CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Đối thoại Mỹ - Việt: TPP hay nhân quyền là vấn đề chính?

Anh Ba Sàm bình luận

 
Có một điều rất quan trọng đáng bàn, nay nhân câu hỏi của bài viết trên, thấy cần phải nêu ra. Đó là những khó khăn, rối rắm, mù mờ không dễ xử lý, liên quan Trung Quốc và nhân quyền trong mối quan hệ của các nước như Hoa Kỳ, EU với chính quyền CSVN. Có thể tóm gọn những cái khó này trong mấy gợi ý:
1 – Lợi ích riêng, trong đó kinh tế đóng vai trò quan trọng, của (các) quốc gia, buộc họ phải cân nhắc khi muốn gây áp lực với chính quyền VN.
2 – Thế nhưng, cũng chuyện kinh tế, như TPP, thì lại được ẩn sau đó là vấn đề TQ và nhân quyền. Về hình thức, câu hỏi trong tựa đề của bài trên có vẻ như không chú tâm tới điều này. Vì muốn vào TPP, chính quyền CSVN cũng phải đáp ứng không ít đòi hỏi liên quan nhân quyền, trong đó có một nan đề không hiểu họ sẽ  phải dở những trò mèo gì để vượt qua, là phải có công đoàn độc lập. Với vấn đề TQ, hiệp định TPP cũng góp phần phân hóa, giảm bớt ảnh hưởng xấu của TQ lên VN, ví như việc ngăn chặn hàng TQ núp bóng VN để xuất sang Mỹ, …
3 – Trong nội bộ chính quyền VN, những kẻ luôn muốn níu kéo mô hình chính trị, kinh tế, xã hội cũ, muốn đất nước ngày càng nằm trong vòng lệ thuộc TQ chính là những kẻ chống lại việc gia nhập TPP. Những cơ hội tham gia Hiệp định thương mại Việt-Mỹ và gia nhập WTO trước đây đã bị chúng phá hoại, làm cho VN luôn bị lỡ nhịp, đi sau TQ, chính là từ những ý đồ đó. Vì vậy, đấu tranh vạch mặt bọn này cũng rất cần thiết.
4 – Cũng liên quan chuyện nội bộ, không thể không đặt dấu hỏi cho những hiện tượng xấu về nhân quyền trước chuyến đi của ông CTN, rằng liệu có phải có bàn tay của các thế lực muốn cản trở mối quan hệ Việt-Mỹ, hay thực ra hiện tượng đó cũng nằm trong ý đồ rất thống nhất, nhất quán trong toàn bộ ban lãnh đạo CSVN trong lối ngoại giao đi dây, kể cả đối nội cũng “đi dây”? Như vậy, những màn đấu đá nội bộ, được giải thích cho những vụ việc liên quan nhân quyền kia, suy cho cùng, cũng chỉ là “tương kế tựu kế”, đánh lừa dư luận của những người CSVN nổi tiếng láu cá? Có nghĩa, họ nhất trí phải tìm cách làm vừa lòng TQ và lực lượng bảo thủ ngu muội trong đảng, cùng loại tay sai Trung Cộng nhưng vờ bảo thủ, bằng vài động thái “thí mạng cùi” những người đấu tranh vì chủ quyền và nhân quyền. Nếu đúng vậy thì có thể họ đang sung sướng cho là không khí tranh đấu đòi lại công lý cho những người này đang làm loãng sự chú ý và nhuốm màu u ám cho chuyến đi của ông CTN? 
Cùng với “chiến thuật” nói trên, là toan tính của không ít người trong chính quyền VN với lập luận cho rằng phía chính phủ Mỹ, vì muốn tránh VN ngả hẳn vào TQ, và dùng chiến thuật khéo léo, từ từ, … để lôi kéo, chắc chắn sẽ không gây áp lực nhiều lên phía VN về chuyện nhân quyền, mà chỉ thể hiện ở mức độ mà công luận, Quốc hội Mỹ khả dĩ chấp nhận được mà thôi. Cho nên, người ta đã không phải ngần ngại xử lý với những người tranh đấu cho chủ quyền, nhân quyền trong nước, mà không sợ ảnh hưởng quan hệ Việt-Mỹ. 
Xin được đưa thêm vài hiện tượng liên quan nhận xét trên: mấy ngày nay, có hàng loạt hoạt động mang tính “tố cáo tội ác Mỹ-Ngụy” được khuyếch trương, như VTV1 lại khởi chiếu lần nữa bộ phim “khủng bố” nhiều tập “Biệt động Sài Gòn”, chỉ sau lần chiếu trước có 1-2 tháng. Ngoài ra họ còn quảng cáo sắp chiếu bộ phim về Nhà tù Côn Đảo. Còn ở Đà Nẵng thì đang có cuộc triển lãm về hậu quả chất độc da cam … 
5 – Một khả năng khác cũng là vấn đề nội bộ VN, ngày càng khó che đậy, là những động thái tranh giành ảnh hưởng cá nhân, phe nhóm, với TQ, với Mỹ, và với cả công luận trong nước. 
Vài thông tin bên lề chuyến đi của ông CTN: + Vấn đề “đối tác chiến lược” chắc chắn chưa được thuận lợi, mà phe “chống” rất mạnh là từ Bộ Quốc phòng, trong khi phía Ngoại giao thì lại rất tích cực. + Vấn đề vũ khí sát thương có khả năng sẽ có bước tiến chút ít. \

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-07-23

000_Hkg7686052-305.jpg
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (P), nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear khi tham dự lễ khởi công dự án làm sạch dioxin được tổ chức tại căn cứ không quân cũ của Mỹ tại Đà Nẵng hôm 09/8/2012
AFP photo


Ngay trước chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ từ ngày 24 đến 26 tháng 7, đã có rất nhiều trông đợi được đưa ra về sức ép của Mỹ với Việt Nam về nhân quyền nhân chuyến thăm quan trọng này.
Bên cạnh đó là các vấn đề như cần bằng chiến lược của Mỹ và đàm phán hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương xuyên Thái Bình Dương.
Vội vã hay có chuẩn bị trước?
Một trong những bàn thảo sôi nổi nhất trên truyền thông Việt Nam và Mỹ nhiều ngày qua chính là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama từ ngày 24 đến 26 tháng 7. Chuyến thăm được thông báo đột ngột chỉ vài tuần sau chuyến thăm của ông Sang đến Trung Quốc và vào giữa lúc Hoa Kỳ và châu  Âu đang gây sức ép lên Việt Nam về các vấn đề nhân quyền. Bên cạnh đó cả Mỹ và Việt Nam cũng đang ráo riết đàm phán về hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ thiết lập. Những bối cảnh này đã khiến các chuyên gia về quan hệ Việt Mỹ đưa ra những đánh giá khác nhau về chuyến đi lần này của ông Sang tới Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhận xét đây là cách mà Việt Nam muốn cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc:
Vào lúc này Việt Nam cũng muốn sang Mỹ thì sau khi Việt Nam đã sang Tàu rồi thì ông cũng muốn sang Mỹ để mang tính chất cân bằng quyền lực một chút. Cho nên ý định nhiều nhất là của Việt Nam, dù Obama mời nhưng ý muốn nhiều nhất là của Việt Nam, và ông Mỹ đã đáp ứng.

Việt Nam đã thúc giục Mỹ về chuyến thăm này hơn một năm nay vì nó cũng là khi Việt Nam làm chuyến thăm tới Trung Quốc và như vậy họ có hai chuyến thăm và tạo sự cân bằng mà họ muốn…
- Giáo sư Carl Thayer
Hôm 11 tháng 7, hãng tin  AFP loan tin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ sang thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Sau đó vài ngày, báo chí chính thống của Việt Nam đồng loạt đưa tin này. Đây là một thông báo khá đột ngột vì thường các chuyến thăm cao cấp được chuẩn bị khá lâu. Điểm thứ hai là trước đó từ ngày 19 đến 21 tháng 6, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã sang thăm Trung Quốc và gặp gỡ người đồng nhiệm Tập Cận Bình. Cũng cùng ngày với thông báo về chuyến thăm của ông Sang tới Mỹ, tờ Đất Việt của Việt Nam có bài viết lên tiếng mạnh mẽ thách thức Trung Quốc nếu có ý đồ muốn thôn tính quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền. Những diễn biến này khiến Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đặt giả thuyết về sự bằng mặt mà không bằng lòng giữa Việt nam và Trung Quốc trong chuyến thăm vừa rồi.
Khi ông Sang sang thì ký một loạt các hiệp ước, nhưng khi tờ báo này đưa ra thì ta thấy có sự bằng mặt mà không bằng lòng, và nhất là việc gặp gỡ này có tính chất gấp rút, có người nói chuẩn bị lâu rồi, tôi nghĩ là có tính gấp rút và tôi nghĩ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với ý vọng đó vì ông cũng không muốn Trung Quốc có tính toán sai lầm và gây ra những mâu thuẫn có thể cái xẩy nẩy cái ung.
Có cùng quan điểm với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, ông David Brown đưa ra nhận xét trên bài viết mới của mình trên trang YaleGlobal rằng: ‘quyết định gửi Sang đến Washington của Bộ Chính trị cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bị lung lay bởi những gì Tập Cận Bình và các đồng sự của ông nói riêng với Sang và sẵn sàng để hợp tác với Mỹ trên một mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn’.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, trên thực tế chuyến thăm của ông Sang tới Mỹ đã được chuẩn bị từ khá lâu:
Việt nam thu xếp các chuyến đi cấp cao qua cơ chế nội bộ của đảng với nhiều quan điểm và đòi hỏi phải cân bằng giữa các nước mà các lãnh đạo sẽ đến thăm và cân bằng giữa các nhà lãnh đạo sẽ đi nước ngoài. Các nhà báo việt nam đã nói với tôi cả năm nay về chuyến thăm của Trương Tấn Sang tới Mỹ, cho nên quan điểm của tôi là Việt Nam đã thúc giục Mỹ về chuyến thăm này hơn một năm nay vì nó cũng là khi Việt Nam làm chuyến thăm tới Trung Quốc và như vậy họ có hai chuyến thăm và tạo sự cân bằng mà họ muốn…
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng kết luận về chuyến đi không xuôi chèo mát mái tới Trung Quốc của ông Sang là còn quá sớm.
TPP hay nhân quyền?
001_GR331735(1)-250.jpg
Bản đồ minh họa các nước cùng đàm phán về TPP. AFP
Dù không đồng ý với nhau về sự gấp rút trong chuyến đi lần này của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ, các chuyên gia đều đồng ý cho rằng có ba điểm chính sẽ được chú trọng trong chuyến đi lần này. Đó là nâng cấp quan hệ hai bên lên thành đối tác chiến lược, nhân quyền tại Việt Nam và hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Về hợp tác chiến lược, cả hai nước đã tiến hành những đàm phán để nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược từ hai năm qua nhưng chưa đạt được những tiến bộ đáng kể.
Theo bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer trên trang blog cá nhân hôm 12 tháng 7, ông cho rằng câu trả lời cho chuyến đi của ông Sang nằm trong chính sách cân bằng của Mỹ và những căng thẳng gần đây trong quan hệ Việt Trung sau chuyến thăm của ông Sang tới Trung Quốc. Việt Nam đang tìm kiếm cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng chuyến đi của ông Sang kết hợp với chuyến đi của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Bá Tỵ tới Washington vào tháng 6 cho thấy dấu hiệu những tính toán chiến lược có thể nằm đằng sau những sự kiện quan trọng này.
Tuy nhiên theo Giáo sư Carl Thayer, nếu chỉ nhìn hai chuyến thăm của ông Sang tới Mỹ và Trung Quốc theo góc nhìn chiến lược thì chưa đủ.
Cái nhìn của chúng ta vào chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Trung Quốc và Mỹ sẽ bị lệch lạc nếu chỉ nhìn vào vấn đề an ninh mà thôi.
- Giáo sư Carl Thayer
Cái nhìn của chúng ta vào chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Trung Quốc và Mỹ sẽ bị lệch lạc nếu chỉ nhìn vào vấn đề an ninh mà thôi. Vấn đề chính hiện tại đối với Việt Nam, ưu tiên hàng đầu là hòa nhập quốc tế, để chứng minh với các cường quốc trên thế giới. Việt Nam có thặng dư lớn với Mỹ và cần được đảm bảo tiếp cận vào thị trường Mỹ với hàng may mặc, họ không thể đảm bảo điều này vì dự luật nhân quyền được quốc hội Mỹ thông qua và Việt Nam phải nhượng bộ một phần trong vấn đề này. Việt Nam có thâm hụt rất lớn với Trung Quốc và không khoản đầu tư hay trợ giúp lớn nào từ Trung Quốc có thể vượt qua thâm hụt này.
Ngay trước chuyến thăm, cả Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế lẫn Ủy ban tự do tôn giáo Quốc tế thuộc quốc hội Mỹ đã gửi thư thúc giục Tổng Thống Obama phải gây sức ép lên chính quyền Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo.
Quan hệ Việt Mỹ đã có nhiều tiến triển trong các năm qua. Mỹ đang là nước có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai sau Trung Quốc. Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ vì theo các chuyên gia cường quốc này giúp Việt Nam tạo cân bằng với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Thế nhưng để đạt được điều này, các chuyên gia đều đồng ý rằng Việt Nam sẽ phải nhượng bộ. Nhưng Việt Nam sẽ nhượng bộ cái gì và nhượng bộ bao nhiêu? Câu trả lời còn phải chờ vào kết thúc chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang.


Copy từ: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét