Không hiểu sao, sau khi đọc bài này thì tự nhiên tôi lại nhớ về ông bố vợ
người Czech của mình. Tuy Cụ đã qua đời vào năm 2009 nhưng thường xuyên tôi nhớ
đến Cụ và nhớ đến “đạo làm người” của Cụ.
Khi còn làm việc, là một bác sĩ giỏi, ngoài chức giám đốc một bệnh
viện lớn của tỉnh thì Cụ còn là bí thư thành ủy đảng cộng sản Tiệp Khắc mà sau
này, khi thay đổi thể chế đã được tách đôi thành Czech và Slovakia vào
1.1.1993. Gọi là bí thư thành ủy cho có vẻ to nhưng đó chỉ là một thành phố
thuộc tỉnh và chịu sự lãnh đạo của tỉnh ủy. Khi mới biết Cụ vào những năm
1981-1982 thì tôi đã được nghe nhiều người trong thành phố ca ngợi tính liêm
khiết, hết lòng vì bệnh nhân của Cụ. Với những ai có bệnh nặng lại kèm theo
bệnh tiểu đường thì Cụ quan tâm đặc biệt và đồng thời dặn dò các bác sĩ phụ
trách lưu tâm đến họ. Cụ thường gặp riêng những bệnh nhân này trước khi họ ra
viện để nhắc nhở họ những gì cần tránh trong sinh hoạt ngày thường cũng như chế
độ ăn uống cần phải được đảm bảo. Sau này, khi đã trở thành con rể của Cụ thì
tôi mới nhận thấy rằng những gì mà người dân ca ngợi Cụ là hoàn toàn đúng. Hàng
năm, cứ đến đầu tháng 12 thì bệnh viện được tỉnh phân bổ một khoản tiền thưởng
trích từ ngân sách của tỉnh. Không như các nơi khác, tỉ lệ tiền thưởng thường
được chia theo mức lương, cao nhất là giám đốc và thấp nhất là những nhân viên
quét dọn. Từ khi Cụ nhận chức giám đốc, tức là từ năm 1969 thì Cụ ra qui định
là số tiền thưởng đó sẽ chia đều cho tất cả các nhân viên trong bệnh viện mà
không có bất kỳ chênh lệch nào. Lúc đầu, do quen mức thưởng cũ nên các bác sĩ,
nhất là các trưởng khoa phản đối kịch liệt vì họ cho rằng mình phải được mức
thưởng cao hơn nhưng ngược lại, các y tá, hộ lý và nhân viên dịch vụ thì ủng hộ
quyết định đó. Để xử lý những tranh luận nổ ra trong bệnh viện thì Cụ tổ chức
một cuộc họp và giải thích rằng tiền lương chính là sự đánh giá khả năng và mức
độ phục vụ của mỗi người còn tiền thưởng là cho sự đóng góp chung của tất cả
mọi người. Không có hộ lý, y tá, nhân viên quét dọn thì các bác sĩ cũng
chỉ có thể làm một việc đơn giản nhất là khám bệnh, viết đơn thuốc. Dần dần mọi
người cũng quen với cách làm của Cụ và từ đó trở đi, khi Cụ về hưu thì không
còn ai phản đối nữa. Hàng năm thì bệnh viện được cấp một số phiếu nghỉ an dưỡng
do Tổng Công Đoàn Tiệp Khắc phân bổ. Bao giờ Cụ cũng gọi thư ký Công Đoàn lên
để cùng bàn bạc và lựa chọn những người thật sự cần thiết. Theo như tôi biết
thì suốt cả thời gian từ lúc giữ chức giám đốc đến lúc về hưu vào năm 1998 thì
chưa một lần Cụ tự phân cho mình một phiếu nghỉ an dưỡng nào.
Vì nhu cầu của bệnh viện nên thường xuyên phải tiếp nhận nhân viên mới. Y
tá, nhân viên dịch vụ thì do phòng quản lý nhân sự đảm nhiệm theo chức năng còn
bác sĩ thì do Cụ cùng bác sĩ các trưởng khoa tiếp nhận. Khi Tiệp Khắc còn là
nước XHCN thì cũng chẳng khác gì Việt Nam, cũng COCC và giới quan chức nhà nước
cũng cố gắng tìm cách “nhét” con cháu mình vào những nơi “ăn sung, mặc sướng”
và nhàn hạ. Không ít lần Cụ đã nhận được những lá thư giới thiệu cho một ai đó
nhưng vấn đề đầu tiên mà cụ quan tâm là trình độ chuyên môn và tư cách của họ
chứ không ưu tiên cho thành phần “cành vàng, lá ngọc” mà dốt nát. Bệnh viện của
Cụ đã được đăng lên báo không ít lần về chất lượng phục vụ và đặc biệt là bệnh
viện duy nhất có những trưởng khoa không phải là đảng viên đảng cộng sản. Cụ
thường nói với mọi người: Đảng phải vì quyền lợi của người dân và với bác sĩ
thì chuyên môn và sự tận tâm với nghề nghiệp của mình là tiêu chuẩn duy nhất.
Tôi nhớ mãi hai từ DUY NHẤT của Cụ. Các bác sĩ mới rất được Cụ quan tâm và chỉ
dẫn, giúp đỡ khi họ có những sai sót. Đồng thời Cụ luôn cố gắng để không có
khoảng cách giữa những bác sĩ đã làm việc lâu năm với những bác sĩ mới vào
nghề.
Có một việc mà sau này, khi đã là rể của gia đình thì tôi được nghe mọi
người kể lại. Trong một lần khám bệnh thì cụ được nghe một bệnh nhân than phiền
là 2 cháu trai của họ, tuy học giỏi và đủ điểm vào đại học y khoa
và đại học kiến trúc nhưng đã bị từ chối chỉ vì lý do là bố mẹ của hai
cậu bé đó chạy qua Tây Đức sau vụ 1968 (1) .
Mặc dù không hề có quan hệ họ hàng nhưng Cụ đã dành thời gian đến gia đình đó
và sau khi thấy đó là sự thật thì Cụ đã xin nghỉ phép để đến gặp ban giám hiệu
của hai trường nhằm thuyết phục họ. Khi thấy không có kết quả thì Cụ đã lên
thẳng Praha yêu cầu gặp trực tiếp ông Milan Vondruška, Bộ trưởng Bộ Giáo
Dục và cuối cùng Cụ đã thuyết phục được ông Bộ trưởng để cả hai đều được nhập
học. Sau này, cả hai đã trở thành bác sĩ, kiến trúc sư có tầm cỡ tại Czech và
trên thế giới. Cũng nhờ vụ này mà ông Bộ trưởng và Cụ trở thành bạn thân của
nhau và tôi đã có nhiều dịp ngồi tào lao với vợ chồng ông bà ấy. Hồi đó, chuyện
chạy trốn khỏi Tiệp Khắc là một tội rất nặng và rất nhiều gia đình tan nát cả
cuộc đời nếu một ai đó trong gia đình trốn ra nước ngoài. Lý do của Cụ rất đơn
giản và cũng rất tình người: “Những đứa trẻ hoàn toàn vô tội và nhà nước không
thể dùng những đứa trẻ để trả thù cho bố mẹ chúng nó. Làm như vậy là vùi dập
tương lai của đất nước”.
Con trai cả của Cụ hồi đó là trưởng phân nhóm của báo “Quyền lợi Đỏ”(2)
tại Tây Âu với trụ sở ở Paris. Ai cũng biết rằng tất cả những ai làm việc
cho nhà nước mà được cử đi nước ngoài đều phải ký một hợp đồng chấp nhận hợp
tác với STB(3) – là cơ quan tình báo của Bộ Công
An Tiệp Khắc. Cậu ấy cũng không tránh được số phận đó. Tôi có nghe kể lại là
trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ thì cậu ấy có xin phép được gặp riêng Cụ một
buổi. Vì là người có kinh nghiệm nên khi gặp nhau, ngoài những tâm sự về cuộc
sống, mặc dù con trai không thể thổ lộ với Cụ việc phải ký bản hợp đồng “ma
quỷ” này nhưng vì có kinh nghiệm sống nên Cụ chỉ dặn con trai mỗi một câu: “Hãy
sống và làm việc bằng lương tâm của mình”. Hè 1989, trước khi qua đời do
bệnh ung thư hiểm nghèo, khi nằm trên giường bệnh thì người con trai cả đã nắm
tay Cụ và nói câu cuối cùng: “Cha, con đã sống đúng như con mong muốn
và đúng như lời Cha dặn – Tati, žil jsem přesně tak, jak jsem chtěl a jak jsi
přal” rồi vĩnh viễn ra đi. Cụ đã khóc và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn
thấy hai dòng nước mắt của Cụ. Vừa vuốt mắt cho con, Cụ vừa mếu máo nói:
“Cha biết, cha biết – Vím to, vím to”.
Ngày 19.11.2009, Cụ qua đời khi vừa qua tuổi 84. Chúng tôi chỉ muốn làm một
tang lễ trong khuôn khổ gia đình nhưng cuối cùng phòng lễ tang không đủ chỗ cho
mọi người đến dự. Tang lễ ở Châu Âu thường chỉ khoảng vài ba chục người nhưng
đám tang của Cụ có gần nghìn người đến chia tay. Không những bạn bè, người quen
mà rất nhiều bệnh nhân đã được Cụ cứu chữa và nhiều đoàn thể, đảng phái đã cử
người đến viếng. Thị trưởng thành phố là người đứng ra đọc điếu tang và tới giờ
tôi chỉ còn nhớ câu cuối cùng của ông ấy: “Doctor Courton luôn là một CON
NGƯỜI - Doktor Courton byl vždy ČLOVĚKEM”.
10.4.2013
Phú Hòa
Czech Republic
(1): Năm 1968, sau khi quân đội Liên Xô cùng quân đội khối Varsava đổ bộ
vào Tiệp Khắc để buộc chính quyền Tiệp Khắc phải đi theo đường lối của mình thì
rất nhiều người dân Tiệp Khắc, do phản đối hành động đó đã chạy ra nước ngoài,
phần lớn là sang Áo, Tấy Đức rồi đến các nước khác. Người dân Tiệp Khắc cho
rằng, nếu không có cuộc đổ bộ này thì chính phủ Tiệp Khắc đã có thể đưa đất
nước đi theo hướng không phụ thuộc vào Liên Xô và nhờ đó nền kinh tế của Tiệp
Khắc sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim như sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, khi
nền cơ khí của Tiệp Khắc nổi tiếng trên toàn Châu Âu. Khi Tiệp Khắc còn là nước
cộng sản, nhất là sau vụ 1968 thì công dân Tiệp Khắc chỉ có thể đi du lịch
trong các nước của phe XHCN, cùng lắm là qua Nam Tư chứ gần như không được phép
đi các nước tư bản. Nếu qua Nam Tư phải xin phép đặc biệt và không bao giờ được
phép đi cả gia đình để tránh trường hợp bỏ trốn. Nếu gia đình không con thì bao
giờ cũng chỉ được phép đi một người. Nếu gia đình có con thì bố mẹ đi,
con cái ở lại. Tuy vậy, nhiều cặp vợ chồng đã gửi con lại cho ông bà trông rồi
trốn ra nước ngoài qua con đường Nam Tư. Tất nhiên số phận của những người ở
lại rất cực khổ và luôn nằm trong sự kiểm soát của công an Tiệp Khắc. Con cái
của họ phần lớn không được học đại học và không được làm việc ở những vị trí
phù hợp với khả năng của mình. Sau năm 1968 rất nhiều giáo sư, bác sĩ, kỹ sư,
do phản đối hành động “đổ bộ” của Liên Xô đã bị đuổi khỏi vị trí làm việc của
mình và không ít người trong số này chỉ có thể tìm được việc làm duy nhất là
thợ đốt lò trong các nhà máy. Václav Havel, cố tổng thống Tiệp Khắc đầu tiên
sau năm 1990, sau khi ra tù là một trong những người như vậy.
(2): Báo “Quyền lợi đỏ - Rudé Právo” là cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản
Tiệp Khắc, giống như báo “Nhân Dân” ở Việt Nam. Sau năm 1990, khi chế độ cộng
sản bị lật đổ thì báo này đổi tên thành “Quyền lợi – Právo” nhưng vẫn thiên về
cánh tả.
(3): STB là cơ quan tình báo của Bộ công an Tiệp Khắc. Hồi đó, tất cả công
dân Tiệp Khắc được cử đi làm việc ở nước ngoài đều phải ký một hợp đồng tình
nguyện hợp tác với họ. Không những thế, nhiều công dân Tiệp Khắc, tuy chỉ sống
ở trong nước nhưng hoặc là tự nguyện, hoặc bị ép buộc phải cộng tác và thường
xuyên cung cấp cho STB những thông tin về những ai có biểu hiện chống đảng. Không
ít trường hợp, chỉ vì lấy thành tích hoặc vì hằn thù cá nhân mà có những tình
nguyện viên sẵn sàng vu oan cho người khác, tạo ra bằng chứng giả, ... và tất
nhiên nhiều người đã bị tan nát cả cuộc đời vì những điều vu oan, giá họa đó.
Sau năm 1990, khi hồ sơ mật của STB được công khai thì nhiều người giật mình
khi biết bạn bè mình, đồng nghiệp mình, hàng xóm mình làm việc cho STB và cung
cấp những tài liệu, thông tin sai trái về họ.
Copy từ: Thùy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét