Kể chuyện thả hoa đăng cho liệt sĩ Trường Sa (viết tiếp)
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Những dấu hiệu tốt lành
Trong chương trình thả hoa đăng cho các
liệt sĩ Gạc Ma, có những sự việc diễn ra vượt qua cả mong muốn của chúng
tôi. Theo kế hoạch, buổi trưa ngày 13 xuất phát từ nơi tập trung nhưng
cả ngày 12 mưa lai rai suốt ngày cho đến tận tối, qua đêm, khí hậu se se
lạnh. Chúng tôi nhắn tin cho nhau, ai cũng tỏ ra lo lắng, dẫu vẫn khẳng
định rằng dù thời tiết xấu như thế nào cũng cứ tiến hành theo đúng kế
hoạch. Nhưng bỗng dưng, sáng 13, trời tạnh rồi đến trưa thì hửng nắng.
Tiết trời thật đẹp đủ để chúng tôi “diện” mẫu áo phông mới mgang biểu
tượng sự kiện Gạc Ma trên tinh thần NO-U mà không cần thêm áo khoác.
Khi đi in biểu ngữ, cửa hàng ra giá là
150 nghìn. Thế nhưng đến khi đọc nội dung, biết băng rôn này phục vụ cho
việc tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, chủ cửa hàng chỉ lấy có 50 nghìn đồng,
lại còn dặn sau này có làm gì liên quan đến chủ quyền đất nước, chống
Trung Quốc xâm lược thì cứ đến đây.
Giữa đường, xe dừng lại cho chị em vào chợ. Phương Bích kể:
Trong khi tôi cũng lượn lờ vào chợ, ngắm nghía hàng quán thì bỗng một chị trong đoàn bảo:
- Này! Dân ở đây họ biết cả đấy. Chị
nghe thấy họ xôn xao bảo nhau: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đấy.
Thế là chị hỏi: sao các bác biết? Họ chỉ, cái áo chị kia mặc áo in những
chữ Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam đấy còn gì?
Tất cả chúng tôi cùng a lên thích thú,
cảm thấy hân hoan và ấm lòng. Vậy là người dân ho đã biết và không thờ
ơ, dù chỉ với những dòng chữ trên một chiếc áo phông bình thường của
khách qua đường.
Một cô còn lo lắng hỏi:
- “Nó” sắp lấy hết đảo của mình chưa ạ?
Bà bên cạnh gắt:
- Lấy là lấy thế nào?
Có một chuyện khá thú vị mà anh em trong
đoàn ai cũng vui và nhớ mãi. Khi chúng tôi đang tản bộ từ khách sạn ra
bến, có một cậu thanh niên cao lớn cứ vè vè chạy xe máy bên cạnh chúng
tôi. Cậu ta hỏi cô chú có cần cần thuê ca nô không để cháu giúp. Đến khi
cậu ta giới thiệu là an ninh đồn biên phòng Đồ Sơn, chúng tôi hoảng
thực sự, đoán rằng họ cho người thăm dò để phá chúng tôi đây.
Ra tới bến, mặc cả tàu xong, lại thấy cậu
ấy xuất hiện. Tôi nghĩ, vậy là họ tìm cách phá chúng tôi đến cùng. Đến
khi hỏi, biết chúng tôi thuê tàu để thả hoa đăng cho liệt sĩ Gạc Ma, cậu
ta nói, thế thì để cháu chịu cho một nữa, các cô chú chỉ thanh toán 500
nghìn đồng thôi nhé. Cậu ta còn hỏi chúng tôi đã thuê khách sạn chưa và
bảo thủ trưởng của cháu có nhã ý lo chỗ nghỉ cho đoàn. Chúng tôi cảm ơn
và nói rất tiếc là các cô chú đã thuê phòng nghỉ rồi, cho các cô chú
gửi lời cảm ơn thủ trưởng và đơn vị của cháu. Khi hai bên quen và hiểu
nhau rồi, chúng tôi chân thành giải thích tại sao lúc đầu chúng tôi lảng
tránh, xua đuổi cậu ta. Hai bên cùng vui vẻ.
