CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Việt Nam 2012


Để đánh giá tình hình chính trị Việt 2012, hãy nhìn vào hội nghị 6, việc thực hiện nghị quyết 4 với chiến cuộc “tắm rửa” vĩ đại và hình ảnh sụt sùi của ngài Tổng Bí thư. Để đánh giá thực trạng con tàu kinh tế Việt 2012, hãy nhìn vào sự đổ vỡ của những quả đấm thép Vinashin, Vinalines, cơn rúng động của hệ thống ngân tài sau cú sút “bầu Kiên” và hình ảnh vị thuyền trưởng biệt danh “đồng chí X”. Để đánh giá thực trạng giáo dục Việt 2012, hãy nhìn vào sự tranh giành từng cái danh hiệu của ngài Phó Thủ tướng cựu Bộ trưởng Giáo dục- đào tạo và ông Thứ trưởng đương nhiệm.

        
          Nghị quyết 4 và thời tiết chính trị
          Nói về thời tiết chính trị là nói về sức khỏe của đảng.
          Chưa bao giờ những căn bệnh trong cơ thể đảng lại bị đem ra mổ xẻ thẳng tuột, gay gắt và gan ruột đến vậy. Những căn bệnh mà cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bảo “như căn bệnh ung thư”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cay đắng ví như “một bầy sâu ăn hết phần của dân”. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nói rằng nó đã thành “mối đe dọa đến sự tồn vong của đảng và chế độ”.
          Ông Trọng cười nhạo một câu mà chỉ trước đó vài năm nếu bất kỳ ai dám mở mồm sẽ bị qui chụp ngay là phản động, phản đảng phản quốc: “đảng viên nhan nhản cộng sản mấy người?”
          Đấy là thực trạng đảng. Một cơ thể đảng bị cởi truồng phơi khám tất tật và mổ xẻ đến gan óc trong năm 2012. Và nghị quyết 4 được xem như biện pháp cốt tử để chỉnh xốc lại đội ngũ. Hay nói một cách ví von hình ảnh như ông Trọng: đó là cuộc “tắm rửa” vĩ đại với mục tiêu chùi cọ sạch cơ thể đảng.
          Một chiến cuộc chùi cọ đồng loạt, rầm rộ, chùi rửa từ đầu xuống chân, từ Tổng Bí thư xuống đến Bí thư chi bộ xã phường, thôn xóm… Nói như ông Phiêu: “không khí chuẩn bị ra trận, tổ chức một chiến dịch như là tổng tiến công”.
          Quá nhiều đồn đoán. Quá nhiều tai tiếng. Và cũng quá nhiều kỳ vọng. Chưa bao giờ việc của đảng lại được dân tình quan tâm đến thế.
          Nhưng rồi cuộc tổng tiến công ấy kết cuộc thế nào?
          Không bắt diệt được một con sâu nào trong một bầy sâu. Không tìm ra nổi một bộ phận nhỏ nào trong cái bộ phận không nhỏ ấy. Một “đồng chí X” bị yêu cầu kiểm điểm hụt. Một Tổng Bí thư sụt sùi nhận lỗi đọc bài kết thúc chiến cuộc tắm rửa.
          Một chiến dịch tổng tấn công rầm rộ, hóa ra cuối cùng nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: chỉ để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn.
          Thật mỉa mai khi ông Trọng gọi cái kết cuộc không kỷ luật một ai là phương cách “nhân văn”, là chuyện “nhóm lò”. Trên ngôi vị tột đỉnh quyền lực, ông lại sợ “kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ."
          Khôi hài đến mức đã là loài sâu ăn hại nhưng lại không phun thuốc diệt cho chúng chết mà lôi vào hội trường để… kiểm điểm. “Kiểm điểm sâu”- báo Tiền Phong chạy một cái tít vừa khôi hài vừa chẳng khác gì câu chửi.
          “Lòng dân đang bất bình ghê gớm”- Đến Ông Trương Tấn Sang cũng phải thốt lên như vậy. Kỷ luật đảng không nghiêm, tất lòng dân không thuận. Cơ hội cuối cùng (nói như ông Trọng) để lấy lại niềm tin trong dân đã lại tuột trôi.
          Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nói một câu rất thật, tâm huyết và gan ruột: “Người dân đã mòn mỏi chờ đợi ¼ thế kỷ để đảng tự sửa mình. Điều đó cho thấy không ở đâu trên thế giới này lại có nhân dân tốt và kiên nhẫn với đảng cầm quyền đến như vậy”. Và cũng chính ông lại cảnh tỉnh rằng “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của đảng và sự tồn vong của chế độ".
          Nhà văn Vũ Tú Nam thì ví một câu cay đắng: “đảng như con cá ngúc ngoắc trong ao cạn”.
          Một năm bão giông và cũng đầy cay đắng của thời tiết chính trị Việt. Đã trọng bệnh, đã ung thư, thêm đợt bão giông này, không khó để nhận diện sức khỏe đảng.
          “Đồng chí X” và thực trạng con tàu kinh tế
          Sử Việt, sẽ mãi mãi không quên cái biệt danh mai mỉa này. Tên Thủ tướng, nhưng đến cả vị Chủ tịch nước lại không dám nêu thẳng mà phải gọi trại ra là “đồng chí X”.
          Đến giờ, đi đâu khắp nước Việt này cũng đều nghe nhắc nhại “đồng chí X”. Sự mỉa mai không gì mỉa mai hơn. Một ẩn số không nói ra nhưng ai cũng biết. Một kỷ lục mỉa mai đến kinh sợ: gõ tìm “đồng chí X”, chỉ trong 0,10 giây Google cho ra 111.000.000 kết quả.
          Lịch sử các giai thời chính thể Việt, chưa thấy thời nào Thủ tướng đương nhiệm lại bị bêu nhắc mai mỉa như “đồng chí X”. Hai lần phải xin lỗi quốc dân đồng bào. Bị Bộ Chính trị yêu cầu kỷ luật. Bị quốc hội chất vấn gợi ý từ chức. Cái gọi là “trách nhiệm chính trị” mà ông phải nhận lỗi là sự đổ vỡ của con tàu Vinashin, mô hình “quả đấm thép” mà ông gầy công gây dựng. Xin lỗi, tái cấu trúc để Vinashin biến thành… Vinalines và tiếp tục xin lỗi.
          Một nền kinh tế như những con tàu hoen gỉ, tan thành bọt biển như thế. Một nền kinh tế nói như đại biểu quốc hội Trần Du Lịch “như một cơ thể thiếu máu”. Một nền kinh tế nói như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc: như “đang đi trên một cỗ xe mà người lái xe không biết lùi, và… hỏng phanh”.
          Kinh tế lao dốc, doanh nghiệp chết chìm. Chính phủ loay hoay hô hào tái cấu trúc, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc cả nền kinh tế (tôi nhớ chính Thủ tướng đã có vài thông điệp “tái cấu trúc” dài dằng dặc hàng mấy trang đăng tràn mọi trang báo) nhưng càng tái càng hỏng. Tái Vinashin thành… Vinalines. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để chỉ một “cú sút bầu Kiên” đã rúng động cả hệ thống, phơi lộ một cấu trúc như… lâu đài cát. Và nghiêm trọng hơn là đẻ ra các nhóm lợi ích với mưu mô “thâu tóm, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng” (nhận định của Thủ tướng).
          Chất lượng chính phủ, chưa khi nào tệ đến thế. Tôi đã tiến hành một cuộc thăm dò nhỏ trên website này. Kết quả: chỉ có 1% đánh giá chất lượng chính phủ đương nhiệm xuất sắc, 1% tốt, 1% khá, 9% trung bình, trong khi có đến 88% nhận định chất lượng chính phủ đương nhiệm ở mức yếu, thậm chí rất yếu (49% yếu và 39 % rất yếu).
          Trước thực trạng một thuyền trưởng X như thế, những quả đấm thép Vinashin, Vinalines như thế, cú sút “bầu Kiên” đá chao đảo rúng động như thế, cùng các tay chèo “tư lệnh ngành” như Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ. Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Vũ Luận,… con tàu kinh tế Việt ngoi thoát bằng cách nào?
          Đã mấy lần tôi nhắc điều này: Một ngôi nhà càng xây sửa càng nứt đổ thì ngay tức thời phải đuổi thợ thay thầu. Một nền kinh tế càng tái cấu trúc càng như một cơ thể thiếu máu, như cỗ xe hỏng phanh lao dốc thì phải xem lại cái tay nghề của “ông thợ” chính phủ. Tái mãi không xong, càng tái càng hỏng thì phải xem lại nên bắt đầu từ đâu: tái cấu trúc doanh nghiệp hay tái cấu trúc chính phủ?
          2012 là một năm đẻ sinh quá nhiều thứ thuế phí bị dân tình la ó chửi rủa, là năm đẻ sinh quá nhiều những chủ trương quyết sách đi ngược và chà đạp lên lợi ích dân chúng. Chẳng hiểu sao trong khi xã hội ngày một phát triển, thay vì tìm cách giảm các nguồn thu từ dân, bớt gánh nặng thuế phí cho dân, thì chính phủ cứ hăm he chọn cách ngược lại là đè dân để tận thu, đẻ sinh thêm hàng loạt cơ man những loại thuế phí chồng chéo giẫm đạp nhau, dân tình kêu không thấu.
          Đến mức có người mếu miệng nói vui rằng: không biết sau một đêm, ngủ một giấc dậy sáng mai thấy mình phải móc túi đóng thêm bao nhiêu loại thuế nữa?
          Vĩ thanh
          Tôi muốn nói thêm chút ít về giáo dục. Thực trạng giáo dục Việt 2012 không chỉ đến giờ mới phơi lộ. Đó là hậu họa của nhiều thế hệ trước. Vị Bộ trưởng được nhắc đến nhiều nhất, nhắc theo nghĩa bêu chê (thậm chí cả tức chửi) là ông Nguyễn Thiện Nhân. Trong vài năm ngắn ngủi ngồi ghế Bộ trưởng, ông đã để lại nhiều tì vết khó gột rửa và những căn bệnh hình thức sáo rỗng bi hề kéo dài dai dẳng. Lời hứa “đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương” sẽ mãi là món nợ lớn ông Nhân không thể trả được đối với hơn 1 triệu giáo viên cả nước.
          Khi lên ngồi ghế Phó Thủ tướng, ông vẫn kiêm nhiệm Bộ trưởng Giáo dục thêm một thời gian. Và khi hết kiêm nhiệm, ông vẫn là vị Phó Thủ tướng được phân công phụ trách mảng giáo dục. Ông vẫn được xem là một người “thầy”, vẫn thích xưng “thầy” khi đứng trước học sinh. Và mới rồi, ông vẫn nhận danh hiệu “nhà giáo ưu tú”- Một danh hiệu nhà nước cao quí bị dư luận chê chửi khi cho rằng ông và nhiều quan chức (trong đó có cả một Thứ trưởng đương nhiệm) đã giành phần của các thầy cô giáo đích thực.
          Sẽ không quá khi cho rằng để đánh giá thực trạng giáo dục Việt 2012, hãy nhìn vào sự tranh giành từng cái danh hiệu của ngài Phó Thủ tướng cựu Bộ trưởng Giáo dục- đào tạo và ông Thứ trưởng đương nhiệm.
          Ngoài “đồng chí X”, Nguyễn Thiện Nhân và Đinh La Thăng nổi lên như hai quan chức bị dân chê chửi nhiều nhất trong năm qua.
          Không biết những lời chê chửi đó có đến được tai các ông? Không biết bản thân các vị có biết điều này?
          Tôi tin các ông nghe được biết được. Thậm chí như Bộ trưởng Thăng còn thừa nhận là ông nghe chửi hàng ngày và dặn vợ là đừng có thèm nghe thèm chấp làm gì cơ mà.
          Quả thật, nhiều lúc tôi nghĩ mãi: Làm quan thế nào để dân khen dân quí. Làm quan mà để dân chửi, nghe nhắc đến cái tên đã ghét thì đó là thứ quan gì? Có mấy ai tự nhìn lại xem trong năm qua, cái năm 2012 đầy sự thể bi hề này, quan nào bị dân chửi rủa nhiều nhất, quan nào mà chỉ nghe cái tên đã thành sự khinh miệt căm phẫn để tự cải thiện, tẩy gột hình ảnh mình sạch hơn trong mắt dân?
(Bấm xem lại bài: Việt Nam 2011



Copy từ: Trương Duy Nhất

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét