Bản dịch của Huỳnh Thục Vy
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Văn phòng Theo dõi và Đấu tranh chống Buôn người
BÁO CÁO VỀ NẠN BUÔN NGƯỜI NĂM 2013
Việt Nam (Bậc 2)
Việt Nam là điểm xuất phát, và ở mức độ
nhỏ hơn, là điểm đến của nạn buôn bán tình dục và cưỡng bách lao động
đối với phụ nữ và trẻ em. Việt Nam là điểm
xuất phát của tình trạng đàn ông và phụ nữ đi xuất khẩu lao động bằng
những cách riêng hoặc thông qua các công ty cổ phần, công ty tư nhân,
công ty quốc doanh tuyển dụng lao động để xuất khẩu. Đàn ông và phụ nữ
Việt Nam cũng đi xuất khẩu lao động thông qua những công ty tuyển dụng
lao động không chính thức trong ngành xây dựng, đánh cá, nông nghiệp,
khai thác quặng, khai thác gỗ và sản xuất, chủ yếu là đến Đài Loan, Mã
Lai, Hàn Quốc, Lào, các Tiểu Vương quốc Ả Rập và Nhật Bản, và với mức độ
ít hơn, là đến Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Nam Dương, Anh, Cộng
hòa Sec, Cyprus, Pháp, Thụy Điển, Cộng hòa Trinidad và Tobago, Costa
Rica, Nga, Lybia, Ả Rập Saudi, Jordan và nhiều nơi khác ở Trung Đông và
Bắc Phi. Một số công nhân này sau đó phải đối mặt với tình trạng lao
động cưỡng bách. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán tình dục khắp
Châu Á, thường bị lừa gạt bằng những hứa hẹn gian lận về cơ hội lao động
và bị bán vào những nhà chứa ở biên giới Campuchia, Trung Quốc và Lào,
một số người cuối cùng được đưa đến các nước thứ ba như Thái Lan và Mã
Lai. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị cưỡng bách bán dâm ở Hàn Quốc, Nam
Dương, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai, Singapore và Nga.
Các công ty xuất khẩu lao động của Việt
Nam, hầu hết là có liên kết với các công ty quốc doanh, và những người
môi giới không được cấp phép, như được biết, là đã đòi những công nhân
này một số lệ phí vượt quá mức pháp luật cho phép để nhận được cơ hội đi
lao động ở nước ngoài. Vì thế, công nhân Việt Nam thường mắc nợ nhiều
nhất trong số các công nhân châu Á lao động ở nước ngoài, điều này khiến
họ dễ bị cưỡng bách lao động, bao gồm tình trạng làm nô lệ lao động để
trả nợ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người Việt Nam đi xuất khẩu
lao động phải trả những khoản phí cao, điều này sẽ đặt họ vào tình
trạng nợ nần trong nhiều năm. Đa số những người này trở về Việt Nam rất
sớm, sau một hai năm, không thể kiếm đủ tiền để trả nợ. Khi vừa ra đến
nước ngoài, một số công nhân nhận ra rằng họ bị buộc phải làm việc trong
những điều kiện lao động không đủ tiêu chuẩn, bị trả lương thấp hoặc
không trả lương trong khi đó bị mắc những món nợ lớn mà không có nơi khả
tín để cầu cứu sự giúp đỡ về pháp lý. Một số công ty tuyển dụng, theo
các báo cáo, không cho phép các công nhân đọc bản Hợp đồng cho đến một
ngày trước khi họ được sắp xếp rời khỏi Việt Nam, và các công nhân này,
theo các báo cáo, cũng đã ký vào những bản Hợp đồng bằng tiếng nước
ngoài mà họ không hiểu được. Cũng có nhiều trường hợp được thu thập về
các công ty tuyển dụng đã bỏ mặc các công nhân khi họ yêu cầu giúp đỡ.
Các nhóm tội phạm có tổ chức liên quan
đến nạn cưỡng bách trẻ em Việt Nam lao động trong những nông trại trồng
cần sa ở Vương quốc Anh, ở đó họ phải chịu những khoản nợ lên đến con số
xấp xỉ 32 ngàn đô la mỗi người. Các báo cáo cho biết rằng nhiều người
trong số những nạn nhân Việt Nam này bay sang Nga cùng với một người đại
diện và sau đó được chở bằng xe tải qua Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Séc,
Đức và Pháp trước khi đến được Vương quốc Anh. Có nhiều báo cáo về đàn
ông, phụ nữ, trẻ em Việt Nam ở Việt Nam bị cưỡng bách lao động ở Việt
Nam cũng như ở nước ngoài. Hầu hết những nạn nhân buôn người ở miền
Trung và miền Bắc bị bán qua Trung Quốc để làm nô lệ tình dục hoặc lao
động cưỡng bách; những nạn nhân ở miền Nam chủ yếu bị bán qua Campuchia
và bị buộc phải bán dâm, đôi khi sau đó họ bị đưa đến một nước thứ ba ở
Đông Nam Á. Trong cả hoạt động buôn bán sức lao động và tình dục, tình
trạng bị nô dịch bởi nợ nần, bị tịch thu các giấy tờ tùy thân và giấy tờ
thông hành, và nguy cơ bị trục xuất thường được dùng để hăm dọa các nạn
nhân. Một số phụ nữ Việt Nam đến Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công,
Macau, Singapore và Hàn Quốc thông qua những cuộc hôn nhân được môi
giới với người ngoại quốc, những phụ nữ này sau đó rơi vào tình trạng bị
cưỡng bách lao động (bao gồm việc phục vụ như người giúp việc nhà),
cưỡng bách bán dâm, hoặc cả hai. Có nhiều báo cáo về tình trạng buôn
người Việt Nam, đặc biệt là những phụ nữ và trẻ em gái từ những tỉnh lẻ
nghèo khổ lên những khu vực thành thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,
và những đô thị mới phát triển như Bình Dương. Một số người ra đi rất
hăng hái, những sau đó họ có thể bị bán làm nô lệ lao động hoặc bị buộc
phải bán dâm.
Trẻ em Việt Nam từ những vùng nông thôn
bị bóc lột tình dục cho mục đích thương mại. Trẻ em cũng bị cưỡng bách
đi bán hàng rong, đi ăn xin hoặc lao động trong những nhà hàng ở những
trung tâm đô thị chính của Việt Nam, mặc dù vài nguồn thông tin cho hay
rằng vấn đề này hiện nay ít nghiêm trọng hơn những năm trước. Một số
trẻ em Việt Nam là nạn nhân của lao động nô dịch và cưỡng bách trong các
hãng xưởng được điều hành bởi những gia đình người thành phố và tại
những mỏ quặng vàng tư nhân ở nông thôn. Các tổ chức phi chính phủ báo
cáo rằng việc những kẻ buôn người ngày càng gia tăng sử dụng Internet
để dụ dỗ các nạn nhận đã dẫn đến con số tăng cao những người Việt Nam cư
ngụ ở thành phố và những người thuộc giới trung lưu trở thành nạn nhân
của nạn buôn người. Theo cuộc thăm dò được tài trợ bởi UNICEF năm 2012
về tình trạng bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, Việt Nam
là điểm đến cho ngành du lịch tình dục trẻ em với những thủ phạm được
cho là đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Vương quốc Anh,
Úc, châu Âu và Hoa Kỳ.
Chính quyền Việt Nam không tuân thủ đầy
đủ những tiêu chuẩn tối thiểu để loại trừ nạn buôn người; tuy nhiên, họ
đang thực hiện những nỗ lực đáng kể. Trong suốt 2012, chính quyền nước
này đã sử dụng những luật hiện hành để truy tố hình sự những hành vi vi
phạm liên quan đến nạn kinh doanh sức lao động; trong nhiều trường hợp,
các công tố viên dựa vào điều 139 “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thêm vào
đó, hai nghị định riêng rẽ đã được ban hành trong thời gian làm báo cáo
này quy định về việc xác định nhân thân và các biện pháp bảo trợ các
nạn nhân. Các trung tâm phục hồi nhân phẩm dành cho những người nghiện
ma túy và gái bán dâm được quản lý bởi chính quyền Việt Nam, tiếp tục
bắt những người ở đó phải lao động cưỡng bách trong các hoạt động nông
nghiệp, xây dựng và sản xuất, bất chấp những chỉ trích liên tiếp của
quốc tế. Chính quyền Việt Nam đã không đưa ra những biện pháp khắc phục
thích hợp đối với tình trạng công nhân lao động ở nước ngoài bị nô dịch
vì nợ nần hoặc chịu các hình thức lao động cưỡng bách khác.
Các giải pháp được đề nghị cho Việt Nam:
Ban hành những Nghị định cần thiết hoặc
những chỉ dẫn chính thức khác để thực hiện đầy đủ luật chống buôn người
mới, thông qua việc áp dụng những hình phạt nghiêm khắc dành cho tất cả
các hình thức buôn người; đào tạo các viên chức ở tuyến đầu và các viên
chức tư pháp về những điều khoản của luật chống buôn người này, đặc biệt
tập trung vào việc công nhận tình trạng bóc lột nạn nhân như là yếu tố
căn bản của tội phạm buôn người; truy tố hình sự đối với những cá nhân
liên quan đến cưỡng bách lao động, liên quan đến việc tuyển dụng người
cho mục đích cưỡng bách lao động, hoặc tuyển dụng lao động gian lận, và
áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm đã bị
buộc tội; ngay lập tức dừng việc buộc công dân Việt Nam phải lao động
mang tính thương mại trong các trung tâm phục hồi nhân phẩm được quản lý
bởi chính quyền; thực hiện những chính sách nhận diện sớm nạn nhận
trong những nhóm người dễ bị tổn thương, như những công nhân xuất khẩu
lao động bị cưỡng bách lao động, và phải đảm bảo nạn nhân được cấp những
dịch vụ trợ giúp; phát triển những thủ tục chính thức cho việc nhận
diện, sử dụng những chỉ dấu về tình trạng cưỡng bách lao động được công
nhận quốc tế như việc những người chủ hoặc môi giới lao động tịch thu
giấy tờ thông hành của nạn nhân, và đào tạo những viên chức thích hợp để
sử dụng những thủ tục như thế; tiếp tục những nỗ lực bảo vệ công nhân
xuất khẩu lao động thông qua kênh trao đổi thông tin ngoại giao về những
hiểu biết và đồng thuận với các nước đến phụ (additional destination
countries); thực hiện những biện pháp bảo vệ nan nhân bị buôn bán sức
lao động để đảm bảo các công nhân này không bị đe dọa hoặc bị trừng phạt
vì phản đối điều kiện lao động hoặc tồi tệ hoặc vì bỏ đi khỏi nơi làm
việc; cải thiện sự hợp tác liên cơ quan trong nỗ lực chống nạn buôn
người nhằm theo dõi và đánh giá nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động
quốc gia; cải thiện việc thu thập và chia sẻ dữ liệu ở cấp độ quốc gia
về việc truy tố các vụ buôn người, đặc biệt là những truy tố liên quan
đến vấn đề lao động; phát huy hệ thống giáo dục cập 1 và cấp 2 cho dân
số trẻ có nguy cơ bị buôn người; cấp vốn cho những chương trình nâng cao
hiểu biết để giảm thiểu sự khinh thường của cộng đồng và thúc đẩy sự
tái hội nhập cộng đồng đối với những nạn nhân buôn người đã trở về; và
thực hiện cũng như cấp vốn cho cuộc vận động nâng cao hiểu biết công
khai chống nạn buôn người hướng tới những người dụ dỗ người lớn và trẻ
em vào hoạt động thương mại tình dục.
Truy tố
Chính quyền Việt Nam vẫn giữ vững nỗ lực
thi hành luật pháp để đối phó với nạn buôn người trong năm 2012. Bất
chấp luật pháp chống buôn người toàn diện của Việt Nam, có hiệu lực từ
tháng 1 năm 2012, những hình phạt hình sự vẫn chưa được củng cố vững
chắc; luật chống buôn người này đã được thực thi bằng cách ban hành
những hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao. Những định nghĩa mở rộng
về buôn người trong luật mới không được áp dụng trong suốt thời gian làm
báo cáo này, vì chính quyền chưa ban hành những chỉ dẫn cần thiết cho
khối nhân sự thi hành luật.
Vì luật mới chưa được thực hiện, đa số
những kẻ buôn người vẫn bị truy tố theo những điều khoản luật hình sự
đã tồn tại trước đây, ở mức độ nào đó, những điều luật này còn mập mờ
nhưng cũng có khả năng được dùng để truy tố một vài hình thức buôn
người. Điều 119 của Bộ luật Hình sự quy tội hình sự đối với việc buôn
bán phụ nữ nhưng có vẻ không định nghĩa được từ “buôn người”. Điều 120
cấm “việc mua bán, chiếm đoạt, đánh tráo trẻ em”, cũng không được định
nghĩa. Những điều luật này quy định những hình phạt đủ nghiêm khắc là từ
hai đến bảy năm tù giam, thời gian tù này đủ nghiêm khắc và tương xứng
với các hình phạt được quy định dành cho những hành vi vi phạm nghiêm
trọng khác, như hiếp dâm. Các giới chức tư pháp đã giải thích những điều
khoản này để chỉ áp dụng với các trường hợp liên quan đến việc đánh
tráo rồi bán cho một bên thứ ba. Những trường hợp khác thì bị phạt hành
chính theo những điều luật về lao động của nước này, chứ không đưa ra
những hình phạt hình sự.
Hệ thống thu thập dữ liệu Trung ương của
Việt Nam vẫn không đủ để đưa ra những số liệu thống kê về việc thi hành
luật pháp đối với những vụ truy tố và buộc tội buôn người trong năm nay
(2012) những truy tố và buộc tôi bị tách riêng ra bởi hai loại buôn
người. Số liệu thống kê được được ra về việc truy tố, buộc tội và về các
nạn nhân đã được xác định không trùng khớp giữa Viện Kiểm sát Nhân Dân
Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã
báo cáo rằng các cơ quan có thẩm quyền đã truy tố 232 trường hợp buôn
người và những hành vi vi phạm liên quan trong năm 2012 theo điều 119 và
120. Chính quyền đã báo cáo rằng, trong năm 2012, Tòa án Nhân dân Tối
cao đã đưa ra tòa, buộc tội và kết án 490 bị cáo. Trong số này có 7 bị
cáo nhận những bản án từ 20 đến 30 năm tù giam, 38 bị cáo nhận từ 15 đến
20 năm tù, 137 người nhận từ 7 đến 15 năm tù, 265 người nhận dưới 7 năm
tù, 48 người bị quản chế và một người bị phạt tiền. 391 bị cáo bị đưa
ra tòa theo điều 119 và 85 người theo điều 120. Chính quyền tiếp tục
khởi tố chủ yếu trong các trường hợp kinh doanh tình dục liên quốc gia,
và những nỗ lực thực thi luật pháp một cách toàn diện thì chưa đủ để đối
phó với tất cả các hình thức buôn người ở Việt Nam. Chính quyền đã bắt
đầu gởi những viên chức Bộ Công an sang Campuchia, Trung Quốc và Lào để
thực hiện những nhiệm vụ ngắn hạn nhằm đưa những nỗ lực hợp tác của
Việt Nam vào các cuộc điều tra buôn người chung với các nước. Mặc dù
Việt Nam không theo dõi được con số các cuộc điều tra hợp tác quốc tế về
nạn buôn người mà nước này có tham gia, nước này bị cho rằng có một số
trường hợp viên chức Bộ Công an sang Trung Quốc để tiến hành nhiệm vụ
giải cứu nạn nhân buôn người, đưa tới việc bắt giữ hơn 200 kẻ buôn người
và giải cứu khoảng 216 nạn nhân ở Trung Quốc.
Những tranh cãi trái ngược nhau giữa các
công nhân Việt Nam và các công ty tuyển dụng lao động đặt tại Việt Nam
hoặc ở nước ngoài – bao gồm việc tuyển dụng và các điều kiện tuyển dụng
gian lận là chỉ dấu cho thấy việc cưỡng bách lao động – chủ yếu buộc
các công ty này phải giải quyết. Mặc dù công nhân có quyền hợp pháp để
đưa những trường hợp này ra tòa, trong thực tế ít người có đủ khả năng
thực hiện điều đó, và cũng không có hồ sơ nào được biết về những nạn
nhân Việt Nam bị mua bán sức lao động được bồi thường theo quyết định
của Tòa; vì vậy, trong thực tế, các công nhân bị bỏ mặc mà không nhận
được bất cứ sự trợ giúp hợp lý nào của luật pháp trong những phiên tòa
như thế. Thông qua một chương trình thanh tra thường xuyên, chính quyền
đã theo dõi và xử phạt những nhà tuyển dụng lao động lừa đảo vì không
tuân thủ những quy định của luật pháp về việc tuyển dụng lao động, gồm
những hành vi vi phạm được cho là những nhân tố đóng góp vào nạn buôn
người.
Nhiều tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra
rằng tình trạng tham những liên quan đến buôn người vẫn tiếp tục xuất
hiện ở cấp địa phương, bao gồm những viên chức ở vùng biên giới và cửa
khẩu nhận tiền hối lộ từ những kẻ buôn người và các viên chức đã chọn
cách không can thiệp đại diện cho quyền lợi nạn nhân khi giữa những kẻ
buôn người và nạn nhân tồn tại mối quan hệ gia đình. Chính quyền đã
tường thuật hai trường hợp đồng lõa của viên chức Nhà nước trong việc
buôn người trong suốt thời gian làm bản báo cáo này đã bị buộc tội. Vào
tháng 12 năm 2012, phiên tòa phúc thẩm ở thành phố Hồ Chí Minh đã tán
thành bản án tử hình cho viên chức sở Tư pháp thành phố Cần Thơ vì nhận
số tiền hối lộ tổng cộng lên đến hơn 195 ngàn đô la từ tháng 5 năm 2009
đến tháng 10 năm 2010 để tiến hành những hồ sơ đăng ký kết hôn liên quan
đến người nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn người. Vụ
buộc tội thứ hai là vào tháng 1 năm 2013; Tòa án nhân dân Tối cao tỉnh
Nghệ An đã kết án một cựu trưởng công an xã Bảo Thắng ba năm tù giam
vì buôn bán người lớn và sáu năm vì buôn bán trẻ em.
Bảo vệ
Chính quyền Việt Nam đã có những tiến bộ
trong nỗ lực bảo vệ những nạn nhân, chủ yếu là những người bị kinh
doanh tình dục liên quốc gia, nhưng họ không có nỗ lực để nhận diện các
nạn nhân một cách thích hợp trong khối cư dân dễ bị tổn thương hoặc bảo
vệ nạn nhân của nạn buôn bán sức lao động hoặc buôn người xuất hiện trên
khắp cả nước. Hai dự thảo nghị định để hướng dẫn việc thực hiện Luật
phòng chống buôn người về việc bảo vệ nạn nhân đã được hoàn thành và ban
hành trong suốt năm làm báo cáo này: Nghị định số 62/2012/NĐ-CP quy
định về căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn
nhân cùng người thân của họ và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống buôn người về những
phương tiện, chế độ, thủ tục và trình tự hỗ trợ nạn nhân. Chính quyền đã
không phát triển và sử dụng những thủ tục mang tính hệ thống trên cả
nước để nhân diện trước và hiệu quả các nạn nhân của nạn buôn người
trong khối dân số dễ bị tổn thương, như phụ nữ bị bắt vì bán dâm và công
nhân xuất khẩu lao động về nước, và những nỗ lực nhận diện nạn nhân vẫn
còn kém khi đối mặt với dòng buôn người và xuất khẩu lao động đã xác
định được.
Bộ Công an đã báo cáo rằng 883 nạn nhân
buôn người Việt Nam đã được xác nhận trong những tài liệu từ tháng 1 đến
tháng 12 năm 2012. Trong suốt thời gian này, bộ đội biên phòng đã phối
hợp với các cơ quan chính quyền khác giải cứu và nhận về 201 nạn nhân
buôn người; trong số đó, 119 đã được các chính quyền nước ngoài hoặc các
NGOs nhận diện và cho hồi hương, và 38 người tự xác nhận nhân thân.
Không có điều kiện bảo vệ đặc biệt nào cho các nạn nhân khỏi bị trục
xuất trong luật Việt Nam và không có điều luật nào quy định về việc cấp
quy chế thường trú cho những nạn nhân buôn người là công dân nước khác.
Việt Nam là nước đến hoặc nước quá cảnh đối với những nạn nhân người
nước ngoài, chính quyền đã bắt liên lạc với nước xuất phát để các nạn
nhân được trở về Việt Nam an toàn.
Luật về xử phạt hành chính được phê
chuẩn tháng 6 năm 2012 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2013.
Luật mới này đảm bảo rằng những người nghiện ma túy sẽ không tự động bị
chuyển đến một trung tâm giam giữ, ở đó trong quá khứ họ từng bị cưỡng
bách lao động hằng ngày. Nhiều bài báo trong thời gian làm báo cáo này
cho biết rằng, tuy nhiên, chính quyền vẫn tiếp tục là thủ phạm của nạn
cưỡng bách lao động người nghiện ma túy theo những quy định hiện hành.
Chính quyền có những thủ tục chính thức để nhận lại nan nhận buôn người
và hướng dẫn họ đến nơi chăm sóc, mặc dù hệ thống hướng dẫn này thiếu
hụt trầm trọng, như không thể nhận diện được những nạn nhân không trở về
qua nơi giáp giới chính thức hoặc những nạn nhân không muốn bị nhân
diện bởi chính quyền vì sợ xã hội dị nghị hoặc vì những lý do khác.
Chính quyền không có những biện pháp bảo vệ pháp lý thích hợp cho những
nạn nhân khỏi bị cưỡng bách lao động hoặc trợ giúp nạn nhân ở Việt Nam
hoặc ở nước ngoài. Vào tháng 9 năm 2012, báo chí đã tường thuật rằng một
công ty của người Việt ở Nga đã cầm giữ và bắt công nhân Việt Nam làm
việc trong những điều kiện nô dịch lao động và rằng những nhà ngoại giao
Việt Nam đã đến địa điểm đó nhưng không đưa ra sự trợ giúp nào. Việt
Nam vẫn có những tùy viên lao động ở chính quốc gia nhận số công nhân
xuất khẩu lao động lớn nhất theo các dữ liệu thu thập; tuy nhiên, họ
không duy trì các Đại sứ quán ở một số nước nơi những công dân Việt Nam
bị bán vào, theo các báo cáo. Ở một vài nơi có Đại sứ quán, nhân sự
ngoại giao đã không có hành động thích đáng để bảo vệ công nhân xuất
khẩu lao động, và chính quyền cũng thừa nhận rằng nhân viên ngoại của họ
đã không được giám sát và đạo tạo thích hợp. Chính quyền không công
khai những dữ liệu về các trường hợp cá nhân trong đó, giới chức ngoại
giao và lãnh sự nhân diện và trợ giúp các công nhân Việt Nam bị cưỡng
bách lao động ở nước ngoài. Các quy định của chính quyền không cấm những
chủ doanh nghiệp tư nhân không được giữ hộ chiếu của công nhân ở những
nước đến, và các công ty Việt Nam đã thu giữ giấy tờ thông hành của công
nhân, một chỉ dấu rõ ràng của việc buôn người. Mặc dù công nhân trên
nguyên tắc có quyền khởi kiện các công ty xuất khẩu lao động, những
không có dấu hiệu gì cho thấy các nạn nhân sẽ nhận được những bồi thường
hợp pháp trong những vụ kiện cáo như thế ở Việt Nam.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có liên
kết với các NGOs và nhận sự trợ giúp tài chính từ nước ngoài, vẫn tiếp
tục vận hành ba cơ sở bảo trợ nạn nhân buôn người ở những khu vực thành
thị lớn nhất của Việt Nam; những cơ sở bảo trợ này cung cấp những cơ
hội đào tạo và tư vấn nghề nghiệp cho những nạn nhân nữ của nạn buôn bán
tình dục. Hội phụ nữ và bộ đội biên phòng cũng vận hành những cơ sở nhỏ
hơn cung cấp những trợ giúp tạm thời cho những người cần giúp đỡ ở một
vài điểm giáp giới có lưu lượng lớn nhất. Đôi khi các nạn nhân được cấp
chỗ ở trong những trung tâm bảo trợ xã hội của Bộ Lao động Thương binh
và Xã hội, những trung tân này cung cấp những dịch vụ cho những nhóm dễ
bị tổn thương trong phạm vi rộng, mặc dù các giới chức thừa nhận rằng
nạn nhân được trợ giúp tốt hơn trong các trung tâm đặc biệt dành riêng
cho nạn nhân buôn người. Ở nhiều khu vực, các cơ sở bảo trợ còn thô sơ,
không được trợ giúp tài chính và thiếu những nhân sự được đào tạo thích
hợp. Không có cơ sở bảo trợ hoặc sự trợ giúp nào dành riêng cho các nạn
nhân nam, nạn nhân trẻ em hoặc nạn nhân buôn bán lao động, mặc dù những
cơ sở hiện có được cho rằng đã hỗ trợ cho vài nạn nhân nam và trẻ em.
Các NGOs báo cáo rằng một số nạn nhân chọn cách không ở trong các cơ sở
hỗ trợ nạn nhân hoặc nhận những hỗ trợ xã hội vì sợ dư luận xã hội khi
họ bị nhận diện như là một nạn nhân buôn người. Những nạn nhân buôn
người đủ điều kiện để được trợ cấp tiền mặt lên đến 50 đô la, sẽ được
trợ cấp thông qua chính quyền địa phương; chính quyền đã không đưa ra
những số liệu thống kê về con số nạn nhân nhận được những khoản trợ cấp
này. Chính quyền tiếp tục đóng góp nhân sự và không gian văn phòng cho
các tổ chức quốc tế tiến hành những dự án chống buôn người.
Theo các báo cáo, chính quyền khuyến
khích các nạn nhân hỗ trợ cho việc truy tố những kẻ buôn người, mặc dù
chính quyền Việt Nam nói chung không bảo vệ những nhân chứng trợ giúp
công an điều tra này. Những nạn nhân thường miễn cưỡng phải tham gia vào
quá trình điều tra hoặc các phiên tòa vì sợ dư luận xã hội đặc biệt khi
liên quan đến việc bán dâm, vì sợ sự lên án của cộng đồng địa phương,
và vì thiếu động lực tham gia. Luật pháp Việt Nam bảo vệ những nạn nhân
buôn người khỏi phải đối mặt với những cáo buộc tội hình sự đối với
những hành động của họ được xem như hậu quả trực tiếp để họ trở thành
nạn nhân; tuy nhiên, những nỗ lực chưa đủ để nhận diện nạn nhân trong
khối dân cư dễ bị tổn thương có thể dẫn một số nạn nhân đến tình trạng
bị đối xử như những người vi phạm luật pháp. Chính quyền không cung cấp
cho những nạn nhân người nước ngoài những giải pháp pháp lý để họ đi đến
các nước mà ở đó họ đã đối mặt với sự trả thù và khổ sai.
Ngăn chặn
Chính quyền Việt Nam đã có những nỗ lực
để ngăn chặn nạn buôn người trong thời gian làm báo cáo này. Theo Nghị
định 1427 của Thủ tướng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội
Phụ nữ vẫn duy trì những cuộc vận động chống buôn người thông qua truyền
thông trực tuyến, áp phích quảng cáo, hội nghị chuyên đề, bảng niêm
yết, biễu diễn nghệ thuật, sách báo, chương trình giáo dục và các cuộc
họp khu dân cư chống buôn người đặt ở các cộng đồng. Trong hai Nghị định
được ban hành trong thời gian làm báo cáo này, Nghị định thứ nhất, số
62/2012/NĐ-CP đã hướng dẫn việc nhận diện nạn nhân theo luật buôn người.
Nghị định này đã đưa ra những thủ tục pháp lý chính thức trong việc
nhận diện các nạn nhân nhưng không chỉ rõ việc áp dụng trước cho khối
dân cư có nguy cơ cao. Hơn nữa, Nghị định này phát biểu rằng trong
trường hợp thiếu các tài liệu và chứng cứ thuyết phục về việc nạn nhân
bị bóc lột hoặc bị bán, việc xác định nhân thân có thể dựa vào quá trình
phát hiện ra nạn nhân hoặc việc nạn nhân được biết là cùng có mặt với
những nạn nhận đã được xác định khác, biểu hiện về thể chất và tâm lý
cho thấy những dấu hiệu bị lạm dụng tình dục hoặc bị cưỡng bách lao
động, có người thân báo cáo (ND: tình trạng mất tích của nạn nhân) lên
chính quyền , hoặc những thông tin khác góp phần chứng minh một người là
nạn nhân. Một thay đổi quan trọng trong việc thủ tục xác định theo Luật
buôn người là việc mở rộng con số các cơ quan được trao quyền thẩm tra
tình trạng của nạn nhân buôn người.
Bộ Ngoại giao vẫn duy trì những trang
mạng về di cư của Bộ cung cấp cho những người có khả năng di cư cách
tiếp cận các thông tin về những hướng dẫn pháp lý quản lý các công ty
tuyển dụng; tuy nhiên, chính quyền không gia tăng nỗ lực để thực thi các
quy định này, và những nỗ lực toàn diện để quản lý các công ty tuyển
dụng và nhà môi giới hôn nhân vẫn còn yếu kém. Với sự giúp đỡ và hợp
tác từ các tổ chức quốc tế, các chính quyền khác, các NGOs, và các nhà
tài trợ nước ngoài, chính quyền Việt nam đã gia tăng những nỗ lực ngăn
chặn nạn buôn người. Vào tháng 9 năm 2012, chính quyền Việt nam và
Campuchia đã đồng ý thực hiện một kênh trao đổi thông tin để đối phó với
nạn buôn người trong giai đoạn 2013-2015. Chính quyền có kế hoạch 5 năm
hành động quốc gia về nạn buôn người, có hiệu lực cho đến năm 2015 và
đã cấp gần 15 triệu đô la để thực hiện kế hoạch, kế hoạc này bao trùm
tất cả các hình thức buôn người và phối hợp phản ứng của chính quyền
thông qua Ủy ban Quốc gia về phòng chống buôn người do Phó Thủ tướng làm
chủ tịch.