CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Tôi là Điếu Cày

Tôi là Điếu Cày

Tháng 7 22, 2013
Từ Linh
22/7/2013, ngày tuyệt thực thứ 30 của tù nhân lương tâm Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải.
1.
Lạy Chúa tôi!
Con không nhận ra bố nữa rồi!
Bố đi không được nữa rồi, ngồi cũng không thẳng lưng được nữa rồi.
Trời đất ơi!
Bố phải lấy hai tay chống cằm cho cái đầu thẳng lên kìa, cho hơi thông lên cổ họng để bố thều thào cho con nghe rằng: bố sẽ tiếp tục tuyệt thực, thà chết, không chịu được bất công.

2.
Chuyện Điếu Cày không chỉ xúc động mà chấn động.
Đó là chuyện của vợ với chồng:
Ba người vợ của ba người chồng tù lương tâm ở cùng trại.
Đó là chị Dương Thị Tân, vợ Điếu Cày (bị kết án 12 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước), lặn lội từ Sài Gòn ra tận Nghệ An đến trại giam hai lần, 16/7 và 20/7, mà không được gặp, chỉ được đội mưa, hắt hủi, rồi lủi thủi ra về.
Đó là chị Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (bị kết án 6 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước), đi thăm chồng ngày 17/7 và được chồng thảng thốt báo tin Điếu Cày đã tuyệt thực 25 ngày.
Đó là chị Ngô Thị Lộc, vợ anh Nguyễn Kim Nhàn (bị kết án 5 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước) khi thăm chồng thấy chồng mặt mày bầm tím vì bị đánh đập trù dập.
Nếu đang có những tù nhân lương tâm dự khuyết thì cũng có những người vợ tù dự khuyết. Họ có nhiều điều để học hỏi từ những người vợ tù hiện tại này.
Đó là chuyện của con với cha:
Người con trai Nguyễn Trí Dũng, 27 tuổi, thương bố và biết hành xử, khôn ngoan không bị sập bẫy tuân thủ quản trại. Dũng xin mọi người hãy loan tin, tin dữ, để mọi người biết sự dữ đang đè bẹp sự thật và sự thiện.
Sẽ có nhiều người, kể cả những đại gia, ghen tị với Điếu Cày vì ông có được người con như thế.
Đó là chuyện bạn với bạn:
Người bạn tù Nguyễn Xuân Nghĩa thà chịu bịt miệng, đánh đập chứ nhất định không thể im lặng để Điếu Cày phải chết trong bóng tối bưng bít của tội ác.
Rõ là bạo lực không bẻ được người ngay, và rõ là bạo quyền đã cố tình im để giết.
Đó cũng là chuyện của những người dưng thân thiết:
Đó là Thuy Trang Nguyen, viết comment trên trang Basam, ngày 18/7:
“… Tôi đang làm hết sức mình, kêu gọi những đứa em bên Mỹ vào quảng bá tin tức Điếu Cày ở các nhà thờ Mỹ, xin chữ ký để vận động Nghị sĩ lên tiếng nói. Xin các bạn bên Úc, Pháp, Ba Lan… Hãy cùng nhau giúp một tay vận động cho các giới chức của mình, viết bài đăng lên báo nơi địa phương mình ở, viết blog quảng bá rộng tin tức Điếu Cày đang bị nguy hiểm vì tuyệt thực đã sang ngày 26 rồi. PLEASE PLEASE PLEASE!”
Đó là Muthuhanoi trên trang Basam, ngày 21/7:
“… hãy ra tay cứu vớt một con người có đầy khí phách của một anh hùng dân tộc Việt Nam – Anh Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày […] một người đã vì dân tộc Việt Nam mà bị giam cầm và khủng bố tàn bạo…”
Đó là Lê Bình Nam trên trang Basam, cùng ngày 21/7:
“Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại chịu cảnh nhục nhã đớn đau như thế này: người dân chống bọn bành trướng xâm lược Đại Hán lại chịu cảnh biệt giam tù đày, bọn tham quan cúi đầu khom lưng thì vênh vang áo mão rượu thơm thảm đỏ.”…
Nhìn thấy những con người có tâm tình chân thật và thống thiết như thế ai lại không thấy tim mình thắt lại, ngực mình đau đau, cần phải hít một hơi, thật sâu.
3.
Điều kỳ diệu là vai trò của những người phụ nữ ở đây.
Bản năng và trực giác của phụ nữ khiến họ phản ứng rất nhanh và chính xác, không cần qua khâu “kiểm dịch” nhiều lúc mất thì giờ của cái đầu lý luận mà các bậc trí thức thường mắc phải.
Nguyễn Huy Thiệp từng tin rằng đất nước này còn ít nhiều tử tế là nhờ tính nữ của những người nữ.
Cũng có thể nói quá lên rằng “phụ nữ sẽ cứu thế giới”, giống như cái đẹp, hay văn hóa, sẽ cứu thế giới, ít nhất là nhanh hơn cái đúng, cái thiện.
Nhưng,
chẳng lẽ chúng ta lại thua kém lòng dũng cảm của người tù Nguyễn Xuân Nghĩa, người đã dám thét lên cho mọi người biết Điếu Cày đang tuyệt thực, dù sau đó là bị bịt miệng, lôi đi, trừng phạt. Chẳng lẽ ở ngoài trại tù, chúng ta lại không thể thét lên cho thế giới nghe điều tương tự?
Chẳng lẽ các đấng mày râu lại cứ kể các phụ nữ một mình lặn lội thân cò giữa cánh đồng chết toàn trị, còn mình thì cứ ung dung đi xơi tái những con cò, những con gà móng đỏ, những con “ghệ”, trên bàn nhậu, trong quán, trong khách sạn đèn mờ mờ?
Xin thêm: Đừng để chế độ toàn trị giúi đầu anh em xuống lỗ đàn bà và chỉ chú trọng đến những gì quanh đó.
Còn lâu toàn trị mới dẹp bỏ mại dâm vì đó là nơi xả xú bắp tuyệt hảo – giống như Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ những event hoành tráng đầy tiếng hát và hoa, để che tiếng súng, tiếng búa, tiếng giết người và tiếng thét la ở ngay sau sân nhà.
Không xả được vào gái, xin lỗi, thì đàn ông dứt khoát sẽ đập, sẽ đá, sẽ đánh và đạp đổ Đảng lúc nào cũng giả vờ cấm đụ! Xin lỗi.
4.
Không phải tình cờ mà báo The Economist gọi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là Solzhenitsyn của Việt Nam [i] khi ông mất năm 2012.
Nguyễn Chí Thiện đã liều lĩnh chấp nhận tù tội, đọa đầy và cả cái chết để đưa tập thơ 400 bài vào tòa Đại sứ Anh Quốc tại Hà Nội ngày 16/7/1978, cách đây đúng 35 năm và sáu ngày, để thế giới biết đến bóng tối dày đặc của tù ngục cộng sản Việt Nam.
Cũng không phải tình cờ mà từ 1958 đến 1968 Solzhenitsyn đã viết – và sẵn sàng chịu trừng phạt vì viết – Quần đảo Ngục tù để vạch trần trước công luận thực tại nhà tù cộng sản Liên Xô.
Từ 22/6/2013, Điều Cày đã tuyệt thực, đến nay là ngày thứ 30, và sẵn sàng chấp nhận cái chết cho mọi người biết đến sự bất công, vô lý, vô sỉ không thể tưởng tượng được của hệ thống nhà tù cộng sản Việt Nam thời hiện đại.
Có nơi nào không, tội ác và trừng phạt không dính líu gì với nhau. Dù không có tội, người tù vẫn cứ bị trừng phạt!?
Có nơi nào không, cai tù bắt tù nhân nhận tội mình không hề phạm. Không nhận thì bắt biệt giam ba tháng!?
Có nơi nào không, người tù tuyệt thực bị bỏ mặc, sống chết mặc bay; tin về cuộc tuyệt thực bị giấu nhẹm, bị bóp méo, bị bác bỏ; và ai mạnh dạn lên tiếng thay cho bạn tù thì bị bịt miệng, bị trừng trị.
Luật gì thế? Luật của mafia, của bọn cướp của giết người man rợ vô lý vô nhân?
So như thế nhiều khi đã là xúc phạm mafia hay trộm cướp! Trộm cướp nếu xuất phát từ nỗi đau nghèo khó thì vẫn còn tính người đâu đó. Cai tù cộng sản xuất phát từ quyền lực chia nhau. Mà quyền lực tuyệt đối thì làm con người hư hoại đến tuyệt đối!
5.
Đương nhiên, vài trăm tờ báo và nhà đài nhà nước không nói một câu nào!
Nhưng chẳng lẽ 70.000 nhà báo Việt Nam không đọc báo mạng à!?
Chẳng lẽ họ có đọc mà cứ ngậm miệng để ngày mai bình thản đi làm à!?
Chẳng lẽ họ cứ ngậm miệng đi làm và cứ viết những chuyện lăng nhăng nhạt nhẽo theo đơn đặt hàng được chỉ đạo từ trên, còn sự thật đắng ngắt thì lại bị nén chặt trong bụng à!?
Tôi không tin họ mất hẳn lương tri. Họ viết thì biết thế nào là láo và thế nào là thật, như biết thế nào là đúng chính tả và không sai văn phạm.
Hãy tưởng tượng sẽ có một ngày nào đó hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn nhà báo nộp đơn nghỉ việc vì không chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm.
Đó sẽ là ngày đại phúc.
Và họ sẽ gia nhập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do!
Cũng vậy, chẳng lẽ hàng triệu đảng viên không đọc báo mạng à!?
Chẳng lẽ họ sợ đọc thì ruột gan ngứa ngáy cắn rứt khó xử nên thôi cứ giả vờ như không hay biết à!?
Tôi không tin họ mất hẳn khả năng suy nghĩ. Đã biết nghĩ thì ắt biết thế nào là ngụy biện mờ đục cong queo, thế nào là thẳng thắn trong veo.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó có hàng chục, hàng trăm rồi hàng ngàn đảng viên ra khỏi Đảng, trả lại huân chương, tiền thưởng, bằng khen… để không thấy nhục vì đồng lõa.
Đó sẽ là ngày đại phúc.
Và họ sẽ trở thành những đảng viên tự do!
Có người bảo “tôi ở trong guồng máy để thay đổi guồng máy từ trong ra ngoài.”
Nói thì dễ. Lưu Hiểu Ba cũng từng viết về hiện tượng này, nhưng ông cho rằng đó chỉ là ngụy biện, là trấn an lương tâm. Rút cuộc, họ chỉ tiếp tục nuôi dưỡng chế độ bằng sự thỏa hiệp, và luôn luôn “cạo gió” lương tâm bằng cách thủ dâm tư tưởng rằng: tôi đang tìm cách thay đổi nó từ bên trong. Thân tôi ở Tào nhưng lòng tôi bên Lưu Bị! Họ cho rằng: càng lên cao tôi càng nhập sâu, càng dễ nối kết trong với ngoài làm cuộc chuyển đổi hòa bình. Chuyển đâu chẳng thấy, chỉ thấy họ giàu thêm và ngày càng có nhiều thành phần trẻ vào Đảng chỉ để vinh thân phì gia.[ii]
Thôi, cho em xin! Hãy thẳng thắn nhìn vào chính mình! Ai làm thật thì chẳng nói. Thằng hay nói thường chẳng làm! Xin lỗi.
6.
Chắc chắn cộng đồng sẽ lên tiếng, sẽ hành động, nhiều hơn những gì đã làm khi Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực.
Vì lần này còn cấp bách hơn rất nhiều:
Cù Huy Hà Vũ kết thúc tuyệt thực vào ngày 21/6, tại Trại giam Số 5, tỉnh Thanh Hóa, thì ngay ngày sau đó, 22/6, Điếu Cày đã bắt đầu cuộc tuyệt thực tại Trại giam Số 6, tỉnh Nghệ An.
Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực 25 ngày và kết thúc, trong khi mọi người chỉ được biết Điếu Cày tuyệt thực khi cuộc tuyệt thực đã bước vào ngày thứ 25!
Có nghĩa là trong 25 ngày trước đó, thay vì được dư luận quốc tế chú ý, Điếu Cày đã tuyệt thực trong âm thầm, thế giới bên ngoài không ai hay biết.
Đến khi mọi người biết thì sức lực anh đã kiệt quệ rồi, đi không được nữa rồi.
Vì vậy cần hành động rất nhanh, để bù lại khoảng thời gian đã mất, và vì sức lực của Điếu Cày đang lụi tàn cũng rất nhanh.
7.
Sẽ rất ý nghĩa nếu chị Nguyễn Thị Dương Hà, vợ người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ, lên tiếng ủng hộ tinh thần và cùng đồng hành với các chị Dương Thị Tân, Nguyễn Thị Nga, Ngô Thị Lộc, và những chị khác có chồng đang bị đọa đầy trong tù vì lương tâm.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, chị Phạm Thanh Nghiêm, tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, anh Đỗ Thành Công, cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ, chị Trần Khải Thanh Thủy, anh Tưởng Năng Tiến, các anh chị ở Little Saigon, ở Adelaide, Canberra, anh Nguyễn Văn Dũng cùng nhóm viết Tâm Thư của anh Nguyễn Xuân Diện và bằng hữu, các nhân sĩ trí thức của trang Bauxite Việt Nam, rất nhiều tác giả đã viết những bài tâm huyết, đông đảo những anh chị khác tham gia cuộc vận động dư luận bằng nhiều cách ở khắp nơi, từ Úc đến Mỹ, Ba Lan, Tiệp Khắc…, 33 học giả quốc tế gửi thư cho lãnh đạo Việt Nam bày tỏ quan ngại… họ đã là những cá nhân tạo nên cơn sốt truyền thông, kích hoạt hàng loạt những phản ứng dây chuyền, góp phần rất lớn vào kết quả của đợt đấu tranh cho Cù Huy Hà Vũ.
Chúng ta có thể tiếp tục tin vào sự tự phát của những cá nhân khác, và của những nhóm người có cùng mục tiêu, gắn kết chặt chẽ, có kỹ năng, có điều kiện, có tổ chức và có ý tưởng. Đó là những đơn vị phản ứng nhanh, trong khi cộng đồng hải ngoại nói chung sẽ là người hỗ trợ.
Hãy nghĩ “TÔI LÀ ĐIẾU CẦY” để thấy mình là một với anh.
Hãy dành một ngày, ba ngày, một tuần để là Điếu Cày, để sống như Điếu Cày, tuyệt thực như Điếu Cày, bất khuất như Điếu Cày, quyết chí như Điếu Cày cho công lý hiển lộ.
8.
Tôi vào mạng tìm chữ “PR stunts”, và đọc được 100 hình thức PR ngoạn mục trong thế kỷ vừa qua. Từ một số những hình thức tạo dư luận gây sốc và gây sốt này, xin phép có vài tưởng tượng như sau cho cuộc vận động dư luận vì Điếu Cày. Rất nhiều đề nghị là không tưởng, nhưng trong việc sáng tạo không tưởng của người này có thể gợi mở tưởng tượng của người khác và ngọn đèn trên đầu có thể bất ngờ sáng lên:
Sẽ có 30, hay 300, hay 3000 người, xếp thành một hàng dài, ôm bình bát khất thực. Họ đi 70 cây số, từ Nghệ An đến Trại tù Số 6. Lại có 300, hay 3000 người khác cùng đi đường dài tới Nhà Trắng, hoặc đi khất thực quanh Quốc hội các nước Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan. Họ không xin ăn, họ xin chữ ký. Quần chúng cũng có thể bỏ vào bình bát mỗi người một đồng, để dùng cho những hoạt động kế tiếp khi đoàn người đến đích.
Lại có hàng ngàn người nắm tay nhau đứng bao vây tòa đại sứ hay lãnh sự quán Việt Nam ở Canberra, Sydney, Melbourne, Adelaide, ở San Francisco, Los Angeles, Houston, Paris, Berlin, Praha, Moscow, Bắc Kinh… trong nhiều giờ để lên tiếng cho Điếu Cày…
Những nghệ sĩ tạo hình sẽ làm 300 tượng Điếu Cày cỡ người thật bằng thạch cao hay bằng giấy bồi và mang ra làm một cuộc sắp đặt trước tháp Eiffel ở Paris. (Về vụ này xin nhờ các nghệ sĩ tạo hình và yêu dân chủ như Đỗ Trung Quân, và các nhà phê bình mỹ thuật góp ý.) Cũng có thể dùng tượng “Bịnh” trong bộ Sinh Lão Bịnh Tử của Lê Thành Nhơn – diễn tả một người chỉ còn da bọc xương, xương sườn nhô ra như vòng cung ôm lấy khoảng không ổ bụng – làm biểu tượng chiến dịch “Tôi là Điếu Cày!”
Lại có những triệu phú viết thư gửi chính phủ Mỹ, đồng gửi báo chí thế giới, đề nghị đổi tên Washington DC thành Washington Điếu Cày trong 24 giờ đồng hồ, với số tiền là 1 triệu đô cho mỗi tiếng. Nếu điều đó quá không tưởng, thì 1000 người, 10.000 người hay 100.000 người sẽ “tràn ngập” Washington, mặc áo mang dòng chữ “I AM DIEU CAY” và phổ biến poster có dòng chữ “Washington DC = Washington Dieu Cay”.
Lại có những ngọn đèn không tắt. Mỗi người ủng hộ có thế đóng 1 USD để trang trải chi phí lắp một ngọn đèn, tiền điện, sắp đặt, bảo trì… hàng chục ngàn ngọn đèn sẽ sáng rực hàng đêm, cho tới ngày Điều Cày ngưng tuyệt thực.
Lại có những mạnh thường quân đồng loạt gửi thư đề nghị mua huyệt mộ tại các nghĩa trang dành cho người có công nhất của nhân loại, huyệt mộ này sẽ mang tên Điếu Cày và để dành cho ông nếu chẳng may ông chết vì tuyệt thực.
Những nghệ sĩ vĩ cầm, hồ cầm, đại hồ cầm sẽ mang đàn ra quảng trường ở Vienna, ở Berlin, ở Paris, hay ở giữa Hà Nội (nghệ sĩ Tạ Trí Hải đã từng nhiều lần kéo vĩ cầm xuống đường cùng Hà Nội), tại Saigon, Nghệ An, hoặc ở ngay cổng Trại tù Số 6… như Mischa Maisky đã cầu nguyện bằng nhạc của Bach trong Tổ khúc dành cho hồ cầm, cung Sol trưởng [iii] giữa một thánh đường.
Lại có 30 phụ nữ tự nguyện chụp hình nude, (dùng tay hoặc phụ liệu che chỗ kín), nhưng “chỗ ấy” thì mặc quần có hình ổ khóa to, để tỏ thái độ “tuyệt tình” – không biểu tình thì không làm tình[iv] – nếu chồng mình là nhà báo, nghệ sĩ, trí thức, cán bộ nhà nước biết chuyện Điếu Cầy mà cứ im thin thít trước cái chết cận kề của người tù lương tâm, và vẫn cứ đòi… làm tình bình thường!
Lại có những người thay nhau tự nguyện nhốt mình và tuyệt thực trong những chiếc cũi dựng lên tại những địa điểm trọng yếu trong ba ngày, một tuần.
Lại có một nhóm bạn lập trang blog dieucaytuyetthuc, họ đếm từng ngày tuyệt thực, kể lại lại câu chuyện về Điếu Cày, cập nhật từng ngày những cuộc đấu tranh, những lời phát biểu, kết nối những hoạt động vì Điếu Cày…
Còn nhiều nhiều nữa những hình thức vận động dư luận mà nhiều người sẽ nghĩ ra, khả thi hơn, thuyết phục hơn.
Dư luận thế giới giữa trùng trùng thông tin luôn cần những cú hích truyền thông, những thông điệp ngắn [sound bite] nhưng nghe là nhớ, đầy hình tượng và ấn tượng, để thông tin được lên báo, lên TV, lên mạng, lên miệng người nghe, và từ đó khiến giới chức có thẩm quyền không thể không lên tiếng.
9.
Nếu cần một chính nghĩa thì có thể nói đấu tranh bênh vực Điếu Cày – một tù nhân lương tâm mà sự chính trực không ai có thể nghi ngờ, trừ những kẻ dối trá – là một cuộc đấu tranh rất chính đáng.
Nếu có ai đó còn nghi ngại, còn chưa tin điều gì, có lẽ chỉ cần nhớ rằng: Giữa những thông tin của một bên là người con trai và người vợ của Điếu Cày vừa dũng cảm vừa chịu thương chịu khó, và của một bên là những cán bộ trại giam và hệ thống truyền thông nhà nước chuyên xuyên tạc sự thật, chúng ta chỉ được chọn một trong hai.
Và nếu anh chết, cái chết của anh rất có thể sẽ làm rất nhiều người trong chúng ta mất ngủ nhiều ngày, vì chúng ta có thể đã vì chủ quan vô tình mà hành động chưa đủ nhanh, hoặc vì đã thản nhiên, bất động, thụ động, đã cứ làm khán giả, chờ xem có ai đó làm gì ngoài kia, thay vì tự ra lệnh cho mình hành động trong điều kiện cho phép.
Khi đấu tranh chỉ được thực hiện vào “giờ rảnh” thì kết quả cũng sẽ cầm chừng, và nếu soi lại, sẽ thấy không xứng đáng với sự hy sinh cả đến tính mạng của một người dám mất hết mà không hề vì quyền lợi cá nhân.
Điếu Cày, anh chỉ đơn giản nói rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và bị đầy đọa đến gần chết. Anh chỉ đơn giản muốn bảo vệ tổ quốc cho mọi người.
Vì vậy, cũng là hợp lý và hợp tình khi thấy rằng bổn phận của chúng ta cũng là góp sức bảo vệ anh.
Cấp bách lắm rồi, con đã không nhận ra cha nữa rồi.

[i] The Economist, số ra ngày 13/10/2012. Bài báo kể lại chuyện này:
Nguyễn Chí Thiện giấu 400 bài thơ trong áo. Thời điểm là ngày 16/7/1979, tức hai ngày sau ngày kỷ niệm phá ngục Bastille [Cách mạng Pháp 1789]. Với Nguyễn Chí Thiện, đó là ngày tự do. Ông chạy băng qua cổng tòa đại sứ Anh ở Hà Nội, băng qua người gác cổng, đòi gặp đại sứ. Người gác cổng không thể ngăn ông. Trong khu tiếp khách, vài nhân người Việt ngồi tại bàn. Ông giằng co với họ, đẩy họ sang một bên, đạp đổ cả cái bàn. Trong phòng thay quần áo cạnh đó, một cô gái Ăng-lê đang chải tóc, sợ quá cô đánh rớt cả chiếc lược. Nghe tiếng động, ba người đàn ông Ăng-lê chạy ra, ông vội đưa tập bản thảo cho một trong số họ. Rồi bình tĩnh trở lại, ông chấp nhận bị bắt.
Bài báo cũng trích đoạn thơ sau đây của Nguyễn Chí Thiện:
Đảng đầy tôi trong rừng
Mong tôi xác bón từng gốc sắn
Tôi hóa thành người săn bắn
Và trở ra đầy ngọc rắn, sừng tê
Đảng dìm tôi xuống bể
Mong tôi đáy nước chìm sâu
Tôi hóa thành người thợ lặn
Và nổi lên ngời sáng ngọc châu.
[ii] Liu Xiao Bo, No Enemies, No Hatred, 2012, chương “The Spiritual Landscape of the Urban Young in Post-Totalitarian China”, trang 47-57.
[iii] Xem “Mischa Maisky plays Bach Cello Suite No.1 in G (full)” trên mạng Youtube.
[iv] Cách đấu tranh này đã được phụ nữ Liberia, do bà Leymah Gbowee lãnh đạo, áp dụng hiệu quả. “No peace, no sex” không hòa bình thì không làm tình, không yên thì không yêu. Bà Leymah cũng từng nói trước mặt nhà độc tài Charles Taylor rằng:
“[… ] Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chạy trốn rồi […]
Chúng tôi không muốn thấy con cái mình bị hãm hiếp nữa
Hôm nay, chúng tôi cất tiếng nói để bảo vệ tương lai con cái mình.
Vì chúng tôi, người giữ giềng mối của xã hội, tin rằng mai này con cái chúng tôi sẽ hỏi:
“Mẹ ơi, trong thời kỳ đen tối đó, mẹ đã làm những gì?”
Vui lòng chuyển đến Tổng thống Liberia thông điệp này.”
(Trích từ bài “Ngủ trên giường, cởi truồng giữa chợ” đăng trên Damau.org, ngày 19/11/2011)


Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh

CT Trương Sang đã đến Mỹ đi thẳng từ sân bay về "nhà".

Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới Washington DC

Nói chuyện với cán bộ ĐSQ và nhân viên các tổ chức QT tại DC. Ảnh: HM
Nói chuyện với cán bộ ĐSQ và nhân viên các tổ chức QT tại DC. Ảnh: HM
Sau 20 giờ bay, chuyên cơ chở đoàn của Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới sân bay Andrew Air Force Base (Andrew AFB) của Washington DC vào 6 giờ chiều ngày 23-7-2013. Chủ tịch Sang đi thẳng từ sân bay về phố R, nơi có tòa đại sứ của Việt Nam, nói chuyện với nhân viên ĐSQ và những người Việt công tác tại WB và IMF.

Dù sau một ngày bay, trái giờ, nhưng đến phố R cũng đã 7 giờ tối, nhưng Chủ tịch Sang trông vẫn nhanh nhẹn, cười tươi, bắt tay từng người, hỏi vài câu xã giao.
Ông dành khoảng 20 phút nói chuyện, chào và cảm ơn cán bộ nhân viên sứ quán đã vất vả chuẩn bị cho chuyến đi. Ông cũng nhắc tới WB đã giúp VN rất nhiều trong chiến lược phát triển dài hạn, cho vay vốn.

Phần còn lại, Chủ tịch Sang nói về chuyến đi Mỹ rất quan trọng, cần có những ký kết nhất định để mang về.  Thấy ông toàn dùng từ “bạn”, ta cần bạn hiểu ta, bạn biết tình hình tế nhị thì sẽ không ép, ta cần giải thích cho bạn hiểu. Không hiểu là bạn nào vì ngày xưa hai nước Mỹ Việt choảng nhau như kẻ thù truyền kiếp ;)

Chủ tịch Sang có giọng sang sảng, rõ ràng, nói ngắn gọn, không cần giấy tờ, có lẽ là cuộc gặp người nhà mình. Gặp chỉ vẻn vẹn 20 phút nhưng cũng thấy ông tự tin dù sau chuyến bay vượt Thái Bình Dương rất dài. Hy vọng vào Nhà Trắng gặp Obama, ông Sang vẫn giữ phong thái đó.

Khách mời được thông báo là họp lúc 5:30 chiều, nhưng 6 giờ hơn máy bay mới xuống, 7 giờ tối Chủ tịch xuất hiện cùng với đoàn tùy tùng, nghe nói có cả tướng Vịnh, và mấy chục thương gia tháp tùng.

Bà con đợi lâu quá nên sứ quán tổ chức cho các bà các chị đứng ở cửa tập đón Chủ tịch, tập vỗ tay, dạy một cháu cách nói “Chào bác Chủ tịch”, không được nói tiếng Anh, chỉ được nói tiếng Việt. Mọi người cười rất vui, tivi cũng quay luôn. Nếu VTV đưa cảnh vỗ tay có khi là lúc khách tập  hoan hô cũng nên :) .  Nói chung, không khí vui vẻ.

Tòa đại sứ VN hiện tại trên phố R là tòa đại sứ cũ của Sài Gòn để lại sau 1975.  Hiệu Minh Blog từng viết về bác Nguyễn Túc, người đã gửi bức điện báo cáo thường lệ về Sài Gòn vào ngày 30-4-1975 từ Washington DC. Sau khi khóa tất cả các cửa, bác Nguyễn Túc ra đi và nhìn lại lần cuối tòa nhà Đại sứ.  Chùm chìa khóa, bác giữ lại làm kỷ niệm. Nay bác Nguyễn Túc đã mất, không hiểu chùm chìa khóa đó ở đâu.
Ngôi nhà VN trên phố R. Ảnh: HM
Ngôi nhà VN trên phố R. Ảnh: HM
Tòa nhà nay đã sửa lại khá đẹp và được gọi là “Ngôi nhà Việt Nam”. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói với Chủ tịch Sang, đây là tài sản của Việt Nam duy nhất trên đất Mỹ, có “sổ đỏ và quyền sử dụng đất” hẳn hoi. Cả hội trường cười ồ.
Những nhiệm kỳ trước, đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và đại sứ Lê Công Phụng đã cất công mang bàn thờ rồng phượng vào tòa nhà này, nhưng nay không thấy nữa. Có lẽ do không hợp với kiến trúc và bài trí của ngôi nhà nên có thể đã chuyển đi. Nhưng tôi thấy thay đổi đó là hợp lý, phòng tiếp khách rộng hơn, có nhiều người đứng ngồi được hơn. Bàn thờ rồng phượng, sơn son thiếp vàng trông hơi khập khiễng trong cái villa kiểu Mỹ.

Các bà, các chị trong sứ quán vẫn giữ kiểu quê nhà, tự nầu nướng, bày cỗ mời Chủ tịch. Vốn là blogger tò mò, mình ra phía sau nhà, thấy các bà cười cười và đuổi khéo, anh vào trong kia cho mát, ngoài này nóng lắm. Sân sau toàn rau, cà chua, cà rốt đang chuẩn bị cho món salat. Phòng ăn đã sẵn sàng, mình thì đói meo, nhưng không trong danh sách mời :)

Vài ảnh gửi bà con về điểm dừng chân đầu tiên tại nước Mỹ của Chủ tịch nước. Như ông nói, chuyến đi mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai bên, khu vực và có ảnh hưởng lớn. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và phu nhân dù vẻ mặt lo lắng nhưng vui ra mặt, vì lo được chuyến đi này là thành công lớn của tòa đại sứ VN tại DC.

Ấn tượng ban đầu của Cua Times là rất tốt với nhiều hy vọng. Không hiểu sao tôi tin như vậy. Lạ thế.
HM. 23-7-2013
Trong lúc chờ đợi, bà con tập hoan hô. Ảnh: HM
Trong lúc chờ đợi, bà con tập hoan hô. Ảnh: HM
Các cháu tập tặng hoa và nói tiếng Việt. Ảnh: HM
Các cháu tập tặng hoa và nói tiếng Việt. Ảnh: HM
Bà con chào đón khách. Ảnh: HM
Bà con chào đón khách. Ảnh: HM
Chào bà con VK tại DC. Ảnh: HM
Chào bà con VK tại DC. Ảnh: HM
Chủ tịch nói chuyện thân mật trong tòa Đại sứ. Ảnh: HM
Chủ tịch nói chuyện thân mật trong tòa Đại sứ. Ảnh: HM
Nét mặt lo âu của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: HM
Nét mặt lo âu của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: HM
Nhân viên WB và IMF. Ảnh: HM
Nhân viên WB và IMF. Ảnh: HM
Ngôi nhà VN trên phố R. Ảnh: HM
Ngôi nhà VN trên phố R. Ảnh: HM
Xem thêm: Hình bóng quê nhà ở DC – nói về ngôi nhà trên phố R.
Bà con nào muốn chúc cho chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ thành công, xin nhấn 5 sao vào đánh giá. Xin cảm ơn.


Copy từ: Hiệu Minh

Có yếu tố nước ngoài.?

Trong những vụ bắt giữ, xét xử những người đấu tranh dân chủ , chúng ta thường thấy phía chính quyền đưa ra một cụm từ '' có yếu tố nước ngoài '' để làm căn cứ buộc tội.
Cụm từ này có ấn tượng đến những thành phần bảo thủ cuồng tín còn khá đông trong nước. Những thành phần bảo thủ cựu chiến binh hay những phần tử hồng vệ binh non trẻ. Hay còn ấn tượng đến những thành phần cán bộ dân phố, hưu trí thường quanh quẩn hóng chuyện thời sự qua kênh thông tin của phường hay chi bộ cơ sở. Những thành phần mà đại tá Trần Đăng Thanh coi là trọng tâm trong bài nói chuyện của mình khi diễn giải cho họ hiểu chế độ là cái sổ hưu. Một ví dụ rất thiết thực cho tầm suy nghĩ của họ.
Vì sao những thành phần nêu trên lại dễ có cảm giác căm ghét những thứ được gọi là yếu tố bên ngoài.? 
Sau khi trải qua mấy cuộc chiến tranh, nắm được chính quyền. ĐCS VN luôn nhấn mạnh với nhân dân và đặc biệt với những người trong Đảng rằng mọi sự khó khăn, gian đều do các thế lực bên ngoài là các cường quốc thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam gây ra. Luận điệu này ăn sâu vào bộ máy tuyên huấn đến mấy chục năm sau, vì nó vẫn có hiệu quả. Đến thời mở cửa, giao thiệp với các nước, nhưng ĐCS VN vẫn thích dùng cụm từ '' thế lực bên ngoài '' âm mưu phá hoại hòa bình của nhân dân ta, phá hoại đời sống kinh tế của đất nước ta.... cụm từ này dùng để giải thích việc nhà nước cần duy trì đông đảo quân đội, công an cũng như giải thích khi kinh tế trong nước có vấn đề.
'' Yếu tố nứớc ngoài '' thường hiểu là các nứớc Phương Tây. Thời kỳ mà CNXH còn tung hoành ở đông Châu Âu, thế giới chia làm hai cực. Phương Tây là một cực, còn Việt Nam nằm trong cực kia, tức các nước CNXH. Vì ảnh hưởng của lý luận phe CNXH, ảnh hưởng của hai cuộc chiến ở Việt Nam có mặt người Mỹ, Pháp...mà cụm từ '' yếu tố nước ngoài'' trở thành một cụm dễ gây lòng căm thù ở những người cộng sản VN và con cháu họ.
Cụm từ '' yếu tố nước ngoài '' về mặt pháp lý không là yếu tố buộc tội, nhưng ở một xứ sở như Việt Nam, nơi mà cảm tính được coi trọng hơn cả pháp lý. Thì việc kết tội của báo chí, tuyên truyền, dư luận quan trọng hơn cả. Bởi thế nghiễm nhiên khi nghe thấy đài báo nói rằng đối tượng A bị bắt, bị xử vì có '' yếu tố nước ngoài '' là một số bộ phận dân chúng cảm thấy hả hê và khoan khoái, họ cho rằng các đối tượng đó bị bắt là xứng đáng.
Trong số các đối tượng hả hê này , đôi khi có cả những người không phải là ĐV ĐCS, thậm chí đô khi họ còn chỉ trích ĐCS VN. Khi hai sinh viên trẻ là Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên bị bắt, một vài người đã bĩu môi nói rằng những bạn trẻ này có yếu tố bên ngoài mới bị kết án thế, còn như họ '' trong sáng đấu tranh'' thì đâu có bị làm sao.?  
Cái gọi là '' đấu tranh trong sáng '' đó không bàn ở đây do cần phải có một bài dài khác phân tích, vì nó là  sự phức tạp của nội tâm cá nhân của con người đấu tranh đó hoặc những bước hoạch định tư tưởng đầy thâm độc được nhồi khéo léo vào đầu những người đấu tranh, bởi sự lão luyện của người bảo vệ chính trị nội bộ qua những lần trà đàm, cà fe, nhậu nhẹt tâm sự.
Có điều là người ta hoan hỉ và đồng tình khi thấy những nhân vật bất đồng chính kiến, đấu tranh dân chủ , đấu tranh chủ quyền đất nước bị bắt vì có '' yếu tố liên quan đến nước ngoài ''. Nhưng họ chẳng nhận ra chính những cái lệnh bắt những người ấy vốn đã có liên quan đến '' yếu tố bên ngoài ''.
Chúng ta thống kê mẫu số chung của những người bị bắt vài năm gần đây đều thấy rõ những người này ngoài các đòi hỏi tranh đấu khác về tự do ngôn luận, dân chủ...thì họ đều có điểm chung là rất kiên quyết đòi hỏi chủ quyền biển đảo trước sự xâm lược của Trung Quốc. Nói một cách khác 95% những người bị bắt đó đều có thái độ chống chính quyền xâm lược Trung Hoa một cách rõ ràng, dứt khoát.
Sau vụ án chính trị của nhóm Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức đến nay đã 5 năm. Trong thời gian đó trở lại đây số người bị bắt vì đấu tranh dân chủ,đòi hỏi thay đổi chế độ đơn thuần chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số những người bị bắt. Đa phần số bị bắt như đã nói là có mẫu số chung là phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh, điển hình như Nguyễn Văn Hải là một ví dụ hàng đầu.
Thực ra blogge Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không có tài năng hay chuyên môn gì như nhiều các  blogge khác, về khả năng viết lách cũng như chụp hình, đưa tin. So với các nhà dân chủ khác để lý luận viết bài hay diễn thuyết hùng hồn thì Điếu Cày không sánh bằng. Nhưng tại sao Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải lại bị kết án một cách dã man đến mười mấy năm tù.?
Tại vì Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày chống sự xâm lược của Trung Quốc bằng một tinh thần cao đến mức anh thành biểu tượng cho phong trào chống Trung Quốc xâm lược ở Việt Nam ngày nay.
Điếu Cày có một tinh thần kiên định, bất khuất chống sự bành trước xâm lược của Trung Hoa mạnh mẽ và rõ ràng hơn rất nhiều người. Nếu ĐCS VN theo lý thuyết thường chú trọng trấn áp những người có khả năng làm ngọn cờ tập hợp để đấu tranh dân chủ, thì chắc hẳn hai ĐCS VN và ĐCS Trung Quốc cũng phải có những chú trọng đến những người tiêu biểu là tấm gương, ngọn cờ điển hình trong tư tưởng chống lại hành vi xâm lược biển đảo của Trung Quốc.
Bị bắt tù bởi chống sự xâm lược của ngoại bang.
Chúng ta có thể hiểu cụm từ '' yếu tố bên ngoài '' theo nhiều cách, và ở trong trường hợp những người bị tù bởi đấu tranh chống sự xâm lược của Trung Quốc thì rõ ràng ở đây Trung Quốc chính là '' yếu tố bên ngoài."


Copy từ: Người Buôn Gió

Tin vịt? NÓNG NÓNG NÓNG Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN không có bằng tiến sỹ ở Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức!

http://trantrongyen.blogspot.de/
NÓNG NÓNG NÓNG
Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN không có bằng tiến sỹ ở Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức!
Hôm nay 25 tháng 7 năm 2013 tôi có gọi điện thoại đến trường Đại học Otto-von-Guericke-Universität Magdeburg

(Được thành lập năm 1993 từ việc sát nhập ba trường cũ là Technische Universität, Pädagogische Hochschule und Medizinische Akademie Magdeburg.)
Số telefon của trường 0049-0391-6701 người ta đã giới thiệu cho tôi đến phòng lưu trữ (Archiv telefon 0049-0391-6712780) và
Câu trả lời là Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức
Không có sinh viên nào, không có nghiên cứu sinh nào tên là Nguyễn Thiện Nhân sinh ngày 12 tháng 6 năm 1953. Tôi ngạc nhiên hỏi lại đến ba lần nhưng câu trả lời vẫn vậy.
Xem:http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/tieusulanhdao?personProfileId=726&govOrgId=2856

Tóm tắt tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân


Sinh ngày: 12/06/1953.
Quê quán: Trà Vinh.
Học hàm, học vị: Giáo sư – Tiến sỹ.
Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI
Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, XIII
6/1970-12/1979: Nhập ngũ, sau đó học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979)…

Chỉ cần suy luận đơn giản là ta có thể tìm ra vấn đề: năm 19 tuổi (1972) ông Nhân sang Đức du học thì 1 năm đầu phải học tiếng Đức( Thời đó chưa có ai sang học bằng tiếng Anh). Sau đó là học đại học từ 4 năm đến 4 năm rưỡi (tổng cộng là 5-6 năm) ngoài ra còn có thời gian thực tập sau đại học( khoảng 1 năm) thời gian còn lại là 1 đến 2 năm để làm nghiên cứu sinh thì không đủ vì thông thường là thời gian này phải từ 3-4 năm. Trong khi tiểu sử ghi thì ông Nhân du học ở Đức là 7 năm( 1972-1979).

Vậy mong Thủ tướng chính phủ và Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam làm minh bạch vấn đề này!


LTH FB

NLG: Không lẽ ban TCTW không kiểm tra và xác minh chuyện này?

tham khảo:

Một tư liệu quý về Ông Nguyễn Thiện Nhân, tân Ủy Viên BCT, P.Thủ tướng,“Fulbrighter”



Copy từ: Người Lót Gạch

Một chế độ có thể cầm tù thể xác con người, nhưng không thể cầm tù tinh thần của họ.


Tòa án có thể kết tội và bỏ tù một người bất đồng chính kiến, nhưng người bất đồng chính kiến có quyền không nhận cái tội đó, vì đơn giản bất đồng chính kiến không phải là tội!
Một chế độ có thể cầm tù thể xác con người, nhưng không thể cầm tù tinh thần của họ. Hoặc là chết. Hoặc là phải được sống tự do. Thế nên con người ta luôn có xu hướng đấu tranh đòi cái tự do sống đó, kể cả những người cộng sản cách đây hơn 80 năm. Thế nhưng giành được tự do cho mình rồi, không có nghĩa là lại đi tước đoạt tự do của kẻ khác.
Có bao giờ nhà cầm quyền tự hỏi, tại sao chế độ ban hành ra đủ thứ luật để hạn chế, cấm đoán quyền con người mà vẫn không ngăn cản được họ lên tiếng không? Dường như họ quên một câu nói quen thuộc: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” – nguyên văn : "Ở đâu có áp bức, thì ở đó không thể tự do, không thể bình đẳng,v.v. “
http://www.marxists.org/vietnamese/lenin/1918/oct/10.htm
Khi nghe tin anh Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) đã tuyệt thực 25 ngày trong tù (tôi sẽ chỉ dùng một từ duy nhất là nhà tù như đúng bản chất của nó), rất nhiều người lo lắng và phẫn uất. Nếu như tù nhân nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa không bất chấp bị kỷ luật, đã liều mạng báo tin Điếu Cày tuyệt thực cho vợ biết, thì có thể Điếu Cày sẽ chết âm thầm trong tù chỉ vì một lý do đơn giản nào đó như ốm đau bệnh tật, chứ không phải chết vì không chịu nhận tội. Với nhà cầm quyền thì có thể sinh mạng của người tù thật rẻ rúng, nhưng với những người bình thường khác thì không! Sinh mạng con người là quý giá, chỉ sau tự do mà thôi.

Theo lời con trai anh Điếu Cày kể lại trên mạng, lúc cháu bước vào gặp bố thì thấy anh đang nằm gục đầu trên bàn. Cháu phải lấy tay đập mạnh vào tấm kính ngăn giữa hai bố con, thì bố cháu mới lấy hai tay chống đầu lên, chứng tỏ sức anh đã kiệt lắm rồi.
Anh Điếu Cày đã xác thực việc anh tuyệt thực, để phản đối việc nhà tù ra quyết định biệt giam anh 3 tháng, khi không  ép được anh nhận tội. Anh nói sẽ tiếp tục tuyệt thực, cho đến khi nhà tù phải bãi bỏ lệnh biệt giam anh, kể cả việc phải đổi mạng sống để chống lại những việc làm bất chấp pháp luật của ban lãnh đạo nhà tù – trại giam số 6, tổng cục 8.
Khi biết tin anh Điếu Cày tuyệt thực, và vợ con anh lặn lội từ Sài Gòn ra Vinh đã ba lần. Chủ nhật, ngày 20/7/2013, một đoàn 9 người chúng tôi từ Hà Nội vào Vinh để gặp vợ con người tù anh hùng này, mong được chia sẻ và hỗ trợ tinh thần phần nào với vợ con anh.
Tôi xót thương và cảm phục những con người này đã lâu, nay mới được gặp lần đầu tiên. Thực sự thấy xót xa trong lòng. Nghe chị Tân (vợ anh Điếu Cày) kể mẹ con chị bị đánh nhiều lần, tôi không tưởng tượng nổi kẻ khốn nạn nào đó lại có thể ra tay đánh đập phụ nữ như vậy. Không chỉ đánh, chúng còn cướp điện thoại, máy tính, kể cả lột áo họ đang mặc trên người, hòng ngăn cản mọi khả năng tố cáo những việc làm phi nghĩa của chúng. Bởi thế hai mẹ con không dám mang máy tính đi theo. Điện thoại chỉ dùng loại rẻ tiền nhất.
Chúng tôi nghỉ cùng mẹ con chị Tân một đêm. Sáng thứ hai chúng tôi đi cùng mẹ con chị Tân đến Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An. Mục đích của việc đến đây là gửi đơn yêu cầu viện kiểm sát tỉnh giải quyết đơn kiếu nại của anh Điếu Cày, về quyết định sai trái của nhà tù trại 6 biệt giam anh 3 tháng.
Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi bước vào trụ sở Viện kiểm sát tỉnh.
Phòng tiếp dân tối thui, vắng hoe.
Ở các cơ quan nhà nước, đầu tuần lãnh đạo thường giao ban buổi sáng, công việc các phòng ban có vẻ chểnh mảng. Dường như ở cơ quan công quyền này cũng không ngoại lệ. Cho dù cháy nhà hay chết người thì cũng cứ từ từ, lãnh đạo còn bận họp nên có “giải” cũng không có ai “quyết” cả.
Mọi người sốt ruột đi đi lại lại, ngó vào phòng văn thư, đề nghị cô ta đi báo cho người có chức năng ra tiếp công dân. Chừng nửa tiếng sau mới có hai người đàn ông mặc đồng phục xanh ra hỏi chúng tôi là ai, ở đâu. Qua cách thức làm việc của họ, tôi thấy hoặc họ coi dân như cỏ rác, hoặc không chuyên nghiệp như mời dân vào phòng, bật đèn, mời ngồi, hỏi có đơn không mà cứ đứng lằng nhằng căn vặn ở ngay sảnh ra vào.
Tính mạng một người tuyệt thực đến ngày thứ 30 đang được đếm từng giây từng phút, vậy mà họ cứ đủng đỉnh thế này thì ai có thể bình tĩnh được? Cuối cùng họ cũng mời chúng tôi vào phòng, bật đèn, nhưng không ngồi vào vị trí tiếp dân mà cứ đứng căn vặn chúng tôi là ai. Sau khi bị chúng tôi phản ứng, một tay giới thiệu là trưởng phòng định ngồi xuống tiếp chúng tôi thì tay kia lại ngăn lại, gọi anh ta ra ngoài trao đổi. Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh lấy làm lạ bèn bảo:
-  Ở cơ quan này hay thật, nhân viên lại chỉ đạo cả trưởng phòng!
Nghe chừng tức khí, tay trưởng phòng bèn mặc kệ, cứ ngồi xuống. Mặc dù cầm trên tay tờ đơn, nhưng tay trưởng phòng như muốn câu giờ, cứ rề rà hỏi thông tin về họ tên, địa chỉ, quan hệ...
Mọi người sốt ruột bảo, mọi thông tin có trên đơn rồi, anh cứ đọc sẽ biết. Nói bã bọt mép hơn nửa tiếng nữa, trưởng phòng tiếp dân mới hiểu là gia đình đang hỏi về lá đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hải gửi từ nhà tù – trại giam số 6 từ ngày 24/6. Sau khi chậm rãi mở sổ, chậm rãi dò tìm, cả nhân viên lẫn trưởng phòng đều bảo Viện không nhận được lá đơn nào.
Mục đích thì có 2 yêu cầu:
1/ Ông Nguyễn Văn Hải đã có đơn gửi Viện kiểm sát tỉnh (là có quan giám sát việc thực thi luật pháp của các cơ quan chức năng, trong đó có nhà tù – trại giam số 6). Nay gia đình gửi đơn, yêu cầu Viện kiểm sát Nghệ An giải quyết đơn của ông Hải.
2/ Nếu Viện kiểm sát tỉnh không nhận được đơn của ông Hải thì đề nghị xác nhận bằng văn bản, để gia đình có bằng chứng đối chất với lãnh đạo nhà tù – trại giam số 6
Yêu cầu 1/ là nhận đơn của gia đình thì tuy có lề mề , nhưng cũng được giải quyết mà không phải chạy đi hỏi ý kiến ai đó. Đến yêu cầu 2/ thì bắt đầu chạy loạn lên để xin ý kiến.
Có mỗi việc xác nhận chưa nhận được đơn của anh Điếu Cày mà xem chừng khó hơn cả “rặn đẻ”. Thấy chúng tôi bức xúc, anh chánh văn phòng bèn mời chúng tôi vào phòng, uống chè xanh “hạ nhiệt”. Trong lúc Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh phản ánh về thái độ xấc ngược với dân của một tay kiểm sát viên, hai bên tranh luận một số việc về chuyện dân đóng thuế để nuôi nhà nước. Anh chánh văn phòng (CVP) có vẻ hoài nghi về việc này, vặn lại bằng một câu nghe quen quen:
- Đừng hỏi Tổ quốc làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh bẻ lại ngay:
- Anh đừng nhầm lẫn. Nhà nước không phải là Tổ quốc.
Anh CVP vội né, từ chối tranh luận. Câu chuyện ngắt quãng bởi những cú điện thoại. Khi cuộc chuyện trò được tiếp tục thì anh CVP lại nêu câu hỏi khác:
- Thử hỏi không có nhà nước này, thì làm gì có độc lập, tự do?
Chúng tôi ai nấy đều kinh ngạc về nhận thức của “đám đày tớ”. Mặc dù tôi rất nhẹ nhàng lái anh ta vào cuộc đấu lý, nhưng anh ta lại một lần nữa lẩn như trạch, từ chối tranh luận. Chúng tôi cũng không kỳ vọng gì ở anh CVP, vì chung quy anh ta cũng chỉ là con tốt. Việc chính của chúng tôi là việc của anh Điếu Cày.
Mãi vẫn chưa có được cái giấy xác nhận là Viện KS chưa nhận được đơn, chúng tôi kéo nhau lên tầng 4, vào phòng quản lý trại giam gì đó. Tay trưởng phòng xác nhận cách đây 10 ngày, có đến thăm anh Điếu Cày. Chúng tôi hỏi ông có tìm hiểu nguyên nhân anh Điếu Cày tuyệt thực không, thì ông ta trả lời lúc ấy đã hết giờ, nên chỉ hỏi thăm bình thường thôi !!!
Một ông trưởng phòng quản lý về trại giam, nghe tin tù nhân tuyệt thực hai chục ngày, đi sáu bảy chục cây số đến trại chỉ để hỏi thăm bình thường rồi về? Và hôm nay, nghe tin người tù ấy đã tuyệt thực sang ngày thứ 30, trong khi người thân và bạn bè lo lắng cháy ruột cháy gan thì cả giọng nói lẫn vẻ mặt của ông ta hoàn toàn dửng dưng, bình chân như vại.
Vô cảm trước sinh mạng của người khác cũng là tội ác. Tôi nghĩ sự độc ác của những con người này thật không có giới hạn, lẽ ra bọn họ mới là những kẻ phải ngồi trong xà lim thì đúng hơn.
Sự ề à của tất cả bọn họ đều có vẻ cố tình câu giờ. Vì yêu cầu của mẹ con chị Tân rất đơn giản, nhận đơn của gia đình và xác nhận không nhận được đơn của anh Điếu Cày. Sau khi thấy cù nhầy mãi không được, họ đành phải ký vào đơn yêu cầu xác nhận của mẹ con chị Tân.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, đến với anh Điếu Cày.

Lời kết còn bỏ ngỏ

Con đường hơn sáu chục cây số đến nhà tù trại 6 mất non nửa là ổ trâu. Nhờ có người dẫn đường nên chúng tôi đỡ vất vả hơn. Đến trước nhà tù trại 6 là gần 2 giờ chiều. Chúng tôi đợi đúng đến 2 giờ mới cùng mẹ con chị Tân đến cửa ra vào. Chỉ có hai cậu lính gác mặt non choẹt, không đeo biển hiệu đứng gác. Mẹ con chị Tân yêu cầu cho vào gặp lãnh đạo nhà tù thì được trả lời chưa đến giờ làm việc. Hỏi mấy giờ làm việc thì họ trả lời mười lăm phút nữa!
Chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp nhưng cậu lính gác ngăn lại, chỉ biển báo khu vực cấm quay phim chụp ảnh. Hỏi phạm vi cấm bao nhiêu mét, từ chỗ nào đến chỗ nào thì cậu lính không trả lời. Nom họ cứng đờ như hai súc gỗ. Hỏi bất cứ điều gì cũng không trả lời, một mực im lặng và vác mặt lên giời.
Mười lăm, hai mươi phút trôi qua vẫn chẳng thấy ai ngoài hai cậu lính gác. Chúng tôi gay gắt yêu cầu họ báo cho lãnh đạo nhà tù. Không khí nóng lên cả về hai nghĩa. Mãi rồi một bộ mặt mới cũng xuất hiện bên trong ô cửa, nhưng viên trung úy này cũng không khá hơn hai cậu lính kia. Mặc chúng tôi trình bày, chất vấn, thậm chí nổi xung lên, tay trung úy vẫn nhất mực im lặng ngoài việc nói đã báo cáo lãnh đạo.
 
Tiết thu oi ả, ngột ngạt. Vài thân nhân đi thăm tù cũng bảo, đã đợi vạ vật ngoài cổng từ sáng mà chưa được vào. Hơn 3 giờ, rồi 3 rưỡi, mẹ con chị Tân vẫn phải chờ đợi bên ngoài.
Hình ảnh: Quá mệt mỏi. Cái này có cả hình đày tớ đứng bên cạnh.
Con trai anh Điếu Cày và blogger Nguyễn Tường Thụy trước cổng nhà tù trại 6
Một tay trung tá đi xe máy từ ngoài vào liền bị chúng tôi chặn lại ở cổng, dứt khoát không cho vào. Yêu cầu ông ta phải can thiệp, hỏi cho ra nhẽ tại sao khi sức khỏe của tù nhân Nguyễn Văn Hải đang rất nguy kịch, thân nhân của ông Hải đã vượt hàng ngàn cây số đến đây để yêu cầu gặp lãnh đạo nhà tù, lại phải chờ đợi suốt cả buổi chiều mà không ai tiếp họ?
Rốt cuộc tay trung tá phải bỏ xe ở ngoài cổng và đi vào bên trong. Một gã mặt non choẹt đứng bên trong, cầm máy quay chúng tôi. Tôi tiến đến trước mặt gã, nhìn thẳng vào ống kính thì gã bỏ đi.
Gần 4 giờ mẹ con chị Tân mới được mời vào. Nhưng chỉ hơn mươi phút đã thấy hai mẹ con quay ra, nói họ không cho gặp anh Điếu Cày vì đã hết tiêu chuẩn gặp mỗi tháng 1 lần, rằng anh Điếu Cày không hề tuyệt thực, rằng đơn anh Điếu Cày tố cáo không đúng sự thật nên họ chả gửi đơn của anh đi đâu cả.
Thế đấy! Láo khoét. Dối trá. Vô lương tâm. Ngu xuẩn. Họ thực sự không biết mình là ai. Sẵn sàng ngồi xổm lên pháp luật. Với những con người như thế, số phận những người tù khốn khổ lại tròng thêm một án tù vô hình khác. Ở nơi heo hút này, ai là người quan tâm đến những bất hạnh của họ?
Đã gần hết ngày, thân nhân tù lặn lội vào cái nơi xa xôi này để rồi ngồi chờ đợi trong vô vọng. Chúng tôi hiểu trường hợp anh Điếu Cày hẳn đã vượt quá thẩm quyền của nhà tù trại 6. Có thể có một sự chỉ đạo ngầm nào đó từ bên trên, chứ chắc những người ở đây có gan giời cũng chả gánh nổi trách nhiệm nếu để anh Điếu Cày chết. Xét về tình cảm, nếu chúng tôi không ở bên anh Điếu Cày lúc này là không đành. Nhưng ở đây với những bức tường câm lặng này cũng chẳng ích gì.
Cuộc đấu tranh vì  Điếu Cày còn dài. Khi chúng tôi trở về Hà Nội, được biết mẹ con chị Tân hôm sau lại lên Viện kiểm sát tỉnh, nhưng họ cứ để mẹ con chị ngồi đó cho đến hết giờ làm việc. Khi tôi kể lại sự việc này, cuộc tuyệt thực của anh Điếu Cày đã bước sang ngày thứ 34. Thật khó lời nào tả nổi cảm xúc trong tôi lúc này. Cái đói bỗng quặn lên, đau nhói trong dạ.


Copy từ: Phương Bích