Ông Vịnh tức ông Nguyễn Chí Vịnh, ủy viên T.Ư đảng, thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người mà dư luận đồn đoán sẽ có thể cầm chức bộ trưởng bộ này nay mai.
Ngày 8.6, hầu hết báo chí chính thống đều đăng bài về cuộc gặp của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với giới báo chí truyền thông Trung Quốc nhân chuyến ông Vịnh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4 vào 2 ngày 5 - 6.6 tại Bắc Kinh. Có thể nhận thấy trên các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, TTXVN... nội dung bài đăng đều na ná như nhau, dường như cùng một nguồn chứ không phải do phóng viên bản báo viết. Điều ấy cũng chả có chi lạ bởi ở vấn đề mang tầm quốc tế, quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, cần phải có sự thống nhất về quan điểm, báo chí nhà nước chỉ làm nhiệm vụ truyền tải thôi.
Khi đọc bài Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đối thoại với truyền thông Trung Quốc trên báo Thanh Niên (xem toàn văn ở đây), tôi đánh giá ông Vịnh là người hoạt ngôn, sắc sảo, thông minh (chả thông minh mà lại làm đến thượng tướng), bản lĩnh có thừa. Mặc dù các nhà báo Trung cộng cũng là những kẻ ghê gớm, đầy thủ đoạn, thủ pháp lắt léo đưa người khác vào tròng nhưng họ dường như phải chào thua thượng tướng Việt Nam. Lâu nay những phát biểu của ông Vịnh, dù ở trong hay ngoài nước, dù trước bất kỳ đối tượng nào cũng đều gây sự chú ý, không hẳn vì đó là nhời của ngôi sao đang lên đang sáng, mà còn đại diện cho quan điểm, đường lối của nhà nước Việt Nam đương thời. Chính vì thế, tôi lấy làm lạ khi đọc đoạn dưới đây:
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên Hoàn cầu thời báo (một tờ báo Trung cộng rất hung hăng chống Việt Nam) thái độ của Việt Nam về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Nếu chiến lược này đem lại hòa bình, ổn định, bình đẳng cho tất cả các quốc gia trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế thì chúng ta không có gì phản đối. Ngược lại, chúng ta phản đối nếu chiến lược đó phương hại đến lợi ích các quốc gia và hòa bình trong khu vực” (trích chính xác nguyên đoạn).
Tôi thắc mắc, sao ông Vịnh lại dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều là "chúng ta". Tôi hỏi một nhà báo, liệu có sự nhầm lẫn gì chăng, biết đâu sai sót do bản dịch từ tiếng Trung hoặc tiếng Anh sang tiếng Việt. Nếu tư liệu (để có bài báo ấy) nguyên gốc tiếng nước ngoài thì, theo cách hiểu thông thường, không thể dịch wủa men (tiếng Trung) hoặc we (tiếng Anh) thành "chúng ta" được. Trong văn cảnh cụ thể này, nhất là người nói là ông Vịnh, phải dịch thành "chúng tôi". Thượng tướng đang thay mặt cho Việt Nam, một quốc gia có chủ quyền kia mà. Nhưng được biết bài mà các báo VN đăng là bài chữ Việt đã được đích thân thượng tướng đọc duyệt, thế mới lạ. Khi dùng từ "chúng ta", có thể tạm hiểu quan hệ giữa hai nước Việt -Trung đang là một khối thống nhất về nhiều mặt, không phân biệt, tôi là anh mà anh cũng là tôi. Dường như những bất đồng về biển Đông, về Hoàng Sa - Trường Sa không đáng kể. Chỉ đáng lưu ý rằng cái "chúng ta" đó đã vô tình hòa nhập Việt Nam vào Trung Quốc, không khẳng định được vị thế, sự độc lập, tự chủ của Việt Nam. Đúng ra là phải "chúng tôi", anh hỏi tôi trả lời, tôi bày tỏ quan điểm chính kiến suy nghĩ của chính tôi, cao hơn là của nhà nước tôi, của nhân dân Việt Nam.
Tôi bần thần suy nghĩ, một người thông minh sắc sảo như ông Vịnh, lẽ nào lại nhầm lẫn đến thế. Ông ấy thừa biết đang ở vị trí nào chứ, đại diện cho ai, nhầm làm sao được. Hay là ông buột mồm, nói nhịu, "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", tôi mong vậy. Nhưng nếu ông bảo rằng không nhầm không nhịu thì tôi đành chịu.
9.6.2013
Nguyễn Thông
Copy từ: Nguyễn Thông