CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

CUỘC TẤN CÔNG BÍ ẨN NHẰM VÀO MỘT BLOG VIỆT NAM

Tác giả: David Brown – cựu nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ với nhiều kinh nghiệm về VN.
Người dịch: Nguyễn Thành (Defend the Defenders)
Thứ hai, 18/3/2013
Khoanh vùng các nghi phạm thông thường…
 Hai mươi tháng trước, một thành viên của nhóm khởi xướng blog Anh Ba Sam– nguồn tin “ngoài luồng” hàng đầu ở Việt Nam – đã tìm cách tiếp xúc với tôi. Họ hỏi tôi có phiền gì không nếu họ đăng bản dịch tiếng Việt của một bài mà tôi đã viết về cuộc khủng hoảng đang ngày một trầm trọng trên Biển Đông.

 Tôi đồng ý, và từ đó bắt đầu một mối quan hệ mà nhờ nó các bài viết của tôi về Việt Nam đương đại được bạn đọc Việt Nam và người Việt Nam ở hải ngoại biết đến nhiều hơn là vài ngàn bạn đọc trên Asia Sentinel và các ấn phẩm trực tuyến khác của khu vực.
1 Gần đây, cho đến ngày 8-3, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi trên blog Ba Sam về việc Hiến pháp Việt Nam cần được sửa đổi như thế nào. Không có gì lạ ở đây cả; Quốc hội sẽ biểu quyết về một văn bản mới vào mùa thu, và  họ đã kêu gọi nhân dân bày tỏ quan điểm tham gia góp ý.
Tin lời cơ quan lập pháp, các bài bình luận được đăng trên Anh Ba Sam nghiêng mạnh về hướng giải phóng các quyền con người được bảo đảm trong Hiến pháp hiện hành khỏi việc bị vô hiệu hóa bởi một loạt các hạn chế lấy cớ an ninh quốc gia.
Nó cũng cổ vũ mạnh mẽ cho việc giảm bớt sự độc quyền của Đảng cộng sản trong việc ra các quyết định chính trị và giải phóng tòa án và truyền thông chính thống khỏi sự chỉ đạo quá mức về chính trị.
Việc này gần như chấm dứt vào ngày 8-3, khi blog Ba Sam bị chiếm đoạt hoàn toàn. Các bài báo và bình luận nhiều năm qua đã bị xóa. Các tài khoản e-mail của nhóm biên tập viên blog cũng bị xâm hại. Nhóm Ba Sam không thể giành lại quyền kiểm soát anhbasam.wordpress.com. Tuy nhiên, đó là một bi kịch có thể kiểm soát. Tất cả dữ liệu đã được sao lưu trên các máy chủ ở nước ngoài, trừ nội dung của một vài ngày (gần nhất).
Nhưng rồi sau đó, vào ngày 13/3, tin tặc lại tấn công, tung lên một đoạn kể lể mà chúng bảo là của biên tập viên điều hành website, đoạn này ráp nối các email và các bức ảnh lại với nhau. Cũng giống như tất cả các màn tuyên truyền hiệu quả khác, đây là một sự pha trộn giữa sự thực và bịa đặt. Một độc giả ngây thơ có thể kết luận rằng đội ngũ Anh Ba Sàm là bọn phản đảng, phản động ở Mỹ, mưu toan lật đổ chính quyền Hà Nội.
Phóng đại thật. Họ là những người phê phán chế độ một cách sắc bén, chắc chắn như vậy rồi, nhưng ưu tiên hàng đầu của Anh Ba Sàm  là đăng tải những bản tóm lược khách quan các sự kiện, tin tức ở Việt Nam và về Việt Nam. Bản tóm lược đó bám theo tin tức thời sự 24/7 (24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần). Như chúng ta có thể thấy, blog này đã dành sự chú ý đặc biệt cho những câu chuyện mà hệ thống truyền thông bị nhà nước giám sát của Việt Nam không thể đăng tải. Thực đơn hàng ngày của blog là bản điểm tin thu hút sự chú ý của hơn 100.000 bạn đọc thường xuyên.
Ngoài ra, blog Anh Ba Sam còn đăng rất nhiều bài bình luận, chủ yếu là của một đội ngũ xuất sắc gồm các học giả Việt Nam, các vị lão thành cách mạng và quan chức về hưu. Và họ cũng đăng các bài viết của tôi mỗi ba hoặc bốn tuần về các vấn đề quản lý môi trường, văn hóa truyền thông, các chính sách kinh tế thất bại, các động thái của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách lố bịch của họ, và những nỗ lực vụng về của chế độ và đảng cầm quyền nhằm cải cách chính sách đất đai, chỉnh đốn nền kinh tế chệch choạc và viết lại Hiến pháp quốc gia.
Vụ xâm nhập Anh Ba Sam làm tôi khó chịu và đó là lý do tại sao tôi viết bài này với ngôi xưng thứ nhất. Chúng tôi đã có một mối quan hệ nghề nghiệp nghiêm túc. Nhóm Ba Sam cho rằng các bài viết của tôi đáng để các độc giả Việt Nam chú ý. Và, tôi biết được một điều rằng những gì tôi viết chắc chắn sẽ được xuất hiện trong một bản dịch ở đâu đó trong thế giới blog tiếng Việt, tôi muốn những gì được cho là của tôi ít nhất cũng đúng là những gì tôi muốn nói. Thỏa thuận của chúng tôi là các tình nguyện viên của Ba Sam sẽ gửi các bản dịch của họ cho tôi, và với sự giúp đỡ từ một người bản xứ đã bằng lòng cưới tôi 44 năm trước, tôi sẽ kiểm tra xem họ dịch có đúng không.
Vào tháng 9-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành một “hướng dẫn” ủy quyền cho công an mạng Việt Nam theo dõi các blog đăng các bài “vu khống, bịa đặt, xuyên tạc và sai sự thật” về các lãnh đạo nhà nước. Cùng lúc đó, ông Dũng phải chiến đấu để giữ ghế, và thật dễ nghĩ rằng chỉ thị của ông ta chỉ đơn giản là  đòn đánh vào sự bảo trợ của các đối thủ trong nội bộ Đảng đối với các blog chống Dũng một cách thô tục.
Tuy nhiên, sáu tháng sau đó, một kẻ nào đó đã đánh sập̣ blog hay nhất Việt Nam, cái blog không hề có sự thù ghét cụ thể nào đối với Dũng. Sự giám sát và những nhận xét chế giễu của Anh Ba Sàm là nhằm vào cả hệ thống, hàng ngày, chứ không chỉ là bản thân Dũng.
Với sự bảo mật chặt chẽ hơn và thêm một URL mới, anhbasam04.wordpress.com, blog Anh Ba Sam đang được xây dựng lại, và thế là trò chơi mèo đuổi chuột giữa cộng đồng những nhà báo tự do của Việt Nam và các cơ quan an ninh nội địa của họ lại tiếp tục.
Điều rõ ràng nhất là, giống như cỏ dại trong vườn nhà tôi, hệ thống báo chí tự do trên mạng của Việt Nam có thể bị đánh sập liên tục nhưng không thể bị tiêu diệt. Một số blogger có thể chọn cách đơn giản là đầu hàng thay vì phải ngồi tù hoặc mất sinh kế. Nhưng nhiều blog mới sẽ xuất hiện để thay thế. Cho dù công an mạng Việt Nam có tinh vi đến như thế nào chăng nữa, những nhà bất đồng chính kiến, được Internet tiếp sức, vẫn ở ngoài khả năng kiểm soát của công an. Trong thời đại Internet, chính quyền Hà Nội lẽ ra có thể thảo luận có lý có lẽ với những người phê phán mình, hơn là cố sức đàn áp họ.
Nguyễn Thành (Defend the Defenders)
*source Asia Sentinel




Copy từ: Anh Ba Sàm

NHÀ NƯỚC TÌM MỌI CÁCH MÓC TÚI DÂN


Bằng mọi cách, mọi thủ đoạn, một số cơ quan, doanh nghiệp hết đường xoay xở kiếm chác tiền của nhà nước quay ra soi mói, tìm cách móc túi dân. Họ cho rằng đó là cái kho vô tận, khai thác tối đa để giải quyết những khó khăn của cơ quan hoặc doanh nghiệp của mình.
Và cách nhanh nhất, hiệu quả nhất khiến anh dân cứ trơ thân cụ ra để họ móc túi là ban hành một nghị định, một thông tư nào đó có tính pháp lý là đám dân đen chỉ việc thi hành.
Khi đã thành luật, thành quy định thì anh nào không thi hành sẽ phạm tội “chống đối”, có khi còn là tội “phản động”… những cái tội được đưa vào cái trại được gọi là “trại cải tạo”, tù mọt gông. “Cải tạo” cho những thằng khác sợ phải lòi tiền ra, phải ngậm miệng để trở thành những con cừu ngoan ngoãn nằm xuống cho người ta xén trụi lông.


Tất nhiên ngoài khó khăn ra, họ còn làm giàu trên những đồng tiền xương máu của người dân. Bởi vậy gần đây mới có những “đề xuất” những “kiến nghị” cực kỳ phi lý và ngay cả những quyết định, dự thảo luật đôi khi cũng không nằm ngoài mục đích móc tiền của dân. Có thể đây cũng chỉ là hành động “tung đòn gió” để đo lường phản ứng, nếu xuôi chiều mát mái thì làm tới, không lọt thì rút lại, đâu có mất mát gì.
Nhưng có một thực tế họ cần phải hiểu rằng những ngón đòn gió đó làm người dân hoang mang, sẽ làm mất lòng tin, có khi sợ hãi, đề phòng và dễ dàng biến thành đối nghịch, thù ghét nếu không muốn nói là thù hận đối với những “bộ óc của quỷ”. Nhưng cũng có khi lại là những phát minh, những sáng kiến của những người làm chính sách, họ không cố tình mà chỉ là những người ngồi trên trời vẽ ra chính sách, họ ăn lương cao, chức lớn nhưng hoàn toàn không hiểu gì về đời sống của người dân. Chỉ trong một thời gian rất gần đây, đã có khá nhiều những quyết định, những dự thảo bị phản đối nên phải rút lại.

Một “đề xuất móc túi” điển hình

Đó là “kiến nghị” của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Sài Gòn đã được gửi tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm gửi Ngân hàng từ mức gởi 500 triệu đồng trở lên! Ông hy vọng đánh thuế vào tiền lời của dân, họ sẽ chuyển sang đầu tư vào ngành bất động sản đang “chết đứng như Từ Hải” của ông. Ông chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) tung một “đề xuất” nặng mùi “nhóm lợi ích”, nhòm ngó, săm soi những đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân.
Người ta tự hỏi, phải chăng BĐS quen hưởng lợi trên sự mất mát to lớn của số đông người dân mà cơ chế tạo ra suốt thời gian dài nên giờ lại mon men muốn hưởng tiếp lần nữa để vượt qua khó khăn?

Đại gia từ bóng tối bước ra

Hãy thử nhìn lại nguyên nhân sự xuống dốc nhanh chóng của BĐS VN. Ai cũng biết BĐS VN đang trong cơn khủng hoảng nặng. Tuy nhiên, nhiều ngành khác cũng bị khủng hoảng đã nhận được sự cảm thông chia sẻ rất nhiều từ công luận, còn BĐS thì không! Lúc Bộ Xây dựng đưa ra “phương án cứu BĐS”, nhiều ý kiến đã phản đối gay gắt. Cái gì cũng có nguyên do! Việc cứu BĐS bị phản ứng nhiều bởi đây là ngành đã làm mưa làm gió suốt một thời gian dài, đẩy giá thị trường nhà ở các đô thị lên mức cao nhất thế giới. Cũng nhờ lợi nhuận khủng bao năm qua, BĐS đã đẻ ra hàng loạt đại gia từ bóng tối bước ra.
Chẳng thiếu gì ông tay trắng, bà tay đen, đang đói rách kinh niên bỗng chốc trở thành tỉ phú, đại gia, ăn chơi lừng lẫy nhờ vào mua bán lòng vòng bất động sản. Chuyện này làm nhức mắt nhiều người nên ai cũng biết và các đại gia lại càng thích thú vì danh tiếng nổi như cồn, nhà sang như cung điện, làm đám cưới cho con như làm “lễ hội”, tốn vài chục tỉ, coi như đồ bỏ. Con trai hầu hết là những công tử, cặp kè toàn chân dài siêu hạng, con gái là những tiểu thư đài các nay đi Mỹ mai đi Nhật, toàn là tổng giám đốc, giám đốc công ty mẹ công ty con, anh nào cũng phát thèm. Bắt chước thú chơi sang của những ông vua dầu hỏa, bữa ăn chơi vài chục ngàn đô là chuyện hàng ngày ở huyện…
Nguồn lợi nhuận khổng lồ của BĐS lấy được từ mất mát lớn lao của biết bao người dân bị thu hồi đất, thu hồi nhà với giá đền bù thấp so với khi bán ra của các dự án BĐS trên mảnh đất của dân. Mức chênh lệch có khi gấp vài chục lần giữa giá đền bù cho dân và giá bán nền của nhà đầu tư! “Cơ chế”- hay nói thẳng ra là “luật lệ” – hồi đó đã ban cho những nhà đầu tư những dự án, những cơ hội quý hơn vàng suốt thời gian dài mà nhiều ngành khác không có được.

Nhiều ngành đang cần cứu hơn bất động sản

Sự đầu cơ quá nhiều lợi lộc, quay cuồng như ma trận đã dẫn thị trường BĐS vào cửa tử. Nhiều người trở thành đại gia bỗng chốc trở thành con nợ khổng lồ, ôm dự án chịu trận, để lãi mẹ đẻ lãi con.
Làm ăn có thắng có thua là nguyên tắc bất di bất dịch khắp thế giới này. BĐS đã được hưởng lợi từ “cơ chế” quá nhiều, nay gặp khó khăn xin được “cứu” nghe không thuận chút nào! Xét về tình cảm, lý trí lẫn đạo đức đều không lọt lỗ tai! Đó là lý do khiến dư luận có nhiều quan điểm, ý kiến không đồng tình. Bởi nếu “cứu” thì phải dùng tiền ngân sách, tức đồng tiền của dân đóng thuế!
Hơn nữa, nếu vì vai trò quan trọng với nền kinh tế cần phải “cứu”, thì hiện nay có rất nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp sản xuất cần phải “cứu” hơn, phải tiếp sức cấp bách hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn ngành nông nghiệp mà đối tượng chính là nông dân đã đóng góp cho đất nước gần 22 tỷ đô la xuất khẩu trong điều kiện họ vẫn phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”; xuất khẩu được nhiều ngoại tệ trong khi nông dân thua lỗ!
BĐS sống hay chết là do chính các ông quyết định. Bán nhà bán đất giá trên trời, lời hàng ngàn tỉ, dân vẫn đói dài, tiền đâu mà mua nhà. Hạ giá xuống đúng như giá trị thật của nó, may ra các ông tự cứu được.

Lấy dân Mỹ ra so sánh là ngớ ngẩn

Chủ tịch BĐS Sài Gòn Lê Hoàng Châu lấy cớ hiệp hội của ông đề nghị cần sửa ngay chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát) và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Ông còn nhấn mạnh: “Trên thế giới không nước nào có lãi suất tiết kiệm thực dương như Việt Nam”, nên cần phải đánh thuế!
Ông cho rằng các nước khác đã làm như vậy song ông không biết rằng, các nước ấy đã có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt, bảo đảm cuộc sống cho người mất sức lao động, người về hưu và người thất nghiệp, đau ốm! Đời sống của họ vững vàng, đồng tiền không mất giá, không biết nhảy múa, không xáo trộn từng ngày. Còn dân VN mở mắt ra thấy giá cả tăng vùn vụt, thuế phí lu bù. Không thể biết ngày mai no hay đói, thiếu hay đủ. Già yếu, bệnh tật không có tiên để dành thì ai nuôi? Không có tiền nộp cho bệnh viện chỉ có nước nằm ngoài hè đừng hòng ai cứu.
Vì vậy nên ở VN tiền gởi ngân hàng đúng như tên gọi là “tiết kiệm”, tức là phòng thân lúc bất trắc, lúc về già, ốm đau. Thế nên so sánh như vậy là ngớ ngẩn.
Ông đã gặp ngay phản ứng quyết liệt từ nhiều nhà nghiên cứu và hàng ngàn ý kiến của người dân lương thiện. Tôi chỉ nêu vài ý kiến gần nhất:
- Mr. An Minh viết: Đừng cào cấu hỡi Hiệp hội Bất động sản Sài Gòn, tại sao khi các ông ăn nên làm ra, các ông không hô hào đóng thuế ngành nghề các ông mạnh vào, giờ thua lỗ tính chuyện gỡ gạc tùm lum.
- Bạn duonghn viết: “Việt Nam có lãi suất tiết kiệm thực dương? Tôi nghĩ ông nhầm lẫn vì những năm gần đây hầu như lãi suất đều nhỏ hơn lạm phát”.
- Bạn Hoang Chuc: hoangchuc@yahoo.com kêu gọi những người quên mất lương tâm: “Nếu đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm, chắc chẳng còn ai dám gửi tiền vào ngân hàng nữa! Xin các “đại gia” sau khi đã tung ra bao chiêu trò ảo thuật làm cho người dân thất điên bát đảo rồi, no túi rồi thì đừng làm người dân kiệt quệ thêm nữa. Ông Châu có lẽ chẳng bao giờ biết rằng 500 triệu tiền gửi tiết kiệm là mồ hôi xương máu của người lao động, có khi phải tích lũy từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác từ trẻ tới già mới có được. Ôi! chỉ khổ người dân lao động mà thôi! Xin hãy đứng từ vị trí của người lao động mà xem xét vấn đề, hỡi những người có lẽ đang quên mất lương tâm!”
- Bạn thanhbinh quyết định dứt khoát: Nếu bi đánh thuế tôi sẽ rút tiền mua USD vì:
1) Đồng tiền VND mỗi năm một mất giá so với USD.
2) Lạm phát của VN cao hơn lãi suất tiền gởi.
3) Việc đánh thuế là không hợp lý vì như thế tôi đã bị đánh thuế thu nhập 2 lần.

Chưa biết chính phủ và NHNN VN nghĩ sao trước những “đề xuất” khôn lỏi này. Ngành nào cũng chăm chú soi mói cái túi tiền của dân, đúng là một nguy cơ mà người dân phải gánh chịu, chẳng khác nào “thù trong giặc ngoài”, luôn phải ở tư thế phòng thủ kẻo nó móc tới ruột non ruột già, không chừa bất cứ thứ gì.

“Huy động sức dân” hay móc túi dân

Lâu nay người ta thường nghe nói đến một cái tên rất đẹp là “huy động sức dân” mỗi khi cần phải giải quyết một mục tiêu hay tăng lợi nhuận, Thực ra đó là “chiêu” móc túi dân. Dường như đã thành “căn bệnh” trầm kha, thành một thứ “hội chứng bất trị của thời đại”.
Ở mức độ nào đó thì việc “huy động sức dân” là cần thiết vì nhà nước sống được là do dân nuôi. Nhưng lạm dụng như thời gian qua, thành “hội chứng” thì không bình thường hay phải gọi là đáng báo động!
Ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng nghề cụ thể thì chiêu móc túi biến hóa khôn lường tùy lúc tùy thời.
Nhắc đến ngành điện lực người ta liền nghĩ tới căn bệnh “tăng giá” triền miên. Dù danh xưng là công ty song nhờ độc quyền nên ngành điện dễ dàng áp đặt mọi chuyện lên đầu “thượng đế”! Mặc dù không phải lần nào đề nghị tăng giá điện cũng được Bộ Công thương và Chính phủ thông qua song chưa năm nào người sử dụng điện thoát khỏi nạn tăng giá. Có năm ông điện tăng tới 3 lần mà vẫn chưa hài lòng! Điệp khúc “giá điện trong nước vẫn thấp hơn giá một số nước” là chiêu bài để “ông” này móc túi người tiêu dùng.
Tiếp theo là “ông” xăng dầu. “Ông” này chơi cao tay hơn vì có lúc giảm giá, song tựu chung vẫn là “lùi một bước để tiến ba bước”. Giảm 1 ngàn, tăng 3 ngàn.

Hết tăng giá đến thu phí

Đáng sợ nhất là ông giao thông vận tải với khẩu hiệu nổi tiếng: “Đóng phí giao thông đường bộ là yêu nước”! Vì không phải là doanh nghiệp nên “ông” này không tăng giá mà “soi” vào túi tiền của người dân bằng chiêu thu phí.
3 năm nay “ông” này “đề xuất” ra nhiều loại phí đánh vào phương tiện đi lại của người dân. Chiếc xe máy, xe hơi lâu nay đổ xăng đã phải gánh phí đường bộ 1.000 đồng/lít, nay đề nghị thu thêm “phí duy trì bảo hành đường bộ”, tức phí đè lên phí để rút tiền của người dân. Phương tiện đi lại chẳng khác gì đôi chân, sống chết gì cũng phải đi làm, đưa con đi học nên dù vô cùng ấm ức, người dân cũng phải chịu.

“Chính chủ” của mày đâu rồi?

Tiếp đến là “đề xuất” phạt xe không chính chủ. Tức khắc bị dân phản ứng gay gắt, nay đã phải dừng lại. Nhưng hai chữ “chính chủ” trở thành chuyện mỉa mai, khôi hài đầu lưỡi. Cặp vợ chồng vừa cưới, chưa kịp làm hôn thú, người ta nói đùa là “chúng mày chưa chính chủ”. Hai cô chân dài ngồi đấu láo với nhau lại hỏi “chính chủ của mày đâu rồi”? Chuyện luật lệ nhà nước biến thành chuyện tiếu lâm. Chẳng hiểu đầu óc các nhà làm chính sách, làm luật này “có vần đề” gì đây?
Chiều 11-3, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng cho biết đã rút bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ ra khỏi dự thảo nghị định xử phạt vi phạm giao thông dự định ban hành vào ngày 1-7.
Tuy nhiên, nói chuyện với báo mang VnExpress, ông Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Bộ Công an) khẳng định, quy định về xử phạt xe không sang tên đổi chủ trong Thông tư 11 đã nêu rất rõ, nên bắt đầu từ ngày 15/4 CSGT vẫn sẽ áp dụng theo quy định. Ông Tuyên nói: “Hiện tại quan điểm của hai bộ không giống nhau nên quy định này sẽ phải trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Công an là vẫn sẽ xử phạt nghiêm những xe không sang tên đổi chủ”.
Người dân hiện đang bị “treo lửng lơ” giữa những bất đồng của hai bộ.

Cuộc chiến mũ bảo hiểm đang căng

Đến chuyện đội mũ bảo hiểm “dởm” bị phạt 200 ngàn đồng, dự tính áp dụng từ đầu tháng 4 – 2013, lại bị dân la làng. Từ ba bốn năm nay, mũ bảo hiểm (MBH) bán đầy đường, đầy chợ, góc phố, ngã ba… chỗ nào cũng bày bán tràn lan, hàng thật hàng dởm lẫn lộn.
Chẳng người dân nào muốn chết vì tai nạn giao thông nên cũng muốn mua loại mũ thật mũ tốt. Nhưng họ không thể phân biệt được mũ nào đúng quy cách, mũ nào chỉ để “che mắt CSGT”. Cũng phải công nhận một sự thật là tình trạng ở VN, người lao động nghèo còn nhiều lắm, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đủ ăn là mừng rồi. Giá nón thật khá đắt, trong một thời gian ngắn, nhà có chừng 5-10 người, chưa thể có đủ tiền mua.
Ấy thế mà cũng có cơ quan đền nghị phạt anh dân đen trước. Dân nháo nhào, các cơ quan lại giải thích túi bụi. Cuối cùng giải pháp đưa ra là “Với mũ bảo hiểm giả, không bảo đảm chất lượng mà người dân khó nhận biết, cơ quan chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở.” Dân thoát được một mối lo, tuy nhiên, sáng 14-3, 4 bộ vừa quyết định ngừng ban hành thông tư mà theo đó sẽ phạt người đội MBH “dỏm” thì ngay trong chiều cùng ngày vị quan chức Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại tuyên bố sẽ xử phạt người đội MBH không có đủ 3 lớp. Thật ra MBH giả cũng thừa sức làm mũ có ba lớp.
Chưa biết “cuộc chiến Mũ bảo hiểm” này sẽ đi về đâu.

Trạm thu phí bủa vây

Đặc điểm chung của các “kiến nghị”, “đề xuất” móc tiền của người dân là các ông này viện dẫn nước này nước kia đã làm, họ đều lờ tịt đi hoàn cảnh, điều kiện của các nước khác tốt hơn VN gấp nhiều lần. Tỷ dụ như việc thu phí chồng phí giao thông đường bộ, đường sá thiên hạ tốt hơn, các trạm thu phí không dày đặc bủa vây như ở VN…
Thậm chí hiện nay có cả những trạm thu phí “lụi” tức là trạm thu phí không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Cụ thể trường hợp vửa xảy ra. Sau khi phát hiện trạm thu phí không bảo đảm an toàn tự động và hoạt động không có giấy phép, một doanh nghiệp đã quyết định đưa vụ việc ra tòa án. Chiều 11-3 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Giám đốc Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Thuận An (11/8 KP.Đông, P.Vĩnh Phú, TX.Thuận An) đã nộp đơn lên Tòa án Thị xã.Thuận An kiện Trạm thu phí Lái Thiêu trên đường ĐT745 (P.Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương) vì thu tiền mà không có giấy phép hoạt động. Theo tố cáo của nhiều người dân, khi sử dụng xe hơi lưu thông từ hướng hầm Thủ Thiêm ra xa lộ Hà Nội, lúc qua trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội họ vẫn bị thu phí, mặc dù UBND TP.Sài Gòn quy định không thu phí với những xe này.
Như vậy, có thể thấy rằng, có sự không công bằng giữa người dân và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp độc quyền và tổ chức Hiệp hội. Các ông chủ tịch chỉ chăm chú vào “lợi ích nhóm” và những biến tướng vô cùng tinh ma của nó.

Chuyện đáng làm không làm

Trong khi đó có nguồn lợi lớn thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm thì cù cưa đến nay vẫn chưa làm. Thí dụ việc cho quảng cáo trên xe buýt tại TP Sài Gòn. Người dân đặt câu hỏi: vấn đề này đã được đặt ra lâu lắm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển động nào hết. Các nước người ta đã cho quảng cáo trên xe buýt từ lâu, nhiều tỉnh thành ở VN cũng đã đồng ý cho thực hiện nhưng ở TP.Sài Gòn thì không. Vì sao? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Nếu chỉ vì quản lý không được mà cấm thì năng lực quản lý quá yếu kém.
Mỗi năm TP.Sài Gòn phải trợ giá cho xe buýt hàng trăm tỉ đồng lấy từ ngân sách, là tiền của dân đóng góp. Trong khi đó có nguồn thu cả trăm tỉ đồng từ quảng cáo thì lãnh đạo TP lại từ chối. Thành phố đang thất thu một khoản ngân sách khá lớn. Chỉ có một quyết định cho quảng cáo trên xe buýt hay không mà kéo dài mấy năm nay (mỗi năm mất hơn trăm tỉ đồng). Tại sao vậy? Người dân chờ câu trả lời của các ông lãnh đạo TP.

Xây Nhà hát Giao hưởng trong công viên để làm gì?

Trong khi đó, UBND TP Sài Gòn vừa chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch trong Công viên 23/9 với diện tích 1,2ha, có 2 khán phòng chính, sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành. Công trình này được giới hạn bởi các đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, tọa lạc tại trung tâm quận 1, khu vực được mệnh danh là vị trí vàng của TP. Công trình dự trù đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.
Chủ trương này cũng đang bị “ném đá” tơi bời. Bởi lẽ quá dễ hiểu là trong tình hình kinh tế suy thoái, xây dựng nhà hát giao hưởng là quá phí phạm, nhất là Nhà hát lớn Thành Phố mỗi năm cũng chỉ có lèo tèo vài vở diễn, giờ xây thêm cái nhà hát to đùng để ngắm nữa sao? Vả lại thưởng thức nhạc giao hưởng chưa phải là nhu cầu của người dân, ngay cả với những người được gọi là trí thức và hiểu biết âm nhạc. Hơn thế mật độ giao thông khu vực này quá dày đặc rồi. Lại thu hẹp khoảng xanh rất lớn vốn rất ít ỏi của thành phố để xây dựng nhà hát và bãi đậu xe của nhà hát. Đúng là chuyện… ngược đời!

Còn nhiều quy định “lẩm cẩm” đang trong vòng tranh cãi

Thưa bạn, đó chỉ là ba điều bốn chuyện với những “đề xuất” điển hình về máu “tham” của một số ông Chủ tịch tập đoàn cùng một vài quy định lạ đời tại VN. Còn khá nhiều những quy định khác cũng không kém phần “lẩm cẩm” của các ông làm ra luật, đẻ ra lệ. Thí dụ quy định “tay sáu ngón không được lái xe”; dự thảo về luật cư trú, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng. Và những vấn đề gay go, gây nhiều tranh cãi như đề nghị “nổ súng bắn kẻ chống người thi hành công vụ”, còn rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại xung quanh dự thảo nghị định này; lật tẩy những “bẩn” ghê người của showbiz Việt”; bất bình về cảnh người lao động Trung Quốc làm việc chui tại VN…

Theo Văn Quang (Thông Luận)

Nguồn TTHN


Copy từ: Cảnh Sát 4Sao

Việt Nam được vay 250 triệu USD cải cách quản lý kinh tế


(VOV)- WB vừa phê duyệt khoản tín dụng hỗ trợ Việt Nam cải cách quản lý kinh tế nhằm tạo ra năng suất và khả năng cạnh tranh cao hơn.
Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản Tín dụng hỗ trợ Quản lý và Cạnh tranh Kinh tế đầu tiên (EMCC 1) cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam cải cách quản lý kinh tế nhằm tạo ra năng suất và khả năng cạnh tranh cao hơn.
Trong đó, EMCC 1, khoản tín dụng đầu tiên trong chuỗi 3 khoản tín dụng, sẽ cấp 250 triệu USD tài chính ưu đãi để hỗ trợ cải cách trong bảy lĩnh vực chính sách, bao gồm: Khu vực tài chính; Chính sách tài khóa; Hành chính công và trách nhiệm giải trình; Quản lý doanh nghiệp nhà nước; Quản lý đầu tư công; Hiệu quả môi trường kinh doanh; Bình đẳng và minh bạch của môi trường kinh doanh.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Chuỗi tín dụng EMCC với mục tiêu dài hạn là hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới, tập trung vào khả năng cạnh tranh và chất lượng của tăng trưởng”. Chương trình cải cách kinh tế này sẽ diễn ra trong 3 năm tới.
EMCC sẽ giúp giám sát các chính sách kinh tế vĩ mô; và đảm bảo rằng sẽ hỗ trợ nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ. Ổn định kinh tế vĩ mô là một ưu tiên hàng đầu để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, do đó, đây cũng là mục tiêu cốt lõi của EMCC.
Quản lý đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng là những chủ đề quan trọng của chương trình này, phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ trong cải cách cơ cấu.
 EMCC cũng ưu tiên những nỗ lực của Chính phủ để giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật tài chính, vì đây là những điểm rất quan trọng, ảnh hưởng tới năng suất và khả năng cạnh tranh.
Theo đánh giá của WB, Việt Nam đã tiến hành cải cách quan trọng vào đầu những năm 90 và đã góp phần tăng khả năng cạnh tranh giúp thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo nhanh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng quá trình cải cách đang chậm lại trong những năm gần đây, và vì thế, cần những cải cách mới để giải quyết sự thiếu hiệu quả của tái cấu trúc, thúc đẩy việc sử dụng hiểu quả nhân lực và vốn, tăng năng suất của cả nền kinh tế./.


Copy từ: VOV

"Không có căn cứ việc 141 Hà Nội đánh gãy xương gò má dân"


(GDVN) - Chiều 20/3, Công an TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo thông báo kết quả điều tra ban đầu về vụ lực lượng Y5/141 bị “tố” đánh anh Nghiêm Duy Hoàng (23 tuổi, quê ở xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gãy xương gò má. 
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Trần Thùy – PGĐ, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội chủ trì cuộc họp cho biết, đây chỉ là kết luận ban đầu, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra.

CSGT đưa chiếc xe máy của anh Nghiêm Duy Hoàng khỏi hiện trường (ảnh người dân cung cấp cho báo nld.com.vn)

Theo báo cáo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT Hà Nội, vào khoảng 15h30’ ngày 14/3, anh Nghiêm Duy Hoàng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe máy và giấy tờ tùy thân, vi phạm Luật Giao thông nên tổ công tác Y5/141 làm nhiệm vụ ở ngã tư Minh Khai – Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, HN) đã ra lệnh dừng xe.

Lúc này, anh Hoàng đã không chấp hành và quay đầu bỏ chạy, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông, do đó lực lượng Y5 kiên quyết ngăn chặn.

Căn cứ lời khai các nhân chứng, kết quả khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm thu thập các dấu vết trên phương tiện xe máy anh Hoàng sử dụng, kết quả giám định các dấu vết, công cụ hỗ trợ, các thương tích trên người anh Hoàng và cơ chế hình thành thương tích, cơ quan điều tra kết luận như sau:

"Do vi phạm trong quá trình tham gia giao thông nên khi bị phát hiện, kiểm tra, Hoàng đã cố tình chạy trốn, chống lại sự kiểm tra của công an. Và khi bỏ chạy với tốc độ cao, trên đường có nhiều vật cản, Hoàng đã đâm xe máy vào dải phân cách nên đã bị nhiều thương tích trên cơ thể. Việc anh Hoàng khai bị lực lượng 141 đánh là không có căn cứ".

Về việc thu thập tài liệu về nhân chứng, có 2 nhân chứng khai nhìn thấy CSCĐ dùng gậy đánh vào mặt anh Hoàng làm anh Hoàng ngã và dải phân cách. Bản kết luận nêu: “Qua thực nghiệm điều tra, do các nhân chứng này đứng ở những góc quan sát khác nhau, ở xa nên có thể lầm tưởng việc cầm gậy nhựa giơ ngang để ra hiệu lệnh dừng xe của CSCĐ là hành vi đánh anh Hoàng.

Trên cơ sở căn cứ kết quả giám định cơ chế hình thành dấu vết để lại trên gò má phải anh Hoàng, dấu vết để lại hiện trường, kết quả giám định trên gậy nhựa do CSCĐ mà cơ quan điều tra thu giữ, các lời khai nhân chứng khác, đủ căn cứ xác định lời khai của 2 nhân chứng này là không khách quan”.

Trước đó, Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của một số cán bộ trong tổ công tác Y5/141, để phục vụ công tác điều tra. Và tướng Thuỳ khẳng định sự thay đổi này không hề làm ảnh hưởng tới các tổ công tác 141 khác cũng như sự hoạt động hiệu quả của 15 tổ công tác 141 vốn có từ trước đến nay.

Ông Thuỳ cũng cho biết, vụ việc này đã được giao cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội trực tiếp điều tra làm rõ. Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ trong tổ Y5 có vi phạm thì Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội sẽ có quyết định xử lý nghiêm. Còn trong thời gian tới đồng loạt các tổ công tác đặc biệt 141 vẫn sẽ hoạt động để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thủ đô.
Quang Tuệ 


Copy từ: GDVN

Một ngày để nhớ


Tuy là dân toán, nhưng giáo sư Hoàng Xuân Phú lại là người chụp ảnh khá đẹp, có cả tài làm thơ, đặc biệt có những bài viết cực kỳ sắc về mảng xã hội. Với tư duy của một nhà toán học, ông phân tích các vấn để một cách rõ ràng, mạch lạc và khúc triết, để người bình thường nhất cũng có thể hiểu một cách dễ dàng. Đó là điều không phải ai cũng làm được. 
Hân hạnh quen biết ông qua những cuộc biểu tình, tôi không dám "khoe" là được đôi lần "hầu" chuyện ông, sợ thiên hạ giễu mình là bon chen. Vả lại, ông cũng chẳng thích mấy blogger hay "bô bô cái miệng". 
Lần này giáo sư chỉ viết một bài tường thuật bình thường, về một buổi lễ tưởng niệm đơn sơ nhưng đầy ắp tình người.  Giữa khoảng không bao la của trời đất, những mái đầu xanh kề bên những mái đầu bạc, cùng nhìn về một hướng. Không có quá khứ, sao có tương lai? Thắp được nén hương, dâng được những cánh hoa..., lòng tất cả những người bên bờ sông hôm ấy như trút được phần nào nỗi day dứt, ít nhiều đều cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản trong lòng.
Xin dẫn bài tường thuật của giáo sư Hoàng Xuân Phú cùng những bức ảnh do chính tay ông chụp.


Hoàng Xuân Phú

Sáng ngày 17/3/2013, chúng tôi rủ nhau tổ chức một buổi tưởng niệm các đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh ở biên giới phía bắc, nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày Trung Quốc buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2-3/1979. Để có được những giờ phút tâm linh yên tĩnh nhất, chúng tôi chọn bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội. Nơi đó không thuộc phạm trù "nơi công cộng" theo định nghĩa tại Thông tư số 09/2005/TT-BCA, nên về lý thì "họ" không thể viện dẫn Nghị định số 38-2005-NĐ-CP để cản trở "tập trung đông người". Tuy nhiên, thực tế cho thấy "họ" không cần lý, mà chỉ "thích thế" là đã có thể ra tay... Thành thử, để khỏi hỏng việc như hôm 17/2/2013, chúng tôi kín đáo chuẩn bị và chỉ báo cho rất ít người biết để tham gia.


Các bạn trẻ rất nhiệt tình, luôn tự giác, xông xáo, lo toan.
Một chỗ cao hơn hẳn xung quanh được chọn để đặt bàn bày lễ vật.

Sắp lễ gần xong, thì phát hiện ra chỗ cao nhất lại là chỗ bẩn nhất. Không thể chọn đống phế thải làm nơi bày tỏ tình cảm thiêng liêng, nên đành phải… "tự diễn biến". Và tuổi trẻ đóng vai trò xung kích trong mọi đổi thay.

Không dễ tìm ra chỗ sạch sẽ trên bờ sông quê hương đã đầy rác rưởi, nhưng không phải là không có. Và nơi thấp nhất lại là nơi sạch nhất.
Mỗi người góp một tay khi "nhà có việc".
Không chọn một vòng hoa lớn – có thể hoành tráng, nhưng lại dễ hư hỏng và phảng phất cô đơn, mà làm 12 vòng hoa nhỏ - giản dị nhưng ấm cúng trong đội hình tập thể, tượng trưng cho một tiểu đội, và xếp thành hàng ngay ngắn, như các chiến sĩ trước giờ ra trận thuở nào. Một quy định được chấp hành nghiệm ngặt: Vòng hoa chỉ được kết từ thực vật, tuyệt đối không sử dụng hoa giả, xốp và các vật liệu có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường. Như vậy vừa trọn vẹn về tâm linh, vừa không để "họ" có cớ cản phá.
Đẹp dáng xung phong.
Dày dạn và thận trọng, anh Ba Sàm (tức Nguyễn Hữu Vình) thăm dò đáy sông…
… để rồi tác nghiệp.
Đúng 11h00, buổi lễ tưởng niệm bắt đầu.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang tuyên bố lý do.
Người người chìm trong nỗi nhớ.
Nghẹn ngào trong sâu thẳm
Gửi lửa lòng qua ngọn lửa hồng
Mỗi người thắp một nén hương
10h30 chúng tôi đến địa điểm đã chọn. Thật ấm lòng khi thấy mấy thanh niên mặc áo phông in bản đồ Tổ quốc, với hình trái tim ở vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và lời khẳng định "Nhân dân không quên!"
Cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy lặng lẽ, chậm rãi hơn hẳn thường lệ…
… đợi đến lượt mình, rồi cắm 3 nén hương ở 3 nơi.
Phải chăng, với người cựu chiến binh ấy, thì sự hy sinh của đồng đội quá nhiều nên không thể gộp chung làm một?
Các cựu chiến binh Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Quang A tưởng nhớ đồng đội.
Trao chút lòng thành
Vấn vương trong khói
Gửi tình theo gió
Công đoạn chuẩn bị cuối cùng…
… là cài lên mỗi vòng hoa một quyển lịch bỏ túi…
… in hình cô gái. Tại sao chúng tôi lại làm như vậy? Trong những năm tháng nghèo đói ấy, người ở lại thường tặng cho người ra trận chút quà nho nhỏ làm kỷ niệm, trong đó hay có quyển lịch. Và những chàng trai chưa kịp yêu, chưa một lần cầm tay con gái, thích cất giữ trong ví một tấm ảnh người đẹp hoàn toàn xa lạ, như thể đó là chân dung người yêu của mình. Chính vì thế, chúng tôi chọn những quyển lịch bỏ túi in hình người đẹp, cài lên vòng hoa, như thể dúi vào túi chàng trai ra trận.
Lúc tiễn đưa
Hương tỏa khói nhạt nhòa nước mắt
Bỗng Phương Bích reo lên…
Các Anh đã hiển linh!
Tiễn biệt
Thẳng tắp như hàng quân ra trận thuở nào
Những cánh hồng thắm được rải xuống mặt sông Hồng, như những giọt lệ của "cô gái nhà bên thẹn thùng chưa giám nói".
Lần chia tay này chúng tôi không giám vẫy
Chỉ lặng nhìn
Lặng nhìn
Dần khuất bóng
Xa xa
Để kỷ niệm một ngày đáng nhớ, cựu chiến binh quân đội Nguyễn Anh Dũng đề nghị chụp chung với cựu chiến binh công an Nguyễn Đăng Quang một kiểu "lực lượng vũ trang". Tôi hỏi: "Lực lượng vũ trang của ai?" Các anh cười hiền lành: "Của Nhân dân!"
Chẳng hiểu anh Ba Sàm có nghĩ mình cũng là cựu chiến binh hay không, mà cũng chen vào giữa. Với đôi bàn chân lấm bùn, anh có vẻ đại diện cho bà con nông dân… Văn Giang. Giáo sư Nguyễn Đông Yên và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng áp sát hai bên. Họ đại diện cho nhân dân, dang tay đùm bọc "lực lượng vũ trang của nhân dân".
Trước lúc chia tay
Giáo sư Nguyễn Đông Yên đề nghị "đổi ca phó nháy", để tôi xuất hiện một lần trong ảnh.
Hà Nội, 20/3/2013


Copytừ: Phương Bích

BƯỚC ĐẦU GIẢI MÃ ĐẠO BÙA Ở ĐỀN HÙNG

VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ HÒN ĐÁ MANG ĐẠO BÙA TẠI ĐỀN HÙNG
Nguyễn Kiên Giang

Đọc được thông tin về nghi vấn: phải chăng Đền Hùng đã bị Tàu trấn yểm bằng một hòn đá mang đạo bùa? Nhiều khách hành hương về Đất Tổ tỏ ra lo lắng và phản ánh lại, blog Chú Tễu đăng bài và chia sẻ trên mạng facebook. Tôi rất quan tâm vì thấy đây là vấn đề hệ trọng, nhất là đối với niềm tin tâm linh của đồng bào hướng về thánh địa thờ phụng Tổ Vương và dư luận cộng đồng; thuộc lĩnh vực ít được quan tâm và nghiên cứu một cách chính thống. Mong muốn mọi người cùng giải mã để làm rõ hơn vấn đề.

Sau khi tham vấn những bằng hữu có nghiên cứu, cùng sự hỗ trợ về mặt Hán văn của TS Nguyễn Xuân Diện, với kiến văn hạn hẹp của mình về lĩnh vực trên, tôi xin chia sẻ một số nhận định sau:

I. Xét bản thân hòn đá:

1.  Mặt thứ nhất (hình 1):
a.  Dấu ấn: bên trên mặt đá này là một dấu ấn hình vuông chứa bốn chữ Hán “Tổ Vương Tích Phúc”: có ý ca ngợi và thỉnh cầu.

b.   Dòng chữ chạy dọc bên trái mặt đá là chín chữ Phạn “Án Chiếc Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha”: đây là câu thần chú vi diệu nhất trong Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú của Phật giáo mật tông, trì tụng thần chú này sẽ tăng phúc, giải tội, an gia trạch và trừ quỷ mị. Có thể vẽ chín chữ ấy thành như cái mặt “Viên minh bố liệc phạm thư đồ” để mỗi đêm thường quán tưởng. (tham khảo tại: http://www.daibi.vn/2012/09/mat-tong-phat-mau-chuan-de/)

c.  Dòng chữ chạy dọc bên phải mặt đá là Hán tự, bốn chữ không bị khuất là “Bách Giải Tiêu Tai…”: có thể đó là “Bách Giải Tiêu Tai Phù” (bùa giải tai ách trong một trường hợp) – tên của đạo bùa (họa tiết lớn màu đen nằm giữa nặt đá) (tham khảo tại: http://www.truyen-thong.org/so30/77.html)

2. Mặt thứ hai (hình 2): mặt này gồm đa số đồ hình xen kẻ với các ký tự khác nhau
 
a. Phần trên: gồm các chữ “vãng”, nghĩa  là “xa”(dấu thập ngoặc - ngược lại là chữ “Vạn”) nằm trong một vòng tròn nối nhau thành từng cụm, có một chữ nằm trong hình tam giác. Có thể đây sự thể hiện đồ hình tinh thần “Viên Dung” (vườn rộng - chứa đựng bao la) của Phật gia, vị trí và sự kết nối của thành cụm của chúng giống như chỉ dẫn tinh thần và phương hướng cho phần đồ hình bên dưới.

b. Phần dưới: là một đồ hình gồm các vòng tròn nhỏ nối nhau. Đồ hình này rất giống với “Bát trận đồ” của Khổng Minh đời Tam Quốc (Trung Hoa) bố trí (hình), có tác dụng bảo vệ vô cùng vững chắc.

c. Dòng chữ Phạn chạy dọc rìa trái: Sáu chữ cuối chính là Lục tự đại minh chân ngôn “Án Ma Ni Bát Mê Hồng” – tâm chú của Quán Thế Âm Bồ Tát, câu thần chú lâu đời và quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Có nghĩa là: Viên ngọc quý bên trong tòa sen (chỉ Phật tâm của con người)! (tham khảo: http://phatphap.wordpress.com/2008/11/28/y-nghia-cau-chu-om-mani-padme-hum/

Các phần còn lại thì chưa rõ.

II. Chân đế của hòn đá:

Có hình Bát quái và chứa quẻ Càn (đơn quái), nghĩa là “Trời”, theo Dịch học. Quẻ này cũng hàm chỉ “vua”. Điều này ứng hợp với vị trí tọa lạc và những ý nghĩa đã bàn đến ở trên.

Điều này cũng vậy: hòn đá (Thạch) trên quẻ Càn (Thiên) ứng với Quẻ được kết hợp bởi Nội quái là Càn hay Trời và Ngoại quái là Cấn hay Núi. Đó chính là quẻ “Sơn Thiên Đại Súc”, ý ngĩa là “Tụ dã. Tích tụ. Chứa tụ, súc tích, lắng tụ một chỗ, dự trữ, đựng, để dành. Đồng loại hoan hội chi tượng: đồng loại hội họp vui vẻ, cục bộ” (tham khảo: http://www.blogphongthuy.com/?p=4573
 
III. Nhận định sơ bộ:

* Như vậy, nếu xét như trên, đây là một đạo bùa Cát (lành) nhằm ca ngợi và thỉnh cầu phúc đức, tích tụ linh khí (có thể là của một cá nhân nào đó!).

* Tuy nhiên, không loại trừ các trường hợp sau:

- Nếu, những chi tiết chưa rõ khác của hòn đá có thể làm đổi ngược lại công dụng như đã nhận định, thì bản thân hòn đá này cũng không đủ “pháp lực” để gây tổn hại đáng kể cho một nơi có khí thiêng hùng hậu như thánh địa thờ tự Tổ Vương được, trừ khi còn có những sự sắp đặt khác xung quanh (sự trấn yểm phải dùng lực ngang bằng và trả giá ngang bằng!).

- Nếu, hòn đá mang đạo bùa có công dụng như nhận định, nhưng có sự sắp đặt xung quanh nhằm triệt chính công dụng của nó (nơi tích tụ linh khí) thì đó cũng là một cách trấn yểm.

* Vậy, muốn nhận định chính xác hơn, ngoài việc giải mã hết những chi tiết chưa rõ của bản thân hòn đá, còn cần phải xác định:


-    Nó từ đâu?
-    Vị trí của nó trong đền?
-    Có hay không các “vật nghi vấn” xung quanh nó?
-    …

Theo thiển kiến cá nhân tôi, nếu hòn đá được cơ quan chức năng (được sự cho phép của Ban quản lý di tích) đặt ở đấy nhằm mục đích tạo ảnh hưởng tốt cho Đền Hùng về lĩnh vực tâm linh thì phải lý giải có cơ sở thuyết phục cho đồng bào được rõ. Còn nếu không phải vậy, mà do “ai đó” mang vào đặt ở đấy, bảo là tặng Đền, trong khi Ban quản lý không hiểu rõ về nó thì ngay lập tức di dời, trả lại cho Đền tình trạng trước đó. 


Đền Hùng không phải là nơi để “ai đó” đặt bùa cầu an, cầu phúc, lộc… cho bản thân và gia tộc!

N.K.G

Ảnh phóng to, để tiện theo dõi:

 Hình 1

Hình 2
 Úm ma ni bát mê hồng

 Bát trận đồ của Khổng Minh

Sách PHÙ THUẬT VIỆT NAM của tác giả Lê Văn Lân
trong tủ sách của Nguyễn Xuân Diện


   
  


Copy từ: TSNguyễn Xuân Diện