CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Suy nghĩ qua những thông tin từ Hà Nội...

 
TT - Những ngày gần đây, cũng như nhiều người Hà Nội xa quê khác, tôi không khỏi trăn trở về những chuyện chẳng vui của nơi chôn nhau cắt rốn.
Cách đây dăm tháng, phát biểu của một quan chức cao cấp trong Thành ủy Hà Nội về những món tiền “khủng” người ta phải chi khi chạy chức, chạy việc đã gây chấn động dư luận, nhưng rồi như... đá ném ao bèo!
Khoảng ba tuần trước, Phòng Thương mại và công nghiệp VN công bố trong bảng cạnh tranh của các địa phương trên cả nước, năm 2012 Hà Nội bị tụt nhiều bậc so với năm 2011, và xếp thứ 52 (trên tổng số 63 tỉnh thành), chỉ hơn một số tỉnh cực kỳ khó khăn như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn...
Cách đây ít ngày, trong một cuộc họp lớn của thủ đô, vị đứng đầu thành ủy đã có một nhận xét rất thẳng thắn về tình trạng đạo đức xuống cấp của “một bộ phận không nhỏ” những người có chức quyền: “Doanh nghiệp nói họ đi làm ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn, còn Hà Nội bôi cũng không trơn”. Đau xót quá!
Những sự việc tưởng như rời rạc kể trên suy cho kỹ có thể thấy mối liên hệ “nhân - quả” rất biện chứng. Hi vọng người giữ cương vị cao nhất thành phố đã có nhận xét nghiêm khắc như thế, chắc sẽ cùng các cơ quan trách nhiệm của Hà Nội ra tay chấn chỉnh quyết liệt. Quyết liệt, vì hiện tại và tương lai của Hà Nội và vì cả đoàn tàu VN mà Hà Nội là đầu tàu. Hi vọng này lại tăng thêm khi báo chí mới loan một tin rất lạ: Trong lúc kinh tế nước nhà (kể cả Hà Nội) lao đao, chỉ ba tháng đầu năm 2013 có đến 15.300 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể thì bà Phạm Mỹ Hoa - cán bộ của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội - trong “bảng kê khai tài sản niêm yết công khai của sở này, tài sản tăng thêm năm 2012 của riêng bà là ba căn nhà có tổng diện tích 900m2, một khu nghỉ dưỡng diện tích 150m2, ba khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765m2, hai ôtô trị giá 2 tỉ đồng” (Tuổi Trẻ 7-4-2013).
Những con số gây “sốc” cho bất cứ ai thuộc diện “ba cọc ba đồng”. Điều đáng chú ý, bà Hoa chủ động “giải trình bằng văn bản về nguồn gốc số tài sản kê khai tăng thêm của mình”. Nghĩa là đương sự đã đảm bảo tính minh bạch, trung thực trong việc kê khai chứ không “tù mù” như con trai ông bí thư tỉnh ủy một tỉnh đồng bằng sông Hồng, mới đi làm công chức chưa được mười năm đã xây một dinh cơ ở quê giá trị nhiều chục tỉ đồng. Dư luận hồi đó rất xôn xao, thế rồi chuyện ấy lại cũng như đá ném xuống ao bèo!
Hãy chờ đợi sự thẩm định nghiêm túc của các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội và của cả Ban Nội chính trung ương nữa. Sự giàu có của bà Hoa chắc chắn có nhiều nguyên do và hi vọng nguồn cơn của sự việc sẽ thuộc khả năng nhờ bà làm ăn, kinh doanh giỏi giang và chính đáng.
Từ sự việc này ta cũng nên nghĩ đến việc hết sức cần thiết, ở cấp vĩ mô: “Nâng cao hiệu quả kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Hà Nội, nói rộng ra nhiều vùng trong cả nước, đâu có thiếu những trường hợp phát tài nhanh như tên lửa. Phát tài một cách chính đáng, và cả phát tài một cách bất lương. Không có những quy định thật chặt chẽ (hình như có rồi), không có quy trình hoạt động rốt ráo, đầy trách nhiệm của những người, những cơ quan Đảng và chính quyền (hình như còn khá nương tay), chủ trương “phòng chống tham nhũng” vẫn chỉ là chuyện nói cho vui. Lòng tin của dân sẽ tiếp tục bị xói mòn. Bệnh vô cảm, lối sống “mắc kê nô” (mặc kệ nó) đang phát triển chắc chắn sẽ lây lan nhanh hơn. Hậu quả khủng khiếp thế nào khó mà lường nổi.

TRẦN HỮU TÁ

 


Copy từ: Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét