Nguyễn Trường Kỳ (Danlambao) -
Hai mươi năm, từ ngày không còn làm việc ở Á Châu, tôi về thăm Việt Nam
để tìm lại hương vị ngày Tết mà đã gần 39 năm chưa nếm lại. Về thăm đất
nước có một chút vui vì gặp được bè bạn, người thân, nhưng cũng đầy lo
âu cho tương lai bấp bênh và những rủi ro đang chờ đổ thêm lên đầu người
dân mà từ gần 40 năm vẫn chưa cởi bỏ được gánh nặng quá khứ, của số
phận người dân nghèo trên một đất nước nghèo.
Sau gần 30 năm đổi từ kinh tế quốc doanh qua nền kinh tế thị trường theo
định hướng xã hội chủ nghĩa để tồn tại, một nền kinh tế vay mượn, đầu
voi đuôi chuột, đã đi dần vào bế tắc vì chính sách khập khiễng nửa thả
nổi theo thị trường, nửa hoạch định bởi trung ương và chính trị độc
đảng can thiệp hoàn toàn vào cơ cấu kinh tế, đã từ từ lộ ra nhiều yếu
kém, tiêu cực. Số lượng kiều hối người Việt nước ngoài và xuất cảng lao
động gởi về nước trung bình gần 10 tỉ đô la 1 năm trong hơn 25 năm qua
không đủ giúp cân bằng số ngoại tệ thâm hụt ngày càng tăng vì nhập siêu.
Thặng dư mậu dịch với các nước Âu-Mỹ khoảng 30 tỉ đô la hàng năm, không
bù được con số nhập siêu từ giao thương mất quân bình hàng ngoại nhập
với giá rẻ tràn lan từ Trung Quốc. Biên giới phía Bắc mở ngỏ từ Mông Cái
đến Lạng Sơn, Lào Cai để cho hàng nhái, hàng dỏm, hàng độc, hàng rẻ từ
Tàu tràn vào Việt Nam, giết chết các cơ sở sản xuất trong nước. Chính
sách tiền tệ ưu đãi lãi xuất nhẹ cho các công ty nhà nước trong khi bóp
chẹt với lãi xuất cao đối với các công công ty tư nhân làm hàng trăm
ngàn công ty lớn nhỏ phá sản, nhưng cũng không cứu được nổi các tổng
công ty nhà nước luôn luôn tuyên bố thua lỗ. Điển hình là một công ty
nhà nước Vinashin đã nợ ngân hàng ngoại quốc hơn 90 ngàn tỉ đồng và
không có khả năng trả. Nợ xấu tồn đọng lên đến 95% GDP, con số quá cao
so với mức 65% được cho là an toàn cho các nước đang phát triển. Các
công ty nhà nước làm chủ chiếm hữu 70% số tiền vốn đầu tư nhưng chỉ cung
cấp được 40% sản phẩm nội địa. Nhiều tệ nạn mua quan bán chức, lo lót,
chạy việc bằng hối lộ đã được phanh phui nhưng chỉ với con số nhỏ. Đa số
những nạn tham nhũng lớn khác chưa hay không bao giờ được khui ra vì
đụng đến quyền lực. Có quyền là có tiền, có tiền lại mua thêm quyền, cứ
thế từ ông trưởng ấp lên đến lãnh tu chóp bu cao, ai cũng thấy, cũng
biết mà không ai làm gì được. Hàng năm cứ vào ngày 14 tháng Giêng âm
lịch, trước đền Hòa Liễu, Hải Phòng, có tục lệ là người trưởng thôn cùng
những người được cho đóng vai làm đại diện cho “quan” trong làng nắm
tay lại đưa lên trời hô vang lời thề” : “Ai dùng của công vào việc công
xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh
đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt…”.
Lời thề ấy đã có từ 500 năm xưa cho đến bây giờ nhưng coi chừng gần đây
không hiệu nghiệm cho lắm vì có biết bao nhiêu “con sâu” đục khoét tiền
thuế của dân mà có ai bị tru diệt đâu.
Bình quân sản lượng gộp tính trên đầu người năm 2005 là $700 đô la, và
năm 2013 là $1900 đô la, tăng gần gấp 3 lần trong 5 năm, nhưng lạm phát
cao hơn con số đó. Bằng chứng là bà nội trợ đem 1 triệu đồng đi chợ hôm
nay chưa mua được 1/3 số thực phẩm đã mua được 5 năm về trước. Có nghĩa
kinh tế càng phát triển, người dân càng nghèo đi, và mãi lực tiền đồng
ngày càng mất giá, tiền lương kiếm được không theo kịp giá vật dụng gia
tăng.
Một nền kinh tế ào ào đi tới như chiếc xe không phanh, 30 năm đã bỏ lại
đàng sau những đám bụi mờ. Chiếc xe nay đang từ từ đứng lại vì hết xăng
nhưng đám bụi đàng sau vẫn chưa hết mờ. Trong khi một thiểu số giàu lên
mau chóng vì biết đi tắt đón đầu, manh múng theo thời cơ và chụp lấy cơ
hội kinh doanh làm giàu. Họ giàu có một cách bất thường, nhờ tài thì ít
mà nhờ thủ đoạn thì nhiều. Những kẻ có tiền dựa kẻ có quyền, cả hai cùng
hưởng lợi. Xã hội giàu nghèo ngày càng phân hóa, cách biệt. Người giàu
càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo mạt. Một chính sách theo chủ nghĩa
xã hội mà nhu cầu gì người dân cũng phải chi tiền. Tiền gởi con đến
trường, tiền khi đau vào bệnh viện, tiền đóng góp để làm lại những con
đường trong xóm… Tiền chi càng cao việc xong càng nhanh, không tiền thì
ngồi chờ, có khi chết rồi mà bệnh viện vẫn chưa biết bệnh nhân tên gì.
Và nếu có khám thì đã có mẫu kết quả viết sẵn, in ra, cho người nhà đơn
ra ngoài mua thuốc. Một ông cụ 70t bị bênh phổi, báo cáo khám nghiệm bảo
ông đã có thai 3 tháng! Bệnh viện quá tải, trường học chật ních, nhưng
đất dành xây sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao thì dư. Đâu
đâu cũng thấy bề mặt nổi với những công trình xây dựng cao chót vót,
nhưng không che được đàng sau là những ổ chuột tối tăm của những người
nhập cư lậu từ quê lên tỉnh kiếm sống.
Năm mới, một bức tranh không mấy sáng sủa giống như những ngày đầu năm
rét đậm, người dân cả nước trùm chăn chờ ngày mùa Xuân nắng ấm, một mùa
Xuân không tới. Thời kinh tế phát triển vội vã đã có một bộ phận không
nhỏ người dân nghèo chạy hụt hơi mà vẫn không theo kịp. Nay kinh tế tụt
hậu, đám dân nghèo càng bị đẩy lùi ra đàng sau mà không ai biết có bao
nhiêu gia đình đón Tết năm nay không đủ áo ấm để mặc đừng nói đến áo mới
đón Xuân. Trong nền kinh tế mà mọi con số không được thống kê minh
bạch, không biết những bí mật nào đang chờ khui ra mà giới chuyên gia
quốc tế tiên đoán là sẽ có rất nhiều điều không tốt sẽ được bật mí trong
3 năm tới. Kinh tế không tốt, chính quyền trung ương vẫn lăm lăm tay
súng, giữ vững ngọn cờ, như họ đã can qua trong thời 10 năm đen tối nhất
(75-85), duy chỉ có người dân nghèo phải nhận chịu tất cả tai ương.
Kinh tế càng bấp bênh, giới con buôn trục lợi càng giàu lên và con cái
họ xuất ngoại du học ngày càng nhiều mà đa số không phải để thâu lượm
kiến thức mà tìm cách ở lại ngoại quốc để tẩu tán tài sản ra nước ngoài
cất giấu. Thế hệ cha ông vẫn ca ngợi thời chống Mỹ là oanh liệt, anh
hùng mà con cái thời nay thì cho Mỹ mới là anh hùng, cái gì của Mỹ cũng
nhất. Có không ít đám thanh niên thiếu nữ ở thành phố lớn bây giờ cho
mình thêm một cái tên Mỹ như Linda Lê, Tracy Trần, Nicky Ngô… cho giống
với những bạn Việt Kiều cùng lứa. Tóc hoe vàng, khoen tai đeo lên mũi,
quần xệ đáy, nhảy hip hop giữa đường phố như đám trẻ da đen ở khu
Harlem... có ăn chơi thời thượng như thế mới là đẳng cấp. Đẳng cấp kể
cả những câu nói nửa Việt, nửa Anh, nói lơ lớ tiếng Việt không dấu như
được sinh ra ở nước ngoài nên quên tiếng Mẹ đẻ.
Điều mà thế hệ Cha Ông cố tranh đấu để không bị lệ thuộc ngoại bang nay
như đang bị lệ thuộc hoàn toàn từ tư tưởng đến sách lược. Chính sách
chống đỡ yếu ớt để làm chậm ảnh hưởng ngoại lai như “đổi mới không đổi
màu, hòa nhập không hòa tan” không hiệu quả mấy. Đã gần 70 năm hy sinh
bao thế hệ thanh niên để tranh đấu san bằng giai cấp xã hội thì nay xã
hội đã có những giai cấp thống trị mới, không phải là người đến từ một
đế quốc nào mà là những người đồng chí năm xưa. Ý nghĩa hy sinh làm cách
mạng đã bỏ lại trong rừng sâu, về thành nay họ chỉ biết lo củng cố đời
con cho bõ những hy sinh thời kháng chiến. Cái quyền được phép kinh
doanh đảng dành cho những đảng viên nhiều cơ hội làm giàu, dù bất chính.
Có tiền mua tiên cũng được. Chỉ khổ cho những người dân nghèo không
tiền.
Nghèo có phải là nguyên nhân của mọi tệ nạn xã hội? Cướp giật, đâm chém,
lường gạt xảy ra là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thực phẩm hư thối pha
chế thêm độc chất để bán được lâu, giá rẻ, hợp với túi tiền người dân
nghèo mua ăn và ăn vào thì chờ nhập viện. Giả dối là tiền đề trên mọi
liên hệ, giao dịch và đối xử với nhau. Giả dối ngay cả trong việc học,
việc thi và mua bán bằng cấp. Chính ông phó Thủ Tướng một thời đặt trách
Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân đã phải lên tiếng công nhận: “Xã hội Việt
Nam bây giờ giả dối lên ngôi, đạo đức suy đồi. Đạo đức trong gia đình
Việt Nam đồng nghĩa với sự dối trá”. Trên tờ Dân Trí, tiếng nói của
nghành giáo dục đã có bài xã luận viết “…Thầy dối trá thầy, trò dối trá
trò, quản lý giáo dục báo cáo láo, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua
quan bán tước hiện đang là một đại họa cho nền giáo dục Việt Nam. Thậm
chí đến trong gia đình cha con, chồng vợ cũng dối nhau, vì không tin
nhau, nói dối như là một phản ứng của con chó Pavlov”. Trên các trang
mạng của các nhà trí thức trong lẫn ngoài nước, các đài RFA, RFI, BBC…
đã nói rõ việc chính trị hóa nền giáo dục đã tạo cơ sở cho sự dối trá
đang làm bá chủ đất nước. Ra rả trên các cơ quan truyền thông là lời kêu
gọi người dân noi gương đạo đức cách mạng của các lãnh tụ, nhưng không
thấy nói những đạo đức cách mạng đó là gì, trong khi trẻ em ở trường
không được dạy kỹ những khuôn thức đạo đức giáo dục căn bản. Thanh
thiếu niên coi đất nước là của chung, như lời dạy của đảng, không của
riêng ai nên không ai cần phải lo giữ gìn. Những ngày Tết, trai gái ùn
ùn từ thành phố chở nhau ra biển du xuân. Hàng ngàn thanh niên thiếu nữ
cắm trại ăn nhậu, ngủ qua đêm dưới những tàn dương liễu ở Hồ Tràm. Hôm
sau ra về, họ bỏ lại đàng sau hàng tấn rác, vỏ lon bia, bao nhựa, thức
ăn thừa… trên bờ biển. Gió thổi rác ra biển bập bềnh trên sóng. Du khách
tắm biển, tắm chung với rác.
Nhớ lại cách nay 20 năm, năm 1994, sau 4 năm lo việc cho công ty ở Á
Châu và giúp đặt nền tảng cho kinh doanh ở Việt Nam, tôi rời Singapore
về lại Mỹ để nhậm chức vùng Nam Mỹ. Rời Á Châu với một niềm tin là 20
năm sau Việt Nam sẽ có những tiến bộ kinh tế xứng tầm với đất nước 90
triệu dân thông minh, mẫn cán. 20 năm sau về lại, đã có thấy những thay
đổi hạ tầng, nhiều con đường rộng, cầu mới, đường hầm, và nhiều cao ốc
vươn cao lên. Nhà cửa ở phố thị cũng có cao hơn lên nhưng tầm đất nước
so với những quốc gia trong khu vực thì thấp, không biết bao giờ bắt
kịp. Giao thương với các nước Tây Phương có phát triển đều hàng năm nhờ
xuất siêu các mặt hàng gia công cần nhiều nhân lực. Kim nghạch giao
thương hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng 130 lần, hơn 30 tỉ đô la, so
với năm 94, 20 năm sau khi được bang giao. Lẽ ra với ưu đãi từ phía Mỹ,
cán cân thương mại đó có thể cao gấp đôi, nhưng vì áp lực của đàn anh
phương Bắc nên làm gì với Mỹ, Việt Nam cũng phải dè chừng. Sắp tới Việt
Nam lại một lần nữa sẽ được Mỹ cho tham gia vào tổ chức Hiệp Định Đối
Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), không có Tàu tham dự, rất có lợi cho
kinh tế Việt Nam, như là cách để Mỹ giúp cho Việt Nam thoát khỏi cái
bóng khổng lổ của người Hán phương Bắc. Nhưng chưa chắc người Tàu để cho
yên, như lần vào WTO, Việt Nam đã phải nhường để cho Tàu vào trước. Lực
lượng hải quân Mỹ đã trở lại Subic Bay Phi Luật Tân như thời chiến
tranh lạnh nên Nga cũng sẽ trở lại Cam Ranh Việt Nam để tranh phần.
Những người phương Tây da trắng, cả Nga lẫn Mỹ, đều không muốn người
khổng lồ da vàng Tàu làm bá chủ Thái Bình Dương nên viện cớ bảo vệ đồng
minh mà tiến vào đây chiếm phần. Liệu biển Đông sẽ dậy sóng như thời
Nhật Hoàng điên rồ xây giấc mộng Đại Đông Á. Lần này nếu chiến tranh xảy
ra, không chỉ có 2 trái bom nguyên tử nổ mà là cả vùng biển Đông sẽ như
chảo lửa, làm thiêu rụi giấc mộng Đại Hán bá quyền, và nước Việt Nam sẽ
thành bình địa.
Chiến tranh biển Đông, điều mà 90 triệu dân Việt Nam không muốn tham gia
nhưng sẽ bị lôi kéo vào và thiệt hại khó lường. Áp lực quân sự bao
trùm, chính quyền vẫn cố đu giây, giữ thăng bằng, không để sẩy. Bên
ngoài thì làm mặt bình thản để che đậy bên trong những sôi sục từ lòng
dân. Dân không thuận vì chính quyền độc tài đảng trị thêm nạn tham
nhũng, bè phái. Thượng bất chánh, hạ tất loạn, bây giờ thì chỉ mới
“loạn” lên từ những những tiếng nói bất khuất của thành phần trí thức
muốn cứu đất nước trước những hiểm họa, nhưng quyền được nói thẳng, nói
thật của họ bị đàn áp thẳng tay. Ngay cả những báo chí “lề đảng” cũng
không thể im lặng trước những tệ nạn không thể che dấu được.
46 năm từ vụ thảm sát Tết Mậu Thân miền Trung, 39 năm chiếm được miền
Nam, 69 năm từ ngày cướp chính quyền miền Bắc… đất nước đã về một mối
nhưng lòng người phân tán hơn bao giờ. Bây giờ không còn kỳ thị Bắc-Nam,
cộng sản - tư bản mà chỉ có một bên là nhóm 3 triệu người bảo vệ quyền
lực đảng Mafia và một bên là toàn khối dân tộc. Bảo vệ đảng là đồng
nghĩa với bảo vệ quyền lực và quyền làm chủ tài sản đất nước cho riêng
đám con cháu mình hưởng. Lịch sử qua bao thời đại đã chứng minh, khi
người dân chịu hết nổi áp bức, bất công, đó là lúc cách mạng nổi lên, và
cuộc cách mạng lần này sẽ không mang danh đánh đuổi ngoại bang nữa mà
làm cách mạng để rửa sạch hư thối chính quyền, cặn bã xã hội, trả lại
đất nước Việt cho con người Việt.
Mừng Xuân trên quê hương nay không có gì vui, nên không biết đến bao giờ
sẽ có được những mùa Xuân như thuở xưa. Mùa Xuân nào cho những em bé
bất hạnh trên đường phố, trong trại mồ côi. Mùa Xuân nào đang chờ đất
nước tôi?
Tháng 2, 2014
Nguyễn Trường Kỳ
Copy từ: Dân Làm Báo
...................