(ĐVO)
- Đặc trưng nổi bật của cách điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua tính
từ năm 2007, khi nền kinh tế nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO), là nặng về sử dụng các biện pháp hành chính, giật cục, thiếu
nhất quán và khó dự báo.
Những tuyên bố về yêu cầu áp dụng cơ chế giá thị trường cho một số ít mặt hàng chiến lược còn lại mà giá cả chưa được “thị trường hóa” đầy đủ được đưa ra nhiều và khá mạnh mẽ, nhưng lại chậm hoặc ít được thực thi.
Xu hướng chung là nền kinh tế càng bất ổn thì cách điều hành hướng vào xử lý tình thế ngắn hạn như vậy càng “áp đảo”. Nhưng do hiệu quả đạt được của cách điều hành này thấp nên chúng càng làm gia tăng tình trạng mất lòng tin của thị trường.
TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Trong số các chính sách điều hành vĩ mô của năm 2012, có thể lấy cách điều hành chính sách tiền tệ, trong đó, nổi bật nhất là chính sách lãi suất, làm “mẫu” để phân tích nhằm rút ra những kinh nghiệm.
Trong vài năm qua, lãi suất được điều
hành chủ yếu bằng mệnh lệnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay vì sử
dụng các công cụ thị trường (công cụ chính sách tiền tệ). Cơ chế điều hành là “áp đặt” lãi suất huy động trong khi để “tùy định” lãi suất cho vay. Theo
cơ chế này, người gửi tiền bị áp đặt trần lãi suất trong khi người cho
vay (các ngân hàng) có quyền áp đặt lãi suất cho vay nhiều hơn trong
quan hệ “thỏa thuận lãi suất” với các doanh nghiệp đi vay.
Hai năm qua, trong điều hành thực tế,
sử dụng quyền được quyết định “trần lãi suất huy động”, NHNN luôn chủ
động giảm lãi suất huy động xuống mạnh hơn và nhanh hơn lãi suất tín
dụng. Nghĩa là về nguyên tắc, trong suốt một thời gian khá dài, cách làm
của NHNN cho phép duy trì khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi
suất cho vay ít nhất là an toàn, nếu không nói là luôn có lợi cho các
ngân hàng trong khi các doanh nghiệp vẫn cứ phải trông chờ lãi suất hạ
từng điểm phần trăm để giảm nhẹ gánh nặng lãi suất cao - nợ xấu và giảm
thiểu nguy cơ đóng cửa vì không thể tiếp cận vốn do lãi suất vẫn cao.
Tuy cách điều hành lãi suất đó của
NHNN dựa vào một lý lẽ có vẻ như rất khó bắt bẻ về mặt nguyên tắc - để
hạ lãi suất cho vay thì trước hết phải hạ lãi suất huy động, song thực
tế duy trì “độ trễ” của việc giảm lãi suất cho vay so với giảm lãi suất
huy động trong suốt một thời gian dài làm cho tương quan lợi ích giữa
ngân hàng với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung trở nên khó biện
minh: trong khi các doanh nghiệp cần được “cấp cứu” thì ngân hàng vẫn
không muốn chia sẻ một phần lợi ích mình thu được với doanh nghiệp; ngân
hàng cũng không muốn chịu bất cứ rủi ro nào, trước tiên là rủi ro giảm
hay mất lợi nhuận trong khi nền kinh tế và các doanh nghiệp đang lâm vào
tình thế khó khăn nghiêm trọng, đến mức nhiều doanh nghiệp đã phải chịu
thua lỗ lớn và phải đóng cửa.
Cũng phải nói thêm rằng chính sách lãi
suất trong thời gian qua, nếu nhìn tổng thể, còn gây ra hiệu ứng “kép”:
một bên là làm suy yếu động cơ gửi tiền vào ngân hàng của xã hội; một
bên khác là làm chậm quá trình tiếp cận vốn giá rẻ hơn của các doanh
nghiệp.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân mới được tổ chức vào đầu tháng
4/2013, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho
biết: Hiện nay có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu. Không có điểm mới đáng kể
nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay ngoại trừ xu hướng xấu đi
của tình hình.
Trong các bài viết, bài nói về kinh tế trên các diễn đàn, hai từ
được dùng với tần số cao nhất là “nghiêm trọng” và “quyết liệt” - dù
khác nhau về nội dung diễn đạt, hóa ra chỉ phản ánh duy nhất một điều:
tình thế khó khăn hơn của nền kinh tế, đến độ gay gắt mà chưa hề phản
ánh tính chất quyết liệt của hành động cải cách thực tế. Bởi vậy cần có
sự bàn thảo để tìm câu trả lời cho câu hỏi cải cách trong bối cảnh nền
kinh tế ngày càng khó khăn, thậm chí, có nguy cơ khủng hoảng, ở Việt Nam
thực sự có nghĩa là gì? Tại sao suốt mấy năm trời, đã không có một nỗ
lực cải cách thực sự nào được thực thi? Phải chăng động lực và năng lực
cải cách của nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng?
Việc không biết chính xác số nợ xấu, còn xấu hơn cả nợ xấu, bởi
không có số liệu đáng tin cậy thì không thể xây dựng chiến lược đúng để
giải quyết vấn đề.
Vẫn xấu hơn cả nợ xấu, đó là quá nhiều doanh nghiệp - lực lượng
chủ lực của tăng trưởng - đã “chết”. Hiện tượng số doanh nghiệp đóng cửa
của quý một năm nay ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới được ông
Thiên cho là sự kiện mang tính lịch sử. Bởi chênh lệch của hai số liệu
này thường ở khoảng 10 nghìn, nghiêng về số doanh nghiệp mới.
Còn nhiều thứ khác, là xấu hơn hoặc ít nhất cũng xấu bằng nợ xấu, trong đó có tồn kho bất động sản - một khái niệm mới.
Copy từ: Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét