CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Làn sóng Philippines phản đối Trung Quốc

Nâng cấp lực lượng, đánh tiếng cho Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự và kiện ra tòa án quốc tế... là các dấu hiệu cho thấy Philippines sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc

 

Khoảng 2.000 người Philippines thuộc Liên minh biển Tây Philippines (biển Đông) đã tập trung trước Văn phòng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Makati (thuộc vùng đô thị Manila) hôm 24-7 để phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở biển Đông. 

Bắc Kinh gánh tiếng xấu
Đây là một phần của "Ngày biểu tình phản đối Trung Quốc trên toàn cầu" do người Philippines tiến hành tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, như New York - Mỹ, Rome - Ý...
Tại TP Makati, đám đông biểu tình - trong đó có các chính khách, cựu sĩ quan cảnh sát… - đã giương những băng rôn ghi rõ: "Trung Quốc hãy tôn trọng chủ quyền của Philippines", "Trung Quốc hãy chấm dứt bắt nạt", "Trung Quốc hãy ra khỏi biển Tây Philippines"…
 
Biểu tình phản đối Trung Quốc trước Văn phòng Lãnh sự quán nước này tại TP Makati - Philippines hôm 24-7
. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã tạm ngưng cấp visa ở văn phòng lãnh sự quán này trong ngày 24-7 để tránh cuộc biểu tình. Cảnh sát chống bạo động cũng phong tỏa lối vào tòa nhà. 

Risa Hontiveros, một thủ lĩnh của cuộc biểu tình và là cựu nghị sĩ, cho biết: "Thông điệp chúng tôi gửi đến Trung Quốc hôm nay rất đơn giản: Hãy chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền và thôi bắt nạt những nước có tuyên bố chủ quyền khác (ở biển Đông)". 

Trong khi đó, Emman Hizon, người phát ngôn Liên minh biển Tây Philippines, cho biết: "Hôm nay là ngày hành động toàn cầu để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Philippines. Đây cũng là ngày chúng ta bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Liên minh biển Tây Philippines tập hợp nhiều tổ chức và được đứng đầu bởi chính các công dân, từ dân thường cho đến học giả". 

Theo ông Hizon, đây là lần thứ hai ngày biểu tình toàn cầu chống Trung Quốc được tiến hành. Nó diễn ra vào ngày 24-7 để nhắc nhớ 1 năm ngày Bắc Kinh chiếm bãi cạn Ayungin. Vào ngày 11-5 năm ngoái, Liên minh biển Tây Philippines đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình tương tự để kêu gọi Trung Quốc chấm dứt "xâm lược" bãi cạn Scarborough.

Có mặt tại cuộc biểu tình, cựu bộ trưởng Nội vụ Philippines Rafael Alunan nhận định những tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc đang mang lại tiếng xấu cho nước này, đồng thời dẫn đến việc Mỹ quyết định tăng cường hiện diện ở châu Á. Ông nói với hãng tin AP: "Trung Quốc cần phải hiểu rằng nếu nước này không gây rối và tìm cách thống trị những nước khác thì sẽ không có chuyện như Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương hay các nước lập liên minh để đối phó Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ và cuộc biểu tình này của chúng tôi". Ông Alunan cũng khẳng định Philippines sẽ không lùi bước, bất chấp lực lượng vũ trang còn yếu kém.

Tình hình "ngày càng tệ hơn"
Ngoài việc biểu tình, một nhóm nghệ sĩ độc lập của Philippines và Mỹ đã thành lập phong trào The Filipinos Unite (FU) với mục đích sử dụng âm nhạc để đoàn kết người Philippines trên toàn thế giới cùng chống Trung Quốc. FU cho biết đang kêu gọi thêm nhiều nghệ sĩ Philippines tham gia, đồng thời có kế hoạch ra nước ngoài biểu diễn để tìm kiếm sự ủng hộ.

Vonz Santos, Chủ tịch phong trào FU, cho báo Philippine Daily Inquirer biết FU muốn kêu gọi người Philippines trên toàn cầu thức tỉnh để qua đó cho thế giới thấy có cách xử lý cuộc xung đột một cách hòa bình. Ông cho biết: "Tôi từng tham gia và tổ chức các cuộc tuần hành. Tôi cũng đã tuần hành trước trụ sở Liên Hiệp Quốc nhưng tình hình ngày càng tệ hơn". Ông Santos có ý nhắc đến những hành động xâm phạm lãnh hải Philippines gần đây của tàu Trung Quốc.
Làn sóng biểu tình nói trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Philippines - Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng xung quanh tranh chấp ở biển Đông. 

Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đề nghị tòa phán quyết "đường lưỡi bò" bao trùm biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị và vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Phiên tòa xét xử vụ kiện này khởi động hôm 11-7, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. 

Báo The Washington Post (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng những bước đi mà Philippines tiến hành gần đây - như nâng cấp lực lượng tại các đảo tranh chấp, thảo luận việc cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự và cả vụ kiện nêu trên - là dấu hiệu cho thấy nước này đang ngày càng sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ, bất chấp chênh lệch về sức mạnh quân sự và kinh tế giữa hai nước.
Hoàng Phương


Copy từ: Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét