CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Từ mẫu và dì ghẻ

Tien 

Không phải cứ có “phân cấp rõ ràng” thì ở đâu các vị bộ trưởng cũng sẽ “thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.


Sau khi kiên nhẫn lặng thinh trước những tiêu cực “to như cái đình” của ngành y tế, cuối cùng, trong một hội nghị nội bộ, đóng vai trò người chỉ đạo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên cũng bày tỏ chính kiến . Báo chí dẫn lời bà khẳng định: “Phân cấp có rồi, ai sai người đó chịu”. Rồi thì “Ai làm không nghiêm, sẽ phải xử lý nghiêm”.

“Chính phủ là cung cấp đủ tài chính để làm sao vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ. Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tiêm chủng, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Chính quyền thực hiện nhiệm vụ triển khai tiêm chủng. Còn tại nơi thực hiện tiêm người tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình. Có quy định đầy đủ rồi”- Bộ trưởng nói.


Còn vụ Hoài Đức thì: “Cả một khoảng thời gian dài thu tiền như thế, để phiếu xét nghiệm như thế mà không ai biết thì chúng ta cũng phải nói đến trách nhiệm trực tiếp, rõ ràng của trưởng khoa, giám đốc bệnh viện, kể cả công tác thanh kiểm tra cũng yếu”.


Thế là rất rõ ràng, vì có “phân cấp rõ ràng”, cho nên, dù “từ mẫu” hay dì ghẻ, tất nhiên không có chuyện “con dại cái mang”.


Xem trong tất cả các phát ngôn này, rõ ràng, không thấy đâu bóng dáng trách nhiệm của Bộ trưởng.


Và điều tệ nhất, tất tật những gì Bộ trưởng nói đều đúng. Không ai có thể buộc trách nhiệm vào bà. Cũng như chẳng có lý do gì để bà từ chức như một ai đó đang “lảm nhảm” ở một đâu đó.
Đọc tới đây, hẳn nhiều bạn đọc sẽ chưa quên scandal truyền máu nhiễm HIV xảy ra ở Ả rập Xê út hồi đầu năm khiến thế giới rúng động.


Reham al-Hakami, một bé gái 12 tuổi, bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu đã được bệnh viện đa khoa Jazan truyền máu đã bị nhiễm HIV.


Khi dẫn lại sự việc này, báo Quân đội nhân dân mô tả: Việc công khai chỉ trích các quan chức chính phủ ở A-rập Xê-út hiếm khi xảy ra. Nhưng vụ việc của bé al-Hakami lại châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích công khai dữ dội trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Hội Nhân quyền Quốc gia yêu cầu các nhà chức trách tiến hành điều tra nghiêm túc vụ việc và tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý xứng đáng cho nạn nhân, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách bắt giữ các nhân viên y tế có dính líu. Daoud al-Sharian, một MC nổi tiếng của kênh truyền hình nhà nước MBC, đã kêu gọi Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah phải từ chức. “Tôi ước, chỉ một lần thôi, rằng một vị bộ trưởng sẽ phải từ chức vì những lỗi lầm do nhân viên của họ gây ra”- Al-Sharian nói.


Tội nghiệm cho Bộ trưởng Al-Rabiah. Đã có “phân cấp rõ ràng” mà. Ông cũng đâu có phải là người đã trực tiếp truyền thứ mắc dịch đó vào người bệnh nhân.


Khổ cho Al-Rabiah, ngay cả chiếc iPad, món quà mà ông tặng cô bé trong chuyến đích thân tới thăm tại bệnh viện, cũng bị nhạo báng là “nên được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là khoản bồi thường rẻ mạt nhất từ trước tới nay”.


Một cách bối rối, Bộ trưởng Al-Rabiah sau đó thanh minh iPad là thứ mà cô bé ao ước và ông thật thà “Nếu tôi không đến thăm cô bé thì tôi thấy mình thật đáng trách”.


Bộ trưởng Al-Rabiah sau đó không từ chức, dù ngành y tế Ả Rập Xê út đã sa thải tới 7 quan chức y tế cao cấp. Chắc là vì ở Ả Rập có “phân cấp rõ ràng”. Và đề cao nguyên tắc “Ai làm không nghiêm, sẽ phải xử lý nghiêm”.


Nhưng không phải cứ có “phân cấp rõ ràng” thì ở đâu các vị bộ trưởng cũng sẽ “thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.


Tháng 10.2008, Bộ trưởng Y tế Chile, cũng là một phụ nữ, đã tuyên bố từ chức sau vụ bê bối “quên” không thông báo kết quả dương tính HIV cho 25 bệnh nhân tại một bệnh viện địa phương ở Iquique.


Nữ Bộ trưởng nói bà quyết định từ chức bởi “sự việc xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân Chile với ngành y”, đồng thời “hủy hoại hình ảnh của chính phủ”.


Hẳn nhiên, ở Chile, cũng có “phân cấp rõ ràng” khi Bộ trưởng cũng quản lý bằng “ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, đôn đốc thực hiện”. Ở Chile, Bộ trưởng Y tế tất nhiên cũng không phải hàng ngày xuống từng bệnh viện để trả kết quả xét nghiệm. Và ở Chile, cũng có chuyện “Ai làm không nghiêm thì xử lý nghiêm”. Nhưng ở Chile, nơi y bác sĩ không được trân trọng gọi là “từ mẫu” như ở ta, Bộ trưởng chịu trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của ngành y tế ngay trước hành vi của một vài nhân viên xét nghiệm nào đó, ở một bệnh viện hẻo lánh nào đó. Và ở Chile, một thành viên Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh chính phủ bằng sự từ nhiệm cá nhân.


Một bộ trưởng không thể “con dại cái mang”, chịu trách nhiệm trước từng sự cẩu thả của một những nhân viên xét nghiệm trên khắp đất nước. Điều đó đúng. Nhưng cũng đúng như việc bà phải chịu trách nhiệm trước những điều tiếng của ngành y, trước niềm tin và sự “hoang mang trong xã hội” đối với một ngành về nguyên tắc mà người dân đang gửi cả mạng sống và niềm tin.



Copy từ: Blog Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét