Chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ 19 đến 21 tháng 6 năm 2013 đã bị một số báo mạng chê trách. Người ta trưng tấm ảnh ông đang đứng cúi gập bên cạnh ông Tập Cận Bình để bêu riếu thảm hại. Có nhà báo phàn nàn: “Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy”. Ký giả Trần Trung Đạo thì sốt ruột ngồi đếm một tràng giang “nhất trí” và tỏ ra buồn phiền: “Đọc tuyên bố chung giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký ngày 21 tháng Sáu vừa qua mới thấy số phận chùm gởi CSVN phụ thuộc sâu xa vào cây cổ thụ già Cộng Sản Trung Quốc đến mức độ nào. Sự khiếp nhược và ươn hèn thể hiện rõ đến mức chỉ trong một văn bản gồm 8 điểm nhưng có tổng cộng 29 lần “nhất trí”…”.
Sự thực thì lúc đó ông Trương Tấn Sang không cúi thấp trước mặt Tập Cận Bình mà ông đang chào lá cờ, chào đất nước, chào nhân dân Trung Hoa. Sự cung kính ấy không thấp hèn. Đứng trước biểu tượng của bất cứ nước nào, dân tộc nào, dù nhuợc tiểu bao nhiêu ta cũng nên cung kính như vậy.
Nói chung không mấy ai cho rằng Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc do ông Trương Tấn Sang ký kết (dưới đây viết tắt là “Bản S”) là thật sự thỏa đáng. Dẫu sao, Bản Tuyên bố đó vẫn khả dĩ hơn Bản do ông Nguyễn Phú Trọng ký kết khá nhiều. Bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc do ông Nguyễn Phú Trọng ký kết (dưới đây viết tắt là “Bản T”) mới thực sự đáng lên án. Nó non kém, u mê và chất chứa nhiều hiểm họa hết sức to lớn cho đất nước, cho dân tộc.
Tôi xin mạn phép giải trình nhận định trên đây.
- Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh trong bài viết đăng trên báo mạng Bauxite Việt Nam ngày 11 tháng 7 năm 2013 đã phản ứng gay gắt một trong những điều khoản trong “Bản S” như sau:
“Điểm XI ghi: “…tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam…”.
Tỉnh Điện Biên nằm sâu trong nội địa Việt Nam có dính gì đến biên giới và tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng chả phải là tỉnh biên giới với Việt Nam mà Trung Quốc cũng lôi vào, thực tế là chỉ có 3 tỉnh của Trung Quốc mà đòi hợp tác với 7 tỉnh của Việt Nam. Rõ ràng là có ý đồ xấu. Các tỉnh biên giới của ta được lợi gì? Có chăng là được mua thuốc men gần và hàng hóa rẻ tiền từ Trung Quốc tràn vào hoặc được sang Phòng Thành, đi tham quan Côn Minh, Quế Lâm dễ dàng. Còn về phía Trung Quốc? Đã là “hợp tác” thì tạo điều kiện cho đối tượng ra vào dễ dàng, nhân viên, thương lái Trung Quốc được đi khắp nơi trong tỉnh của ta, nắm được tình hình các mặt, biết rõ địa hình địa vật, đường đi lối lại, tài nguyên, khoáng sản, đặc sản… để khi cần thì họ lợi dụng.
Điểm XII tiếp ghi: “…Cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành cho người và hàng hóa qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và phát triển kinh tế…”.
Điểm này cũng chủ yếu thuận lợi cho Trung Quốc. Từ trước đến nay ta kiểm soát hàng lậu và hàng kém phẩm chất (gia cầm thải loại, phủ tạng động vật, v.v.) đã khó rồi, nay người Trung Quốc trực tiếp đưa hàng hóa vào nội địa nước ta thì kiểm soát và kiểm dịch càng vô cùng khó. Hiện tại, người Trung Quốc theo các công trình họ trúng thầu, khai thác bô xít Tây Nguyên, du lịch tự do rồi ở lại… đã có khoảng vạn người. Nay người Trung Quốc được vào dễ dàng thì sẽ tăng đến bao nhiêu? Đội quân thứ 5 sẽ rất lớn”.
Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng chỉa sẽ mối quan tâm này trong bài viết “Còn tệ hơn một tội, đây cũng là một sai lầm” đăng trên Tập san Tổ Quốc số 162 như sau:
“Hai là chúng ta cũng có nguy cơ mất cả lãnh thổ bởi vì chính quyền cộng sản Việt Nam đã chấp nhận để bảy tỉnh biên giới Việt Nam – Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh – “hợp tác” và “cùng phát triển” với bốn khu tự trị của Trung Quốc ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam. Muốn cùng phát triển thì phải có chế độ chính trị tương tự nghĩa là tự trị, điều mà chắc chắn Trung Quốc sẽ khuyến khích, xúi giục và tài trợ, như là bước đầu của ly khai. Đất nước đang bị đặt trước một tình trạng rất phức tạp và hiểm nghèo”.
Một người lưu lạc rất xa Tổ quốc, một cụ già đã ngoại 90 nhưng do có lòng yêu nước sâu sắc và mối ưu tư quốc sự sáng suốt nên đã “đồng thanh tương ứng” chỉ ra rất đúng những hiểm họa từ điều khoản ký kết trên trong “Bản S”.
Tuy nhiên, cần thể tất mà xét rằng điều khoản này, trước đó, đã được đóng chốt trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc do Nguyễn Phú Trọng ký kết ngày 15 tháng 10 năm 2011.
Chẳng những thế, so với “Bản S”, điều khoản này trong “Bản T” còn tỏ ra tùy tiện hơn, hớ hênh hơn hơn, dại dột hơn!
“Bản T” viết: “Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc”.
Ngăn ngừa khả năng rước voi vào dày toàn bộ lành thổ, ông Sang đã uốn nắn lại bằng cách tước bỏ bớt chủ trương của ông Trọng cho phép “Mở rộng hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa (tất cả) các địa phương hai nước”, mà chỉ giới hạn ở các địa phương biên giới hai nước. “Bản S” viết: “Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam …”
Ông Nguyễn Gia Kiểng, cũng trong bài viết nêu trên, có đưa ra một nhận xét tinh tế: “Điều chắc chắn là ông Trương Tấn Sang chỉ tới Bắc Kinh để ký nhận chính thức những gì đã được quyết định từ trước và do Trung Quốc áp đặt. Bằng cớ là sau đó ông đã im lặng một cách bẽ bàng. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng im lặng ngoại trừ cuộc “phỏng vấn báo chí” của ông Phạm Bình Minh do bộ ngoại giao tự soạn”.
Tôi cũng nghĩ rằng, có lẽ ông Chủ tịch Nước đã không khỏi bẽ bàng khi phải ký nhiều điều khoản ông không thực tâm chấp nhận nhưng vì nguyên tắc tập trung dân chủ, ông không thể quay ngược 180 độ so với các điều khoản do Tổng Bí thư đã cam kết (mà chỉ dám chỉnh sửa chút ít như đã thấy; hãy nhớ lại, trước đây ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng vì phải tuân thủ nguyên tăc tập trung dân chủ mà ký cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite Tây Nguyên theo chủ trương của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thỏa thuận trước đó với Giang Trạch Dân).
- Về vấn đề Biển Đông, ông Trọng cho ký “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” và đã ghi trong “Bản T” như sau: “ …Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển;” cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này ”.
Không biết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” đã viết thế nào mà chỉ hai ngày sau đó nhà cầm quyền Bắc Kinh, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, sung sướng tung hô trước dư luận thế giới: “Tuyên bố chung Trung-Việt“ có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định. Trung Quốc và Việt Nam thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước không liên can gì với bên thứ ba.“
Trong “Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung“ họp cuối tháng 8 năm đó Nguyễn Chí Vịnh cũng khăng khăng “Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau.“ và thề bồi với Bác Kinh: “Kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn“.
Trong chủ trương đối với vấn đề Biển Đông, “Bản T” không những không đặt vấn đề thúc đẩy COC mà cũng không hề đả động đến DOC.
Trước kẻ tham tàn, như đã thấy và đang thấy, muốn gìn giữ được hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì không thể cầu mong ở lòng thương cảm mà ít ra là phải dùng luật pháp quốc tế để ràng buộc nhau. Ông Nguyễn Phú Trọng không biết hay cố tình bỏ rơi bảo bối?
Né tránh đàm phán đa phương vấn đề Biển Đông, chỉ đề cao giải quyết song phương trong khi lực của mình còn rất yếu trước cuồng vọng xâm chiếm Biển Đông của Đại Hán tức là tự trói tay nộp mạng cho giặc cướp. Hẳn đây không phải sự khiếp nhược, ươn hèn mà là biểu hiện của kẻ nội ứng, của tên bán nước.
Lại nữa, liên can đến tranh chấp Biển Đông thì các đối tượng là Trung Quốc với Việt Nam và các nước có quyền lợi liên quan chứ sao lại lôi “các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng” vào đây? Phải chăng ông Trọng đang tiếp tay Trung Quốc đánh lạc hướng để chạy tội cho họ đồng thời quy những người Việt Nam yêu nước xuống đường biểu tình đòi giữ Biển Đảo thành “thế lực thù địch” mà quay súng chĩa vào họ? Thật là xảo trá. Thật là thâm độc!
Rất may là “Bản S” vừa có đề cập đến DOC vưà không đả động đến “các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng” như Bản của ông Trọng.
Hãy điểm lại hai bản về điểm này:
“Bản T”: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
“Bản S”: “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Vì sao có những khác biệt hết sức hệ trọng vừa nêu? Trong hai phải có một người làm sai tinh thần của Đảng và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Người đó, ít nhất, phải bị đuổi ra khỏi Đảng.
Không kể các vấn đề khác, riêng vấn đề Biển Đông, đã thấy hàng ngũ lãnh đạo của ĐCSVN có cách nhìn nhận và chủ trương rất khác nhau.
Trong khi Nguyễn Phú Trọng không hề đả động đến DOC, Trương Tấn Sang chỉ nhắc đến DOC thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữa Hội nghị Shangri-La đã công khai “ra lệnh” cho Trung Quốc phải “thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, Ông nói rất dõng dạc:
“ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.
Thẳng thừng bác bỏ đàm phán song phương, Thủ tướng tha thiết gọi mời:
“Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) …”
Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ – một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, …”
Biểu dương, “một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ” nhưng lại dăn dạy rằng, “Hoa Kỳ – (mới là) một cường quốc Thái Bình Dương”. Rất đĩnh đạc.
Dễ dàng nhận ra, chỉ riêng thái độ đối với Biển Đông, từ Nguyễn Phú Trọng, đến Trương Tấn Sang, rồi Nguyễn Tấn Dũng là những tầm mức khác nhau.
Nhiều người, như tuyệt vọng, than thở với tôi: hỏng hết cả rồi, không còn có thể trông chờ vào đâu, mất nước thật rồi ….!
Tôi không quá bi quan vì vẫn nhìn thấy: từ Tổng Bí thư, đến Bộ Chính trị, rồi Ban Chấp hành TƯ, rồi Đảng, rồi Quốc hội, đến Nhân dân là những tầng nấc khác nhau, từ lú lẫn đến tinh tường, từ lạc hậu đến tiến bộ, từ bóng tối ra ánh sáng.
Tiếp tục giải trình, tôi xin nêu hai vấn đề sau đây còn nguy cấp hơn:
1 – Điểm thứ tư và điểm thứ năm trong khoản 4 của “Bản T” ghi:
“Bốn là, đi sâu hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước; tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng; …
Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh; tổ chức tốt Hội nghị cấp Bộ trưởng Hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ 3 giữa hai Bộ Công an hai nước;….”.
Đảng có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo chứ không nên, không được dẫm đạp và tước bỏ quyền điều hành, thực thi, sắp xếp công việc của Nhà nước, của Chính phủ. Chẳng những thế, việc “chỉ đạo nhân sự” ở đây lại rất bất hợp lý. Tại sao bàn về việc “Hợp tác phòng chống tội phạm” cần đến “Hội nghị cấp Bộ trưởng” mà cả một vấn đề “Đối thoại Chiến lược” lại chỉ giao cho “Thứ trưởng Quốc phòng”?
Có gì mờ ám ở đây?.
Phải chăng sự sắp xếp này nhằm cố tình trao nhiệm vụ “Đối thoại Chiến lược” vào tay Nguyễn Chí Vịnh? Từ lâu, một vài lão thành cách mạng đã thông báo với tôi ý đồ Trung Quốc, thông qua Nguyễn Phú Trọng, sẽ thiết kế Nguyễn Chí Vịnh thành Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Tổng Bí thư. Nếu vậy, e rồi cái cổ Việt Nam sẽ bị nhanh chóng ấn sâu vào cái xiềng Trung Quốc. Mời quý vị tìm đọc lại Báo cáo của Bộ Quốc phòng trình bày trước Quân ủy Trung ương ngày 24 tháng 8 năm 2004 và một số bài viết được tung ra từ nội bộ Tổng cục Hai mang tiêu đề “Vương triều Vũ Chính”, cùng các bài “Bộ Quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình – Cảnh báo nguy cơ mất nước”, “Hãy để mở khả năng giáng trả hành động xâm lấn biển đảo của ta” … của tôi, để thấy được nguy cơ này.
Rất may, ông Trương Tấn Sang cũng đã nhìn ra âm mưu này. Trong điều khoản tương đương ở “Bản T”, “Bản S” viết: “Hai bên đánh giá tích cực kết quả Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ 4, nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước, phát huy tốt vai trò của cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng để tăng cường tin cậy lẫn nhau …”.
“Bản T” xác định “Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng” sẽ được “tiếp tục tổ chức tốt”; tức là duy trì cố định. “Bản S” chỉ hạn định “Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ở) lần thứ 4”, còn sau đó thì “nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước”. Tức là, sự tiếp xúc được duy trì nhưng là bởi các cán bộ cấp cao giữa quân đội hai nước chứ không nhất thiết phải là ông thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh.
Một câu hỏi rất lón cần được xem xét khẩn trương, nghiêm túc: Tại sao mấy thập kỷ qua vấn đề quan hệ Việt-Trung không được điều phối chủ yếu bởi Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đứng đầu là Trưởng ban và Bộ Ngoại giao, đứng đầu là Bộ trưởng mà khuynh lóat bởi Tổng cục Hai và Nguyễn Chí Vịnh?
2 – Điểm Năm trong khoản 4 của “Bản T” ghi rõ một điều cực kỳ nguy hiểm: “Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh … cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình”.
Ai cho phép ông Trọng đem tài sản và xương máu của công an Việt Nam sang tăng cường phối hợp để giữ gìn ổn định trong nước Trung Quốc? Ai cho phép ông Trọng mở đường cho Trung Quốc vào Việt Nam để “tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau” trong cái gọi là “giũ gìn ổn định trong nước” của ta?
Nguyễn Phú Trọng định rước voi về giầy mả tổ ư? Định triển khai Thiên An Môn hay định nhờ “bạn” xử lý giúp “Đồng chí X”, “Đồng chí S” nào đó dám đi chệch khỏi cái tầm cao chiến lược chi chi đó! Hẳn ông tin tưởng và trông cậy vào cái tư chất xảo quyệt và cái tâm địa dã thú của họ lắm nhỉ. Tổng Bí thư của họ (Triệu Tử Dương), chủ tịch nước của họ (Lưu Thiếu Kỳ) … còn có thể được chết thảm chết hại, chết bó chiếu trong tù kia mà!
Rất may, ở “Bản S”, cái khoản cam kết manh tâm tàn ác kia đã bị lược bỏ. Điều mục tương đương ở “Bản S” chỉ còn được ghi như sau: “Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an hai nước, tăng cường các chuyến thăm cấp cao và đơn vị nghiệp vụ của cơ quan thực thi pháp luật hai bên, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm xuyên biên giới,…”.
*
Hồi công bố bài “Bộ Quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình – Cảnh báo nguy cơ mất nước” để tố cáo Nguyễn Chí Vịnh, tôi đã bị khủng bố rất dữ dội. Vừa qua, sau khi bài “Hãy để mở khả năng giáng trả hành động xâm lấn Biển Đảo của ta” vạch rõ trước công luận những uẩn khúc nguy hại của Nguyễn Chí Vịnh, tôi lại bị đe dọa rất ghê rợn.
Tôi rất phân vân trước việc công bố bài viết này vì e ngại cho tính mệnh của mình.
Đã qua một thời thơ ấu khốn khó, một tuổi trưởng thành rất gian nan, nay tôi đang được đền bồi một tuổi già thật hạnh phúc với vợ hiền, con trai con gái phương trưởng và hiếu thảo, cháu nội cháu ngoại đều thông minh xinh đẹp. Tuy nhiên, vì con cháu mình, vì tương lai đất nước và dân tộc, tôi không thể không quyết liệt vạch mặt bọn Lê chiêu Thống, Trần Ích Tắc.
Xương máu hàng ngàn năm của cha ông, hàng trăm năm của họ hàng, bè bạn chúng ta… đã đổ ra không nhẽ đành để uổng phí khi rồi đây đất nước này, dân tộc này lại phải tròng vào một cái ách đô hộ tồi tệ hơn những ách đô hộ trước rất nhiều ư?.
Không, nhất định không!
Gương sáng thầy Chu Văn An còn đó và ta phải nhất quyết noi theo.
Khẩn thiết cầu mong Hồn thiêng Sông núi phù hộ và Lương tri Chân chính độ trì.
Hà Nội, ngày được tin Tổng thống Obama mời Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt
———————————————————
TIN THAM KHẢO
Báo chí Trung Quốc loan tải: Ngày 06/6/2013, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh được giới truyền thông Bắc Kinh phỏng vấn và ông ta cho biết:
- Hai nước Việt Nam –Trung Quốc thực hiện trao đổi quân sự đa cấp, chẳng hạn như trong nội bộ của đảng CS, Quân sự, Chính trị, lực lượng Hải quân, kiểm soát biên giới, đào tạo và hợp tác giao lưu thanh thiếu niên.
- Việt Nam đã quyết định tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Quốc tế, đã đề nghị Trung Quốc đến Việt Nam để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và giúp đỡ !
Hãy cùng nhau tìm hiểu để biết mức độ chính xác của tin rất hệ trọng này?
Copy từ: Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét