- Phỏng vấn Giáo sư Vũ Minh Giang, cựu Phó Giám đốc ĐHQG HN: ‘Căn cứ đâu để lập chính đảng mới?’ (BBC). - ‘Kiểm soát quyền lực’ – chìa khóa cho VN. – Phỏng vấn ông Hồ Ngọc Nhuận: Đã đến lúc “phá xiềng”! (RFA).
Tiếp phần 3, chủ đề “bỏ đảng”, “đa đảng” (xem phần 1, phần 2).
Sang thời kỳ “Đổi mới”, ĐCSVN chấp nhận xoay 180º trong quan điểm về “đạo đức” của người cộng sản.
Trước đây, người CS duy trì lối sống khắc khổ cả về vật chất lẫn tinh thần, lấy đó làm thước đo tư cách đạo đức, làm hình mẫu để lôi kéo quần chúng tin theo mình. Đó cũng là phương cách “nhất cử lưỡng tiện”, hòng có được nguồn lực dốc hết cho chiến tranh. Những nguyên tắc chuẩn mực về đạo đức, lối sống, quan hệ con người được đè nén theo những truyền thống từ xa xưa cũng như những khuôn mẫu mới mà người CS cố gắng xây dựng lên.
Không kể số ít trong giới quyền lực chỉ tin và theo những khuôn mẫu đạo đức CS một cách hình thức, giả dối, còn đại đa số trong họ đã thành tâm và làm được, sống thanh bạch, đạm bạc, từ đó lôi cuốn người dân tin tưởng và thực hiện theo. Họ đã thắng trong cuộc chiến tranh ý thức hệ – được gọi là giải phóng – một phần quan trọng cũng nhờ ở lối thu phục nhân tâm đó, từ nhào nặn nên hình ảnh thánh sống ở lãnh tụ, cho tới thổi phồng, ngụy tạo những tấm gương CS điển hình khác.
Mô hình đó giúp ĐCSVN “sống khỏe” qua chiến tranh, cho đến khi sự đè nén mọi mặt của nó không còn có thể tiếp tục được nữa, họ quyết định “Đổi mới” – nhưng chỉ cải cách kinh tế, theo một hình mẫu quái dị.
Đó là quyết định quá “khôn ngoan” cho việc gắng cầm hơi chủ thuyết CS, trong khi dường như không có ai trong số những trí thức tinh hoa hình dung ra một tương lai như hôm nay để mà can gián. Cả xã hội hồ hởi, nhiệt thành lao vào cuộc mưu sinh, làm giàu, tặc lưỡi chấp nhận “ngậm miệng ăn tiền”, dưới vô vàn mức độ, hình thức khác nhau.
Thời “bao cấp”, để sống được, người ta lặng lẽ cùng nhau ăn cắp vặt. Nhưng thời nay, cả xã hội ồn ào một công cuộc làm giàu, hưởng thụ, khoe khoang, không ngần ngại điều tiếng gian dối, miễn sao không vì ngờ ngệch mà vướng vòng lao lý là được. Tất cả là do đã được đảng “bật đèn xanh”. Không còn những cuộc họp hành kiểm điểm, xoi mói đời sống vật chất riêng tư trong đảng.
Dưới chế độ cộng sản “trại lính” trước Đổi mới, với những cán bộ đảng viên có đời sống kinh tế khá giả khác thường, thì dù pháp luật chưa sờ được tới, nhưng trong nội bộ đảng cũng đã có biện pháp để người đó khó có thể được trọng dụng, leo cao. Còn ngoài xã hội, họ dễ bị những ánh mắt nghi ngờ, dư luận ác cảm, không dễ sống vinh vang. Thế nhưng, ở thời nay, câu chuyện đã ngược lại hoàn toàn. Một vị quan chức sống như đế vương, chưa bị xộ khám thì đảng cũng chẳng làm gì, thậm chí còn “lên to” hơn, dư luận không những làm lơ, mà nhiều khi còn vì nể. ĐCSVN đã thành công bằng việc “bôi lem” tất cả, trong cuộc giao duyên giữa chủ nghĩa tư bản hoang dã với chủ nghĩa cộng sản trại lính.
Cho nên, trong hơn phần tư thế kỷ qua, trên thực tế, DÂN TRÍ đã đi xuống thê thảm. Bởi vì thước đo dân trí chẳng đơn thuần chỉ là biết nhiều, sống tiện nghi nhiều, quan hệ quốc tế “rộng mở”, có nhiều sách để đọc, nhiều phim để xem, … Dân trí cao trước hết phải là một xã hội mà pháp luật, quyền con người, những thuần phong mỹ tục trong đó có trọng người tài, sống trung thực, biết hy sinh … được tôn trọng và đảm bảo. So với thời “bao cấp”, thì từ “Đổi mới” tới nay, chỉ riêng quyền con người có phần được cải thiện đôi chút, còn ngoài ra, hết thảy đều là những bước thụt lùi.
Sự “thụt lùi” về dân trí theo lập luận nói trên không phải chỉ trong lớp bình dân hay quan chức quyền thế, mà cả trong đông đảo cán bộ đảng viên, giới trí thức, văn hóa, … kể cả trong chính những con người có tư tưởng tiến bộ, muốn thay đổi xã hội theo hướng dân chủ, văn minh. Chấp nhận những gian dối, nhẫn tâm, háo danh, ích kỷ, tham lam … cứ lặng lẽ, thấm dần bên trong mỗi người, không dễ nhận ra; hoặc có nhận ra thì cũng có thừa lập luận của thứ “dân trí khôn vặt” để tự biện hộ cho mình, rằng “thiên hạ thế cả”.
Từ bức tranh xã hội nói trên, thử nghĩ về câu chuyện “bỏ đảng”, “đa đảng”. Như thể khi không chấp nhận bị giam hãm trong một căn nhà duy nhất bị coi là tệ hại, nhiều người rủ nhau muốn xây thêm, dời sang một căn nhà mới khác, liệu họ có dễ thoát đi nổi và đã chuẩn bị được những gì để xây căn nhà mới, và cho khả năng thích ứng của mình để sống ở đó? (Xin bàn tiếp trong kỳ tới).
Copy từ: Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét