CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Thiên đường Xã hội chủ nghĩa ở đâu?


Quốc Anh (Danlambao) - Thiên đường, địa ngục là hai khái niệm của tâm linh và phạm trù đối lập của hệ tư tưởng duy tâm được thể hiện qua những ý niệm về chân lý, giáo lý riêng của mỗi tôn giáo. Tôn giáo gieo niềm tin, đặt hi vọng vào sức mạnh siêu nhiên, vào phép lạ thánh thần để con người tin tưởng, yên tâm thực sống và phải sống trong một thế giới trần gian còn nhiều bất công, khổ ải. Tôn giáo tổng hòa các mối quan hệ xã hội mà nhờ đó xã hội giảm bớt đi dối trá, tội ác lan tràn! Luật nhân quả trong giáo lý nhà Phật, sự phán xét đời sau của Thiên Chúa giáo tác động tâm thức đánh động tiềm thức, làm cho con người biết tiết chế và ý thức hành vi nhằm tránh xa những điều thất đức, ác nhân, hành xử theo bản năng.
Khác với lĩnh vực của tâm linh, thiên đường xã hội chủ nghĩa thực ra chỉ là một thứ chủ nghĩa triết lý thực dụng, ảo tưởng vì nó luôn phủ định trước mọi sự vật và hiện thực của xã hội, nó luôn đề cao tính ưu việt sáng tạo trong giả tạo. Thực sự chưa có một nhà nước nào vươn tới ngưỡng cửa thiên đường trước khi nó sụp đổ và đáp án cho thiên đường xã hội chủ nghĩa là khoản thời gian dài gần bốn thập niên khi nền móng chủ nghĩa xã hội được áp đặt hoàn toàn trên toàn cõi lãnh thổ nước Việt Nam. Hãy cảm nhận về thiên đường xã hội chủ nghĩa hay địa ngục trần gian trong tuyển tập: “Bên thắng cuộc” của tác giả Huy Đức! Một tác phẩm đầu tiên tái hiện trung thực những thảm trạng mà nhân dân miền Nam phải gánh chịu. Từng phần, từng câu chuyện lột tả được phần nào hoàn cảnh xã hội sau sự kiện lịch sử ngày 30/04/75, một chương sử bi thương, ai oán của dân tộc. 
Thế giới hiện đại ngày nay không còn tồn tại những kiểu nhà nước nô lệ và người dân trong một chế độ xã hội cũng không chấp nhận những kiểu nhà nước độc quyền, độc đoán. Mỗi thể chế chính trị của một nhà nước dù khác biệt trong cách quản lý, điều hành nhưng đều chứa đựng một hàm ý: cộng hòa-dân chủ! Nền tảng dân chủ của nhà nước là một nền dân chủ hoàn toàn không có sự xếp đặt, trá hình và ý chí tối thượng của một nhà nước có chủ quyền là: độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Tinh thần trị quốc, an dân của mỗi quốc gia là: thượng tôn pháp luật và mưu cầu hạnh phúc, ấm no toàn dân? Nếu được sống dưới một chế độ xã hội quang minh, chính trực, công bằng xã hội và ở đó người dân không phải lo toan, nghĩ ngợi nhiều thứ thì xã hội ấy đã là nơi tiên cảnh, thiên đường chẳng cần tìm đâu xa xôi trong cõi vĩnh hằng. Ngược lại, ở một xã hội mà nhà nước thống trị bằng bạo lực bởi sự độc đoán, chuyên quyền, bằng bắt bớ, giam cầm, đàn áp, trù dập thì nơi đó tương ứng với chốn hỏa hình, địa ngục. 
(*) Kiểm chứng thiên đường xã hội chủ nghĩa gần bốn mươi năm qua: 
Nhà ga, bến cảng lảng vảng bầy ma vương 
Bến xe, hẻm vắng nhởn nhơ đàn quỹ sứ 
Dụ gái nhẹ dạ, rình rập kẻ qua đường 
Cảnh giác mưu ma, tránh xa đám buôn người 
Thôn nữ rời bỏ làng quê 
Sa cơ lỡ vận tái tê đứng đường 
Gái trẻ công nhân xa nhà 
Tự do quan hệ phá thai càng nhiều 
Hài nhi vất bỏ khóc than 
Mẹ ơi! Nỡ giết con đang thế này... 
Trai trẻ hút chích càng nhiều 
Kết bè băng đảng tối chiều ra tay 
Hiếp dâm, cướp của, giết người 
Chặt chém, giật dọc, bằng mười khi xưa. 
Quan chức học tập tấm gương 
Đạo đức giả tạo có thương dân mình 
Nhiều sáng kiến vơ vét, tham nhũng
Trí sáng tạo đục khoét của công 
Ngày mai quy hoạch thu hồi 
Lạm dụng quyền hành để cướp đất dân. 
Công an còn đảng còn mình
Cậy quyền truy bức, nhục hình dân ta
Chốn công đường, pháp lý ngả nghiêng
Khuất tất, oan sai, trắng đen lẫn lộn
Ngân hàng bầy sâu bọ
Rút tủy xương kinh tế
Tiếp tay bọn cường hào
Hút cạn máu doanh nghiệp.
Giáo dục cải cách tràn lan
Tốn bao công sức để dân mệt nhoài 
Phụ huynh than vắn, thở dài
Tội cho con trẻ học hoài chẳng khôn 
Càng học, càng ngu si, dốt nát
Học sinh cư xử chẳng lễ độ
Sinh viên biến chất lũ côn đồ
Nữ sinh tập tành xã hội đen
Tràn lan bạo lực chốn học đường. 
Y tế cải tiến khám chữa bệnh 
Phong bì, bao thư thủ tục đầu 
Tâm cẩu sực! Y đức gà, lợn 
Chẩn sai nhiều người mang thương tật 
Lười biếng nhiều sản phụ chết oan. 
Công nghệ, công trình kém hữu dụng 
Phát minh, nghiên cứu chẳng ra trò 
Chính phủ sửa sai nền kinh tế 
Bộ phận không nhỏ tậu thêm nhà. 
Nhà nước luôn sáng tạo 
Đảng đỉnh cao trí tuệ 
Dân chúng càng đói khổ 
Đất nước càng lụn bại 
Họa xâm lăng càng gần. 
Trên thế giới nầy chưa từng xuất hiện một nhà nước nào lại triệt tiêu ý chí đấu tranh của dân tộc trước kẻ thù xâm lược và cũng chưa có một quốc gia nào người yêu nước lại bị ngược đãi khi bày tỏ lòng yêu nước trước ngoại bang. Cảnh địa ngục trần gian chính là nơi tù ngục, giam hãm những nhà bất đồng chính kiến, các nhà báo tự do và những người đấu tranh cho dân chủ bởi những bản án khắc nghiệt, vô nhân đạo. Ở một đất nước không còn nhìn thấy bóng dáng của công lý nói gì đến một xã hội công bằng, một đất nước độc lập-tự do-hạnh phúc. 
Thực ra chủ nghĩa xã hội không hẳn là vô nghĩa! Vì nhờ có chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa tư bản phải xem xét, soi rọi lại chính bản chất của chủ nghĩa để nhìn nhận những thiếu sót để tự hoàn thiện, không rơi vào trường hợp tự mãn, độc quyền. Nguồn gốc của tư tưởng độc quyền nhà nước thường dẫn đến đường lối độc tài toàn trị, chủ trương độc đoán nhà nước đưa đất nước, đẩy dân tộc đến một xã hội mất dần quyền dân chủ, dân sinh, bế tắc trong cuộc sống. Bản chất độc quyền tư bản cũng thế, nhờ có tư tưởng chủ nghĩa đối kháng nên mới có chủ nghĩa cạnh tranh tư tưởng và đây mới chính là những yếu tố, điều kiện tạo bước phát triển, tiến bộ cho phát minh, khoa học. Với nền tảng pháp lý rõ ràng, minh bạch nên chủ nghĩa tư bản đã có những biện pháp chế tài hiệu quả trong việc xử lý và ngăn ngừa vấn nạn tham nhũng, khó có chuyện đút túi phòng bì, bao thư khi giải quyết việc công. Ngược lại ở các nhà nước luôn che đậy những dối trá, bất công, bưng bít sự thật, dung túng bạo lực như: Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn là những mảnh đất màu mỡ, là cơ hội thuận lợi cho tham ô, nhũng nhiễu và bất công xã hội ngày càng gia tăng, tội ác lan tràn... Khi một nhà nước không tuân thủ hiến pháp hoặc dùng hiến pháp làm công cụ thống trị xã hội bằng bạo lực, cường quyền chế độ đó sớm muộn gì cũng sẽ do dân đánh đổ hoặc tự nó sẽ tan rã, diệt vong trong một tương lai gần, như những quốc gia Đông Âu, Liên xô trước kia và ở một số nước Bắc Phi, Ả rập trong thời gian vừa qua. 
Phát triển chủ nghĩa xã hội xoay quanh sản xuất xã hội chủ nghĩa tập trung, phương thức sản xuất nầy chỉ thích hợp ở vào một thời điểm lịch sử nhất định trong đấu tranh giành độc lập, khi chuyển tiếp sang giai đoạn phát triển kinh tế mới, của thời đại mới thì phương thức sản xuất đó đã trở nên lạc hậu không còn phù hợp. Nền kinh tế kế hoạch hóa quốc doanh dưới thời quan liêu, bao cấp trước đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sức ỳ, xơ cứng trì kéo sự phát triển năng động, sáng tạo dẫn đến tình trạng lạm phát kỷ lục, kinh tế suy kiệt, dân chúng đói nghèo. Sự sụp đổ của cả hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên xô cũ là những bài học trong quá khứ về sự giả tạo của thiên đường xã hội chủ nghĩa! Chủ nghĩa xã hội lấy mục tiêu đấu tranh giai cấp làm kim chỉ nam cho các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nên nó mang nặng tính cực đoan, bảo thủ hơn là mục tiêu lý tưởng đem lại cơm no, áo ấm và bình đẳng xã hội. Điều đó được chứng minh sau khi hòa bình được tái lập, vì khi đạt lấy mục tiêu giành chính quyền bằng bạo lực thì nó đã chủ trương loại bỏ giai cấp, xóa bỏ hoặc thay đổi tất cả những phương thức sản xuất cũ cho dù lực lượng sản xuất và các mối quan hệ sản xuất cũ tiến bộ, phát triển có tính hệ thống, khoa học. Với lớp vỏ bọc viễn tưỡng, tô đậm vẻ đẹp bên ngoài: “một xã hội bình đẳng không có giai cấp, không tồn tại chế độ người bóc lột người....”, nhưng thực chất nó lại bóc lột gấp nhiều lần tư bản chủ nghĩa, vì trên thực tế hai thành phần chuyên chính vô sản của chế độ là giai cấp công nhân và nông dân đang bị bóc lột tàn tệ: người nông dân bị tước đoạt đi tư liệu sản xuất là đất đai, ruộng vườn và con cháu họ một trong những nhân tố của lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa phải cật lực bán sức lao động sống đời làm thuê, làm mướn trong các nhà máy, xí nghiệp, trên các công nông trường với đồng lương rẻ mạt không đủ bù đắp đủ công sức lao động đã bỏ ra, cũng không thể lạc quan để nhìn thấy một tương lai sáng sủa. 
Chủ trương theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa cũng chỉ là một cách nói triết lý trong một hoàn cảnh bế tắc về hệ tư tưởng khi khối cộng sản Đông âu và Liên xô sụp đổ. Chấp nhận theo cơ chế thị trường có nghĩa là đảng của giai cấp thống trị nhìn nhận xã hội vận động theo một quy luật tất yếu không thể thay đổi, đó là đốt cháy giai đoạn để “quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội. Một khi giai cấp thống trị mượn đà phát triển của tư bản chủ nghĩa làm mục tiêu phát triển thì bản thân nó đã tự mâu thuẫn chấp nhận trong một xã hội có tính giai cấp mà ở đó người dân Việt nam đang phải một cổ hai tròng bị bóc lột tàn tệ không khác gì thời thực dân, phong kiến trước kia? Nhà nước XHCN dùng quyền lực thu hồi đất đai của dân chúng với giá rẻ mạt cho nhà tư bản thuê, mặt khác nhà nước áp đặt đủ mọi thứ thuế phí như: xăng dầu, điện nước, cầu đường, thu nhập cá nhân và tận thu mọi khoản phụ phí về an sinh xã hội như y tế, giáo dục... Mục tiêu của sự phát triển xã hội chỉ dựa vào đất đai, khai thác cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản, tận thu thuế, phí mà không phải do năng lực lãnh đạo đất nước và bằng sự điều hành sáng tạo, linh hoạt trong chủ trương sẽ để lại di chứng lịch sử vô cùng to lớn cho các thế hệ con cháu mai sau! Đó là cả một thế hệ thanh niên, thiếu nữ hao gầy, cạn kiệt sức lực trong các nhà máy, xí nghiệp với môi trường làm việc khắc nghiệt, mờ mịt tương lai và hậu quả của nền sản xuất kinh tế chủ yếu dựa vào thị trường gia công, sẽ là một bãi rác thải công nghiệp của các nước phát triển. Trong tương lai, chất thải công nghiệp sẽ thẩm thấu, ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề đến các tầng lớp địa chất, sông ngòi, tàn hại hệ sinh thái. Ở một khía cạnh khác, các mối quan hệ sản xuất bị chia cắt, manh mún, mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương phát triển theo một cách riêng không tuân thủ theo những điều kiện: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” không dựa trên các mối quan hệ sản xuất bền vững, lâu dài, không dựa trên những nguyên lý, tư duy sáng tạo và ý chí khách quan mà chỉ dựa trên những ý chí chủ quan của một nhóm người đó là lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích phe nhóm và lợi ích cá nhân. 
Mỗi khi có một dự án, một công trình thiết thực được trình duyệt, các quan chức thường không quan tâm, chú ý đến tính khả thi, tính hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, cho sự phát triển đất nước mà chỉ quan tâm, chú ý đến tỉ lệ hoa hồng cao hay thấp, có thể bỏ túi được bao nhiêu tiền? Còn chủ đầu tư luôn đặt khả năng lợi nhuận lên vị trí hàng đầu chẳng mấy quan tâm đến những tác hại của môi trường lẫn tính hiệu quả bền vững, thiết thực trong tương lai như việc khai thác quặng boxit tây nguyên và hàng loạt dự án thủy điện đã ra đời, thu hồi đất lúa làm sân golf, từng địa phương thi đua nhau làm khu công nghiệp... Những phản biện, góp ý trước kia mà nhiều nhà khoa học đã khuyến cáo, cảnh báo nay có hiệu ứng nhãn tiền như liên tiếp xảy ra động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 và các dòng sông đang bị bức tử vì rác thải, nước thải công nghiệp, hệ thống sông ngòi bị chia cắt mất đi tiềm năng giao thông thủy trong tương lai, chối bỏ nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng một số nơi vẫn không từ bỏ ý định phát triển theo kiểu tự phát, tàn hại môi trường, phá vỡ hệ sinh thái như dự án thủy điện số 6, 6A ở tỉnh Đồng Nai hiện nay. Tóm lại các công trình, dự án dù có mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích trong tương lai nếu không xen kẽ lợi ích riêng tư, cá nhân thì những dự án, công trình đó mãi mãi nằm yên trên giấy hoặc bị vứt bỏ vào sọt rác vì trên thực tế nó sẽ bị bài bác tính khả thi, tính hiệu quả để không bao giờ công trình, dự án đó được triển khai, còn những dự án có thể bỏ túi, có thể chia chác dù không đem lại hiệu quả thiết thực hoặc sẽ ảnh hưởng tác hại lâu dài đến môi trường họ vẫn cố nhắm mắt làm càn, bỏ ngoài tai những khuyến cáo của các nhà khoa học. 
Vì sao chủ nghĩa tư bản phát triển? Kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển đồng bộ nhờ vào sự đầu tư đúng hướng, xã hội tư bản ổn định nhờ vào một nền tảng pháp lý rõ ràng, minh bạch; lĩnh vực giáo dục, y tế, hành chánh công được đào tạo có tính hệ thống, khoa học; luôn quan tâm chú trọng đến thế hệ trẻ là những thế hệ kế thừa, biết trân trọng quý mến và trọng dụng nhân tài. Bộ máy hành chánh nhà nước chuyên cần, công tâm, tuyển dụng người giúp việc cho những vị nguyên thủ quốc gia, những tập đoàn kinh tế tư bản là những nhân tố thực sự tài năng. Khác với tư bản, các nhà nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn phát triển nhân tài chủ yếu bằng chủ nghĩa lý lịch, bằng thành tích của cha ông và dùng quyền lực gửi gắm, tiến cử con cháu. Việc quan chức sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp mua không còn xa lạ, vì vậy tầng lớp thống trị họ rất dị ứng trong việc đào tạo, sử dụng nhân tài. Ở Việt Nam dù là người thực tài, bạn phải tìm người có tầm ảnh hưởng để nhờ vả hoặc lo lót với khoản tiền lớn và nếu muốn leo lên vị trí cao của chức vụ, quyền lực bạn hãy biết lòn cúi và đừng tỏ ra khôn ngoan hơn họ. 
Đỉnh cao trí tuệ của các nhà lãnh đạo Việt Nam, là những quan chức có cấp bằng cao cấp chính trị trong túi, với cấp bằng đó mỗi một cán bộ đảng viên từ Trung ương xuống đến địa phương họ như đang đứng trên mây, một tay vỗ ngực hô hào: đảng ta “bách chiến, bách thắng”, tay kia cầm chiếc đũa thần Mac-Le chỉ xuống đám dân đen khốn khổ đang ngày đêm oằn vai gánh vác những hậu quả do những cải cách, sáng kiến, sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu của họ mang lại. Nhìn chung mục tiêu phát triển xã hội dưới chế độ XHCN ở Việt Nam chỉ là những chỉ tiêu phát triển tạm bợ và sự thành công trên lĩnh vực kinh tế thường phô trương dưới dạng tâng bốc, khen tặng và chúc tụng lẫn nhau. Có quá nhiều những chủ trương, chính sách lạc hậu, lỗi thời đi kèm với bộ máy quản lý, điều hành xã hội nặng nề, yếu kém? Tệ quan liêu, cửa quyền vẫn tồn tại trong các lĩnh vực nhà đất, kiểm tra môi trường, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm..., vấn nạn tham nhũng, lãng phí chưa có điểm dừng (tạm thời lắng dịu do chiến dịch Tw 4 và 6) đã đưa đất nước, dân tộc đi vào ngỏ cụt nhưng họ vẫn cố biện bạch thiếu sót do khách quan, do biến động của kinh tế thế giới, sẽ sửa sai, rút kinh nghiệm, nhận trách nhiệm... Với bản chất chủ nghĩa hẹp hòi cộng với lòng tham vô độ, tập đoàn thống trị đang dẫn dắt dân tộc đi đến thiên đường của sự lòn cúi, lệ thuộc ngoại bang. Thật ra, đảng và nhà nước ta đang thực hiện câu châm ngôn: “Thà mất biển, mất đất vĩ đại hơn vẹn toàn lãnh thổ; thà cam chịu nghèo hèn, lạc hậu to tát hơn bảo vệ sự nghiệp toàn dân”. Khi một xã hội mà giai cấp thống trị ngồi xổm trên pháp luật, chà đạp lên luật pháp bảo sao xã hội đó không tha hóa, suy đồi, nhiễu loạn. Một đoàn tàu mà đầu tàu đi chệch hướng ra khỏi đường ray, quỹ đạo của thời đại nói sao nền kinh tế đất nước không lao xuống vực sâu của sự đói nghèo và lạc hậu? 
Chủ nghĩa xã hội dựa trên “thuyết tiến hóa” làm tiền đề cho thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng. Thuyết tiến hóa tôn thờ loài vượn cổ và khẳng định nguồn gốc con người xuất hiện từ sự tiến hóa của giống loài vượn? Thử so sánh loài động vật tiến hóa trong gần bốn mươi năm ở xã hội ngày nay, xét thấy có các mối quan hệ và hành vi tương ứng của giống loài nhiều hơn tính người như đã dẫn chứng ở trên (*). Xã hội lương tri là một xã hội biết tôn trọng lẽ phải và sự thật, một chế độ tâm thiện chân chính sẽ không thể chối bỏ vai trò tích cực của tôn giáo vì không thể sống ra người khi không có niềm tin tôn giáo. Niềm tin của tôn giáo trong cộng đồng xã hội càng mạnh mẽ thì tác động của ý thức sẽ kiểm soát, điều chỉnh những hành vi để thực hiện nên các chuẩn mực đạo đức, nhân cách của một xã hội truyền thống. Nhờ vào niềm tin của tôn giáo mà con người hạn chế được nhiều tội ác, hành xử theo bản năng, đâu đó trong một xã hội vẫn tồn tại những lý trí về lòng yêu thương con người, giúp đỡ đồng loại trong cơn hoạn nạn, khó khăn. Thiên đường của thế giới tâm linh, ít ra cũng tạo trong tư tưởng con người những niềm tin về sự sống bất diệt, về sự trường cửu đời sau. Còn thiên đường xã hội chủ nghĩa trên thực tế có quá nhiều bất an, phi nhân tính, còn quá nhiều điều phải bàn cãi, tranh luận. Nếu thiên đường xã hội chủ nghĩa có trên thực tế, nó chỉ có ở một số nước tư bản đã phát triển như những quốc gia Bắc Âu! Còn bình đẳng xã hội theo kiểu: Trung quốc, Việt Nam, Triều Tiên chỉ là những giả dối, ngụy tạo. 
Làm thế nào để thiết chế nên một xã hội bình đẳng, bác ái? Làm sao là một Việt Nam giàu mạnh giống như Hàn Quốc, Nhật Bản để có thể ngẩng cao đầu không bị chèn ép, cúi đầu trước bọn bành trướng bá quyền phương bắc? Phải làm gì để bảo vệ đất đai biên giới, hải đảo để không phải mắc tội với tiền nhân? Giai cấp thống trị xã hội có phải là con cháu dòng dõi giống Lạc Hồng? Ai sẽ nhận lãnh trách nhiệm và trả lời trước lịch sử khi đan tâm hiến đất, dâng đảo cho bọn lưu manh, côn đồ Trung quốc? Khi tầng lớp thống trị cương quyết kiên định với chủ nghĩa xã hội để tiến tới chủ nghĩa cộng sản sẽ là một thảm họa cho đất nước, dân tộc bởi chứng kiến những gì mà chế độ đã mang lại trên thực tế nó hoàn toàn trái ngược với tinh thần độc lập, tự chủ và lợi ích của quốc gia, dân tộc! Mục tiêu của nhà nước Việt Nam là chủ quyền quốc gia, vẹn toàn lãnh thổ và lý tưởng của dân tộc là an cư lạc nghiệp, có đủ cơm ăn, áo mặc; có nơi ở, việc làm ổn định, con cái được học hành chứ không phải là cái bánh vẽ về thiên đường xã hội chủ nghĩa. Một khi bánh xe xã hội chủ nghĩa vẫn còn lăn trên đất nước nầy, nó sẽ nghiền nát nền độc lập, tự chủ của dân tộc và các thế hệ tương lai! Muốn kiên định chủ nghĩa xã hội trước hết hãy dọn dẹp cái đống rác xã hội chủ nghĩa hiện tại đang từng ngày, từng giờ đưa đẩy đất nước lún sâu vào thảm cảnh lầm than, đói nghèo và tụt hậu. Hãy huy động toàn lực sức dân, quét dọn sạch sẽ chủ nghĩa rác rưởi này để đất nước ngày mai thực sự là một chế độ xã hội công bằng, văn minh, dân chủ và giàu mạnh vì mục tiêu phát triển toàn diện hướng đến tương lai... 
 
 

Copy từ: Dân Làm Báo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét