Đại diện nhóm nhân sỹ, trí thức, quần chúng trao kiến nghị cho chính quyền
Một giáo sư gốc Việt giảng dạy ở
Pháp nói đã đến lúc Đảng cộng sản cần "nới lỏng" để trao trả quyền lực
cho nhân dân, chứ không chỉ giới hạn ở việc lấy ý kiến cho bản Dự thảo
Hiến pháp chính thức mà chính quyền đang tiến hành hiện nay.
Trao đổi với BBC Việt ngữ từ Đại học Toulouse
hôm 08/2/2013, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nói ông hy vọng rằng đợt sửa
Hiến pháp lần này sẽ là một bước "nhân nhượng" của Đảng để tự "giảm bớt
quyền lực."
Ông nói: "Người ta đã nhận thấy
người ta không có khả năng ôm đồm quyền lực nữa như là Đảng Cộng sản
nghĩ, thì đây là một sự mặc cả giữa Đảng và nhân dân Việt Nam.
"Đảng Cộng sản vẫn có thể sau lần này giữ một
vai trò quan trọng nhưng không còn có thể, nói thẳng ra, là độc tài như
trước được nữa."
Giáo sư Dũng tin rằng Đảng hiện đang có một vấn
đề tâm lý cần vượt qua "là nỗi sợ phải từ bỏ quyền lực" mà từ lâu vẫn
độc quyền do xuất phát từ điều mà ông gọi là "tính tham quyền lực."
Ông cho rằng việc người dân và các giới, trong
đó có giới trí thức tư vấn cho Đảng về một "lộ trình chuyển giao quyền
lực" được hiểu là diễn ra trong hòa bình, công bằng, tránh bạo lực, là
"quan trọng" để Đảng có thể tiến hành công việc "nới lỏng và bàn giao
quyền lực"
Ông nói: "Hiến pháp sẽ không thể hiện điều đó
nhưng chuyện đàm phán để có được điều đó theo tôi rất quan trọng để có
thể có được Hiến pháp mới.
"Và về phía những người không thuộc phía Đảng mà
bây giờ muốn Đảng nới bỏ quyền lực ra thì cũng cần có sự đảm bảo cho
những người ở trong Đảng hiện tại những sự đảm bảo nhất định thì họ mới
có thể yên tâm nới lỏng quyền lực của mình ra."
Trong khi cho rằng lần sửa đổi Hiến pháp lần này
là một "cơ hội" của toàn dân, nhà khoa học cũng tin rằng việc đi tới
cải thiện xã hội, trong đó có việc thay đổi, sửa đổi Hiến pháp, là một
"trách nhiệm" và một sự nghiệp "không có điểm dừng" của người dân.
Ông Dũng nói: "Nhiệm vụ của người dân là phải
tiếp tục tìm cách thay đổi xã hội cho tốt hơn, việc thay đổi xã hội là
một chuyện lâu dài và không có điểm nào là điểm dừng, chứ không phải là
nếu không được nghe thì thôi, thì bỏ cuộc, vì cứ như thế sẽ không đi đến
đâu."
'Điều dân mong muốn'
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (đứng) cho rằng Đảng Cộng sản nên nhân nhượng và tự giảm bớt quyền lực
Trong bài viết mới công bố của mình trên mạng Internet với tựa đề "
Bấm
Hiến pháp nào cho Việt Nam?," Giáo sư Dũng lưu ý mười nguyên
lý mà một bản Hiến pháp cần tôn trọng và thể hiện là pháp trị, logic,
nhân quyền, xã hội, bảo vệ, dân chủ, phân quyền - kiểm soát lẫn nhau,
minh bạch, tự quản, hòa bình và trung lập.
Ông cho rằng về mặt bản chất, hiến pháp Việt Nam
là một "hiến pháp Đảng trị" chứ không phải là dân chủ hay luật trị vì
theo ông "dân không được bầu ra lực lượng lãnh đạo cao nhất (Đảng) và
Đảng không chịu sự kiểm soát thực sự nào từ phía nhân dân."
Nhà khoa học nhắc tới hiện tượng "ôm đồm quyền
lực" trong một thể chế mà ông gọi là "chính quyền cảnh sát." Ông viết:
"Đảng không những nắm chính quyền, mà còn muốn kiểm soát chặt chẽ tất
tật mọi thứ trong xã hội: kinh tế, chính trị, thông tin, văn hóa, tư
tưởng, giáo dục, v.v..."
Bình luận về nguyên lý "bảo vệ" của Hiến pháp và
đặt câu hỏi "Hiến pháp bảo vệ ai?," nhà toán học viết:"Chính quyền do
dân lập nên và vì dân, chứ không phải là vì bản thân cái chính quyền,
chính quyền có phải hy sinh để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, của dân
tộc, thì cũng phải hy sinh."
""Toàn
bộ các nguyên lý cơ bản của một hiến pháp dân chủ tiến bộ phải được tôn
trọng trong một hiến pháp mới, đấy mới là điều mà nhân dân Việt Nam
mong muốn"
Sau khi cho rằng bản dự thảo Hiến pháp chính
thức của chính quyền có nhiều "vấn đề nổi cộm," nhà khoa học nhấn mạnh:
"Để có được một hiến pháp tiến bộ, nhân dân Việt Nam phải ngồi cùng với
Đảng Cộng sản VN để sửa hiến pháp.
"Nhưng không phải là sửa theo kiểu dự thảo
01/2013, mà sửa một cách cơ bản, đàng hoàng, dựa trên một mô hình tổ
chức mới về chính trị hợp lý hơn dân chủ hơn, có sự kiểm soát tốt hơn,
minh bạch hơn, dễ chống tham nhũng hơn, v.v...
"Toàn bộ các nguyên lý cơ bản của một hiến pháp
dân chủ tiến bộ phải được tôn trọng trong một hiến pháp mới, đấy mới là
điều mà nhân dân Việt Nam mong muốn," ông lưu ý.
Hiện đang có nhiều ý kiến về việc nên hay không
nên tham gia đóng góp cho lần sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra, trong
đó, có ý kiến phê phán nói chính quyến đặt thời hạn ba tháng để dân góp
ý là "quá ngắn và bất hợp lý," trong khi đề dân cần có nhiều thời gian
hơn để tìm hiểu và chính quyền cũng cần mở rộng việc thông tin, tuyên
truyền cũng như tổ chức các diễn đàn thảo luận.
Trong lúc có ý kiến tin rằng không nên tham gia
đóng góp cho Dự thảo vì bản đề án của Chính quyền là "áp đặt," "dân chủ
hình thức," thậm chí là "câu giờ" hay "giả hiệu," nhiều diễn đàn đã được
mở ra trên mạng.
Gần đây, một bản kiến nghị về Hiến pháp mới đã
được đại diện các trí thức, nhân sỹ và quần chúng giao cho chính quyền
đầu tháng Hai với hơn hai nghìn chữ ký đi kèm vào thời điểm đó.