CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

LOẠI TRỪ ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992


LOẠI TRỪ ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992 KHÁC CHI LOẠI TRỪ QUÂN VIỄN CHINH MỸ RA KHỎI VIỆT NAM NĂM 1973

Khai bút Xuân Quý Tỵ của Phạm Viết Đào.




Năm Nhâm Thìn đã qua, năm Quý Tỵ đã bắt đầu; thời tiết của những ngáy giáp Tết thật tuyệt vời, ông Trời đã chiều lòng, thương con dân đất Việt bằng việc ban cho một chút lộc nắng xuân ấm áp trước mấy ngày bởi quanh năm phải bươn chải, lo toan, vất vả những ngày năm cùng tháng tận lại phải co ro đi sắm Tết; Đúng chiều ngày tất niên 29 Tết, đất trời lại hồi xuân trở lại bằng một đợt rét se se lòng người dường như để phả, khơi gợi, phục cổ cái không khí xuân sang…

Cũng như bao thần dân khác của đất Việt, những nỗi lo toan canh cánh bên lòng mình trong suốt năm Nhâm Thìn vừa qua lại bắt đầu được trỗi dậy trong những giờ khắc đầu tiên của năm Quý Tỵ; sau một đêm ngon giấc, thả lỏng toàn bộ cơ thể lẫn suy tư, sáng dậy bật bàn phím và quyết định viết lên những dòng khai bút đầu xuân với những suy nghĩ ứa nhựa…
Có lẽ nỗi lo toan lớn nhất trong năm qua đối với chủ blog vẫn là hiện tình đất nước; Năm Nhâm Thìn vừa qua, năm Quý Tỵ bắt đầu này đất nước lại có vẻ đang bị xô đẩy vào giữa ba đào sóng dữ: Ngoài Biển Đông, quân Tàu rình mò, thập thò với trò giương đông kích tây cố hữu; cho tàu lượn lờ vùng biển Nhật Bản nhưng mọi người cũng thừa hiểu Trung Quốc chằng dại gì mà húc đầu vào hòn đá Nhật; Kể cả khi thể chế quân sự Trung Hoa mạnh như thời đế quốc Nguyên Mông mà vẫn không thể nào bén mảng tới mảnh đất mặt trời mọc này…Vậy thì gây sự trên biển Nhật là để dòm ngó, đo xem Biển Đông của Việt Nam nông sâu ra sao, sẽ động binh như thế nào, khả năng phòng vệ đến đâu để nếu có thể thì xông vào cắn trộm một phát?
Vào tháng cuối năm Nhâm Thìn, sau chuyến đi thăm 3 nước EU có vẻ thành công của TBT Nguyễn Phú Trọng; lần đầu tiên một người đứng đầu một Đảng cầm quyền mà lại là Đảng Cộng sản được các quốc gia đế quốc nguyên lão như Anh, Italia, Bỉ… đón tiếp với nghi thức dành cho nguyên thủ…Chuyến thăm không dừng lại như một hoạt động hữu nghị, xã giao đối ngoại; qua các bản tuyên bố chung cho thấy Việt Nam và Anh, Italia đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và tuyên bố công khai về sự hợp tác cả trong một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm: lĩnh vực an ninh quốc phòng…
Nếu chuyến đi EU của TBT Nguyễn Phú Trọng là một sự khởi sắc mới về sự chuyển đổi tư duy của một chính khách bị ngờ là canh giữ cái thành trì bảo thủ của Ban lãnh đạo Việt Nam; Chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy sự thức thời của ông trong việc mở cửa, chìa tay xác định ai bạn ai thù, dám bước qua lời nguyền…Tất nhiên vẫn còn là những sự e ấp, hé mở chưa đúng độ tầm…
             Cây đào ở góc sân do mình trồng và chăm cũng đã nở đúng tết...
                         ( Ảnh chụp sáng nay mồng 1 Quý Tỵ )
Trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang tỏ những thái độ “ đổi mới “ tư duy thì đúng dịp tất niên, giáp Tết,  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có một tuyên bố không khác gì gáo nước lạnh dội vào cơ thể đang run rét: Hoa Kỳ không có kế hoạch trở lại Cam Ranh…
Theo một nguồn tin dấu tên cho hay: ông bạn truyền thống Nga cũng sẽ trung lập trong các tranh chấp, xung đột tại Biển Đông; mặc dù các doanh nghiệp khai thác dầu của Nga vẫn đang hút dầu tại vùng biển Vũng Tàu Việt Nam…Làm thế nào được, Nga và Trung Quốc mỗi năm quan hệ kim ngạch buôn bán trao đổi 2 chiều lên tới 100 tỷ USD, trong khi đó với Việt Nam chỉ có 7 tỷ USD…Tin vỉa hè cho hay: Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã bỏ tiền tỷ USD để “mua” thái độ của cá nhân Putin…
Có lẽ năm Quý Tỵ đất nước đứng trước những thử thách ghê gớm, khó lường và Ban lãnh đạo đất nước chắc chắn cũng đang phải gồng mình lên trước những thử do các biến động của  thời cuộc, của quan hệ đông tây, quan hệ với ông hàng xóm to xác mà xấu chơi; Ban lãnh đạo Việt Nam vào thời điểm này đang phải chèo lái một con thuyền “quá tải”, máy móc vừa lỗi mốt lại rệu rã; trong khi đó phúc phận của thủy thủ đoàn lại “mỏng cánh chuồn” như đã có lần ông Nguyễn Phú Trọng thổ lộ trước Quốc hội…
Con tàu Việt Nam đang tiếp tục phải hứng chịu những đợt sóng dữ dội, tứ phía xô vào con tàu tứ phía ngoài con tàu; Con nội tình con tàu, nội tình đất nước, bên trong còn tàu lại đang xảy ra bao chuyện như một câu thơ của Nguyễn Du mộ tả: Gặp cơn bình địa ba đào… Biển nổi dông bão đã đành, lại thêm đất bằng nổi sóng nữa bởi sự tha hóa biến chất nghiêm trọng của đội ngũ những thủy thủ đoàn đang cầm trong tay bánh lái, những mái chèo…Điều này tàu khiến cho những hành khách đi tàu không khỏi hoang mang lo sợ về tình huống tàu vỡ, người chìm…
Không, dù sóng gió như thế nào, con tàu Đại Việt không thể bị đánh chìm, không chịu để bị phá vỡ, bởi các tác nhân bên ngoài và bên trong: đó là ý chí, là quyết tâm, là niềm tin sắt đá của chúng ta vì đây không phải là lần đầu con tàu Việt Nam gặp cảnh gieo neo khi bơi trên đại dương…
Một blogger phát hiện: Trong bài phát biểu chúc tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong thời điểm đón Giao thừa, không thấy ông Trương Tấn Sang còn nhắc đến Đảng, đến chủ nghĩa xã hội, đồng chí…Điều này cho thấy những “thủy thủ” chịu trách nhiệm chính về hành trình của con tàu Đại Việt cũng đã cảm nhận được những gì đang xảy ra bên trong con tàu; Do vậy nên đã tìm cách hạ nhiệt, giảm bớt những cơn sóng ngầm đang nổi lên từ bên trong con tàu. Trong tình thế sóng dữ bên ngoài đang nổi lên tứ bề, nếu hành khách trên tàu không nín nhịn kiềm chế, chỉ cần mỗi hành khách một cái dậm chân hay dịch chuyển thiếu tính toán cũng có thể làm cho con tàu mất cân bằng, nghiêng lệch khiến cho nó rất dễ bị sóng dữ đánh chìm…
Những ngày giáp tết và sau tết, thường là dịp các nhà lãnh đạo thường tranh thủ thăm chúc tết đây đó, năm nay có vẻ cũng đã được giảm đáng kể: Ông Nguyễn Phú Trọng ít xuất hiện có lẽ vì ông là người đứng đầu Đảng, một đảng đang bị dân chán ghét; ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bặt vô âm tín trong ba ngày tết có lẽ ông là người đứng đầu chính phủ đang bị nhiều chỉ trích nên phải trốn búa rìu; Chỉ còn ông Trương Tấn Sang với tông giọng đã giảm cái sự lên gân lập trường…Điều này cho thấy thủy thủ đoàn đã lúng túng, đã nao lòng trước áp lực từ bên trong và bên ngoài thân tàu…
Cái bản đồ án thiết kế nên bộ máy của con tàu Việt Nam đã bộc lộ sự lạc hậu nên đã phơi bày bộc lộ những yếu điểm nhất nặng nề nhất trong thời điểm lịch sử này; Trước những thử thách ngẫu nhiên hay cố ý của hoàn cảnh đang đòi hỏi các công trình sư, những người chịu trách nhiệm về số phận của con tàu thấy: muốn cứu nó, đừng để nó có ngày gây thảm họa cho cộng đồng hành khách thì phải đại tu hay thiết kế lại, lắp máy khác cũng với cơ chế vận hành khác…Điều này đã được thể hiện qua việc năm qua các công trình sư chịu trách nhiệm thiết kế con tàu Việt Nam đã đưa cái đồ án- Hiến pháp 1992 ra để lấy ý kiến để bàn chuyện sửa đổi…Rõ ràng Hiến pháp 1992, bản thiết kế ra mô hình vận hành của con tàu Việt Nam có dấu hiệu không mấy thích hợp trước những biến động của thế giới, trời đất và nhu cầu đòi hỏi của hành khách đi tàu…Không hành khách đi xa nào bỏ tiền mua vé đi trên một con tàu không được bảo hiểm chắc chắn…


Một trong những vấn đề cốt tử của bản “đồ án” hiện hữu của “con tàu” Việt Nam-Hiến pháp 1992, đó là nó được lắp loại động cơ, đầu máy nào, công suất ra sao, chạy bằng nguồn năng lượng gì… điều này thể hiện qua Điều 4 của Hiến pháp…
Trong bản Hiến pháp đã có nhiều sửa đổi ví như đã rút khỏi câu: Kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo như là một trong đặc điểm của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Đã có điều khoản quy định về việc thành lập Tòa án Hiến pháp để giám sát việc thực thi Hiến pháp…Những sự sửa đổi đó ngẫm cho cùng vẫn là những sửa đổi lặt vặt; điều cốt tử mà dư luận đang nổi lên đòi xóa bỏ sự áp đặt về sử lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với bộ máy nhà nước; Điều không bình thường vị trí lãnh đạo này được hiến định độc tôn dành cho Đảng Cộng sản…Đã có đơn kiến nghị của hơn một ngàn người ký do một số trí thức khởi xướng…
Thực ra mô hình thiết kế bộ máy nhà nước chịu sự lãnh đạo, dẫn dắt của một đảng chính trị nào đó là điều không chỉ duy nhất tại Việt Nam; Ngay ở một số quốc gia thậm chí là quân chủ lập hiến Chính phủ vẫn được dẫn dắt bởi các đảng phái chính trị; có điều nó không thuộc độc quyền của một đảng như ở Việt Nam…
Các đảng chính trị hoạt động là mô hình tạo điều kiện cho nhân dân có điều kiện kiểm chứng sức mạnh chính trị của đảng này qua bộ máy, nhân sự và hành động…Đảng nào mạnh sẽ được cử tri dồn phiếu tín nhiệm và được quyền đứng ra thành lập Chính phủ. Ở Việt Nam Đảng cộng sản Việt Nam lại là một đảng chính trị đang trượt theo cái đà tự biệt lập hóa, tách khỏi sự giao thoa, giao cảm, giám sát, kiểm chứng của dân như khi mới thành lập; do sự độc quyền, độc tôn đã dẫn phần lớn đảng viên có chức, có quyền tới độc đoán và tha hóa vì sự cám dỗ của tiền bạc…Thế những nếu bây giờ muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp, loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì tình thế sẽ giống như giai đoạn đầu năm 70 của thế kỷ trước khi Mỹ đổ nửa triệu quân vào chiến trường Việt Nam; đòi đuổi lính Mỹ ra khỏi Việt Nam…
Chính phủ Mỹ đã nhận thấy không đủ khả năng dùng quân sự để khuất phục của chiến binh Việt Cộng; Về phía Việt Cộng cũng không đủ khả năng về quân sự để đánh bật quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, mặc dù Mỹ cũng đã chán không còn muốn ở lại Việt Nam…Nếu lúc đó ai đó nêu ra đề xuất: Mỹ hãy rút quân đi, Việt Cộng sẽ thôi không đánh nhau nữa để trả lại hòa bình cho Việt Nam, binh lính Mỹ sẽ không chết trận nữa thì đó là không tưởng.
Hàng triệu người Mỹ trong đó có Bill Clinton đã xuống đường tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Mỹ để tự thiêu, đốt cờ hoặc bỏ ra nước ngoài để tẩy chay chiến tranh, đòi chính phủ Mỹ rút con em Mỹ về nước nhưng đâu có được mục đích chấm dứt chiến tranh…


     Khoai bị, một đặc sản Nghệ, mình trồng góc sân, nhà mình ở làng Đông, gần Hồ Tây đã cho 2 củ nặng quãng 9 kg; đào trước tết để nấu chè cúng giao thừa...khá thơm ngon

Rõ ràng để chấm dứt vai trò của quân đội Mỹ tại Việt Nam, Việt Cộng cũng không thể dùng giải pháp quân sự, cùng không thể dựa vào sự xuống đường của dân Mỹ; Điều này cũng hao hao như việc đòi xóa Điều 4 Hiến pháp loại Đảng cộng sản ra khỏi vai trò lãnh đạo nhà nước ngay được; mặc dù những người đứng đầu của Đảng này cũng đã đo lường cảm nhận được vai trò và tác hại do sự cầm quyền như hiện nay của Đảng…
Để Chính phủ Mỹ chịu rút quân về nước, Lê Đức Thọ và Kissinger đã nghĩ ra giải pháp, đúng hơn là cái mẹo thể hiện trong bản hiệp định Paris ký vào năm 1973; Với văn bản Hiệp định này, Việt Cộng đạt được cái hòn đá tảng ban đầu, buộc Chính phủ chịu rút quân đội về nước bằng thỏa thuận chứ không phải thua cuộc do đánh nhau phải bỏ chạy…Để gỡ danh dự cho Mỹ, bản hiệp định Paris đã chế ra cái “bánh vẽ”: Chính phủ liên hợp 3, có chỗ cho Việt Nam cộng hòa được cơ cấu 1 ghế hình thành trong chính quyền mới sau khi quân Mỹ rút…Kết cục như thế nào thì mọi người đã thấy…
Vừa rồi, một số trí thức đã khởi xướng bản kiến nghị được trên 1000 người ký, bản kiến nghị này có gây được áp lực nào đó nhưng số phận của nó cũng giống như việc xuống đường của hàng triệu người dân Mỹ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn; không buộc được chính phủ Nixon đưa con em nước Mỹ ra khỏi Việt Nam…Do vậy, để cải thiện tình trạng độc tôn, độc đoán về chính trị trong việc quản lý, lãnh đạo nhà nước, đòi hỏi phải có những bộ óc nghĩ ra được mưu kế nào đó, một giải pháp quá độ nào đó để đám cộng sản xấu bị đẩy lùi dần ra khỏi chính trường, tạo ra một cái bánh vẽ để chúng chịu nhả cái bánh thật mà chúng đang ngậm trong miệng?
Đó là bài toán mà các bộ óc có tài kinh bang tế thế cần phải suy tính, nếu muốn cho tiền đồ đất nước thoát khỏi họa cộng sản; còn dùng áp lực số đông đòi phế bỏ ngay thì khác chi sự xuống đường của hàng triệu người Mỹ phản chiến kia …
Dù thế nào đi nữa, những bộ óc tỉnh táo nên nhớ câu của Nguyễn Trãi: Vận nước thì lúc thịnh, lúc suy nhưng hào kiệt thì đời nào cũng có; Nhờ thế nên quốc gia mới tồn tại hàng ngàn năm nay mà đã có lúc tưởng đã bị đồng hóa…
Khởi đầu Xuân Quý Tỵ, người viết tin lịch sử Việt sẽ không bị lặp lại cái thời Thục An Dương Vương để mất nước về tay Triệu Đà khởi đầu cũng năm Quý Tỵ.
Người Việt đã trưởng thành; Dân tộc Việt đã đủ sức, đủ khả năng bảo vệ chính mình cho dù có lúc, có khi nào đó vua chúa, kẻ đứng đầu bất tài, vô hạnh, tham tàn bạo ngược luôn nghĩ ra những trò quái quỷ làm phiền nhiều nhân dân, làm hại nhân dân…
Tôi tin vào sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt, đó là điều kết trong những dòng khai bút đầu Xuân Quý Tỵ !

P.V.Đ.

Copy từ: NV Phạm Viết Đào

COI CHỪNG NHỮNG BIẾN ĐỘNG LỚN TRONG NĂM RẮN



Theo lịch phương đông, năm Rắn bắt đầu từ ngày chủ nhật hôm nay 10/2/2013; Năm Rắn là năm thuộn lợi cho tình yêu và kinh doanh… Song năm Rắn cũng chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn xã hội dẫn tới những mối nguy cơ không thể lường trước dẫn tới những sự bùng nổ tạo ra sự  thay đổi mạnh mẽ.

Năm rắn bắt đầu vào chủ nhật ngày 10/2 và kết thúc vào ngày 30 tháng 1 năm 2014. Trong văn hóa Trung Quốc, con rắn là biểu tượng của sự hòa điệu đầy chất trí tuệ và sự sáng tạo; Rắn cũng là loài có khả năng tự nhận thức. Các nhà chiêm tinh Trung Quốc nói rằng: năm 2013 sẽ là tốt cho gia đình, kinh doanh và tình yêu. Năm Rắn sẽ là năm mang lại nhiều thành công về các công việc lao động trí óc, sự đổi mới…
Năm Rắn là năm được chủ trị bởi hành Thủy, vì thế nên năm nay sẽ kéo theo nhiều biến động, thay đổi và chuyển hóa. Dự báo năm 2013 sẽ là năm có nhiều biến động bất ngờ gây nên những sự mất ổn định… Các nhà chiêm tinh khuyến cáo người dân cần phải hết sức bình tĩnh và thông thái trong các ứng xử trong năm rắn, tránh hành động bỡi những bức xúc nhất thời, không nên quyết định một việc gì mà không tìm hiểu ngọn ngành hoàn cảnh…
Những bài học được các nhà chiêm tinh Trung Quốc rút ra: năm 2013, là năm mà con rắn vốn bản chất đặc trưng đó là sự khôn ngoan, ​​không giống như Rồng vừa kết thúc; Năm Rắn là năm thuận lợi cho những doanh nhân mạnh mẽ với các dự án đầy tham vọng. 
Con rắn là một sinh vật không thể đoán trước được hành động bất ngỡ của nó…Theo thời gian những năm rắn thường bùng nổ những cuộc bạo động, những cuộc xung đột và chiến tranh:
-Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ vào năm 1941; Điều này đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên tri: Long mạt xã đầu khởi chiến tranh; Can qua xứ xứ động đao binh…
-Năm 1941 cũng là năm xảy ra trận Trân Châu Cảng giữa quân đội phát xít Nhật và quân đội Mỹ.
- Năm 1989 sụp đổ bức tưởng Berlin và chế độ Ceausescu sụp đổ tại Romania
- Năm 2001, năm trùm khủng bố Bin Laden tấn công Trung tâm thương mại thế giới tại New York..



Copy từ: NV Phạm Viết Đào



THỨC THỜI VÀ THỜI THỨC




Khai bút của Nguyễn Thanh Hà.

Trong khoá đào tạo Phóng viên 1961 - 1964, chúng tôi được học tập nhiều thứ. Là "cán bộ biên chế" được đi học dài hạn, tôi và một số bạn đồng nghiệp chỉ phải trừ 5% lương. Đó là những năm có nhiều kỷ niệm khó quên.
Trong giáo trình gần 4 năm học, có giáo trình về "Lịch sử Đảng" chủ yếu là học quá trình thành lập và hoạt động của Đảng ta (Đảng Lao động trước đây và Đảng Cộng sản hiện thời). Cùng với học tương đối kỹ Lịch sử đảng ta, chúng tôi còn được học qua Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, nghe phổ biến những nét chính của Phong trào cộng sản và công nhân thế giới, xác định "hai con đường" và sự tất yếu giành thắng lợi cuối cùng của Phong trào Cộng sản thế giới.  Nhìn chung, hồi ấy chúng tôi đều còn trẻ, tôi chưa đến 30 tuổi, mới ở bộ đội chuyển ngành, các bạn học cùng có người công tác tại TTXVN, có người công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam và phần đông là tuyển học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Đào tạo xong, cơ quan có ý đồ bổ sung một lực lượng trẻ cho TTX Giải Phóng miền Nam, còn lại thì tăng cường cho các bộ phận của TTXVN. Các bạn ở Đài thì về cơ quan cũ.
Về học "Lịch sử Đảng" chúng tôi, trong đó có tôi rất say mê và hứng khởi, như thấy mình được mở mang đầu óc rất nhiều. Ai cũng nhận thức được rằng cách mạng Việt Nam nếu không có Đảng Cộng sản lãnh đạo chắc chắn phải trải qua nhiều khúc quanh và con đường đi đến thắng lợi phải bằng phẳng và dễ dàng. Nhất thiết phải có Đảng tổ chức và lãnh đạo thì công cuộc cách mạng của nhân dân ta mới thành công. Mấy chục năm liền, có khi cho cả đến ngày nay, người dân Việt Nam, tuy lòng tin vào Đảng do chính cán bộ đảng viên làm lung lay, vẫn mơ mơ màng về "lòng tin ấy" mà nếu có sai lầm, kể cả "sai lầm nghiêm trọng" cũng vẫn chỉ là "hiện tượng" chứ không phải là "bản chất của Đảng".
Năm nay, Quý Tỵ, tôi bước vào năm thứ 79 cuộc đời. Còn khoẻ, những đã già. Hằng ngày sống dựa vào lương hưu ít ỏi, không có một nguồn thu nào khác. Các con cháu phương trưởng nhờ cha mẹ chúng đã nghiến răng chịu đựng vượt qua thời kỳ chiến tranh và bao cấp, nay nghĩ lại vẫn thấy rùng mình.
Cũng vì được học tương đối kỹ "Lịch sử Đảng" nên nhận rõ hơn quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong 83 năm có Đảng và "được Đảng lãnh đạo", cách mạng Việt Nam, như mọi người thấy rồi, đã giành nhiều thắng lợi. Trải qua hơn 80 năm sống
dưới ách nô lệ của thực dân phong kiến (chứ không phải 1000 năm bị phong kiến Phương Bắc đô hộ), nước ta giành được Độc lập tự do, được giải phóng sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Theo lịch sử Đảng, hồi đó, Đảng CS mới có gần 5000 đảng viên, đất nước có 25 triệu đồng bào, nạn đói 1945 cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng, còn 23 triệu. Tại sao, trong hoàn cảnh trứng nước, trong tay hầu như không có một phương tiện gì đáng kể, không một tấc sắt trong tay, mà 5000 đảng viên lãnh đạo 23 triệu người Việt Nam làm cuộc Tổng khởi nghĩa thành công vang dội, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời còn chuẩn bị tiềm năng cho cuộc kháng chiến Pháp 9 năm và sau đó là 21 năm kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền, giành hoà bình thống nhất nước nhà.

Sở dĩ, cách mạng tháng Tám 1945 thành công là do Đảng đã chớp được thời cơ, đồng thời rút được
kinh nghiệm xương máu qua "Xô-viết Nghệ Tĩnh" 1930-1931, qua khởi nghĩa Ba-Tơ và qua "Nam Kỳ khởi nghĩa" 1940, chính trong Lịch sử đảng đã thừa nhận các cuộc khởi nghĩa có nhiều manh động này Đảng chưa thực sự lãnh đạo và sau sự kiện xảy ra Đảng mới "xông vào" lãnh đạo uốn nắn
phong trào và tích luỹ thêm kinh nghiệm tiếp tục lãnh đạo cách mạng.
Nhưng "Lịch sử Đảng" lại chưa phân tích thật rõ ràng, "Vì sao ta lại có sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ (1953 và 1956) đã dẫn đến những thiệt hại to lớn trong Đảng, có hàng nghìn đảng viên cán bộ trung kiên của Đảng bị "oan" bị giết nhầm, đến nỗi cụ Hồ Chí Minh phải nhỏ lệ.
Đi đôi với sai lầm CCRĐ, là những sai lầm quản lý hộ khẩu, cải tạo CTN ở thành phố, và đấu tranh chống bọn "Nhân Văn Giai Phẩm"...Những cuộc đấu tranh giai cấp ấy đã để lại hậu quả vô cùng to lớn, rồi đến việc "theo chủ nghĩa giáo điều" trong chủ trương, chính sách của đảng về "chế độ bao cấp" về "xác định tính chủ đạo" của của kinh tế quốc doanh trong phát triển "kinh tế xã hội chủ nghĩa"...dẫn đến những " thất bại đau đớn, rồi xã hội không những chậm tiến, các giai tầng xã hội nghi ngờ, thủ tiêu nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân. Việc giải tán 2 đảng "Mặt trận" là Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ" đã làm thủng một lỗ lớn trong việc xây dựng nền dân chủ của nước Việt Nam mới, từ đó sinh ra cái gì cũng do Đảng CS, đến nỗi trong dân lưu truyền câu "Mất mùa là tại thiên tai/Được mùa là tại thiên tài Đảng ta", tạo nên không khí và thói kiêu ngạo cho cán bộ đảng viên, từ kiêu ngạo đến không biết nghe lẽ phải, bỏ qua cái đúng, cái gì cũng cho
mình là đúng tất, xa dân, coi thường dân, quan liêu, tham nhũng lãng phí, làm thiệt hại vô cùng to lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội nước nhà...
Kể sơ sơ như vậy cũng đã thấy, bên cạnh "thắng lơi" do Đảng ta mang lại (mà phần lớn lại do xương máu của nhân dân), là những sai lầm do Đảng ta gây ra. Như vậy, đúng là nhiều khi chúng ta "thức
thời" nhưng đến bây giờ vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi mà "chủ nghĩa xã hội thế giới" hầu như đã sụp đổ hoàn toàn, chủ nghĩa tư bản không hề bị "tiêu diệt", các dân tộc thế giới thêm tỉnh ngộ, họ không hoàn toàn theo chủ nghĩa tư bản mà cũng không muốn theo chủ nghĩa xã hội như mô hình đã có nhiều năm nay, mà họ cố gắng có một chế độ riêng rất khác, rất có lợi cho dân chủ cho phát triển kinh tế và xã hội trên đất nước họ.
Ví dụ như sự phát triển mạnh mẽ của Sin-ga-po, của Hàn Quốc, của Nhật Bản và của một loạt nước chấu Âu, châu Á, kể cả một số nước châu Phi. Sự ra đời và lớn mạnh của khối Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng minh, họ không theo chủ nghĩa tư bản, cũng không theo chủ nghĩa xã hội như mô hình đã phá sản mà theo một định hướng riêng của họ và họ đã phát triển tốt, nền dân chủ của họ có nội dung và chất lượng hơn. Đó là "thời thức", thời đại phát triển nó thế, đi ngược lại sự phát triển ấy, e rằng là một sự bảo thủ rất có hại?
Tôi là một ông già 79 tuổi, đi theo Đảng từ lúc chưa đến 18 tuổi, được học chính trị và làm công tác báo chí cách mạng gần 40 năm, cuộc sống đã dạy tôi nhiều điều cơ bản. Những người lãnh đạo phát triển của dân tộc đó phải xứng đáng với vai trò lịch sử giao cho họ, phải rất công tâm, rất trí tuệ, trung thực và "công bộc" thật sự. Chứ còn cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" chưa bao giờ có trong hiện thực thì gắn vào cho vui thôi.
Dân tộc Việt Nam ưa nói thật, làm thật, ưa cái cụ thể hơn là những lời hoa mỹ, hứa hẹn suông./.
 
 

Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Thư ngỏ gửi ông Dương Trung Quốc


Sài Gòn, ngày 9/2/2013 (chiều 29 Tết). 
Kính gửi: Ông Dương Trung Quốc -Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hiện là Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. 
Địa chỉ: 27 Hàng Đường – Hà Nội. 
Tên tôi là: Đỗ Nam Hải, sinh năm 1959 tại Hà Nội. 
Nghề nghiệp: Kỹ sư kinh tế ngân hàng. 
Địa chỉ: 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn. 
Nay gửi bức Thư ngỏ này đến ông, đề cập đến vấn đề sau:
Trong bài báo Cuốn sách nhỏ về một người vĩ đại, đăng trên tờ Tuổi Trẻ, ngày 4/2/2013 vừa qua, ông có viết rằng: cuốn sách nhỏ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên đã là một cú hích hướng ông vào nghề sử học. Đọc xong bài báo, tôi hiểu là ông đã nghĩ (hoặc ít ra là muốn hướng độc giả nghĩ như vậy), rằng Hồ Chủ tịch và Trần Dân Tiên là 2 người khác nhau. Thế nhưng, có những ý kiến khác lại cho rằng: 2 ông trên thực ra chỉ là 1 người, và người đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh! 
Một vấn đề khác mà tôi cũng muốn đề cập là: trong tất cả các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các sách giáo khoa xuất bản ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đều khẳng định rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác giả tập thơ Nhật Ký Trong Tù là 1 người. Thế nhưng, có những ý kiến khác lại cho rằng đó là 2 người khác hẳn nhau: một người Việt Nam và một người Trung Hoa! Như vậy là rất khó hiểu cho người đọc: vấn đề trước tưởng là 2 mà biến thành 1, còn vấn đề sau ngỡ là 1 lại hóa thành 2! 
Năm 2001, khi đang sinh sống tại Australia, tôi có bài báo Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, và năm 2008 khi đã về Việt Nam, tôi có viết bài Một vài suy nghĩ sau khi đọc lại tập thơ Nhật Ký Trong Tù. Trong đó có đề cập đến hai vấn đề khó hiểu trên, nay xin gửi đến ông đọc tham khảo. 
Tôi không phải là nhà sử học, hơn nữa việc đi lại để tìm hiểu cặn kẽ những vấn đề trên đối với tôi hiện gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, công an Việt Nam (PA 21 – Công an Tp. Hồ Chí Minh) luôn bám sát tôi như hình với bóng trong suốt hơn 8 năm qua (từ tháng 8/2004 đến nay), kể cả trong những ngày xuân này. 
Vì vậy, tôi viết bức Thư ngỏ này gửi đến ông, một người có lợi thế nghiên cứu sử học và được quyền đi lại tự do hơn hẳn tôi, hãy giúp tôi và nhiều người khác hiểu rõ 2 vấn đề trên. Rất mong nhận được sự quan tâm của ông. Nhân dịp năm mới 2013, xin kính chúc ông và gia đình luôn được mạnh khỏe và an lành. Trân trọng kính chào! 
Đỗ Nam Hải
__________________
Phụ lục: 
1) Cuốn sách nhỏ về một người vĩ đại 
TT - Chuyên mục “Quyển sách thay đổi cuộc đời” kỳ này giới thiệu bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc. 
Dương Trung Quốc - Tôi có một lý lịch nghề nghiệp rất đơn giản: sinh ra, lớn lên, đi học, thi học sinh giỏi môn sử phổ thông rồi tốt nghiệp khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, về Viện Sử học công tác cho đến khi về hưu vẫn tiếp tục hoạt động trong một hội nghề nghiệp của giới sử học và làm một tờ báo của Hội Sử. Có hơn một thập kỷ làm đại biểu Quốc hội thì ngẫm kỹ điều mình thể hiện trên diễn trường ấy cũng luôn là những vấn đề có liên quan đến lịch sử, lấy chuyện xưa vận vào chuyện nay, tựa như người nhắc vở vậy. 
Với người làm nghề sử thì việc đọc sách là chuyện đương nhiên, như nông dân cày cấy, thợ may cắt vải nên khó chọn được một cuốn sách nào lại đủ sức “làm thay đổi cuộc đời” của mình. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ có thể nhắc tới một cuốn sách dường như nó đã “bẻ ghi” khiến đời mình nghiêng về cái ngả đường mà đến thời điểm đã U-70 rồi thì có thể nói được rằng sẽ theo nghiệp nghề ấy đến lúc xuống... mồ. 
Cú hích vào nghề
Tôi đến với nghề sử rất ngẫu nhiên, không hề có một hứng thú hay năng khiếu gì đặc biệt đối với cái môn dễ là khổ sai trí nhớ ấy. Đến lớp 10 niên khóa 1963-1964, Hà Nội tổ chức thi học sinh giỏi môn lịch sử. Chẳng biết vì sao cô giáo dạy sử lại chọn tôi với câu động viên: “Cô thấy em đi thi được đấy!”. Có lẽ vì nể trọng cô giáo mà tôi nhận lời. 
Chuẩn bị cho cuộc thi, cô giáo hướng dẫn: ngoài sách giáo khoa, nên tìm đến một người nào đó am hiểu lĩnh vực này để hỏi han thêm. Lớp tôi có một anh bạn có bố làm ở Viện Sử học. Tôi đến xin được ông chỉ giáo. Ông đưa cho tôi mấy số tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử bảo mang về nhà đọc thử một vài bài, rồi hẹn gặp lại để ông hướng dẫn. Trước lúc về tôi thấy trên bàn của ông có một cuốn sách không dày. Tôi vừa động tay vào thì nhà sử học đầu tiên mà tôi được gặp trong đời bảo: “Cuốn ấy không phải là sử đâu cháu ơi. À, nhưng đọc được lắm...”. 
Đó là cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên. Về nhà, đọc các bài tạp chí thấy dài lằng nhằng càng đọc càng khó hiểu nên tôi chuyển sang cuốn sách và đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối. Hồi đó Bác Hồ còn sống, một đôi lần tôi được gặp, sách vở viết về Bác chưa nhiều như bây giờ nhưng hình tượng của con người còn sống ấy đã là thiêng liêng lắm. Cuốn sách ấy không thể nói là đã “làm thay đổi cuộc đời tôi”, song đã tạo một cái hích nhẹ và hướng tôi bước vào ngả đường nghề nghiệp mà vào thời điểm đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cuốn sách “không phải là sử” ấy thật sự gây ấn tượng với tôi. 
Cuốn Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch chắc nhiều người đã đọc vì từ khi được xuất bản lần đầu vào cuối thập kỷ 1940 đến nay đã qua gần bảy thập kỷ, đã được nhiều nhà xuất bản tái bản rất nhiều lần. Thông qua lời kể của một nhà báo có bút danh Trần Dân Tiên, người đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày đầu nước nhà độc lập (1945), cuộc đời của nhà cách mạng và là người đứng đầu nhà nước Việt Nam độc lập được kể lại qua “những mẩu chuyện” như tên gọi của sách. Mục đích sách ra đời vào thời điểm đó dường như chỉ để trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh là ai?”, kể cả với những người nước ngoài. 
Sau này, khi đã thâm niên trong nghề nghiệp, tôi có nhiều cơ hội đọc và gặp nhiều người nước ngoài, có người thuần túy là nhà nghiên cứu, có người là nhân chứng lịch sử, cũng có người là cả hai. Tôi đã nghe và đọc được rất nhiều cách tiếp cận, cách đánh giá khác nhau về cuốn sách này và nhân vật của sách... 
Đam mê tìm kiếm sự thật 
Hồi Liên Xô “mới đổ”, tôi là một trong những người Việt Nam sớm “mò đến” Lưu trữ cũ của Quốc tế Cộng sản ở thủ đô nước Nga để khai thác tài liệu về Hồ Chí Minh. Tôi được biết cách đó không lâu có một phụ nữ quốc tịch Mỹ cũng đã đến đây và cũng có mối quan tâm đến nhân vật lịch sử này. Rồi các đồng nghiệp Nga cho biết người phụ nữ ấy đã “lần mò” đến tận Leningrad để tìm kiếm những chi tiết liên quan đến cuộc đời của Hồ Chí Minh trong thời gian ở Liên Xô (cũ). Người phụ nữ ấy tên Sophie Quinn Judge
Bẵng đi một thời gian tôi gặp bà ở Aix en Provence, nơi có một trung tâm lưu trữ quan trọng của Bộ Thuộc địa Pháp, ở đó có nhiều tư liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhưng nếu người ta chỉ quan tâm đến học thuyết hay sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh thì bà lại muốn tìm hiểu đời sống riêng tư, một phần không thể thiếu được nếu muốn tiếp cận một chính khách cũng như một nghệ sĩ. Theo bà, thật đáng tiếc chưa mấy ai quan tâm đến điều đó vì thế bà sẽ cố gắng lấp chỗ trống này. 
Hồi đó bà mới chỉ đưa ra nhận xét bước đầu là càng nghiên cứu càng thấy nhân vật này có nhiều điều hấp dẫn. Vài năm sau Sophie Quinn Judge cho xuất bản ở Singapore một luận văn nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong quãng thời gian ở châu Âu 1919-1940. Bà có gặp để trao đổi và gửi bản thảo cho tôi đọc trước. Cuốn sách của bà có thể có sự đánh giá khác nhau từ những người có quan niệm khác nhau, nhưng giữa những dòng chữ có thể thấy được thiện chí của một người muốn thỏa mãn đi tìm sự thật, công việc của một người làm sử. 
Nhân dịp 110 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một nhóm làm phim đến phỏng vấn Sophie, bà vẫn nhắc lại cái điều bà từng nói với tôi khi mới bắt tay vào viết sách: “Lúc đầu tôi đã nghĩ rằng Hồ Chí Minh không tuyệt vời và thú vị như hình ảnh mọi người vẫn tuyên truyền, nhưng hóa ra ông ấy thật sự thú vị... Con người thật của Hồ Chí Minh rất thú vị”. 
Cuốn sách nhỏ mà tôi nhắc đến trong bài viết này thật sự đã “dẫn tôi vào đời” nghề nghiệp để hướng tới cái khao khát muốn tìm ra những gương mặt thật đã tạo nên một lịch sử thật. Thỏa mãn cái khao khát ấy thật là khó, có khi cả đời nghề chưa làm được là bao nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Nghiệm lại đời mình thấy cái làm được trong nghề không nhiều nhưng niềm say mê khiến mình đã theo nghiệp nghề này trọn đời lại làm mình thỏa mãn. 
Xuân 2013 
*
2) Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Phương Nam – Australia, tháng 7/2001. 
Bao nhiêu sao sáng bấy nhiêu anh hùng vì dân mà Bác Hồ ngôi sao sáng soi vô ngần. Cuộc đời của Bác sáng ngời gương người cộng sản, nguyện làm theo lời Bác dạy khuyên. Quê hương yêu dấu Bắc - Nam chung một dòng máu, đoàn kết bên nhau đàn cháu ngoan của Bác Hồ. Vì ngày mai bao tươi sáng, nhớ lời thề đinh ninh. Nguyện xứng cháu của Bác Hồ Chí Minh. 
Có thể nói rằng ở Việt Nam không ai lại không biết đến CT Hồ Chí Minh. Các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng lại càng được giáo dục kỹ lưỡng về ông. Những bài hát như trên là xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, dù ông mất đã hơn 30 năm nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách giáo khoa các cấp cũng luôn nói tới ông từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Tất cả đều nhằm mục đích làm cho mọi người hiểu rằng: không bao giờ được quên công lao to lớn của ông đối với dân tộc và kêu gọi tất cả hãy "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại." 
Tài Liệu Giáo Dục Công Dân lớp 7, Nhà Xuất Bản Giáo Dục năm 1997, trang 53 có một bài đọc thêm nhan đề: Tinh Hoa Của Dân Tộc Việt Nam Góp Phần Vào Tinh Hoa Thế Giới, nội dung khẳng định một sự kiện là: Vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Hồ Chủ Tịch, Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học Và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc, tức UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), đã ra một nghị quyết công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới. Trong đó có đoạn: “ ... Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng cho nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.” (trích nghị quyết UNESCO, sách đã dẫn.) 
Trong bài Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Danh Nhân Văn Hóa Của Nhân Loại, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nguyên chủ tịch ủy ban UNESCO Việt Nam , viết vào tháng 5 năm 2000 vừa qua cũng tiếp tục khẳng định như vậy. (Xem: Danh Nhân Văn Hóa - Nguyễn Dy Niên). 
Dù có ý đọc kỹ nhưng tôi không thấy cả hai bài viết trên ghi cụ thể đấy là nghị quyết số mấy? Ký ngày nào và ai đã ký nó? Như thông thường đối với việc trích dẫn một nghị quyết quan trọng như thế. Tuy nhiên ở nước ngoài, vì có điều kiện được tiếp cận với những nguồn tài liệu khác thì tôi lại thấy những bài viết quả quyết rằng: không hề có một nghị quyết nào như vậy cả. Ðiều đó có nghĩa là CT Hồ Chí Minh chưa bao giờ được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, mà ông mới chỉ có tên trong danh sách được đề cử, rồi dừng lại ở đó thôi. 
Nhận thấy đây là một vấn đề lớn cần làm rõ, vì dù ai có chấp nhận hay không thì trong thực tế ông cũng đã là nhân vật lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ thứ 20 vừa qua. Còn cái lịch sử ấy đã và sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào? Tốt hay xấu? v.v… thì đó không phải là mục đích chính mà tôi muốn đề cập đến trong bài viết này. 
Ngoài ra còn là vấn đề bức xúc hơn, nó liên quan đến sự nghiệp trồng người của dân tộc: những học sinh lớp 7 kia rồi sẽ lớn lên, và với thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay thì việc các em được tiếp cận với những nguồn tài liệu khác là rất dễ dàng. Khi ấy liệu các em còn biết tin vào đâu? Nguồn nào đúng, còn nguồn nào sai? Nếu chúng tự phát hiện ra sự thật lại ngược hẳn với những gì đã được dạy dỗ từ nhỏ đến lớn thì sao? Từ đó rất có thể chúng sẽ oán trách các thế hệ cha anh đã lừa dối chúng, rồi cứ theo cái vết mòn ấy, biết đâu chúng lại đi lừa dối tiếp những thế hệ sau thì hậu quả sẽ tai hại biết nhường nào? Cả một dân tộc cứ đi lừa dối lẫn nhau mãi như vậy thì dân tộc ấy sẽ đi về đâu? v.v… 
Chính vì những lý do trên mà ở phần dưới đây, tôi xin được nêu ra một số câu hỏi liên quan đến thân thế và sự nghiệp của CT Hồ Chí Minh mà đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tôi rất mong các nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, vốn quan tâm đến lịch sử Việt Nam hiện đại, nhất là đến thế hệ trẻ Việt Nam tương lai hãy giải đáp giúp. Tôi nghĩ rằng đây không chỉ đơn thuần là mối quan tâm của riêng tôi - một độc giả, mà còn là của hàng chục triệu phụ huynh học sinh đang có con cháu mình đi học ở Việt Nam . Những câu hỏi của tôi là: 
1- Có phải trước khi xuống tầu buôn Pháp làm phụ bếp vào ngày 5 tháng 6 năm 1911 thì chàng trai 21 tuổi Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã có sẵn ý định ra đi tìm đường cứu nước hay chưa? Nếu anh Ba đã có sẵn mục đích rõ ràng như sau này anh kể lại: “…Tôi muốn được đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta...” thì thật đáng quý biết bao. Tuy nhiên, nó lại mâu thuẫn với một sự kiện sau do những tài liệu ở nước ngoài viết rằng: Ngày 15.9.1911, khi vừa đặt chân đến cảng Mác-Xây (Marseille) - Pháp, tức là chỉ hơn 3 tháng sau khi rời bến Nhà Rồng - Sài Gòn thì anh Thành đã vội viết đơn xin được vào học nội trú Trường Thuộc Ðịa (Ecole Coloniale). Nhưng đã bị nhà trường từ chối với lý do: Ðơn không được xét vì anh là đối tượng di chuyển tự túc đến Pháp chứ không phải được tuyển chọn từ xứ Ðông Dương sang, theo như quyết định ban hành ngày 30.4.1910 của Bộ Thuộc Ðịa Pháp. (lá đơn này do ông Nguyễn Thế Anh sưu tầm được trong văn khố Pháp ngày 2.2.1983, có sao chụp lại cẩn thận. Cũng cần lưu ý rằng: theo những tài liệu trong nước thì Trường Thuộc Ðịa là nơi chuyên đào tạo những tên Việt gian phản động, tay sai của thực dân Pháp lúc bấy giờ.) 
Giả sử câu chuyện trên là có thật thì sẽ có thêm một câu hỏi hệ quả là: Nếu năm 1911 Trường Thuộc Ðịa chọn anh Thành, thì 9 năm sau anh có còn chọn con đường của Lênin cho cách mạng Việt Nam nữa hay thôi? (theo suy luận chủ quan của tôi thì có lẽ là anh Thành sẽ... thôi!) 
2- Phải chăng lý do chính rời nước ra đi của anh Thành là bởi trước đó một năm, trong gia đình anh có một biến động lớn đã diễn ra? Ðó là: năm 1910, cha anh là ông Nguyễn Sinh Huy, tức cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1863 - 1929), tri huyện Bình Khê - Bình Ðịnh, trong một cơn say rượu đã sai người đánh chết anh nông dân tên là Tạ Ðức Quang bằng roi và gậy. Sở mật thám Pháp sau khi điều tra xong đã kết ông vào tội ngộ sát khi đang say rượu. Hội Ðồng Nhiếp Chánh tại Huế sau đó đã ra quyết định kỷ luật ông: hạ bốn bậc trong ngạch quan lại thời bấy giờ, bị triệu hồi về Huế, rồi cuối cùng là bị sa thải luôn. Bà Thanh con gái ông cũng kể : ông là người nghiện rượu nặng, hồi nhỏ bà vẫn thường bị bố đánh rất đau bằng roi, có khi còn quẳng cả roi đi để đánh bằng tay. Một số tài liệu lịch sử trong nước thì viết rằng: "Cụ Sắc nhà nghèo, ham học, thông minh, thi đậu phó bảng, “bị ép” ra làm quan. Có lần cụ nói: " Quan trường là chốn nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn.". Cụ thường làm những việc trái ý bọn quan lại, nên bị cách chức." 
Như vậy là giữa hai nguồn tài liệu đã có những điểm mâu thuẫn lớn cần làm rõ, nhất là lý do ra khỏi chốn quan trường của ông: phải chăng ông ra khỏi là vì như ông nói là không muốn bị "nô lệ hơn" trong số những người nô lệ? Hay là bởi rượu đã đưa ông ra khỏi chốn ấy và chính vì bị ra khỏi chốn ấy nên ông lại càng uống nó nhiều hơn? 
Cũng qua những sách báo ở trong nước kể lại thì: khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ (tháng 10.1954), ông đi thăm rất nhiều vùng quê trên miền Bắc, đi ra nước ngoài,... Nhưng riêng quê ông thì mãi tới tháng 6.1957, tức là gần 3 năm sau ông mới về thăm lần đầu (sau đó ông có về thêm một lần nữa, vào năm 1961). Có cái gì đó không ổn trong tinh thần vì nước quên... quê của ông không? Hay ông ngại nhân dân, cán bộ và chiến sỹ biết được tấn bi kịch trên của gia đình mình? 
3- Ai là người đã viết cuốn Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch vào mùa xuân năm 1948? Cuốn sách ghi tác giả tên là Trần Dân Tiên. Năm 1985, giáo sư Hà Minh Ðức đã xuất bản cuốn Những Tác Phẩm Văn Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Ðáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào và bạn bè trên thế giới. Hồ Chủ Tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch,...”. (Hà Minh Ðức, sách đã dẫn, Tr 132, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985). 
Như vậy có nghĩa là tác giả Trần Dân Tiên và Hồ Chủ Tịch thực ra chỉ là một người. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, người biết rất rõ ông từ những năm 1930s, khi cả hai cùng học tập và làm việc ở Liên Xô đã viết lời tựa cho cuốn sách cũng đã khẳng định như vậy. Tôi tin là hai giáo sư ấy viết đúng, vì 2 lẽ: thứ nhất, đó là việc rất quan trọng mà nếu nói sai thì chính hai giáo sư có thể sẽ bị mang họa, chắc chắn là hai ông đã cân nhắc rất kỹ trước đó. Thứ hai, cứ theo tư duy lôgic mà suy luận: nếu ông Trần Dân Tiên và cụ Hồ là hai người thì nay ông Trần Dân Tiên kia đâu? Còn sống hay đã chết? Nếu sống thì bao nhiêu tuổi rồi? Vợ, con ra sao? Nếu chết thì chết vào năm nào? Hiện chôn ở đâu?... 
Còn một khi lại chỉ là một người thì xét theo khía cạnh nào cũng đều không ổn. Chúng ta hãy nghe một vài đoạn Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết về... Hồ Chủ Tịch như sau: “ ... Bác Hồ của chúng ta vô cùng khiêm tốn; Bác không muốn kể cho ai nghe về hoạt động của mình; rồi Bác Hồ được nhân dân ta coi là cha già của dân tộc; Bác còn vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo vì đã đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa.” và: “ ... Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta với đức tinh khiêm tốn nhường ấy và đang lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của Người được?...”. (Trần Dân Tiên, sách đã dẫn). Cũng cần lưu ý rằng vào năm 1948 thì vị "cha già của dân tộc" ấy mới có 58 tuổi! (1890 – 1948). 
Trong thực tế nhân loại cũng đã có những người dùng quyền lực hay tiền bạc để bắt người khác ca ngợi mình. Nhưng nếu Hồ Chủ Tịch lại tự mình đứng ra "dầy công vun đắp" nên điều đó thì quả là chuyện xưa nay hiếm! Tôi cũng không rõ là những người đang cố gắng "giữ gìn và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh" có coi đây như là một trong những “yếu tố cấu thành” nên tư tưởng của ông hay không? Và giả sử ở dưới cõi âm kia, nếu ông gặp các vị cách mạng đàn anh khác như Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Ðông, v.v… thì không nói. Nhưng nếu rủi thay, ông lại gặp các cụ Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi thì biết "ăn, nói" thế nào cho phải với những vị anh hùng chân chính của dân tộc ấy đây? 
Một điều nữa đáng lo ngại hơn: trong cuốn Dàn Bài Tập Làm Văn lớp 7, (NXB Giáo Dục 1997, Tr 39). Tức là đã 12 năm, sau khi tác phẩm của giáo sư Hà Minh Ðức nói trên được xuất bản, thì các tác giả biên soạn cuốn sách giáo khoa kia vẫn tiếp tục mập mờ mà không chịu viết thẳng ra đấy là hai hay chỉ có một người. Nếu cứ cung cấp thông tin và bắt các thầy cô giáo dạy học sinh theo kiểu này, thì đến ngay như người lớn cũng còn bị nhiễu loạn chứ nói gì đến trẻ con? Hồi đất nước còn chiến tranh, tôi đã được một sỹ quan QÐND Việt Nam cho xem cuốn nhật ký của anh, trong đó có đoạn: 
“ Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1969. 

Hôm nay Ðài Tiếng Nói Việt Nam báo tin Bác Hồ bị bệnh nặng. Bác ơi! Chúng cháu hiểu là chúng cháu thật có lỗi với Bác, vì đất nước đến lúc này vẫn còn bị nỗi đau chia cắt. Ðơn vị của chúng cháu đã được vinh dự nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu, chỉ vài hôm nữa thôi là lên đường. Cháu xin hứa với Bác rằng: dù phải trải qua gian khổ, hy sinh đến đâu thì chúng cháu cũng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đảng và quân đội giao phó; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, để sớm được đón Bác vào thăm đồng chí, đồng bào trong ấy. ” 
Cũng cùng một tinh thần đó, từ miền Nam , nhà thơ Lê Anh Xuân viết ra: 
Gửi miền Bắc lòng miền Nam chung thủy 
Ðang xông lên chống Mỹ tuyến đầu. 
Nghĩa là tất cả đều hướng lên Ba Ðình tràn đầy một niềm tin trong sáng, một niềm kính trọng vô biên. Bởi vì ở nơi ấy "có Trung Ương Ðảng, có bác Hồ" luôn chỉ lối dẫn đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên. 
Theo tôi, nếu trong một cuộc chiến tranh, giả sử tất cả những yếu tố khác đều ngang nhau, thì bên nào có thêm yếu tố tin tưởng và kính yêu lãnh tụ như trên là sẽ rất có lợi thế để giành chiến thắng. Thế nhưng, nếu vì muốn trở thành một “ngôi sao sáng vô ngần” mà chính vị lãnh tụ lại cho ra đời một sản phẩm kiểu như Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch thì lại là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì đó thực chất là quan điểm đạt mục đích bằng mọi cách, kể cả những cách rất thiếu tử tế: chủ động đi hủy hoại những giá trị văn hóa của nhân loại nói chung và dân tộc nói riêng, mà hậu quả để lại sẽ rất nặng nề cho hậu thế. Bằng cách đó ở một giai đoạn nhất định, có thể ông cũng tự đưa được uy tín của mình lên vị trí rất cao trong lòng một bộ phận dân tộc. Xong nếu xét về lâu về dài, khi phần lớn đã nhận ra sự thật thì hình ảnh: "Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác, nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người,..." sẽ trở nên trớ trêu, phũ phàng và thật đáng xấu hổ với bạn bè thế giới. 
Tôi cũng được biết một câu chuyện sau: Gia đình ấy có 2 anh em, người anh đi bộ đội, còn người em gái ở lại nhà và lấy chồng. Năm 1954 khi người anh từ chiến khu trở về thì em gái mình đã theo chồng di cư vào Nam. Sau gần 30 năm xa cách, hai anh em mới được gặp lại nhau, khi người em ra Bắc bốc mộ cho chồng - ông bị chết trong thời gian học tập cải tạo ở ngoài ấy. Cô em nói trong nước mắt giận hờn, đại ý: “Tại anh và những người cộng sản như anh nên bây giờ em gái anh khổ, các cháu của anh phải mồ côi cha.”. Xúc động không kém, người anh nói: “Thôi em ạ, đằng nào thì mọi việc cũng đã lỡ rồi. Em cứ nghĩ như thế này: nếu một người em không hề tin yêu, kính trọng mà làm em đau khổ thì đấy chỉ là một nỗi khổ đau. Nhưng nếu đấy lại là người em hằng kính trọng, tin yêu bao năm trời, kể cả sẵn sàng đem cuộc đời của mình ra để hy sinh, cống hiến mà nay em lại phát hiện ra rằng thực chất sự tin yêu, kính trọng ấy của mình lại bắt nguồn từ sự giả dối của người kia, thì lúc ấy nỗi đau khổ trong em sẽ phải nhân lên gấp 5, gấp 10. Ðấy chính là tâm trạng của anh lúc này, em ạ.”. 
Trên đất nước Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã có bao nhiêu gia đình phải lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy? 
4- Một vài điểm khác cần xác minh: 
Trong số những người Việt Nam hoạt động ở Paris vào những năm 1910s -1920s là chỉ có duy nhất 1 ông Nguyễn Ái Quốc hay là có đến 5 ông Nguyễn Ái Quốc? Vai trò của chàng trai Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành trong các hoạt động như: thành lập Hội Người Việt Nam Yêu Nước, soạn thảo Bản Yêu Sách 8 Ðiểm Gửi Hội Nghị Véc - Xây năm 1919, ra báo Người Cùng Khổ năm 1922, viết Bản Án Chế Ðộ Thực Dân Pháp năm 1925, v.v…là tới đâu? Liệu có đúng như các phương tiện thông tin đại chúng trong nước hoặc chính CT Hồ Chí Minh đã kể lại hay không? Bởi vì nếu theo các tài liệu “ngoài luồng” thì : 
a) Hội Người Việt Nam Yêu Nước đã được thành lập tại Pháp từ năm 1914, mà tiền thân của nó là Hội Ðồng Bào Thân Ái còn có trước đó nữa. Ðấy là do công lao của những ông Nguyễn Ái Quốc khác, chứ anh Thành lúc ấy lại không có mặt ở Pháp, mà là đang mưu sinh ở Anh. (anh Thành ở Anh từ cuối năm 1913 đến 1917. Cuối năm 1917 mới rời Anh để sang Pháp và ở đấy đến năm 1923 thì sang Liên Xô.) 
b) Bản Yêu Sách 8 Ðiểm gửi hội nghị Véc-Xây là có rất nhiều ý của cụ Phan Chu Trinh (1872-1926) gửi khâm sứ Trung kỳ, gửi toàn quyền Ðông Dương và gửi chính phủ Pháp. Như vậy có phải như CT Hồ Chí Minh đã kể: “...Ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra, nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp...” (Trần Dân Tiên, sách đã dẫn), hay những ý kiến ấy phải là của cụ Phan Chu Trinh mới đúng? Vì cụ Phan đã có mặt và hoạt động ở Paris liên tục trước đó, cụ cũng là sáng lập viên của Hội Ðồng Bào Thân Ái. (cụ Phan thi đậu phó bảng năm 1901, cùng khóa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh anh Thành.) 
c) Báo Người Cùng Khổ (Le Paria) là do những “ông Tây” (người Pháp) lập ra, chứ đâu phải của một “ông ta” nào như sự xác nhận sau: “...Ban biên tập báo Người Cùng Khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút, giao cho Nguyễn Thế Truyền là một Việt kiều được anh Nguyễn giới thiệu vào Hội Hiệp Thuộc.” (Trần Dân Tiên, sách đã dẫn). 
Bây giờ giả sử đúng là có 1 ông Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ báo kia đi, nhưng chính xác là ông Nguyễn Ái Quốc nào? Vì ở Paris lúc ấy có tới 5 ông Nguyễn Ái Quốc, còn gọi là nhóm Ngũ Long gồm các ông: Phan Chu Trinh, sang Pháp năm 1911/phó bảng. Phan Văn Trường/1908/luật sư. Nguyễn Thế Truyền/1910/cử nhân. Nguyễn An Ninh/1917/năm thứ 2 trường luật. Nguyễn Tất Thành/1917/tiểu học, và ai ở trong nhóm viết bài cũng ký tên là Nguyễn Ái Quốc. 
Hơn nữa, chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm cả việc ai đã giới thiệu ai? Vì anh Thành mới chân ướt chân ráo đến Pháp thì nào đã quen biết ai mà giới thiệu cho ông Nguyễn Thế Truyền vào Hội Hiệp Thuộc? (ông Truyền sang Pháp từ năm 1910, có 2 bằng cử nhân văn chương và cử nhân hóa học, có vợ người nước ngòai.) 
d) Cũng theo Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch thì: “...Ông Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển Bản Án Chế Ðộ Thực Dân Pháp.” Thế nhưng, với điều kiện thông tin lúc đó thì theo tôi chính quyển này mới là quyển ông ít có cơ hội tham gia nhất. Bởi vì cả tài liệu trong và ngoài nước đều xác nhận rằng: cuốn sách được xuất bản lần đầu tại Pháp vào năm 1925, nhưng lúc ấy thì ông Nguyễn không có mặt ở Pháp mà đang hoạt động ở Trung Quốc! (ông ở Trung Quốc từ tháng 11.1924. Tháng 5.1927 mới rời khỏi đấy để sang lại Liên Xô). 
Hơn nữa, cứ giả sử các tài liệu đều viết sai về năm xuất bản cuốn sách trên thì chúng ta cũng cần lưu ý là: chính anh Thành cũng đã phải công nhận rằng anh là người có bút lực yếu ở trong nhóm, nếu như không muốn nói là yếu nhất. Vì anh Thành chỉ mới tốt nghiệp trường tiểu học Pháp - Việt Ðông Ba, Huế niên khoá 1906-1907. Tháng 9.1907 anh vào học trường Quốc Học Huế, nhưng chưa đầy 1 năm sau, tháng 5.1908 thì đã bị đuổi khỏi đấy rồi. Tức là tấm bằng Thành Chung đối với anh cũng vẫn còn rất xa vời. (http://www.cpv.org.vn/hochiminh/tieusu/thoinienthieu/index.htm). 
Nói tóm lại, những điểm còn chưa rõ ràng trong thân thế và sự nghiệp của CT Hồ Chí Minh là còn rất nhiều. Một lần nữa tôi rất mong các nhà nghiên cứu, các sử gia ở cả trong và ngoài nước hãy vì tính trung thực, khách quan của lịch sử và nhất là vì thế hệ trẻ Việt Nam tương lai, hãy xác minh cho được chúng càng sớm càng tốt. 
Viết về CT Hồ Chí Minh, lại lật ngược những vấn đề khá phức tạp và tế nhị lên như thế này, tôi hiểu rằng sẽ làm cho nhiều người vốn tôn kính ông đau lòng. Nhưng theo tôi, thà làm như vậy một lần cho rõ còn hơn là cứ dễ dãi với nhau để rồi tự làm khổ nhau và làm khổ mãi con cháu chúng ta sau này. 
5- Một ý kiến đề nghị: 
Như ở đầu bài đã nêu, từ 11 năm qua đã có rất nhiều bài viết với hai xu hướng ngược nhau: thứ nhất, khẳng định rằng CT Hồ Chí Minh đã được UNESCO chính thức công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Thứ hai là phủ nhận nó. Nay tôi xin có một ý kiến đề nghị: dù ai thuộc xu hướng nào cũng được, nhưng nếu đã có tấm lòng quan tâm, mong rằng hãy cùng nỗ lực giải quyết dứt điểm vấn đề này. Ðối tượng tiếp cận chính là UNESCO, đây là vị trọng tài khách quan, vô tư và hữu hiệu hơn cả. Sẽ có hai khả năng xảy ra: 
a) Nếu CT Hồ Chí Minh đã thực sự được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới thì những cơ quan nào đã đưa tin sai lạc trước đó cần ra một bản tin đính chính lại. Ðó cũng là hành động thể hiện sự tôn trọng các độc giả, thính giả của mình. 
b) Nếu UNESCO chưa hề có một quyết định như giả thiết nêu trên, thì cá nhân hay tổ chức nào có điều kiện tiếp cận được với tổ chức ấy, cần làm sao có được một văn bản phủ nhận chính thức của họ. Dù chỉ là vài dòng thôi, nhưng nó sẽ có tác dụng thuyết phục rất lớn. 
Ðây cũng là trách nhiệm của mỗi người nhằm giúp UNESCO. Nó cũng là quyền lợi của UNESCO cần phải tự bảo vệ mình, khi có ai hoặc quốc gia nào lợi dụng uy tín của họ để làm những việc khuất tất. Tôi cũng rất mong rằng nếu trường hợp là b) thì những nhà biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ những điểm liên quan và điều chỉnh lại chúng cho đúng sự thật. 
6- Một ý kiến ủng hộ: 
Trong bức thư ngỏ viết vào tháng 5.2001 vừa qua của 2 tác giả Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, gửi tân tổng bí thư ÐCS Việt Nam Nông Ðức Mạnh có một ý kiến đề nghị là: hãy hỏa táng thi hài của Hồ Chủ Tịch. Bức thư giải thích rằng: những người lãnh đạo đảng và nhà nước vào thời điểm CT Hồ Chí Minh qua đời đã vi phạm ý nguyện ghi trong di chúc của người quá cố. Trong đó ông đã viết: "...Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến, và như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn." Và nay thì những người lãnh đạo mới của ÐCS VN cần phải sửa lại sai lầm ấy. Nếu cần thì tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý về vấn đề này. (http://www.thongluan.org/VN2/viet_frame.htm
Hai tác giả cũng phân tích thêm rằng: hình thức ướp xác, tức chôn nổi là hoàn toàn không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, vốn quen với hai hình thức phổ biến là địa táng hoặc hỏa táng. Rồi cảnh báo là nếu không nghiêm chỉnh tuân theo di chúc của người đã khuất, thì gia đình, dòng họ và đất nước luôn bị “sái”, không ngóc đầu lên được. Ngoài ra còn là chuyện lãng phí tiền bạc: để duy trì hệ thống lăng CT Hồ Chí Minh thì hàng năm phải tốn kém 100 tỷ đồng VN. Dù đấy là tiền thuế đóng góp của nhân dân hôm nay hay là đi vay mượn của nước ngoài, thì sau này con cháu chúng ta cũng phải nai lưng ra trả nợ. 
Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến trên và tin rằng nguyện vọng của đa số nhân dân Việt Nam hôm nay cũng là như vậy. Chúng ta chỉ cần thử làm một bài toán nhỏ: Ðể xoá đói giảm nghèo cho một hộ gia đình nông dân, theo 2 tác giả là cần 5 triệu đồng VN tiền vốn. Giả thiết mỗi hộ có 4 người, như vậy tổng chi phí cho công trình ấy trong suốt 26 năm qua là 2600 tỷ đồng VN (không tính chi phí xây lăng) là một số tiền rất lớn, đủ để giúp hơn 2 triệu người Việt Nam thoát khỏi cảnh đói nghèo. Còn nếu mỗi hộ cần 10 triệu đồng tiền vốn thì cũng giúp được cho hơn 1 triệu người. Nhưng cái chính của vấn đề là sự lãng phí kia rất vô lý, không đáng có. 
Ngoài ra tôi cũng xin được bổ xung 1 ý kiến nữa, hy vọng rằng nó sẽ góp thêm cơ sở để dân tộc cùng dứt khoát hơn với đề nghị trên của 2 tác giả. Ý kiến của tôi liên quan đến khía cạnh kiến trúc của lăng: kể từ khi lăng được khánh thành nhân dịp quốc khánh mùng 2.9.1975 đến nay, thì từ những người dân bình thường tới các kiến trúc sư, nhà xây dựng, v.v. từ Bắc chí Nam mà tôi có dịp được tiếp xúc, phần lớn đều cho rằng: công trình này không có những đường nét của kiến trúc hiện đại, cũng lại rất nghèo tính dân tộc. Tức là nếu xét thêm về khía cạnh kiến trúc thì cũng không có giá trị gì đáng kể để mà phải tiếc nuối nữa. Có lẽ vì chạnh lòng với công trình quốc gia khá nặng nề và đơn điệu này, ai đó đã sửa lại lời những câu đầu của bài hát Viếng Lăng Bác (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Viễn Phương), mà thành: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, con thấy lăng Ông đẹp hơn lăng Bác, trăm phần trăm,…” (lăng Ông: lăng ông Lê Văn Duyệt - một võ tướng đầu triều Nguyễn, lập tại khu Bà Chiểu - Sài Gòn; trăm phần trăm = 100%.). 
7- Những lời thay cho kết luận: 
Trong diễn văn đáp từ của nguyên tổng bí thư ÐCS Việt Nam Lê Khả Phiêu đọc tại Hà Nội ngày 18.11.2000 vừa qua, nhân dịp tổng thống Mỹ lúc ấy là Bill Clinton sang thăm Việt Nam có đoạn: “...Ðiều chắc chắn là trong thế kỷ 21, khoa học công nghệ sẽ phát triển như vũ bão. Nhưng lại có một nghịch lý là hố ngăn cách giữa nước giầu và nước nghèo lại ngày càng lớn. Ngày nay, tổng số tài sản của hơn 300 tỷ phú trên thế giới bằng thu nhập của hơn 2 tỷ người ở các nước nghèo.” 
Ðúng! Ðấy là thực tế và người đọc hiểu ngay rằng ý ông muốn nhấn mạnh đến sự bất công của một thế giới ngày càng bị phân hóa giầu - nghèo hôm nay. Nhưng còn một thực tế nữa là: liệu những người lãnh đạo trong ÐCS Việt Nam trước và sau ông có dám làm triệt để việc kê khai danh sách của 300 người giầu nhất ở Việt Nam hôm nay hay không? Họ là những ai? Có bao nhiêu tiền? Ðể ở những đâu? Bằng cách nào họ đã làm giầu được nhanh như vậy? Tổng số tiền mà họ đã tích lũy được là bằng thu nhập của bao nhiêu triệu người nghèo ở Việt Nam ? v.v… 
Một cuộc Trưng Cầu Dân Ý như 2 tác giả Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân đề nghị, nếu nó được tiến hành sẽ là cuộc tổng diễn tập cho một bước dân chủ cao hơn. Ðó là: dân tộc Việt Nam phải được quyền tự mình lựa chọn giữa thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, đa đảng và pháp trị của thời đại mới, hay là cứ phải tiếp tục duy trì mãi thể chế nhất nguyên, đơn đảng của “thời đại Hồ Chí Minh” đầy đau thương hôm qua, lắm bất công hôm nay và vô vàn những rủi ro, bất trắc vào ngày mai. 
Tôi nghĩ rằng nếu toàn thể dân tộc ta ở cả trong và ngoài nước, một khi đã nhận thức lại được đúng những vấn đề của quá khứ và hiện tại thì sẽ vượt qua được những khoảng cách biệt còn lại. Ðể trong tương lai có thể đoàn kết thành một khối thống nhất tạo ra được một sức mạnh tổng hợp, nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với các thế lực bảo thủ hiện nắm thực quyền trong ÐCS Việt Nam. 
Trong thực tế có những người giận ngày “quốc hận” 30 tháng 4, giận mùa xuân năm 1975, rồi giận lây sang cả mùa thu năm 1945 với cuộc Cách Mạng Tháng 8 lịch sử, vì cho rằng đây là chiến công riêng do CT HỒ Chí Minh và ÐCS Ðông Dương lúc đó lãnh đạo. Theo tôi đây là điều chứa đựng nhiều sai lầm, bởi vì thành công của cuộc CMT8 là chiến công chung của mọi người Việt Nam , trong đó có cả vai trò của các đảng phái khác. Tất cả lúc ấy đều đã sẵn sàng gác bỏ mọi quyền lợi riêng, để cùng đồng lòng đứng lên giành lại nền độc lập tự do cho Tổ Quốc. 
Nó cũng là kết quả được hun đúc bởi truyền thống dựng nước và giữ nước từ ngàn đời xưa, từ lịch sử gần 100 năm kháng Pháp của ông cha ta, và mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào chính đáng về nó. Với một nước Việt Nam mới, chắc chắn trang sử hào hùng ấy của dân tộc ta cũng sẽ được các sử gia viết lại cho khách quan và chính xác hơn. Một ngày hội lớn về dân chủ của non sông nhất định sẽ được mở ra trong một tương lai gần. Khi mà khối đoàn kết toàn dân gồm 80 triệu người, với hơn 76 triệu đồng bào ta ở trong nước và 3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài đã được xác lập vững chắc. Ðó là niềm tin mãnh liệt của tôi. 
Phương Nam Đỗ Nam Hải – Australia, tháng 7 năm 2001. 

*
3) Một vài suy nghĩ sau khi đọc lại tập thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ. 
Phương Nam (Đỗ Nam Hải) 
Nhân dịp kỷ niệm 118 năm, ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2008), nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, địa chỉ: 24, Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tái bản tập thơ "Nhật Ký Trong Tù" (còn được gọi là "Ngục Trung Nhật Ký"). Người chịu trách nhiệm xuất bản là Tiến sĩ Nguyễn Duy Hùng và người chịu trách nhiệm về nội dung là Tiến Sĩ Nguyễn Minh Nghĩa. Thơ được in xong và nộp lưu chiểu năm 2008. Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản trên, ở trang 7, thì: “Đây là một tập thơ chữ Hán gồm hơn 100 bài thơ, phần cuối có ghi chép về quân sự và thời sự, được Chủ Tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian hơn 1 năm (29/8/1942-10/9/1943), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép tại các nhà tù ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc... Tập thơ được đánh giá là một văn kiện lịch sử quan trọng, một tác phẩm văn học xuất sắc, có tác dụng giáo dục sâu sắc; phẩm chất và đạo đức cách mạng cho nhiều thế hệ...” 
Như nhiều người Việt Nam ở trong nước, tôi cũng đã từng học, từng đọc và từng nghe nhiều về tập thơ ấy. Trong tháng 8 năm 2008 này, tôi cũng có dịp đọc lại nó. Tuy nhiên, mục đích của tôi khi viết bài nầy không phải là để phân tích về phong cách nghệ thuật của tác giả tập thơ. Bởi một lẽ đơn giản: tôi không phải là nhà thơ, nên dẫu có muốn thì tôi cũng không có đủ khả năng để làm công việc ấy. 
Mục đích chính của tôi khi viết bài này là muốn nêu lên một nhận xét lớn nhất, bao trùm nhất của mình đối với quí vị độc giả rằng: dường như tâm hồn của tác giả tập thơ "Nhật Ký Trong Tù" là tâm hồn của một người Trung Hoa chứ không phải là tâm hồn của một người Việt Nam! Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh như chúng ta đã biết thì cả quê nội và quê ngoại của ông đều thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thuộc miền Trung Việt Nam. Điều đó có nghĩa ông là một người Việt Nam 100%. Vì vậy theo tôi, rất khó có cơ sở để nói rằng ông là tác giả của "Nhật Ký Trong Tù" được. Trừ khi ông là người Việt Nam nhưng lại hoàn toàn mang tâm hồn của người Trung Hoa khi làm thơ thì thôi, không nói làm gì. 
Để chứng minh cho nhận xét trên, tôi xin được phân tích nội dung của một số bài trong tập thơ ấy. Trước hết là bài "Tết Song Thập Bị Giải Đi Thiên Bảo", trang 68: 
Nhà nhà hoa Tết với đèn giăng
Quốc Khánh reo vui cả nước mừng
Lại đúng hôm nay ta bị giải
Oái oăm gió cản cánh chim bằng 
Theo tôi, với một người đang bị tù thì việc người đó hồi tưởng về quá khứ, kể cả việc hồi tưởng về ngày Quốc Khánh của Tổ quốc mình thì đó là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, hai chữ "Song Thập" có trong tựa đề của bài thơ trên có nghĩa là gì? Theo chú thích ở trang 293 của chính tập thơ trên thì: "Song Thập tức là ngày mùng 10/10 là ngày Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc trước đây." 
Như vậy là đã rõ: Ngày Quốc khánh ở đây là ngày Quốc khánh của Trung Hoa chứ không phải là ngày Quốc khánh của Việt Nam. Và cái việc nhà nhà kết hoa, giăng đèn ấy dĩ nhiên cũng là nhà nhà Trung Hoa chứ không phải là nhà nhà Việt Nam! 
Để rõ hơn, chúng ta hãy cùng trở lại với lịch sử Trung Quốc đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua: ngày 10/10/1911, tại Vũ Xương, Trung Quốc đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của nhiều tổ chức cách mạng Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi tại Vũ Xương đã mở đường cho sự thắng lợi toàn diện của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, kết thúc chế độ quân chủ lập hiến ở Trung Quốc. Hai ngày sau, nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập và cuộc cách mạng đó còn được gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi. 
Sự hồi tưởng về quá khứ của nhà thơ thì đã là như vậy, thế còn những chiêm nghiệm về hiện tại của ông thì sao? Trong bài "Kỷ Niệm Họ Hầu Tặng Một Cuốn Sách" trang 267, tác giả viết: 
Sách ngài chủ nhiệm mới đưa sang
Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang
Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ
Chân trời một tiếng sấm rền vang 
Theo chú thích ở trang 298 thì "Hầu chủ nhiệm tức Hầu Chí Minh là chủ nhiệm chính trị chiến khu 4, người đã trực tiếp thả Hồ Chí Minh theo lệnh của Tưởng Giới Thạch." 
Còn theo lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam thì: tháng 1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, sau gần 30 năm xa Tổ quốc. Ông ở tại hang Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5/1941, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) ra đời, do ông làm lãnh tụ. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: bản thân ông Hồ Chí Minh đã là lãnh tụ rồi thì cái sự "Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ" là lãnh tụ nào nữa? Tôi đã thử đưa ra những giả thiết có thể, nhưng bằng phương pháp loại trừ đã cho phép tôi kết luận: cả vị lãnh tụ lẫn nhà thơ trong bài thơ trên chỉ có thể là hai người Trung Hoa, chứ không thể là hai người Việt Nam được! 
Mặt khác, đọc hết toàn bộ tập thơ, người đọc tuyệt nhiên không hề thấy tác giả đề cập gì đến những tên sông, tên núi, tên người Việt Nam đã từng đi vào sử sách, thơ ca. Đâu rồi những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa? Đâu rồi những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám? Và đâu rồi những sự kiện lịch sử chỉ mới diễn ra ở Việt Nam một vài năm, trước khi ông Hồ Chí Minh bị bắt như: Hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940), Nam Kỳ (11/1940) và cuộc binh biến Đô Lương (01/1941), với máu của bao người Việt Nam đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc? Ngay cả những đồng chí cộng sản của ông như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, v.v... Tất cả đều không thấy xuất hiện trong "Nhật Ký Trong Tù". 
Đọc đến đây, có thể có người sẽ nêu ý kiến phản biện cho rằng: vì Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang bị tù ở Trung Quốc, nên rất có thể ông đã tạm quên Việt Nam đi trong tâm thức của mình chăng? Nhưng theo tôi, ý kiến này là rất khó thuyết phục. Bởi vì, thực tế sau đây sẽ chứng minh cho điều ngược lại: trong cuốn sách "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch", do Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội phát hành vào năm 2001, tác giả Trần Dân Tiên người đã viết lại theo lời kể của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, về giai đoạn này của ông ở trang 105 và 107 như sau: 

“Đi liền 10 đêm và 5 ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt. Và gian khổ lại bắt đầu. Quốc Dân Đảng giam Cụ vào nhà lao T.H.S hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm đeo cùm,... Trong khi Cụ Hồ lê lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này đến nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới. Ai khuyên bảo đồng chí? Ai giúp đỡ và đẩy mạnh việc tổ chức? Có lẽ các nước đồng minh đã đổ bộ lên Đông Dương? Có lẽ Pháp, Nhật đã cắn nhau? Có lẽ các đồng chí trong Đảng Cộng Sản Đông Dương và các hội viên Việt Minh đang đau đớn hỏi nhau Cụ Hồ bị tai nạn gì? Lòng Cụ Hồ rối như tơ vò vì phải ngồi im vô ích, trong khi công việc đang đòi hỏi Cụ mà thời gian đi qua không chờ Người.” 
Như vậy cũng là đã rõ: sẽ thật là vô lý nếu như những mối lo gan ruột kia lại không hề được nhà thơ Hồ Chí Minh thể hiện gì, dù chỉ là một dòng trong "Nhật Ký Trong Tù"? Ngoài ra: tại sao lần này đi tù tại Quảng Tây - Trung Quốc, thời gian là hơn một năm (từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943) thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nổi hứng làm thơ? Trong khi, lần đi tù trước ở Hồng Kong, thời gian là gần hai năm (từ tháng 6/1931 đến tháng 1/1933) lâu hơn thì lại không thấy ông làm bài thơ nào? Tôi tin rằng, nếu ai đọc kỹ tập thơ trên thì cũng đều có những thắc mắc tương tự như tôi hoặc nhiều hơn tôi. 
Nói tóm lại, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại viết về một vấn đề có tính nhạy cảm như thế này, tôi hiểu rằng là cần phải hết sức khách quan và thận trọng. Nhưng theo tôi, dù vấn đề có là nhạy cảm và cần phải thận trọng đến đâu đi chăng nữa thì không có nghĩa là không nên viết, không nên phản biện lại những gì liên quan đến ông. Tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, kể cả những ý kiến phản biện của độc giả xa gần. Mục đích là để có thể sớm đưa ra được kết luận chính xác về vấn đề nêu trên. Tôi xin chân thành cảm ơn trước. 
Điều đáng buồn ở Việt Nam từ trước đến nay, nhất là ở lĩnh vực khoa học xã hội là tình trạng phản biện phổ biến theo kiểu "Một chiếc máy bay chia thành hai tốp máy bay". Điều đó hoàn toàn là hình thức và phản khoa học. Nó vừa gây mất thời gian, tiền bạc của xã hội; vừa tạo ra sự xuê xoa, nể nang, thậm chí là lừa dối lẫn nhau, rất tai hại. Đề cập đến vấn đề này, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (giai đoạn 1985-1991) M. Gorbachev đã có những nhận xét rất xác đáng trong cuốn sách "Cải Tổ Và Tư Duy Mới" – Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1988, trang 24 như sau: 
“Trong khoa học xã hội nảy nở thói lý luận kinh viện. Những tư tưởng sáng tạo bị loại trừ ra khỏi ngành khoa học xã hội. Những sự đánh giá và phán đoán hời hợt, duy ý chí trở thành những chân lý không thể bác bỏ được mà chỉ cần thuyết minh. Những cuộc tranh luận khoa học, lý luận và những cuộc tranh luận khác bị cướp mất nội dung sinh động, mà không có những cuộc tranh luận này thì không thể phát triển tư tưởng, không thể có sinh hoạt sáng tạo được. Những khuynh hướng tiêu cực không chừa các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị và các lĩnh vực giáo dục, y tế. Và ở đây nổi lên chủ nghĩa trung bình, chủ nghĩa hình thức, lối nói trống rỗng,...” 
Khoảng giữa năm 2001, khi còn đang sinh sống tại Australia, tôi có viết bài "Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh", với bút hiệu là Phương Nam. Trong đó, tôi có đặt ra một số vấn đề nữa, liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: 
1/ Chủ tịch Hồ Chí Minh có phải là danh nhân văn hóa thế giới đã được tổ chức UNESCO công nhận, nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của ông (19/5/1890-19/5/1990) như các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt nam đã nêu hay không? 
2/ Ở thủ đô Paris của nước Pháp vào đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua là chỉ có duy nhất một ông Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này hay là có đến 5 ông Nguyễn Ái Quốc khác nhau? 
3/ Tác giả Trần Dân Tiên viết cuốn sách "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch", nói ở trên có phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không? 
v.v… 
Nay xin được trân trọng giới thiệu lại cùng quí vị độc giả quan tâm, trong phần phụ lục ở dưới bài viết này. Xin trân trọng kính chào! 
Đỗ Nam Hải (Phương Nam) 
Thành phố Sài Gòn - Việt Nam.
Tháng 8 năm 2008.

Copy từ: Dân Làm Báo

Phá giá VND: Chuyên gia: có! Ngân hàng Nhà nước: không!

SGTT.VN - Khi phá giá VND thì tác động không mong muốn đầu tiên là Việt Nam đã “nhập khẩu lạm phát”...
Đang có những góc nhìn trái chiều về việc Việt Nam có nên điều chỉnh tỷ giá trong năm 2013.
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia: Chính phủ nên chủ động tăng tỷ giá khoảng 4%
Từ trái sang: ông Lê Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Lê Minh Hưng. Ảnh: vneconomy.vn 
“Chúng tôi tính toán, năm 2013, kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Như thế, khả năng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng tăng trở lại. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng vượt trội nhu cầu xuất khẩu và đưa nền kinh tế chuyển dần từ thặng dư thương mại đến thâm hụt thương mại như từng xảy ra ở các năm trước. Bức tranh tỷ giá lúc đó sẽ theo chiều hướng tăng, nhất là khi các nhà nhập khẩu cần nhiều hơn ngoại tệ và tất nhiên, cán cân thanh toán có thể chuyển dịch theo hướng thâm hụt mạnh, dù năm nay đang là thặng dư.
Ông Lê Xuân Nghĩa 
Mặt khác, nếu so sánh tỷ giá song phương giữa VND và USD thì VND đang bị đánh giá cao khoảng 23%, bởi lạm phát của Việt Nam trong các năm vừa qua đã cao hơn rất nhiều so với lạm phát của Mỹ. Vì thế, nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu. Ở chỗ, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu giảm sút do hàng Việt Nam bị tăng giá, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu kém thêm.

Từ thực tế này, Chính phủ nên chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá thêm ở mức khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này cũng giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.Hãy nhớ, các quan hệ tiền tệ thế giới tự bản thân nó đều tạo ra sự cân bằng một cách tự nhiên, và nếu VND bị định giá quá cao mà không chủ động tạo nên sự cân bằng thì một ngày nào đó sẽ mất cân bằng tiền tệ, thậm chí, khủng hoảng tỷ giá hối đoái. Sở dĩ như vậy là vì khi lạm phát Việt Nam cao hơn rất nhiều lần so với Mỹ nhưng VND lại được định giá quá cao và nếu không chịu thừa nhận sự thật về mức độ chênh lệch giá trị giữa hai đồng tiền quá lớn mà để chúng dồn nén từ năm này qua năm khác thì tất yếu đến lúc thị trường sẽ đòi hỏi một quy luật vận hành công bằng.
Thà chấp nhận sự thật, mỗi năm điều chỉnh tỷ giá khoảng 4% thì tỷ giá sẽ ổn định hơn. Cũng không nên phá giá ở mức độ cao hơn vì có thể gây sốc.
Cứ hình dung rằng, trong vòng 5 năm qua, bình quân lạm phát của Việt Nam là 12%/năm, trong khi chỉ số này của Mỹ là 2%/năm, như thế, tỷ giá thực đã bị tăng nhưng Chính phủ lại không cho mức biến động giá trị VND tương ứng như trên. Điều đó rất bất lợi cho xuất khẩu, nhất là khi Chính phủ vẫn xác định xuất khẩu là một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng. Vì thế, thà chấp nhận sự thật, mỗi năm điều chỉnh tỷ giá khoảng 4% thì tỷ giá sẽ ổn định hơn. Cũng không nên phá giá ở mức độ cao hơn vì có thể gây sốc.

Cũng có một tính toán khác là nếu tính tỷ giá đa phương (bao gồm 19 đồng tiền trong rổ đồng tiền tính toán trong quan hệ xuất nhập khẩu với VND) thì VND chỉ tăng giá khoảng 4% do nhiều đồng tiền khác bị giảm giá. Nhưng đó không phải là niềm lạc quan đối với điều hành tỷ giá vì trong quan hệ thanh toán thương mại quốc tệ, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều dùng USD là đồng tiền chủ yếu. Thế nên, tỷ giá song phương mới là chỉ số quan trọng”.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank: Phá giá, xuất khẩu mới có lợi
Ông Nguyễn Đức Hưởng 
“Đã đến lúc, phải nghĩ đến chuyện phá giá thêm VND, dù dùng từ “phá giá” có phần hơi nặng nề, thì xuất khẩu mới có lợi. Hiện tại, Mỹ đã nới lỏng tiền tệ bằng khá nhiều gói cứu trợ và chúng sẽ kích thích mạnh tiêu dùng, tác động tốt cho xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Có thể, Việt Nam vẫn còn e ngại giảm đầu tư nước ngoài nên mới duy trì tỷ giá dưới giá trị thật như vậy, nhưng hãy tận dụng tốt cơ hội để đẩy thêm hàng vào Mỹ. Ngược lại, trâu chậm thì uống nước đục!”
Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Phá giá, sẽ “nhập khẩu lạm phát”
“Điều hành tỷ giá không phải cứ muốn tăng hay giảm tùy tiện mà được. Các tổ chức tài chính quốc tế, kể cả WB khi áp các công thức tính toán tỷ giá của Việt Nam đều ra các kết quả rất khác nhau. Hơn nữa, lấy năm nào làm năm gốc, số liệu xuất nhập khẩu từng năm cũng khác nhau cùng chuỗi số liệu lịch sử, sau đó áp vào các công thức tính toán đều cho một biên độ biến động rất lớn. Đến nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng phải thừa nhận là điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua là rất phù hợp.

Nhiều người nói nên “phá giá VND” thêm so với mức 2012 để hỗ trợ xuất khẩu nhưng phải thấy là doanh số hàng xuất khẩu là một chuyện nhưng còn một vấn đề quan trọng khác là cơ cấu hàng xuất khẩu. Nói cách cách, độ co giãn cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thu nhập thay đổi và/hoặc giá thay đổi là không lớn.
Ông Lê Minh Hưng 
Ví dụ, khi thu nhập của người dân nước nhập khẩu dù có tăng bao nhiêu chăng nữa thì cũng không vì thế mà họ mua gạo, cá basa, tôm, nông sản, quần áo, dày dép… của Việt Nam nhiều hơn, trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì thế, không thể điều hành tỷ giá một cách chung chung, đơn giản theo cách nghĩ cứ phá giá VND là hỗ trợ xuất khẩu được. Mà thực tế, phải căn cứ vào cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, phải cân đối với rất nhiều yếu tố khác đi kèm, từ vĩ mô đến vi mô.

Khi phá giá VND thì tác động không mong muốn đầu tiên là Việt Nam đã “nhập khẩu lạm phát”. Chưa kể, còn khuấy đảo và làm trầm trọng thêm tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng - một yếu tố được coi rất nguy hiểm trong điều hành bình ổn tỷ giá. Ngoài ra, khi phá giá VND, còn kích hoạt nhập khẩu trở lại. Một vấn đề khác không thể không lưu ý khi tăng tỷ giá là áp lực trả nợ vay của Chính phủ và doanh nghiệp vì cơ cấu đồng tiền nợ vay, chủ yếu là USD. Cả chục năm nay, nền kinh tế phải trả một giá rất đắt mỗi khi điều chỉnh giảm giá trị VND.
Năm 2012, đã cho thấy, những ai nắm giữ ngoại tệ đều thiệt so với nắm giữ VND. Vì thế, tổ chức kinh tế, người dân đã bán ra rất nhiều ngoại tệ cho tổ chức tín dụng. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm một lượng ngoại tệ tương đương 15 tỷ USD.
Ví dụ, nói riêng mặt hàng xăng dầu, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, họ không có nguồn thu ngoại tệ, tất cả đều phải mua, vì thế, khi điều chỉnh tỷ giá, lập tức giá xăng dầu tăng và tác động dây chuyền đến mọi hàng hóa khác. Mỗi tháng, ước tính, Petrolimex cần tới 500 triệu USD, chỉ cần nhích tỷ giá lên một chút là họ tăng giá ngay và nếu nhà nước không cho tăng là họ lỗ.

Năm tài chính 2011, Petrolimex vẫn chưa thể cân đối được lỗ lãi và quyết toán thuế là vì cú điều chỉnh tỷ giá năm đó. EVN cũng trong tình trạng tương tự khi họ vay nợ và nhập khẩu điện, máy móc thiết bị và đành phải phân bổ khoản lỗ đó dần vào các năm sau.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi cung cầu ngoại tệ trên thị trường và thấy diễn biến vẫn đang rất ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế thường xuyên nhập siêu triền miên, việc giữ được tỷ giá như hiện nay là một thành công lớn. Trong đó, quan trọng nhất là ổn định được tâm lý kỳ vọng thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người nắm giữ VND, từ đó khơi thông dòng chảy ngoại tệ vốn bị găm giữ từ rất lâu.

Năm 2012, đã cho thấy, những ai nắm giữ ngoại tệ đều thiệt so với nắm giữ VND. Vì thế, tổ chức kinh tế, người dân đã bán ra rất nhiều ngoại tệ cho tổ chức tín dụng. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm một lượng ngoại tệ tương đương 15 tỷ USD. Thậm chí, chỉ trong 22 ngày đầu của tháng 1/2013, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào dự trữ ngoại hối vài tỷ USD”.
Theo VNECONOMY


Copy từ: SGTT