CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

VIỆT NAM MẮC KẸT GIỮA “TRỤC XOAY” VÀ “TRỖI DẬY”

 * BÙI VĂN BỒNG 
 
            BVB - Kê hoạch mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ lần này được thiết định ngay sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama với ông Tập Cận Bình, Trung Quốc. Có một sự trùng hợp: Ngay sau khi ông Tập từ Hoa Kỳ về nước, Trung Quốc đã lên ngay kế hoạch mời CT nước Việt Nam thăm Bắc Kinh. Sự ‘tới tấp’ các cuộc thăm, hội đàm và tiếp xúc ngoại giao này, khiến cho dư luận cho rằng: Việt Nam đang đặt vào một ván chơi mới trên ‘bàn cờ thế’ Mỹ-Việt-Trung. Xem ra, trên bàn cờ đó, Việt bị kẹt ở giữa, hai siêu cường co kéo, có khi bị làm con cờ, mà không có cái thế gì cả, ngoại trừ việc coi trọng và biết sức mạnh đoàn kết hiệp lực của toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của toàn đảng toàn dân, của cả hệ thống chính trị là nội lực chủ yếu của chính mình, biết vượt lên chính mình. ...

Tác giả David Brown, một  nhà báo tự do và là nhà ngoại giao Hoa Kỳ nghỉ hưu, đã từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam, nhận định rằng sau chuyến đi thăm Trung Quốc, ông Trương Tấn Sang đã không mang về thành quả nào dáng kể có lợi cho Việt Nam,  ngoại trừ lời hứa Trung Quốc sẽ đề ra những bước hành động “hiệu quả và triệt để để giải quyết sự bất quân bình trong cán cân thương mại song phương” tới 16 tỉ đôla, mặc dù vậy vẫn hoàn toàn nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc.
 
   Các nhà bình luận thời cuộc đã không quá vội vàng, khi cho rằng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ lần này là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Việt Nam đã bị chấn động vì những gì Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Trương Tấn Sang trong vòng riêng tư, và đó là lý do đã khiến cho lãnh dạo Việt Nam sốt sắng, trong tư thế sẵn sàng hơn nhằm cố gắng xích lại gần Hoa Kỳ, với mục đích “thiết lập các quan hệ quốc phòng mật thiết hơn với Washington, trực tiếp là vấn đề trên Biển Đông”.
 
Người ta cùng đặt lại vấn đề, phải chăng những gây hấn đối với tàu cá Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng sa ngay sau khi Tuyên bố chung chưa ráo mực, là cách bài binh bố trận để thúc đẩy Việt Nam tỏ rõ thái độ? Và liệu rằng đây có phải là màn kịch đã được thống nhất kịch bản ngày trong hội đàm Trung-Mỹ hồi đầu tháng 6?  Những sự kiện dồn dập như vậy khiến cho Việt Nam lâm vào tình cảnh như đứng ở ngã ba đường, mắc kẹt ở giữa, bởi chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, được loan báo vội vã, đã là cái cớ cho truyền thông quốc tế chú ý tới hướng đi tương lai cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam., dù về mặt danh  nghĩa nhằm mục đích của chuyến đi là để thảo luận về hướng đi tương lai của các quan hệ song phương.

Tin trên Vietnamnet đã trích lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông  Lương Thanh Nghị đã nói rằng chuyến đi Mỹ khẳng định “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, tích cực hội nhập quốc tế” của Việt Nam. Trong khi đó, trên trang mạng của Đại học Yale, YaleGlobal, một nhà cựu ngoại giao Mỹ và giờ là một nhà báo, tải lên một bài viết có nêu lên nhận định về vị thế rất tế nhị của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
 
Nhà báo David Brown nêu nghi vấn: “Liệu có phải nỗi thất vọng với Trung Quốc là nguyên do khiến Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vội vã lên đường sang Washington?”
 
Mặc du không ngừng gia tăng trong chiến lược ‘trục xoay’ sang Chấu Á-Thái Bình Dương,  nhưng cư xử bề ngoài và tuyên bố theo cách ngoại giao, Hoa Kỳ vẫn tỏ ra cảnh giác sợ bị lôi kéo vào việc bảo vệ các đảo của Việt Nam hoặc Philippines, Hoa Kỳ đã nhắc đi nhắc lại là “không đứng về phía nào” trong các tranh chấp lãnh thổ. Cũng do lo ngại rằng siêu cường đang "trỗi dậy" sẽ trả đũa trong các lãnh vực khác, Washington và hầu hết những nước ASEAN đã tránh né thách thức trực tiếp tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển nằm giữa Hong Kong và Singapore. Về phía Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Nam Hải vẫn nhanh chóng đẩy mạnh “hành chính hóa” cái gọi là thành phố Tam Sa, tiếp tục lên gân, bôi trơn cho “đường lưỡi bò”, đồng thời thêm nhiều thủ đoạn bởi chiến lược “xâm lược mềm” trong sách lược “trỗi dậy hòa bình”.
 Trung Quốc vẫn gia tăng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên các ghi chép trong sử sách về các chuyến đi lại trên biển của ngư dân nhiều thế kỷ trước. Ngược lại, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và luật lệ quốc tế khác. Các chuyên gia chính sách ở Washington đồng ý rằng các yêu sách rối rắm đó phải được tháo gỡ bằng cách quy về những quy tắc pháp lý. Nhưng lập trường này bị suy yếu vì Mỹ đã lần lữa không chịu phê chuẩn UNCLOS và bốn nước ASEAN tuyến đầu vẫn chưa dàn xếp được các yêu sách mâu thuẫn giữa họ với nhau. Lập trường đó khiến khó thấy đâu là lối mà Washington sẽ theo nếu Bắc Kinh tiếp tục kiểu gặm nhắm từng chút một, tạo thành việc đã rồi.
 
Những động thài “ngoắc tay”, “thỏa thuận ngầm” hai bên cùng có lợi giữa Mỹ và Trung Quốc từ giữa thế kỷ trước đến nay cũng không còn ai lạ gì. Cuộc hội đàm bất thường tại Califonia hồi đầu tháng 6 mới rồi của hai nguyên thủ Ô-Tập càng thể hiện “nguyên tắc giao hòa” và tránh giao chiến ấy. Nhìn lại từ 2-9-1945 thành lập nước đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong “thế kẹt” giữa hai cường quốc Mỹ -Trung. Và hiện tại, Việt Na vẫn rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, quẫn bách giữa hai siêu cường Mỹ-Trung: Một bên “Xoaỵ trục” và một bên “Trỗi dậy”. Trong mối quan hệ song phương, người ta có thể thỏa hiệp với những âm mưu ngầm để hai bên cùng có lợi, kể cả sự bàn định để đưa ra những kịch bản. Nhưng những bí mật và thủ đoạn giấu kín bên trong của mỗi bên thì chắc chắn sẽ không bao giờ có thỏa hiệp. Khi hai siêu cường bên ngoài như kình chống nhau, nhưng bên trong luôn luôn thỏa hiệp, ngấm ngầm bàn cách "song hành bá chủ toàn cầu", phân chia quyền lực và “ăn chia” lợi ích Biển Đông và cả Đông Nam Á, thì Việt Nam khó mà ổn định bền vững; mặc dù thực tâm toàn dân nước Việt đã quá chán ngán với chiến tranh, đã nhiều nỗ lực để được sống trong hòa bình, độc lập-tự do, đã "muốn làm bạn với tất cả các nược" và cũng ký kết được nhiều "đối tác chiến lược"... Ôi, một đất nước nhỏ, nghèo mà thật là gian nan, cơ cực, không bao giờ được yên, nguy cơ chiến tranh, giành xé luôn luôn rình rập hết đời này đến đời khác. Phải chăng là do vị trí chiến lược quan trọng và "rừng vàng biển bạc"?  

            Cách mạng của nước này không thể xuất khẩu nguyên xi mẫu mã sang nước khác, và cũng không đơn thuần đi 'nhập khẩu cách mạng' những thứ quá đát, chỉ đáng phế liệu, những thứ kiểu như hàng gian, hàng giả, hàng độc hại. Trong thời đại toàn cầu hóa, mọi nỗ lực và cả những 'cú hích' ngoại giao là cần thiết, nhưng nó cũng chỉ là sự cân bằng, cân đối các mối quan hệ, có thêm sức mạnh bổ trợ, không thể thay thế được các chính sách tại chính quốc về nhân quyền, dân sinh, dân chủ, phát huy tối đa nội lực từ lòng dân cả nước. 

BVB

---------------
Ta với mình - tuy hai mà một
Mình với ta - tuy một mà hai
Dẫu khác lý tưởng, nhưng chung "Mục tiêu"!


Copy từ: Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét