CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Ngày đầu tiên trên đất Mỹ CT Trương Tấn Sang tung bảo bối: Đó là các chức sắc tôn giáo theo đoàn.

Mỹ-Việt: ngày đầu nhắm vào thương mại

Cập nhật: 03:17 GMT - thứ năm, 25 tháng 7, 2013

Ông Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ Ngoại giao Mỹ
Chủ tịch Sang kêu gọi sớm hoàn tất quá trình đàm phán TPP

Trong ngày làm việc đầu tiên ở Hoa Kỳ, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã kêu gọi thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng thời lên tiếng bảo vệ hồ sơ nhân quyền của Hà Nội.
Ông chủ tịch là nguyên thủ thứ hai của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ ngày hai nước bình thường hóa quan hệ.
Giới quan sát nước ngoài nhận xét Mỹ và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích chung trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc hàng đầu thế giới.
Tại buổi chiêu đãi do Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chủ trì tại Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Sang bày tỏ hy vọng rằng cuộc đàm phán TPP với sự tham gia của 12 quốc gia sẽ sớm đạt được thỏa thuận.
Trước đó, ông đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker, người nói rằng thỏa thuận TPP là "ưu tiên hàng đầu" của Tổng thống Barack Obama. Bà Pritzker cũng nói và trông đợi quá trình đàm phán sẽ hoàn tất trong năm nay.
Ông chủ tịch cũng tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack và Đại diện Thương mại Michael Froman.
Thông tấn xã Việt Nam tường thuật rằng trong các cuộc tiếp xúc này, ông Sang khuyến cáo TPP "phải là một hiệp định cân bằng vì các mục tiêu phát triển và tính đến tính đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên".
Ông đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam và tránh áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Sang, những vụ kiện của Mỹ về bán phá giá hoặc trợ cấp đối với cá tra, basa và tôm "đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu nông dân Việt Nam cả về mặt kinh tế và xã hội, gây khó khăn cho việc tạo công ăn việc làm của nông dân, và nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn".

Nhân quyền và TPP

'Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu'
Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi ăn trưa cùng ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm 24/07.

Đại diện Thương mại Michael Froman ra thông cáo sau cuộc gặp với ông Trương Tấn Sang, nói: "Việt Nam đã tiến một bước dài, giải quyết các thách thức riêng để đạt được tiêu chuẩn cao của TPP, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm với nhau".
Nếu đạt được, thỏa thuận TPP sẽ bao trùm tới 40% kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên nhiều dân biểu Mỹ cảnh báo chính phủ không nên ký thỏa thuận với Việt Nam chừng nào Hà Nội chưa cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Dân biểu George Miller, của đảng Dân chủ tại bang California, trong một lá thư gửi cho ông Froman, dẫn một phúc trình nói rằng các công nhân sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam thường không được làm việc trong môi trường lao động tiêu chuẩn cơ bản nhất mà Hoa Kỳ đòi hỏi từ các đối tác thương mại của mình".
Thỏa thuận TPP cũng bao gồm nhiều điều khoản bảo vệ quyền của người lao động và môi trường.
"Người Việt Nam đã rút ra bài học từ lịch sử của chính mình, rằng tất cả chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có bè bạn chưa làm thân mà thôi."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Một số dân biểu khác thì đặt vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong các lĩnh vực tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Ông Trương Tấn Sang đã phản biện lại chỉ trích của phía Mỹ trong bài diễn văn đáp từ của mình tại buổi chiêu đãi của Ngoại trưởng Kerry.

Ông nói trong phái đoàn của ông có một số lãnh đạo tôn giáo, những người đã có các cuộc "thảo luận thẳng thắn, cởi mở" với đồng sự Mỹ nhằm cung cấp "sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam".

Ông nói: "Việt Nam đã có nỗ lực lâu dài nhằm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, để người dân có thể hưởng lợi ích tốt nhất từ công cuộc đổi mới".

Ông Sang cũng so sánh: "Giống như các mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi luôn tiếp tục các chương trình cải thiện y tế, xã hội và giáo dục cho người dân, đặc biệt là dân nghèo sống tại các vùng sâu, vùng xa, và người dân tộc thiểu số".

Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp với một số nghị sỹ thuộc lưỡng viện và Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.
Ông còn hội kiến chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde và tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ.


Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét