Lính Mỹ đến tham gia huấn luyện tại vùng phi quân sự Triều Tiên, ngày 08/04/2013. |
(Le Point 10/04/2013) Mối
đe dọa chiến tranh nguyên tử từ Kim Jong Un đi ngược lại với lợi ích của Trung
Quốc : đó là làm giảm thiểu sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình
Dương.
Câu nói tỏ rõ sự tức giận của Trung Quốc. « Không ai được phép vì ích kỷ mà đẩy
một khu vực và cả toàn thế giới vào tình trạng hỗn loạn ». Ông Tập Cận
Bình, tân Chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố như thế hôm Chủ nhật. Một bất ngờ
hiếm hoi từ cửa miệng một lãnh đạo Bắc Kinh, vốn có truyền thống dùng những
ngôn từ kín kẽ, đặc biệt là khi nói về một đồng minh lâu đời.
Đó là vì tuyên bố đầu tiên của nhân vật số một Trung Quốc
trước hết nhắm đến anh thanh niên Kim Jong Un, cho dù không nói thẳng tên. Điều
này chứng tỏ sự bực tức ngày càng cao, đồng thời là sự bất lực của người khổng
lồ Trung Quốc trước các hành động leo thang của người anh em cộng sản thích
quậy phá. Hiện giờ Bắc Kinh đang là người bị thiệt thòi nhiều nhất, trong cuộc
khủng hoảng đang làm rung chuyển các khuynh hướng địa chính trị ở Đông Bắc Á.
Bởi vì một loạt các đe dọa do người con trai của Kim Jong Il
gây ra từ cuối tháng Giêng, được tăng cường với vụ thử hạt nhân hôm 12/2, đã đi
ngược lại lợi ích chiến lược căn bản mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi :
đó là làm yếu đi sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Ngược lại,
Hoa Kỳ đã nhân tình trạng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên để tổ chức sự trở
lại của lực lượng quân sự một cách ngoạn mục trong khu vực. « Cuộc khủng hoảng này mang lại tính
chính đáng cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đẩy Trung Quốc vào chân
tường » - Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu của trường đại học Chính trị
Pháp (Sciences Po) và DGA (Tổng cục Vũ khí), phân tích.
Một tín hiệu mạnh mẽ từ Washington
Lần đầu
tiên, Lầu Năm Góc chính thức triển khai máy bay ném bom tàng hình B2 trên bầu
trời Hàn Quốc, được tăng cường rầm rộ với các pháo đài bay B52. Những chiếc phi
cơ có khả năng chuyên chở vũ khí nguyên tử, biểu trưng cho năng lực chiến đấu
vô địch của nước Mỹ trên toàn thế giới. Một sự biểu dương lực lượng thực tế của
chính sách “xoay trục sang châu Á” - chiến lược quân sự mới của chính quyền
Obama, đánh dấu sự quay lại quy mô của Chú Sam tại khu vực, để ngầm chống lại
sự leo thang của nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Sự biểu
dương quân sự của Mỹ có hai ngòi nổ. Về ngắn hạn, nhằm buộc Bắc Kinh phải nỗ
lực nhiều hơn để đặt lại người đồng minh Bắc Triều Tiên vào con đường đúng đắn,
nếu không thì lực lượng Mỹ sẽ còn hiện diện đông đảo hơn trong khu vực. Thứ
đến, điều này còn chỉ ra sự bất lực hay sự thiếu ý chí của ông anh Trung Quốc trong
việc gây ảnh hưởng lên ông em họ Kim, và cố phá tan một góc trong liên minh
Bình Nhưỡng – Bắc Kinh được gắn kết bằng máu của cuộc chiến tranh Triều Tiên
(1950-1953).
Trong trung
hạn, Washington
muốn gởi một tín hiệu mạnh mẽ đến toàn bộ các nước châu Á – Thái Bình Dương
đang lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc: Mỹ có mặt là để ở lại lâu
dài trong khu vực! Một dấu hiệu tái cam kết mạnh mẽ hướng đến các đồng minh
Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia ASEAN, có lúc đã tỏ ra quan ngại trước ảnh
hưởng giảm sút của Hoa Kỳ tại châu Á.
Và trên lãnh
vực quân sự, đây là một sự dự phòng trước mối đe dọa Bắc Kinh trong tương lai.
Chẳng hạn như quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cho thiết trí bổ
sung thêm 14 hệ thống chống hỏa tiễn mới tại Alaska từ nay đến năm 2017, để
ngăn cản các tên lửa đến từ…Đông Bắc Á. Về mặt chính thức là để đối phó với sự
đe dọa của Bắc Triều Tiên, nhưng trong hậu trường, các chiến lược gia của Nhà
Trắng thiên về sự nguy hiểm của các hỏa tiễn liên lục địa Trung Quốc.
Sự khiêu khích của người yếu trước kẻ mạnh
Trên thực
tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cứng rắn hẳn trước Bình Nhưỡng ngay từ đầu
cuộc khủng hoảng, mà nguyên nhân là do Liên Hiệp Quốc thông qua các biện pháp
trừng phạt mới, được ủng hộ bởi…Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc còn do dự trước việc
áp dụng triệt để các biện pháp mới này, thì trong những tuần lễ gần đây đã tăng
cường áp lực lên họ Kim, củng cố việc kiểm soát chặt chẽ ở biên giới để gây trở
ngại cho các hoạt động buôn bán với Bắc Triều Tiên.
Trên mặt
trận ngoại giao, quan hệ Bình Nhưỡng – Bắc Kinh nay đã trở nên lạnh giá. Do bực
tức, Trung Quốc luôn từ chối đón tiếp nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đến viếng
thăm chính thức, từ khi chàng thanh niên lên cầm quyền hồi tháng 12/2011. Và
mới đây khi Bình Nhưỡng yêu cầu gởi đặc sứ đến tại chỗ, thì Bắc Kinh cũng đã
bác bỏ.
Nhưng các
biện pháp này cho đến nay vẫn chưa gây áp lực được lên chế độ Bắc Triều Tiên,
và Bắc Kinh đành cam chịu. “Vấn đề nguyên
tử nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Không thể nào thuyết phục nổi Bắc Triều Tiên
từ bỏ vũ khí của họ”. Một bài xã luận của tờ Global Times, nhật báo bảo thủ
do chính quyền kiểm soát đã nhận định như trên.
Đối với một
số chuyên gia, thì quan hệ xấu đi là một mục tiêu có cân nhắc của Bình Nhưỡng,
để giữ khoảng cách trước một Nhà nước bảo hộ tham lam, hiện chiếm đến 80% trao
đổi thương mại. “Cuộc khủng hoảng này là
một cách để khước từ sự thống trị của đàn anh Trung Quốc” – một nhà ngoại
giao châu Âu tại Bắc Kinh nhận xét. Đó là vì từ nhiều thế kỷ qua, Triều Tiên
vẫn phải đấu tranh để không bị người láng giềng khổng lồ nuốt chửng.
Một sự khiêu
khích của người yếu trước kẻ mạnh, sở dĩ tiến hành được là nhờ vào một ưu thế
vượt trội trong trò chơi của Bắc Triều Tiên nghèo khó: nguy cơ hỗn loạn. Bởi vì
các lãnh đạo Bình Nhưỡng biết rõ hạn chế của cơn thịnh nộ từ phía Trung Hoa vĩ
đại: Bắc Kinh bằng mọi giá không muốn chế độ họ Kim sụp đổ, tạo ra một khoảng
trống chính trị và một nhân tố bất ổn tại biên giới đông bắc của mình.
Copy từ: Thụy My (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét