NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
.
Cho đến khi
thả hoa đăng xong, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và vui mừng khôn
xiết. Như vậy, việc thả hoa đăng, gửi gắm tấm lòng mình đến hương hồn
các liệt sĩ Gạc Ma đã diễn ra suôn sẻ. Ngày mai, chúng tôi chỉ còn việc
tiếp tục đi thăm các gia đình liệt sĩ ở Thái Bình, điều đó chỉ phụ thuộc
vào công sức và thời gian mà thôi.
Đến giờ, các thành viên trong đoàn như
Xuân Diện, Sông Quê, Phương Bích, Bà Còng, Gió Lang Thang đều đã có bài
và ảnh. Tôi nghĩ thế là đủ và định không viết gì nữa. Thế nhưng L.N gọi
điện nhắc:
- Anh phải viết cái gì đi chứ. Một
chuyến đi ý nghĩa và thành công như thế mà không có ấn tượng gì với anh
sao? Hay việc anh đi chỉ là vì thích chứ không vì liệt sĩ?
Khổ quá. Hôm trước họ bảo tôi qui chụp họ theo kiểu cộng sản. Bây giờ họ lại qui chụp tôi cũng theo kiểu ấy.
- Thì bài đã có người viết rồi, bao
nhiêu ảnh cũng tương hết lên mạng rồi, “thế lực thù địch” phỏng vấn, anh
cũng giả nhời liên tiếp đến 3 đài rồi. Bây giờ mà còn đi tường thuật á?
Ai người ta đọc.
Cãi vậy là theo thói quen, vì tính tôi
bướng, không cãi không chịu được chứ thực ra, lòng tôi tràn ngập cảm
xúc. Nửa tháng nay, cũng như các thành viên khác trong nhóm, mọi diễn
biến từ tính toán đến việc làm không ai có thể quên được.
Một quyết định khó khăn
Ý tưởng thả hoa đăng cho các liệt sĩ Gạc
Ma xuất phát từ một giấc mơ của Sông Quê. Sông Quê kể mình nằm mơ gặp
các liệt sĩ Gạc Ma rất cảm động. Tất cả nhóm đều nhất trí. Nhưng địa
điểm ở đâu lại chia làm hai phe. Phe thiểu số thì muốn thả ở Sông Hồng
cho tiết kiệm chi phí và phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Phe đa số thì
muốn thả ngoài cửa biển, vì thả ở biển, sẽ gần gũi các anh hơn. Về tâm
linh, các anh dễ cảm nhận được tấm lòng của người tri ân hơn. Không phe
nào chịu phe nào, thế là chia làm hai tốp, một tốp ra biển còn một tốp
thả hoa đăng ở Sông Hồng, chọn một khúc sông đã khảo sát, còn tốp kia sẽ
thả ở Đồ Sơn.
Đã tưởng hình thành 2 tốp như thế, tốp
này ủng hộ, hỗ trợ tốp kia, đặc biệt về mặt tài chính. Tuy vậy, phe đa
số không nản, đưa thêm lý do rất thuyết phục là nhân dịp thả hoa đăng
cho các anh thì tại sao không đi thăm và tặng quà cho gia đình các anh
luôn. Ý nghĩa của việc làm sẽ thiết thực hơn rất nhiều. Liệt sĩ hy sinh ở
Gạc Ma quê ở Hải Phòng và Thái Bình lại nhiều hơn cả. Cuối cùng, một
ngày trước khi đi, Phương Bích, nhân vật ngoan cố nhất phe thiểu số đã
bị thuyết phục hoàn toàn. Vỗ tay (nếu có)
Chuẩn bị
Ý là vậy nhưng chưa ai xác định được địa
điểm thả hoa cụ thể, chưa xác định được các gia đình liệt sĩ ở những
đâu. Thế là đi lục tìm danh sách. Không thể đến thăm tất cả các gia đình
liệt sĩ nên phải chọn gia đình nào tương đối thuận lợi cho một lộ
trình, không đi trái đường nhiều quá. Trước khi đi 3 ngày, chúng tôi
phải cử 2 nhóm đi khảo sát, một nhóm tìm địa điểm thả hoa, đặt vòng hoa,
tìm nơi nghỉ, một nhóm lần theo địa chỉ trong danh sách liệt sĩ để liên
lạc với gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình một để có quà tặng
cho hợp lý, hợp tình.
Để tiết kiệm tối đa chi phí, điều đó đồng
nghĩa với việc quà tặng cho các gia đình liệt sĩ tăng lên, chúng tôi
bàn nhau mang đi nhiều thức ăn làm sẵn: mua gà rang lên, mua chân gà
công nghiệp thay đồ nhậu cho rẻ, mang mì tôm thay ra quán ăn sáng … Tôi
phải can: keo vừa vừa thôi. Vào quán mà chỉ gọi tô cơm, tô canh, rồi
mang đồ ăn của mình ra uống với rượu của mình, coi chừng người ta “mời”
đi chỗ khác chứ chẳng chơi. Cuối cùng thống nhất mang đồ ăn ở nhà đi một
nửa, gọi tại quán một nửa. Phòng nghỉ 2 giường thì nhét vào 4, nằm trở
đầu đuôi hoặc thay nhau ngủ. He he. Cái gì cũng mặc cả, từ tiền thuê xe,
thuê tàu, mặc cả cả phòng ngủ … Rồi cũng giả vờ bỏ đi tỏ ra không cần, y
như ngoài chợ. Mặc cả giỏi nhất, cũng có nghĩa là lắm thủ đoạn nhất
phải nói là Liberty Nguyen, đến mức tôi phải tặng cho nàng danh hiệu
“con phe có hạng”
Trương Ba Không được cử đi Hải Phòng,
Thái Bình 2 ngày, lặn lội đi tìm các gia đình liệt sĩ, khảo sát toàn bộ
đường đi, đường về, được cấp 500 nghìn đồng nhưng chi không hết, nộp lại
110 nghìn đồng. Như vậy tiêu hết có 390 nghìn bao gồm xăng xe đi lại,
ăn và thuê trọ trong 2 ngày. Cả đoàn bái phục.
Công tác bảo mật
Bất kể hoạt động gì được cho là “nhạy
cảm”, công việc đảm bảo bí mật đều được đặt lên hàng đầu. Tưởng niệm
liệt sĩ, nếu là liệt sĩ hy sinh vì đánh nhau với Mỹ thì không sao nhưng
đây là liệt sĩ chống Trung Quốc, nói đúng hơn là bị Trung Quốc tàn sát,
quả là to gan. Ban điều hành chỉ cho phép có 4 người, lập một nhóm chat.
Những người được phân công việc chỉ biết thực hiện chứ không biết để
làm gì, tại sao. Có người đến sát ngày đi mới huy động. Có người chỉ khi
lên xe mới biết đi đâu và để làm gì.
Bí mật được đến phút chót.
Tôi đề nghị khi đi, làm một cái băng rôn treo ngang thành xe nhưng lập tức bị phản đối quyết liệt.
Tễu giễu:
- Thế thì làm 2 cái, treo 2 bên thành xe, mang theo Cassette và loa thùng nữa, cho nó hoành tráng.
L.N phụ họa:
- Ừ, hay đấy, cho nó giống gánh xiếc rong.
Câu giễu cợt của đứa cháu gái làm tôi bị
cô lập hoàn toàn. Nó là đứa tôi tin cậy nhất, thường xuyên được cử đưa
cơm cho tôi những khi có một mình mà không tiện ra ngoài . Vậy mà lúc này, nó cũng phản đối bác.
Biết cô thế, tôi không nói gì nữa. Mặt
khác, tôi nghĩ đến vụ hôm 17/2 vừa rồi, chúng tôi phải mang vòng hoa
tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc
xâm lược đầu năm 1979 chạy vòng quanh đến 3 nơi nên tôi cũng có phần
lung lay. Tôi chỉ bảo:
- Các chú các cô đừng đánh hội đồng bác nhé.
Chẳng phải là tôi muốn phô trương gì, chỉ
muốn cho nhiều người biết đến sự kiện Gạc Ma năm 1988. Nhưng càng nghĩ
càng ức. Mình làm việc thiện, lại quá chính đáng thế mà cứ phải vụng
vụng, trộm trôm như quân ăn trộm. Ở cái xã hội này, người lương thiện sợ
kẻ gian là như vậy. Có nơi nào, công dân tưởng niệm liệt sĩ bỏ mình vì
Tổ Quốc mà phải lén lút như thế không.
Tới Đồ Sơn, đến khách sạn nhân phòng rồi,
những người quan tâm vẫn không biết là tôi đã đi. Bà xã ở nhà chắp máy
cho tôi nói chuyện với cậu phó chủ tịch xã khi ấy đang ở nhà tôi. Cậu ta
nói đại ý rằng, ngày mai có “phái đoàn” đến Bờ Hồ, chúng tôi khuyên bác
đừng đi. Tôi chỉ trả lời quấy quá rằng, tôi không có ở nhà, có lẽ phải
mấy hôm nữa mới về. Một “cơ sở” của tôi cho biết, có mấy nhân vật quan
trọng đang dò hỏi xem tôi có ở nhà không (hay là đã “dạt vòm” rồi)
Hôm sau về, bà xã tôi kể chiều tối hôm
qua có đoàn cán bộ của địa phương gồm 4 người đến vận động tôi đừng ra
Bờ Hồ (vì chương trình tưởng niệm liệt sĩ ở Vườn hoa Chí Linh có công
khai trên mạng, còn chương trình của nhóm chúng tôi hoàn toàn giữ được
bí mật). Họ nói với vợ tôi là chị nên khuyên anh ấy. Vợ tôi chỉ bảo tôi
khuyên thế nào được anh ấy. Các anh gặp anh ấy mà khuyên, để tôi chắp
máy cho mà nói chuyện. Thế nên mới có cuộc nói chuyện qua điện thoại khi
tôi đang ở Đồ Sơn như vừa kể.
Lại nghe nói cả đêm hôm ấy có 2 người,
sáng hôm sau có 4 người canh nhà tôi. Mãi đến khi có điện thoại nói
“quân ông Thụy” kéo lên Bờ Hồ 30 người rồi, họ mới chịu giải tán chốt
canh. Tôi phì cười vì mấy chữ “quân ông Thụy”. Người ta cứ làm như tôi
tuyển mộ quân để chống lại chính quyền không bằng.
Sự thật thì ngay từ 0h9 phút đêm, Nguyễn
Xuân Diện đưa bản tin đầu tiên lên mạng về việc thả hoa đăng cho liệt sĩ
ở Gạc Ma, có đầy đủ hình của mọi người trong đó hình tôi nhiều nhất.
Chẳng lẽ, cả một lực lượng an ninh, mật vụ hùng hậu như thế, không có ai
đọc tin ấy.
15/3/2013
Copy từ: Nguyễn Tường Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét