CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CÙNG NHAU TA ĐI... NHẬP KHO


Vẫn cứ vui chơi như mọi ngày...
 Dạo rày tự dưng bọn thế lực thù địch tung tin đồn nói xấu chế độ tốt đẹp của ta hơi bị nhiều.
Chúng liên tục tung tin sắp tới sẽ cho người nầy nhập kho, cho người kia đi giáo dục làm như chế độ ta được dựng lên là để chuyên đi bắt dân không bằng. Chúng đưa ra danh sách 4 người, rồi danh sách 5 người, rồi danh sách 10 người...và mới đây nhất, theo nhà văn đáng kính Nguyễn Trọng Tạo, từ Bắc Kinh gởi về danh sách đến 20 người. Nghe cái danh sách nầy, Nguyễn Trọng Tạo phải thốt lên: Bắt hết nhân dân thì sống với ai.

Lúc đầu nghe bọn xấu tung ra danh sách 4 người gồm Nhất, Đào, Chênh, Lập* mà trong đó đã có 2 người đi theo 258 rồi, tôi run quá. Chị em, con cái nghe đến cũng hoảng hốt. Con gái út buộc ba phải thề không được viết blog nữa và nửa đêm đang ngủ bên nhà mẹ, cứ giật mình thức dậy, thảng thốt gọi điện qua nhà ba để biết ba vẫn còn ở nhà mới yên tâm đi ngủ lại.
Các chị tôi đều trên 60, cũng sợ không kém. Cả tuổi ấu thơ của chị em nhà tôi là sống trong cảnh ba tôi vì theo cộng sản phải đi tù. Mà ba đi tù thì không phải ít. Sau 54, ba phải đi cải tạo đến 4 năm. Sau đó về rồi, hầu như năm nào, đến ngày lễ lạc hay bầu cử gì đó, ba lại bị bắt giam từ một đến vài tháng. Các chị tôi kể, những năm tháng đó cả nhà sống trong cảnh nơm nớp lo âu, đêm đêm nghe tiếng chó sủa là thức dậy cả nhà, chạy ra chạy vào nghe ngóng. Tôi lúc đó còn nhỏ nên vô tư. Thời ba ở đến 4 năm, tôi chẳng biết gì vì còn quá bé. Chỉ nghe kể lại là tôi đi bú chực khắp xóm, vú bà nào có con cùng tuổi với tôi, tôi đều ngậm đến, thậm chí cả những bà đã ngưng sinh đẻ, không có sửa, tôi cũng ngậm càn vì quá đói.. Khi ấy mẹ phải chạy chợ gấp đôi, đi từ sáng sớm tinh mơ, lúc tôi chưa thức dậy, đến nửa đêm lúc tôi đã ngủ khì mới về nên cả ngày các chị phải bồng quanh xóm bú chực. Thời đó không có gì ăn nên trẻ con bỏ bú rất trể. Sau nầy vào năm 74, sau khi đậu cử nhân, tôi xênh xang áo mũ về quê, đang đi giữa đường làng thì bị một bà già kéo lại, phạch ngực ra ghì đầu tôi vào đó hỏi: Mi có còn nhớ cái dzú già ni không? Tôi hoảng hồn nhưng rồi cũng bẻn lẻn phì cười.
Vào giai đoạn mỗi năm ba bị bắt một lần, tôi đã lớn hơn, nhưng cũng chẳng biết gì. Rất nhiều lần ba bị bắt mà đến sáng ngủ dậy nghe mọi người đến thăm hỏi xôn xao tôi mới hay biết mặc dù tối nào tôi cũng được ngủ chung với ba. Chỉ có một lần duy nhất tôi được chứng kiến cảnh ba tôi nửa đêm bị bắt ra khỏi nhà. Lần đó nghe tiếng ồn ào, tôi giật mình thức giấc thấy trong nhà đầy lính. Ba tôi ngồi trên bộ bàn ghế đặt giữa nhà có vài người không mặc đồ lính ngồi quanh. Các chị tôi khóc như ri. Mọi người nói chuyện gì với nhau tôi không còn nhớ. Tôi chỉ nhớ đến bây giờ câu hỏi của mẹ: Đợt ni lâu may để chuẩn bị đồ đạt? Không nhớ những người kia trả lời cái gì. Sau đó thì ba tôi đi ra khỏi nhà với mọi người, không thấy bị trói vì tôi còn nhớ, trước khi đi ba xoa đầu tôi bảo vào ngủ đi.
Tôi vào ngủ lại đến sáng hôm sau thì dậy chạy u qua nhà thằng Phùng bạn tôi cũng có cha thường bị bắt giống ba tôi hỏi thăm. Nghe cha nó cũng bị bắt khi hôm, tôi rất mừng và hai thằng cùng vui như tết vì sẽ được tự do quậy phá thỏa thích do không có ba ngăn cấm. Ngược lại có những lần chỉ mình ba bị bắt, tôi buồn lắm. Thằng bạn tôi cũng buồn vì tôi được tự do còn hắn thì vẫn còn cha ở nhà cấm đoán nầy nọ.

Út cưng của tôi bây giờ cũng thế. Ban đầu nghe mẹ và chị thầm thì về danh sách 4 người mà đã có hai người nhập kho thì hoảng hốt cứ bám riết theo tôi để tôi không còn thời gian viết blog. Nhưng cho đến bây giờ khi nghe danh sách lên đến 20 người thì Út cưng cũng hết sợ. Nó bảo có các chú vào đông đúc ba cũng vui, làm như trong ấy người ta cho các chú tụ tập lại chung một chỗ như đi trẫy hội không bằng. Hơn nữa, thấy ti vi chiếu cảnh tù sung túc của Cù Huy Hà Vũ, Út cũng yên tâm là ở trong nhà tù XHCN ưu việt luôn luôn được đối xử nhân đạo không như cảnh nhà tù Côn Đảo của thực dân đế quốc mà Út thấy trên tivi. Tâm trạng tôi thì luôn tùy thuộc vào tâm trạng Út cưng. Út sợ thì tôi sợ theo, ban đầu tôi sợ lắm, run đến mất ngủ, bây giờ Út hết sợ tôi cũng chẳng sợ gì.

Bạn bè cũng rất quan tâm lo lắng, ngay từ khi tôi còn ở Paris có người đã nhắn tin qua khuyên đừng nên về. Giống như Huy Đức bây giờ, có lẽ cũng lắm người khuyên nên...người ơi người ở đừng về. Ngớt đi được một thời gian, rồi khi rộ lên các danh sách, bạn bè lại lo lắng khuyên can. Cũng có nhiều bạn sợ quá, sợ bị liên lụy, không dám liên hệ, không dám hỏi thăm, tình cờ gặp nhau trong quán cà phê, quán nhậu cũng không dám đến gần. Nhiều người làm như cứ ở gần tôi là bị lây nhiểm rồi bị đưa vào danh sách không bằng! Không hiểu chế độ tốt đẹp của ta làm thế nào mà người dân sợ đến thế? Chắc do bọn phản động tuyên truyền tung tin bậy bạ nên người dân nghe theo tưởng chế độ ta xấu thiệt.
Ngược lại có nhiều bạn bè rất tốt, rất bình thường. Vẫn cứ đều đặn thăm hỏi, đều đặn rủ rê đi ăn chơi tiệc tùng. Có khi còn hơn bình thường, lại rủ rê nhiều hơn và câu nói giỡn đầu môi của họ là: Cho ông ăn chơi thỏa thích chứ chẳng còn mấy ngày nữa. he he. Còn những bạn bè đã từng ở tù dưới chế độ cũ sốt sắng bày biểu kinh nghiệm.

Anh Hạ Đình Nguyên, một cựu tù Côn Đảo, thông qua lá thư gởi Cù Huy Hà Vũ đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý giá khi ở tù. Tôi đọc thư ấy không chỉ xúc động đến khóc mà còn rút ra được nhiều điều bổ ích.
Mới đây, vào một buổi trưa, vì nghe đâu danh sách có tên tôi, bạn đồng hương Lê Tự Quảng, một cựu tù Côn Đảo khét tiếng, từng bị biệt giam trong chuồng cọp, bổng dưng điện thoại hỏi: Mi đang ở mô? Đang ở Thủ Đức- Tôi trả lời. Ở yên đó, tau chạy lên. Thế là từ Tân Bình, vượt qua gần 20 cây số, giữa trưa nắng chang chang, người cựu tù Côn Đảo chạy đến nhà tôi với đầy đủ rượu mồi. Vừa nhậu hắn vừa dạy cho tui biết bao nhiêu kinh nghiệm đấu tranh trong tù. Để hắn say sưa cho thỏa lòng rồi tôi mới nói: Nhưng nhà tù bây giờ nghe không giống gì với ngày xưa. Hắn cười hề hề: Ừ, nhưng cũng rứa thôi.
Hôm đi chơi Cam Ranh với nhóm nhà báo Sài Gòn, có hai nhà báo cựu tù là anh Võ Như Lanh và anh Đoàn Khắc Xuyên. Lúc tửu hậu khi nghe nói đến các danh sách, anh Võ Như Lanh nói với Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân và tôi: Các ông bây giờ vui, cứ nghe đồn sắp bắt mà chẳng thấy bắt, làm cả thế giới quan tâm theo dõi hàng ngày, xem thử bị bắt chưa. Hồi thời bọn tôi, chưa kịp nghe chi hết đã bị bắt rồi. Những thằng còn lại sợ quá lo tuôn vào rừng.
He he, ngày xưa có rừng để trốn, bây giờ thì có chỗ nào chui? Thôi thì..."hãy cứ vui như mọi ngày, dù ngày mai không ai thăm nuôi" như Đỗ Trung Quân vẫn nghêu ngao hát.
Hôm qua nghe Nguyễn Trọng Tạo nói về danh sách lên đến 20 người, thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, từ Hà Nội bay vào với tâm trạng phơi phới rủ chúng tôi đi nhậu. Nghe nói anh cũng có tên trong danh sách nầy.

Rượu vào rồi thì chuyện tới trời cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên. Nguyện vọng thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh trăng qua cửa sổ...để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi cho vui. he he.
Vẫn cứ tiệc tùng vui chơi ca hát như đi trẩy hội
 Đỗ Trung Quân nổi tiếng với bài hát cải biên "Cùng nhau đi Bình Hưng Hòa" mà mỗi lần y hát lên, thiên hạ cười phọt cả rượu ra ngoài. Nay y nghêu ngao: Cùng nhau ta đi nhập kho... Lại cười đến sặc gạch!
Mai kia, bọn phản động mà lại có danh sách 30 hoặc 40 người tung ra thì chắc vui hơn nữa. he he.
HNC

* Danh sách và lời bình trên blog Babel Thịnh


Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị đánh đập


Hôm nay, 24/6, buổi lễ  của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) tại chùa Quang Minh, huyện Chợ Mới, An Giang đã bị công an, dân phòng và lực lượng được bảo trợ bởi nhà chức trách phá ngang. Đây là buổi hành đạo do Tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm trụ trì nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày PGHH được khai sáng.
Nguồn tin từ địa phương cho biết, khi đoàn người đã xong nghi thức lập bàn hương án tại nhà Thân Mẫu của Thầy và di chuyển vào làm lễ tại Quang Minh tự, cách đó khoảng 500 m. Thì bất ngờ 100 người gồm công an, mật vụ, dân phòng đã tấn công vào đoàn rước lễ, chúng đánh đập Tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm và khoảng 20 người tín đồ PGHH khác trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Nhiều tín đồ nữ PGHH bị ngất xỉu khi bị đánh đập. Những kẻ thi hành công vụ đã đem nước xịt vào những người bị thương  nằm la liệt trên đường. Riêng tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm bị khoảng 20 người thay phiên nhau đánh vào bụng, ngực và đầu cho tới lúc gục xuống.
PGHH do đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập. Ông Huỳnh Phú Sổ mất năm 1947 khi chưa đầy 30 tuổi. Theo các tài liệu của phương Tây thì giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh thủ tiêu. Nhiều tài liệu còn nói rõ những nghi ngờ với ông Trần Văn Giầu (người sau này là giáo sư) trong vai trò ám sát Huỳnh Phú Sổ.
Đạo PGHH, do vậy, chưa bao giờ được nhà nước Việt Nam hoan nghênh, mà ngược lại ngay từ sau năm 1975, nhà nước đã nhiều lần muốn xóa sổ PGHH.
PGHH phổ biến ở khu vực miền Tây Nam bộ. Theo một số đánh giá, có khoảng 2 đến 3 triệu tín đồ theo giáo phái này.
Một số hình ảnh:
pghh1
pghh2
1259_390811121038951_2059974405_n

(Ảnh FB Mùa Xuân Ả Rập)


Copy từ: Đàn Chim Việt

“Nếu một ngày tôi phải vào tù , Tôi muốn được vào nhà tù cộng sản”


Sau khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt, có kẻ từ trước đến nay im re bỗng rú lên mừng rỡ: Rồi sẽ đến lượt chúng mày!
Chúng mày đây hẳn là những kẻ dám nói không yêu chế độ, dám phản đối anh bạn vàng trong vấn đề xâm lấn biển Đông?
Tiếp đến bắt blogger Phạm Viết Đào. Rồi tin đồn sẽ bắt thêm nhiều blogger khác nữa. Nhiều kẻ hý hửng ra mặt, nhặng xị lên.
Tôi chợt nhớ thái độ đám côn đồ đuổi đánh, bắt người biểu tình trước cổng trại Lộc Hà. Lúc đó, chúng tưởng như đang ở thế thắng nên rất hung hãn. Mũi chúng phồng lên, mắt trợn trừng đầy đe dọa. Nhưng chỉ sau mươi phút, chúng lại trở nên hiền lành. Một gã tái mặt khi bị một người phụ nữ  chỉ vào mặt hắn, giận dữ gào lên:
-    Tao nhớ cái mặt mày nhé, mày là thằng đánh tao nhé.
Hắn to béo, đứng trước mặt tôi và lúng búng nhìn ra chỗ khác:
-    Chị buồn cười nhỉ...
Tôi thấy vẻ sợ hãi nhất thời trên gương mặt hắn. Hắn ăn vận giống như bao người khác, và nếu người dân xúm lại đánh hắn, như hắn đã đánh người khác thì sao nhỉ?
Một lúc nào đó, những nhặng xị ấy cũng sẽ lại im re như thế. Nhưng cái giống gió chiều nào che chiều ấy, thì biết đâu, sẽ có lúc lại chĩa vào những kẻ thất thế?
Rồi! Giờ thì thiên hạ tha hồ đoán già đoán non, về nguyên nhân bắt 2 blogger nổi tiếng. Chuyện các blogger nó thẳng, nói thật những suy nghĩ của mình chắc không phải là nguyên nhân bắt bớ, mà là những nguồn thông tin nóng giãy sau những cuộc họp cơ mật cơ.
Khi nói chuyện với công an, tôi bảo các anh nên lo xem theo phe nào là đúng thời cơ, chứ đừng lo đám dân đen chúng tôi. Nói thật với các anh, dân nước nào chứ dân Việt Nam cứ kêu như cháy đồi thế thôi, chứ không lật đổ được chế độ đâu. Trong tay chả có súng ống, chả có quyền, đa số lại chỉ chăm chắm vào cái niêu cơm nhà mình thì có mà lật vào mắt!
Cái mà người ta sợ nhất là bị tiếm quyền. Tiếm quyền lãnh đạo, chứ mấy ai tiếm quyền của dân đen? Mà ai là kẻ có cơ tiếm quyền?
Là đối thủ của họ! Đương nhiên rồi.
Đối thủ của họ phải là ngang cơ, và cũng có quyền hành. Chứ không phải phận con sâu cái kiến như dân ta đâu.
Ờ! Các anh chỉ cười. Gớm, tôi chả phải dạy khôn các anh ý. Nhưng tôi cũng đồ trong lòng các anh có lo lắng đấy.
Nói vậy chứ ai cũng hiểu, chả có gì đảm bảo cho tự do ở đất nước mình. Tội ở mồm các anh phán ra chứ đâu? Mấy anh em tôi gạt mọi lăn tăn sang một bên, đi một chuyến lên Hòa Bình thăm thú cảnh non nước. Blogger Nguyễn Tường Thụy còn mặc cả: chuyến này mọi người phải chiều tôi nhất đấy. Biết đâu đây là chuyến đi chơi cuối cùng?
Mới hôm qua, cộng đồng mạng lại xôn xao tin có danh sách 20 blogger sẽ bị bắt. Nguồn tin là từ blog của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo.
Cho dù nguồn tin cũng chỉ là sự trao đổi giữa 2 cá nhân, nhưng chuyện này đâu phải là chuyện có thể nói đùa. Tuy điểm mặt anh hùng thì mình chỉ là hàng tép riu, nhưng biết đâu cách thức lại được tiến hành từ dưới lên trên? Tốt hơn hết là cứ chuẩn bị tinh thần để khỏi “sốc”. Bỗng nhớ những vần thơ của Nguyễn Đắc Kiên:
“Nếu một ngày tôi phải vào tù
Tôi muốn được vào nhà tù cộng sản”


Copy từ: Phương Bích

Làm sao thoát “ám ảnh” giải phóng mặt bằng?


Với cả hai hình thức lấy đất thì việc thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng hiện đều đang diễn ra chậm chạp...

 
Làm sao thoát “ám ảnh” giải phóng mặt bằng?
Ông Trịnh Văn Quyết: "Nếu tất cả các dự án đều áp dụng phương thức Nhà nước thu hồi đất thì sẽ rất thiệt thòi cho người sử dụng đất, bởi khung giá Nhà nước bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường. Hệ quả là tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sẽ tăng cao, gây bất bình rất lớn trong dân".
  
.
Theo quy định hiện hành, tại Việt Nam có hai hình thức lấy đất để thực hiện dự án.

Một là Nhà nước thu hồi khi dự án thuộc diện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Hai là chủ đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trực tiếp với người dân để giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.

Tuy nhiên với cả hai cơ chế này thì việc thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng hiện đều đang diễn ra chậm chạp, gây thiệt hại cả cho Nhà nước lẫn chủ đầu tư, cũng như là một nguyên nhân tạo nên khiếu kiện kéo dài của người dân bị thu hồi đất.

“Tôi cho rằng có 5 nguyên nhân chính khiến thời gian thu hồi, bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng đối với các dự án mà nhà nước thu hồi đất bị kéo dài”, TS.LS Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC nêu trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Ông nói:

- Thứ nhất, đó là trình tự, thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật hiện hành đang có quá nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục.

Như, thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tổ chức điều tra hiện trạng quyền sử dụng đất thu hồi, đo đạc, điểm đếm tài sản; xác định nguồn gốc đất, xác nhận nhân hộ khẩu… lấy ý kiến phương án bồi thường; thẩm định phương án, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án; bố trí tái định cư và tổ chức chi trả tiền; tổ chức vận động, thuyết phục; tổ chức cưỡng chế…

Thứ hai, thời gian giữa các thủ tục còn dài. Ví dụ: chưa kể thời gian để thực hiện các thủ tục trước đó thì thời gian niêm yết phương án bồi thường và tiếp nhận ý kiến là 20 ngày; thời gian để người sử dụng đất bàn giao đất là 20 ngày kể từ ngày thanh toán xong tiền; quá 30 ngày kể từ ngày phải bàn giao đất mà người bị thu hồi đất không bàn giao thì mới được tổ chức cưỡng chế…

Nên theo như theo dõi của tôi, chỉ nói đến các dự án nhỏ, thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cũng phải mất từ 1 đến 3 năm thì mới thực hiện xong.

Làm sao thoát “ám ảnh” giải phóng mặt bằng? 1Tôi nghĩ, đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, để hạn chế thiệt hại và tình trạng không hợp tác của người bị thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền cần triệt để áp dụng phương pháp xác định giá đất có lợi nhất cho người dân!  Ông Trịnh Văn Quyết

Thứ ba, công tác quản lý đất đai của nhiều địa phương nói thẳng là còn yếu kém, tình trạng lấn chiếm, cơi nới, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng trái pháp luật rất nhiều, bởi vậy, khi thu hồi, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thì dĩ nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.

Thứ tư, đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các quy định về giá bồi thường và chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhìn chung còn chưa tương xứng với giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi, gây thiệt hại cho người sử dụng đất.

Cuối cùng, cũng có nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người bị thu hồi đất. Như, không cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường kiểm đếm tài sản; không nhận giấy tờ, tài liệu; không có mặt khi được mời tham gia; chống đối bằng bạo lực hoặc tâm lý chờ đợi để được mức bồi thường cao hơn…

Xét riêng với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, để xác định giá bồi thường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương ban hành hoặc theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Ông thấy, những căn cứ để việc xác định giá trị quyền sử dụng đất này hiện có những điểm nào chưa hợp lý?
Thực tế thì khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thường thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất chuyển nhượng trên thị trường. Bởi vậy, áp theo giá khung của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì người bị thu hồi đất có thể được bồi thường thấp hơn giá mà họ chuyển nhượng trên thị trường.

Điều đó cũng dẫn đến hệ quả là người dân bị thu hồi đất không đủ tiền nhận chuyển nhượng một thửa đất mới với cùng diện tích tại địa phương để sinh sống.

Bởi vậy, tôi nghĩ, đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, để hạn chế thiệt hại và tình trạng không hợp tác của người bị thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền cần triệt để áp dụng phương pháp xác định giá đất có lợi nhất cho người dân!

Nếu giá thị trường cao hơn giá khung do UBND cấp tỉnh ban hành, thì cần xác định theo giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Mặc dù, điều này rất khó áp dụng trên thực tế, bởi lẽ còn phù thuộc vào ngân sách cấp cho dự án, hoặc đôi khi chính là vì có dự án mà giá đất tại địa phương lại bị đẩy lên cao hơn mức thông thường trên thị trường.

Hơn nữa, người dân cũng hay có suy nghĩ rằng nếu nhận tiền bồi thường sau thì sẽ được hưởng giá đất bồi thường cao hơn so với hộ gia đình được nhận tiền bồi thường trước. Cho dù trên thực tế có nhiều trường hợp chậm nhận tiền bồi thường đã không làm gia tăng thêm lợi ích cho người bị thu hồi đất, mà còn khiến người sử dụng đất không được nhận hỗ trợ thưởng bàn giao mặt bằng nhanh, hoặc mất các cơ hội sử dụng tiền bồi thường vào cơ hội kinh doanh khác.

Việc không giải phóng được mặt bằng tại nhiều dự án hiện nay còn tồn tại ở các dự án mà chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Từ góc nhìn của ông, việc tự thỏa thuận với người sử dụng đất có những ưu và nhược điểm gì?


Việc này có ưu điểm lớn là không phải trải qua nhiều thủ tục tại nhiều cấp có thẩm quyền, việc chuyển nhượng cũng đơn giản. Trong nhiều trường hợp, thời gian giải phóng mặt bằng còn nhanh hơn phương thức nhà nước thu hồi đất rất nhiều.

Nhưng do đặc thù của thỏa thuận là phải được sự chấp thuận của người sử dụng đất, nên phương án này cũng có hạn chế rất lớn trong trường hợp người sử dụng đất không đồng ý chuyển nhượng, hoặc đưa ra một mức giá quá cao mà chủ đầu tư không thể chi trả được.

Nên theo quan điểm của tôi, pháp luật cần quy định rõ hơn phương thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời các nhà làm luật cũng cần sớm có quy định tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư có dự án phải thỏa thuận đã kéo dài nhiều năm không có kết quả, dĩ nhiên trên cơ sở cân đối quyền lợi của chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Đã có nhiều trường hợp dự án buộc phải kéo dài tới… hàng chục năm, vì chủ đầu tư không thể thỏa thuận với chỉ một hoặc hai hộ dân, trong khi chính quyền cũng khó có cơ sở để thu hồi.

Nên tôi nghĩ, cần có một cơ chế thích hợp để nhà nước thu hồi đất khi chủ đầu tư dự án đã tự thỏa thuận được với đại đa số người dân, theo một tỷ lệ phần trăm được xác định. Điều đó sẽ giúp tạo điều kiện thúc đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án, khuyến khích các chủ đầu tư, đồng thời hạn chế tình trạng dự án bị kéo dài từ năm này qua năm khác.

Đối với phương thức thỏa thuận, sự chênh lệch trong giá trị lợi ích mà người sử dụng đất nhận được thường cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều phương thức Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến sự so sánh giữa giá đất thỏa thuận và giá đất nhà nước bồi thường, giữa dự án này với dự án khác, và đây cũng chính là một trong các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án. Ông nghĩ sao về điều này?

Như tôi đã nói ở trên, nếu tất cả các dự án đều áp dụng phương thức Nhà nước thu hồi đất thì sẽ rất thiệt thòi cho người sử dụng đất, bởi khung giá Nhà nước bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường. Hệ quả là tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sẽ tăng cao, gây bất bình rất lớn trong dân.

Trong khi đó, vẫn có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đền bù ở mức cao hơn để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Do đó, tôi nghĩ cần áp dụng cả hai phương thức nói trên một cách hết sức linh hoạt để đảm bảo có lợi cả cho chủ đầu tư và cho người sử dụng đất.

Làm sao thoát “ám ảnh” giải phóng mặt bằng? 2Đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước cũng nên cho phép cơ chế để chủ đầu tư tự thỏa thuận giá đền bù với người dân trước khi ra quyết định thu hồi. Ông Trịnh Văn Quyết

Đối với trường hợp chủ đầu tư tự thỏa thuận thì như phương thức tôi đã đề cập ở câu trả lời trước: nếu chủ đầu tư đã thỏa thuận đạt được một tỷ lệ phần trăm nhất định và không thỏa thuận được đối với phần diện tích còn lại, thì Nhà nước nên ra quyết định thu hồi để tránh tình trạng dự án bị kéo dài quá lâu.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần quy định thêm về thời gian thỏa thuận, vì theo tôi biết bây giờ ở nhiều dự án, không phải người dân không chịu chuyển nhượng đất mà là chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính để đền bù cho dân, mặc dù giá chuyển nhượng đã ở mức hợp lý.

Đối với những trường hợp này, nếu chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính thì Nhà nước nên ra quyết định thu hồi dự án và giấy chứng nhận đầu tư để chuyển dự án cho nhà đầu tư khác, tránh tình trạng dự án bỏ hoang không triển khai được.

Ngược lại, đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước cũng nên cho phép cơ chế để chủ đầu tư tự thỏa thuận giá đền bù với người dân trước khi ra quyết định thu hồi. Điều này sẽ giúp người dân được đền bù tương xứng, giảm đáng kể những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng do mức giá đền bù theo khung giá Nhà nước ban hành đang ở mức bất hợp lý.

Nói tóm lại, theo ông, Nhà nước cần đưa ra những giải pháp nào để giải quyết được tình trạng giải phóng mặt bằng đang kéo dài như hiện nay?


Tôi cho rằng trước hết phải giải quyết hai vấn đề mà tôi cho là gốc. Một là giải tỏa bức xúc của người dân về những sự không rõ ràng về trường hợp thu hồi đất. Cái này phải làm ngay, sửa ngay.

Hai là giá bồi thường. Cần quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền xác định giá bồi thường đất sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất, không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ;

Tiếp theo, Nhà nước phải đơn giản hóa trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; rút ngắn thời gian hơn giữa một số thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cuối cùng là phải giải quyết được sự bế tắc trong cơ chế thỏa thuận bồi thường. Đối với các dự án phải thỏa thuận mà chủ đầu tư đã thỏa thuận được một tỷ lệ phần trăm nhất định nhưng vẫn còn một phần đất không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất kéo dài trong nhiều năm, thì Nhà nước nên có quy định thu hồi để khắc phục tình trạng giải phóng mặt bằng gần chục năm mà vẫn không có đất để xây dựng được dự án. Đồng thời cần đưa ra thời hạn thỏa thuận tối đa là bao nhiêu năm để hạn chế tình trạng chủ đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn được cấp dự án.
 


Copy từ: VnEconomy

Ký kết Việt – Trung ‘không hại chủ quyền’


Chuyến thăm Chủ tịch Sang nhằm thắt chặt quan hệ Trung - Việt
Chủ tịch nước Việt Nam nói với một nhóm cử tri rằng thỏa thuận hợp tác trên biển vừa ký với Trung Quốc “không phương hại đến chủ quyền”.
Ông Trương Tấn Sang tổ chức cuộc gặp với cử tri quận 1, TP. HCM sáng ngày 24/6 ngay sau khi trở về từ Bắc Kinh.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông từ 19 đến 21/6 đem lại 10 văn kiện hợp tác, gồm có việc thăm dò dầu khí chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Ông Sang nói: “Những gì có thể hợp tác được trên biển nhưng không phương hại đến nước khác, không phương hại đến chủ quyền thì có thể hợp tác.”
“Những thỏa thuận này không phương hại đến bất kỳ lợi ích của các quốc gia nào khác,” ông Sang nhấn mạnh.

Ba chủ đề lớn

Trả lời cử tri, ông nói chuyến thăm tập trung ba chủ đề lớn: quan hệ song phương, hợp tác thương mại và vấn đề Biển Đông.
Về tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa, Chủ tịch nước Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã nhắc lại với phía Trung Quốc lập trường của Việt Nam, và phía Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường của họ.”
Ông Sang cũng bày tỏ hy vọng việc thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ nông nghiệp sẽ có thể giúp ngư dân Việt Nam.
Thuyền cá của ngư dân Việt gần vùng Hoàng Sa thường bị Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc
Đây là lần hiếm hoi một lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam công khai giải thích các vấn đề biển đảo ngay sau chuyến thăm Trung Quốc.
Nhóm cố vấn cho chủ tịch nước dường như muốn chặn trước mọi cáo buộc rằng ông Sang hay Đảng Cộng sản đã có nhượng bộ nào.
Trước chuyến thăm, truyền thông nhà nước nói ông Sang sẽ “tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông” với lãnh đạo Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên của ông Trương Tấn Sang trên cương vị chủ tịch nước và cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam từ khi ông Tập Cận Bình lên chính thức làm Chủ tịch nước.
Trong một động thái đáng chú ý, quan chức cao cấp của cả hai bên đều đồng loạt trả lời phỏng vấn về chuyến đi này trên các kênh chính thống, cho thấy nguyện vọng chứng minh ngược lại một số cáo buộc rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang "có vấn đề" vì mâu thuẫn biển đảo.


Copy từ: BBC

Điều 258 và sự lạm dụng quyền lực


Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-06-24
 
 
Hồi tháng Hai vừa rồi, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch công bố Bản Phúc trình Toàn cầu năm 2013 lưu ý “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam lại thụt lùi thêm một bước nữa…” khi nhà cầm quyền “theo đuổi chính sách cứng rắn để đối phó với những biểu hiện bất mãn về chính trị, xã hội và kinh tế trong nước đang ngày một gia tăng”.
Human Rights Watch cũng không quên báo động rằng “Các bloggers và nhiều người khác tham gia đóng góp tiếng nói phê phán quan chức và chính sách nhà nước, để rồi nhiều người bị bắt và xử tù”, và số nhà hoạt động “bị kết án và xử nhiều năm tù theo các điều 79 (lật đổ), 87 (phá hoại đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 89 (phá rối an ninh) và 258 (xâm phạm lợi ích nhà nước) của bộ luật hình sự” đang gia tăng đáng kể.

Điều 258

Nhắc đến điều 258, thì mới đây, trong vòng chưa đầy một tháng, có 3 bloggers tâm huyết với đất nước là nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào và chuyên viên máy tính Đinh Nhật Uy bị bắt nhân danh điều 258.
Qua bài “Điều 258, chúng ta và truyện ngụ ngôn bó đũa”, blogger Admin J báo động rằng:
“Điều 258 - cái cớ đủ "linh hoạt" để bỏ tù cả 90 triệu người Việt Nam - lẽ ra phải được xem như một sự xúc phạm ghê gớm đến tư cách con người và thể diện dân tộc. Nó còn phải được nhìn nhận như một họng súng chĩa vào toàn thể phong trào yêu nước, đe dọa toàn thể những con người khao khát tiến bộ và tự do.
Với tất cả những lí do ấy, chúng ta cần bênh vực một cách mạnh mẽ những nạn nhân chính thức và dự khuyết của điều 258, và đồng thanh lên án mưu đồ hiểm ác đằng sau luật này.”
Khi đề cập đến điều 258 quy định về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, Ký giả Trương Minh Đức nêu lên câu hỏi rằng những bloggers bị buộc tội “đã xâm phạm lợi ích của nhà nước nào? của công dân nào?... Hay đảng CSVN đang bảo vệ cho lợi ích của công dân Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc?”.
Và ký giả Trương Minh Đức cảnh báo:
“Điều 258 Bộ Luật Hình Sự hiện nay được làm “cái đuôi” cho điều 88 Bộ Luật Hình Sự, bởi nó vô hình chung cho đảng CSVN chụp bất cứ ai cái tội nói xấu và chống lại một chế độ độc tài đảng trị như Việt Nam hiện nay.”

Đâu là Quyền công dân?

Khi “Bàn về điều 258 của Bộ luật hình sự hiện hành”, LS Hà Huy Sơn nhận xét rằng điều 258 này quy định “không rõ ràng”, “dễ bị áp dụng sai do vô ý hay lạm dụng do cố ý” khi nội dung của nó “không thể hiểu bằng một cách duy nhất” và hiểu điều luật này “chủ yếu là do cảm tính”; Chính vì nội dung không rõ ràng như vậy nên các cơ quan điều tra “có tài thánh cũng không định lượng được thiệt hại do tội phạm gây ra và rồi đến Viện Kiểm sát và Tòa án cũng phải lờ đi vi phạm nghiêm trọng đó của cơ quan điều tra”.
LS Hà Huy Sơn nhân tiện lưu ý đến nhiều quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp 1992 nhưng cho đến nay  - đã hơn 2 thập niên - vẫn chưa được luật hoá, chưa rõ bị cấm như thế nào, thì “làm sao nói là lợi dụng (các quyền tự do dân chủ)?”. Nguyên tắc chung của pháp luật là “Công dân được làm những gì nhà nước không cấm, nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Như vậy, LS Hà Huy Sơn hỏi tiếp, “Thực trạng này thì ai là người đang vi phạm pháp chế của một nhà nước pháp quyền?”.
LS Hà Huy Sơn cũng nhận thấy một điểm “mâu thuẫn” và “lập lờ”của điều 258 vốn quy định “ Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Theo LS Hà Huy Sơn thì “ Đã là quyền của công dân thì đương nhiên công dân được phép được sử dụng trong mọi giới hạn không gian, thời gian của pháp luật, và nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền ấy. Là quyền thì không thể là tội, là tội thì không thể là quyền. Không thể vừa là quyền lại vừa là tội”.

Ai lợi dụng?

Blogger Nguyễn Hưng Quốc sau khi đọc xong điều 258 Luật hình sự VN đã “thú thực” rằng ông “không hình dung được cụ thể cái gọi là tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ ấy là như thế nào cả!”
GS Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng ở Tây phương, người ta nói nhiều đến “tội lợi dụng quyền lực” chứ không ai nói đến “tội lợi dụng tự do dân chủ”. GS Nguyễn Hưng Quốc trích dẫn lời học giả Noam Chomsky nhấn mạnh rằng:
“Điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng, mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền”.
Do đó, theo nhận xét của GS Nguyễn Hưng Quốc, cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của giới cầm quyền VN “vừa nghịch lý vừa vô lý”. Nó nghịch lý vì:
Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, ai cũng biết dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng.
Thứ hai, cái gọi là lợi dụng quyền tự do không hề hiện hữu.
Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.
GS Nguyễn Hưng Quốc nhấn mạnh rằng việc giới cầm quyền lên án người dân - ở đây là những người yêu nước - có hành vi “ lợi dụng quyền tự do dân chủ” là điều vô lý vì trong bối cảnh xã hội VN ngày nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực”. GS Nguyễn Hưng Quốc phân tích:
“Việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân chúng vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ.
Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức: lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực.
Trấn áp các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực.
Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi dụng quyền lực.”
Do đó, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, hành động của giới cầm quyền đàn áp, bắt bớ, tù đày người dân yêu nước hiện nay bằng điều 258 với bình phong “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là chính nhà cầm quyền đã “lợi dụng quyền lực một cách thô bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm ‘lợi dụng’ ”.

Một cái nhìn sai lệch

Qua bài “Điều 258: Quá tội nghiệp cho tự do dân chủ”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh báo động rằng “Sự tồn tại của điều 258 làm mọi người có cái nhìn sai lệch về tự do dân chủ”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh khẳng định là ở tất cả những đất nước tự do dân chủ thực sự, không hề có điều 258 trong bộ luật hình sự của họ:
“Chưa hề thấy dân chúng trong các nhà nước tự do dân chủ trên thế giới lợi dụng các quyền tự do dân chủ để làm hại đất nước hay lợi ích hợp pháp của cá nhân nào.
Có chăng là họ lợi dụng tự do dân chủ để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp cho họ hoặc họ lợi dụng tự do dân chủ để truất phế ngay tức khắc một chế độ thối nát, một cá nhân lãnh đạo chưa tốt để đưa lên một cá nhân lãnh đạo khác tốt hơn, một chế độ mới hoàn thiện hơn nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước họ. Họ làm việc đó thông qua biểu tình gây sức ép hoặc đơn giản thông qua bầu cử tự do”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh mô tả:
“Kéo dài trong bóng đêm của chế độ độc tài phong kiến rồi chế độ thực dân áp bức cho đến gần cuối thế kỉ 20, đất nước ta mới được hoàn toàn thống nhất và xây dựng nên chế độ mới trên toàn quốc: Chế độ cộng sản.
Chế độ cộng sản nhưng mà dân chủ, không những thế mà còn “tự do dân chủ gấp vạn lần” các chế độ đang hiện hành trên thế giới, như tuyên bố cửa miệng của nhiều lãnh tụ cộng sản.
Và không chỉ khẳng định bằng miệng, tự do dân chủ còn được xác định rõ qua hiến pháp và thể hiện ra các quyền làm người phổ quát được công nhận như: Tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập hội...
Sống quá lâu từ đời nầy qua đời khác dưới các chế độ độc tài áp bức không có chút tự do, nay được hít thở không khí dân chủ tự do tươi đẹp, người dân sung sướng lắm. Nhẽ ra người dân được thụ hưởng tự do dân chủ, được lợi dụng tự do dân chủ để sống cho ra sống…”
Nhưng, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhấn mạnh, “đó chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế thì khác xa”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng không quên tô đậm “bức tranh tương phản” rằng trong khi các bloggers, vì quê hương, dân tộc, đã nói lên tâm tư, suy nghĩ cùng nhận thức của mình để rồi bị những “cái còng 88” bồi thêm điều 258 “khá mông lung” quy chụp tội gọi là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, thì “Điều 258 dường như chỉ đi theo một chiều là nhắm vào những cá nhân xâm phạm đến lợi ích của các đối tượng là Nhà nước, tổ chức đảng và các cán bộ cao cấp.
Đến nay, chưa thấy có chiều ngược lại là: Cơ quan Nhà nước, các tổ chức đảng, cán bộ cao cấp bị đưa ra tòa vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích cá nhân” của người dân, nhất là người dân yêu nước.
Như vậy, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh than rằng, việc giới cầm quyền khởi tố các bloggers theo điều 258 “ vừa mơ hồ lại vừa tội nghiệp cho tự do dân chủ quá !”.


Copy từ: RFA

Thất vọng sau kỳ họp quốc hội

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-06-24
Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội.
Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội.
AFP
Nghe bài này
Kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIII vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Đây là kỳ họp quốc hội với nhiều chương trình lớn được người dân kỳ vọng như sửa đổi hiến pháp, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, và luật đất đai vốn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Báo chí trong nước đưa tin, sau 27 ngày làm việc, kỳ họp quốc hội đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp.
Những nhân sĩ trí thức Việt Nam, những người quan tâm đến tình hình đất nước và kỳ họp quốc hội lần này có suy nghĩ gì về kỳ họp lần này? Việt Hà phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Mình, một trong 72 người tham gia vào đề xuất sửa đổi hiến pháp có tên kiến nghị 72.
Trước hết nhận xét chung về kết quả kỳ họp lần này, luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:
Không thay đổi điều 4 thì họp cũng vậy thôi
Lê Hiếu Đằng: về kỳ họp quốc hội vừa rồi có 3 điểm mà khi kết luận Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có nói thì tôi nghĩ là, theo tôi cái quan trọng nhất của kỳ họp quốc hội vừa rồi là phải thông qua bản hiến pháp mới với tinh thần mới mà kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã đề nghị, vì đây là thời cơ rất lớn để Việt Nam có thể chuyển sang một giai đoạn mới cùng với thế giới, hòa nhập vào dòng chuyển lưu là dân chủ và tiến bộ, bảo vệ môi trường, nhân quyền và dân quyền. Nhưng rất tiếc cái dự thảo cuối cùng đưa ra trước kỳ họp hoàn toàn không phù hợp và có thể nói là đi ngược lại ý chí của quần chúng. Nó còn tệ hơn cái đề nghị của chính phủ và mặt trận đưa qua. Tôi cho đó là một thất bại rất lớn, cái mà nhân dân đang mong đợi thì không đạt được.
Còn điều thứ hai là vấn đề ruộng đất, dự thảo sửa đổi luật phải ngưng lại không thông qua, thì điều đó cũng nói lên một bước lùi của những người vẫn chủ trương đất đai thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dần. Mà thực tế trong dự thảo sửa đổi hiến pháp vẫn giữ điều này. Tôi cho là cái bước lùi đó chỉ là tạm thời thôi, trước công luận và áp lực của quần chúng. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Trong tương lai nếu không có sự đấu tranh của nhân dân và các nhân sĩ trí thức và các tổ chức dân sự xã hội thì họ vẫn giữ điều này, tức là sở hữu đất đai toàn dân do nhà nước quản lý.
Rất tiếc cái dự thảo cuối cùng đưa ra trước kỳ họp hoàn toàn không phù hợp và có thể nói là đi ngược lại ý chí của quần chúng. Nó còn tệ hơn cái đề nghị của chính phủ và mặt trận đưa qua. Tôi cho đó là một thất bại rất lớn, cái mà nhân dân đang mong đợi thì không đạt được.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Còn vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm thì thôi cho chỉ là hình thức thôi vì có một đại biểu quốc hội là Võ Thị Dung là một đại biểu, phó chủ tịch mặt trận thành phố có đề nghị lẽ ra có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Tôi thấy vô lý đưa ra ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Có nghĩa là buộc người ta phải tín nhiệm đã, còn tín nhiệm như thế nào là tùy từng người. Như vậy không hợp lý, lẽ ra phải là tín nhiệm không tín nhiệm, nếu có người muốn bỏ không tín nhiệm thì không có chỗ để bỏ. Tôi cho đó là vừa làm vừa run, vừa sợ. Tôi thấy cái bỏ phiếu vừa rồi cũng không phản ánh trào lưu thực dân chủ trên thế giới. Đó chỉ là một biện pháp đối phó trước công luận đòi hỏi phải mở rộng dân chủ trong ngày nay.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng. Source baohiem360
Việt Hà: theo ông chương trình nghị sự của quốc hội lần này có quá lớn cho quốc hội Việt Nam để có thể giải quyết hay không. Có lẽ có thể vì thế mà họ đi đến kết quả như vậy?
Lê Hiếu Đằng: tôi nghĩ là quốc hội Việt Nam có một nhược điểm là không phải toàn đại biểu chuyên nghiệp, tức là nhiều quốc hội họp cả khóa mùa thu 3, 4 tháng để bàn một việc trọng đại như vậy nhưng đây quốc hội đại bộ phận là kiêm nghiệm nhiều. Do đó đâu có thời gian họp hết một khóa như vậy. Cho nên đúng là thời gian 1 tháng không thể nào giải quyết rốt ráo các vấn đề quan trọng đã đặt ra. Vì vậy tôi nghĩ đó là hạn chế của tính chất đại biểu quốc hội ở Việt Nam là không phải nhiều người chuyên trách, không phải là những nhà hoạt động chính trị thực sự và trong đó đại bộ phận là đảng viên, đại bộ phận là các đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể chiếm một tỷ lệ rất ít trong thành phần này. Vì vậy nó phản ánh một nhược điểm rất lớn hiện nay với quốc hội Việt Nam.
Việt Hà: trước khi quốc hội kỳ này diễn ra thì có nhiều trông đợi bởi vì có những vấn đề được đặt ra như hiến pháp, bỏ phiếu tín nhiệm hay luật đất đai, đều là những vấn đề nóng cả những kết luận chỉ có như vậy thì theo ông ngoài vấn đề như ông nói là đại biểu thiếu kinh nghiệm, thời gian họp ít, còn lý do nào khác vì cũng có quan ngại là do đảng có yêu cầu thế nào đó mà quốc hội như vậy?
Trong tình hình nếu chưa có sự thay đổi một cách căn bản điều 4 thì họp quốc hội cũng như vậy thôi. Có nhích lên đôi chút nhưng vẫn là như vậy. Cái căn bản vẫn là thay đổi điều 4
luật gia Lê Hiếu Đằng
Lê Hiếu Đằng: thì cũng có khuynh hướng sợ nếu mở rộng dân chủ, kéo dài thời gian, gồm nhiều đại biểu không chuyên trách thì sẽ đi ngược lại ý kiến của đảng. Do đó hạn chế bằng cách là thời gian ngắn như vậy thôi, tính chất đại biểu như vậy. Ví dụ bản dự thảo hiến pháp cuối cùng đưa ra quốc hồi thì rõ ràng là bên chính phủ và mặt trận đưa ra còn khá hơn, nhưng khi đảng thông qua, đảng duyệt rồi để đưa ra thì nó còn tệ hơn, bảo thủ hơn bản cũ. Điều này phản ánh là nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không thực sự đổi mới thì Đảng sẽ trở thành sự ngăn trở, trở ngại cho phát triển của đất nước, trong đó có phong trào dân chủ hiện nay.
Việt Hà: so với các kỳ họp quốc hội trước thì theo ông kỳ họp quốc hội lần này có gì tiến bộ hoặc khác hơn các kỳ trước không?
Lê Hiếu Đằng: tôi thấy là chúng ta cũng phải ghi nhận là họ không thông qua luật đất đai rồi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Dù sao đối với những người bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì phải suy nghĩ nhưng mà tôi rất thất vọng là trong khi quốc hội họp thì hàng loạt mấy blogger bị bắt, đàn áp. Cuộc biểu tình chống Trung quốc ở Hà Nội bị đàn áp. Nó phản ánh cái gì. Nó rõ ràng là khuynh hướng bạo lực, trấn áp đối với những người đấu tranh cho dân chủ, hạn chế dân chủ trong quốc hội và trong các sinh hoạt chính trị ở Việt Nam hiện nay là một khuynh hướng đang bao trùm, đang chi phối.
Việt Hà: ông có hy vọng gì cho những kỳ họp quốc hội sắp tới?
Lê Hiếu Đẳng: vấn đề là cái căn gốc vẫn là đảng lãnh đạo. Bởi điều 4 còn duy trì thì rõ ràng là đảng là bao trùm trên  hết. Đảng đứng trên và đứng ngoài luật pháp, không có quy định nào của đảng, chế tài mà đảng làm không đúng, đảng đưa ra kiến nghị không đúng, thì chưa có. Vừa rồi cũng có đòi hỏi về mục về sự lãnh đạo của đảng. Trong tình hình nếu chưa có sự thay đổi một cách căn bản điều 4 thì họp quốc hội cũng như vậy thôi. Có nhích lên đôi chút nhưng vẫn là như vậy. Cái căn bản vẫn là thay đổi điều 4.
Việt Hà: xin cảm ơn ông.


Copy từ: RFA

Rộ tin Nga bắt giữ Snowden

(NLĐO) - Cựu nhân viên CIA Edward Snowden không có mặt trên chuyến bay của hãng Aeroflot từ thủ đô Moscow – Nga đến thủ đô Havana – Cuba cất cánh vào chiều 24-6.

Diễn biến này làm dấy lên câu hỏi kế hoạch tiếp theo của Snowden là gì.
 
Theo trang web chuyên theo dõi các chuyến bay, Snowden không có mặt trên chuyến bay cất cánh từ sân bay Sheremetyevo. Trước đó, một nguồn tin tiết lộ Snowden đã được đăng ký đi trên chuyến bay từ Moscow đến Havana, số ghế 17-A và 17-C, song phóng viên các hãng tin lớn khẳng định ghế này bỏ trống.
 
Hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin cho biết có khả năng cựu nhân viên CIA Snowden đã rời khỏi nước Nga bằng một máy bay khác.
 

Máy bay chở khách của hãng Aeroflot bay đến Cuba chuẩn bị cất cánh
tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow – Nga ngày 24-6. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó lại có nhiều giả thuyết cho rằng chính phủ Nga đã bắt giữ Snowden, thẩm vấn để phục vụ cho mục đích nào đó, thậm chí xem xét các điều kiện do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra khi ngăn chặn cuộc tẩu thoát và trao anh ta cho Mỹ.
 
Những đồn đoán này không phải vô căn cứ khi trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo các nhà chức trách Trung Quốc và Nga về “hậu quả” có thể liên quan đến Edward Snowden.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Delhi (Ấn Độ), ông Kerry đã gọi Snowden, người vừa rời Hồng Kông và được cho rằng qua Moscow để tới Cuba, là kẻ “phản bội đất nước”. Ngoại trưởng Kerry cho biết Washington hy vọng Nga và Trung Quốc đã không được thông báo trước về kế hoạch của Snowden.
 
Ông Kerry tỏ ra “cực kỳ lo ngại” nếu Nga và Trung Quốc biết trước kế hoạch của Snowden bay từ Hồng Kông đến Moscow.

Bắc Kinh tôn trọng cách xử lý của chính quyền Hồng Kông đối với trường hợp của Snowden. Ảnh: REUTERS

Ngày 24-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng cách xử lý của chính quyền Hồng Kông đối với trường hợp của Snowden. Ngoài ra, bà Hoa cũng khẳng định Trung Quốc rất quan tâm đến những cáo buộc của Snowden về các cuộc tấn công tin tặc của Mỹ vào Trung Quốc.

Không ai nhìn thấy Snowden hoặc chụp được ảnh anh ta kể từ khi có thông tin cựu nhân viên CIA này đến Moscow vào chiều 23-6 từ Hồng Kông. Khi được hỏi tại sân bay, hành khách trên chuyến bay đó không thể xác nhận sự có mặt Snowden trên máy bay.
H.Bình (Theo The New York Times, Reuters, Voice of Russia)


Copy từ: Người Lao Động

Snowden đang 'chạy trốn' ở đâu?


Đường bay theo dự kiến trước của Snowden

Đây có thể là đường bay nếu ông Snowden muốn tránh sự truy nã của Mỹ
Mặc dù Ecuador xác nhận Edward Snowden xin tỵ nạn với chính quyền nước này và báo chí quốc tế tin rằng ông có kế hoạch bay từ Nga sang Cuba rồi tới Venezuela để rồi đến Ecuador, cựu nhân viên CIA 29 tuổi đã không lên chuyến bay ông có vé rời Moscow.
Theo New York Times 24/6/2013, chuyến bay Aeroflot 150, rời Moscow đi Havana, Cuba lại không có ông ở ghế ngồi số 17A.
Tại sân bay Sheremetyevo Airport, quan chức Nga xác nhận rằng vé đi Cuba đã được bán cho ông Snowden nhưng, theo lời ông Nikolay Sokolov, làm việc cho Aeroflot, ông Snowden đã không lên chuyến bay đó.
Điều này gợi ra các lời đồn đoán rằng có sự lo ngại rằng một chuyến bay như vậy, theo đường bay thường lệ từ Nga sang Cuba sẽ phải qua không phận Hoa Kỳ.
Chính quyền Mỹ đã coi ông Snowden là kẻ ‘phạm tội’ và yêu cầu các nước trao nộp.
Sau khi cựu nhân viên CIA tiết lộ nhiều tin tối mật chạy từ Hawaii sang Hong Kong để công bố nhiều tài liệu, chính quyền Hong Kong đã nói yêu cầu từ Mỹ “không đầy đủ” và ông Snowden có quyền rời vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc này.
Ở thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino nói đơn xin tỵ nạn của ông Snowden đang được "nghiên cứu".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang ở thăm Ấn Độ, ông John Kerry nói sẽ là điều “đáng thất vọng” nếu cả Nga và Trung Quốc đã giúp “kẻ bị truy nã người Mỹ” trốn tránh nỗ lực bắt ông ta về Mỹ.

Có sự phối hợp?

Các bình luận quốc tế tin rằng có thể đã có “sự phối hợp” giữa Nga, Trung Quốc và Hong Kong trong vụ để ông Snowden rời vùng lãnh thổ châu Á tuy theo luật Anh Quốc nhưng về ngoại giao và quân sự lại dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Patino của Ecuador cũng gợi ý ông Snowden “sẽ còn ở Nga” dù Ecuador nghiên cứu kỹ đơn xin tỵ nạn của ông.

Sự xuất hiện của Edward Snowden từng làm nóng dư luận Hong Kong
Hiện chưa rõ phản ứng tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ là gì.
Chính quyền Mỹ đã coi ông là "có hoặt động do thám, gián điệp".
Điều này có thể được suy diễn thành ý rằng Washington coi ông đã hoặc vẫn cộng tác với tình báo nước khác nhưng không nêu là nước nào.
Các nghị sỹ Mỹ cũng đặt câu hỏi vì sao ông Snowden chọn Hong Kong, vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc để công bố các tài liệu tối mật.
Về phần mình, ông Snowden luôn nói ông chỉ muốn nêu ra các hành vi của giới chức tình báo Mỹ để nêu bật giá trị của tự do ngôn luận.
Cho tới nay, Nga cho rằng họ không hề nhận được giấy truy nã từ Interpol về vụ Snowden.
Tin mới nhất từ London chiều 24/6 cho hay ông Julian Assange, người đồng sáng lập ra trang WikiLeaks, hiện đang cư trụ trong Sứ quán Ecuador ở Anh và không đi đâu được, nói ông biết ông Snowden “đang ở một nơi an toàn”.
Không tiết lộ người Mỹ bị truy nã hiện đang ở đâu, ông Assange chỉ nói Snowden “có sức khoẻ tốt”.
Ông Assane cũng nói theo ông biết thì ông Snowden không chỉ xin tỵ nạn với Ecuador mà còn có thể xin ở một số nước khác.
Trang WikiLeaks thì cho rằng chính quyền Ecuador đã “cung cấp cho Snowden giấy thông hành cho người tỵ nạn”.


Copy từ: BBC

Giá vàng giảm, tăng khó lường


Thảo Nguyên
Người dân mua vàng nhiều tại Hội sở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại TPHCM trong 2 ngày qua. Ảnh: Thảo Nguyên
(TBKTSG Online) - Thị trường vàng thực sự sôi động trong ngày 21-6, sau khi giá vàng thế giới tiếp tục rớt mạnh vào đêm qua và giá trong nước rơi khỏi mốc 39 triệu đồng/lượng vào hôm nay.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng mua vào mở cửa sáng nay chỉ còn 38,1 triệu đồng/lượng, bán ra là 38,5 triệu đồng/lượng, giảm 850.000 đồng/lượng. Tuy vậy, giá vàng đã tăng trở lại vào chiều nay, khi giá vàng thế giới đảo chiều trong phiên giao dịch tại thị trường châu Á và châu Âu. Đến 14 giờ 20 chiều 21-6 giá vàng đã về sát mức đóng cửa phiên chiều hôm qua, tức giá bán ra khoảng 39,2 triệu đồng/lượng.
Giao dịch vàng tiếp tục sôi động vào hôm nay. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC, trong buổi sáng, công ty tiếp tục bán ra trên 2.000 lượng vàng. Và trong 3 ngày qua lượng vàng bán ra đã trên 10.000 lượng, mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Ông Tường cũng cho biết đã có người mua vài chục đến vài trăm lượng trong sáng nay.
Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhiều người vẫn mạnh tay mua vàng trong ngày 21-6. Đến 14 giờ, lượng vàng PNJ bán ra cũng khoảng 800 lượng, tương đương với hôm qua. Trong khi đó, người dân không có dấu hiệu bán vàng ra. Lượng vàng công ty cung ra thị trường vẫn chủ yếu là vàng mua được thông qua đấu thầu từ Ngân hàng Nhà nước.
Công ty PNJ đã tham gia đấu thầu trở lại từ hôm qua, sau khi thấy thị trường sôi động hơn. Trong các lần đấu thầu trước, ông Trọng cho biết thị trường không có sóng, trong khi ngân hàng mua giá cao để tất toán, nếu doanh nghiệp mua vào lúc đó sẽ không bán ra được, dể thua lỗ. Còn nay mua vàng đấu thầu xong có thể bán ra ngay, ít rủi ro.
Trong 3 tháng qua, NHNN đã tổ chức 34 phiên đấu thầu, bán ra trên 32 tấn vàng. Theo một lãnh đạo NHNN, lượng vàng bán ra có hơn một nửa là cho các ngân hàng tất toán trnạg thái, và số còn lại là đi ra thị trường. Đến thời điểm này, các ngân hàng còn cần trên 4 tấn vàng để tất toán trạng thái.
Giá vàng thế giới đã chạm mốc thấp nhất trong 2,5 năm trở lại đây, về 1.277 đô la Mỹ/ounce vào đêm qua. Tuy vậy, giá đã tăng lại vào sáng nay. Đến 14 giờ, giá vàng thế giới tăng 20 đô la lên 1.297,3 đô la Mỹ/ounce. Nếu quy đổi, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới 6,3 triệu đồng/lượng, cao hơn khá nhiều so với khoảng cách 5 triệu đồng/lượng của tuần trước.


Copy từ: TBKTSG

Giá vàng xuống trở lại do giá vàng thế giới giảm

Giá vàng xuống trở lại

Thảo Nguyên
Vàng miếng đã bớt người mua. Ảnh: Thảo Nguyên
(TBKTSG Online) - Sau khi lấy lại mốc 39 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua, giá vàng trong nước cuối ngày 24-6 đã giảm trở lại 450.000 đồng/lượng, khi giá thế giới cũng đã giảm mạnh.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng mua vào chỉ còn 38,55 triệu đồng/lượng, bán ra 38,85 triệu đồng/lượng. Ở các công ty kinh doanh vàng khác, giá cũng dao động quanh mức này.
Trong ngày hôm nay, lực mua vàng đã chững lại so với cuối tuần trước. Theo phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), lượng vàng bán ra cả ngày hôm nay khoảng 700 lượng, giảm hơn một nửa so với các ngày trước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh PNJ, với mức giá này rất nhiều người đã mua từ các ngày cuối tuần, hiện tại chưa xuất hiện lực mua mới. Trong khi đó, lực bán ra cũng không có nhiều.
Vàng miếng đấu thầu sẽ tiếp tục được cung ra thị trường vào ngày mai, với khối lượng vẫn gần 1 tấn. Giá tham chiếu đặt cọc là 38,65 triệu đồng/lượng, cao hơn giá các công ty mua vào khoảng 100.000 đồng/lượng. Như vậy, NHNN vẫn tiếp tục tăng cung vàng, dù đến hiện tại đã bán ra khoảng 32 tấn, cao hơn hẳn mức dự kiến ban đầu là  khoảng 30 tấn.
Hiện tại số vàng cần để tất toán trạng thái vào khoảng 4 tấn nữa, nhưng không có nghĩa là lượng bán ra của NHNN sẽ bằng số này, vì trong giai đoạn vừa qua, khi nguồn cung trên thị trường tăng lên, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã mua vàng đấu thầu để bán ra thị trường. Vì vậy, lượng vàng bán ra của cơ quan này có thể sẽ cao hơn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong 3 tháng đấu thầu bán vàng vừa qua, NHNN đã thu được khoản chênh lệch 3.000 tỉ đồng nộp ngân sách, sau khi mua trên thị trường quốc tế và bán ra tại thị trường trong nước.
Theo báo cáo về thị trường vàng 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm của NHNN, trong thời gian tới, khi nhu cầu mua vàng tất toán của ngân hàng giảm xuống, thị trường hoạt động ổn định, NHNN sẽ chỉ còn can thiệp khi cần thiết. Đồng thời cơ quan này cũng sẽ tranh thủ mua vàng tăng dự trữ ngoại hối. Theo NHNN, đây cũng là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong nền kinh tế. Đồng thời cơ quan này cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để huy động vàng, sao cho vẫn ổn định được giá trị tiền đồng và kinh tế vĩ mô.
Giá vàng thế giới đã giảm tiếp 14,3 đô la Mỹ/ounce xuống còn 1.284 đô la Mỹ/ounce vào 18 giờ ngày 24-6 (giờ Việt Nam). Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn giữ ở mức 6,3 triệu đồng/lượng như cuối tuần qua.


Copy từ: TBKTSG

Biển Đông : Bước lùi chiến thuật của Việt Nam trước áp lực Trung Quốc

  ANH BA SÀM bình luận:

” … Về phía Việt Nam, theo giáo sư Long, có hai điểm cần quan tâm thực hiện (nhưng đâu có thực hiện?) để bảo vệ Biển Đông : một là cải thiện hồ sơ nhân quyền trong nước để tranh thủ dư luận Mỹ vốn có trọng lượng nhất định trên các chính sách của Washington đối với Việt Nam, và hai là ủng hộ vụ Philippines kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc”.  Hay là không chịu cải thiện hồ sơ nhân quyền, mà thậm chí còn làm cho nó tệ hơn, cũng là “bước lùi chiến thuật”?!  Cho nên, cái khó nhất cho việc đánh giá một chính sách đối ngoại rất quan trọng này của nhà cầm quyền VN còn là ở chỗ nó luôn bị biến dạng qua đủ thứ mâu thuẫn, xung khắc, bí hiểm vì bị che đậy trong chính sách đối nội. 
Thật ngạc nhiên khi ông Ngô Vĩnh Long có vẻ tin chắc về thứ thông tin có thể nói là “tối mật” mà ông có được về “bước lùi chiến thuật” của VN. Ông cũng không chút nghi ngờ rằng mình đã được nhá ra những thông tin nào đó có lợi cho phía đưa tin, chưa nói rằng đó là một lối “đầu độc” thông tin nguy hiểm. Ngạc nhiên thêm là RFI cũng không chút nghi ngại về sự tự tin đó.
Ông Long còn suy luận đơn giản như thể cốt xoa dịu dư luận rằng nước nhỏ nói chuyện với nước lớn thì phải chịu thiệt, rằng VN “đơn độc” nên phải chịu … (ông quên Philippines?). Ông “quên” một điều hiển nhiên diễn ra hàng chục năm nay rằng đây là 2 kẻ “tàn quân” đào thoát từ cuộc sụp đổ của “Hệ thống XHCN”, đương nhiên phải dựa dẫm vào nhau mà  sống sót, nên mới có những thỏa thuận bí mật mà cả thế giới coi chừng bị “ăn quả lừa”, ví như vụ Thành Đô chẳng hạn. Kỳ lạ thêm là ông liên tục tìm cách chống chế “dùm” cho những người thương thuyết VN từ việc không nhắc tới COC, UNCLOS, cho tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển …
Ông Long còn “quên” rất nhiều thứ, ví như vụ  Trung Quốc in sách về Tam Sa, được loan tin ngay trong thời gian đón tiếp và đàm phán với phái đoàn ông CT nước VN, nhưng báo VN có đưa tin cũng không dám ngay từ cái tựa để “chỉ mặt” ai là kẻ in sách, làm bạn đọc dễ lầm tưởng sách do … bọn đầu nậu VN in lậu. Có báo (Petrotimes) còn âm thầm gỡ bỏ sau khi đăng tin này. (Mà sao VN lại “chọn” đúng thời điểm TQ kỷ niệm một năm ngày thành lập TP Tam Sa phi pháp để sang thăm, ông Long nhỉ? Hay cũng lại là “bước lùi chiến thuật”?) Chưa hết! Để chào mừng ông CTN VN với “4 tốt”, “16 chữ vàng” được lặp lại, Trung Quốc còn điều 2 tàu hải tuần ra Biển Đông,  tăng cường xây dựng các công trình trên phần đảo chiếm đóng trái phép nữa, lại còn đe dọa “Biển Đông hữu sự” sẽ phái J-20 ra Bãi Tư Chính, Trường Sa, … nhưng phía VN lại im thin thít như thể đang thực hiện … “bước lùi chiến thuật” theo kiểu ông Long. Nghe mấy chữ “bước lùi chiến lược” này của ông, tưởng như tên cáo già đang dụ khị đứa trẻ nít, chứ không phải là thực tế vẫn đang ngược lại. Hết biết!!!  - Để lấy lại “tinh thần” sau bài phỏng vấn ông Long, mời xem lại một bài rất khá: Gian nan chuyến đi Hoa Kỳ của tướng Đỗ Bá Tỵ (Cầu Nhật Tân).

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20/06/2013.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20/06/2013.
REUTERS/Mark Ralston
Trọng Nghĩa
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc (19-21/06/2013). Tranh chấp Việt – Trung tại Biển Đông dĩ nhiên đã đuợc nêu lên trong các cuộc thảo luận và ghi lại trong bản Tuyên bố chung tổng kết chuyến thăm. Điều gây lo ngại là trong văn kiện này hoàn toàn thiếu vắng hai yếu tố quan trọng tóm gọn trong hai từ tắt tiếng Anh COC và UNCLOS.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ cho rằng nội dung bản Tuyên bố chung Việt-Trung chỉ là một bước lùi chiến thuật của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc vốn không muốn đề cập đến các vấn đề đa phương trong một văn kiện đúc kết một chuyến thăm mang tính chất song phương. Đồng thời với bước lùi chiến thuật đó, Việt Nam lại mở hướng về phía Mỹ.
Theo các thông tin mà giáo sư Long nắm được, nhân chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam, trong thực tế, hai bên đã thảo luận rất nhiều về tranh chấp Biển Đông, nhưng trong tư cách nước chủ nhà, Bắc Kinh là phía chịu trách nhiệm soạn thảo bản Tuyên bố chung, và đã tranh thủ tư thế này để « nêu bật » những yếu tố song phương và « ém đi » các vấn đề đa phương.
Trong số các yếu tố đa phương liên quan đến Biển Đông, dĩ nhiên là có các vấn đề như nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử (COC = Code of Conduct) tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, mang tính chất ràng buộc, hay là nhu cầu tôn trọng Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc UNCLOS
Trước việc Trung Quốc không muốn nêu lên các vấn đề này trong bản Tuyên bố chung, Việt Nam, theo giáo sư Long đã phải tạm thời ép mình, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ việc thúc đẩy các đòi hỏi liên quan đến COC, chắc chắn sẽ được nêu lên tại các diễn đàn của khối ASEAN sắp tới đây.
Còn về phần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, dù không được nêu lên trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, nhưng theo giáo sư Long, sự kiện đó hoàn toàn không có nghĩa là văn kiện quốc tế mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều ký kết đó không tồn tại.
Điều quan trọng mà giáo sư Long ghi nhận là cùng lúc với chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam qua Trung Quốc, thì người đứng đầu quân đội Việt Nam – Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - đến thăm Lầu Năm Góc, trong một nỗ lực mở cửa về phía Mỹ trong lãnh vực quốc phòng, với hy vọng củng cố hơn nữa quan hệ quốc phòng, đồng thời khuyên khích được Hoa Kỳ dấn thân mạnh mẽ hơn vào việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử cho vùng Biển Đông.
Về phía Việt Nam, theo giáo sư Long, có hai điểm cần quan tâm thực hiện để bảo vệ Biển Đông : một là cải thiện hồ sơ nhân quyền trong nước để tranh thủ dư luận Mỹ vốn có trọng lượng nhất định trên các chính sách của Washington đối với Việt Nam, và hai là ủng hộ vụ Philippines kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc.
Mời quý vị nghe toàn văn bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long.


Copy từ: RFI

Từ Anh Tú bị bắt

Theo Lê Anh Hùng|Facebook, sáng nay, vào lúc khoảng 9h30, một nhóm công an khoảng 15 người đã vào Cty HVT, Khu CN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên (nơi Lê Anh Hùng làm và từng bị bắt trước kia), bắt Từ Anh Tú đưa đi. Họ lục lọi và mang đi mấy cuốn sách của Tú. Hiện nay, Tú đã bị bắt lên ô tô đưa đi nhưng vẫn còn vài viên công an vẫn ở lại lập biên bản tại Cty.
Các thông tin khác xung quanh vụ việc này như: lý do Từ Anh Tú bị bắt, thời gian tạm giam, lệnh bắt ... chưa rõ
Trước đó, ngày hôm qua, 24/6/2013, trong bài viết GỬI THỦ TƯỚNG BA DŨNG của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có một mẩu tin đáng chú ý:
"Hôm 19/6 có người trong đoàn anh Tư Sang từ Trung Quốc điện cho tôi bảo đã có danh sách 20 blogger có thể bị bắt..."
NTT


Copy từ:Nguyễn Tường Thụy