Tường An (RFA)
- Ngày 26 tháng 6 vừa qua, lại có thêm một nhà hoạt động nữa vừa được
trả tự do sau 4 năm tù. Đó là ông Lư Văn Bảy, Thông tín viên Tường An
gửi những thông tin về nhà hoạt động này như sau:
Chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận
Cùng một ngày ra khỏi tù với nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh là
một nhà đấu tranh thầm lặng ít được biết đến hơn, đó là ông Lư Văn Bảy.
Ông được giảm án 2 lần = 9 tháng và ra tù ngày 26/6 vừa qua.
Sinh năm 1952, quê tại Kiên Giang, ông Lư Văn Bảy nguyên là chuyên viên
kỹ thuật không quân trước năm 1975. Sau thời gian tù cải tạo, ông về quê
làm ruộng. Tháng 9 năm 1977, ông tham gia “Mặt Trận Liên Tôn” bị bắt
vào tháng 12 cùng năm đó, bị kết án 6 năm tù. Mãn hạn tù giam, ông trở
về nhà vào tháng 9 năm 1983.
Những tưởng sẽ an bình với cuộc đời làm ruộng, nhưng rồi, bức xúc trước
sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam, từ năm
2006 ông đã bắt đầu viết những bài viết dưới những bút hiệu khác nhau
như: Chánh Trung, Nguyền Hoàng, Hoàng Trung Việt, Hoàng Trung Chánh… gửi
đến các mạng truyền thông nước ngoài, có những bài ông gửi thẳng cho
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng, cho
Quân đội Nhân dân Việt Nam hoặc cho ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông cho biết lý
do thôi thúc ông, từ một người nông dân chỉ quen với ruộng vườn trở
thành tác giả của những bài viết với chủ đề nhạy cảm như: dân chủ đa
nguyên, chủ quyền lãnh hải…v.v
“Tình cờ tôi đọc được trong một cuốn sách “Sự thật về chiến tranh
biên giới năm 1979” do đó tôi được biết được những cảnh tàn ác của Trung
Quốc, do đó lòng yêu nước của tôi, lòng thương dân tộc của tôi trỗi
dậy. Tiếp theo đó là tôi coi được đoạn phim về đảo Gạc Ma, nó ngang
nhiên chiếm năm 1988 và tôi cũng đã nhìn thấy cảnh 64 chiến sĩ hải quân ở
đó, nó dàn hàng ngang nó bắn từng người. Còn trong nước thì hàng hoá
của Trung Quốc là chất độc mà biểu tình thì không được, lên tiếng nói
Trung Quốc cũng không được. Do tự do ngôn luận của tôi, tôi mới viết
những bài, trước nhất là để lên án Trung Quốc đồng thời phản đối chính
quyền Việt Nam quá mềm yếu đối với Trung Quốc.”
Tháng 1 năm 2008, ông bị công an tịch thu máy tính với nhiều bài vở. Sau
đó ông được thả với lời hứa sẽ không viết nữa. Tuy nhiên, một thời gian
sau, bức xúc trước sự xâm lấn của Trung quốc và chính sách mềm yếu của
nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, ông lại tiếp tục viết dưới bút hiệu
khác là Trần Bảo Việt với nội dung kêu gọi một nền Dân chủ đa nguyên,
lên án Trung Quốc xâm lược, xin chút tình thương cho Người tù xuyên thế
kỷ Nguyễn Hữu Cầu, người tù Trương Văn Sương… Về nội dung của những bài
viết này, ông khẳng định:
“Tôi chỉ viết ra những bài về nền Dân chủ Đa nguyên thôi chứ tôi
không chủ trương lật đổ chính quyền, tôi cũng không chủ trương chống đối
chính quyền gì hết mà tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo điều
69 của tôi là thực hiện một chế độ đa nguyên để đất nước có một sự đoàn
kết toàn dân, nhưng mà chuyện thực hiện đa nguyên bây giờ ở Việt Nam
lại rơi vào điều 88 là tuyên truyền chống nhà nước.”
Không muốn đất nước bị lệ thuộc
|
Chân dung tù nhân lương tâm Lư Văn Bảy qua nét vẽ của hoạ sĩ Trần Lân - Paris. Courtesy Hoạ sĩ Trần Lân. |
Ngày 26/3/2011 ông lại bị bắt và trong phiên tòa kéo dài nửa ngày tại
tỉnh Kiên Giang ngày 22/8/2011, ông bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế
với tội danh “Truyền truyền chống nhà nước XHCNVN” theo điều 88 bộ luật
hình sự Việt Nam. Ông bị Thẩm phán tòa án Kiên Giang buộc tội đã viết
trên 10 bài kêu gọi đa nguyên đa đảng đăng trên các mạng truyền thông
hải ngoại từ năm 2007 đến 2011. Mặc dù trước áp lực của tòa án, ông Bảy
đã nhận việc mình làm là không đúng với luật pháp Việt Nam nhưng ông vẫn
tin rằng việc lên tiếng cho một xã hội đa nguyên là phù hợp với điều 69
về Tự do Ngôn luận của pháp luật Việt Nam. Ông bày tỏ:
“Trước phiên tòa tôi cũng nói là tôi không quen biết bất cứ một ai,
tôi cũng không tham gia bất cứ một tổ chức nào mà tôi chỉ thực hiện cái
quyền tự do, cái quyền của một người công dân của tôi thôi. Trong phiên
tòa đó thì họ nói là tôi “Truyền truyền chống nhà nước XHCNVN”, điều 88.
Họ nói tôi viết những bài lên án như vậy tức là không đi đúng theo
đường lối của nhà nước, nói xấu nhà nước. Trong lúc làm việc với công an
điều tra, tôi nói rằng tôi chỉ thực hiện quyền 69, trong đó có quyền tự
do ngôn luận, quyền tự do chính trị. Nhưng bây giờ bắt tôi vi phạm điều
88 thì tôi cũng chịu thôi tại vì tôi quá cô đơn, tôi không có ai bênh
vực, tôi chỉ bộc phát cá nhân của mình thôi. Nhưng nói đúng ra, họ đối
xử với tôi cũng đàng hoàng, có sao tôi nói vậy, tôi là một phật tử. Cái
quan trọng của tôi, là một con người, tôi không muốn đất nước của mình
phải bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc một bọn bá quyền Trung Quốc.”
Qua những bài viết của ông, người ta nhận thấy ở đó một con người luôn
luôn đau đáu trước vận mệnh đất nước, một người yêu nước thầm lặng và
chấp nhận trả giá cho lòng yêu nước đó bằng những ngày tù tội. Thân sinh
ông chết trước ngày ông ra tù 3 tháng, hậu quả của 4 năm tù là một
người vợ bệnh hoạn vì tần tảo nuôi ông trong những năm tháng bị giam
cầm. Vẫn không ân hận về những việc đã làm, ông nói:
“Hối hận thì tôi không hối hận đâu, nhưng mà bản án quá nặng, tại vì
tôi không biết bất cứ một tổ chức nào hết mà tôi cũng không tham gia một
tổ chức nào hết, cũng không ai xúi dục tôi hết mà tôi chỉ bộc phát cá
nhân của tôi thôi, nhưng mà cái bộc phát cá nhân của tôi mà cái bản án
này thì nó quá nặng. Đối với đất nước, đối với tổ quốc, đối với nhân dân
thì tội không thẹn với lương tâm của mình. Bản án 4 năm tù, tôi thấy
quá nặng đối với tôi, nhưng mà tôi cũng không ân hận vì tôi đã nói lên
được tiếng nói của mình mặc dầu tiếng nói của tôi quá bé nhỏ, nó không
đủ sức để cảm hoá ai hết, nhưng mà đối với đất nước tôi cũng chỉ làm
được thế thôi, biết sao bây giờ !”
Sau 4 năm, tình thế hình như có nhiều thay đổi, đã có những lên tiếng
mạnh mẽ hơn từ phía nhà cầm quyền, mặc dù vẫn còn những ngần ngại đâu
đó. Những thông tin từ báo chí nhà nước đã cho ông một chút hy vọng:
“Khi tôi ra tù, tôi nói với mấy anh công an như thế này: Trước đây
khi Trung Quốc lấn lướt chúng ta mà chính phủ có những hành động như bây
giờ thì tôi không ở tù. Và bây giờ tôi hy vọng rằng tất cả những lời
nói của ông Nguyễn Tấn Dũng, của chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của
tất cả những nhà lãnh đạo Việt Nam là đúng sự thật. Tôi rất mong rằng
những lời nói của mấy ông này không phải là lời nói suông. Tôi hy vọng
rằng những lời nói này sẽ biến thành sự thật, tôi rất mừng. Nhưng nếu
những lời nói đó chỉ là những lời nói suông thì nói thật, tôi không biết
những gì sẽ xảy ra…”
Khi mà mọi quyền uy chỉ tập trung vào một cá nhân, khi mà một nhóm độc
tài lăm le đem quê hương ra làm miếng mồi để thủ lợi. Để được an toàn,
người dân chỉ còn biết thể hiện lòng yêu nước trong những giấc mơ. Từ
Kiên Giang, người chiến sĩ thầm lặng gửi đến quý thính giả đài Á châu Tự
do một niềm ước vọng:
“Tôi xin cám ơn tất cả những người đã quan tâm đến tôi trong thời
gian tôi ở tù, và tôi gửi đến tất cả quý khán thính giả của Đài Á Châu
Tư Do những lời chúc tốt đẹp và tôi mong rằng đất nước Việt Nam của
chúng ta thoát khoải sự xâm lăng của Trung Quốc.”