CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

CHÍNH PHỦ LẠI ÉP, “ĐÁNH” ĐÀ NẴNG THEO KIỂU “ ĐÒN HỘI CHỢ “ ?

Phạm Viết Đào.

Theo dõi vụ thanh tra đất Đà Nẵng do Thanh tra Chính phủ chủ trì và kết luận; cuộc thanh tra này đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được chính thức công bố tại Đà Nẵng chiều 5/3/2013…
Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, phía Đà Nẵng đã lên tiếng phản bác và không thừa nhận kết luận thanh tra; Đây là vụ kết luận thanh tra hy hữu và nội dung đã vượt ra ngoài những quy định hiện hành của Luật thanh tra 2010? Qua vụ này cho thấy sự bất cập của Luật Thanh tra 2010 vì chưa có các điều khoản quy định “cửa” khiếu nại cho các đối tượng thanh tra mà cơ quan thanh tra và ký kết luận thanh tra là cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Vì không có “cửa” dành cho khiếu nại thì có nghĩa đối tượng thanh tra đã bị tước mất một quyền giải trình khiếu nại được quy định tại quy định tại Điều 57 của Luật Thanh tra 2010. Điều 57 quy định Quyền của đối tượng thanh tra:
“1. Đối tượng thanh tra có quyền sau đây:
a) Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;
b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại;”
Theo quy định của Điều 57 thì: Chủ tịch UBND Đà Nẵng có quyền được khiếu nại về kết luận của Thanh tra Chính Phủ; Thế nhưng, quyền khiếu nại này lại không có “cửa” để giải quyết trong Luật Thanh tra 2010. Theo Luật Thanh tra 2010: việc xem xét lại các kết luận thanh tra Của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố được giao cho Thanh tra Chính phủ tại Điều 15, là điều quy định  Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ:
“d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi cần thiết.”
Kết luận thanh tra đất tại Đà Nẵng do Thanh tra Chính phủ trực tiếp triển khai, do đó khi phát sinh khiếu nại thì Thanh tra Chính phủ không thể đứng ra xem xét “ tính chính xác “ kết luận do mình ban hành; Trong Luật Thanh tra đã không quy định rõ, hay đúng hơn đã bỏ sót: ai sẽ đứng ra thụ lý giải quyết các khiếu nại của các đối tượng thanh tra khi kết luận thanh tra do Thanh tra Chính phủ ký ?
Đây là một thực tế chắc chắn sẽ còn nảy sinh và cuộc thanh tra đất tại Đà Nẵng là vụ mở đầu chăng ?
Trong lúc Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đang loay hoa tìm “ cửa “ cho vụ tranh chấp này do Luật Thanh tra 2010 không quy định đến nơi đến chốn; nếu khi chưa có một trọng tài phân xử theo luật định thì vô hình chung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, nếu cứ ép Đà Nẵng phải thực thi thì kết luận thanh tra này trở thành một kết luận phi dân chủ, áp đặt vì đối tượng thanh tra bị tước bỏ quyền khiếu nại được quy định tại Điều 57 Luật Thanh tra và vi phạm cả Luật Khiếu nại…
Bởi vì một kết luận của Thanh tra Chính phủ không chỉ được điều chỉnh bằng Luật Thanh tra mà còn phải được điều chỉnh bằng nhiều luật khác, trong đó có Luật Khiếu nại; Luật khiếu nại còn cho phép người, cá nhân tổ chức được khiếu nại các quyết định hành chính kể cả quyết định hành chính của Chính phủ…
Để giải quyết vụ này, mới đây theo thông tin báo chí, chính quyền Đà Nẵng dự kiến sẽ trình lên Bộ Chính trị; đây lại thêm một sự can thiệp phi luật pháp vì Đảng can thiệp vào công việc chuyên môn của cơ quan Chính phủ là sai? Qua vụ này cho thấy sự bất cập về hệ thống pháp lý trong lĩnh vực Thanh tra của xứ ta ?
Trong khi chính quyền Đà Nẵng và Thanh tra Chính Phủ đang đôi co về kết luận thanh tra thì thêm một cơ quan của Chính phủ đã nhảy vào cuộc, can thiệp trái pháp luật về vụ này đó là Bộ Tư pháp.
Báo Người lao động vừa đưa tin về cuộc trao đổi của phóng viên báo với đại diện Bộ Tư pháp, bộ này đã có ý kiến:”Bộ Tư pháp khẳng định việc TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho những hộ được bố trí đất tái định cư, cho các tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng là vi phạm quy định của Chính phủ…
Bộ Tư pháp vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến mặt pháp lý đối với một số nội dung Kết luận thanh tra số 2852 ngày 2-11-2012 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về trách nhiệm của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có dư luận trái chiều trong thời gian vừa qua.”
Ở đây chưa bàn đến nội dung công văn của Bộ tư pháp mà chỉ xin lưu ý Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường rằng, Bộ Tư pháp lấy tư cách pháp lý gì để tham gia vào vụ này, khi không có chức năng xem xét, thẩm định lại các kết luận của thanh tra Chính phủ, vì đây không thuộc loại  “văn bản quy phạm pháp luật”…
Căn cứ theo Điều 1 của Nghị định 62/2003/NĐ-CP quy định Vị trí và chức năng của Bộ Tư pháp như sau:”Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật…”
Những ý kiến của Bộ Tư pháp trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ không nằm trong chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 1 Nghị định 62, do đó nên các ý kiến nêu trên của Bộ Tư pháp trong công văn gửi Thủ tướng là vô giá trị đứng về phương diện pháp lý; việc nhào vô vô lối của Bộ Tư pháp khác chi những đòn “đánh hội đồng”, “hội chợ” mà chúng ta vẫn thường thấy ngoài đường, ngoài chợ…
Vệ vụ việc khiếu nại về kết luận của Thanh tra Chính phủ của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, xin mách nước cho Đà Nẵng và Thanh tra Chính phủ các cửa sau để giải quyết vụ tranh chấp này trước khi phải tính sửa lại Luật thanh tra 2010.
Tại mục 9 của Điều Ðiều 84 Hiến pháp 1992 đã quy định quyền hạn của Quốc hội: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:”Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;”…
Ðiều 91 của Hiến pháp 1992 quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây tại mục 5:” Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc huỷ bỏ các văn bản đó huỷ bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;”
Theo người viết bài này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Chính trị có thể căn cứ các điều trên để giải quyết về kết luận của cuộc thanh tra đất tại Đà Nẵng của Thanh tra Chính phủ.
Kết luận cuối cùng: Yêu cầu ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải chấm dứt ngay, không được nhào vô “đánh hôi” như vụ thanh tra đất Đà Nẵng vừa qua vì Bộ Tư pháp không phải là cơ quan mù luật pháp !
Trước vụ việc này, không biết ông Nguyễn Phú Trọng có sáng mắt ra trước việc " các nhóm lợi ích " đang lợi dụng cái "nguyên tắc tập trung dân chủ" ( bản chất là nguyên tắc này dựa trên sức mạnh của bầy đàn: thiểu số phục tùng đa số tức số đông cai trị số ít cho dù số ít đúng pháp luật, nắm chân lý... ) mà Đảng cố giữ để thay cho pháp luật; với cái nguyên tắc này là cơ sở để các nhóm lợi ích tung ra những đòn đánh hội đồng, hội chợ để triệt phá lẫn nhau; do vậy mà nguy cơ đẩy đất nước trở thành khu rừng của những bầy thú hoang là điều nhãn tiền...

P.V.Đ.

Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét