CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Nâng chất lượng sống của người dân


Gỡ khó cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho người dân... là mục tiêu được lãnh đạo các TP lớn trong cả nước đề ra để thực hiện trong năm 2013 bằng những giải pháp cụ thể

ÔNG LÊ HOÀNG QUÂN,
CHỦ TỊCH UBND TPHCM:
Vì cuộc sống bình an của người dân
Năm 2013, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung cải cách hành chính, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm trật tự trị an, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của nhân dân.
TPHCM thời gian gần đây nổi lên tình hình an ninh trật tự khiến dư luận bất an. Đây là những hệ lụy của một địa bàn có dân số lớn, nơi tập trung người từ mọi miền về sinh sống. Tuy nhiên, không thể chấp nhận việc để xảy ra liên tục các vụ phạm pháp, gây ảnh hưởng cuộc sống bình an của nhân dân. Lãnh đạo TP đã phân công giám đốc Công an TP làm trưởng ban chỉ đạo chiến dịch cao điểm tấn công tội phạm ngay đợt đầu năm, cũng như làm việc với lực lượng quân đội và các tỉnh, thành khác để phối hợp hành động, tăng thêm sức mạnh nhằm trấn áp tội phạm một cách hiệu quả và triệt để hơn.
Bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân là nhiệm vụ quan trọng và phải luôn thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trước mắt là một năm mới chứa đựng nhiều thử thách nhưng dù khó khăn mấy đi nữa, TPHCM sẽ vượt qua với sự đồng lòng cao của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.
ÔNG NGUYỄN THẾ THẢO,
CHỦ TỊCH UBND TP HÀ NỘI:
Năm kỷ cương hành chính
Năm 2013, TP Hà Nội xác định là “Năm kỷ cương hành chính”. Hà Nội sẽ tập trung tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; loại bỏ tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà. Đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ người dân thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động.
Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, TP Hà Nội sẽ kiên trì các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tạo bước đột phá trong tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; thực hiện nghiêm túc tiết kiệm chi, trước mắt là không xây mới trụ sở cơ quan, không mua ô tô lãng phí, không đi công tác, học tập nước ngoài khi không cần thiết. Đồng thời sẽ tập trung mọi khả năng để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản.
ÔNG VĂN HỮU CHIẾN,
CHỦ TỊCH UBND TP ĐÀ NẴNG:
Xây dựng “Thành phố đáng sống”
Để trở thành nơi đến lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã và đang chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành “TP đáng sống” theo đúng nghĩa của nó. Từ việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, chỉnh trang đô thị theo hướng thông thoáng, hiện đại, chính quyền Đà Nẵng còn tập trung phát triển các ngành mũi nhọn là thế mạnh như du lịch, thương mại. Gần đây nhất là tập trung cho các khu công nghệ cao và đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến với Đà Nẵng. Đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội được quan tâm hàng đầu. Để  đạt được kết quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, chính quyền TP Đà Nẵng đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có quy mô dân số không vượt quá 2 triệu người, trở thành một TP có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những TP hài hòa, thân thiện, an bình; một TP hấp dẫn và đáng sống.
ÔNG VÕ THÀNH THỐNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ:
Tạo việc làm, nhà ở cho dân
Trong năm 2013, TP Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 12%-12,5%. TP đã là đề ra một loạt giải pháp về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, định chế tài chính, ngân hàng… để tháo gỡ, hỗ trợ cho DN, trong đó tập trung cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Về an sinh xã hội, giải quyết dứt điểm nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo, quan tâm đến vấn đề tạo việc làm cho người dân. Chính quyền TP Cần Thơ cũng sẽ nỗ lực phối hợp với các tỉnh ĐBSCL tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho vùng bằng cách mời gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến ĐBSCL. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng vì ĐBSCL phát triển kinh tế ở điểm xuất phát thấp. Đồng thời, tập trung xử lý đầu ra sản phẩm cho DN, trong đó quan tâm sản phẩm từ nông nghiệp như: lúa gạo, tôm cá, trái cây và hàng thủ công mỹ nghệ, da giày, may mặc... TP Cần Thơ nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và giao thông, kết nối giao thương hàng hóa giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành trong khu vực.
Cần những giải pháp khả thi, quyết liệt
GIÁO SƯ - VIỆN SĨ PHẠM MINH HẠC (NGUYÊN BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT):
Chấn chỉnh để phát triển
Năm qua, báo chí đã nêu nhiều hiện tượng xấu, nhiều cái ác, đó là dấu hiệu không tốt mà mọi người đều đau lòng và phải suy nghĩ. Tôi mong các vấn đề xã hội được quan tâm nhiều hơn; y tế, giáo dục được chăm sóc tốt hơn. Các cấp lãnh đạo từ trên xuống đều gương mẫu, đề cao giá trị nhân văn, hướng thiện. Làm trong sạch bộ máy quản lý là cơ sở để đạo đức xã hội lành mạnh, để người ta hướng thiện.
Riêng đối với giáo dục, tôi mong mỏi ngành giáo dục làm được 3  việc trong năm tới: đủ trường lớp, đủ cơ sở vật chất thiết bị; mau chóng có bộ sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học và tài liệu giảng dạy cho đại học, cao đẳng; có chế độ chính sách thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên cả về vật chất và tinh thần.  
ÔNG ĐỖ DUY THÁI (TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY THÉP VIỆT):
Chính sách phải đi vào đời sống
Những chính sách, giải pháp Chính phủ đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là đúng nhưng chính sách phải đi vào đời sống. Thực trạng hiện nay là bế tắc trong lĩnh vực bất động sản dẫn đến bế tắc chung trong tất cả các ngành khác. Chính phủ đã nhìn thấy và đã chọn trọng tâm giải cứu bất động sản. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cụ thể hơn. Ví dụ, không thể nói chung chung là tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp mua nhà mà phải có chính sách giá hợp lý để người thu nhập thấp mua được nhà. Ngoài ra, cần minh bạch để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, ngân hàng… để chính sách thực thi tốt.
CHỊ TẠ THỊ KIỀU ANH (CHUYÊN VIÊN
BỘ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG):
Quản lý chặt chẽ vệ sinh thực phẩm
Năm 2012 gây nhiều lo lắng cho tôi là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng nhập lậu gà thải loại, nho, lựu… Trung Quốc có tồn dư chất bảo vệ thực vật hay măng khô, mực khô… có nhiều chất độc hại thực sự đã gây hoang mang trong người dân. Tôi hy vọng năm 2013, bên cạnh những chính sách vĩ mô như tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ hợp lý, ổn định nền kinh tế…, các cơ quan hữu quan có nhiều biện pháp quyết liệt hơn để xử lý và kiểm soát chặt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ đời sống người dân.
 
ÔNG ĐINH TUẤN KIỆT (CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN CÔNG TY VĨ CHÂU, QUẬN 7-TPHCM):
Cải thiện điều kiện sống của công nhân
Thu nhập bấp bênh khiến số đông công nhân (CN) nhập cư tại TPHCM không thể thuê cho mình một chỗ ở tươm tất, bảo đảm vệ sinh, an ninh trật tự, cũng không thể hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần đúng nghĩa. Các thiết chế văn hóa phục vụ CN, nhất là ở các KCX-KCN, còn thiếu khiến cơ hội giải trí sau giờ tan ca của họ càng ít. Do đó, năm 2013, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng về sự đổi thay ở chính sách tiền lương một cách căn cơ, làm sao vừa giúp CN có thể sống khỏe và tích lũy để ổn định cuộc sống. CN mong lãnh đạo TP sẽ tập trung xây dựng ngày càng nhiều các thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn hóa lao động nhằm giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho CN làm việc.
Yến Anh - Phương Nhung - Vĩnh Tùng - Thanh Nhân ghi
QUÝ LÂM - THẾ DŨNG - HOÀNG DŨNG - CA LINH



Copy từ: Người Lao Động



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét