CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

THẤT NGHIỆP NHIỀU QUÁ: “Cái chết” được báo trước!


Đào tạo ồ ạt mà không tính đến khả năng hấp thụ của thị trường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thất nghiệp của hàng chục ngàn cử nhân. Đây là “cái chết” đã được dự báo trước từ lâu

Thời gian qua, nước ta có xu hướng chuyển từ đại học (ĐH) tinh hoa sang ĐH đại chúng bằng cách mở ra rất nhiều trường và đào tạo số lượng cử nhân, kỹ sư đông đảo.
Nhu cầu 1, đào tạo 10
Ngay từ năm 2004, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (QH) khóa XI, tôi đã cảnh báo nguy cơ thất nghiệp này: “Về nhu cầu nhân lực, hiện cả nước có khoảng 100 KCN - KCX; thu hút được tối đa 500.000 lao động. Trong đó, chỉ cần từ 5%-7% cán bộ có trình độ ĐH, 8% cán bộ trình độ cao đẳng (CĐ), 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Giả sử mỗi năm thêm 10 KCN - KCX và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng khoảng từ 13.000-15.000 cán bộ mỗi năm là đủ. Thế nhưng, hằng năm, các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã cho “ra lò” trên 200.000 người”. Tới nay, số trường ĐH, CĐ cũng như số sinh viên ra trường mỗi năm đã gấp đôi con số năm 2004.  
Người lao động đăng ký tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng trong bài phát biểu, tôi đã báo cáo QH: Năm 2004, tỉ lệ sinh viên ĐH, CĐ trên số dân toàn cầu chỉ là 100/10.000 người. Tỉ lệ này ở Trung Quốc là 125/10.000 còn ở nước ta đã là 129/10.000. Trong khi đó, ở Trung Quốc, cứ 200 người dân thì có 1 doanh nghiệp còn ở nước ta tỉ lệ ấy là 800/1. Có thể tham khảo tỉ lệ này ở một số nước phát triển: Mỹ 10/1, Singapore 4/1. Vì vậy, nước ta chưa thể áp dụng quan điểm ĐH đại chúng theo hướng tăng số lượng sinh viên, số trường ĐH và CĐ. Với thị trường lao động kém phát triển như nước ta, mỗi năm chỉ cần vài chục ngàn người tốt nghiệp ĐH, CĐ mà “cho ra lò” đến 400.000 thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm lao động chân tay là “cái chết” đã được báo trước của kiểu đào tạo theo cảm tính, phong trào.
Cuộc chạy đua của các địa phương
Trong các nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, chất lượng đào tạo chỉ là vấn đề thứ yếu. Đào tạo có chất lượng nhưng người ta không có chỗ cho mình làm thì người ta cũng chẳng tuyển. Trong chuyện này, các địa phương không nên kêu ca vì rất nhiều trường do địa phương đề xuất thành lập, nâng cấp, thậm chí còn vận động để được cấp phép. Địa phương nào giờ đây cũng muốn thành một “vương quốc” hoành tráng, có đủ bến cảng, sân bay, nhà máy xi măng, nhà máy bia, viện nghiên cứu và trường ĐH… Các địa phương cũng góp phần làm cho số lượng trường tăng lên nhiều.
Khi một trường CĐ lâu năm nâng cấp lên ĐH, điều đó có nghĩa là chúng ta mất đi một trường CĐ tốt và có thêm một trường ĐH yếu; còn khi một trường trung cấp lâu năm nâng cấp lên thành CĐ thì một trường trung cấp tốt mất đi, một trường CĐ yếu thêm vào danh sách sản xuất “hàng kém chất lượng”. Nâng cấp tất cả lên ĐH, CĐ lúc này đồng nghĩa với việc những lao động đang thiếu và cần thì ta không đào tạo mà đi đào tạo những đối tượng xã hội chưa có nhu cầu.
Loại bỏ trường kém chất lượng
Theo thống kê trước đây của Bộ GD-ĐT, mỗi năm chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm; 30% trong số này tìm được việc đúng ngành nghề. Để giải quyết tình trạng này, trước hết phải phát triển kinh tế. Kinh tế mạnh thì mới có chỗ làm việc cho mọi người. Tiếp đến, Bộ GD-ĐT và các bộ,  ngành, địa phương phải hạn chế việc mở trường; chỉ những trường nào đầy đủ điều kiện, có tương lai phát triển mới cho thành lập. Việc tạo ra một loạt trường ĐH, CĐ bé con con như hiện nay không khác gì hàng loạt căn nhà mini 30-50 m2 trong những đô thị cũ.
 
Muốn chỉnh trang đô thị, phải bỏ những ngôi nhà bé tí kia đi nhưng làm điều đó rất khó vì tốn nhiều tiền đền bù. Tương tự, rồi đây đất nước phát triển, có muốn hình thành những trường ĐH lớn cũng không được vì mỗi “anh” đã chiếm một khoảnh rồi. Trường ĐH, CĐ bây giờ đủ rồi, không nên mở nữa. Trong cuộc đua tranh này, nếu trường nào thấy khó tồn tại thì nên liên kết với nhau thành những trường lớn để có đầy đủ điều kiện đào tạo. Với những trường không có khả năng trụ lại thì giải thể, đừng giải cứu bằng mọi cách. Các sinh viên phải năng động, không xin được ở khu vực Nhà nước thì xin ở khu vực tư nhân. Mình có bằng cấp thì nên tự lập, mở ra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh của riêng mình, tận dụng những gì mình học được để tạo việc làm cho mình và người khác.
Đào tạo theo nhu cầu của xã hội là một giải pháp đã được Bộ GD-ĐT đặt ra từ lâu nhưng thực hiện rất chậm. Phần vì các trường chưa năng động, phần vì các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động nói chung “chẳng tội gì” dính vào  bởi trong tình thế người khôn việc khó, đơn vị sử dụng lao động cứ việc ngồi chờ sinh viên tốt nghiệp mang hồ sơ đến, ai được thì nhận, tham gia đào tạo làm gì cho mất thời gian, tiền của. Do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách nhất định mới thúc đẩy các đơn vị sử dụng lao động liên kết với nhà trường.
Bộ GD-ĐT phải quản lý tốt việc thành lập và hoạt động đào tạo của các trường, tổ chức hệ thống kiểm định chất lượng và đưa công việc này vào nề nếp. Về phía các trường, phải cải thiện điều kiện đào tạo, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo để có được nhân lực chất lượng tốt hơn. Ở bậc ĐH, nhân tố quyết định là các trường vì ở bậc học này, Bộ GD-ĐT không thể “quản” chặt như phổ thông; các trường đều phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.
Chấn chỉnh khâu tuyển dụng cán bộ
Cơ quan Nhà nước tuyển dụng, sử dụng lao động theo tiêu chuẩn nào thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết rồi: Thứ nhất “hậu duệ” (con ông cháu cha), thứ hai “quan hệ”, thứ ba “tiền tệ”, cuối bảng mới là “trí tuệ”. Theo công thức này, chắc chắn không tuyển được người giỏi, cũng không kích thích được sinh viên học cho giỏi. Vì thế, vấn đề ở đây là phải làm sao chấn chỉnh được chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
 
 


Copy từ: Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét