Luật sư Trần Hồng Phong
Thế
là một vụ án có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng (xét về bản chất, tầm
vóc, đối tượng phạm tội), có tầm ảnh hưởng và quan tâm của tòan xã hội
cuối cùng đã kết thúc với kết quả cực kỳ nhẹ nhàng. Bị cáo được dư luận
quan tâm nhất, đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, là khởi nguồn của
vụ án tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn, ông Lê Văn Hiền, nguyên chủ
tịch UBND huyện Tiên Lãnh chỉ phải nhận hình phạt nhẹ nhàng nhất (trong
số 5 bị cáo): 15 tháng tù treo. Nói tóm gọn là chẳng phải ở tù ngày nào.
Vấn đề tội danh của ông Hiền,
nhiều người đã phân tích, nên tôi chỉ muốn nói “thêm” về băn khoăn của
mình liên quan đến cái gọi là “án treo” trong pháp luật hình sự Việt
Nam. .
Trước hết, tôi là người phản đối
án treo. Cách nay vài năm, tôi đã có lần đề nghị (được đăng trên báo
Pháp luật TP.HCM) cần bỏ hẳn “án treo”. Vì theo tôi, án treo thực chất
đã tạo ra sự bất công chứ không hề có ý nghĩa “nhân đạo” như lý thuyết
của nó.
Trong Bộ luật hình sự qui định thế này : “Khi
xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và
các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình
phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo”.
Chính qui định về áp dụng án
treo quá rộng và mơ hồ như vậy, đã vô tình tạo ra “điểm tựa vững chắc”
để Tòa án tiêu cực ( hối lộ, chạy án) hoặc “bao che” cho đối tượng cán
bộ, đảng viên khi họ phạm tội. Gây phản ứng rất nhiều trong xã hội.
Tới nay không có văn bản nào
định nghĩa hay giải thích án treo là gì, kể cả trong Bộ luật hình sự.
Mọi người thường chỉ hiểu nôm na án treo là “bị tù nhưng… không ở tù”.
Điều này là không thể chấp nhận được về mặt lý luận pháp lý hình sự.
Mặt khác, án treo không phải là
“hình phạt” – vốn được qui định trong Bộ luật hình sự, nhưng lại đem áp
dụng cho kẻ phạm tội – tức là người đáng phải chịu hình phạt tù, là
không hợp lý.
Theo qui định, căn cứ để tòa áp
dụng cho hưởng án treo đối với người phạm tội là là “nhân thân” và “tình
tiết giảm nhẹ”. Vậy thử hỏi “nhân thân” là sao? Chẳng lẽ một người từng
là cán bộ, đảng viên thì hiển nhiên được xem là có nhân thân tốt? Vậy
thì qui định “mọi người điều bình đẳng trước pháp luật” phải được hiểu
như thế nào?
Hơn nữa, trong bất kỳ vụ án hình
sự nào, các yếu tố “nhân thân” và “tình tiết giảm nhẹ” trên thực tế đã
được cơ quan công tố và cả tòa án xem xét khi quyết định truy tố và
tuyên hình phạt rồi. Sau đó, lại cho người phạm tội dược hưởng án treo,
tức các yếu tố này được xem xét tới hai lần. Điều này có hợp lý không?
Chưa kể, án treo còn dẫn đến
tình trạng người bị kết những tội nhẹ có thể lại bị xử nặng hơn người
tội nặng. Chẳng hạn một người bị phạt 6 tháng tù, phải ở tù thật, trong
khi một người khác bị tuyên tới 3 năm tù, nhưng lại được ở ngoài nhờ án
treo. Trong khi ai cũng biết rõ “một ngày trong ngục bằng ngàn thu ở
ngoài”. Sự tự do về thân thể là vô giá.
Một điểm nữa, là trong khi luật
qui định hình phạt nhẹ nhất là “cải tạo không giam giữ” chỉ áp dụng với
người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Thì án treo được áp
dụng đối với tất cả các loại tội, kể cả tội nghiêm trọng, tham nhũng …
là không hợp lý. Thực tế cho thấy tòa rất “khoái” tuyên án treo đối với
bọn quan tham !
Theo tôi, trong bối cảnh hiện
nay chí ít cũng cần qui định rõ là án treo không được áp dụng cho những
kẻ phạm tội từng là đảng viên, cán bộ cấp trung cao – vì những người này
mặc dù đã được rèn luyện về phẩm chất đạo đức, chính trị, có nghĩa vụ
gương mẫu, đi đầu – mà vẫn cố tình phạm tội thì còn làm ảnh hưởng lớn
đến uy tín của đảng, của Nhà nước, cần phải nghiêm trị.
Trong thâm tâm, tôi hy vọng và
tin rằng tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét và không cho các bị cáo trong
vụ án này được hưởng án treo như sự ưu ái của tòa án Hải Phòng. Nhưng
điều mà tôi “lo” nhất là có lẽ sẽ chẳng có bị cáo nào kháng cáo, vì án
đã quá nhẹ rồi thì dại gì mà kháng cáo?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét