CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Thế giới dậy sóng cùng tranh chấp chủ quyền Biển Đông


Thế giới dậy sóng cùng tranh chấp chủ quyền Biển Đông
(do báo Tiền Phong bình chọn)


TP - Đông Nam Á, Đông Bắc Á nóng lên bởi tranh chấp chủ quyền biển đảo gia tăng; những nhân vật quyền lực nhất thế giới tái đắc cử; Triều Tiên hai lần phóng tên lửa tầm xa; Myanmar gặt hái thành quả cải cách, Syria sa lầy nội chiến đẫm máu… thu hút sự chú ý của công luận năm 2012.
Nhiều tàu hải giám Trung Quốc từng xâm phạm lãnh hải nước khác trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ảnh: Xinhua
Nhiều tàu hải giám Trung Quốc từng xâm phạm lãnh hải nước khác trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ảnh: Xinhua.
1. Trung Quốc có nhiều động thái gây hấn ở biển Đông, gia tăng căng thẳng với Nhật Bản về chủ quyền biển đảo.
Trung Quốc thành lập trái phép thành phố Tam Sa, mời thầu dầu khí trong vùng biển Việt Nam; cho tàu hải giám, tàu cá tới bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham; phát hành hộ chiếu mới in bản đồ “đường lưỡi bò”; có kế hoạch can thiệp tàu nước ngoài trên biển Đông… Đây là chiến thuật “chó sói gửi chân”, nếu được đằng chân sẽ lân đằng đầu, tiến dài lùi ngắn (khi bị phản ứng dữ dội), hy vọng dần dần để “lưỡi bò” liếm gần hết biển Đông trên thực tế. Ngoài ra, căng thẳng về chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á gia tăng.
2. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục “rùa bò”, tỷ lệ thất nghiệp “ngựa phi” vượt 7,5%, Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ 2 hồi tháng 11, tiếp tục chính sách đối ngoại chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 12, tạp chí Time bầu chọn ông là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2012. Tổng thống Obama được kỳ vọng thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, tạo thêm việc làm, giảm thâm hụt ngân sách, phát triển giáo dục…
3. Trung Quốc bầu ra thế hệ lãnh đạo thứ 5, trong đó Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình tháng 11 được bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (đầu năm 2013 đảm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước).
Tổng Bí thư Tập Cận Bình (trái) và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Xinhua
Tổng Bí thư Tập Cận Bình (trái) và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Xinhua.
Tân Tổng bí thư (sinh năm 1953) tuyên bố quyết liệt chống tham nhũng, trong bối cảnh nhiều tham quan, dâm quan mất chức; vụ scandal giết người, tham nhũng… của vợ chồng Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai dần đi tới hồi kết.
Trong số 7 tân ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, ít người được đánh giá là có tư tưởng thực sự cởi mở.
4. CHDCND Triều Tiên hai lần phóng tên lửa tầm xa, bị Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án vì đó là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Sau thất bại trong vụ phóng hồi tháng 4, Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3 vào ngày 12-12. Sau khi nghiên cứu mảnh vỡ của Unha-3, phía Hàn Quốc kết luận tên lửa Triều Tiên có tầm bay hơn 10.000 km, có thể bắn tới miền tây nước Mỹ.
Tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 rời bệ phóng ngày 12-12. Ảnh: KCNA
Tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 rời bệ phóng ngày 12-12. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục thực hiện chính sách “quân sự trước tiên” của cha mình, liên tục thay nhân sự cấp cao trong Bộ Quốc phòng, quân đội, bằng những người có đường lối cứng rắn.
5. Palestine được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 29-11 công nhận quy chế nhà nước quan sát viên của LHQ.
Đây là thắng lợi chính trị quan trọng của Palestine trong cuộc đấu tranh lâu dài để xây dựng nhà nước độc lập, có chủ quyền, phù hợp các nghị quyết của LHQ và luật pháp quốc tế. Với sự công nhận này, lần đầu tiên, chính quyền Palestine có quyền đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế.
6. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, tháng 7, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN kết thúc mà không ra được thông cáo chung, do bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề tranh chấp trên biển Đông (nước chủ nhà Campuchia bị cho là bị Trung Quốc tác động).
Đây bị coi là bước lùi của ASEAN (vốn được coi là rất đồng thuận, đoàn kết), cho thấy quan điểm của các nước liên quan tranh chấp trên biển Đông đã có những khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy ASEAN đã không còn tránh những vấn đề nhạy cảm, gai góc mà dũng cảm trực tiếp đối mặt.
7. Ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga nhiệm kỳ 3 (sau khi tái đắc cử hồi tháng 3), đề cử cựu Tổng thống Dmitry Medvedev làm Thủ tướng.
Ông Vladirmir Putin chảy nước mắt khi tuyên bố mình thắng cuộc trong bầu cử tổng thống Nga hôm 4-3 (người đứng cạnh là ông Dmitry Medvedev). Ảnh: AP
Ông Vladirmir Putin chảy nước mắt khi tuyên bố mình thắng cuộc trong bầu cử tổng thống Nga hôm 4-3 (người đứng cạnh là ông Dmitry Medvedev). Ảnh: AP.
Năm 2012, hai chính khách dày dặn kinh nghiệm là bộ đôi Putin-Medvedev đã giúp Nga không phải gánh “núi” nợ công và làn sóng biểu tình chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” như nhiều nước châu Âu, đồng thời giúp nước này trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới, sau 18 năm đàm phán.
Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây tỏ ý lo ngại rằng, sự nắm quyền lâu năm của họ có thể cản trở tiến trình dân chủ đang diễn ra ở Nga.
8. Xung đột đẫm máu ở Syria kéo dài 21 tháng qua vẫn chưa chấm dứt, khiến hơn 44.000 người (trong đó có gần 31.000 thường dân), thiệt mạng trong các trận giao tranh giữa lực lượng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và quân nổi dậy.
Cậu bé ở thành phố Aleppo bị thương hôm 11-10 do bom rơi đạn lạc. Ảnh: AP
Cậu bé ở thành phố Aleppo bị thương hôm 11-10 do bom rơi đạn lạc. Ảnh: AP.
Một số nước lớn có quan hệ, lợi ích liên quan Syria vẫn bất đồng về cách xử lý vấn đề liên quan việc ra đi hoặc ở lại của ông Assad, còn LHQ chưa có giải pháp hiệu quả để chấm dứt xung đột ở Syria.
9. Myanmar thúc đẩy quá trình cải cách toàn diện, tăng cường hòa hợp, hòa giải trong nước, mở rộng hợp tác với nước ngoài, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, dẫn tới việc Mỹ nới lỏng cấm vận, vun đắp quan hệ an ninh và ngoại giao, tiến tới thiết lập quan hệ quân sự song phương.
Cử tri Myanmar mang ảnh nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đi bầu cử hôm 1-4. Ảnh: Getty Images
Cử tri Myanmar mang ảnh nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đi bầu cử hôm 1-4. Ảnh: Getty Images.
Ngày 1-4, cử tri Myanmar đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội được coi là tự do nhất từ trước tới nay (năm 2011, giới quân sự Myanmar từ bỏ việc lãnh đạo đất nước sau khi cầm quyền gần 40 năm). Cuối tháng 11, ông Barack Obama thăm Myanmar, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm nước này.
10. Các đợt rét kỷ lục ở châu Âu, bão lớn ở châu Á, Mỹ gây thiệt hại lớn về người và của. Tháng 1 và tháng 2, châu Âu (chủ yếu là Đông Âu) hứng chịu đợt giá lạnh khủng khiếp nhất kể từ năm 1986, với khoảng 500 người chết rét.
Bão Sandy tàn phá bang New Jersey (Mỹ) sau khi quét qua Haiti, Cuba…. Ảnh: Governors Office
Bão Sandy tàn phá bang New Jersey (Mỹ) sau khi quét qua Haiti, Cuba…. Ảnh: Governors Office.
Sau đó, đợt rét kéo dài hồi tháng 12 khiến gần 220 người chết cóng. Đầu tháng 12, bão lớn ở Philippines khiến hơn 1.000 người chết và mất tích. Cuối tháng 10, bão Sandy cướp đi sinh mạng của 131 công dân Mỹ, gây thiệt hại vật chất 63 tỷ USD… Thiên tai khắc nghiệt, kéo dài buộc chính phủ nhiều nước phải nhìn lại chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của mình.
TP

Copy từ: Tiền Phong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét