Hoàng Xuân Phú
con xưng bố của ba
ấy là nhà vô phúc
“Đảng… vĩ đại… tài tình… sáng suốt… lãnh đạo Nhân dân… giáo dục Nhân dân…”
Nói mãi, nghe mãi thành quen, nên bao người coi đó là chân lý. Hễ nghe nói khác, lại cho là nghịch nhĩ.
Điệp khúc ngân vang hơn nửa thế kỷ, khiến giới cầm quyền càng thêm tin rằng
quyền lãnh đạo của
họ là một thứ đương nhiên – như thể được Tạo hóa ban cho; là một vị thế
độc tôn – có thể thừa kế nội bộ từ thế hệ này sang thế hệ khác, theo
kiểu
“cha truyền con nối” như thời vua chúa phong kiến. Dưới con mắt cường quyền, Nhân dân hiện ra như bầy cừu chỉ có khả năng biểu cảm bằng tiếng
“be be”, suốt đời cần được bề trên
“chăn dắt”; hay như đám học trò thiểu năng,
“giáo dục” suốt
mấy chục năm mà vẫn không khá lên được, thành thử mãi vẫn chưa đủ tầm
dân trí, để xứng đáng hưởng những quyền tự do dân chủ, mà thế giới vẫn
coi là quyền tối thiểu…
Điệp khúc ru ngủ đó cũng gia tăng tư
duy nô lệ trong Nhân dân, khiến hàng triệu người an phận, cam chịu mọi
điều phi lý. Nhiều người còn bị lòa đến mức không nhận diện nổi ân nhân
đích thực: Rõ ràng là bản thân đang nhận quà từ thiện của đồng bào, mà
chỉ biết đáp lại bằng câu
“ơn đảng ơn chính phủ”.
Một trạng thái xã hội tê liệt, bị đè
nén bởi sự lộng hành trong ngộ nhận từ phía thống trị, và bị thôi miên
trong cơn u mê ở bên bị trị. Hậu quả tai hại đến mức ta nên dành thời
gian để trao đổi cho rõ ngọn ngành.
Trước khi đi vào chi tiết, cần giải
thích một chút để người đọc khỏi cho rằng người viết tùy tiện về chính
tả. Trong chế độ độc đảng, nhiều khi chỉ cần nhắc một chữ
“đảng” cũng
đủ để hiểu là Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), nên có thể tạm chấp nhận
cách viết tắt như vậy. Bấy lâu nay, thông lệ chính thống là viết hoa
chữ
“Đảng”. Tại sao? Theo quy tắc ngữ pháp thì phải viết hoa
danh từ riêng. Nhưng từ
“đảng” (đơn lẻ) không phải là
danh từ riêng. Ngược lại, nó là một
danh từ chung của tiếng Việt, dùng để chỉ một đảng bất kỳ trong số nhiều đảng khác nhau đã và sẽ tồn tại. Nếu chiếm dụng từ
“đảng” để dành
riêng cho ĐCSVN, thì có thể coi là
“tham nhũng tiếng Việt” với động cơ tư lợi. Đó không chỉ là ẩu về mặt ngôn ngữ, mà còn tùy tiện về tư duy, vô tình hay hữu ý cho rằng:
Ở Việt Nam thì hiển nhiên chỉ có thể tồn tại một đảng duy nhất. Nếu không tán thành với quan điểm
“độc tồn” ấy thì không nhất thiết phải tòng phạm trong việc
“đảng hữu hóa”từ
“đảng” – cái thực sự thuộc
“sở hữu toàn dân”.
Hiến định thần thánh
Trong Lời nói đầu của
Hiến pháp Việt Nam 1992, tiếp theo phần sử ca “từ ngày có đảng” là đoạn sau đây:
“Hiến pháp này quy định chế độ chính
trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ
cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ
quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.”
Tức một trong những mục đích chính của
Hiến pháp này là thể chế hoá sự lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhân dân và Nhà nước. Qua đó, vị trí trên – dưới trong mối quan hệ ”thần thánh” của ĐCSVN đối với Nhân dân và Nhà nước cũng được hiến định. Dẫu phía “thần dân” được gán cho nhãn hiệu “Nhân dân làm chủ”,
nhưng thực tế đã quá đủ để chỉ ra rằng: Đó là một trong những thuật ngữ
chính trị giả tạo và trớ trêu nhất trong lịch sử tư duy Dân tộc. Cái hư
danh “làm chủ” không hóa trang nổi thân phận bị trị.
Để bảo vệ quyền tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng,
Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa kỳ quy định:
“Quốc hội không được ban hành luật nhằm thiết lập quốc đạo hoặc
ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hay hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo
chí, hoặc quyền của Nhân dân về hội họp ôn hòa và kiến nghị Chính phủ
sửa chữa những điều gây bất bình.” (
Tu chính án I)
Còn
Hiến pháp Việt Nam thì ngược lại: Thiết lập “quốc đạo” thông qua hiến định “quốc kinh”:
“Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác –
Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, … thực hiện đường lối…” (Đoạn cuối của Lời nói đầu
Hiến pháp 1992)
Vậy là toàn thể Nhân dân Việt Nam buộc
phải theo chủ nghĩa ấy, tư tưởng ấy và cương lĩnh ấy, dù những thứ ấy
mới hình thành và luôn biến dạng theo năm tháng, chứ không nhất quán và
ổn định lâu đời như kinh thánh của các dòng đạo truyền thống. Ai không
muốn cũng phải chấp nhận,
“không được phép nảy sinh lòng khác” – Y chang nét đặc trưng của một số tôn giáo:
“Các ngươi không được thờ các thần khác!” Chỉ chênh lệch
”chút xíu” là: Người theo
đạo thông thường được quyền lựa chọn, còn
“đạo đảng” thì toàn thể Nhân dân Việt Nam buộc phải theo. Cái thông điệp
“không được chệch hướng” mang tính
“tối hậu thư” được ẩn chứa trong thuật ngữ mĩ miều nồng hương đạo đức, ấy là
“đoàn kết một lòng”, tất nhiên là
”dưới ánh sáng” ấy để
“thực hiện Cương lĩnh” và
”thực hiện đường lối” của ĐCSVN. Sự độc tài cũng dậy mùi từ chữ
“nguyện” – vốn được dùng để mô tả ý chí của người tự do. Than ôi, kể cả
ý nguyện của Nhân dân cũng do
”đảng định”. Họ không thèm hỏi ý kiến của toàn Dân, thậm chí cố tình lờ đi hay bóp méo
ý nguyện của Nhân dân, rồi độc quyền áp đặt cho Nhân dân cái
ý nguyện “đảng tạo”, thông qua thủ thuật hiến định… Chỉ riêng điều đó cũng đủ để khắc họa trạng thái
“tự do” của cộng đồng Nhân dân mang hư danh
“làm chủ”.
So với nhiều hiến pháp khác, như
Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp Đức, thì Hiến pháp Việt Nam 1992 quy định thêm nhiều thứ, ví dụ như “Chế độ kinh tế” và ”Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ”. Tại sao như vậy? Đơn giản là: Hiến pháp 1992không thể hiện ý nguyện của Nhân dân Việt Nam, mà nhằm ”thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” của ĐCSVN, như đã viết trong Lời nói đầu của Hiến pháp. “Chủ nghĩa xã hội” là
gì? Trong số những người thường rao giảng về nó, phần thì thao thao bất
tuyệt về những điều mà bản thân không hề hiểu, phần khác cũng biết là
nó dở, nhưng vẫn “bán hàng giả” nhằm “vinh thân phì gia”. Ấy vậy mà nhà cầm quyền lại áp đặt trong Hiến pháp 1992 rằng:
“Điều 31 Nhà nước … giáo dục ý thức công dân … yêu chế độ xã hội chủ nghĩa…”
Đỉnh cao huyền bí của
Hiến pháp 1992 là:
“Điều 4 Đảng cộng sản Việt Nam, … theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượnglãnh đạo Nhà nước và xã hội…”
Huyền bí bởi hiến định cho ĐCSVN một vị thế
“thần thánh”.
“Thần thánh” không chỉ ở xuất xứ khó hiểu, mà còn ở chỗ
quyền
lực tối thượng được áp đặt đương nhiên và vĩnh viễn lên cả Dân tộc Việt
Nam, bất luận “thần thánh” có tử tế và tài năng hay không.
Với
Điều 4, Nhân dân bị mất quyền tự do tư tưởng, quyền tự lựa chọn con đường mình đi. Cũng không còn quyền cử ra những người thay mặt mình điều hành, quản lý đất nước và xã hội, tức là mất cả quyền tự do bầu cử, ứng cử một cách thực chất.
Tuy
Điều 4 Hiến pháp 1992 không quy định ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo duy nhất, càng không quy định ĐCSVN là đảng duy nhất được phép tồn tại, nhưng trên thực tế, nó bị lạm dụng để cấm đoán các đảng phái khác hình thành và hoạt động, nghĩa là tước đi cả quyền tự do lập hội được quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992.
Việc hiến định quyền
“lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” của ĐCSVN đã xảy ra trong
Hiến pháp 1980, theo khuôn mẫu của Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô 1977. Tuy nhiên, về bản chất thì có lẽ vai trò của việc hiến định ấy trong Hiến pháp 1980 khác hẳn so với trong Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Vào năm 1980, sau khi dành thắng lợi trong bốn cuộc chiến tranh ác liệt, lãnh đạo ĐCSVN rất tự tin, cảm thấy quyền
“lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của mình là đương nhiên, không phải bàn cãi. Việc ghi quyền lãnh đạo ấy vào
Hiến pháp có lẽ nhằm ca ngợi đảng. Tính hùng ca tràn đầy trong Hiến pháp 1980, đến mức “hiến định” cả độ tuổi “bốn nghìn năm lịch sử”của
Dân tộc Việt Nam, rồi dùng hơn nghìn chữ để ngợi ca sự nghiệp của
ĐCSVN, đặc biệt là các thành tựu trong bốn cuộc chiến tranh, và kể tội
kẻ thù. Thậm chí, còn “hiến định” cả “kẻ thù truyền kiếp”. Hơn nữa, còn trích cả một đoạn dài 205 chữ từ “Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của ĐCSVN” để
trình bày đường lối mà Đại hội đã đề ra. Trong không khí đó, có lẽ lãnh
đạo thuở ấy của ĐCSVN không có nhu cầu bức thiết là phải hiến định quyền lãnh đạo của đảng để rồi bấu víu.
Với
Hiến pháp 1992 thì
ngược lại, nó ra đời trong hoàn cảnh nền kinh tế đất nước trải qua một
thời kỳ kiệt quệ kéo dài, uy tín của ĐCSVN bị giảm sút nghiêm trọng,
trong lúc Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã đồng loạt sụp đổ,
khiến đảng mất chỗ dựa quốc tế, kể cả về tinh thần lẫn vật chất. Trước
tình hình nguy kịch ấy, Điều 4 của Hiến pháp 1992không
còn là vòng nguyệt quế ngợi ca đảng và chế độ, mà được giới cầm quyền
tận dụng như cái phao cứu sinh, để bám giữ vị thế lãnh đạo trước nguy cơ
bị đợt sóng thần lịch sử nhấn chìm, và dùng nó làm cái gông pháp lý để
chụp lên cổ những ai dám lên tiếng phủ nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Một điều hiến định với mục đích như vậy có chính đáng hay không?
Nếu cho rằng đảng mình không còn đủ uy tín để được đa số Nhân dân chấp nhận trao quyền lãnh đạo, nên đành lạm dụng Hiến pháp làm vũ khí pháp lý nhằm bám giữ quyền lực, thì có tử tế và vinh quang hay không?
Ngược lại, nếu tin tưởng rằng đảng mình vẫn được đa số Nhân dân tín nhiệm trao quyền lãnh đạo, thì việc gì phải cố ghi bằng được vào Hiến pháp những điều phi lý không cần thiết cho thêm tai tiếng?
Hiện thân thần thánh
ĐCSVN là gì mà được hiến định một quyền
lực siêu phàm như vậy? Tố Hữu, nhà thơ đầu đàn của ĐCSVN và từng tham
gia bộ sậu lãnh đạo tối cao của chế độ, đã mô tả rằng:
Hình ảnh đó nó lên điều gì? Có người nhìn nhận đảng như một cơ thể thống nhất, bình luận rằng
“trăm tay nghìn mắt” thì
là quái vật. Người khác quan niệm đảng là một tập thể của nhiều cá thể,
thì lý giải rằng trong đảng cứ 50 người làm (trăm tay) thì có 500 người
nhòm ngó (nghìn mắt) để phán và phá, thành thử làm gì cũng khó. Lại có ý
kiến cho rằng
“da sắt xương đồng” thì là bất động vật, một thứ
vô hồn. Chắc hẳn cả ba ý đó không phải là điều mà Tố Hữu muốn nói. Hai
câu thơ của ông thể hiện một thủ pháp truyền thống, được áp dụng suốt
mấy chục năm qua để đề cao đảng. Đó là:
Làm lạ hóa,
trừu tượng hóa để tuyệt đối hóa đảng, nhằm có được một hình tượng
cực kỳ siêu phàm, vô cùng sáng suốt và tài giỏi toàn năng.
Từ đó mà thuyết phục hay bắt buộc muôn dân ngoan ngoãn đi theo, một
lòng tuân thủ sự điều khiển và sai khiến của lãnh đạo đảng.
Có điều ngộ nghĩnh là những người đứng đầu đảng rất hay ca ngợi đảng, mà hóa ra là ca ngợi chính mình.
“Đảng vĩ đại”phải chọn mình làm
“đầu đảng”, thì mình vĩ đại biết nhường nào?
“Đảng tài tình sáng suốt”, mà chính mình là người quyết định đảng
“nghĩ gì nói gì làm gì”,
thì có nghĩa là mình tài tình sáng suốt, chứ còn ai? Vì chẳng mấy ai
ngờ rằng họ đang tự khen bản thân, nên không ai chê là tự phụ, mà ngược
lại còn khen là họ khiêm tốn. Đó là một ví dụ về hiệu quả diệu kỳ của
phương pháp
“lạ hóa”, không những có thể biến
không thành
có, mà còn có thể biết
âm thành
dương, biến
xấu thành
tốt.
Đảng linh thiêng nhờ ẩn khuất siêu hình. Song trên thực tế đảng
chỉ có thể hiện thân vào những cá thể bằng xương, bằng thịt. Dù lãnh đạo cấp nào thì cũng
thấm đẫm trong mình những cái sang hèn, tốt xấu của trần gian.
Nhiều vị khi đi học thì lạch bạch dưới
trung bình, lớp nào cũng phải nương tựa bạn bè. Lý lịch thuộc diện ưu
tiên, song vẫn không vào thẳng được đại học, mà phải vòng qua lối
“cử tuyển”,
“liên thông”,
“tại chức” hay
“từ xa”. Đã hạ chất lượng đến tột cùng, mà nhiều
“đại nhân” vẫn phải cậy người học hộ, thi hộ. Ấy vậy mà nhờ
“sự phân công của đảng” cũng
leo lên được ghế lãnh đạo, rồi cho mình cái quyền sai khiến muôn dân,
lên mặt dạy bảo cả những bậc thầy. Cứ như thể đảng là một thứ hồn,
thiêng đến mức chỉ cần nhập vào hạng yếu bóng vía cũng khiến kẻ ngây ngô
có thể phát ngôn ra những chân lý cao siêu của thế giới xa lạ.
Đảng lãnh đạo thông qua chủ trương,
đường lối, chính sách và mệnh lệnh. Tất cả những thứ đó đều là sản phẩm
của những con người cụ thể. Không phải của toàn thể mấy triệu đảng viên,
cũng không phải của mấy vạn đảng viên cốt cán, mà của rất rất ít
“siêu đảng viên”.
Đó là mười mấy vị trong Bộ Chính trị, mà thường thì tập thể ấy cũng bị
chi phối bởi chỉ mấy người. Hãn hữu, quyền lực bao trùm thiên hạ được mở
rộng ra vòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng với khoảng hai trăm ủy viên.
Về lý thuyết thì Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội đại biểu đảng toàn
quốc có tiếng nói quyết định trong việc hoạch định chủ trương và đường
lối của ĐCSVN. Nhưng Ban Chấp hành Trung ương thì do Đại hội đảng bầu
ra, mà thành phần cốt cán tham gia Đại hội đảng lại do Bộ Chính trị của
khóa trước lựa chọn. Và nói chung, cả hai thành phần ấy thường tỏ ra rất
biết thân biết phận, nên chẳng mấy khi dám làm trái ý lãnh đạo tối cao.
Vậy là số phận của gần trăm triệu người
hiện sống trên đất Việt, thậm chí cả số phận của những thế hệ mai sau,
được đặt vào tay một số
“siêu nhân”. Câu hỏi tự nhiên là:
Những “siêu nhân” đó có xứng đáng được trao trọng trách to lớn như vậy hay không? Bạn hãy rút thăm chọn ngẫu nhiên vài vị trên
“thiên đình”, rồi thử trả lời câu hỏi này xem sao!
Thực tình tôi không muốn và cũng chẳng thích nêu đích danh ai, nhưng để trả lời câu hỏi
“có xứng đáng được trao trọng trách to lớn như vậy hay không” thì
không thể ca ngợi hay quy kết chung chung, mà phải căn cứ vào con người
cụ thể. Phòng trường hợp nhóm đương nhiệm chưa kịp thể hiện hết mình,
thì chọn nhóm tiền nhiệm vậy.
Xin thứ lỗi là không thể tránh chọn ông, bởi suốt ba mươi năm qua không ai án ngữ chính trường lâu bằng ông.
Chín năm làm Chủ tịch Quốc hội. Mười năm làm Tổng bí thư ĐCSVN.
Trong thời gian ấy, ngoài những công việc sự vụ như ngồi bấm giờ điều
hành các cuộc họp, hay đi thăm viếng đó đây, thì ông làm được những gì?
Việc gì có thể tính là công? Việc gì phải coi là tội? Bao nhiêu quyết
định sai lầm trầm trọng, bao nhiêu vụ tham nhũng tày trời đã xảy ra khi
ông nắm giữ quyền lực tối cao? Nhân dân sẽ phải gánh chịu hậu quả thêm
bao nhiêu thập kỷ nữa kể từ khi ông “hạ cánh”?
Ông đã từng học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội (
1958 – 1961). Sau 4 năm làm việc trong ngành lâm nghiệp, ông lại được đưa đi học đại học lâm nghiệp tại Liên Xô (1966 – 1971).
Trong khoảng 8 năm trời được đào tạo về nghề rừng, ông đã học được
những gì và rồi áp dụng thế nào, mà thời kỳ ông làm Chủ tịch Quốc hội
(là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”) và Tổng bí thư ĐCSVN (là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”)
cũng là thời kỳ mà rừng Tổ quốc bị tàn phá nặng nề nhất? Không phải do
lục lâm tiến hành vụng trộm, mà công khai, đàng hoàng, được đầu têu hay
dung túng bởi cán bộ và cơ quan Nhà nước, và còn được ngụy trang bởi chủ
trương chính sách, ví dụ như việc đội lốt xây dựng thủy điện để phá
rừng, chiếm đất. Chất lượng lãnh đạo trong lĩnh vực mà ông từng được đào
tạo chính quy bài bản còn tệ như vậy, thì hiệu quả lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện” trong những lĩnh vực mà ông thuộc loại “nửa chữ cắn đôi” còn… nặng nề tới đâu?
Ông biết gì về công nghệ khai thác bô-xít và hậu quả của nó? Ấy vậy mà ông lại tùy tiện ký kết với
“bạn vàng” của ông về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, biến một việc tệ hại thành
“chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”.
Giả sử lúc đầu do nông… cạn, nên nông nổi ký nhầm, thì sau đó biết bao
người đã lên tiếng can ngăn, đã phân tích rõ ràng về hậu quả tai hại
toàn diện, cả về mặt kinh tế, quốc phòng và môi trường. Họ là bậc thầy
của các ông, ít nhất là về kiến thức khoa học và công nghệ, tại sao vẫn
dứt khoát không nghe?
Một người tử tế, nếu tự mình làm ra của
cải dư dật, thì cũng không quyết ăn tiêu bằng sạch, mà còn lo dành dụm
ít nhiều cho con, cho cháu. Tài nguyên của Đất nước không phải là thứ do
các ông hay thế hệ này tự tay làm ra, mà do Tạo hóa ban cho
muôn đời Dân Việt, nên các ông không có quyền hành xử theo lối
“nuốt không hết thì phá”, mà càng
phải có trách nhiệm để phần cho bao thế hệ mai sau.
Giả sử việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên có lãi ngay lập tức và hoàn
toàn vô hại, thì các ông cũng chẳng nên vơ vét hết, nếu còn biết tôn
trọng đạo đức tối thiểu, là không được phép ăn tranh cả phần tài nguyên
của đời đời kế tiếp. Đằng này, đã được các chuyên gia báo trước là lỗ,
và thực tế đã chứng tỏ là lỗ, lại còn gây ra bao tác hại ghê gớm cho môi
trường, chưa kể đến hiểm họa quốc phòng… Vậy mà các ông vấn cứ bịt tai
nhắm mắt tiếp tục làm bừa. Thế là vì cớ gì? Vì lợi lộc tư túi mà tối
mắt, hay vì mải theo
“bạn vàng” mà lạc lối?
Bỏ cả đống tiền của để dựng hồ chứa bùn đỏ trên nóc nhà Đông Dương còn chưa đủ tốn kém và nguy hiểm hay sao, mà
còn quyết vay mấy chục tỷ USD để rước hiểm họa hạt nhân về đặt giữa lòng Ninh Thuận? Đừng nghĩ rằng “đóng két cuốn gói” rồi là thoát. Nếu sau này xảy ra thảm họa hạt nhân ở Ninh Thuận, hay ở Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi…
thì Nhân dân sẽ truy tìm thủ phạm cả trên dương thế lẫn dưới tầng địa
ngục, trong đội ngũ đã tham gia tư vấn, thiết kế, xây dựng, hoặc vận
hành nhà máy điện hạt nhân, và đặc biệt là trong hội đã đẻ ra loại “chủ trương luôn luôn đúng nhưng thực hiện chỉ có sai”.
Là người lãnh đạo tối cao của bộ máy cầm quyền khi thông qua quyết định
xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chắc chắn Nhân dân sẽ không quên trách
nhiệm hàng đầu của cá nhân ông.
Cái gia đình cỏn con của bản thân, ông
có điều khiển tử tế không? Sao ông không dồn sức lo liệu việc nhà cho
gần hơn với năng lực, mà lại ôm đồm lãnh đạo cả Quốc gia?
Năm này qua năm khác, ông giáo dục toàn Dân, toàn đảng phải
“học tập và làm theo…”, theo những thứ mà chính bản thân ông không theo, hoặc có muốn theo cũng không theo nổi. Cuối cùng, bao năm bận bịu
“giáo dục Nhân dân” của ông chỉ để lại ấn tượng sâu sắc về…
bản lĩnh nói dối.
Giờ đây đã nghỉ hưu, ngày rộng tháng dài, ông hãy tĩnh tâm suy nghĩ
thật kỹ, rồi trả lời ngắn gọn cho toàn thể Nhân dân được rõ:
Chúng tôi có thể học được cái gì từ những người như ông?
Với tài đức như thế, tại sao Nhân dân Việt Nam lại phải chấp nhận để ông
lãnh đạo và
giáo dục suốt bằng ấy năm trời?
Tính theo tuổi thọ trung bình là 73,
thì tất cả chúng tôi, những công dân Việt Nam sinh trước năm 1992 và
hiện chưa khuất núi, phải mất khoảng một phần tư đời mình để sống dưới
thời “tứ trụ triều đình” của ông. Mà đấy là mới kể thời trị vì
của ông. Không hiểu kiếp trước chúng tôi phạm phải tội gì, mà kiếp này
bị Trời đày lâu như vậy?
Viết như thế không phải để phủ định cá
nhân ông. Dẫu sao đi nữa, khi bộ máy quyền lực khổng lồ đã đưa ông lên
vị trí lãnh đạo tối cao, thì chứng tỏ là ông cũng có phần nhỉnh hơn số
đó. Có điều,
còn hàng vạn đảng viên hơn hẳn ông cả tài lẫn đức, nếu
so sánh trong phạm vi toàn Dân thì số tài đức hơn hẳn ông còn nhiều gấp
bội. Vậy thì tại sao lại chọn ông lãnh đạo đảng cầm quyền, để cầm
đầu cả Quốc gia? Ừ thì tổ chức cũng có lúc nhầm lẫn, nhưng vì sao lại
nhầm lẫn bốn nhiệm kỳ liên tiếp, suốt gần hai mươi năm trời?
Phải chăng là vì cái bộ máy và cơ chế tổ chức ấy không muốn hoặc không thể chọn những người có tài năng vượt trội?
Nếu là đảng viên có trách nhiệm với đảng thì cần đặt ra câu hỏi:
Có thể phó mặc số phận của đảng cho bộ máy và cơ chế tổ chức ấy hay không?
Nếu là công dân có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng thì phải tự hỏi:
Có thể tin tưởng mà để mặc bộ máy và cơ chế tổ chức ấy chọn ra những người nắm giữ vận mệnh của cả Dân tộc hay không?
Viết như thế không nhằm phủ nhận đảng cầm quyền, mà để đối diện với câu hỏi không thể lẩn tránh là:
Có
thể chấp nhận việc hiến định quyền lãnh đạo đương nhiên và vĩnh viễn
cho một đảng với thực trạng chất lượng tổ chức như vậy hay không?
Từ chỗ là một đảng mạnh vì biết dựa vào
Nhân dân và dám đương đầu với thử thách, nay ỷ thế độc quyền lãnh đạo
mà đứng trên Nhân dân, để tham nhũng hoành hành tàn phá Đất nước và làm
hại Nhân dân, rồi lạm dụng bạo lực để trấn áp phản biện và bỏ tù những
người bất đồng chính kiến. Vậy thì tránh sao nổi tha hóa?
Ỷ vào sức mạnh súng đạn, thay cho sức mạnh trí tuệ, thì làm sao chọn được lãnh đạo tài năng?
Thuật ngữ
“lãnh đạo tập thể” hay
được dùng để ngụy trang năng lực và lấp liếm trách nhiệm cá nhân. Song
vài trăm học sinh lớp một hợp lực lại cũng không đủ trình độ trúng tuyển
vào đại học; vài trăm cái xe đạp buộc gộp lại cũng không thể cất cánh
giống máy bay… Cái gọi là
“lãnh đạo tập thể” có thể gom góp chút
sức mọn, nhưng không thể biến hóa ra mãnh lực từ cõi hư vô, họa chăng
chỉ khuyếch trương tà khí. Trong hoàn cảnh số
“ác” lấn át số
“thiện”, thì
“tập thể” ấy sẽ triệt tiêu
cái
“thiện”.
Bi kịch tương tự như bị kẹt giữa đám đông không biết bơi chới với trong
sóng nước, thì người bơi giỏi đến mấy cũng dễ bị kéo chìm.
Lịch sử đã chứng kiến bao tiền triều
phong kiến, có thể khởi đầu bởi một đấng minh quân, nhưng tự mãn rồi tự
tôn, lao vào sa đọa, dần dần tha hóa thành hôn quân. Ỷ thế độc quyền
quân chủ, đám trọng thần lộng hành không lo tiến cử người tài đức, mà
lại dèm pha, thậm chí hãm hại hoàng tử thông minh, và đưa hoàng tử u mê
kém cỏi lên ngôi thái tử, để sau này dễ bề
“xỏ mũi”. Ưa loài siểm nịnh mà ruồng bỏ tài năng, thì triều đình chỉ còn nước lụi tàn.
Nếu nhà đương quyền không rút ra được
bài học tương ứng từ lịch sử, khăng khăng tự tôn trong chế độ độc đảng
toàn trị, thì sẽ không thoát khỏi vết xe lầy của các tiền triều, rồi sớm
muộn cũng biến khỏi vũ đài lịch sử.
Để giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ
đang tiềm ẩn trong Nhân dân và trong ĐCSVN, nhằm khắc phục hiện trạng
bi đát gần như vô vọng, thì giới cầm quyền phải vượt qua bản tính ích kỷ
và bản năng cậy thế cường quyền, mà chấp nhận cạnh tranh dân chủ. Chỉ
những chế độ dân chủ và những đảng chấp nhận dân chủ thì mới có khả năng
tự điều chỉnh để bền vững với thời gian.
Khi phải cạnh tranh với các
đối thủ khác và thuyết phục Nhân dân bỏ phiếu bầu mình, thì không đảng
nào dám đưa những người kém năng lực lên làm lãnh đạo, và chẳng đảng nào
dám trịch thượng với Nhân dân.
Cho đến lúc giới cầm quyền tỉnh cơn mộng quyền uy, ta chỉ có thể đặt ra và tự trả lời câu hỏi:
Một đảng với hiện thân cầm đầu như thế mà xưng là “lãnh đạo Nhân dân” và “giáo dục Nhân dân” thì có hợp lý hay không?
Nhân dân trong phận học trò
Thuở xa xưa, khi đại đa số người dân
còn nghèo và ít học, thì nhiều nhân vật trong giới cầm quyền có vẻ xuất
chúng, lại có thêm lợi thế từ độc quyền thông tin. Nếu người cầm quyền
không hơn người dân về tài, hay đức, hay về tuổi đời, thì thường cũng
hơn về thâm niên hoạt động hay thành tích đóng góp cho chế độ. Vì vậy
dân tình dễ chấp nhận việc
“mấy ổng dẫn dắt”.
Ngày nay, dù xướng tên bất cứ ai trong
bộ máy cầm quyền, thì cũng có thể tìm được trong Nhân dân vô số những
người hơn hẳn vị ấy cả tài lẫn đức, cả tuổi đời lẫn thâm niên hoạt động,
cũng như thành tích cống hiến. Trong hoàn cảnh đó, dựa vào cơ sở nào để
lập luận rằng mấy vị đang cầm đầu ĐCSVN hiển nhiên có quyền
“lãnh đạo Nhân dân”,
và
”giáo dục Nhân dân” về những thứ mà Nhân dân được yêu hay phải ghét, về những điều mà Nhân dân phải làm, được làm và không được làm?
Giữa thời đại internet, nhiều nông dân
cũng lướt mạng tìm kiếm tri thức. Nhiều thanh niên mới lớn cũng có khả
năng tự mở rộng tầm hiểu biết vượt xa khỏi biên giới quốc gia. Biết bao
người dân hàng ngày tiếp nhận những thông tin đa dạng, không chỉ về
những gì đang diễn ra, mà còn tra cứu cả tài liệu lịch sử, để đánh giá
những chuyện đúng sai của hàng chục năm về trước. Trong khi đó, nhiều vị
lãnh đạo đầu bạc không chỉ lạc hậu về công nghệ, mà còn chậm tiến cả về
tư duy. Họ cứ ca mãi những bài mà thiên hạ đã biết rõ là sai, khiến
người nghe phải xấu hổ thay.
Từ khi giáo dục bị thị trường hóa,
những người có chức có quyền có thể trưng ra vô vàn bằng cấp, nhiều hơn
hẳn so với các thế hệ quan chức trước kia. Nhưng tầm kiến thức và khả
năng tư duy thì ngược lại. Thậm chí, cơ chế tuyển chọn lãnh đạo bấy lâu
nay đã tạo ra trạng thái hết sức trái khoáy:
Càng lên cao thì mật độ chất xám càng giảm,
như thể là mô phỏng tự nhiên:
Càng lên cao thì không khí càng loãng. Theo cách nói của nhà báo Huy Đức thì
“nhận thức chính trị của một nguyên thủ trong thời đại ngày nay lại chỉ như tuyên huấn huyện ủy hồi thập niên 1980s.” Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập thì thành thật thủ thỉ: “… nói thật nhé, cụ còn kém hơn nhiều so với mấy cụ hưu trí ở phường, xã.” Phải
chăng, cũng chính vì hạn chế tư duy mà giới cầm quyền không nhận thức
nổi là thời cuộc đã thay đổi, do đó vẫn đòi đặt đảng – mà thực chất là
chính bản thân họ – lên trên Nhân dân, và vẫn muốn nhân danh đảng để “giáo dục Nhân dân”?
Họ định
“giáo dục” ai?
“Giáo dục” Cụ
Võ Nguyên Giáp rằng “đề nghị… cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên” là sai, là trái với “chủ trương lớn của đảng và Nhà nước” ư? “Giáo dục” Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh rằng “đồng ý với bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992″ (thường được gọi tắt là “Kiến nghị 72″) là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” ư? Không hiểu “các thầy” có gì hơn so với “loại học trò” như các Cụ để mà “giáo dục”? Hay để đảm bảo chất lượng “giáo dục đại chúng”, thì những “loại học trò cứng đầu” như
các Cụ đã bị khai trừ khỏi Nhân dân? Trong Nhân dân có vô số những
người tài giỏi hơn hẳn giới cầm quyền và đội ngũ tuyên huấn, khai trừ
làm sao xuể.
“Hàng tổng” đã đành, đằng này
“hàng mõ” cũng ngộ nhận, cũng lên giọng
“lãnh đạo và giáo dục Nhân dân”.
Một
viên đại tá (từ đại ngàn đại tá), với học hàm Phó giáo sư (trong số bạt
ngàn Phó giáo sư), cũng ngạo nghễ khen Hiệu trưởng và Hiệu phó của mấy
trường đại học… học giỏi. Biết là đang “nói với đội ngũ trí tuệ nhất của đất nước chúng ta”, mà vẫn lớn tiếng: “Đồng chí kia cất cái báo đi nhé, cất kính đi! Tôi nói như vậy mà vẫn đọc báo, không nên như vậy.” Tầm cỡ Hiệu trưởng, Hiệu phó trường đại học, đã chịu “cưa sừng làm nghé”, gắng gượng ngồi chứng kiến bài tuyên huấn luyên thuyên, mà còn bị “xạc” công
khai giữa hội trường như thế, thì tầm bà con công nông sẽ bị mắng mỏ
đến mức nào? Đó là một ví dụ điển hình về sự ngạo mạn, hợm hĩnh của mấy
vị cho rằng mình có quyền “giáo dục Nhân dân”.
Có vô vàn những phát ngôn về
“lãnh đạo Nhân dân” và
”giáo dục Nhân dân”, đầy trong sách vở, đài báo… Ông To phồng má, bà Nhỏ cũng trợn mắt, đua nhau đòi
“lãnh đạo và giáo dục Nhân dân”. Mà Nhân dân là ai?
Nhân dân là cộng đồng người
gắn kết với nhau bởi nền văn hóa và lịch sử chung. Nhân dân của một nước
là cộng đồng của toàn bộ dân cư nước ấy. Điều đó có thể đọc được ở nhiều nơi. Thậm chí,
“tài liệu chính thống” của Liên Xô, được dịch ra tiếng Việt với sự phối hợp của phía Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn viết rằng:
“Chỉ trong trong xã hội xã hội chủ nghĩa, khái niệm ‘nhân dân’ mới bao quát toàn bộ dân cư, tất cả các nhóm xã hội của nó.” (Dòng 4 – 7, trang 402,
“Từ điển triết học”,
bản tiếng Việt, do Nhà xuất bản Tiến bộ Mát-xcơ-va in năm 1986, được
dịch từ bản tiếng Nga in năm 1975, với sự phối hợp sửa chữa và bổ sung
của Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội).
Bất cứ đảng phái nào cũng là một
“nhóm xã hội” của cộng đồng dân cư, là
tập hợp của những con người từ Nhân dân mà ra. Vì vậy,
mọi đảng phái đều ở trong Nhân dân. Nếu muốn sắp xếp thứ tự trên dưới, thì phải đặt
Nhân dân ở trên mọi đảng phái, kể cả ĐCSVN.
Lẽ ra phải là như vậy. Thế nhưng, đã từ lâu, trong ngôn ngữ chính trường ở nước ta, hễ đi với nhau thì
“ĐCSVN” đượcviết trước “Nhân dân”, và trong đời sống chính trị thì
ĐCSVN luôn được đặt trên Nhân dân.
Là cá thể của Nhân dân, là bộ phận
của Nhân dân, mà đòi đứng trên toàn thể Nhân dân để “lãnh đạo Nhân dân”
và “giáo dục Nhân dân”, thì có phải là… có giáo dục hay không?
Con Nhân dân hay đã lạc loài?
“Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ.” Khẩu
hiệu đó đã gắn liền với lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân từ thuở xa
xưa, khiến người người tin rằng lực lượng ấy là của Nhân dân. Niềm tin
đó được củng cố bởi
Điều 45 Hiến pháp 1992, quy định rằng:
“Các lực lượng vũ trang nhân
dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…, bảo vệ chế độ
xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây
dựng đất nước.”
Cho đến một ngày, đó đây trương lên khẩu hiệu mang tín hiệu phản phúc:
“Còn đảng còn mình”. Tưởng rằng đó chỉ là sản phẩm lạc điệu của mấy cái đầu ít học. Ai dè, tư duy lạc loài còn được khuếch đại tiếp, khi
Điều 45 Hiến pháp 1992được sửa đổi thành Điều 70 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 (được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 02/01/2013):
“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân ..; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”
Họ không chỉ bắt
“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam” và
“bảo vệ Đảng”, mà còn đặt
“Đảng cộng sản Việt Nam” lên trên cả
”Tổ quốc và Nhân dân”. Trên thế giới có hiến pháp nào khác kỳ quặc như thế nữa không? Vì
“Lực lượng vũ trang nhân dân” là một bộ phận của Nhân dân, nên
bắt lực lượng ấy
phải
“bảo vệ Đảng” thì có nghĩa là đòi Nhân dân phải bảo vệ đảng. Điều đó trớ trêu ở chỗ: ĐCSVN tuyên bố ra đời
để phục vụ và bảo vệ Nhân dân, nhưng bây giờ lật ngược:
Đòi hỏi Nhân dân phải phục vụ và bảo vệ đảng.
Thực ra, việc hiến định
“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN“ sẽ chẳng có lợi gì cho đảng. Bởi lòng
trung thành của các chiến sĩ và sĩ quan đối với ĐCSVN chẳng phụ thuộc vào việc nghĩa vụ
“trung thành“ có
được hiến định hay không. Trong một thể chế mà giới cầm quyền luôn đầu
têu coi thường Hiến pháp và vi phạm pháp luật, thì các điều hiến định
cũng không thể tác động nhiều đến tâm tư và hành động của người cầm
súng.
Ngược lại, việc hiến định
“trung thành“ một
cách cưỡng bức chỉ gây phản cảm. Trong lực lượng vũ trang không thiếu
người trượng nghĩa. Họ sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ những người lâm nạn.
Nhưng nếu ai đó, kể cả ĐCSVN, lại ra lệnh rằng
“anh phải tuyệt đối trung thành với tôi, phải tận tụy bảo vệ tôi và phải hy sinh vì tôi”, thì biết đâu lòng tự trọng sẽ khiến họ quay lưng… Vậy là, việc hiến định
“trung thành“ có thể sẽ làm cho vài ba tay súng
“trung thành“ hơn, nhưng lại khiến nhiều người trọng nghĩa khí hành động ngược lại.
Đã có nhiều ý kiến phê phán cái sửa đổi Hiến pháp kỳ quặc đó.
Thay vì thành khẩn tiếp thu, bộ máy tuyên truyền quốc doanh lại tung ra
những luận điệu ngụy biện để phản công. Họ khẳng định rằng lực lượng vũ trang do đảng lập ra, nghĩa là của đảng. Và tiền của mà Nhân dân bỏ ra nuôi lực lượng ấy cũng được thuyết minh là bổng lộc của đảng. Thành thử, nhiều tướng tá cho rằng mình được đảng tuyển mộ và nuôi nấng no nê, thì đương nhiên “phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN” và “bảo vệ Đảng”. Đối với tầm tư duy của họ thì chẳng có gì là lạ khi đặt ĐCSVN lên trên Tổ quốc và Nhân dân.
Phải chăng, vì quan niệm không phải là
lực lượng của Nhân dân, nên công an được huy động để đàn áp Dân? Những
đứa con của Nhân dân được giao cho đảng giáo dục và rèn luyện trong lực
lượng công an mang tên Nhân dân, không hiểu được đảng đào tạo thế nào,
mà khi ra nghề lại chỉ chăm chăm trấn lột Dân? Mới ngày nào, công an còn
được coi là lực lượng trấn áp côn đồ và kiềm chế đầu gấu để bảo vệ cuộc
sống yên lành của muôn dân. Vậy mà bây giờ, công an lại
giả danh côn đồ và thuê đầu gấu xã hội đen để tấn công Dân. Thậm chí, cả
quân đội, mà nhiệm vụ là bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân trước giặc ngoại
xâm, cũng bị lôi cuốn vào những vụ phi pháp hại Dân, như ở Tiên Lãng. Nhân dân cũng chẳng tiếc những kẻ sẵn sàng tuân lệnh quan tham đi đàn áp Dân và phụng sự loài cướp đất. Nếu đôi bên đều muốn thì đảng cứ việc giữ đám đó mà làm của riêng. Có điều, các vị hô hào ”đảng hữu hóa” lực lượng vũ trang nên ý thức rõ những hậu quả nhãn tiền sau đây:
Một là, nếu cho rằng
lực lượng vũ trang là của ĐCSVN, thì hãy trung thực gọi nó là
“Lực lượng vũ trang ĐCSVN”. Hãy xóa hai chữ
“Nhân dân” ra khỏi tên lực lượng vũ trang, để tên
“Nhân dân” không còn bị lạm dụng, gán cho những toán quân đi đàn áp Dân.
Hai là, nếu
lực lượng vũ trang là của ĐCSVN, thì
hãy lấy tài sản riêng của đảng mà nuôi lực lượng ấy! Không thể bắt Dân tiếp tục đóng thuế, hay phải đứng ra trả nợ, để nuôi
“con riêng của đảng”, nếu chúng chỉ chăm chăm bảo vệ đảng (nói đúng hơn là bảo vệ lãnh đạo của đảng).
Ba là, nếu
lực lượng vũ trang là của ĐCSVN, để bảo vệ đảng là chính, thì công dân sẽ không có nghĩa vụ phải gia nhập lực lượng ấy, nghĩa là sẽ
không còn “phải làm nghĩa vụ quân sự” như
bấy lâu nay. Bởi vì: Công dân chỉ có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và Nhân
dân, trong đó có cả bản thân và gia đình mình, chứ không có nghĩa vụ
phải bảo vệ ĐCSVN, càng không có nghĩa vụ phải hy sinh xương máu vì đảng
hay vì cái gọi là “nghĩa vụ quốc tế” của giới cầm quyền.
Bốn là, nếu lực lượng vũ trang hiện
đang tồn tại không còn là của Nhân dân, thì Nhân dân có quyền lập ra lực
lượng vũ trang của mình, sẽ lấy lại tên của mình để đặt cho lực lượng
ấy, sẽ đưa con em mình vào đó và dành tiền của để nuôi họ. Tất nhiên,
lực lượng vũ trang đích thực của Nhân dân sẽ đương đầu với bất kỳ thế
lực nào hại Nước, hại Dân.
Vậy thì các vị đòi
“đảng hữu hóa” lực lượng vũ trang
đã
thỏa mãn chưa? Liệu các vị có ngăn cản nổi con em Nhân dân rời bỏ lực
lượng vũ trang đã xa Nhân dân để trở về với lực lượng vũ trang đích thực
của Nhân dân hay không? Thiếu người, thiếu của, liệu các vị có duy trì
nổi đội quân khổng lồ để bảo vệ đảng hay không?
Rõ ràng, việc lạm dụng Hiến pháp để buộc lực lượng vũ trang
“phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN“ không đem lại lợi ích gì, mà chỉ có hại cho đảng. Một lần nữa ta thấy:
Những vị lớn tiếng nhất trong việc hô hào bảo vệ đảng có khi lại là những người phá đảng đắc lực và hiệu quả nhất.
Do bị phản đối, trong
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 (được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 17/05/2013), họ đã chữa Điều 70 thành:
“Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân…”
Tức là đưa
“Tổ quốc” lên trước
“Đảng”, bổ sung thêm
“Nhà nước” vào sau
“Đảng”, nhưng vẫn đặt
“nhân dân” ở vị trí cuối cùng, và chỉ có
“nhân dân” là không được viết hoa. Rồi đây, có thể
“thứ tự trung thành” sẽ còn được thay đổi trong các phiên bản dự thảo tiếp theo, nhưng những gì đã diễn ra trong Dự thảo
phiên bản 2 và phiên bản 3 mãi mãi là bằng chứng về sự coi thường Nhân dân của thế lực cầm quyền.
Từ khi ra đời đến nay, dù chẳng hề có hiến định về nghĩa vụ “phải tuyệt đối trung thành với Đảng” và “bảo vệ Đảng”, thì cả
hai lực lượng Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân vẫn trung thành với
ĐCSVN và bảo vệ ĐCSVN. Nếu đảng thực sự gắn bó với Tổ quốc và Nhân dân,
thực sự vì Nhân dân và chia sẻ số phận với Nhân dân, thì việc hiến
định “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN” và “bảo vệ Đảng” là
hoàn toàn không cần thiết. Bởi lẽ khi đó, lực lượng vũ trang trung
thành với Tổ quốc và Nhân dân thì cũng đã hàm chứa cả trung thành với
đảng, và bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân thì đương nhiên cũng bảo vệ cả đảng.
Cho nên, việc cố tình tách riêng đảng trong danh sách mà lực lượng vũ
trang “phải tuyệt đối trung thành” chứng tỏ rằng: Thế
lực cầm quyền (đang đạo diễn việc hiến định nghĩa vụ “trung thành” của
lực lượng vũ trang) đã tự tách mình ra khỏi Tổ quốc và Nhân dân.
Việc đặt ĐCSVN lên trước cả Tổ quốc và Nhân dân trong thứ tự mà lực lượng vũ trang “phải tuyệt đối trung thành” (tức làđòi lực lượng vũ trang phải trung thành với đảng hơn so với Tổ quốc và Nhân dân) không chỉ phản ánh sự ngộ nhận vô lý, mà cả tâm lý lo sợ của những thế lực tự biết mình phạm lỗi lớn với Tổ quốc và Nhân dân.
Thay vì tỉnh ngộ mà dừng tay, họ lại tiếp tục sa đà, rồi lạm danh đảng
và lạm dụng Hiến pháp để che chắn cho tội lỗi của họ. Việc hiến định đó
cũng cho thấy: Nếu gặp phản ứng, họ sẵn sàng lôi kéo và ra lệnh cho lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân quay lưng lại với Nhân dân, và đẩy con em Dân đi chống lại Dân. Hơn bao giờ hết, những người đang đứng trong hàng ngũ quân đội và công an cần phải tỉnh táo để xác định cho rõ: Mình vẫn là con em của Nhân dân, hay chỉ còn là công cụ của các thế lực đang vẫy vùng trong tham nhũng?
*
* *
Không riêng Lực lượng vũ trang Nhân
dân, mà cả ĐCSVN cũng từ Nhân dân mà ra, trước sau cũng chỉ là bộ phận
của Nhân dân. Vì vậy, không chỉ Lực lượng vũ trang Nhân dân, mà cả
ĐCSVN, và hiển nhiên cả tất thảy các vị lãnh đạo của hai tổ chức này,
cũng đều phải trung thành với Nhân dân. Tách khỏi Nhân dân là
phi lý, đứng trên Nhân dân là
phi luân, làm hại Nhân dân là
phi nghĩa.
Nếu không chịu hiểu cái lẽ tối thiểu ấy mà cư xử cho phải đạo, thì đừng
có mà oán thán khi bị Nhân dân ruồng bỏ như đám lạc loài.
Dù cái ghế mượn tạm của cuộc đời cao thấp đến đâu, thì các vị thường ưỡn ngực
“lãnh đạo và giáo dục Nhân dân” cũng
đừng quên thân phận. Muốn có mặt trên đời đều phải chui ra từ lòng mẹ.
Muốn lớn lên cần sự cưu mang, nuôi dưỡng của người thân. Muốn có chữ
phải theo thầy học đạo. Muốn thăng tiến phải dựa vào sự dìu dắt, nâng đỡ
của bậc đàn anh. Ấy vậy mà khi có được quyền cao, chức trọng, thì tưởng
mình là siêu nhân, cư xử như con Trời, coi Nhân dân như thần dân hạ
đẳng. Nhân danh đảng, tự cho mình cái quyền chăn dắt Nhân dân. Lấn át
Nhân dân, trong đó có cả mẹ cha, mà không thấy là
thất hiếu. “Xoa đầu” Nhân dân, trong đó có cả những người từng cưu mang, nâng đỡ, mà không thấy là
thất lễ. Cao ngạo giáo dục Nhân dân, trong đó vô số người còn giỏi hơn cả thầy mình, mà không thấy là
thất thố. Chiếm đoạt của cải của Nhân dân, trong đó có bao người cùng cực, mà không thấy là
thất đức. Dương dương tự đắc, mà không thấy cũng có ngày
thất thế, và rồi cũng trở lại là
thất phu.
Viết đến đây, bỗng nghe vang vọng bài ca
“Cho con” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu:
“Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực
Ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con
Vì con là con ba, con của ba rất ngoan
Vì con là con mẹ, con của mẹ rất hiền
Ngày mai con khôn lớn bay đi khắp mọi miền
Con đừng quên con nhé ba mẹ là quê hương.”
Đúng vậy, ba mẹ luôn hết lòng thương yêu và chăm sóc các con, bình thường không bao giờ bỏ rơi con cháu, đơn giản “
vì con là con ba” và
”vì con là con mẹ”. Khi con sống phải đạo, cư xử tử tế, xứng đáng là
“con của ba rất ngoan” và
“con của mẹ rất hiền”, thì
“ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con”. Kể cả khi con nhỡ làm điều gì dại dột, thì ba mẹ cũng rộng lòng tha thứ. Nhưng nếu đã đủ già dặn mà con lại
xưng là bố của ba, đòi làm má của mẹ, rồi
đè đầu ba mà lãnh đạo, túm tóc mẹ mà giáo dục, thì
không thể coi là vụng dại được nữa. Thử hỏi, trong hoàn cảnh ấy, ba mẹ
còn biết làm gì với thứ đã mang nặng đẻ đau tốn công nuôi dưỡng, ngoài
việc đấm ngực mà kêu:
Trời ơi, sao nhà tôi vô phúc thế này?
H.X.P.
17/09/2013
Nguồn:
hpsc.iwr.uni-heidelberg.de
Cùng tác giả:
Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp
Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov
Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?
Chẳng nhẽ độc quyền cả nói dối hay sao?
Là thực thi quyền hiến định ông Trọng ạ!
Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp
Teo dần quyền con người trong Hiến pháp
Hai tử huyệt của chế độ
Viễn tưởng từ chức
Bài học tồn vong từ thảm họa
Lực cản Nhà nước pháp quyền
Chiến binh cầm bút
Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!
Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng
Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ
Quyền biểu tình của công dân
Phiêu lưu điện hạt nhân
Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ
Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân
Copy từ:
Ba Sàm
.............................