CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Trang Ba Sàm: “Bỏ đảng”, “đa đảng” (2)


“Bỏ đảng”, “đa đảng” (2) – bản tin 15/8/2013

 Xem    Phần 1 



Luật gia Lê Hiếu Đằng: “Một xã hội dân sự mạnh mới mong huy động được sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh” (BoxitVN). “Có hai việc bây giờ ta phải làm. Một là về tư tưởng, phải kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin đã quá lạc hậu. Phe gọi là Cộng sản chỉ còn Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, chưa kể Bắc Triều Tiên với thể chế quái dị không biết ta có ôm vào phe mình hay không, nếu có thì quá xấu hổ. Về công việc thực tế, bây giờ phải tập trung xây dựng xã hội dân sự mạnh, trong đó có chính đảng đối lập. Phải bắt đầu cho cuộc vận động thành lập một chính đảng mới“. – Bỏ đảng, lập đảng khác (DĐTK).
Xin bàn tiếp chủ đề bỏ đảng”, “đa đảng, mà trong các bản tin 27/43/5 và 4/7/2013 đã đề cập ít nhiều. Bình luận sáng qua nói về DÂN TRÍ, chính là vấn đề gốc rễ của câu chuyện gắn với số phận ĐCSVN hôm nay.
Trải qua thời kỳ “Khai tối”, kéo dài từ những năm tháng không được “nghe đài địch”, rồi khi được nghe thì thế giới đã có video nhưng VN thì … cấm, truyền hình quốc tế – qua anten chảo cũng vậy. Nhưng chuyện dân trí không đơn giản chỉ là có được tiếp nhận thông tin, kiến thức từ bên ngoài biên giới hay không, mà điều còn quan trọng hơn, là những thứ thông tin và nhận thức tư tưởng mà đảng CS, nhà nước nhồi vào sọ người dân là thứ gì. Những thứ đó ra sao, chắc không cần phải liệt kê ra ở đây nữa (Mời xem bức hình dưới đây, cô công nhân bắc loa giấy tự chế đọc báo Nhân dân tập thể, để hình dung chút ít).
Sang thời kỳ được ngợi ca là “Đổi mới”, một kiểu ngu dân khác đã nổi lên, không dễ nhận ra. Một xã hội bị tù hãm, đói khổ triền miên, nếu như được “cởi trói” thực sự, cả về tư tưởng, văn hóa, thông tin, … lẫn kinh tế thì thật tuyệt, như một cuộc cách mạng. Nhưng không! Chỉ có cái dạ dày và lòng tham hưởng thụ vật chất được thỏa mãn, rất nhanh. Thỏa sức kiếm ăn, chộp giật, nhưng nếu như vấn vương tư tưởng, quan điểm ngoài thứ khuôn mẫu được đúc sẵn, không chỉ riêng chính trị, mà hết thảy mọi lĩnh vực trong đời sống, là dễ bị mất miếng ăn ngay. Vậy thì còn gì bằng cho phát triển thú tính, khi chỉ ưu tiên cho hàm răng và dạy dày, khỏi động não như con người?
Thành công của công cuộc “thú hóa”  trong toàn hệ thống quyền lực còn mỹ mãn hơn nhiều so với ngoài xã hội, bởi ở đó, điều kiện cho cuộc kiếm chác cướp giật là vô hạn, cơn mê say tích cóp miếng ăn là vô độ, mà với nhiều quan tham thì cả trăm thế hệ con cháu mai sau cũng không ăn hết. Thời Khai tối, con người như “thú đói”, nhưng chỉ là “thú nuôi” (nhốt), còn thời được coi là Tối mịt, họ thành bầy “thú tham”, “thú hoang”.
Qua thời “Tối mịt” này, với những ai mong muốn con người được mở miệng nói, được có chính kiến riêng, thì khó khăn càng nhiều hơn, gấp bội; bởi vì không như xưa, nay họ sẽ đụng tới những miếng ăn lớn của đồng loại vừa đang chưa thỏa cơn đói, lại đã nảy sinh lòng tham ngốn ngấu. Tiếc rằng, chút ít tự do được nới lỏng, cuộc mưu sinh được khích lệ ganh đua, đã dễ làm ta không nhận ra mặt trái lớn hơn nhiều của nó.

6Chẳng phải nhiều lời cũng biết được bao năm qua, với một đất nước 80% người làm nông khốn khó, cả một hệ thống chính quyền, đoàn thể, toàn bộ mạng lưới tổ chức đảng từ trung ương đến xóm thôn, tổ dân phố, cả hệ thống giáo dục, văn hóa văn nghệ, … cùng bộ máy truyền thông khổng lồ mạnh tới cỡ nào trong nhiệm vụ trói nhau và tự trói mình để hoàn thiện công cuộc “thú hóa”. Nó mạnh tới độ mà nếu như bỗng nhiên “trời sinh” ra một ông Tổng bí thư đảng muốn giải tán đảng, ông cũng sẽ thành tự sát nếu chỉ hé lộ ra tí xíu ý đồ này.
Cho nên, nhu cầu khai dân trí cho nội bộ đảng, chính quyền, “hệ thống chính trị” của nó có lẽ còn quan trọng hơn là với dân chúng đông đảo cả nước.
Ai sẽ có thuận lợi hơn để khai sáng cho hàng triệu cái đầu còn u tối nằm trong “hệ thống” đó, nếu không phải là chính những cán bộ đảng viên còn đương chức đương quyền, hay đã nghỉ hưu, nhưng có kiến thức, tư tưởng tiến bộ, kể cả tự thức tỉnh lương tâm, sám hối, và bằng những phương pháp khéo léo, âm thầm, kiên định dần từng tí mà người ngoài không dễ thấy được? Trần Độ là một tấm gương điển hình nhất đã đi vào lịch sử!
Còn những người ở ngoài hệ thống đó, ngoài cả xã hội VN này? Rất cần, nhưng sự tham dự của họ đòi hỏi nhiều kiến thức về NÓ, cùng những suy nghĩ, phương pháp khôn ngoan hơn rất nhiều so với những gì đã có mấy chục năm qua.
Chỉ đơn cử một ví dụ để khơi gợi cho việc bàn luận về nhận xét trên. Đó là, thử trở ngược thời gian tới những năm ngay sau 1975, đã bao giờ, có ai là người “trong cuộc” tự đặt ra câu hỏi, rằng:
Liệu những hy vọng quay lại/trở về giành lại chính quyền VNCH và các hoạt động đi theo đó có vô tình lại đã góp phần cho người cộng sản “thắng cuộc” có lý do (chính đánh hoặc không chính đáng) để kéo dài thêm thời gian giam giữ các cựu quân nhân, viên chức chế độ cũ trong các trại “cải tạo”, cùng với việc siết chặt quản lý xã hội và tiến hành hàng loạt các cuộc thử nghiệm kinh tế, xã hội kinh hoàng?
Và xin được nhắc lại lần nữa, rằng đây là một câu hỏi khơi gợi sự trao đổi nhiều chiều, trong một chủ đề rất khó, hoàn toàn không phải là một khẳng định, để tránh phải có những kết luận nóng nảy, vội vã, mất thời gian.
Để tạm kết thúc ở phần bàn luận thứ hai này, cũng là chuẩn bị cho phần kế tiếp, xin nhắc tới Tuyên ngôn “Phá vòng nô lệ” có nói về 1 trong 3 “vòng nô lệ” phải phá, trong cuộc khai dân trí, là “nô lệ chính mình”, vì coi rẻ học hỏi, thành ngu dốt, rồi bị những thói hư tật xấu trói chặt, trong đó có cả việc lấy cả cái “ngu dân” để chống lại chính sách “ngu dân”.
Copy từ: Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét