CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Con đường “xã hội dân chủ”- Bài 4

Con đường “xã hội dân chủ”

Hà Sĩ Phu

Bài 4
Hai phép Cộng-Trừ dễ mà khó!

Nhân có ý kiến của các ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận về “đảng Dân chủ- Xã hội” chúng tôi đã giới thiệu lại những ý kiến từ năm 2005 cũng về chủ đề này. Tám năm đã trôi qua, đòi hỏi về dân chủ ở trong nước đã ngày càng mạnh hơn, nguy cơ Hán hóa ngày càng rõ rệt, và các nước theo con đường Dân chủ-Xã hội cũng có những điều chỉnh để thích nghi với cuộc khủng hoảng toàn cầu, nên những bài viết cũ không tránh khỏi có một số nét cần được cập nhật cho kịp tình hình, song về cơ bản, chúng tôi nghĩ các bài viết ấy không chỉ thích hợp cho những cuộc thảo luận ngày hôm nay mà có thể còn hữu ích lâu dài trước nhu cầu xây dựng một xã hội đa nguyên đa đảng...

Trong bài số 2 các tác giả Lê Bảo Sơn và Phan Trọng Hùng cho thấy đã có sự gặp nhau rất ngẫu nhiên, không hẹn mà gặp, của 5 nhà trí thức từ những chỗ đứng rất khác nhau và hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, cùng nhận ra con đường “Dân chủ-Xã hội” không chỉ là lối thoát tốt đẹp cho các nước Cộng sản mà còn là giải pháp tối ưu cho nhiều nước Tư bản, khiến họ trở nên dẫn đầu thế giới một cách vững chắc và toàn diện về tự do và hạnh phúc của con người.
Nhưng từ nhận thức khách quan và khoa học ấy, đến việc hình thành được một đảng “Dân chủ-Xã hội” chân chính, đúng nghĩa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một khoảng cách đầy thử thách, phụ thuộc vào trình độ chung của dân trí và nghệ thuật chính trị của những người chủ trương, cho nên tôi rất mong khả năng tốt đẹp ấy thành hiện thực song không khỏi lường trước những khó khăn và ảo tưởng có thể có. 

Con đường Dân chủ - Xã hội, và từ đó hình thành một đảng Dân chủ - Xã hội, như đã trình bày, có nội hàm riêng, mang tính quốc tế, không phải là việc đặt tên một cách tùy tiện cho hay, cũng không đơn giản là ghép tên hai đảng Dân chủ và Xã hội của Việt Nam trước đây.

Mặc dù ngày nay không cần có những “lãnh tụ thiên tài” gì hết, quần chúng tự phát (theo nghĩa tốt) vẫn có thể làm nên một cuộc biểu tình rất hiệu quả và cảm động như vừa thấy ở Long An, nhưng muốn đi xa hơn, không thể không nghĩ đến việc hình thành những tổ chức dân sự, các hội đoàn, đảng phái… tương tác với nhau để tạo nên sức mạnh đủ gây biến chuyển. Trào lưu Cộng sản sở dĩ từ tay trắng mà thành công phần lớn nhờ thấm nhuần cẩm nang “tổ chức, tổ chức, và tổ chức”! Những người CS như Lê Hiếu Đằng hẳn nắm vững cẩm nang ấy từ lâu, nhưng phải kìm nén, vì các “đồng chí” của ông đều là những bậc thầy của tổ chức và chống tổ chức, hé lộ ý đồ sớm thì vô ích và nguy hiểm. Nay đến đoạn sau cùng của cuộc đời, nếu không nói ra e lúc ra đi không nhắm được mắt? 

Nhưng tội nghiệp thay cho những người Cộng sản thức tỉnh, dù ở những mức độ khác nhau, nhưng cứ lên tiếng một điều gì dũng cảm, ích nước lợi dân là lập tức bị cả “ba phía” xúm vào lăng mạ, cánh thủ cựu thì bảo đó là sự bất mãn, cơ hội, thoái hóa biến chất, cánh “chống cộng cực đoan” thì lập tức gọi họ là “dân chủ cuội” hoặc cò mồi, hỏi sao trước đây không nói bây giờ mới nói, nếu phản tỉnh thật thì thử chửi nhân vật này nhân vật kia xem nào?! Còn các “dư luận viên CS” thì dùng cả hai chiêu thức, trà trộn vào cả hai cánh nói trên. Cho nên mới có ý kiến chua chát khuyên rằng: Các vị đảng viên CS ơi, chớ có dại dột bỏ đảng, bỏ đảng là tam tứ phía xúm vào ném đá, chẳng phía nào đón nhận, thế là toi đời! 

Nhưng vấn đề không bi quan đến thế vì trong dân tộc này vẫn còn nhiều người hiểu biết, biết phân biệt người thật với kẻ giả, giang tay đón nhận.

Muốn nâng cao dân trí trước hết phải vượt qua được những “chướng ngại của dân trí” , thoát khỏi sự “kìm kẹp” của một dân trí yếu kém, để không bị cái dân trí yếu kém đè bẹp.
Dân trí của một đất nước cao hay thấp thể hiện trước hết ở năng lực ĐOÀN KẾT và SÀNG LỌC. Xác định một lý tưởng đúng, vì dân vì nước, là điều hệ trọng trước tiên, nhưng muốn cho cái Thiện thắng được cái Ác phải tổ chức được lực lượng, muốn có lực lượng phải tiến hành đồng thời hai việc ngược nhau là đoàn kết và sàng lọc, sàng lọc không tốt, nhập cái Ác vào trong lòng thì đoàn kết vỡ. Đoàn kết là chính, là phép tính cộng, sàng lọc là phép tính trừ, phối hợp thế nào để có lực lượng áp đảo cái Ác phải chăng là bí quyết của thành công? 

Khi bàn về mặt yếu kém của dân trí “An Nam ta” không thể quên hai tật xấu về đoàn kết và sàng lọc. Lịch sử cho thấy có lúc cứ đoàn kết một chiều, cả tin ào ào như “lên đồng tập thể”, lúc ấy bỏ quên nhu cầu sàng lọc hoặc không đủ tầm để sàng lọc, cứ đặt con tim lên trên cái đầu để sau này nhận ra thì đã muộn. Ngược lại đến thời lòng dân ly tán, bị hai bên xé vụn, thì lại “sàng lọc” quá đáng, mù quáng, cực đoan, chủ quan, bản vị, quy chụp, gán ghép tùm lum… đến mức không thể liên kết được với nhau, coi nhau như kẻ thù, không biết khai thác sự giống nhau, cứ nhè sự khác nhau mà khai thác, cứ thế vô tình trở thành quân cờ của phía đối phương lúc nào không biết. Đất nước không tiến lên được phải chăng cũng vì thế? Người Nhật làm nên sự nghiệp lớn bởi họ không bị cái tâm lý tự thị tủn mủn này. 

Đã có nhận xét rằng Việt Nam thiếu một giới trí thức chính trị, có lẽ đúng. Khi có chủ nghĩa CS thì trí thức bị chính trị dắt mũi, cứ dựa trên những tiền đề có sẵn mà tán dương. Đảng viên vào ĐCS là vào một đảng làm chính trị mà cứ chối bai bải “tôi không làm chính trị, tôi không làm chính trị”, chối bỏ trách nhiệm chính trị đương nhiên của cá nhân mình. Người việt Nam coi thường chính trị, thậm chí coi khinh, không biết rằng chỉ có tư duy chính trị đúng và nghệ thuật chính trị đúng mới phá bỏ được cái gông chính trị sai lầm trên đầu trên cổ mình.

Phong trào Cộng sản, để chạy theo một phép “Cộng” sai đã kéo theo bao nhiêu phép “Trừ” tai hại. Đã đoạn tuyệt, trừ khử mất bao nhiêu nền nếp truyền thống tốt đẹp trong các dân tộc và trong lòng người, diệt biết bao trí thức ưu tú, trừ khử oan uổng khoảng 100 triệu sinh mạng…! Dù có ý thức hay không, hai phép Cộng-Trừ cũng vẫn quấn chặt lấy nhau không rời. Văn minh cũng từ đấy mà man rợ cũng từ đấy.

Để dân chủ hóa, lành mạnh hóa xã hội và giữ gìn đất nước, hiện nay đã có nhiều sáng kiến: nhóm 72 và tân 72, nhóm công dân tự do, nhóm kiến nghị 258, nhóm Blogger trẻ, nhóm Minh triết, nhóm NoU, nhóm Họp mặt dân chủ, Đáp lời sông núi, sáng kiến Dân chủ-Xã hội… vân vân… (xin lỗi, chưa thể kể hết), toàn với ý đồ tốt cả. Nhưng tất cả đều mới là những mũi chọc dò, thử nghiệm. Sáng kiến nào thành công cũng là thành công chung. Có điều cần thông cảm: Việc xuất hiện một đảng ở một nước dân chủ là chuyện bình thường, nhưng việc “mọc” ra một đảng dân chủ ở một nước độc tài đảng trị thì tự nhiên mang tính đột phá, tiên phong, liều thân cứu quốc. Trong phép cộng lớn cũng cần có những phép trừ, đó là phát hiện những yếu kém, những sai lầm, những hớ hênh mất cảnh giác cần phải loại trừ. Cộng trừ đúng thì thành công, cộng trừ nhầm thì thất bại, thách đố nằm ở đó.

Bởi thấm nhuần tính nghệ thuật của chính trị, nhiều bạn bè đã góp ý cho sáng kiến của hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận. Trước khi tuyên bố công khai có cần một giai đoạn chuẩn bị trong hậu trường về nhân sự nòng cốt và dự thảo cương lĩnh hay cứ công khai mọi việc từ đầu để tập hợp ý kiến? Không nên kêu gọi bỏ đảng để lập đảng đối lập mới vì cả hai động tác này đều rất căng, chi bằng những đảng viên cấp tiến “rủ nhau” tách ra thành một “đảng anh em” là đảng DCXH, tách đảng thành hai như kiểu “xưa nhích chân đi, giờ nhích lại” ngược với đại hội Tours thì êm hơn, dễ thuyết phục nhau hơn? Hay là, khoan thành lập đảng, hãy thành lập một hội, một câu lạc bộ, một phong trào… lấy tên Dân chủ-Xã hội hay Phan Châu Trinh, Phan Tây Hồ gì đó (vì Phan Châu trinh chính là nhà Dân chủ Xã hội của Việt Nam)? Làm cách nào tập hợp được đông đảo, không thể đàn áp và không bị “dị nhân” len vào phá thối? Quanh quẩn lại vẫn là hai phép tính Cộng và Trừ của nghệ thuật xã hội. Cộng cái gì và trừ cái gì?

Nếu ngôn ngữ nhị nguyên “zéro và 1” đã làm nên kỷ nguyên tin học thì hai phép âm dương Cộng-Trừ, vừa đoàn kết vừa sàng lọc cũng là bí quyết làm nên sức mạnh một dân tộc, một nhân quần biết gạn đục khơi trong để đạt đến Tự do và Hạnh phúc.

Con đường Dân chủ-Xã hội sở dĩ đưa các xã hội Bắc Âu và Tây Âu đạt những chỉ số cao nhất về Nhân văn chính là bởi nó không hận thù, nó biết tiếp nhận những điểm nhân văn và hợp lý của cả hai hệ thống. Nó biết làm tính Cộng nhưng cũng kiên quyết làm những phép tính trừ một cách… nhân ái và trí tuệ! 


Đà lạt ngày 21/8/2013
H.S.P.


Copy từ: Bauxite Việt Nam



.........................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét