Bài đọc liên quan:
Điểm lại lịch sử, phong trào người dân các nước nô lệ đứng dậy giành lại
độc lập trên toàn thế giới, thì Việt Nam là nước sớm nhất khi cụ Hồ đọc
bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945.
Ngay cả so với Trung Hoa cũng phải hơn 4 năm sau thì Mao Trạch Đông mới
khai sinh ra nước Cộng hoa Nhân dân Trung Hoa bây giờ vào ngày
01/10/1949. Tất cả các quốc gia quanh vùng Đông Nam châu Á cũng phải độc
lập ở thập niên 1950s. Càng chậm hơn nữa đối với các quốc gia châu Phi
và các châu lục khác.
Thế nhưng vì cái gì mà mãi đến 30/4/1975 Việt Nam mới có ngày thống nhất?
Thế nhưng, vì cái gì mà mãi hôm nay Việt Nam vẫn còn lẹt đẹt theo đuôi
các nước đang phát triển quanh vùng Đông Nam Á, chứ chưa dám nói đến
chuyện Việt Nam có thể sánh vai cùng năm châu, bốn bể như cụ Hồ đã từng
tuyên bố?
Và thế nhưng, vì cái gì mà hôm nay Việt Nam vẫn còn mang hình thái, dáng
vóc của một Trung Hoa về cả kinh tế lẫn chính trị, một cách rập khuôn?
Tất cả những câu hỏi trên đã là những đề tài tốn không biết bao nhiêu
giấy mực trong hơn nửa thế kỷ qua. Để rồi hôm nay, một Việt Nam với cái
gọi là đã từng "đánh thắng 3 đế quốc", lại là một nước Việt Nam nghèo
nàn, lạc hậu, tự ăn thịt gia sản tổ tiên để lại, và tự phá nát văn hóa,
giáo dục, đạo dức con người, kinh tế, v.v... dưới một thể chế chính trị
thối nát như chưa bao giờ thối nát bằng hôm nay.
Hàn Quốc, họ chỉ mới thay đổi hiến pháp 1 lần từ sau đất nước chia đôi vào năm 1987.
Mới chỉ 26 năm sau thay đổi hiến pháp để biến một nhà nước độc tài quân
phiệt thành một nhà nước dân chủ tự do, để giải phóng sức sản xuất của
toàn xã hội, và họ đã biết sử dụng được sức mạnh của toàn dân để đi lên
thành cường quốc trên toàn cầu. Cho nên có một nguyên lý cơ bản là, để
thoát cái nghèo anh chỉ cần một thập niên làm ăn cần mẫn, nhưng cái mất
văn hóa và đạo đức anh cần cả thế kỷ để gột rửa những vết nhơ.
Ba câu hỏi trên, kẻ thắng cuộc thì cho mình là chân lý và độc quyền
truyền thông để biện mình mình đúng. Người thua cuộc thì cũng cho mình
là chính nghĩa. Nhưng có một điều rất đau lòng là, dù thắng hay thua thì
nhân dân cũng đã phải nằm xuống hàng triệu sinh linh, để hôm nay có một
Việt Nam thấp hèn và bạc nhược thuộc vào hàng nhất khu vực. Thế thì,
thắng hay thua để làm gì?
Có câu nói cửa miệng ngày còn nội chiến Nam Bắc Việt Nam, là miền Nam đi
trước về sau. Và sau khi đất nước thống nhất, miền Nam cũng là nơi chịu
nhiều thiệt thòi nhất. Nhưng cái đáng nói hơn là sao không ai để ý đến,
Việt Nam đi trước thế giới các dân tộc bị áp bức nộ lệ, nhưng lại về
sau cho mãi đến tận hôm nay?
Có phải chăng vì nhân dân Việt Nam không đủ tư chất để làm thay đổi vận
mệnh quốc gia, hay là vì tầng lớp "tinh hoa" Việt chưa bao giờ đặt tổ
quốc lên trên quyền lợi cá nhân, mà bỏ qua nhiều cơ hội để đất nước đi
lên, nhân dân ấm no, hạnh phúc? Một vận hội mới năm Quý Tỵ - 2013 - này
đang chờ phía trước thông qua việc gia nhập Tổ chức Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương,
mà Việt Nam là một trong 9 thành viên đầu tiên đăng ký tham gia, liệu
có bị bỏ qua không, trong khi các quan đầu triều vẫn còn mãi lo chuyện tranh ngôi đoạt vị vẫn chưa xong?
Có lẽ, nếu các lãnh đạo và nhân dân Việt Nam bình tâm ngồi lại, suy nghĩ
để trả lời được câu hỏi: Vì sao Việt Nam đi trước mà phải chịu về sau,
thì mới hy vọng nước Việt có một tương lai tốt đẹp.
Asia Clinic, 16h37' ngày thứ Bảy, 13/4/2012
Copy từ; BS Hồ Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét