐÃ CHO MỌI NGƯỜI BIẾT THẾ NÀO LÀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

 


Đây là thông tin BTV nhận được từ một CTV thân thiết gửi tới, xin chia sẻ cùng quý độc giả, để biết thêm về cái gọi là "nhân quyền ở VN".

--------

"Ngày hôm qua có quá nhiều sự kiện, có quá nhiều câu chuyện đáng nhớ, từ những câu chuyện cuời ra nuớc mắt cho đến những giọt nuớc mắt đau đớn, căm phẫn và nhói lòng nên không biết phải kể cho Chị nghe bắt đầu từ đâu. Thôi thì viết vài hình ảnh của bạn Vũ Quốc Anh (còn gọi là August Anh) làm day dứt lòng em.

Dù truớc kia em cũng là một thằng "giang hồ", nhưng em lại chưa bao giờ thấy cảnh một chục thằng mà đi đánh một người như thế. Nhìn bạn Quốc Anh bị đánh tơi bời như vậy, mà em chỉ còn biết bất lực đứng nhìn, muốn xông vào giải cứu thì sợ mình sẽ bị đánh như bạn ấy... Rồi đang đi trên đường trở về nhà em chỉ còn biết khóc và tự trách mình thật hèn.

Tối đến, khi biết tin Hoàng Vi và mẹ bị đánh ở phường Phú Thạnh, Quận Tân Phú, em cũng liền tới đó, khoảng đuợc 15 phút sau thì bạn Quốc Anh cũng tới. Khi gặp bạn ấy, em hỏi thì đuợc biết, sau khi được thả ra, nghe tin về Hoàng Vi như vậy, dù mình đang bị 'tơi tả' nhưng Quốc Anh cũng ráng đi xe ôm lại phường này mà ứng cứu cho gia đình Hoàng Vi.

Tại đây, em nghe bạn ấy kể chuyện, khi bị đánh và bắt lên xe, bọn nó chở bạn ấy tới phuờng Cầu Kho, khi vô trong đó bạn ấy đi không nổi và đứng cũng không xong, bọn nó phải dìu vào trong. Phải đến khoảng 1,5 tiếng sau thì bạn ấy mới có thể làm việc với bọn nó, nhưng trong quá trình làm việc thì bọn nó cũng liên lục tát và dùng viết đánh vào đầu và lưng bạn ấy.

Rồi bạn ấy bất hợp tác trong việc viết biên bản sự việc, cho đến khi CA ở đây 'dụ khị' bằng 2 biên bản, CA giữ một bản và giao cho bạn ấy giữ một bản, thì bạn mới chịu ký. Nhưng sau khi bạn ấy ký xong, thì bọn nó "xin lại" cái biên bản, bạn ấy không đưa thì khoảng 6 thằng đè ra nền nhà 'đập' cho bạn ấy thêm 1 trận, và cướp luôn lại biên bản đó...

Em kéo áo bạn ấy lên xem, thì lần đầu tiên em mới thấy những vết tích kỳ lạ như vậy, như những vết phỏng se tròn nho nhỏ, vết thâm và xướt, cũng như hoa lá cành. Đúng là bọn AN này đánh 'có nghề' thiệt. Em nói bạn ấy mai nên đi bệnh viện khám thì bạn ấy từ chối.

Sau khi tụi em cùng với gia đình Hoàng Vi chịu rời đồn công an phường Phú Thạnh vào khoảng 12h đêm, trong lúc ngồi ăn nói chuyện với bạn ấy, em khuyên bạn ấy lần nữa là sáng mai đi khám ở bệnh viện để xem mình có sao không và cũng để có bằng chứng sau này, Nhưng bạn ấy cứ lắc đầu từ chối mãi và nói không muốn đi đi bệnh viện.

Sau khi bữa ăn kết thúc và chuẩn bị ra về, mấy anh chị lớn tính tiền và gom lại đuợc vài trăm đưa cho bạn ấy để mai đi bệnh viện thì bạn ấy mới nhận và chịu mai đi khám. Lúc này em rưng rưng nước mắt, hóa ra là bạn ấy không có tiền để đi bệnh viện khám!"



Blogger Vũ Quốc Anh rất mệt sau trận đòn thù ngày hôm qua

Nguồn ảnh: FB Yeu NuocViet
http://www.facebook.com/photo.php?fbid=525642797492280



Copy từ: FB Anh Ba Sàm

Ngày 05/5/2013: Một dân oan Vũng Tàu tự thiêu không thành tại công viên Dinh Độc Lập

Dân oan tự thiêu tại công viên Dinh Độc Lập bị an ninh ngăn cản


VRNs (06.05.2013) – Sài Gòn – Vào lúc 8 giờ 30 ngày 05.05.2013, cô Nguyễn Thị Hoa, Dân oan Vũng Tàu đã đổ xăng lên người và tự thiêu tại công viên 30 tháng 4, Đường Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1. Nhưng ngay sau đó, một an ninh chìm thấy thế liền vồ lấy cô Hoa và ngăn cản hành động tự thiêu của cô.
Cô Hoa nói: “Tôi bức xúc quá nên tôi làm như vậy, để cho nhà cầm quyền nhận ra. Nhưng dù họ có tàn ác như thế nào thì tôi không khuất phục, sẵn sàng lấy cái chết để đòi lại công lý”.
Cô Hoa và một số Dân oan khác ở Cần Thơ cùng nhau đi giăng biểu ngữ cùng với thời điểm và địa điểm của buổi dã ngoại nói về Quyền con người tại công viên 30 tháng 4, để đòi lại công lý cho chính gia đình cô cũng như cho các Dân oan khác. Trong khi họ giăng biểu ngữ, một số an ninh ra xô đẩy, giật và cướp biểu ngữ của bà con Dân oan và xô cô Hoa ngã xuống đất và bỏ chạy. Ngay sau đó, cô Hoa lấy bình xăng trong giỏ của cô đã được chuẩn bị từ trước, đổ lên người và để tự thiêu cháy cô, nhưng an ninh mặc thường phục đã ngăn cản kịp hành động tự thiêu của cô Hoa.
Sau đó, công an khiêng cô Hoa và các Dân oan khác lên một chiếc xe buýt đã chờ sẵn. Cô Hoa nói, công an khiêng họ lên xe như một con vật.
Trên xe buýt, có hai an ninh mặc thường phục đi theo cùng mọi người. Lúc này, cô Hoa cảm thấy khó chịu và người cô lừ đừ, nên bà con Dân oan đòi hai an ninh cho cô Hoa đi bệnh viện nhưng hai viên an ninh không cho.
Một lúc sau tình trạng của cô Hoa trở nên nặng hơn và có triệu chứng như: nước mũi và nước dãi chảy ra liên tục, người cô Hoa nóng ran và co giật… thấy vậy bà con Dân oan ở trong xe buýt la ó và đòi hai an ninh này đưa cô Hoa đi bệnh viện. Thấy bà con Dân oan gây sức ép thì hai viên an ninh gọi cho cấp trên và cấp trên đã đồng ý cho cô Hoa vào bệnh viện Triều An để khám bệnh.
Trong khi cô Hoa ở trong bệnh viện Triều An điều trị bệnh thì Cô Nô, một Dân oan ở Tiền Giang kiên quyết ở lại bệnh viện để chăm sóc cho cô Hoa, mặc cho hai an ninh này xua đuổi cô Nô không cho cô ở đây.
Cô Nô nói với an ninh: “Nếu tôi không ở lại thì các ông thủ tiêu [cô Hoa] thì ai mà biết được”. Đây chính là lý do khiến cô Nô cương quyết ở lại với cô Hoa.
Cô Hoa cho biết, hai viên an ninh này gọi điện thoại liên tục để nghe lệnh của cấp trên.
Được biết, gia đình cô Hoa đã đi khiếu kiện đòi lại đất suốt 23 năm từ thời mẹ của cô. Bây giờ mẹ cô đang đau yếu và nằm liệt trên giường.
PV. VRNs


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Blogger Tạ Phong Tần đã bị chuyển ra giam ở Miền Bắc

VRNs (07.05.2013) – Sài Gòn – Ông T vừa đi thăm vợ ở trại K5, Xuân Lộc, Đồng Nai về cho biết: “Cô Tạ Phong Tần đã bị chuyển trại giam, đưa ra Miền Bắc”.
Vợ ông T là một dân oan, sau thời gian dài đi kiện các quan chức địa phương cướp đất và tham nhũng đã bị bắt đi tù. Khi vào trại giam, vợ ông T quen với blogger Tạ Phong Tần.
Ông hỏi vợ rằng cô Tần bị chuyển đi chỗ nào, một viên công an đang đứng canh ở chỗ thăm nuôi cho biết: “Đưa ra ngoài Cao Bằng – Lạng Sơn rồi”, nhưng cụ thể là trại giam nào thì người công an này không cho biết.
Cô Tạ Minh Tú, em cô Tần cho biết chưa hề nhận được thông báo nào của trại giam hay công an cho biết việc chuyển trại giam của cô Tạ Phong Tần.
Như vậy, 2 trong 3 blogger của Câu lạc bộ nhà báo tự do đã bị chuyển ra Miền Bắc. Việc làm này có thể nhằm vào việc gây khó khăn cho sự đi lại của thân nhân, vì đường xa và chi tiêu tốn kém hơn rất nhiều, hòng giảm tối đa lần thăm gặp của thân nhân hai blogger nổi tiếng Điếu Cày và Tạ Phong Tần. 
Nhà cầm quyền thực sự sợ hãi khi thông tin về tình hình các bloggers này bị đối xử tệ bạc và vi phạm pháp luật ngay trong trại giam, khiến dư luận quốc tế, và người Việt định cư ở nước ngoài phản ứng tiêu cực với họ. Nhưng với việc “cách ly” này lại càng làm cho dư luận tin rằng nhà cầm quyền đang có ý đồ xấu nào đó đối với các tù nhân lương tâm và chính trị này, khiến họ phải bằng mọi cách che giấu tin tức về các bloggers này, bất chấp việc công khai vi phạm pháp luật.
Việc nhà cầm quyền công khai vi phạm pháp luật sẽ thúc đẩy dân chúng bất tuân pháp luật, làm tiền đề cho sự nổi loạn của xã hội.
PV. VRNs


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Thư gởi lãnh đạo và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh về ngôi nhà số 98 Nguyễn Thị Minh Khai P.6 Q.3 TP Hồ Chí Minh

Thư gởi lãnh đạo và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh về ngôi nhà số 98 Nguyễn Thị Minh Khai P.6 Q.3 TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 4 năm 2013
Kinh gởi: – Ông Bí thư Thành ủy Đảng CSVN thành phố Hồ Chí Minh
    – Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Đồng kính gởi: – Ông Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh
Kính thưa quý ông,
Vừa về lại thành phố sau một thời gian dưỡng bệnh tại quê nhà Tiền Giang, tôi vô cùng kinh ngạc được đọc bản sao THƯ MỜI của SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH thành phố Hồ Chí Minh, đề ngày 12 tháng 3 năm 2013, gởi một số cơ quan công quyền Quận 3 TP HCM, “Mời… tham dự buổi làm việc”… “để giải quyết đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh ) về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3…”. Tôi nhận được tin này là từ bà Nguyễn Xuân Mai, nhũ danh Dương Thị Xuân Mai, trưởng nữ của Đại tướng Dương Văn Minh, báo động về từ Hoa Kỳ.
Tôi vô cùng kinh ngạc vì sự việc có quá nhiều điểm quá bất bình thường, như sau:
1/ Thư đề là của SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH thành phố, gởi các cơ quan công quyền cấp quận, để “làm việc, khảo sát thực tế”… nhằm xem xét việc xếp hạng một địa danh gọi là di tích lịch sử văn hóa có thể nói là “xưa nay hiếm”, không chỉ đối với Thành phố mà còn đối với cả nước, nhưng lại không hề thấy một chút văn hóa hành chánh công quyền nào hết, tức không hề thấy nêu lên bất cứ một căn cứ pháp lý nào, ngoại trừ cái căn cứ gọi là “Để giải quyết đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh) về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3… (tại đơn ngày 02/8/2012…)”. Và điều này chỉ vỏn vẹn tiếp theo một PHIẾU CHUYỂN của VĂN PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN Thành phố, số 1497/PC-TCD, đề ngày 27/8/2012, để “xem xét giải quyết theo thẩm quyền”.
Nếu chỉ so với việc đặt tên một con đường nhỏ ở một địa phương nào đó của thành phố luôn đòi hỏi một quy trình thủ tục pháp lý tối thiểu, và không thể không thông qua một hội đồng luật định, thì việc làm như nêu trên của “Sở VHTT và DL”, để tiến hành khảo sát xếp hạng một di tích lịch sử văn hóa, thật là quá ư vội vã, hấp tấp để có thể gọi là hành vi đứng đắn của một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Và do đó người ta không thể không đặt mối nghi ngờ về tính xác thực của cái gọi là THƯ MỜI của “Sở VHTT và DL TP”, để “giải quyết “ cái gọi là “Đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm…”.
2/ Đọc tiếp, người ta nhận thấy cái gọi là “Đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh) về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3…” được cái gọi là THƯ MỜI của “SỞ VHTT và DU LỊCH TP” nêu lên, tuy có đề tên hai người nhưng chỉ có duy nhất chữ ký của một mình bà Sử Thị Thanh Xuân, còn ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh) thì không thấy chữ ký ở đâu cả.
Điều này cũng được chính cái “SỞ VHTT và DL” nêu trên gián tiếp xác nhận, khi THƯ MỜI gởi cho các cơ quan có liên quan ở Quận 3 chỉ đồng thời đề gởi cho bà Sử Thị Thanh Xuân, mà không hề đề gởi cho ông Dương Minh Tâm.
Đặc biệt trên PHIẾU CHUYỂN số 1497/PC-TCD, đề ngày 27/8/2012 của VĂN PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN, người ta cũng chỉ thấy duy nhất nói đến đơn của bà Sử Thị Thanh Xuân đề ngày 02/6/2012 (chớ không phải ngày 02/8/2012 như nêu trong THƯ MỜI nói trên), với địa chỉ đầy đủ, khác với số nhà 98 Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3, mà không hề nói đến đơn của ông Dương Minh Tâm.
Phiếu chuyển chỉ nói về đơn của một người họ Sử mà không nói đến người họ Dương, đơn tuy có nêu tên hai người nhưng chỉ có duy nhất chữ ký của người họ Sử, còn người họ Dương thì không ký, “Thư mời” cũng chỉ đề gởi cho bà họ Sử, mà không hề gởi cho ông họ Dương… vậy mà cái gọi là Sở VHTT và DL TP vẫn cứ triệu tập cuộc họp làm việc, để gọi là “…giải quyết đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương văn Minh )” về ngôi nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3. Nhà này lại chính là nhà xưa nay của ông Dương Văn Minh, thân phụ của ông Dương Minh Tâm, người không hề được nói đến trong phiếu chuyển đơn, người không hề ký tên trong đơn xin “giải quyết đề nghị” chỉ có duy nhất chữ ký của… một bà họ Sử nào đó.
Một việc làm cẩu thả tắc trách như vậy có thể nào quan niệm được là của một cơ quan công quyền đích thực?
3/ Đi sâu hơn để tìm hiểu xem bà họ Sử nêu trên là ai, thì được biết trong đơn đề ngày 2/8/2012 của bà họ Sử có ký tên và ông Dương Minh Tâm không ký tên, do cái Sở VHTT và DL nêu lên, có đoạn viết, xin trích: “Tôi là Dương Minh Tâm, con trai ông Dương Văn Minh… Tôi và em tôi là Sử Thị Thanh Xuân, con gái của chú tôi là Đại tá Dương Thanh Nhựt (do chiến tranh nên em tôi phải lấy họ mẹ) chúng tôi đã gởi đến Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung ương và thành phố một đơn xin được đưa ngôi nhà 98 Nguyễn thị Minh Khai, P.6 Q.3 Tp HCM vào diện di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố”.
Thì ra, bà Sử Thị Thanh Xuân, theo mấy chữ trên đây, là em con chú của ông Dương Minh Tâm. Nhưng làm sao cái “Sở VHTT và DL” có thể tin chắc mấy chữ xác nhận trên là đúng? Và bà họ Sử quả là con của ông Dương Thanh Nhựt, một Đại tá của Quân đội NDVN, trong khi người xác nhận tự xưng là Dương Minh Tâm lại không có ký tên? Ai có thể tin rằng đây không là tự phong hay mạo nhận của một ai đó, hoặc không là “đặt điều” của riêng cái gọi là “Sở VHTT và DL”?
4/ Tiếp tục đọc thêm để biết được lý do của cái “Đề nghị… về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa…” hy hữu này, người ta thấy đơn không có chữ ký của ông Dương Minh Tâm viết, xin trích: “ Như quý vị đã biết, ông Dương Văn Minh cha tôi theo tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, vào giờ phút quyết định, đã không kể quyền lợi, danh dự, uy tín cá nhân, đã tự nguyện theo lời khuyên của cách mạng đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, để làm một việc quan trọng là kịp thời đầu hàng quân Giải phóng, tránh được nhiều tang tóc, đổ nát cho đất nước. Vai trò, công lao và ý nghĩa của việc ông làm với tư cách đứng đầu lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá qua văn kiện chánh thức Chỉ thị số 91-CV/TW ngày 8-10-2002 (Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11, trang 1028 ).
Để làm bằng cho điều mình viết, “ông Dương Minh Tâm”, trong “đơn không có ký tên”, đã trưng dẫn hẳn hoi Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11, trang 1028”.
Để kiểm chứng , tôi đã mở đúng trang 1028 của cuốn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11” thì thấy gì?
Tôi không hề thấy một câu chữ nào nói về việc “ông Dương văn Minh… đã tự nguyện theo lời khuyên của cách mạng đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh…” như đơn của ông Dương Minh Tâm nào đó đã viết.
Mà chỉ thấy sách viết: “Tướng Dương Văn Minh bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nói: …Tôi nhận chức Tổng thống khi biết rõ ý đồ của Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam và họ muốn dùng tôi vào thời điểm này để làm gì… Chúng tôi nhận rõ chỉ có một con đường khi quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, chúng tôi chấp nhận đầu hàng không điều kiện” (trích Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11, trang 1028, từ dòng 1 đến dòng 10).
Vậy thì chuyện ông Dương văn Minh “…đã tự nguyện theo lời khuyên của cách mạng đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa …” , theo đơn của ông Dương Minh Tâm nào đó đã viết, là ở đâu ra?
Và tại sao điều mà “sử sách” có ghi, ông Dương Minh Tâm, nếu đích thực là ông, lại không trích, không nêu? Lại đi đặt điều để qua mặt chính quyền, dối gạt hậu thế, bôi nhọ thanh danh, vong linh, ký ức người quá cố chính là cha mình, làm đau lòng không ít người luôn kính thương, nếu không nói là biết ơn, ông Dương Văn Minh?
5/ Lại còn về “lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” nữa.
Về cái thực thể thứ ba không ngừng chuyển động và phức tạp này, được nói đến chính thức lần đầu từ khi có Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 cho tới nay, tôi chưa hề thấy một người viết sử, chứng nhân lịch sử hay một người gọi là trong cuộc nào nói đến một cách chính thức, có đầu có đuôi, bất cứ ở đâu. Bởi không thể đơn giản nói về “lực lượng thứ ba” chỉ trong một cuốn sách, thậm chí trong nhiều cuốn sách, huống hồ là chỉ với một vài câu…
Ông Dương Minh Tâm, con trai thứ hai của Đại tướng Dương Văn Minh, theo tôi được biết, gần như thường trực ở suốt bên Pháp, chớ ít khi ở Việt Nam.
Là người đã hai lần hợp tác với ông Dương Văn Minh, vào năm 1963 và từ năm 1971 đến năm 1975, tôi cũng chỉ gặp ông Dương Minh Tâm duy nhất có một lần, khi ông đến nhà thăm tôi, sau lần ông về nước khi anh trai ông là ông Dương Minh Đức mất, năm 2009. Cả khi tôi đến thăm Đại tướng Dương Văn Minh hồi tháng 6 năm 1994 ở Paris, tôi cũng không hề gặp để biết mặt ông Dương Minh Tâm. Còn hai người cháu gái là con ông Dương Thanh Nhựt mà tôi biết ông bà Dương Văn Minh đã từng nuôi cho ăn học tại nhà thì đã ra khỏi nhà ông bà từ khá lâu trước năm 1975.
Vậy thì khả năng nào cho phép họ can dự vào công việc của ông Dương Văn Minh? Và tư cách nào cho phép họ nhân danh này nọ, để xin xỏ này nọ… cho ông Dương Văn Minh và cho những người đã xa gần cộng tác với ông Dương văn Minh? Và cái ý tưởng về “vai trò… tư cách đứng đầu lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” của ông Dương Văn Minh, như đã được nêu trong đơn, là từ đâu ra? Nó chỉ có thể thoát ra từ một đầu óc tưởng tượng khá nghèo nàn của ai đó, chớ không lẽ nó lại xuất phát từ… bên Tây?
Cũng may là mới đây, bà Nguyễn Xuân Mai, nhũ danh Dương Thị Xuân Mai, trưởng nữ của ông bà Dương Văn Minh, và cô Dương Đức Anh, con gái của ông Dương Minh Đức quá cố, là hai trong ba người thừa kế chính thức của ông bà Dương Văn Minh, từ nước ngoài, đã có thư về lãnh đạo và chính quyền Thành phố, với chữ ký có xác nhận của chính quyền các địa phương sở tại, phủ nhận việc làm sai trái của một số người nào đó, đồng thời khẳng định lại sự ủy quyền hợp pháp đã có trước đây đối với ngôi nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, P.6 Q.3 TP HCM.
Riêng tôi xin có thư này kính gởi Lãnh đạo, Chính quyền, Mặt trận Thành phố: “Để kính tường”.
Trân trọng.
(Đính kèm bản sao các đơn từ văn bản có liên quan, gồm 05 tài liệu)
Hồ Ngọc Nhuận
Phó chủ tịch Ủy ban MT Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh
Bản sao kính gởi:
– Bà Dương thị Xuân Mai (Hoa Kỳ)
– Cô Dương Đức Anh (Pháp)
Đồng kính gởi các ông:
– Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch thường trực UB MTTQVN TP HCM.
– Bác sĩ cựu dân biểu Hồ Văn Minh, nguyên Đệ nhất Phó chủ tịch HNV VNCH, nguyên Đệ nhất ứng cử viên Phó TT, liên danh Dương Văn Minh,1971.
– Đại tá cựu nghị sĩ Hồng Sơn Đông, nguyên Đệ nhị ƯCV Phó TT, năm 1971.
– Giáo sư Lý Chánh Trung, trong Ban tham mưu ông Dương văn Minh (1971- 1975).
– Giáo sư Tôn Thất Thiện (ở Pháp), trong BTM ông Dương văn Minh (1971- 1975).
– Cựu DB Trung tá Nguyễn Văn Binh, nguyên Trưởng khối Quốc gia HNV, “như trên”.
– Ông Dương Văn Ba, cựu Dân biểu, nhà báo, “như trên”.
– Đại tá DươngThanh Sơn, em trai thứ 5 ông Dương Văn Minh (Hoa Kỳ).
– Thiếu tá Trịnh Bá Lộc, nguyên tùy viên ĐT Dương văn Minh (Hoa Kỳ).
– Thiếu tá Hoa Hải Đường, nguyên tùy viên ĐT Dương văn Minh (Hoa Kỳ).
– Giáo sư Châu Tâm Luân (Thụy Sĩ) và Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, là hai trong những người, trong đó có tôi, đã từng tá túc tại nhà số 98 Nguyễn Thị Minh Khai trước ngày 30/4/1975.
– Báo giới các nơi.
“ĐỂ KÍNH TƯỜNG”


Copy từ: Bauxite Việt Nam

Việt Nam sắp có du lịch sex tươi?



ngoc-trinh-nude-01Chu Mộng Long – Trang Phụ nữ Today vừa đề xuất với Bộ Văn Thể Du, hàm ý nên mở và phát triển du lịch sex tươi bằng cách lấy hình ảnh sexy Ngọc Trinh làm mẫu quảng cáo. Blog Một góc nhìn khác đã không có cái nhìn khác hơn cách nhìn truyền thống nên đã mỉa mai vào ý tưởng có tính cách mạng này.
Nên nhớ rằng chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế thị trường mất kiểm soát nên trở thành định hướng… vô đạo đức. Những giá trị cũ đã và đang chỉ còn là cái vỏ bọc cho những hành vi vô đạo đức lên ngôi. Thế thì còn gì để mất mà giữ gìn!
Sex đã tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Ngày nào trên báo chí quốc doanh cũng có tin bài về sex để nuôi sống cả họ nhà lá cải, không trò lộ hàng của ẻm này ẻm nọ thì cũng trò dính lẹo của ông này bà kia, nhất là quan chức, đảng viên no cơm ấm cật. Không khí xã hội vì sex mà hot hơn cả Biển Đông dậy sóng. Thế mới biết dân mình quan tâm đến sex cao hơn mọi thứ nhu yếu cần thiết!
Thực hiện mở và phát triển du lịch sex lúc này là cần thiết, không thu hút được khách du lịch nước ngoài như Phụ nữ Today đề xuất thì cũng moi được tiền của dân ta – 90 triệu dân đang mê sex đấy!
Mách cho Bộ Văn Thể Du biết, dân mình vì không có sex tươi để thưởng thức công khai nên hàng năm cả nghìn người từ đại gia đến trí thức, từ quan chức đến dân đen đã chạy sang Thái Lan thưởng thức món ẩm thực đặc biệt này. Không tranh thủ làm tiền ngay lúc này thì làm lúc nào nữa. Nhanh lên, kẻo những kẻ lắm tiền đã chán mắt thì biết moi tiền từ túi ai!
Món này có khi còn lành mạnh và ấm túi hơn món bán ấn đền Hùng à nhen!
————————–

Ngọc Trinh sẽ vực dậy ngành du lịch Việt

Phụ nữ today… Chỉ có Ngọc Trinh, nữ thần tình yêu và dục vọng với thân hình vô cùng gợi cảm mới có thể kích thích ngành du lịch Việt tăng trưởng trở lại.
Lý Nhã Kỳ có thế mạnh là người kinh doanh, Ngọc Trinh chẳng có gì ngoài thân hình tuyệt mỹ của một nữ hoàng nội y nhưng chính những gì gắn liền với cô mới thật là sang trọng.
Giữa rừng người đẹp của showbiz, Ngọc Trinh nổi bật với nhan sắc hiếm có ấy. Sắc đẹp và sự hấp dẫn đàn ông và đàn bà của Ngọc Trinh còn hơn hẳn với Jennifer Phạm, Mai Phương Thúy, Ngọc Hân, Thùy Dung… Có thể nói sắc đẹp của Ngọc Trinh giống với nữ thần Aphrodite, thần tình yêu, sắc đẹp và dục vọng.
Đặc biệt, Ngọc Trinh có sức quyến rũ khó cưỡng đối với đàn ông. Sự ngây thơ, mong manh dễ vỡ của Ngọc Trinh đã mê hoặc, quyến rũ bất kỳ người đàn ông nào từ những chàng trai châu Á thư sinh đến những người châu Phi, châu Mỹ lực lưỡng với cơ bắp cuồn cuộn…, đều ao ước được quỳ mọp xuống, cúi đầu sát chân nàng….
Với cái thân hình trong ngọc trắng ngà ấy, Ngọc Trinh chỉ cần khoác lên mình danh hiệu đại sứ du lịch, rồi năng nổ sang các nước khác quảng cáo, lỡ có đấng nam nhi nào hỏi: “Ở nước cô, ai cũng xinh đẹp như thế này sao? Lúc đó, Ngọc Trinh có thể vờ thẹn thùng mà nói: Dạ, xứ em cỡ này là kém xinh lắm rùi. Chỉ thế thôi đã đủ sức lôi kéo rất nhiều nam nhân về xứ mình du lịch.
Hay chỉ cần Ngọc Trinh phát huy thế mạnh với những shoot hình bikini nóng bỏng cộng với vòng 1 quyến rũ khó cưỡng nổi, đảm bảo Ngọc Trinh sẽ kích thích du khách quốc tế, đặc biệt là các du khách nam sẽ ùn ùn đến để chiêm ngưỡng nữ thần tình yêu, sắc đẹp và dục vọng của Việt Nam.
Hơn nữa, Ngọc Trinh có sự hồn nhiên, thật thà hiếm có. Khi du khách quốc tế tiếp xúc với Ngọc Trinh họ sẽ thấy được bản chất con người Việt Nam thuần khiết, thân thiện, thật thà, mến khách và nhân hậu.
Với bí quyết của mình, tin chắc Ngọc Trinh sẽ chinh phục cũng như kêu gọi được sự ủng hộ từ các quan chức các nước như Philippines, Campuachia… quảng bá cho du lịch Việt.
Do vậy, chỉ có Ngọc Trinh mới đủ sức vực dậy được ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trần Hiểu (nguồn: Phụ nữ today)


Copy từ: Chu Mộng Long