Tuyến – tên cậu thanh niên đã giúp chúng
tôi rất nhiều việc như đi mua hương, tiền, vàng, mang vòng hoa to tướng
lên tầng trên, làm lễ xong lại mang xuống tầng dưới để thả…
Trước khi ra bến, khách sạn cho chúng tôi
mượn một phòng họp, có cả hoa để bàn và nước uống đầy đủ để làm lễ
tưởng niệm và tặng quà cho hai gia đình liệt sĩ cùng đi. Tuy nhiên, lễ
tưởng niệm chính thức thức sẽ diễn ra trên tàu sau đó.
Lễ tưởng niệm
Thời gian diễn ra lễ tưởng niệm là những
giờ phút cảm động nhất. Chúng tôi chọn bến Nghiêng rồi thuê tàu ra xa bờ
để thả hoa. Mang được vòng hoa to tướng lên tàu rồi, bắt đầu gắn tên,
đốt nến. Mỗi một bát đèn gắn một ngọn nến, cài tên một liệt sĩ, Việc gắn
đủ 64 bát đèn như thế cũng mất khá nhiều thời gian. Công việc được chia
ra nhiều bộ phận, người thắp nến, gắn tên, người thắp nhang, cầu nguyện
cho các liệt sĩ. Chúng tôi làm cả thủ tục cầu nguyện cho các liệt sĩ
theo nghi thức công giáo do Vien Nguyen chủ trì.
Đèn hoa hương khói đã đầy đủ, tất cả quỳ
xuống sàn tàu vái vọng. Xuân Diện đọc văn tế. Tôi nhìn những ngọn nến
lung linh, khói hương nghi ngút mà lòng không khỏi bùi ngùi.
Tình cảm của anh em chúng tôi đối với các
liệt sĩ Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài sự thương tiếc khôn nguôi, lòng
biết ơn vô hạn trước sự hy sinh của các anh, cũng có những xúc cảm khác
nhau. Các anh đều ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Thế nhưng,
nếu thương các liệt sĩ Hoàng Sa chưa được vinh danh, công nhận thì
thương các liệt sĩ Trường Sa hy sinh trong trường hợp vô cùng đau xót.
Các anh được lệnh không chống trả, chịu cho quân Trung Quốc xâm lược chủ
động tấn công., nhả đạn. Nhiều người nuối tiếc giá mà hôm ấy, các anh
được quyền đánh trả thì có lẽ các anh không hy sinh nhiều như thế, hoặc
là quân xâm lược phải trả giá đắt hơn. Và biết đâu, Gạc Ma được giữ vững
bởi sự chống trả của những tay súng thiện chiến và dũng cảm.
Tôi ngẩng lên nhìn bao quát thấy nhiều
khuôn mặt đã giàn giụa nước mắt từ khi nào. Không khí lúc này quá nghiêm
trang và thiêng liêng. Sương mù lúc này phủ kín. Những ngọn đèn điện
trên bờ không còn tỏ như trước. Trời gió, dù nhẹ. Thỉnh thoảng một vài
ngọn nên tắt nhưng lập tức được thắp lại. Hương khói nghi ngút, tỏa ra
một mùi thơm dễ chịu tạo ra cảm giác âm dương hòa trộn. Không một nén
hương nào bị tắt, không một điếu thuốc nào cháy dở. Bất chợt, có gì gai
gai, lành lạnh chạy dọc sống lưng làm tôi rùng mình. Tôi tin là các anh
đã về cùng chúng tôi và thấu hiểu nỗi lòng của chúng tôi. Dù cố nén,
cuối cùng tôi cũng phải bật lên tiếng nấc.
Lễ tưởng niệm đã xong, vòng hoa được đưa
xuống biển. Con tàu nổ máy vào bờ. Chúng tôi bám vào thành tàu nhìn
theo, nhìn theo mãi. Xin gửi vào vòng hoa trắng tất cả lòng thương tiếc
và biết ơn của chúng tôi đối với những người lính đã anh dũng hy sinh
ngày này cách đây 25 năm về trước. Dù các anh, người đã được đưa về đất
liền, người còn trôi dạt đâu đó trên biển cả, mong các hãy yên nghỉ. Dù
có lúc nào đó các anh bị lãng quên hay ai đó cố tình quên nhưng những
người yêu nước chân chính không bao giờ quên các anh – những người con
ưu tú của dân tộc đã hiến dâng mạng sống của mình vì chủ quyền của Tổ
Quốc.
.
26/3/2013
Copy từ: Nguyễn Tường Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét